Sau vụ nổ thiên thạch có trọng lượng 10.000 tấn tại vùng Urals, các chuyên gia Nga cùng nhiều nước khác sôi sục tìm kiếm các biện pháp nhằm ngăn chặn thảm họa thiên thạch, trong đó có đề xuất sử dụng bom hạt nhân.
Một nhà khoa học tìm thấy mảnh vỡ thiên thạch ở hồ Chebarkul thuộc Chelyabinsk.
Truy tìm "đá trời"
Đến nay, đội tìm kiếm gồm các nhà khoa học Nga đã tìm thấy 53 mảnh nhỏ của thiên thạch đã phát nổ tại vùng Ural của Nga hôm 15/2. Những nghiên cứu ban đầu đã cung cấp một số thông tin của thiên thạch này, theo đó, các mảnh vỡ được tìm thấy rất nhỏ, chỉ từ 0,5-1cm, chứa khoảng 10% sắt và thuộc loại chondrite - một thể phổ biến nhất của các thiên thạch tìm thấy trên trái đất.
Tuy nhiên, cư dân thành phố Chelyabinsk dường như quan tâm nhiều hơn tới giá trị trên thị trường chợ đen của các mảnh vỡ thiên thạch này. Họ săn lùng các mảnh vỡ thiên thạch và rao bán trên trang web đấu giá Avito.Ruhàng đầu của Nga với giá từ 100 đến 1.000 ruble (tương đương với từ 3 đến 33 USD). Thậm chí một số trang mạng còn rao bán giá lên tới 10.000 USD/mảnh thiên thạch lớn.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng, không thể tồn tại mảnh vỡ thiên thạch lớn vì thiên thạch có thành phần chủ yếu từ băng. Băng hầu như bốc hơi hoàn toàn trong quá trình rơi vào khí quyển trái đất.
Vì vậy, cảnh sát đã đưa ra cảnh báo đối với người mua, đồng thời tìm cách tiếp cận những người rao bán cùng các mảnh vỡ này để xác minh độ xác thực của những vật thể trên.
Nga chi hàng tỷ USD cho kế hoạch xây dựng "lá chắn phòng thủ không gian" để ngăn chặn các mối hiểm họa bởi thiên thạch và tiểu hành tinh ngoài vũ trụ.
Những đề xuất táo bạo
Lidiya Rykhlova, người đứng đầu bộ phận thiên văn học tại Viện Nghiên cứu vũ trụ Moscow cho biết, các chuyên gia đã soạn thảo một chương trình dự kiến nhằm chế tạo hệ thống kính thiên văn khổng lồ để quan sát không gian và có thể đưa ra cảnh báo sớm về các tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm, cũng như sao chổi và các mối đe dọa khác với trái đất. Chương trình này dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 58 tỷ ruble (khoảng 1,9 tỷ USD).
Chương trình do Viện Thiên văn học tại Học viện Khoa học Nga và Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Trung ương Nga thiết kế, trình bày và đã được Cơ quan không gian quốc gia Roskosmos phê duyệt. Các nhà khoa học Nga tin rằng, lá chắn phòng thủ quốc gia có khả năng hoàn thành trong thời gian 10 năm tới.
Lá chắn phòng thủ không như nhiều người tưởng tượng, được trang bị vũ khí laser tân tiến mà bao gồm một mạng lưới các kính thiên văn quan sát không gian. Các kính thiên văn này, một số sẽ được đưa lên quỹ đạo, số còn lại hoạt động dưới mặt đất, làm nhiệm vụ giám sát xung quanh hành tinh của chúng ta.
Đồng thời, lá chắn phòng thủ không gian cũng được trang bị khả năng hủy diệt một tiểu hành tinh trong trường khẩn cấp với các đầu đạn hạt nhân uy lực nhất. Nếu mối đe dọa được phát hiện sớm, các máy móc và phương tiện tiên tiến sẽ ưu tiên khả năng thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh.
Không chỉ các nhà khoa học Nga, nhiều chuyên gia Mỹ và châu Âu cũng đóng góp những ý tưởng thú vị. Các ý tưởng ban đầu nghe có vẻ như trong phim khoa học viễn tưởng bao gồm đâm một tàu vũ trụ vào thiên thạch; sử dụng vũ khí laser hoặc bom hạt nhân để hủy diệt chúng trước khi chúng hủy hoại hành tinh của chúng ta. Ngoài ra, "nhóm hành động chung” được xây dựng dựa trên sự hợp tác của các quốc gia để xử lý các vấn đề liên quan đến các vật thể không gian gần trái đất (NEOs) cũng gợi ý thành lập Mạng lưới cảnh báo tiểu hành tinh quốc tế cũng như các nhóm cố vấn về triển khai các sứ mệnh không gian nhằm ngăn chặn những mối đe dọa từ bên ngoài vũ trụ và ứng phó thảm họa.
Trong khi đó, các chuyên gia thuộc Cơ quan không gian châu Âu (ESA) ở Darmstadt, Đức thì lên kế hoạch khởi động một nghiên cứu giám sát bầu trời đêm sử dụng các kính viễn vọng tự động có khả năng chụp các vật thể trước khi chúng xâm nhập vào khí quyển của trái đất.
Tại California, một nhóm các nhà khoa học đang nghiên cứu một hệ thống để khai thác năng lượng mặt trời và chuyển hóa nó thành các tia laser có khả năng phá hủy hoặc làm thay đổi quỹ đạo của các thiên thạch cũng như tiểu hành tinh.
“Hệ thống này không phải một là một ý tưởng quá xa vời. Các thành phần để tạo nên hệ thống này hiện có và cái mà chúng ta cần là phải hợp nhất chúng, mở rộng quy mô của chúng. Đó là một thách thức”, ông Gary B. Hughes, một nhà nghiên cứu tại Đại học Bách khoa California, San Luis Obispo cho hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét