Hiển thị các bài đăng có nhãn chiến tranh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chiến tranh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Ngày 21/12 Mỹ chiến thắng trước Nhật Bản trong trận chiến vịnh Ormoc

Trận chiến vịnh Ormoc là một loạt các trận chiến diễn ra giữa Hải-Không quân Đế quốc Nhật Bản và Hoa Kỳ tại biển Camotes thuộc Philippines trong khoảng thời gian từ 11 tháng 11 đến 21 tháng 12 năm 1944, một phần của chiến dịch Leyte của chiến tranh Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai.



Sau những thành công trong việc kiểm soát vùng biển của Hải quân ở chiến trường Tây Thái Bình Dương vào giữa năm 1944, quân Đồng Minh quyết định tấn công quần đảo Philippines, mở màn là cuộc đổ bộ lên đảo đảo Leyte. Thành phố Ormoc nằm ngay bên bờ biển thuộc vịnh Ormoc phía Tây đảo Leyte là hải cảng chính của đảo và là điểm đến cuối cùng của các tàu hộ tống. Về phía Nhật, quyền kiểm soát Philippines là vấn đề sống còn vì nếu mất nơi này, Đồng Minh sẽ dễ dàng cắt đứt nơi luân chuyển của quân Nhật.

Ngày 5 tháng 12 năm 1944, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Vịnh San Pedro, cách 43 km về phía Nam của thành phố Ormoc. Ngày 7 tháng 12, sư đoàn Bộ binh 77, chỉ huy bởi Thiếu Tướng Andrew D. Bruce đổ bộ lên thị trấn Albuera, cách thành phố Ormoc 5,6 km về hướng Nam. Quân Mỹ tiến lên bờ mà không gặp trở ngại nào nhưng các tàu Hải quân ở ngoài liên tục gặp phải những cuộc tấn công “thần phong” của quân đội Nhật dẫn đến thiệt hại tàu khu trục USS Ward (DD-139) và USS Mahan (DD-364).

Thần phong dùng để chỉ những cuộc tấn công cảm tử, các phi công Nhật lái máy bay chiến đấu chở đầy thuốc nổ và bình xăng đâm vào các tàu chiến của phe Đồng Minh để tăng tối đa độ chính xác và tổn thất cho địch quân so với bom đạn thông thường.

Bằng các cuộc đụng độ liên tục thực hiện bởi hải không quân, người Mỹ đã thành công trong việc ngăn cản sự tiếp tế và chi viện một cách đầy đủ cho lực lượng quân Nhật trên Leyte, góp một phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến trên bộ. Số liệu tổn thất cuối cùng của hai bên tại vịnh Ormoc là: Mỹ — 3 tàu khu trục và 1 tàu cao tốc; Nhật — 6 tàu khu trục, 20 tàu vận tải loại nhỏ, 1 tàu ngầm, 1 tàu tuần tiễu và 3 tàu hộ tống.

Theo wiki

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Vũ khí hạt nhân

Vũ khí hạt nhân (tiếng Anh: nuclear weapon) là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà năng lượng của nó do các phản ứng phân hạch hoặc/và nhiệt hạch gây ra. Một vũ khí hạt nhân nhỏ nhất cũng có sức công phá lớn hơn bất kỳ vũ khí quy ước nào. Vũ khí có sức công phá tương đương với 10 triệu tấn thuốc nổ có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố. Nếu sức công phá là 100 triệu tấn (mặc dù hiện nay chưa thể thực hiện được) thì có thể phá hủy một vùng với bán kính 100 - 160 km. Cho đến nay, mới chỉ có hai quả bom hạt nhân được dùng trong Đệ nhị thế chiến: quả bom thứ nhất được ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 có tên là Little Boy và được làm từ uranium; quả sau có tên là Fat Man và được ném xuống Nagasaki, cũng ở Nhật Bản ba ngày sau đó, được làm từ plutonium.



Vũ khí hạt nhân đơn giản là lấy năng lượng từ quá trình phân hạch (còn gọi là phân rã hạt nhân). Một vật liệu có khả năng phân rã được lắp ráp vào một khối lượng tới hạn, trong đó khởi phát một phản ứng dây chuyền và phản ứng đó gia tăng theo tốc độ của hàm mũ, giải thoát một năng lượng khổng lồ. Quá trình này được thực hiện bằng cách bắn một mẫu vật liệu chưa tới hạn này vào một mẫu vật liệu chưa tới hạn khác để tạo ra một trạng thái gọi là siêu tới hạn. Khó khăn chủ yếu trong việc thiết kế tất cả các vũ khí hạt nhân là đảm bảo một phần chủ yếu các nhiêu liệu được dùng trước khi vũ khí tự phá hủy bản thân nó. Thông thường vũ khí như vậy được gọi là bom nguyên tử, còn gọi là bom A.

Các loại vũ khí cao cấp hơn thì lấy năng lượng nhiều hơn từ quá trình nhiệt hạch (còn gọi là tổng hợp hạt nhân). Trong loại vũ khí này, bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và nén đầu mang tritium, deuterium, hoặc lithium, từ đó xảy ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng được giải thoát lớn hơn rất nhiều. Thông thường vũ khí như vậy được gọi là bom khinh khí, còn gọi là bom hydro, bom H hay bom nhiệt hạch. Nó có thể giải thoát một năng lượng lớn hơn hàng ngàn lần so với bom nguyên tử.

Người ta còn tạo ra các vũ khí tinh vi hơn cho một số mục đích đặc biệt. Vụ nổ hạt nhân được thực hiện nhờ một luồng bức xạ neutron xung quanh vũ khí hạt nhân, sự có mặt của các vật liệu phù hợp (như đồng hoặc vàng) có thể gia tăng độ ô nhiễm phóng xạ. Người ta có thể thiết kế vũ khí hạt nhân có thể cho phép neutron thoát ra nhiều nhất; những quả bom như vậy được gọi là bom neutron. Về lý thuyết, các vũ khí phản vật chất, trong đó sử dụng các phản ứng giữa vật chất và phản vật chất, không phải là vũ khí hạt nhân nhưng nó có thể là một vũ khí với sức công phá cao hơn cả vũ khí hạt nhân.


Năng lượng từ vụ nổ vũ khí hạt nhân thoát ra ở bốn loại sau đây:
* Áp lực — 40-60% tổng năng lượng
* Bức xạ nhiệt — 30-50% tổng năng lượng
* Bức xạ ion — 5% tổng năng lượng
* Bức xạ dư (bụi phóng xạ) — 5-10% tổng năng lượng

Lượng năng lượng giải thoát của từng loại phụ thuộc vào thiết kế của vũ khí và môi trường mà vụ nổ hạt nhân xảy ra. Bức xạ dư là năng lượng được giải thoát sau vụ nổ, trong khi các loại khác thì được giải thoát ngay lập tức.

Năng lượng được giải thoát bởi vụ nổ bom hạt nhân được đo bằng kiloton hoặc megaton - tương đương với hàng ngàn và hàng triệu tấn thuốc nổ TNT (tri-nitro-toluen).[1] Vũ khí phân hạch đầu tiên có sức công phá đo được là vài ngàn kiloton, trong khi vụ nổ bom khinh khí lớn nhất đo được là 10 megaton. Trên thực tế vũ khí hạt nhân có thể tạo ra các sức công phá khác nhau, từ nhỏ hơn một kiloton ở các vũ khí hạt nhân cầm tay như Davy Crockett của Hoa Kỳ cho đến 54 megaton như Bom Sa hoàng (Tsar-Bomba) của Liên Xô ( vào ngày 30/10/1961 ).

Hiệu ứng quan trọng nhất của vũ khí hạt nhân là áp lực và bức xạ nhiệt có cơ chế phá hủy giống như các vũ khí quy ước. Sự khác biệt cơ bản là vũ khí hạt nhân có thể giải thoát một lượng lớn năng lượng tại một thời điểm. Tàn phá chủ yếu của bom hạt nhân không liên quan trực tiếp đến quá trình hạt nhân giải thoát năng lượng mà liên quan đến sức mạnh của vụ nổ

Mức độ tàn phá của ba loại năng lượng đầu tiên khác nhau tùy theo kích thước của bom. Bức xạ nhiệt suy giảm theo khoảng cách chậm nhất, do đó, bom càng lớn thì hiệu ứng phá hủy do nhiệt càng mạnh. Bức xạ ion bị suy giảm nhanh chóng trong không khí, nên nó chỉ nguy hiểm đối với các vũ khí hạt nhân hạng nhẹ. Áp lực suy giảm nhanh hơn bức xạ nhiệt nhưng chậm hơn bức xạ ion.
Phóng bom hạt nhân
Thuật ngữ vũ khí hạt nhân chiến lược được dùng để chỉ các vũ khí lớn với các mục tiêu phát hủy lớn như các thành phố. Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các vũ khí hạt nhân nhỏ hơn được dùng để phá hủy các mục tiêu quân sự, viễn thông hoặc hạ tầng cơ sở. Theo tiêu chuẩn hiện đại thì các quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945 có thể được coi là các vũ khí hạt nhân chiến thuật (sức công phá là 13 và 22 kiloton), mặc dù, các vũ khí hạt nhân chiến thuật nhẹ hơn và nhỏ hơn đáng kể.

Các phương pháp phóng vũ khí hạt nhân là:

1.Bom hấp dẫn

Không một vũ khí hạt nhân nào đủ tiêu chuẩn là bom gỗ - đó là từ lóng mà quân đội Hoa Kỳ dùng để chỉ một loại bom hoàn thiện, không phải bảo hành sửa chữa, không nguy hiểm dưới mọi điều kiện trước khi cho nổ. Bom hấp dẫn là loại bom được thiết kế để được thả xuống từ các máy bay. Yêu cầu của loại bom này là phải chịu được các dao động và thay đổi về nhiệt độ và áp suất của không khí. Lúc đầu, các vũ khí thường có một cái chốt an toàn ở trạng thái đóng trong quá trình bay. Chúng phải thỏa mãn các yêu cầu về độ ổn định để tránh các vụ nổ hoặc rơi bất ngờ có thể xảy ra. Rất nhiều loại vũ khí có một thiết bị đóng ngắt để khởi động quá trình nổ. Các vũ khí hạt nhân của Mỹ thỏa mãn các tiêu chuẩn an toàn nói trên sẽ được ký hiệu bởi chữ cái "B", và tiếp theo (không có dấu nối) là các ký hiệu vật lý cần thiết. Ví dụ bom B61 là một loại bom như vậy, được Mỹ chế tạo rất nhiều và lưu trữ trong các kho chứa đạn dược trong nhiều thập kỷ.

Có nhiều kỹ thuật ném bom như thả bom tự do trong không khí, thả bom bằng dù với cơ chế cho nổ chậm để máy bay ném bom có thời gian thoát khỏi vùng nguy hiểm khi bom nổ.

Những quả bom hấp dẫn đầu tiên chỉ có thể được mang bằng pháo đài bay B-29. Thế hệ bom tiếp theo vẫn rất lớn và nặng, chỉ có các pháo đài bay B-52, máy bay ném bom lớn V mới có thể mang được. Nhưng vào giữa những năm 1950, người ta có thể chế tạo được các vũ khí nhỏ, nhẹ hơn và có thể được mang bằng các máy bay chiến đấu kiêm ném bom bình thường.

2.Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân

Các tên lửa đạn đạo là các tên lửa có chất nổ, được máy tính hoặc người điều khiển, sau khi phóng thì chúng chỉ chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn và lực cản của không khí gây ra. Tên lửa đạn đạo dùng để mang các đầu đạn với tầm xa từ mười cho đến vài trăm km. Các tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc các tên lửa đạn đạo vượt đại châu được phóng từ các tàu ngầm có thể theo các lộ trình dưới quỹ đạo hoặc quỹ đạo với tầm xa xuyên lục địa. Các tên lửa đầu tiên chỉ có thể mang một đầu đạn, thường với sức công phá khoảng megaton. Các tên lửa như vậy yêu cầu phải có khả năng hoạt động với tính chính xác rất cao để đảm bảo phá hủy mục tiêu.

Từ những năm 1970, các tên lửa đạn đạo hiện đại được phát triển với khả năng nhắm tới mục tiêu với độ chính xác cao hơn nhiều. Điều này làm cho một tên lửa, trong một lần phóng, có thể mang đến hơn một chục đầu đạn và nhắm tới các mục tiêu độc lập với nhau. Mỗi đầu đạn có thể có sức công phá vài kiloton. Đây là một điểm mạnh quan trọng của tên lửa đạn đạo có nhiều đầu đạn. Nó không chỉ cho phép phá hủy các mục tiêu khác nhau, độc lập với nhau mà còn có thể cùng công phá một mục tiêu theo kiểu bủa vây hoặc có thể tác chiến với các vũ khí chiến thuật khác để vô hiệu hóa tất cả các hệ thống phòng thủ của đối phương. Vào những năm 1970, Liên Xô công bố kế hoạch nhằm chế tạo ra các tên lửa đạn đạo nhiều đầu đạn. Số tên lửa như vậy đủ lớn để cứ mỗi 19 giây đến 3 phút thì phóng một tên lửa tới các thành phố lớn của nước Mỹ, và việc đó có thể được thực hiện liên tục trong một giờ đồng hồ.

Tên lửa mang đầu đạn ở trong các kho lưu trữ đạn được của Hoa Kỳ được ký hiệu bằng chữ "W" ở đầu, ví dụ W61 có các tính chất như B61 nói ở trên
nhưng có các yêu cầu về môi trường khác hẳn.

Tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân

Tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân, bay ở độ cao rất thấp, khoảng cách ngắn và được dẫn đường bởi các hệ thống điều khiển bên trong hoặc bên ngoài (như hệ thống định vị toàn cầu - GPS) làm cho chúng khó có thể bị đối phương phát hiện và ngăn chặn. Tên lửa hành trình mang được trọng lượng nhỏ hơn tên lửa đạn đạo rất nhiều nên sức công phá của đầu đạn mà nó mang thường là nhỏ. Tên lửa hành trình không thể mang nhiều đầu đạn nên không thể công phá nhiều mục tiêu. Mỗi tên lửa như vậy chỉ mang một đầu đạn mà thôi. Tuy nhiên, do gọn nhẹ nên tên lửa hành trình quy ước có thể được phóng đi từ các bệ phóng di động trên mặt đất, từ các chiến hạm hoặc từ các máy bay chiến đấu. Tên của các đầu đạn dành cho tên lửa hành trình của Mỹ không khác biệt với tên của các đầu đạn dành cho tên lửa đạn đạo.

Tên lửa hành trình có tầm tác dụng ngắn hơn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhưng rất khó bị đối phương phát hiện và ngăn chặn.

Các phương pháp khác

Các phương pháp mang đầu đạn hạt nhân khác gồm súng cối, mìn, bom phá tàu ngầm, ngư lôi,... Vào những năm 1950, Hoa Kỳ còn phát triển một loại đầu đạt hạt nhân với mục đích phòng không có tên là Nike Hercules. Sau đó, nó được phát triển thành loại tên lửa chống tên lửa đạn đạo với đầu đạn lớn hơn. Phần lớn các vũ khí hạt nhân phòng không đều không được dùng vào cuối những năm 1960, các bom phá tàu ngầm không được dùng vào năm 1990. Tuy vậy, Liên Xô (và sau đó là Nga) vẫn tiếp tục duy trì tên lửa chống tên lửa đạn đạo với đầu đạn hạt nhân. Một loại vũ khí chiến thuật nhỏ, nhẹ, hai người mang (thường hay bị gọi nhầm là bom xách tay) cũng khá phổ biến mặc dù nó không chính xác và không tiện lợi lắm.

Súng cối Davy Crockett là loại vũ khí hạt nhân nhỏ nhất của Mỹ.

Lịch sử vũ khí hạt nhân

Những vũ khí hạt nhân đầu tiên được Hoa Kỳ chế tạo cùng với sự giúp đỡ của Anh Quốc trong Đệ nhị thế chiến, đó là một phần của dự án Manhattan tối mật. Lúc đầu, việc chế tạo vũ khí hạt nhân là sự lo sợ Đức Quốc xã có thể chế tạo và sử dụng trước quân đội đồng minh. Nhưng cuối cùng thì hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki lại là nơi chịu sức tàn phá của những quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1945. Liên Xô chế tạo và thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1949. Cả Hoa Kỳ và Liên Xô đều phát triển vũ khí hạt nhân nhiệt hạch vào những năm giữa của thập niên 1950. Việc phát minh ra các tên lửa hoạt động ổn định vào những năm 1960 đã làm cho khả năng mang các vũ khí hạt nhân đến bất kỳ nơi nào trên thế giới trong một thời gian ngắn trở thành hiện thực. Hai siêu cường của chiến tranh Lạnh đã chấp nhận một chiến dịch nhằm hạn chế việc chạy đua vũ khí hạt nhân nhằm duy trì một nền hòa bình mong manh lúc đó.
Hậu quả của vụ nổ bom ở Hiroshima, Nhật Bản

Vũ khí hạt nhân từng là biểu tượng cho sức mạnh quân sự và sức mạnh quốc gia. Việc thử nghiệm hạt nhân thường để kiểm tra các thiết kế mới cũng như là gửi các thông điệp chính trị. Một số quốc gia khác cũng phát triển vũ khí hạt nhân trong thời gian này, đó là Anh Quốc, Pháp, Trung Quốc. Năm thành viên của "câu lạc bộ các nước có vũ khí hạt nhân" đồng ý một thỏa hiệp hạn chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở các quốc gia khác mặc dù có ít nhất hai nước (Ấn Độ, Nam Phi) đã chế tạo thành công và một nước (Israel) có thể đã phát triển vũ khí hạt nhân vào thời điểm đó. Vào đầu những năm 1990, nước kế thừa Liên Xô trước đây là nước Nga cùng với Hoa Kỳ cam kết giảm số đầu đạn hạt nhân dự trữ để gia tăng sự ổn định quốc tế. Mặc dù vậy, việc phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục. Pakistan thử nghiệm vũ khí đầu tiên của họ vào năm 1998, CHDCND Triều Tiên công bố đã phát triển vũ khí hạt nhân vào năm 2004. Vũ khí hạt nhân là một trong những vấn đề trọng tâm của các căng thẳng về chính trị quốc tế và vẫn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề xã hội từ khi nó được khởi đầu từ những năm 1940. Vũ khí hạt nhân thường được coi là biểu tượng phi thường của con người trong việc sử dụng sức mạnh của tự nhiên để hủy diệt con người.

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh của VN ở đâu?

  • Một vấn đề đặt ra là, chúng ta có sức mạnh nào để răn đe ngăn ngừa chiến tranh không?
  • Chúng ta không thể làm theo cách của Triều Tiên hay Iran. Chúng ta cũng không thể liên minh quân sự với ai.
  • Vậy, sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh của Việt Nam ở đâu?

Chuẩn bị sức mạnh quân sự theo “kiểu Việt Nam”.

Với Việt Nam, trong tình thế hiện nay, nếu nói rằng chúng ta đang tập trung nhân lực, vật lực để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống xâm lược đang gần kề là không thực tế và xác đáng.

Tuy nhiên, xây dựng đi đôi với phòng thủ bảo vệ đất nước, chúng ta đầu tư, tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí, sử dụng lực lượng để phòng thủ là nhiệm vụ thường xuyên và càng ngày càng phải được tăng cường, trong đó phòng thủ Tổ quốc từ hướng biển – hướng chính, hướng sống còn là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu mà hải quân là lực lượng nòng cốt.


Lực lượng của Hải quân Việt Nam

Một đất nước có đường bờ biển dài hơn 3 ngàn km và hơn 3 ngàn hòn đảo lớn nhỏ, với “tư duy biển” như hiện nay thì xây dựng một lực lượng hải quân và một lực lượng phòng thủ bờ biển hùng mạnh là mơ ước của Việt Nam.
Nói là mơ ước, bởi hiện tại, đó là điều chưa thể, nền kinh tế, KHKT đất nước chưa cho phép.

Chúng ta càng không thể kiếm tìm, chuẩn bị một lực lượng tương xứng, cân bằng sức mạnh quân sự với đối thủ tiềm tàng để sẵn sàng “đôi công”.

Vì vậy, chuẩn bị phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển của Việt Nam cũng theo cách của Việt Nam.

Giới quan sát đã thấy rất nhiều vấn đề ở đây. Chẳng hạn: Lực lượng phòng thủ bờ biển và hải quân đã trở nên tinh gọn, hiện đại và thiện chiến. Tinh gọn để hiện đại.

Sự hiện đại có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá để chiếm ưu thế so với đối thủ.

Chúng ta chỉ để ý một chút vào lực lượng phòng thủ bờ là rõ: Hệ thống tên lửa Bastion-P (Việt Nam mới chỉ có 2 đơn vị TL này). Bastion-P là một trong những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển cơ động hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Đến nay, chỉ có Hải quân Nga và Việt Nam sở hữu hệ thống tên lửa khủng khiếp này. Về lý thuyết, với phần chiến đấu 200 kg, Yakhont có thể tiêu diệt hầu hết tàu chiến trên thế giới hiện nay chỉ với một quả đạn.

Và một đơn vị, với một loạt phóng 8 quả (2,5s/1 quả) nó có thể buộc một hạm đội đối phương phải từ bỏ nhiệm vụ.

Rõ ràng, ít nhất đây cũng là một tình huống “đáng ngại” để Bộ Tham mưu đối phương phải suy xét “nên hay không nên” trước khi gây chiến. Đó cũng chính là một trong những sức mạnh răn đe của tuyến phòng thủ bờ biển của chúng ta bởi tính hiện đại của vũ khí trang bị.

Tuy nhiên, cái quan tâm nhất là, sự chuẩn bị sức mạnh đó nó mang tính Việt Nam như thế nào, mới thấy hết được bản lĩnh, trí tuệ và sự tự tin của Việt Nam trước đối thủ xâm lược. Chẳng hạn như về xây dựng và sử dụng lực lượng theo tư tưởng, học thuyết quân sự Việt Nam:

Trong chiến tranh hiện đại, tên lửa là loại vũ khí có vai trò quan trọng quyết định như thế nào ai cũng rõ. Vì thế, các quốc gia ưu tiên nghiên cứu phát triển những thứ mang nó như tàu chiến, máy bay, các hệ thống phóng…ngày càng hiện đại. Trên biển, tàu phóng tên lửa (mặt nước, ngầm) luôn được coi là lực lượng “át chủ bài”.

Tư tưởng, học thuyết quân sự Việt Nam không phủ nhận điều này.

Nhưng nếu như các quốc gia nhỏ, yếu ven biển ít quan tâm đến lực lượng tàu phóng lôi hơn trong phòng thủ thì Việt Nam không như thế.

Lực lượng tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam đặc biệt là tàu phóng lôi cánh ngầm vẫn củng cố và phát triển.

Từ năm 1989 lực lượng tàu phóng lôi cánh ngầm đã xuất hiện đủ để cùng với các tàu tên lửa làm “nguội” những cái đầu hung hăng muốn đánh chiếm Trường Sa lúc bấy giờ.

Điều khiến cho tàu phóng lôi ít được quan tâm hơn có lẽ bởi từ vũ khí của nó: Ngư lôi. Ngư lôi do “bay” dưới nước nên tốc độ chậm hơn nhiều so với tên lửa cho nên không thể tác chiến từ xa được.

Vì thế bắt buộc tàu phóng lôi phải vận động tiếp cận mục tiêu phóng mới hiệu quả. Và đương nhiên tàu phóng lôi luôn bị phơi mình trong tầm mọi hỏa lực của đối phương, không khác chi con thiêu thân.

Có thể nói, đây là hình thức tác chiến rất “đặc biệt” của tàu PL mà không phải quốc gia nào cũng thi thố được.

Tuy nhiên, khi tàu phóng lôi tiếp cận được mục tiêu mà không bị tiêu diệt thì mục tiêu coi như bị định đoạt, làm mồi cho ngư lôi mà vô phương chống đỡ vì quá gần. Đây là ưu điểm tuyệt vời nhất, “quyến rũ” nhất của tàu phóng lôi (PL).

Khác với tàu tên lửa, do tấn công từ khoảng cách rất xa nên phụ thuộc nhiều yếu tố không chắc chắn và vì thế xác suất không cao, trong khi đó nếu đối phương không ngăn cản được tàu PL tiếp cận, để cho tàu PL “bám thắt lưng” thì khi ngư lôi, không cần hiện đại như Shkval VA-111 được phóng ra, coi như chỉ còn cách ôm phao cứu sinh lo cho mình, còn cho tàu thì không thể.

Làm sao để tàu PL “bám được thắt lưng”? Nếu như đây là bài toán đau đầu cho đối phương thì ngược lại rất hưng phấn cho giới quân sự Việt Nam vì có nhiều cách giải.

Nhưng cách lợi dụng địa hình, địa vật tập kích bất ngờ và cách như của 3 tàu PL Việt Nam, bất chấp hòn tên mũi đạn, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh dạy cho tàu khu trục Ma-đốc Hoa Kỳ một bài học thì giới quân sự đối phương thừa biết và luôn luôn nghĩ đến dù biết rằng sẽ mất ý chí chiến đấu.

Lực lượng tàu PL, đặc biệt là tàu phóng lôi cánh ngầm, trong tay Hải quân Việt Nam là lực lượng được sử dụng đòn “đánh gần” “bám thắt lưng địch mà đánh” cực kỳ nguy hiểm, hiệu quả. Cái giá mà đối phương phải trả ngoài khả năng chịu đựng tất nhiên không loại trừ từ lực lượng này.

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Mỹ xem xét nghiêm túc 'tuyên bố chiến tranh' của Triều Tiên

Nhà Trắng đang xem xét một cách nghiêm túc lời đe dọa của Triều Tiên về việc bắt đầu "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc, tuy nhiên cũng cho rằng diễn biến này có thể cũng chỉ là lời đe dọa như mọi khi.



"Chúng tôi vừa biết tin về một tuyên bố mới, không có tính xây dựng từ Triều Tiên", Caitlin Hayden, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm nay cho biết. "Chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc những đe dọa này và vẫn liên hệ thường xuyên với đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi", AFP dẫn lời bà nói thêm.

Theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên, nước này hôm nay chính thức bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc, và cảnh báo bất kỳ hành động khiêu khích nào sẽ làm leo thang căng thẳng và dẫn đến cuộc xung đột bằng hạt nhân.

Trong khi bày tỏ sự quan ngại trước tuyên bố của Bình Nhưỡng, Washington cũng không quên đặt lời đe dọa này trong bối cảnh một chuỗi những phát ngôn của Triều Tiên trước đó.

"Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Triều Tiên từ rất lâu đã có những phát ngôn và lời đe dọa hiếu chiến, và tuyên bố hôm nay cũng theo một kiểu mẫu tương tự", Hayden nói và cho hay Mỹ có đầy đủ năng lực bảo vệ bản thân và các nước đồng minh châu Á.

"Chúng tôi tiếp tục có thêm những biện pháp chống lại mối đe dọa của Triều Tiên, bao gồm kế hoạch tăng về số lượng tên lửa đánh chặn mặt đất của Mỹ và hệ thống radar dò tìm, cảnh báo sớm", bà cho biết.

Trước bối cảnh căng thẳng lên cao giữa Triều Tiên và Mỹ cùng các đồng minh châu Á, Nga kêu gọi các bên có tinh thần trách nhiệm và kiềm chế một cách tối đa. "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên bày tỏ tinh thần trách nhiệm và sự kiềm chế một cách tối đa, và mong không ai đi quá giới hạn, bởi khi đó sẽ không có đường quay trở lại", Interfax dẫn lời Grigory Logvinov, người phụ trách vấn đề Triều Tiên trong Bộ Ngoại giao Nga hôm nay nói.

"Đương nhiên là chúng tôi không thể thờ ơ khi căng thẳng leo thang tại vùng biên giới phía đông của chúng tôi", nhà ngoại giao Nga cho biết và nói thêm rằng Moscow không thể không lo lắng.

Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi Bình Nhưỡng có những lời đe dọa gần như hàng ngày về một cuộc chiến tranh Triều Tiên lần hai, nhằm phản đối cuộc tập trận chung đang diễn ra của Mỹ và Hàn Quốc, và lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc đối với vụ thử hạt nhân của nước này.

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Nhìn lại chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 TQ nên rút ra bài học

Vào ngày 17.2.1979 Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng đã phải rút quân sau hơn một tháng gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, chịu nhiều tổn thất nặng nề.


Tuy vậy cuộc chiến tranh xâm lược này cũng mở màn cho cuộc xung đột vũ trang tại biên giới giữa VN và Trung Quốc (TQ) kéo dài suốt 10 năm sau đó. Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, với độ lùi về thời gian, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh này là hoàn toàn cần thiết.

Kể từ sau khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như đều không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Theo ông tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng quên như vậy?

Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu ý như sau, vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này? Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng nói như vậy là ngụy biện.

Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.

Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử so sánh chuyện đó với việc TQ tung ra hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch sử từ hàng chục năm qua.

Với độ lùi về thời gian, theo ông chúng ta có thể rút ra những điều gì từ cuộc chiến tranh này? Những điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại ?

Theo tôi, khoảng thời gian 34 năm đã là khá đủ cho chúng ta nhận thức lại những vấn đề xung quanh cuộc chiến 1979. Thế nhưng đến giờ phút này tôi có cảm giác không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự nhận thức thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới.

Vấn đề thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, cuộc chiến 1979 là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề phải nhận thức rõ từ cấp cao nhất. Sự nhận thức ấy cũng phải được thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ hồ.

Không chỉ nhận thức mà Nhà nước có trách nhiệm đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa. Thực tế cho thấy phần lớn học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Chắc chắn chúng ta sẽ không tránh được sự phê phán của thế hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn hơn được. Theo quan điểm của tôi, Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ được, không thể lờ đi vấn đề lịch sử này được.


Tôi đã nhiều lần trao đổi với các học giả nước ngoài và họ đã thắc mắc khá nhiều chuyện tại sao sự kiện chiến tranh chống quân TQ xâm lược năm 1979 lại không được nhắc đến trong các giáo trình lịch sử của VN. Tôi đã phải chống chế với lý do rằng người VN muốn quên đi quá khứ và hướng đến tương lai. Nhiều học giả Hàn Quốc, Nhật Bản đã phản bác tôi vì “Lịch sử là lịch sử. Quá khứ là quá khứ. Tương lai là tương lai”. Họ nói rằng: “Chúng tôi biết người VN rất nhân hậu, muốn hòa hiếu với các dân tộc khác. Nhưng điều này không thể thay thế cho trang sử chống ngoại xâm này được”.

Thứ hai, trong thế giới hiện đại toàn cầu hóa, các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có quốc gia nào hoàn toàn độc lập tuyệt đối. Ngay cả Mỹ nhiều lúc cũng phải nhân nhượng các quốc gia khác. Chúng ta không có quan niệm về độc lập chủ quyền tuyệt đối trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng trong bối cảnh này, phải nhận thức rõ cái gì là trường tồn? Theo tôi có 3 thứ là chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia. Ở đây chúng ta phân biệt chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc nước lớn với lòng yêu nước chân chính, ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Hai cái đó khác nhau. Người VN có truyền thống yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm bất khuất, đó là điều cần được phát huy trong 92 triệu người VN trong và ngoài nước.

Chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia là những cái “dĩ bất biến”, những cái còn lại là “ứng vạn biến”. Những chuyện “16 chữ”, “bốn tốt” trong quan hệ với TQ là “ứng vạn biến”. Bài học từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 cho thấy nếu không nhận thức được điều này thì rất nguy hiểm.

Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiêu chí để phân biệt người yêu nước hiện nay là anh có bảo vệ lợi ích quốc gia hay không. Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn. Năm nay chúng ta chuẩn bị tổng kết Nghị quyết T.Ư 8 (7.2003) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tôi thấy có một quan điểm bây giờ vẫn đúng, đó là: "Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh". Đồng thời, cũng phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng và đối tác: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần phải đấu tranh.

Nhìn lại từ câu chuyện của 34 năm trước đến những căng thẳng hiện tại trong vấn đề biển Đông, theo ông có thể hy vọng gì ở tương lai trong quan hệ giữa VN và TQ ?

Tạo ra lòng tin, sự hữu nghị chân thật giữa hai nước là con đường tất yếu nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài và từ cả hai phía. Đây không phải là điều có thể hy vọng có được trong vài ba năm tới đây. Lịch sử mách bảo chúng ta muốn giữ được hòa bình, ổn định, giữ được độc lập tự chủ thì điều quan trọng nhất là giữ được lòng dân. Trên dưới một lòng, có được sự đoàn kết dân tộc thì chắc chắn không có kẻ xâm lược nào dám dại dột động đến chúng ta cả. Lịch sử VN đã cho thấy những lần mất nước đều bắt đầu từ việc chính quyền mất dân. Năm 179 trước CN An Dương Vương để mất nước là do mất dân. Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì chuyện mất nước là không thể tránh khỏi. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì đã mất dân. Đến mức độ nhà Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly thì chính những người trong nước đã chỉ điểm cho quân Minh. Năm 1788 Lê Chiêu Thống sang cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ cũng là ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia.




Dùng không quân chuyển quân từ chiến trường K ra tiếp viện cho biên giới phía Bắc (2-1979)
"Vào ngày này 32 năm trước, quân đội Trung Quốc đã vượt qua biên giới Việt Nam. Bắc Kinh muốn "trừng phạt Hà Nội” vì Việt Nam đã tham gia vào việc lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia. Lực lượng Trung Quốc xâm lược bao gồm 7 quân đoàn, lên đến 600.000 người. Phía Việt Nam, đối phó với lực lượng này, lúc đó chỉ có một sư đoàn quân chủ lực, một sư đoàn quân địa phương, lính biên phòng và dân quân tự vệ, với số lượng vũ khí không nhiều, gồm có pháo, súng cối và vũ khí chống tăng.

Ngày 18 tháng Hai, chính phủ Xô viết đã đưa ra một tuyên bố, trong đó, ngoài những điều khác, có nêu rõ: "Liên bang Xô viết sẽ thực hiện các cam kết theo Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam". Hiệp ước này được ký kết tại Matxcova ba tháng trước đó.

Để biểu thị sự hỗ trợ cho Việt Nam và hướng sự chú ý của quân đội Trung Quốc theo phía nam, 29 sư đoàn bộ binh của quân đội Liên Xô gồm 250 nghìn người, với sự hỗ trợ không quân đã được điều đến khu vực gần Mãn Châu ở biên giới Xô-Trung.

Đồng thời, lãnh đạo Liên Xô đã gửi bổ sung thêm cho Việt Nam một nhóm cố vấn quân sự.

Một trong những nhà lãnh đạo của Hiệp hội các cựu chiến binh Nga trong chiến tranh Việt Nam, đại tá Gennady Ivanov nhớ lại:

“Sáng 19 tháng 2, vào ngày thứ ba của cuộc xâm lược, một nhóm các cố vấn quân sự của Liên Xô đã bay tới Hà Nội, gồm các vị tướng có kinh nghiệm nhất, đứng đầu là đại tướng Gennady Obaturov. Ngay sau khi đến nơi, họ lập tức gặp tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Các cố vấn quân sự Liên Xô không chỉ nắm tình hình thực tế qua cuộc tiếp xúc với bộ trưởng quốc phòng Văn Tiến Dũng và tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam Lê Trọng Tấn, mà còn ra mặt trận, lên tuyến đầu nơi quân đội Việt Nam bảo vệ Tổ Quốc. Tại đó, họ đã rơi (vào - FDDinh bổ xung) trận pháo kích mạnh của quân Trung Quốc, nhưng may mắn thay, không ai bị thương. Tuy nhiên, đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô vẫn không tránh được tổn thất.

Tại cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ ngày 25 tháng Hai với ông Lê Duẩn, đại tướng Obaturov đề xuất di chuyển lực lượng quân chủ lực được huấn luyện tốt hơn từ Campuchia về mặt trận phía Bắc. Đề xuất này, cũng như một loạt đề xuất khác do đại tướng Liên Xô đưa ra, đã được phía Việt Nam thông qua.

Theo lệnh của tướng Obaturov, các phi công lái máy bay vận tải quân sự Xô Viết đã chuyển cánh quân Việt Nam từ Campuchia về hướng mặt trận Lạng Sơn, khiến cho tình hình lập tức thay đổi nghiêng theo hướng thuận lợi cho Việt Nam. Đầu tháng Ba năm đó, sáu cố vấn Liên Xô đã hy sinh tại Đà Nẵng trong tai nạn máy bay, khi đang giúp Việt Nam.

Tướng Obaturov cũng đã gửi các lãnh đạo Liên Xô công văn yêu cầu khẩn cấp viện trợ cho Việt Nam vũ khí và trang thiết bị bằng đường hàng không.

“Các tổ chức quân sự Matxcova nhanh chóng và tích cực đáp ứng mọi yêu cầu của nhóm cố vấn Liên Xô tại Việt Nam - Đại tá Gennady Ivanov nói tiếp. - Trong thời gian ngắn nhất, quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận được tất cả mọi thứ cần thiết để chống lại kẻ thù. Việt Nam đã được viện trợ tên lửa "Grad", trang bị kĩ thuật cho các đơn vị thông tin liên lạc, tình báo và các phương tiện hỗ trợ chiến đấu khác, bằng máy bay vận tải quân sự.”

Các biện pháp đó đã góp phần làm cho các cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc bị sa lầy. Một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến đấu không cho đối phương tiến lên quá 30 km kể từ biên giới.

Những kẻ xâm lược đã mất hơn 62.000 sĩ quan và binh lính, 280 xe tăng và xe bọc thép, 118 khẩu pháo và súng cối cùng một số máy bay. Ngày 05 tháng Ba năm 1979, Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Ngày 18.3, chiến sự đã hoàn toàn chấm dứt

Hải quân Liên Xô đã không bàng quan đứng bên ngoài những sự kiện dữ dội ấy. Đó là nội dung buổi phát thanh ngày mai của chúng tôi. Mời các bạn đón nghe Đài Tiếng nói nước Nga, phát thanh từ Matxcova.
Vào những ngày này 32 năm trước, quân đội Trung Quốc đã tấn công vào miền Bắc Việt Nam. Bắc Kinh muốn "trừng phạt Hà Nội” vì Việt Nam đã tham gia vào việc lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia.

Trong chương trình lần trước, chúng tôi đã nói về vai trò của các cố vấn quân sự Liên Xô đã giúp cho quân đội nhân dân Việt Nam đối phó với lực lượng Trung Quốc gồm 600.000 người, về các đợt cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự của Liên Xô. Hồi đó, không chỉ các tỉnh miền Bắc mà cả bờ biển phía Bắc của Việt Nam cũng bị đe dọa bởi Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc gồm gần 300 tàu chiến.

Sau đây là ý kiến của nhà Việt Nam học, sử gia Maxim Sunnerberg: “Khi quân đội Trung Quốc vượt qua biên giới Việt Nam, một tàu tuần dương và một tàu khu trục của Hạm Đội Thái Bình Dương đang hiện diện tại các điểm quan trọng của biển Đông để phô trương sự hỗ trợ của Liên Xô cho Việt Nam. Sau mấy ngày chiến sự giữa Việt Nam và Trung Quốc có thêm mấy tàu chiến của Liên Xô tiến tới khu vực. Sau ngày 20 tháng Hai, 13 tàu chiến, kể cả mấy tàu ngầm, đã chờ đợi đoàn tàu mới do tàu tuần dương “Đô đốc Senyavin” và tàu dương hạm tên lửa “Vladivostok” dẫn đầu tới khu vực. Đầu tháng 3, đoàn tàu xô-viết bao gồm 30 tàu chiến”.

Sau đây là đoạn trích từ nhật ký của thuyền trưởng tàu ngàm “B-88” Fedor Gnatusin:

“Đầu năm 1979, tàu chúng tôi đang bảo quản tại xưởng đóng tàu. Rồi vào tháng 2, có lệnh khẩn cấp ra biển. Các quả ngư lôi, lương thực và thiết bị kỹ thuật đã được rất nhanh xếp lên tàu. Đã có mấy tàu chiến khác cũng lên đường đi Việt Nam từ Vladivostok và Nakhodka”.


Còn đây là đoạn trích từ nhật ký của trung tá hải quân Vladimir Glukhov:

“Với tư cách chỉ huy bộ tham mưu của sư đoàn, tôi đã có nhiệm vụ đảm bảo đoàn tàu chiến Liên Xô chuyển đến Việt Nam, cụ thể đảm bảo các tàu chiến ghé vào các cảng Việt Nam. Cần phải kiểm tra độ sâu, hành trình di chuyển, hải lưu, kiểm tra bến tàu. Chúng tôi đã mất một ngày đêm để thực hiện công việc này, và sau 5 ngày nữa đã ghé vào cảng Đà Nẵng. Rồi chúng tôi hướng tới bán đảo Cam Ranh, nơi đang thành lập căn cứ hải quân Liên Xô. Mọi người đã làm việc khẩn trương để tiếp đón các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương”.

Các thủy thủ xô-viết đảm bảo hành trình an toàn cho các tàu vận tải từ Vladivostok, Nakhodka và Odessa chở hàng tiếp tế cho Việt Nam. Trong thời gian chiến sự, 6 tàu thủy Liên Xô đã tới cảng Hải Phòng vận chuyển kỹ thuật quân sự, kể cả tên lửa và thiết bị radar giành cho Việt Nam.

Đoàn tàu Liên Xô đã hiện diện ở vùng biển Đông đến tháng 4 năm 1979. Kết quả là, hạm đội Hải Nam của Trung Quốc không tham gia hoạt động quân sự chống Việt Nam.

Nhà Việt Nam học, sử gia Maxim Sunnerberg nói tiếp: “Trong khi đó, thủy thủ Liên Xô đã phải đối phó đoàn tàu Mỹ do tàu chở máy bay “Constellation” dẫn đầu đã hiện diện ở khu vực Đông Nam Á từ ngày 6 tháng 12 năm 1978. Ngày 25 tháng 2 năm 1979, các tàu chiến Mỹ đã chuyển đến bờ biển Việt Nam như người Mỹ giải thích “để kiểm soát tình hình”. Các tàu ngầm của Liên Xô đã chắn hành trình tiến tới vùng chiến sự không cho tàu chiến Hoa Kỳ đến gần bờ biển Việt Nam. Một số tàu ngầm vẫn ở lại dưới nước, số khác hiện lên trên mặt nước. Hóa ra, hệ thần kinh của các thủy thủ Liên Xô là vững vàng hơn – tàu chiến Mỹ không dám vượt qua tuyến ngăn chặn do các tàu ngầm Liên Xô xây dựng. Ngày 6 tháng 3, các tàu chiến Hoa Kỳ đã rời khỏi vùng biển Đông”.

36 thủy thủ của Hạm đội Thái Bình Dương đã được tặng huân huy chương của Chính phủ Liên Xô vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong thời gian Việt Nam đối phó với cuộc xâm lược của Trung Quốc."

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Cuộc chiến ác liệt nhất Thế chiến II


Thành phố Volgograd, tây nam nước Nga, hôm qua tổ chức kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Stalingrad, trận đánh bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cơ bản cục diện Chiến tranh thế giới thứ 2.

Trong dịp kỷ niệm chiến thắng năm nay, thành viên câu lạc bộ chiến tranh-lịch sử sẽ tái diễn lại cảnh "bắt sống" Thống soái Paulius, vị tướng hàng đầu của quân đội phát xít Đức và bộ tham mưu của Hitler 70 năm trước (31/1/1943). Chương trình biểu diễn các bài hát thời chiến tranh cũng được tổ chức với sự tham gia của 320 cựu chiến binh của trận chiến Stalingrad và nhiều hoạt động tưởng niệm khác.

Cuộc chiến Stalingrad kéo dài 200 ngày đêm (từ 17/7/1942 tới 2/2/1943), được coi là trận đánh dài và gian nan nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Gần 1,2 triệu chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã ngã xuống để chặn kẻ thù tiến tới sông Volga.

Trận đánh ác liệt nhất là trận "giành giật từng tấc đất" để bảo vệ ngọn đồi cao 102m, gọi là Đồi Mamaev ở Stalingrad, diễn ra 135 ngày đêm. Trong cuộc chiến tại Stalingrad, có khoảng 1,5 triệu quân Đức tử trận, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh. Sau tháng 2/1943, Hồng quân Liên Xô bắt đầu chuyển sang phản công trên khắp các mặt trận, dẫn tới chiến thắng 9/5/1945 đánh bại quân phát xít.

Video: 1 2 3
DBS M05479
Quang Cao