Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Những điều cần biết về ngọn Lửa - điều khác biệt giữa người và vật

Bạn đã từng bao giờ thắc mắc xem lửa sinh ra như thế nào chưa? Lửa có hình dạng như thế nào? Bản chất ngọn lửa ra sao?...

Lửa có thể phá huỷ ngôi nhà của bạn và tất cả những gì bạn có chỉ trong vòng chưa đến một giờ đồng hồ, biến một khu rừng rộng lớn chỉ còn lại than và tro tàn. Lửa cũng là một loại vũ khí đáng sợ, với sức tàn phá gần như vô hạn, mỗi năm lửa lấy đi nhiều mạng sống hơn bất kì một sức mạnh thiên nhiên nào khác.



Nhưng ngược lại, lửa lại có rất nhiều công dụng trong cuộc sống. Lửa cho chúng ta ánh sáng và hơi ấm. Lửa còn giúp nấu chín thức ăn, rèn kim loại, làm đồ gốm, nung gạch, và vận hành nhà máy nhiệt điện... Tóm lại, lửa là một thứ nguy hiểm, nhưng cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nó thực sự là một trong những yếu tố quan trọng nhất của lịch sử loài người.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Đôi điều thú vị về và cục tẩy

Trong thời đại công nghệ hiện đại, chúng ta có rất nhiều thiết bị điện tử có thể dùng để ghi chép. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta bỏ qa những vật dụng cơ bản cần thiết mà trước kia vẫn sử dụng. Những chiếc bút, quyển sổ … cũng vẫn được tiêu thụ và sử dụng. Đặc biệt trong đó là bút chì. Hàng năm vẫn có hàng tỉ chiếc bút chì được tiêu thụ. Nó không chỉ là một vật để viết mà còn dùng để vẽ. Và thực tế là người ta ưa chuộng sử dụng bút chì nhất trong các loại bút bởi những thứ viết ra, vẽ ra có thể dễ dàng xóa, chỉnh sửa được. Thứ công cụ dùng để xóa vết bút chì được gọi là viên tẩy. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tẩy và công năng “thần kì” của nó.

Chiếc bút chì



Nói đến tẩy có lẽ phải bắt đầu từ động lực để phát minh ra nó, đó là bút chì. Có rất nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn tin vào một điều là bút chì được làm từ chì. Thật may mắn là hoàn toàn không phải như thế nên có lỡ nuốt phải một mẩu bút chì thì bạn cũng sẽ không phải lo về việc nhiễm độc chì (cho dù vậy điều này cũng không nên xảy ra). Chính xác thì bút chì thường có lõi bằng chất liệu than chì (graphite) và các hợp chất của nó, Thời cổ La Mã, các học giả tôn giáo chuyên nghiệp đã sử dụng thanh kim loại gọi là stylus để viết trên giấy làm từ vỏ cây papyrus. Than chì graphite được lịch sử ghi nhận sử dụng từ năm 1564. Ruột bút chì trong sản xuất công nghiệp thường được tạo ra bằng hỗn hợp than chì và đất sét mịn trộn với nước để tạo các sợi ruột chì dài. Các sợi ruột chì này được nhúng vào dầu hoặc sáp và đổ vào nửa phần vỏ bút có tạo rãnh. Sau đó, nửa phần vỏ bút còn lại được gắn lên trên và ép lại. Sau đó, cây chì dài này được sơn lại và cắt ra thành từng đoạn bút chì để bán. Hệ thống phân loại độ cứng bút chì Châu Âu hiện đại được trải từ 9H (cứng và nhạt nhất) đến 9B (mềm và đậm nhất).

Vào thập niên 1970, NASA đã chi hàng triệu đô la Mỹ để nghiên cứu một loại bút áp lực để các phi hành gia có thể viết được trong tình trạng không trọng lực. Trong khi đó, người Liên Xô sử dụng một phương pháp đơn giản hơn để đạt được mục đích là viết trong tình trạng không trọng lực: sử dụng bút chì truyền thống.

Cho đến cục tẩy 



Và do nhu cầu, nửa thế kỉ sau khi bút chì được sử dụng rộng rãi, người ta bắt đầu nghiên cứu để cho ra sản phẩm đồng hành cùng nó là tẩy. Xuất phát từ nhu cầu muốn sửa chữa đường nét từ bút chì viết ra, người ta bắt đầu nghĩ đến một vật có khả năng làm được điều đó. Cục tẩy đầu tiên được sử dụng từ hàng trăm năm trước, khi người ta viết bằng thứ bút chì cứng làm bằng chì và thiếc - chính là ruột bánh mì. Vào ngày 15 tháng tư năm 1770, Joseph Priestley dùng kẹo cao su thực vật để loại bỏ các vết bút chì, từ đó người ta bắt đầu sáng chế ra tẩy gần giống với hiện đại. Ý tưởng gắn liền bút chì và tẩy là của Hyman L. Lipman ở Philadelphia. Điều này đã mang lại sự giàu có cho ông ta nhờ bán bản quyền phát minh vào năm 1858 với giá 100.000 đô la. Tuy nhiên cuối cùng thì bằng sáng chế này bị vô hiệu hóa bởi nó đơn giản chỉ là sự kết hợp của hai sáng chế chứ không phải là một phát minh hoàn toàn mới. Ngày nay, những cục tẩy hiện đại làm bằng hỗn hợp dầu ăn, đá bọt và sulfur - tất cả được kết dính nhờ cao su.

Việc sử dụng tẩy rất đơn giản, khi nhận thấy cần sửa chữa gì, người ta chỉ việc mài tẩy vào đoạn giấy đó, chà xát nó thật mạnh. Và như chúng ta thấy cục tẩy sẽ dần rã ra. Chính vì sự dễ dàng này nên tẩy rất nhanh chóng trở nên phổ biến. Một ví dụ minh chứng cho việc viên tẩy có tính đa năng và công dụng thương mại cao đó là vào năm 1955, khi Walt Disney gọi điện cho William Diener về việc các cây bút chì không được ưa chuộng lắm trong các cửa hàng lưu niệm tại Disneyland. Trong cuộc điện thoại đó, William Diener – với tư cách là một nhà công nghiệp chuyên sản xuất tẩy đã thuyết phục Disney đặt các viên tẩy dưới hình dạng các nhân vật Disney để bán kèm. Và sau đó việc kinh doanh tại Disneyland được cải thiện rất nhiều.

Một số loại tẩy


Có rất nhiều các loại tẩy khác nhau. Loại tẩy đi kèm cùng cây bút chì còn được gọi là tẩy cắm, thường có màu hồng và chứa cao su cứng nên đôi khi sử dụng loại này sẽ gây xước giấy và phải dùng lực mạnh để chà. Tẩy bằng nhựa vinyl trắng dễ dàng tẩy hơn nhiều so với tẩy màu hồng nên sau này được ưa chuộng hơn. Hiện tại hầu như những loại bút chì mới sản xuất ra không gắn kèm cục tẩy hồng ở trên nữa. Một loại tẩy nữa được gọi là tẩy nhào, nó mềm và bạn có thể nhào trong tay. Nó hấp thụ được các hạt than chì mà không gây ma sát nhiều cũng như không để lại các vết ố, vụn … Tẩy nghệ thuật là tên của một loại tẩy mềm được làm từ cao su thô. Ưu điểm của nó là không làm hỏng giấy và tẩy được trên diện tích rộng nhưng nhược điểm đó lại để lại quá nhiều vun bám. Màu của loại tẩy này thường là nâu, đôi khi là màu xanh.

Ngoài ra do sự phát triển hiện đại, người ta còn chế tạo ra được tẩy điện, tẩy điện là một cái bút có nút bấm. Khi bấm nút, đầu có tẩy sẽ được ma sát với một tốc độ đều và thích hợp, giúp tẩy đi được vết bẩn dễ dàng và gây ít xây xước cho giấy, nó giúp tiết kiệm được thời gian.

Kết

Từ khi được phát minh ra cho đến tận bây giờ. Cục tẩy đã luôn được sử dụng thường xuyên và đối với trẻ em khi đi học hoặc những kiến trúc sư, họa sĩ đây là một đồ dùng không thể thiếu trong công việc hàng ngày. Trong tương lai gần, có lẽ rằng cục tẩy cũng vẫn sẽ giữ được vị trí tối quan trọng của nó và là người bạn song hành của những chiếc bút chì.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Một số công dụng thú vị từ cây dừa

Nhắc đến cây dừa là chúng ta liên tưởng ngay đến những bãi biển đẹp với ánh nắng chói chang, cát trắng và những đợt sóng xanh biếc. Có thể nói, dừa từ lâu đã trở thành một nét văn hóa, một người bạn gắn liền với cuộc sống của những người dân ven biển. Không chỉ đóng vai trò điều hòa khí hậu mà cây dừa còn có vô vàn những công dụng tuyệt vời khác. Dưới đây là một số câu chuyện khá thú vị về cây dừa mà có lẽ các bạn chưa biết tới.

1. Nước dừa được sử dụng trong việc truyền ven



Nước dừa là thức uống giải khát khá nổi phổ biến tại nhiều vùng nhiệt đới. Được mệnh danh là thức uống vô trùng (khi quả dừa chưa bị bổ ra), chính vì vậy nó hoàn toàn có thể sử dụng làm dung dịch truyền ven. Trong những trường hợp khẩn cấp, nước dừa còn được sử dụng như là một chất lỏng làm thông tĩnh mạch thay vì dùng các chất lỏng tiêu chuẩn thông thường. Thực tế, trong Chiến tranh thế giới II nhiều binh sĩ bị thương đã được cứu tại Thái Bình Dương do cần truyền máu khẩn cấp nên các bác sĩ đã dùng nước dừa như một loại nước truyền dịch để thay thế.

2. Mặt nạ chống độc



Chiến tranh thế giới thứ nhất đã đánh dấu một bước đột phá lớn về vũ khí hóa học và sự ra đời của mặt nạ chống độc là một điều hoàn toàn tất yếu. Các mặt nạ phòng độc thường dùng tấm lọc carbon hoạt tính để làm sạch không khí nhưng chúng thường không ổn định và có thể bị rò rỉ. Các nhà sản xuất mặt nạ phòng độc ở Mỹ đã phát triển một hệ thống hơi hoạt tính – thu được bằng cách đốt vỏ dừa. Hiện nay, than dừa đã trở thành một thành phần quan trọng trong việc làm sạch bức xạ và được sử dụng phần lớn trong việc xử lý các rò rỉ ở vụ nổ nhà máy hạt nhân Fukushima.

3. Làm cách nào để thu hoạch dừa tiện nhất ?



Trèo lên đỉnh của cây dừa đã khó, lấy được quả dừa lại càng khó hơn. Thực tế, không phải ai cũng vừa trèo lên cây vừa hái được quả dừa xuống được như những loại cây khác, việc này hết sức nguy hiêrm. Và những người dân trồng dừa, kinh doanh nước dừa cũng phải có mánh riêng của họ - đó là những chú khỉ. Ở một số nước nhiệt đới như Sumatra, người dân sử dụng những chú khỉ để thu hoạch trái dừa cho họ. Những con khỉ bị xích bởi một sợi dây dài, sau đó đều được huấn luyện hết sức kĩ càng để có thể tập trung vào công việc hái dừa của mình mà không chạy nhảy đi chỗ khác. Chúng không chỉ là những người bạn thân thiết mà còn đem lại cho người dân nơi đây những món tiền kha khá.

4. Cung điện “dừa”



Nước dừa không chỉ là một thức uống giải khát tuyệt vời mà thân dừa còn là một loại vật liệu xây dựng chắc chắn. Câu chuyện về việc xây nhà từ cây dừa đã không còn quá xa lạ với mọi người nhưng để xây được một cung điện bằng cây dừa như Tổng thống Phillipines Ferdinand Marcos thì không phải ai cũng dám thực hiện. Để gây ấn tượng với Đức Giáo Hoàng John Paul đệ nhị, Marcos đã cho xây dựng một khu biệt thự với tổng giá trị lên đến 37 triệu peso ( khoảng 10 triệu USD). Nó được làm với 70% là hoàn toàn từ gỗ dừa. Những thành phần khác của cây dừa như trái dừa và lá dừa cũng được các kiến trúc sư tận dụng triệt để vào việc thiết kế nội thất và trang trí.

Vậy liệu cung điện này có gây ấn tượng với Đức Giáo Hoàng hay không ? Câu trả lời là có nhưng không làm cho ông cảm thấy hài lòng. Khi mà việc xây cả một cung điện này là quá hoang phí và hào nhoáng trái ngược với sở thích của Đức Giáo Hoàng. Cuối cùng, ông đã quyết định ở một nơi khác không phải căn biệt thự bằng dừa này.

5. Lá dừa



Lá dừa được coi là một nguyên liệu tuyệt vời để làm mái che nhà, làm áo mưa, giỏ đựng đồ. Nhưng ít ai biết rằng chúng còn có nhiều công dụng hơn thế. Các gân giữa của các lá (chét) cũng có độ cứng thích hợp cho việc làm các que xiên (để nướng thịt chẳng hạn) trong nấu ăn.

Các chồi non trên ngọn cây dừa có thể ăn được và nó đôi khi được thu hái để làm rau ăn. Phần bên trong của lá non đang lớn cũng có thể thu hoạch làm tim dừa và nó được coi là một loại đặc sản. Tim dừa thường được ăn trong các món rau trộn. Tuy nhiên kiểu khai thác này cũng làm chết cây dừa và hiện nay không được khuyến khích.

6. Dừa trong nghệ thuật điêu khắc



Những nghệ sĩ tài năng có thể tạo nên vẻ đẹp từ bất cứ thứ gì và dừa không phải là ngoại lệ. Đặc biệt là trong nghệ thuật điêu khắc, bao gồm cả những bức điêu khắc đòi hỏi độ tinh xảo và kĩ năng điêu luyện. Bề mặt nhẵn nhụi, khó nứt vỡ biến gáo dừa thành một vật liệu vẽ tranh hoàn hảo. Cây dừa cũng là một phần không thể thiếu trong một số điệu nhảy dân gian ở một số nước nhiệt đới. Hãy lấy Maglalatik làm ví dụ - một điệu nhảy truyền thống của người Philippines. Người ta sử dụng nửa gáo dừa để làm trống và đeo chúng ở trên nhiều bộ phận của cơ thể.

7. Nhiên liệu sinh học



Dừa có thể cung cấp một nguồn năng lượng lớn cho cơ thể con người. Vậy với máy móc thì sao? Nhiên liệu sinh học là một bước đột phá lớn trong tình hình nguồn tài nguyên đang bị cạn kiệt. Cây dừa là một trong những loại cây có thể sản xuất dầu sinh học được sử dụng trong các nhà máy. Không chỉ có vậy, chúng còn có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác như chất phụ gia hay là chất thay thế trực tiếp cho dầu diesel. Có thể bạn chưa biết nhưng động cơ diesel đầu tiên trên thế giới được chạy từ một loại dầu có tên gọi là dầu bơ lạc. Do đó, dừa hoàn toàn có thể thay thế được các loại dầu máy hóa học khác.

8. Rượu dừa



Thực tế, dừa không chỉ là một loại thức uống giải khát đơn thuần mà nó hoàn toàn có thể được đưa vào thực đơn nhậu nhẹt của những đấng mày râu. Ở Phlippines, nhựa từ hoa dừa được dùng để chưng cất thành một loại rượu mạnh có tên gọi là lambanog. Loại rượu này có nồng độ lên tới 80-90 độ nhưng hoàn toàn không có chất hóa học và hoàn toàn tự nhiên. Lambanog thường được người dân bản địa chưng cất, nhưng hiện nay chúng đã được một số nhà máy sử dụng và thêm một số hương vị để đưa ra thị trường như xoài, việt quất…

9. Bộ giáp dừa



Khi nhắc đến “bộ giáp dừa”, có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc sử dụng gáo dừa như một loại mũ bảo hiểm hay bảo vệ cầu vai, tay… Nhưng người dân ở quần đảo Micronesian ở Kiribati lại thông minh hơn nhiều.

“Bộ giáp” của họ được dệt hoàn toàn từ xơ dừa, giống như những bộ quần áo bình thường vậy. Áo giáp bao gồm mũ, áo giáp thân, tấm bảo vệ lung, quần và một chiếc áo bó ngoài.Mọi chi tiết đều được làm rất công phu và tinh tế.

10. Nguồn cảm hứng nghệ thuật



Từ lâu, dừa đã là một đề tài bất tận trong lĩnh vực nghệ thuật đem lại nhiều cảm xúc các nghệ sĩ. Thực tế, chúng là nguồn cảm hứng sáng tác nên nhiều ca khúc nổi tiếng trong âm nhạc. Ví dụ như bài “Coconut” của Harry Nilsson đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của mọi người vào đầu những năm 70 và trở thành 1 ca khúc hit của bảng xếp hạng Billboard. Sau khi xuất hiện nhiều lần trên sóng phát thanh vào thời điểm đó, ca khúc này còn xuất hiện trong nhiều bộ phim khác nhau cũng như các seri phim truyền hình như ( The Simpsons, House, Doogie Howser, M.D) và các trò chơi điện tử…

Thần chết là ai?

Cùng tìm hiểu về một trong những biểu tượng văn hóa lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại

“Taxes and death”, một câu ngạn ngữ nổi tiếng đã khẳng định rằng, không có gì là chắc chắn trên cõi đời này, trừ 2 thứ: đó là thuế và cái chết. Chúng ta luôn hiểu rõ về thuế, chúng ta biết chúng ta sẽ bị xẻo bớt bao nhiêu phần trăm trong số chúng ta kiếm được. Nhưng còn cái chết? Liệu nó có được cụ thể như thế? Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào? Chúng ta sẽ thấy gì? Đi đến đâu? Và chúng ta sẽ làm gì?

Có lẽ chỉ một người trả lời được tất cả những câu hỏi này – Thần chết. Tấm áo choàng phủ kín bộ mặt lạnh lẽo, chiếc lưỡi hái đã quá quen thuộc với việc lấy đi sinh mạng con người, thần chết tìm đến tất cả mọi người, cùng chiếc đồng hồ cát trên tay. Thần chết đứng đó, lặng lẽ chờ đợi cho đến khi hạt cát cuối cùng rơi xuống, và đó cũng là lúc lưỡi hái của Ngài lấy đi linh hồn của bạn.


Đó chính là “công việc” của Thần chết – buộc con người phải đối diện với cái chết. Nhưng tại sao con người luôn phác họa thần chết một cách lạnh lùng, hiểm độc đến vậy? Tại sao đó không phải là một người bạn, một người dẫn đường, đưa những linh hồn đi đúng hướng? Và tại sao, đó nhất định phải là một người đàn ông? Hãy cùng chúng tôi tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Chúng ta không bất tử

Để đối mặt với tử thần, bạn cần đối diện với bản thân cái chết. Bạn phải chấp nhận nó. Phần lớn các nền văn hóa và tôn giáo đều cho rằng, con người vốn dĩ là những sinh vật bất tử, nhưng sau đó đã trượt ngã khỏi sự sáng tạo hoàn hảo của Đấng tối cao. Adam và Eva là những ví dụ điển hình. Theo Kinh Cựu ước, Chúa đã tạo ra Adam và Eva để chăm lo và phát triển thế giới mà ngài đã sinh ra. Người đàn ông và đàn bà đầu tiên của thế giới sống ở một nơi hoàn hảo – Vườn Địa đàng. Chúa yêu cầu Adam chăm lo cho khu vườn, và được phép hái lượm bất cứ thứ cây cỏ nào, trừ trái táo cấm. Không kiềm chế được trước sự dụ dỗ của Satan, Adam và Eva đã vi phạm điều này, và bị Chúa trừng phạt bằng cách để họ nếm trải cái chết, về cả thể xác lẫn tinh thần.


Trong những tôn giáo khác, loài người không hề bất tử, nhưng họ luôn tìm kiếm cách thức để trở nên bất tử, và tất nhiên, họ luôn thất bại. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy điều này trong rất nhiều câu chuyện cổ xưa, trong đó có truyền thuyết về Gilgamesh. Gilgamesh vốn là con trai của một nữ thần và một vị vua, tuy nhiên, anh cũng chỉ là một người đàn ông bình thường. Sau khi chứng kiến cái chết của Enkidu, bạn thân nhất của mình, anh quyết định bắt đầu hành trình tìm kiếm sự bất tử. Hành trình này đưa anh đến với Utnapishtim, một con người đã được các vị thần ban phước để trở nên bất tử. Utnapishtim hứa sẽ cho Gilgamesh sự bất tử nếu anh có thể thức trắng 1 tuần. Gilgamesh sau đó tất nhiên không thể thực hiện nổi nhiệm vụ này, nhưng Utnapishtim vẫn trao cho anh một loại cây có khả năng làm chủ nhân của nó mãi tươi trẻ. Trên con đường trở về, một con rắn đã rình mò ăn mất loài cây này và nuốt chửng luôn hi vọng của Gilgamesh.

Trong câu chuyện trên, Gilgamesh đã trở về nhà và chấp nhận cuộc đời không-thể-bất-tử của mình. Anh sống hạnh phúc cho đến cuối đời. Tuy nhiên, loài người không phải ai cũng vậy. Cái chết như một bóng đêm bao trùm lên mọi chi tiết trong cuộc đời chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra khi ta chết, và điều gì sau đó nữa? Để hợp lý hóa cái chết, chúng ta cần hình tượng hóa nó, trao cho nó một hình dạng mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra. Nếu bạn nhìn vào cái chết và nhận ra một gương mặt quen thuộc, bạn có thể hiểu nó. Nếu bạn nhìn vào cái chết và thấy một gương mặt đẹp đẽ, thân thiện, bạn có thể dễ dàng gạt bỏ mọi sự sợ hãi và chấp nhận nó.

Thần chết nguyên thủy

Nếu bạn định nhân cách hóa cái chết, tại sao không làm nó trở nên dễ gần và thân thiện? Đó chính là cách người Hy Lạp tiếp cận cái chết, khi họ tạo ra thần chết Thanatos. Thanatos là người anh em song sinh của Hypnos, vị thần của giấc ngủ, và cả 2 đều được phác họa như là những chàng trai trẻ tuổi và lịch lãm. Trong một số dị bản, Thanatos thậm chí còn xuất hiện cùng với đôi cánh – biểu tượng của những thiên thần. Nhiệm vụ của ngài là đồng hành cùng những vong hồn tới chỗ Hades, địa ngục của người Hy Lạp. Tại đó, Thanatos sẽ đưa những linh hồn tới chỗ Charon, người lái đò trên sông Styx. Rõ ràng, trong phiên bản này, thần chết không hề lạnh lẽo, đáng sợ, mà trái lại còn rất hấp dẫn và thân thiện.


Cũng có những phiên bản nữ của thần chết. Trong truyền thuyết của người Na Uy, các Valkyries là những phụ nữ trẻ trung xinh đẹp phục vụ dưới trướng thần Odin, vừa làm nhiệm vụ truyền tin, vừa làm nhiệm vụ hộ tống các linh hồn chết trận về với thiên đường. “Valkyries” có nghĩa là “người lựa chọn”. Trong suốt trận chiến, họ sẽ cưỡi trên lưng những con ngựa có cánh, bay khắp chiến trường và chọn ra những chiến binh dũng cảm nhất. Linh hồn của họ sẽ được đưa đến Valhalla, điện của thần Odin. Sau khi đã đến được thế giới bên kia, họ sẽ được tham gia vào trận chiến Ragnarok, trận đại chiến cuối cùng đánh dấu sự chấm dứt của thế giới.

Thiên thần chết chóc và Đại dịch đen

Khái niệm thần chết, về mặt học thuật, được ra đời ở châu Âu vào thời kỳ Trung cổ. Nhưng một trận đại dịch xuất hiện vào cuối thế kỷ 14 đã vĩnh viễn thay đổi cách nhìn của con người về khái niệm cái chết. Là một trong những trận đại dịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại, dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của 25 triệu người trong đợt bùng phát khởi đầu, và thêm nhiều triệu người tiếp tục ra đi trong nhiều thế kỷ sau đó. Sự sợ hãi – trước cái chết, trước sự giận dữ của Đấng tối cao, trước sự đau đớn và những mảng đen khủng khiếp trên da người bệnh trong giai đoạn cuối, đã trùm bóng đêm lên khắp châu Âu trong suốt một thời gian dài. Chết, chết và chết, đó là tất cả những gì gợi cảm hứng cho các sáng tác nghệ thuật.


Vì vậy, cũng không có gì quá bất ngờ khi cái chết bắt đầu xuất hiện trong nghệ thuật như là những bộ xương trắng. Vũ khí của Thần chết dần được cải dạng, từ ngọn giáo cho đến chiếc nỏ, và cuối cùng là chiếc lưỡi hái rất phổ biến ngày nay. Rất nhiều bức họa phác thảo cảnh Thần chết vung lưỡi hái lên và nhanh chóng tiễn đưa nạn nhân xuống cõi âm. Cũng có nhiều tác phẩm nghệ thuật sử dụng hình ảnh một người phụ nữ trẻ đứng kế bên thần chết, như là một biểu tượng cho cây cầu nối giữa sự sống và cái chết.

Biểu tượng thần chết

Mọi chi tiết được phác họa về thần chết đều là một biểu tượng, chúng đều được dựng lên với một ý nghĩa nào đó. Từ những đồ vật Ngài mang theo, bộ quần áo Ngài mặc đều cho chúng ta biết về bản chất và ý định của Ngài.

Đầu lâu và bộ xương: Khi đại dịch quét qua châu Âu, những xác chết ngổn ngang khắp hè phố không phải là thứ gì đó quá xa lạ. Chết chóc đã trở nên quá đỗi thường xuyên đến mức nó đã hằn sâu vào mọi sáng tác thời bấy giờ. Xác chết dần mục rữa, bộ xương trắng là thứ duy nhất còn sót lại sau khi vi khuẩn và ròi bọ đã hoàn tất công việc của mình. Đó cũng chính là nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của con người.



Áo choàng đen: Màu đen từ lâu đã là biểu tượng của chết chóc và tang tóc. Nhưng màu đen cũng là màu của quỷ dữ. Màu đen cũng góp phần phủ thêm vẻ huyền bí và lạnh lẽo lên sự hiện diện của thần chết. Những thứ chúng ta không thể thấy cũng đáng sợ như những thứ chúng ta có thể thấy, vậy nên, Thần chết đứng đó, ẩn mình sau lớp áo choàng để trùm sự sợ hãi lên mỗi con người chúng ta.

Lưỡi hái: Trong những phiên bản đầu tiên, vũ khí của Thần chết là khá đa dạng: cung tên, giáo mác và nỏ - đó là những thứ Ngài sử dụng để lấy đi linh hồn của nạn nhân. Sau đó, lưỡi hái ra đời và trở nên phổ biến hơn với hình ảnh Thần chết. Đó là thứ công cụ để gặt hái vào mỗi vụ mùa, và hình ảnh này dường như gắn bó với những nền văn hóa nông nghiệp thời kỳ sơ khai, nó đại diện cho cái chết luôn đến vào mỗi năm. Chúng ta, những con người nhỏ bé, gặt hái thóc, lúa, hoa quả, còn Thần chết, ngài “gặt” linh hồn để đưa họ đến thế giới bên kia.

Đồng hồ cát: Một biểu tượng về thời gian và sự hữu hạn của nó. Thần chết sở hữu chiếc đồng hồ thời gian và kiên nhẫn chờ đợi từng hạt rơi xuống. Không có cách nào đảo ngược quá trình này, và sẽ đến lúc chúng ta cầu xin Đấng tối cao chỉ thêm một khoảnh khắc nhỏ nhoi nữa để tận hưởng cuộc sống.

Hình ảnh này có sức lan tỏa mạnh đến mức, thậm chí nó còn xuất hiện trong nhiều văn bản tôn giáo chính thống. Kinh Tân Ước là ví dụ điển hình nhất. Trong Kinh Tân Ước 6: 1-8, bốn người kỵ sĩ xuất hiện để dẫn đường cho những tai họa nhằm chấm dứt thế giới, đó là Bệnh dịch, Chiến tranh, Nạn đói và Cái chết. Trong bốn người này, Thần chết dường như có sức ảnh hưởng rõ rệt nhất. Con ngựa Ngài cưỡi đại diện cho tai ương và chết chóc lan tỏa theo mỗi bước đi của nó. Phần lớn các mô tả khá giống với những gì người ta từng biết: Áo choàng đen phủ lên bộ xương trắng, lưỡi hái luôn trong tư thế sẵn sàng cho việc gieo rắc chết chóc và sự sợ hãi.

Kết

Cho đến nay, hình ảnh Thần chết đã bị cải biên đi khá nhiều nhằm phục vụ cho mục đích truyền thông và giải trí. Dù xuất hiện theo cách nào đi nữa, đáng sợ hay hài hước, dù là phụ nữ hay đàn ông, Thần chết vẫn luôn là một trong những biểu tượng văn hóa lâu đời nhất. Truyền thuyết có thể bị phai mờ, nhưng Thần chết vẫn luôn đứng đó, kiên nhẫn chờ đợi trong đêm đen, chờ đợi khoảnh khắc cuối cùng của mỗi người trong số chúng ta.

Tham khảo: Howstuffworks

Trái cây chỉ tốt khi ăn, uống nước ép là vô dụng

Bạn thường có thói quen ăn hoa quả tươi hay uống nước trái cây? Hy vọng bài viết sẽ mang đến thông tin bổ ích, giúp bạn có được thói quen ăn uống thật sự hợp lý cho sức khỏe.


Một nghiên cứu mới được công bố bởi BJM tuần này khẳng định rằng: "Ăn trái cây rất có lợi cho sức khỏe của bạn, trong khi uống nước trái cây không tốt cho sức khỏe, ngay cả khi chưa được chế biến".

Dựa trên việc phân tích thói quen ăn uống của 187.382 đối tượng nghiên cứu qua nhiều thập kỷ, nhóm nghiên cứu kết luận rằng: "Số ăn nhiều trái cây tươi giảm thiểu nguy cơ bị đái tháo đường typ 2, trong khi nhóm sử dụng nước trái cây nhiều hơn lại có nguy cơ cao hơn cho bệnh đái tháo đường typ 2.”


Đái tháo đường typ 2 là một thể phổ biến của bệnh đái tháo đường, và không như typ 1, bệnh này có thể giảm thiểu bằng chế độ ăn hợp lý. Các dữ liệu mới từ BMJ xác định lại kết quả rằng: quất, nho, táo, lê là những loại hoa quả giúp giảm đáng kể nhất của nguy cơ bệnh tiểu đường, được phát hiện và công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ năm ngoái. Những nghiên cứu mới của BMJ cũng tiến xa hơn, xem xét ảnh hưởng riêng biệt của việc ăn trái cây tươi và việc uống nước ép trái cây lên tỉ lệ người mắc đái tháo đường typ 2. Và tưởng như hai tỉ lệ trên là như nhau, thì hóa ra, chính việc uống nước ép trái cây lại hơi làm tăng khả năng mắc đái tháo đường typ2 trong khi ăn trái cây tươi thì ngược lại, làm giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Khi xử dụng nước ép trái cây, bạn đã loại bỏ đi chất xơ và nhiều thành phần dinh dưỡng đa lượng và vi lượng khác chứa trong vỏ và bã. Chính những thành phần này- dù chiếm tỉ lệ nhỏ trong trái cây- lại có ảnh hưởng lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ tiểu đường. Phần nước ép còn lại là phần chính àm bạn sử dụng lại chứa khá nhiều đường, và là loại đường rất dễ được hấp thu. Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa đường của cơ thể, do đó bạn nên cân nhắc lại thói quen sử dụng một ly nước cam hay nước táo vào buổi sáng. Thay vào đó, hãy ăn một quả cam hoặc táo tươi sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn.
DBS M05479
Quang Cao