“Taxes and death”, một câu ngạn ngữ nổi tiếng đã khẳng định rằng, không có gì là chắc chắn trên cõi đời này, trừ 2 thứ: đó là thuế và cái chết. Chúng ta luôn hiểu rõ về thuế, chúng ta biết chúng ta sẽ bị xẻo bớt bao nhiêu phần trăm trong số chúng ta kiếm được. Nhưng còn cái chết? Liệu nó có được cụ thể như thế? Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào? Chúng ta sẽ thấy gì? Đi đến đâu? Và chúng ta sẽ làm gì?
Có lẽ chỉ một người trả lời được tất cả những câu hỏi này – Thần chết. Tấm áo choàng phủ kín bộ mặt lạnh lẽo, chiếc lưỡi hái đã quá quen thuộc với việc lấy đi sinh mạng con người, thần chết tìm đến tất cả mọi người, cùng chiếc đồng hồ cát trên tay. Thần chết đứng đó, lặng lẽ chờ đợi cho đến khi hạt cát cuối cùng rơi xuống, và đó cũng là lúc lưỡi hái của Ngài lấy đi linh hồn của bạn.
Đó chính là “công việc” của Thần chết – buộc con người phải đối diện với cái chết. Nhưng tại sao con người luôn phác họa thần chết một cách lạnh lùng, hiểm độc đến vậy? Tại sao đó không phải là một người bạn, một người dẫn đường, đưa những linh hồn đi đúng hướng? Và tại sao, đó nhất định phải là một người đàn ông? Hãy cùng chúng tôi tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Chúng ta không bất tử
Để đối mặt với tử thần, bạn cần đối diện với bản thân cái chết. Bạn phải chấp nhận nó. Phần lớn các nền văn hóa và tôn giáo đều cho rằng, con người vốn dĩ là những sinh vật bất tử, nhưng sau đó đã trượt ngã khỏi sự sáng tạo hoàn hảo của Đấng tối cao. Adam và Eva là những ví dụ điển hình. Theo Kinh Cựu ước, Chúa đã tạo ra Adam và Eva để chăm lo và phát triển thế giới mà ngài đã sinh ra. Người đàn ông và đàn bà đầu tiên của thế giới sống ở một nơi hoàn hảo – Vườn Địa đàng. Chúa yêu cầu Adam chăm lo cho khu vườn, và được phép hái lượm bất cứ thứ cây cỏ nào, trừ trái táo cấm. Không kiềm chế được trước sự dụ dỗ của Satan, Adam và Eva đã vi phạm điều này, và bị Chúa trừng phạt bằng cách để họ nếm trải cái chết, về cả thể xác lẫn tinh thần.
Trong những tôn giáo khác, loài người không hề bất tử, nhưng họ luôn tìm kiếm cách thức để trở nên bất tử, và tất nhiên, họ luôn thất bại. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy điều này trong rất nhiều câu chuyện cổ xưa, trong đó có truyền thuyết về Gilgamesh. Gilgamesh vốn là con trai của một nữ thần và một vị vua, tuy nhiên, anh cũng chỉ là một người đàn ông bình thường. Sau khi chứng kiến cái chết của Enkidu, bạn thân nhất của mình, anh quyết định bắt đầu hành trình tìm kiếm sự bất tử. Hành trình này đưa anh đến với Utnapishtim, một con người đã được các vị thần ban phước để trở nên bất tử. Utnapishtim hứa sẽ cho Gilgamesh sự bất tử nếu anh có thể thức trắng 1 tuần. Gilgamesh sau đó tất nhiên không thể thực hiện nổi nhiệm vụ này, nhưng Utnapishtim vẫn trao cho anh một loại cây có khả năng làm chủ nhân của nó mãi tươi trẻ. Trên con đường trở về, một con rắn đã rình mò ăn mất loài cây này và nuốt chửng luôn hi vọng của Gilgamesh.
Trong câu chuyện trên, Gilgamesh đã trở về nhà và chấp nhận cuộc đời không-thể-bất-tử của mình. Anh sống hạnh phúc cho đến cuối đời. Tuy nhiên, loài người không phải ai cũng vậy. Cái chết như một bóng đêm bao trùm lên mọi chi tiết trong cuộc đời chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra khi ta chết, và điều gì sau đó nữa? Để hợp lý hóa cái chết, chúng ta cần hình tượng hóa nó, trao cho nó một hình dạng mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra. Nếu bạn nhìn vào cái chết và nhận ra một gương mặt quen thuộc, bạn có thể hiểu nó. Nếu bạn nhìn vào cái chết và thấy một gương mặt đẹp đẽ, thân thiện, bạn có thể dễ dàng gạt bỏ mọi sự sợ hãi và chấp nhận nó.
Thần chết nguyên thủy
Nếu bạn định nhân cách hóa cái chết, tại sao không làm nó trở nên dễ gần và thân thiện? Đó chính là cách người Hy Lạp tiếp cận cái chết, khi họ tạo ra thần chết Thanatos. Thanatos là người anh em song sinh của Hypnos, vị thần của giấc ngủ, và cả 2 đều được phác họa như là những chàng trai trẻ tuổi và lịch lãm. Trong một số dị bản, Thanatos thậm chí còn xuất hiện cùng với đôi cánh – biểu tượng của những thiên thần. Nhiệm vụ của ngài là đồng hành cùng những vong hồn tới chỗ Hades, địa ngục của người Hy Lạp. Tại đó, Thanatos sẽ đưa những linh hồn tới chỗ Charon, người lái đò trên sông Styx. Rõ ràng, trong phiên bản này, thần chết không hề lạnh lẽo, đáng sợ, mà trái lại còn rất hấp dẫn và thân thiện.
Cũng có những phiên bản nữ của thần chết. Trong truyền thuyết của người Na Uy, các Valkyries là những phụ nữ trẻ trung xinh đẹp phục vụ dưới trướng thần Odin, vừa làm nhiệm vụ truyền tin, vừa làm nhiệm vụ hộ tống các linh hồn chết trận về với thiên đường. “Valkyries” có nghĩa là “người lựa chọn”. Trong suốt trận chiến, họ sẽ cưỡi trên lưng những con ngựa có cánh, bay khắp chiến trường và chọn ra những chiến binh dũng cảm nhất. Linh hồn của họ sẽ được đưa đến Valhalla, điện của thần Odin. Sau khi đã đến được thế giới bên kia, họ sẽ được tham gia vào trận chiến Ragnarok, trận đại chiến cuối cùng đánh dấu sự chấm dứt của thế giới.
Thiên thần chết chóc và Đại dịch đen
Khái niệm thần chết, về mặt học thuật, được ra đời ở châu Âu vào thời kỳ Trung cổ. Nhưng một trận đại dịch xuất hiện vào cuối thế kỷ 14 đã vĩnh viễn thay đổi cách nhìn của con người về khái niệm cái chết. Là một trong những trận đại dịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại, dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của 25 triệu người trong đợt bùng phát khởi đầu, và thêm nhiều triệu người tiếp tục ra đi trong nhiều thế kỷ sau đó. Sự sợ hãi – trước cái chết, trước sự giận dữ của Đấng tối cao, trước sự đau đớn và những mảng đen khủng khiếp trên da người bệnh trong giai đoạn cuối, đã trùm bóng đêm lên khắp châu Âu trong suốt một thời gian dài. Chết, chết và chết, đó là tất cả những gì gợi cảm hứng cho các sáng tác nghệ thuật.
Vì vậy, cũng không có gì quá bất ngờ khi cái chết bắt đầu xuất hiện trong nghệ thuật như là những bộ xương trắng. Vũ khí của Thần chết dần được cải dạng, từ ngọn giáo cho đến chiếc nỏ, và cuối cùng là chiếc lưỡi hái rất phổ biến ngày nay. Rất nhiều bức họa phác thảo cảnh Thần chết vung lưỡi hái lên và nhanh chóng tiễn đưa nạn nhân xuống cõi âm. Cũng có nhiều tác phẩm nghệ thuật sử dụng hình ảnh một người phụ nữ trẻ đứng kế bên thần chết, như là một biểu tượng cho cây cầu nối giữa sự sống và cái chết.
Biểu tượng thần chết
Mọi chi tiết được phác họa về thần chết đều là một biểu tượng, chúng đều được dựng lên với một ý nghĩa nào đó. Từ những đồ vật Ngài mang theo, bộ quần áo Ngài mặc đều cho chúng ta biết về bản chất và ý định của Ngài.
Đầu lâu và bộ xương: Khi đại dịch quét qua châu Âu, những xác chết ngổn ngang khắp hè phố không phải là thứ gì đó quá xa lạ. Chết chóc đã trở nên quá đỗi thường xuyên đến mức nó đã hằn sâu vào mọi sáng tác thời bấy giờ. Xác chết dần mục rữa, bộ xương trắng là thứ duy nhất còn sót lại sau khi vi khuẩn và ròi bọ đã hoàn tất công việc của mình. Đó cũng chính là nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của con người.
Áo choàng đen: Màu đen từ lâu đã là biểu tượng của chết chóc và tang tóc. Nhưng màu đen cũng là màu của quỷ dữ. Màu đen cũng góp phần phủ thêm vẻ huyền bí và lạnh lẽo lên sự hiện diện của thần chết. Những thứ chúng ta không thể thấy cũng đáng sợ như những thứ chúng ta có thể thấy, vậy nên, Thần chết đứng đó, ẩn mình sau lớp áo choàng để trùm sự sợ hãi lên mỗi con người chúng ta.
Lưỡi hái: Trong những phiên bản đầu tiên, vũ khí của Thần chết là khá đa dạng: cung tên, giáo mác và nỏ - đó là những thứ Ngài sử dụng để lấy đi linh hồn của nạn nhân. Sau đó, lưỡi hái ra đời và trở nên phổ biến hơn với hình ảnh Thần chết. Đó là thứ công cụ để gặt hái vào mỗi vụ mùa, và hình ảnh này dường như gắn bó với những nền văn hóa nông nghiệp thời kỳ sơ khai, nó đại diện cho cái chết luôn đến vào mỗi năm. Chúng ta, những con người nhỏ bé, gặt hái thóc, lúa, hoa quả, còn Thần chết, ngài “gặt” linh hồn để đưa họ đến thế giới bên kia.
Đồng hồ cát: Một biểu tượng về thời gian và sự hữu hạn của nó. Thần chết sở hữu chiếc đồng hồ thời gian và kiên nhẫn chờ đợi từng hạt rơi xuống. Không có cách nào đảo ngược quá trình này, và sẽ đến lúc chúng ta cầu xin Đấng tối cao chỉ thêm một khoảnh khắc nhỏ nhoi nữa để tận hưởng cuộc sống.
Hình ảnh này có sức lan tỏa mạnh đến mức, thậm chí nó còn xuất hiện trong nhiều văn bản tôn giáo chính thống. Kinh Tân Ước là ví dụ điển hình nhất. Trong Kinh Tân Ước 6: 1-8, bốn người kỵ sĩ xuất hiện để dẫn đường cho những tai họa nhằm chấm dứt thế giới, đó là Bệnh dịch, Chiến tranh, Nạn đói và Cái chết. Trong bốn người này, Thần chết dường như có sức ảnh hưởng rõ rệt nhất. Con ngựa Ngài cưỡi đại diện cho tai ương và chết chóc lan tỏa theo mỗi bước đi của nó. Phần lớn các mô tả khá giống với những gì người ta từng biết: Áo choàng đen phủ lên bộ xương trắng, lưỡi hái luôn trong tư thế sẵn sàng cho việc gieo rắc chết chóc và sự sợ hãi.
Kết
Cho đến nay, hình ảnh Thần chết đã bị cải biên đi khá nhiều nhằm phục vụ cho mục đích truyền thông và giải trí. Dù xuất hiện theo cách nào đi nữa, đáng sợ hay hài hước, dù là phụ nữ hay đàn ông, Thần chết vẫn luôn là một trong những biểu tượng văn hóa lâu đời nhất. Truyền thuyết có thể bị phai mờ, nhưng Thần chết vẫn luôn đứng đó, kiên nhẫn chờ đợi trong đêm đen, chờ đợi khoảnh khắc cuối cùng của mỗi người trong số chúng ta.
Kết
Cho đến nay, hình ảnh Thần chết đã bị cải biên đi khá nhiều nhằm phục vụ cho mục đích truyền thông và giải trí. Dù xuất hiện theo cách nào đi nữa, đáng sợ hay hài hước, dù là phụ nữ hay đàn ông, Thần chết vẫn luôn là một trong những biểu tượng văn hóa lâu đời nhất. Truyền thuyết có thể bị phai mờ, nhưng Thần chết vẫn luôn đứng đó, kiên nhẫn chờ đợi trong đêm đen, chờ đợi khoảnh khắc cuối cùng của mỗi người trong số chúng ta.
Tham khảo: Howstuffworks
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét