Hiển thị các bài đăng có nhãn khoa học. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn khoa học. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Trạm nghiên cứu sa mạc sao Hoả trên Trái đất

Tại vùng sa mạc rộng lớn ở miền nam Utah, nước Mỹ, phóng viên ảnh của Reuters là Jim Urquhart gần đây đã có chuyến viếng thăm trạm nghiên cứu sa mạc sao Hoả (MDRS) trên Trái đất. Được xây dựng và điều hành bởi một nhóm người người yêu thích khám phá vũ trụ tên là Mars Society (Hội sao Hoả), cơ sở nghiên cứu này sẽ xem xét tính khả thi của việc cho con người lên khám phá sao Hoả và đã dùng sa mạc Utah vốn có địa hình gần giống với sao Hoả để làm môi trường mô phỏng cho điều kiện làm việc trên hành tinh đỏ. Từ năm 2000, hơn 100 người đã tham gia làm việc theo vòng quay 2 tuần ở trạm MDRS, tiến hành các nghiên cứu trong một nhà kính ở trạm, quan sát, nghiên cứu khu vực và không gian sống. Urquhart đã đồng hành cùng với các thành viên phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B tại trạm MDRS và trong các chuyến đi lấy mẫu địa chất sao Hoả mô phỏng. Sau đây là một số hình ảnh về trạm nghiên cứu sa mạc sao Hoả trên Trái đất (MDRS) và những công việc mà các thành viên phi hành đoàn đang làm cũng như cuộc sống của họ.

Hans van Ot Woud, một nhà nghiên cứu lập bản đồ kiêm nhân viên an toàn và y tế của nhóm phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B, đi lấy mẫu địa chất để về nghiên cứu tại trạm MDRS thuộc vùng ngoại ô Hanksville, sa mạc Utah, 02/03/2013. Dự án trạm nghiên cứu sa mạc sao Hoả (MDRS) được triển khai với mục đích nghiên cứu tính khả thi của việc cho con người lên khám phá sao Hoả và đã dùng sa mạc Utah vốn có địa hình gần giống với sao Hoả để làm môi trường mô phỏng cho điều kiện làm việc trên hành tinh đỏ. Tất cả các công việc khám phá ngoài trời sẽ được tiến hành khi đang mặc đồ vũ trụ, với bình dưỡng khí và các thành viên phi hành đoàn sẽ sống tại một trạm thông tin nhỏ, hạn chế về điện, thức ăn, khí oxy và nước. Tất cả những gì cần thiết cho việc sống sót sẽ phải được sản xuất, sửa chữa và thay thế tại chỗ.


Trạm nghiên cứu sa mạc sao Hoả (MDRS), tại sa mạc Utah, 02/03/2013.


Phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B dùng bữa tại trạm MDRS, 02/03/2013. Những tấm thẻ với tên của những người đã tham gia phi hành đoàn trước đây được dán ở cửa và trên tường.


Matt Cross, một kỹ sư thuộc phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B, làm việc với chiếc xe tự hành bên trong trạm MDRS, 03/03/2013.


Melissa Battler, một nhà địa chất học và là chỉ huy của phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B, mặc bộ quần áo vũ trũ mô phỏng trong trạm MDRS, 02/03/2013.


Đài quan sát Musk, nhìn từ bên trong khu vực làm việc và sinh sống ở trạm MDRS, ngoại ô Hanksville, sa mạc Utah, 02/03/2013.


Matt Cross (trái) - kỹ sư xe tự hành, Hans van Ot Woud (giữa) - nhà nghiên cứu lập bản đồ kiêm nhân viên an toàn và y tế, và Melissa Battler - nhà địa chất học và là chỉ huy của phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B, đứng chờ trong một buồng khí với bộ quần áo vũ trụ mô phỏng trước khi đi ra ngoài lấy mẫu địa chất tại sa mạc Utah, 02/03/2013.


Volker Maiwald (trái) – nhân viên điều hành và là kỹ sư môi trường, cùng Hans van Ot Woud, đứng chờ trong một buồng khí với bộ quần áo vũ trụ mô phỏng trước khi đi ra ngoài lấy mẫu địa chất tại sa mạc Utah, 02/03/2013.


Matt Cross (trái) và Hans van Ot Woud, đi ra bên ngoài sa mạc Utah để lấy mẫu vật về nghiên cứu tại trạm MDRS, 02/03/2013.


Melissa Battler đi ra khỏi trạm MDRS để vào sa mạc Utah làm việc, 03/03/2013.


Các thành viên phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B đi làm việc ở sa mạc Utah, 02/03/2013.


Volker Maiwald đi bộ giữa những đồi đá trong một chuyến đi bộ mô phỏng như môi trường trên sao Hoả tại sa mạc Utah, 02/03/2013.


Csilla Orgel, một nhà địa chất học của phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B, đi lấy mẫu đá để về nghiên cứu tại trạm MDRS, 02/03/2013.


Bốn thành viên phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B làm việc tại sa mạc Utah trong những bộ quần áo vũ trụ mô phỏng gần trạm MDRS, 02/03/2013.


Melissa Battler dùng búa lấy mẫu địa chất ở sa mạc Utah, 02/03/2013.


Csilla Orgel xem xét một mẫu địa chất thu được để đem về nghiên cứu tại trạm MDRS, 02/03/2013.


Melissa Battler (trái) và Csilla Orgel leo lên một tảng đá ở sa mạc Utah, 02/03/2013.


Các thành viên phi hành đoàn Crew 125 EuroMoonMars B trở về trạm MDRS sau chuyến đi lấy mẫu địa chất, 02/03/2013.


Các thành viên trở lại trạm MDRS, 02/03/2013.


Melissa Battler nghiên cứu một mẫu địa chất bên trong trạm MDRS, 02/03/2013.


Hans van Ot Woud kiểm tra cây trồng bên trong nhà kính tại trạm MDRS, 02/03/2013.


Matt Cross làm việc trên máy vi tính trong trạm MDRS, 03/03/2013.


Một tấm bản đồ sao Hoả treo trên tường bên trong trạm MDRS, 02/03/2013.


Bầu trời đêm bên trên trạm nghiên cứu sa mạc sao Hoả (MDRS), ở sa mạc Utah, 02/03/2013.


Nguồn: The Atlantic

Công ty Thụy Sĩ muốn đưa vệ tinh lên quỹ đạo bằng Airbus A300


Nếu bạn muốn phóng một vệ tinh lên quỹ đạo theo cách thông thường, tức là bằng tên lửa đẩy thì chi phí mà bạn phải bỏ ra ít nhất là 50.000.000 USD. Tuy nhiên, một công ty vừa thành lập tại Thụy Sĩ có tên Swiss Space Systems (S3) lại cho rằng hoàn toàn có thể đưa một vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo chỉ với giá 10,6 triệu USD. Tại sao lại "rẻ" như vậy? Thay vì sử dụng tên lửa đẩy, S3 đang lên kế hoạch đưa các vệ tinh vào không gian bằng một máy bay phản lực vào một tàu không người lái.

Hệ thống phóng sẽ được tích hợp trên một chiếc máy bay Airbus A300 - loại máy bay thương mại hiện hành được chứng nhận cho các chuyến bay không trọng lực. Lắp trên lưng của A300 là tàu không người lái và nó chứa bên trong một vệ tinh với trọng lượng không quá 250 kg.



Tàu không người lái.
Máy bay sẽ cất cánh từ một sân bay vũ trụ theo chỉ định và sau đó thả tàu không người lái ở độ cao khoảng 10.000 m. Con tàu bắt đầu khởi động các động cơ và bay lên độ cao 80 km, tại đây, vệ tinh sẽ được phóng từ bệ vận chuyển trên tàu. Vệ tinh sẽ tiếp tục sử dụng động cơ đẩy giai đoạn trên cao để đi vào quỹ đạo trong khi tàu không người lái sẽ bay trở lại sân bay để tái sử dụng.

Theo S3, hệ thống không chỉ sử dụng ít nhiên liệu hơn so với các hệ thống tên lửa đẩy truyền thống mà lệnh phóng còn thể được hoãn lại ở mọi giai đoạn, tàu không người lái sẽ mang vệ tinh trở lại mặt đất. Thêm vào đó, do máy bay Airbus A300 có thể cất cánh từ mọi đường băng thích hợp với nó nên các sân bay vũ trụ có thể được thiết lập tại nhiều nơi trên trên thế giới. Điều này có nghĩa khách hàng với nhu cầu đưa vệ tinh lên quỹ đạo sẽ không cần vận chuyển vệ tinh của mình đến một địa điểm phóng cố định.


Thiết kế sân bay vũ trụ tại Payerne.

Một trong những sân bay vũ trụ đầu tiên theo dự án của S3 đã được lên kế hoạch khai trương tại thành phố Payerne của Thụy Sĩ vào năm 2015 và những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên cũng đã được lên lịch thực hiện vào cuối năm 2017. Các sân bay tiếp theo khả năng sẽ được thiết lập tại Malaysia và Ma-rốc cùng nhiều địa điểm đang trong danh sách chờ đợi khác.

Ngoài S3, hãng hàng không vũ trụ Virgin Galatic cũng đang phát triển một hệ thống tương tự, theo đó vệ tinh sẽ được đưa đến độ cao cần thiết để phóng bằng máy bay WhiteKnightTwo của hãng.


Theo: Gizmag

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Việt Nam sắp phóng vệ tinh hơn 70 triệu USD


Văn phòng chính phủ vừa có văn bản phê duyệt phương án phóng vệ tinh thu nhỏ VNREDSat-1A, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam được phóng lên vũ trụ.

Tên lửa Vega trên bệ phóng. Ảnh: ESA.


Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Viện phó Viện Công nghệ vũ trụ cho biết, vệ tinh VNREDSat - 1A thiết kế bởi Hãng sản xuất vệ tinh của Pháp là Astrium. Dự án khởi động từ năm 2010, khi phái đoàn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sang Toulouse đặt hàng. Trong dự án này, 15 kỹ sư Việt Nam sẽ được Astrium huấn luyện để sau đó Việt Nam có thể làm chủ và điều hành vệ tinh.

"Vệ tinh VNREDSat - 1A nhằm phục vụ hoạt động quan sát trái đất, theo dõi và phân tích tài nguyên, quản lý môi trường, giám sát thiên tai trên toàn lãnh thổ trong 5 năm", ông Tuyên nói.

VNREDSat-1A là vệ tinh quan sát quang học. Vệ tinh nặng 120 kg đi vào hoạt động giúp người làm quản lý đưa ra cảnh báo sớm và kịp thời tới người dân về thảm họa thiên tai.

Vệ tinh trên do hãng Ariane Space phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Vega từ Trung tâm Vũ trụ Guiana, thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nằm ở Guiana, thuộc Pháp ở Nam Mỹ.

Dự án Vệ tinh VNREDSat -1A có mức đầu tư khoảng hơn 70 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Pháp và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Đây là vệ tinh thứ ba của Việt Nam phóng lên vũ trụ. Trước đó hai vệ tinh Vinasat-1 lên quỹ đạo năm 2008 và Vinasat-2 vào không gian năm ngoái.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Dùng bom nguyên tử chặn thảm họa thiên thạch?

Sau vụ nổ thiên thạch có trọng lượng 10.000 tấn tại vùng Urals, các chuyên gia Nga cùng nhiều nước khác sôi sục tìm kiếm các biện pháp nhằm ngăn chặn thảm họa thiên thạch, trong đó có đề xuất sử dụng bom hạt nhân.

Một nhà khoa học tìm thấy mảnh vỡ thiên thạch ở hồ Chebarkul thuộc Chelyabinsk.


Truy tìm "đá trời"

Đến nay, đội tìm kiếm gồm các nhà khoa học Nga đã tìm thấy 53 mảnh nhỏ của thiên thạch đã phát nổ tại vùng Ural của Nga hôm 15/2. Những nghiên cứu ban đầu đã cung cấp một số thông tin của thiên thạch này, theo đó, các mảnh vỡ được tìm thấy rất nhỏ, chỉ từ 0,5-1cm, chứa khoảng 10% sắt và thuộc loại chondrite - một thể phổ biến nhất của các thiên thạch tìm thấy trên trái đất.

Tuy nhiên, cư dân thành phố Chelyabinsk dường như quan tâm nhiều hơn tới giá trị trên thị trường chợ đen của các mảnh vỡ thiên thạch này. Họ săn lùng các mảnh vỡ thiên thạch và rao bán trên trang web đấu giá Avito.Ruhàng đầu của Nga với giá từ 100 đến 1.000 ruble (tương đương với từ 3 đến 33 USD). Thậm chí một số trang mạng còn rao bán giá lên tới 10.000 USD/mảnh thiên thạch lớn.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng, không thể tồn tại mảnh vỡ thiên thạch lớn vì thiên thạch có thành phần chủ yếu từ băng. Băng hầu như bốc hơi hoàn toàn trong quá trình rơi vào khí quyển trái đất.

Vì vậy, cảnh sát đã đưa ra cảnh báo đối với người mua, đồng thời tìm cách tiếp cận những người rao bán cùng các mảnh vỡ này để xác minh độ xác thực của những vật thể trên.

Nga chi hàng tỷ USD cho kế hoạch xây dựng "lá chắn phòng thủ không gian" để ngăn chặn các mối hiểm họa bởi thiên thạch và tiểu hành tinh ngoài vũ trụ.


Những đề xuất táo bạo

Lidiya Rykhlova, người đứng đầu bộ phận thiên văn học tại Viện Nghiên cứu vũ trụ Moscow cho biết, các chuyên gia đã soạn thảo một chương trình dự kiến nhằm chế tạo hệ thống kính thiên văn khổng lồ để quan sát không gian và có thể đưa ra cảnh báo sớm về các tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm, cũng như sao chổi và các mối đe dọa khác với trái đất. Chương trình này dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 58 tỷ ruble (khoảng 1,9 tỷ USD).

Chương trình do Viện Thiên văn học tại Học viện Khoa học Nga và Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Trung ương Nga thiết kế, trình bày và đã được Cơ quan không gian quốc gia Roskosmos phê duyệt. Các nhà khoa học Nga tin rằng, lá chắn phòng thủ quốc gia có khả năng hoàn thành trong thời gian 10 năm tới.

Lá chắn phòng thủ không như nhiều người tưởng tượng, được trang bị vũ khí laser tân tiến mà bao gồm một mạng lưới các kính thiên văn quan sát không gian. Các kính thiên văn này, một số sẽ được đưa lên quỹ đạo, số còn lại hoạt động dưới mặt đất, làm nhiệm vụ giám sát xung quanh hành tinh của chúng ta.

Đồng thời, lá chắn phòng thủ không gian cũng được trang bị khả năng hủy diệt một tiểu hành tinh trong trường khẩn cấp với các đầu đạn hạt nhân uy lực nhất. Nếu mối đe dọa được phát hiện sớm, các máy móc và phương tiện tiên tiến sẽ ưu tiên khả năng thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh.

Không chỉ các nhà khoa học Nga, nhiều chuyên gia Mỹ và châu Âu cũng đóng góp những ý tưởng thú vị. Các ý tưởng ban đầu nghe có vẻ như trong phim khoa học viễn tưởng bao gồm đâm một tàu vũ trụ vào thiên thạch; sử dụng vũ khí laser hoặc bom hạt nhân để hủy diệt chúng trước khi chúng hủy hoại hành tinh của chúng ta. Ngoài ra, "nhóm hành động chung” được xây dựng dựa trên sự hợp tác của các quốc gia để xử lý các vấn đề liên quan đến các vật thể không gian gần trái đất (NEOs) cũng gợi ý thành lập Mạng lưới cảnh báo tiểu hành tinh quốc tế cũng như các nhóm cố vấn về triển khai các sứ mệnh không gian nhằm ngăn chặn những mối đe dọa từ bên ngoài vũ trụ và ứng phó thảm họa.

Trong khi đó, các chuyên gia thuộc Cơ quan không gian châu Âu (ESA) ở Darmstadt, Đức thì lên kế hoạch khởi động một nghiên cứu giám sát bầu trời đêm sử dụng các kính viễn vọng tự động có khả năng chụp các vật thể trước khi chúng xâm nhập vào khí quyển của trái đất.

Tại California, một nhóm các nhà khoa học đang nghiên cứu một hệ thống để khai thác năng lượng mặt trời và chuyển hóa nó thành các tia laser có khả năng phá hủy hoặc làm thay đổi quỹ đạo của các thiên thạch cũng như tiểu hành tinh.

“Hệ thống này không phải một là một ý tưởng quá xa vời. Các thành phần để tạo nên hệ thống này hiện có và cái mà chúng ta cần là phải hợp nhất chúng, mở rộng quy mô của chúng. Đó là một thách thức”, ông Gary B. Hughes, một nhà nghiên cứu tại Đại học Bách khoa California, San Luis Obispo cho hay.

Lật tẩy sự thực về ma quỷ

Một trong những yếu tố gây khó khăn cho việc điều tra ma quỷ là sự không thể thỏa thuận về định nghĩa "Thế nào là ma?".

Hàng chục người trên khắp thế giới đang tích cực lần theo những bóng ma và coi đó là đam mê. Thậm chí, khoảng 2.000 tổ chức săn ma nghiệp dư với số lượng hàng chục thành viên đang hoạt động trên khắp lãnh thổ nước Mỹ.

Ma đã và đang là chủ đề phổ biến suốt nhiều thiên niên kỷ qua và không ít câu chuyện về ma quỷ ghi lại trong những tài liệu. Từ kinh thánh tới sản phẩm văn học dân gian, ma quỷ luôn là phần thu hút nhiều sự quan tâm dù khiến người ta không khỏi sợ hãi.

Trên thực tế, ma quỷ có lẽ là niềm tin huyền bí phổ biến nhất trên thế giới, vượt qua nhiều loại tôn giáo và tín ngưỡng đang thịnh hành. Một phần khiến người ta càng cuồng tín vào ma quỷ là sự lan truyền của những câu chuyện huyền bí, khoảnh khắc cận kề sự sống và cái chết hay câu chuyện không thể kiểm chứng về một thế giới bên kia cũng như cách liên lạc giữa cõi âm với người dương.

Rất nhiều quan niệm cho rằng, khi những người thân thiết qua đời, linh hồn họ vẫn dõi theo những người còn sống. Quan niệm này thường dễ dàng được ủng hộ bởi không ít người luôn cố gắng phủ nhận sự thật, người thân của họ mãi mãi rời xa. Một số khác tin vào ma quỷ bởi họ tận mắt chứng kiến những hiện tượng siêu nhiên mà chưa tìm được lời giải thích.

Hí họa về con ma

Khoa học và logic của ma

Trải qua những điều phi thực tế và không thể giải thích là một chuyện, nhưng bằng chứng khoa học là điều hoàn toàn khác. Một trong những yếu tố gây khó khăn cho việc điều tra ma quỷ là sự không thể thỏa thuận về định nghĩa: "Thế nào là ma".

Một số người tin rằng đó là linh hồn của những người đã mất vì một lý do nào đó. Họ gặp trục trặc trên đường "sang thế giới bên kia" và ở lại với trần gian. Số khác cho rằng, bóng ma là những phương thức thần giao cách cảm, tồn tại hoặc tác động trực tiếp tới tâm trí chúng ta.

Bên cạnh đó, vẫn còn hàng loạt những quan điểm khác về ma, chẳng hạn như đó là quỷ hiện hình hay những tiếng động ma quái, hình ảnh bóng người không thể xác định vụt qua ngay trước tầm mắt. Tất cả những điều đó tạo nên sự đa dạng của ma quỷ, giống với những nàng tiên, công chúa hay những con rồng trong trí tưởng tượng của con người.

Trên thực tế, có nhiều mâu thuẫn về khái niệm bóng ma. Bóng ma có phải là vật chất? Chúng dễ dàng di chuyển qua những vật thể rắn mà không gây ra bất kể tác động nào nhưng tại sao lại có khả năng điều khiển mọi vật trong phòng? Nếu bóng ma là linh hồn của con người, sao chúng lại có thể mặc quần áo?

Nếu bóng ma là nạn nhân trong những vụ giết người đầy uẩn khúc, tại sao chúng không dùng những năng lực siêu nhiên để giúp cảnh sát phá án. Khi đó, sẽ không còn tồn tại các vụ án mạng không thể điều tra hoặc điều tra đi vào ngõ cụt như hiện nay.

Trên thực tế, hàng loạt những thợ săn ma nghiệp dư đã sử dụng những phương pháp hàng đầu thế giới nhằm truy vết những con ma. Bộ đếm Geiger, máy dò điện từ EMF, máy dò Ion, camera hồng ngoại hay micro siêu nhạy đều lần lượt được sử nhưng chưa từng một lần ghi lại được dấu vết của bất kể con ma nào.

Một vài lập luận cho rằng, ma không tồn tại dưới dạng vật chất thông thường như những gì con người có thể nhìn thấy, vậy những đoạn video, hình ảnh được cho là ghi lại hình ảnh của ma sẽ trở nên hoàn toàn thiếu cơ sở. Đó không phải là bóng mà mà chỉ đơn thuần là một dạng vật chất nào đó chưa thể làm sáng tỏ.

Với rất nhiều mâu thuẫn về ma, sẽ không nhà khoa học nào tin vào sự tồn tại của nó trong thế giới thực, và cũng chẳng có gì đáng coi là ngạc nhiên khi hàng chục ngàn thợ săn ma đều bó tay trước việc tìm kiếm bằng chứng về sự tồn tại của nó.

Tại sao nhiều người tin vào ma?

Những người hiểu biết về khoa học vận dụng lý thuyết của nhà vật lý lừng danh Albert Einstein khẳng định: "Năng lượng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi mà nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác". Vậy chắc hẳn sẽ có nguồn năng lượng nào đó chuyển hóa một cách bí ẩn sau khi chúng ta chết?

Câu trả lời đơn giản và không có chút gì bí hiểm. Khi người chết đi, năng lượng từ chính cơ thể phân tán ra môi trường. Năng lượng phát tán dưới dạng nhiệt hoặc chất vào những loại vi sinh vật phân hủy cơ thể. Cuối cùng, năng lượng đó sẽ được cây cối hấp thụ, quay trở về với vòng tuần hoàn vốn có.

Trong quá trình phân hủy, một chất gọi là phốt pho sẽ thoát khỏi thi thể và bốc lên cao, vẫn được dân gian gọi là "ma trơi". Khí này rất nhẹ nên khi người hay động vật gần đó di chuyển tạo ra gió, phốt pho sẽ bị cuốn theo khiến nhiều người nhầm tưởng là do ma đuổi bắt.

Ngoài việc giải thích bằng khoa học, việc con người tin vào ma cũng có thể giải thích bằng tâm lý học, nhậm thức sai lầm hay những trò lừa bịp có chủ tâm và chủ đích. Thêm vào đó, những bộ phim điện ảnh, những tiểu thuyết hay truyện ma khiến nhiều người nhầm tưởng những sự việc bình thường thành hiện tượng bí ẩn. Tuy nhiên, việc truyền miệng khiến những câu truyện phi lý về ma quỷ được lan truyền trong cộng đồng. Chính vì đó, đôi khi nhiều người cho sự trùng lặp tới khó tin là do ma quỷ.

Rất khó tránh nếu thiên thạch rơi ở Việt Nam

Việt Nam hiện chưa có khả năng và phương tiện quan sát hiện tượng thiên thạch rơi. Nếu một thiên thạch như ở Nga rơi xuống thì đành bó tay, tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết.



- Vụ thiên thạch rơi ở Nga gây chấn động thế giới. Vậy đặt tình huống nếu thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì chúng ta có thể phát hiện, cảnh báo trước được không?

- Ở Việt Nam chưa cơ quan nào có khả năng cũng như phương tiện để quan sát được hiện tượng thiên thạch rơi. Việc quan sát này đòi hỏi những kính thiên văn rất lớn.

Người ta thống kê trong khoảng 300-400 năm trở lại đây, có khoảng 20 thiên thạch trọng lượng vài tấn tới vài chục tấn rơi xuống trái đất ở vị trí khác nhau. Bề mặt trái đất rất rộng nên xác suất thiên thạch rơi một vị trí xác định nào đó là rất nhỏ. Do đó, thiên thạch rơi ở chỗ nào thì mình cũng phải chịu thôi chứ không có cách nào phòng tránh cả.

Hiện tượng này khá nguy hại tới trái đất song xác suất tương đối nhỏ. Bởi vì những thiên thạch rơi cỡ như ở Nga thì khoảng 100 năm mới có một lần.

- Trong lịch sử, Việt Nam từng ghi nhận vụ rơi thiên thạch nào gây thiệt hại chưa?

- Có những biểu hiện cho thấy Việt Nam từng bị thiên thạch rơi xuống khi người ta tìm thấy những mẫu đá tên là đá tectic ở Lâm Đồng, Tây Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng. Tectic hình thành khi thiên thạch rơi xuống trái đất. Thường tectic không phải là những mảnh vụn thiên thạch mà là những mảnh nham thạch có nguồn gốc từ trái đất bị nóng chảy do sự va đập của thiên thạch. Tuy nhiên, thiên thạch rơi vào Việt Nam tại thời điểm nào, tác động, thiệt hại ra sao thì các nhà khoa học chưa tìm ra câu trả lời.

- Nếu chưa đủ phương tiện, Việt Nam có liên kết với cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ và Nga để cảnh báo sớm không, thưa ông?

- Thực ra, Việt Nam chưa có cơ quan nào được giao trách nhiệm chính thức để chuyên theo dõi về thiên thạch cũng như tác động của nó. Các cơ quan hàng không vũ trụ của Nga và Mỹ vẫn liên tục thông tin cho các nước khi họ có thông tin. Giả sử nếu họ tính toán được quỹ đạo tương đối chính xác của vật thể thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì họ sẽ thông báo cho nước ta.

- Nếu có cảnh báo về việc thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì chúng ta có giải pháp gì để phòng tránh?

- Hiện nay, việc phòng tránh rất khó và chưa có cách nào khả thi để ngăn chặn. Ngay cả ở Nga, có đầy đủ các phương tiện hiện đại, với lịch sử nghiên cứu khá lâu song vẫn bị thiệt hại nặng nề khi có thiên thạch rớt xuống. Có thể trong tương lai, nếu khoa học tiến bộ hơn, quan sát vũ trụ được tốt hơn thì sẽ dự đoán chính xác hơn còn hiện tại thì phải chấp nhận.

Theo Theo Người Lao Động

Ảnh đẹp thiên văn tuần qua

Thiên thạch kích thước 50 m hay cực quang màu xanh là hai trong số những hình ảnh thiên văn ấn tượng tuần qua do Cơ quan Vũ trụ và Hàng không Mỹ (NASA) bình chọn.


Mỗi ngày trái đất đón nhận rất nhiều thiên thạch từ vũ trụ lao vào bầu khí quyển. Thiên thạch kích cỡ càng lớn thì càng hiếm gặp. Thiên thạch đường kính 100 m chỉ xuất hiện khoảng 1000 năm một lần, cỡ 1 km thì là 1 triệu năm một lần. Vệt màu xanh trong bức ảnh trên là thiên thạch kích thước 50 m phát hiện năm 1998.


Các ngôi sao siêu nặng, gió, bụi và ánh sáng năng lượng cao đã "điêu khắc" nên một trong những vùng tạo sao lớn nhất trong các thiên hà gần trái đất, nằm trong đám mây Magellan Lớn, chứa tới 3 thế hệ sao liên tục.


Phần cực quang màu xanh có thể dễ dàng thấy được bằng mắt thường, trong khi phần màu đỏ chỉ nổi lên dưới bức ảnh phơi sáng 20 giây như trên. Chúng có nguồn gốc từ khi oxy trong khí quyển bị kích thích và phát ra màu sắc. Giữa bầu trời trong ảnh là sao Mộc và cụm sao Tua Rua ở cao hơn chút.


Tinh vân nổi tiếng Orion có thể nhìn thấy bằng mắt thường như một vùng sáng mờ trong lòng chòm sao Orion. Bức ảnh hồng ngoại này cho ta thấy rõ các đám khí nóng sáng và bụi tối xen lẫn giữa các ngôi sao đang hình thành ở vùng trung tâm.


Vào ngày Valentine năm 1990, tàu vũ trụ Voyager 1 chụp lại ảnh các hành tinh trong Hệ mặt trời. Đây là bộ gồm 60 bức ảnh với mặt trời ở trung tâm, trong đó vị trí các hành tinh đánh dấu bằng chữ cái tên hành tinh đó, kèm ảnh phóng đại đã qua xử lý.


Hai vệ tinh Ganymede (bên trên) và Io đang đổ bóng lên bề mặt của sao Mộc. Ở rìa phải, ta có thể thấy Vết Đỏ Lớn, một cơn bão tồn tại lâu dài trên bề mặt hành tinh khổng lồ này.


Sao chổi Lemmon và PanSTARRS đang lướt qua bầu trời phương nam. Trong hình, sao chổi Lemmon bay gần đám mây Magellan Nhỏ và cụm sao 47 Tucanae (bên phải). Cả hai sao chổi này hiện hướng về bầu trời phương bắc, ngày càng sáng hơn và có thể quan sát được qua ống nhòm hoặc kính thiên văn.


Theo NASA

Vũ trụ có thể biến mất vì 'hạt của Chúa'

Hạt Higgs, loại hạt hạ nguyên tử mà giới vật lý đang săn lùng, có thể khiến vũ trụ diệt vong sau vài tỷ năm nữa.


Hình mô phỏng quá trình tìm kiếm hạt Higgs bằng cách cho các luồng hạt proton va chạm trực diện với tốc độ cực lớn trong máy gia tốc. Ảnh: tamu.edu.


Vào tháng 7 năm ngoái, các nhà vật lý của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) thông báo họ đã tìm được một loại hạt có đặc tính giống hạt Higgs, loại hạt tạo ra khối lượng cho vật chất trong vũ trụ, nhờ cỗ máy gia tốc hạt lớn (LHC). Họ vẫn tiếp tục thu thập thêm dữ liệu để chứng minh hạt mới chính là hạt Higgs.

Việc chứng minh loại hạt mới là hạt Higgs chẳng những giúp giới khoa học tìm ra cách giải thích khối lượng của vật chất, mà còn cho phép họ đưa ra những tính toán mới về vũ trụ. Chẳng hạn, khối lượng của hạt mới tương đương khoảng 126 lần khối lượng hạt proton - một con số vừa đủ để gây nên trạng thái bất ổn trong vũ trụ.

Trong hội nghị thường niên của Hiệp hội Khoa học Cao cấp Mỹ vào ngày 18/2, ông Joseph Lykken, một nhà vật lý lý thuyết của Phòng thí nghiệm Máy gia tốc quốc gia Fermi (Fermilab) tại Mỹ, tuyên bố rằng hạt Higgs là điềm báo xấu về số phận của vũ trụ, Livescience đưa tin.

"Theo tính toán của chúng tôi, vũ trụ luôn ở trong trạng thái bất ổn. Do không ổn định nên sau vài tỷ năm nữa, vũ trụ sẽ diệt vong", Lykken nói.

Giới khoa học cho rằng hạt Higgs hiện diện ở mọi nơi. Vì thế nó tác động tới khoảng trống không-thời gian (gồm ba chiều không gian và một chiều thời gian) trong vũ trụ.

"Khối lượng hạt Higgs liên quan tới mức độ ổn định của khoảng trống ấy. Nếu khối lượng của hạt Higgs chỉ tăng hoặc giảm một chút, vũ trụ sẽ không diệt vong", Christopher Hill, một nhà vật lý lý thuyết của Fermilab, giải thích.

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Galilê - Cha đẻ của khoa học cận đại


Galilê là nhà khoa học nổi tiếng thời Cổ đại, ông sinh ra ở thành Pisa Italia. Suốt đời ông theo đuổi chân lý, hiến thân cho khoa học, dám giữ vững nguyên tắc của mình.

Đầu tiên ông đưa ra nguyên lý quán tính, khái niệm lực và gia tốc, là người mở đường cho lực học kinh điển và vật lý học thực nghiệm. Ông là người đầu tiên dùng kính viễn vọng quan sát các thiên thể, chứng minh và phát triển thuyết mặt trời là trung tâm vũ trụ của Côpecnich.
Ông được người đời sau mệnh danh là “Cha đẻ của khoa học cận đại”.
 
Galilê là nhà khoa học nổi tiếng thời Cổ đại, ông sinh ra ở thành Pisa Italia. Suốt đời ông theo đuổi chân lý, hiến thân cho khoa học, dám giữ vững nguyên tắc của mình. 
 
Khi còn đi học Galilê là một học sinh hay đặt ra câu hỏi, đối với những vấn đề hứng thú ông luôn tự tìm cách chứng minh. Có một thầy giáo đã đưa ra một câu hỏi hóc búa cho học sinh: Dùng một sợi dây vòng thành các hình khép kín khác nhau, thị hình nào có diện tích lớn nhất? Để tìm câu trả lời Galilê đã tìm một sợi dây vòng thành các hình như hình vuông, chữ nhật, hình tròn vv… cuối cùng ông phát hiện hình tròn là hình có diện tích lớn nhất trong các hình, ông còn dùng những kiến thức toán học của mình học được để chứng minh quan điểm này.
 
Thầy giáo của ông thấy sự chứng minh của Galilê như vậy hết sức vui mừng, cổ vũ ông học toán học. Gallilê ngày càng có hứng thú với toán học, ông còn thường đọc một số sách của các nhà khoa học nổi tiếng, ông thích đọc sách của nhà triết học Arixtốt người Hy Lạp nhất, đồng thời ông còn thích tìm tòi thảo luận những nội dung trong sách. Ông dần dần phát hiện ra có rât nhiều vấn đề Arixtốt không có tư duy biện chứng chặt chẽ mà chỉ phán đoán thông qua cảm giác và kinh nghiệm.
 
Arixtốt cho rằng hai vật cùng đồng thời rời từ trên cao xuống, vật nặng rơi xuống trước, vật nhẹ rơi xuống sau. Galilê thì ngày càng nghi ngờ điều này, ông nghĩ: “Các cục đã băng rơi từ trên trời xuống , cục to cục nhỏ chẳng phải rơi xuống đất như nhau sao? Arixtốt sai hay ông sai?"


 
Về sau, Galilê trở thành giáo sư dạy toán tại trường Đại học pisa, ông đã đưa ra sự hoài nghi đối với học thuyết của Arixtốt.
 
Các đồng sự của ông biết điều hoài nghi đó của ông đều bàn tán xôn xao, có người nói Arixtốt là nhân vật vĩ đại như vậy, lẽ nào quan điểm của ông lại sai được? Đây chắc là muốn chơi trội. Lại có người nói Giáo hội và Giáo hoàng đều thừa nhận những điều Arixtốt nói là chân lý,Galilê lại dám nghi ngờ cả chân lý. Điên chắc. Nhưng Galilê không để ý những điều mọi người dị nghị, ông nghĩ cách dùng thực nghiệm để chứng minh sự đúng đắn của mình. Ông nhớ lại lúc nhỏ cùng các em trèo lên tháp Pisa chới trò ném đá xuống, mỗi lần ném một nắm đá xuống có hòn to hòn nhỏ, chúng đều cùng rơi xuống đất một lúc. Thế là ông quyết định phải lên tháp pisa để làm thực nghiệm, để cho tất cả mọi người đều nhìn thấy kết quả thực nghiệm.
 
Galilê dán quảng cáo trong thành phố, ông viết: “Trưa mai mời mọi người dến tháp nghiêng pisa xem thực nghiệm về vật rơi”. Tin được truyền đi, đúng trưa ngày hôm sau rất nhiều người đã kéo đến xem thực nghiệm, có người là nhà khoa học, có người chỉ là dân thường trong thành phố, có bạn bè của ông và có cả những người phản đối ông. Trong đám người đến xem vẫn có người cười ông, họ nói rằng có thằng ngốc mới tin rằng một chiếc lông gà và một viên đá cùng rơi xuống đất như nhau. Lúc đó Galilê hết sức tự tin vì rằng ông và các học sinh của ông đã làm thực nghiệm nhiều lần và mỗi lần đều chứng minh đúng.
 
Thực nghiệm bắt đầu, Galilê và học sinh của mình đặt hai quả cầu sắt to nhỏ khác nhau tương đối rõ rệt vào một cái hộp, đáy của hộp có thể mở ra được, chỉ cần kéo đáy hộp ra là hai viên cầu sắt trong hộp đồng thời tự do rơi xuống. Galilê và các học sinh của mình đưa hộp lên đỉnh tháp, mọi người đứng phía dưới đều chăm chú ngẩng đầu nhìn lên. Galilê đích thân kéo đáy hộp ra, mọi người nhìn thấy hai quả cầu sắt một to một nhỏ rơi xuống, tất cả đều nín thở.


 
“Bịch” một tiếng, cả hai viên đồng thời rơi xuống đất mọi người đứng xem cùng reo lên, còn những người phản đối Galilê thì im lặng không nói gì. Thực tế mọi người nhìn thấy đã chứng minh:
 
Mọi vât thể rơi từ trên cao rơi xuống, thời gian rơi xuống không liên quan đến trọng lượng.
 
Điều đáng nói là năm 1969 các nhà du hành vũ trụ đã đặt chân lên mặt trăng, họ đã làm thực nghiệm, thả một chiếc lông vũ và một hòn đá cùng rơi xuống, kết quả chiếc lông và hòn đá cùng rơi xuống mặt trăng một lúc. Điều này đã nói cho biết nếu như không có lực đẩy của không khí, chiếc lông và hòn đá sẽ rơi xuống mặt đất cùng một lúc.
 
Câu chuyện nổi tiếng về thực nghiệm ở tháp nghiêng Pisa vẫn còn lưu truyền trên thế giới đến ngày nay, nó đã trở thành một giai thoại lịch sử khoa học.
 
Chuyện về kính viễn vọng
 
Vào mùa hè một năm nọ, Galilê nhận được thư của một người bạn gửi tới, trong thư có nói rằng: “Có một người Hà Lan chế tạo được một chiếc kính rất đặc biệt, hôm qua khi đi dạo bên bờ sông tôi đã gặp ông ta. Lúc ấy bên kia bờ sông có một cô gái rất đẹp, qua ống kính tôi đã nhìn thấy cô gái ấy, khuôn mặt cô rõ mồn một cứ như cô đang đứng ngay trước mặt tôi vậy. Tôi ngạc nhiên đến reo lên, tôi nghĩ rằng mình có thể sờ tay vào cô gái được, nhưng khi tôi với tay ra thì suýt ngã xuống sông, thì ra cô gái vẫn ở mãi tận bờ sông bên kia! Vì rằng ông ta không còn chiếc kính nào nữa nên không thể mua lại cho anh được.”
 
Galilê đọc đi đọc lại bức thư, mừng nhảy cẫng lên, ông nói: “Tôi cũng phải làm chiếc kính như thế! Tôi muốn nhìn tận mắt khuôn mặt của những người ở phía xa , có lẽ tôi còn muốn nhìn rõ cả khuôn mặt của những vì sao trên trời cao!”
 
Để làm được loại kính đặc biệt này Galilê đã tìm đọc các tài liệu có liên quan, sau đó suy nghĩ tìm tòi. Một mặt ông dùng bút vẽ trên giấy, một mặt dùng máy tính để tính toán. Mất đúng một đêm, cuối cùng ông đã tìm được cách làm ra chiếc kính này. Galilê muốn làm loại kính này, ông cần mua mấy chiếc phôi thấu kính để thử làm thiết bị có thể nhìn ra được, nhưng lục túi không thấy còn đồng nào, ông nói với người làm: “Lấy áo khoác của tôi đi đặt lấy tiền đi!” Người phục vụ gái không nỡ làm như vậy, liền lấy tiền riêng của mình để mua mây miếng phôi thấu kính.
 
Sau khi có vật liệu để làm rồi ông liền bắt tay vào mài kính. Về tính năng của thấu kính thì Galilê quá thuộc nhưng việc mài kính là rất công phu. Ông phải mất mấy ngày mới mài được hai miếng thấu kính, một thấu kính lồi, một thấu kính lõm. Ông lấy hai ống dài một to, một nhỏ để có thể lồng vào nhau được, ông gắn hai chiếc thấu kính lên hai chiếc ống đó, lúc này chỉ còn việc điều chỉnh cự ly của hai thấu kính là có thể đưa những vật từ xa lại gần và phóng đại nó lên. Galilê nâng cái ống kính đơn giản và kỳ lạ ấy lên ngắm cây mọc phía ngoài cửa sổ, ông điều chỉnh hai chiếc ống có gắn kính tức là điều chỉnh cự ly của hai thấu kính, khi điều chỉnh đến vị trí tốt nhất, Galilê bỗng đã nhìn thấy cái cây đứng từ xa nhỏ gần lại ngay trước mắt, có cảm giác như giơ tay ra là có thể sờ thấy được.
 
Galilê đã thành công, đã làm được loại kính có thể nhìn xa này, ông vô cùng sung sướng! Ông quyết tâm tiếp tục cải tiến loại kính này để nó có thể nhìn xa hơn. Thế là ông lại bắt đầu thiết kế, tính toán, vẽ, mài thấu kính … Qua một mùa hè phấn đấu, hệ số phóng đại của thấu kính đã tăng lên từ 3 đến 9 lần. Sau này ông lại làm ra được chiếc kính phóng đại vật thể lên gấp 33 lần, loại kính này được mọi người gọi là “kính viễn vọng”. Bởi vì nó thực sự là kính viến vọng nên cho đến nay người ta vẫn gọi nó với cái tên như vậy.
Sau khi sản xuất thành công kính viễn vọng, tin truyền nhanh đi khắp Châu Âu, đã có nhiều người bỏ tiền mua kính của ông. Vì bộ phận quan trọng nhất của kính vọng là thấu kính, nên Galilê suốt ngày đêm ngồi mài kính, tuy như vậy nhưng kính ông làm ra vẫn không đủ để bán cho người cần.
 
Galilê sản xuất và cải tiến kính viễn vọng đồng thời bắt đầu dùng kính viễn vọng vào ứng dụng vào quan sát bầu trời, nó đặt nền móng cho ông nghiên cứu thiên văn học sau này.
 
Chân lý tỏa sáng
 
Trên trời cao có vô vàn những vì sao, chúng xa xôi và thần bí. Ở thời đại Galilê sống, người ta tin rằng tất cả các vì sao trên bầu trời là đứng yên, bất động mà trung tâm là Trái đất. Đây chính là “Thuyết Trái đất là trung tâm của vũ trụ” mà mọi người công nhận lúc đó. Nhưng Galilê đã dùng kính viễn vọng quan sát thấy các thiên thể vận động. Ông viết trong sách của mình rằng: “Tất cả không phải là tĩnh tại, mặt trời đang quay, trái đất cũng đang quay. Trái đất không chỉ quay quanh mặt rời mà còn tự quay quanh mình nó theo một trục”.
 
Học thuyết của Galilê vừa ra đời đã xúc phạm đến Giáo hội, Giáo hội quy học thuyết của ông vào loại “Thuyết mặt trời là trung tâm vũ trụ”, được coi là học thuyết dị đoan. Giáo hội không muốn nhìn thấy có người đưa ra học thuyết khác với truyền thống, muốn mọi người mãi mãi tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Tòa án tôn giáo của Giáo hội gọi thẩm vẫn Galilê, Galilê nhận được sự cảnh cáo của Giáo hoàng, cấm ông tuyên truyền cho “Thuyết mặt trời là trung tâm của vũ trụ” dưới mọi hình thức.
 
Galilê bị đả kích, nhưng ông vẫn không quên công việc nghiên cứu của mình. Tốn mất thời gian 6 năm để hoàn thành cuốn sách của mình, nội dung bàn về hai quan điểm “Thuyết mặt trời là trung tâm của vũ trụ” và “Thuyết Trái đất là trung tâm của vũ trụ”. Cuốn sách truyền bá tư tưởng mới, viết sinh động, khôi hài, sau khi xuất bản độc giả đã giành nhau mua hết ngay.
 
Những người phản đối Galilê đọc xong liền tiến hành công kích ông, nói rằng xuất bản cuốn sách này là vi phạm lệnh cấm và làm vấn đề trở nên càng ngày càng nghiêm trọng.
 
Như vậy sách vừa ra đời được nửa năm đã bị cấm bán. Giáo hoàng đã tin vào những lời miệt thị Galilê của một số người lòng dạ hẹp hòi, tòa thánh La Mã và vương quốc Tây Ban Nha cùng phối hợp đưa ra lời cảnh cáo, loại cảnh cáo này là một biện pháp vô cùng nghiêm khắc lúc bấy giờ.
 
Hai tháng sau tòa án Rome gửi trát đòi Galilê đến toà án thẩm vẫn. Mặc dù đã 69 tuổi, bệnh nằm liệt giường ông vẫn bị áp giải đến Rome.
 
Lúc đầu, Giáo hội chỉ định để Galilê thừa nhận việc ông tuyên truyền “Thuyết mặt trời là trung tâm của vũ trụ” là sai lầm đồng thời yêu cầu ông viết giấy đảm bảo sau này không tuyên truyền nữa. Nhưng Galilê không nhận tội, cũng không viết giấy bảo đảm, ông nói: “Những điều tôi viết trong sách dều là sự khách quan, tôi không hề phản đối Giáo hoàng. Tôi có tội gì? Lẽ nào tôi lại phải che giấu chân lý, lừa dối mọi người? Lẽ nào tôi sẽ bị trừng phạt vì nói ra sự thật?”
 
Việc thẩm vấn kéo dài 5 tháng, sức khỏe của Galilê đã không chịu nổi, nhưng mỗi lần thẩm vẫn ông không hề tỏ ra hối hận về việc mình làm. Vì sức khỏe quá yếu, sau mỗi lần chịu thẩm vấn ông đều phải trở về bằng cáng. Tòa án Giáo hội thấy sức khỏe của ông thực sự không chịu nổi liền phán quyết: “Tội danh Galilê là đi ngược lại giáo lý tuyên truyền học thuyết dị đoan bị cầm từ chung thân.
 
Sau khi tòa án tuyên phạt, Galilê bị giam gần Rome, mất tự do. Cho dù là như vậy, đêm về Galilê vẫn kiên trì viết cho đến khi mắt bị hỏng ông không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Ông tin tưởng ánh sáng chân lý chắc chắn sẽ chiến thắng mọi thế lực đen tối. Sau đó không lâu Galilê đã trút hơi thở cuối cùng.
 
Hơn 300 năm sau, năm 1979 Tòa thánh La Mã đã công khai sửa cho Galilê. Giáo hoàng chính thức tuyên bố, phán quyết của Tòa thánh La Mã đối với Galilê là sai lầm nghiêm trọng. Lịch sử cuối cùng đã có pháp quyết công bằng đúng đắn đối với nhà khoa học vĩ đại này, tên tuổi của Galilê mãi mãi được loài người kính trọng.


Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Sắp có mưa sao băng đẹp nhất năm

Geminids, trận mưa sao băng rực rỡ nhất năm với số sao băng đạt cực điểm 120 vệt mỗi giờ diễn ra cuối tuần sau. Đây cũng là hiện tượng thiên văn quan trọng cuối cùng của năm nay.





Anh Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM cho biết, người xem có thể quan sát các sao băng trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 17/12. Theo dự báo của Tổ chức sao băng quốc tế (IMO), cực điểm của hiện tượng vào lúc 6h30 sáng 14/12 giờ Hà Nội, với tần suất xấp xỉ 120 sao băng mỗi giờ.

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Việt Nam sắp đón mưa sao băng


Mưa sao băng Leonids, một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý của năm, sẽ được nhìn thấy tại Việt Nam cuối tuần này.



Theo dự báo của Tổ chức Sao băng Quốc tế (IMO), mưa sao băng Leonids năm nay tuy số lượng sao băng theo giờ không tăng, nhưng điểm khác thường là trận mưa này có thể đạt cực điểm tới hai lần vào khoảng 4 giờ chủ nhật và 13 giờ thứ tư tuần sau theo giờ Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư Tp. HCM, thời gian thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng trên ở Việt Nam là từ nửa đêm thứ bảy tới rạng sáng chủ nhật sắp tới. Đó là khi chòm Leo (sư tử), nơi xuất phát của các sao băng, xuất hiện ở chân trời phía đông. "Hãy để tầm mắt bao quát cả vùng trời phía đông lên đến đỉnh đầu người xem bắt gặp các sao băng nhiều nhất", Tuấn Duy nói.

Khi Leonids đạt đỉnh điểm, ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng, số sao băng có thể lên đến hơn 20 vệt/giờ. "Trong những năm gần đây Leonids suy yếu dần, nhưng trận mưa sao băng lần này sẽ xuất hiện với nhiều sao băng sáng", Tuấn Duy cho biết.

Năm ngoái, ánh trăng sáng gần chòm sao Leo đã phá hỏng trận mưa sao Leonids. Song năm nay, mặt trăng gần như không gây ảnh hưởng tới người quan sát.

Mưa sao băng Leonid xuất hiện vào tháng 11 hàng năm khi trái đất đi qua vùng bụi của sao chổi 55P/Tempel-Tuttle. Trong quá khứ, Leonids từng được ví là bão sao băng khoảng thời gian những năm 1998 – 2002 khi nó đạt đến vài chục ngàn sao băng xuất hiện trong một giờ khi cực điểm.

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Khám phá các phương pháp đo thời gian

Ý tưởng đo thời gian chỉ xuất hiện cách đây khoảng 5.000 – 6.000 năm, khi con người bắt đầu cuộc sống định cư và xây dựng các nền văn minh. Trước đó, thời gian chỉ được chia làm hai khái niệm là ngày và đêm. Nhà khoa học thiên tài Einstein từng nói: “Sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng cố chấp dai dẳng”.

Dựa vào Mặt trời




Người Ai Cập có lẽ là những người đầu tiên biến việc canh thời gian thành một môn khoa học. Họ xây dựng những cột lớn từ những năm 3.500 trước Công nguyên và đặt chúng ở những vị trí thuận lợi để đo được bóng đổ xuống của chúng. Đồng hồ mặt trời hoạt động theo nguyên tắc theo dõi bóng của cái que cắm trên phiến đá thay đổi hướng và độ dài. Thuở sơ khai, công cụ này chỉ giúp họ biết được thời điểm nào là giữa ngày, nhưng về sau, họ đã nghĩ ra cách để phân chia thời gian thành những phần nhỏ hơn.

Hai ngàn năm sau, cũng là người Ai Cập nghiên cứu và chế tạo chiếc đồng hồ mặt trời đầu tiên với thiết kế được chia làm 10 phần. Chiếc đồng hồ này hoạt động dựa vào chuyển động của mặt trời. Phần nhô lên trên mặt của nó sẽ đổ bóng xuống mặt đồng hồ và chỉ vào con số đã được khắc. Vào giữa ngày, người ta phải xoay chiếc đồng hồ này 180 độ để nó tiếp tục chỉ giờ chiều. Và dĩ nhiên là chiếc đồng hồ này không thể chỉ giờ vào những ngày âm u hay vào ban đêm. Nó cũng không chính xác vì mặt trời ở những góc khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong năm; giờ có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tùy thuộc vào mùa. Tuy vậy, đến năm 30 trước Công nguyên đã có hơn 30 loại đồng hồ mặt trời được sử dụng ở Hy Lạp, Ý, và vùng Tiểu Á. Ngày nay, hệ thống tính giờ của chúng ta vẫn dựa vào mặt trời thông qua việc quy ước những múi giờ.

Dựa vào những ngôi sao







Dụng cụ thiên văn "merkhet" của người Ai Cập


Cũng là người Ai Cập phát minh ra phương pháp canh thời gian vào ban đêm bằng một dụng cụ thiên văn (gọi là merkhet) vào khoảng năm 600 trước Công nguyên. Dụng cụ này gồm một sơi dây có buộc một quả tạ ở một đầu dùng để đo một đường thẳng. Những nhà thiên văn Ai Cập thời đó canh sao cho 2 merkhet hướng về phía sao Bắc Cực và dựa vào đó để đánh dấu một đường Bắc – Nam, hay còn gọi là đường thiên kinh tuyến, trên bầu trời đêm. Thời gian sẽ được xác định khi một số ngôi sao nhất định vượt qua đường này.

Đồng hồ cát





Đồng hồ cát là một dụng cụ đo thời gian gồm hai bình thủy tinh được nối với nhau bằng một eo hẹp, để cát mịn chảy từ bình này sang bình kia qua eo nối, với một tốc độ nhất định. Khi cát từ bình này đã chảy hết vào bình kia, đồng hồ cát được dốc ngược lại để cát chảy theo chiều ngược lại. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian cát chảy là dung lượng cát, kích cỡ và góc của bình, độ rộng cổ eo và chất lượng cát.

Nguồn gốc của loại đồng hồ này cho vẫn chưa xác định được. Có nguồn cho rằng, người sáng chế ra nó là một tu sĩ người Pháp tên Luitprand sống ở thế kỷ thứ VIII. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XIV, người ta mới thấy sự xuất hiện phổ biến của loại đồng hồ này.
Đồng hồ cát được thiết kế để đo nhiều khoảng thời gian ngắn khác nhau: có loại 1 giờ, nửa giờ, hoặc thậm chí chỉ vài phút. Ngày xưa, những nhà giàu có thường trưng những chiếc đồng hồ cát lớn như là đồ trang trí trong nhà, dần về sau, loại đồng hồ này đã được dùng phổ biến trong mọi tầng lớp. Hiện tại, loại đồng hồ này lưu thông phổ biến nhất ở dạng quà lưu niệm với thời gian đo chỉ 3 phút thường được dùng để canh thời gian luộc trứng.

Đồng hồ nước





Đây là thiết bị đo thời gian đầu tiên không phụ thuộc vào các yếu tố thiên văn để xác định thời gian, có nghĩa là nó có thể được dùng vào bất cứ lúc nào trong ngày/đêm. Đồng hồ nước hoạt động bằng cách đo lượng nước nhỏ từ một bình chứa này sang bình chứa khác. Người Ai Cập sở hữu phát minh này, tuy nhiên nó đã phổ biến và được sử dụng rộng rãi khắp thế giới. Vài nước trên thế giới thậm chí còn sử dụng loại thước đo thời gian này cho đến tận thế kỷ XX.

Đồng hồ cơ học



Đồng hồ cơ học ra đời ở châu Âu vào những năm 1.300. Chúng hoạt động nhờ vào một hệ thống những quả nặng kết hợp với con quay. Những chiếc đồng hồ đầu tiên không có kim chỉ giờ hay phút mà chúng chỉ giờ bằng cách đổ chuông (từ đồng hồ tiếng Anh “clock” xuất phát từ tiếng Pháp “cloche” có nghĩa là “chuông”).

Hệ thống dây cót được phát triển vào thế kỉ XV. Kim phút xuất hiện vào năm 1475, và kim giây xuất hiện vào khoảng năm 1560 (tuy nhiên, nó hoạt động không được chính xác lắm và chỉ giúp cho người ta nhận ra rằng đồng hồ vẫn còn hoạt động). Vào năm 1653, Galileo Galilei phát minh ra con lắc dẫn đến sự ra đời của đồng hồ quả lắc do Christiaan Huygens chế tạo. Ông đã phát hiện nếu con lắc có độ dài 99,38 cm thì một chu kì của nó sẽ là đúng 1 giây. Vào năm 1670, William Clement phát minh ra hệ thống hồi dạng mỏ neo giúp nâng độ chính xác của đồng hồ. Từ đó, kim phút và kim giây xuất hiện ở hầu hết các loại đồng hồ.

Đồng hồ thạch anh





Năm 1880 Jacques và Pierre Curie phát hiện ra hiện tượng áp điện ở tinh thể thạch anh; có nghĩa là chúng có khả năng chuyển các dao động cơ học thành xung điện áp và ngược lại. Từ đó, người ta thấy rằng, có thể dùng thạch anh để tạo ra những dao động điện rất ổn định làm chuẩn, từ đó có thể làm đồng hồ thạch anh, chính xác, tiện lợi hơn đồng hồ quả lắc.


Lần đầu tiên, Walter G. Cady ứng dụng thạch anh vào một bộ kiểm soát dao động điện tử vào năm 1921. Ông công bố kết quả vào năm 1922 và đến năm 1927 thì Warren A. Marrison đã ứng dụng tinh thể thạch anh vào điều khiển sự hoạt động của các đồng hồ.

Loại đồng hồ này có một số ưu điểm: tiện lợi, không cần lên giây, đa tính năng, kiểu dáng thời trang…Vì vậy, nó rất được giới trẻ ưa chuộng. Hiện trên thị trường có ba loại đồng hồ thạch anh là đồng hồ thạch anh báo số, đồng hồ thạch anh chạy kim và đồng hồ kết hợp số-kim.

Đồng hồ nguyên tử



Đồng hồ nguyên tử là đồng hồ điều chỉnh thời gian theo trạng thái dao động của nguyên tử. Tần số dao động của nguyên tử là không đổi và có thể đo được, vì vậy đồng hồ nguyên tử là loại đồng hồ chính xác nhất cho tới nay. Năm 1949, đồng hồ nguyên tử đầu tiên hoạt động theo chuyển động của phân tử Amoniac được chế tạo ở Viện tiêu chuẩn và kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ. Năm 1955, Louis Essen chế tạo thành công đồng hồ nguyên tử hoạt động theo chuyển động nguyên tử Caesium tại phòng thí nghiệm Vật lí Quốc gia Anh. Ngoài nguyên tử Caesium, nguyên tử Rubidium, Hiđrô và các nguyên tử hay phân tử khác đã được dùng thành công và đạt độ chính xác ngày càng cao hơn.

Đồng hồ nguyên tử được dùng đo chính xác thời gian, xác định và phối hợp các múi giờ và các hệ thống giờ với nhau. Ngoài ra, đồng hồ nguyên tử còn được dùng trong tên lửa, máy bay không người lái, và đặt biệt là đo thời gian để xác định khoảng cách trên vệ tinh trong các hệ thống định vị như GPS, GLONASS hay Galileo.

Lịch




Dương lịch dựa trên thay đổi thấy được theo mùa, được đồng bộ theo chuyển động biểu kiến của Mặt Trời.

Sử dụng cơ bản nhất của lịch là để xác định ngày để có thể thông báo các sự kiện tương lai và ghi chép lại các sự kiện đã xảy ra. Các ngày có thể có ý nghĩa đối với các mùa thông thường, đối với một tôn giáo hay các ngày lễ xã hội. Ví dụ, lịch cung cấp cách thức để xác định ngày nào là những ngày lễ tôn giáo hay ngày lễ công cộng, những ngày nào đánh dấu sự bắt đầu hay kết thúc của các chu kỳ hoạt động sản xuất – kinh doanh, cũng như ngày nào là có giá trị pháp lý như ngày hết hạn trong các hợp đồng hay ngày nộp thuế. Cũng có lịch còn cung cấp thêm thông tin khác có ích chẳng hạn như thông tin về ngày hay mùa của nó.

Theo Genk.vn
DBS M05479
Quang Cao