Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Công cụ tối ưu bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS) được thông qua tại thành phố Môn-tê-gô-bay của Gia-mai-ca vào ngày 10/12/1982. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Việt Nam là nước thứ 64 được Quốc hội phê chuẩn tham gia Công ước. Các nước ven Biển Đông cả Trung Quốc cũng đã phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982.

Công ước quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương. Trước tình hình tranh chấp trên Biển Đông diễn ra căng thẳng như là một điểm nóng trên thế giới. Quan điểm trước sau như một của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế cụ thể là UNCLOS.


Việt Nam sẽ có thêm 2 chiếc chiến hạm lớp Gepard 3.9 trong tương lai

Bởi vậy, UNCLOS là một công cụ hữu hiệu về mặt pháp lý để Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình, tranh thủ được sự ủng hộ đồng tình của thế giới. Những vấn đề cốt lõi mà Việt Nam dựa vào UNCLOS để đấu tranh bảo vệ chủ quyền: Thuận lợi là tất cả những nước có tuyên bố chủ quyền gây tranh chấp trên Biển Đông đều là thành viên của UNCLOS. Do đó, không có sự khác biệt về các khái niệm, nội dung… và sự khác biệt về cách giải thích không lớn, cho nên sự vô lý và có lý của các bên tranh chấp đều là rõ ràng, minh bạch. Như chúng ta đã biết, theo luật quốc tế, việc một quốc gia sở hữu một lãnh thổ trên biển sẽ cho phép có những đặc quyền đối với một phạm vi lãnh hải và EEZ (Vùng đặc quyền kinh tế). Việc các nước xung quanh Biển Đông tranh giành quyền sở hữu các đảo nhỏ và đảo san hô không có người ở và không thể sinh sống được tại Trường Sa và Hoàng Sa trước hết không phải nhằm giành chủ quyền các hòn đảo này mà là nhằm mở rộng EEZ. Việt Nam khác, chúng ta chủ yếu là vì chủ quyền. Trung Quốc tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ và theo đó “đường lưỡi bò” xuất hiện khi mở rộng EEZ 200 hải lý. Đương nhiên, đây là điều phi lý và ngang ngược, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã lợi dụng để đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 ai cũng biết. Quan điểm của Việt Nam dựa trên UNCLOS không coi Hoàng Sa và Trường Sa là quần đảo mà chỉ là nhóm các đảo.


Chiếc Kilo đầu tiên được dự định chuyển giao Việt Nam vào năm 2013, sau đó sẽ giao mỗi năm một chiếc cho đến năm 2018.

Thực tế, các vị trí nói chung ở Hoàng Sa, Trường Sa đa số không có đời sống kinh tế riêng, nên theo UNCLOS thì chúng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà tối đa là có lãnh hải 12 hải lý (hoàn toàn phù hợp với lập trường chung của ASEAN). Khó khăn là: UNCLOS mang tính khái quát lớn của toàn thế giới nên khi áp dụng cụ thể vào từng khu vực thì có nhiều điểm rất mập mờ. Nhiều quốc gia khi áp dụng, lợi dụng vào những điều này để hiểu và giải thích theo cách của mình nhằm có lợi cho quốc gia nên “độ vênh” khá lớn. Theo UNCLOS, chúng ta khẳng định EEZ của chúng ta là 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Tuy nhiên, đường cơ sở mà Việt Nam tuyên bố ngày 12/5/1977 không phù hợp với UNCLOS ở một số điều quan trọng và nằm xa bờ một cách đáng kể so với một đường cơ sở phù hợp với UNCLOS (gồm 10 đoạn nối 11 điểm A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A10, A11 ứng với các vị trí đảo Thổ Chu, hòn Đá Lẻ, Hòn Tai lớn, hòn Bông Lang, hòn Bảy Cạnh, Hòn Hải, Hòn Đôi, Mũi Đại Lãnh, đảo Hòn Căn, đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ). Trong vòng 2 năm từ khi Việt Nam công bố đường sơ sở, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức, Thái Lan phản đối đường sơ sở này. Nếu như nhiều nước không công nhận đường cơ sở thì đương nhiên vùng EEZ của Việt Nam 200 hải lý tính từ đó cũng bị nhiều nước phản đối, không chấp nhận. Vì vậy điều xảy ra là sự định vị EEZ của Việt Nam chưa được một số nước công nhận, đặc biệt là Trung Quốc, cho nên, đây là điểm dễ xảy ra tranh chấp nhất mà không biết lấy cơ sở nào làm chuẩn mực. Rõ ràng là nếu chúng ta tuyên bố vùng EEZ là 200 hải lý tính từ bờ thì điều đó đương nhiên không ai có thể phản đối. Vùng EEZ 200 hải lý là vùng mà bất kỳ thành viên UNCLOS cũng được hưởng. Vậy, vấn đề quan trọng để khẳng định vị trí vùng EEZ buộc thế giới công nhận là phải điều chỉnh đường cơ sở cho phù hợp với UNCLOS. Một số điểm không phù hợp với UNCLOS của đường cơ sở của Việt Nam tương tự dự luật HB 3216 của Philippines về đường cơ sở của họ. Philippines đã tự bác bỏ dự luật của họ thì Việt Nam cũng có thể điều chỉnh về đường cơ sở của mình. Tuy nhiên, xác định đường cơ sở là việc rất hệ trọng, bởi bên trong đường cơ sở là nội thủy, có chủ quyền tuyệt đối, liên quan đến an ninh quốc gia. Vì thế phải căn cứ vào khả năng, sức mạnh và độ tin cậy phòng thủ của đất nước. Đã 35 năm kể từ khi tuyên bố đường cơ sở, Việt Nam có thể tính toán để phục vụ cho một chiến lược lâu dài hơn, mang lại lợi ích quốc gia lớn hơn. Một quốc gia gây tranh chấp cậy thế nước lớn, ngang ngược, đe dọa dùng vũ lực như Trung Quốc thì quốc tế hóa tranh chấp, dùng Luật quốc tế để giải quyết là biện pháp đấu tranh tối ưu nhất. Khi yêu sách về EEZ của chúng ta được định vị rõ ràng phù hợp với UNCLOS thì sẽ được thế giới đồng tình, ủng hộ. Đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thuận lợi. Tuy vậy, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền của chúng ta.

Sát thủ diệt hạm của tàu chiến Gepard VN

Năm 2011, Việt Nam đã lần lượt nhận chuyển giao 2 tàu Gepard 3.9 (project 1661.1E) – chiến hạm hiện đại nhất, lớn nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Gepard 3.9 là tàu chiến rất hiện đại, thiết kế cho phép nó có thể tiêu diệt chiến hạm, tất cả mục tiêu trên không tầm thấp. Tàu có thể triển khai tác chiến độc lập hoặc đi kèm đội hình. Gepard 3.9 hoàn toàn có thể tiêu diệt được những chiến hạm địch lớn hơn nó nhiều lần bởi tàu trang bị tổ hợp tên lửa hành trình đối hạm rất hiện đại, tiên tiến, đó là tổ hợp Uran E.


Tên lửa hành trình đối hạm Kh-35E Uran

Tổ hợp Uran E trang bị đạn tên lửa tầm ngắn Kh-35E. Theo đánh giá, Kh-35 có thể tấn công đánh chìm tàu có lượng giãn nước 5.000 tấn. Tên lửa có chiều dài 4,4m, đường kính thân 0,42m, trọng lượng phóng 630kg. Tên lửa có 4 cánh định hướng ở giữa thân và 4 cánh ở đuôi. Tên lửa lắp hai động cơ, một động cơ rocket đẩy đưa tên lửa rời bệ phóng, khi đạt độ cao ổn định, động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy sẽ kích hoạt đưa tên lửa tới mục tiêu. Kh-35 có thể đạt vận tốc cận âm Mach 0,8, tầm bắn tối đa 130km, lắp một đầu đạn thuốc nổ mạnh xuyên giáp nặng 145kg.


Cụm ống phóng Kh-35E trên tàu Gepard (Ảnh: QĐND)

Khi hoạt động, dữ liệu chỉ thị mục tiêu được nạp vào tên lửa trước khi phóng. Tên lửa phóng đi, hệ thống định vị quán tính tên lửa sẽ đưa Kh-35 tới mục tiêu. Ở cự ly nhất định, đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-35E (tầm quét 20km) của tên lửa sẽ kích hoạt và tìm kiếm, khóa và tấn công mục tiêu. Đặc biệt, ở hành trình bay cuối khi tấn công mục tiêu, tên lửa sẽ bay rất thấp (có thể chỉ cách mặt nước chừng 10-15m) nên việc đối phương đánh chặn tên lửa sẽ rất khó. Trên tàu Gepard 3.9, tổ hợp Uran được bố trí nằm giữa thân tàu, 8 đạn tên lửa được đặt trong các container 3C34 đặt chéo nhau.


Tàu tên lửa cỡ nhỏ 1241.8 của Hải quân Việt Nam trang bị 16 tên lửa Kh-35E Uran

Ngoài tàu Gepard 3.9, Hải quân Việt Nam còn có 2 tàu tên lửa cỡ nhỏ 1241.8, mỗi tàu lắp 16 tên lửa Kh-35 Hồi tháng 2/2012, hãng tin Ria Novosti cho biết, Việt Nam – Nga đang lên kế hoạch hợp tác sản xuất biến thể cải tiến tên lửa hành trình đối hạm Uran. Theo quan chức quốc phòng Nga, Việt – Nga sẽ thành lập liên doanh sản xuất tương tự liên doanh Ấn – Nga hợp tác phát triển siêu tên lửa đối hạm BrahMos. Hiện vẫn chưa có thông tin về Việt – Nga sẽ sản xuất biến thể nào của Kh-35 Uran. Nhưng nếu hai nước chọn sản xuất biến thể cải tiến có sẵn thì có khả năng rơi vào loại Kh-35U. Kh-35U là biến thể nâng cấp mạnh, tên lửa đạt tầm bắn tới 260km, khối lượng đầu đạn không đổi.

(Kham pha)

Hải quân đánh bộ Việt Nam trang bị súng khủng

Sự xuất hiện của súng trường tấn công Tavor TAR-21 do Israel chế tạo trong biên chế của một số đơn vị đặc biệt QĐND Việt Nam đã làm nhiều người không khỏi "bất ngờ".

Trong đoạn clip "Quân chủng Hải quân ra quân huấn luyện năm 2012", ngoài sự xuất hiện của một số vũ khí, khí tài đã biên chế từ trước như chiến hạm lớp Gepard 3.9, xe tăng lội nước PT-76, xe thiết giáp chở quân BTR-60PB..., điều làm người xem chú ý nhất đó chính là sự xuất hiện đầy bất ngờ của loại súng trường tấn công 5,56 mm Tavor TAR-21 do Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng IMI của Israel chế tạo. Trang quân sự Militarypratinet của Nga đã nhanh chóng đưa ra nhận xét, loại súng trường tấn công Tavor TAR-21 mà một số đơn vị Hải quân đánh bộ Việt Nam đang sử dụng là CTAR-21, biến thể rút gọn từ bản TAR-21 tiêu chuẩn với trọng lượng nhẹ hơn, chiều dài nòng súng ngắn hơn, và được chế tạo chủ yếu dành cho Lực lượng lính biệt kích, ở Việt Nam là một số đơn vị tinh nhuệ như Hải quân đánh bộ. Có thể nói, sự xuất hiện của TAR-21 trong một số đơn vị đặc biệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ngay lập tức chở thành chủ đề bàn tán "xôn xao" trên các diễn đàn, bởi TAR-21 là một loại súng trường quá hiện đại, nhưng lại là một tiêu chuẩn của súng trường tấn công NATO, điều này làm không ít người ngờ tới.


TAR-21 đã được IMI sản xuất với khá nhiều các biến thể cho các nhiệm vụ khác nhau, như GTAR-21, CTAR-21, STAR-21, TC-21 và MTAR-21. (Ảnh TAR-21 bản tiêu chuẩn).

Tại sao lại là súng của Israel?
Nếu nhìn vào trang bị vũ khí, khí tài của quân đội Việt Nam trong những năm gần đây, có thể thấy rằng, một số vũ khí tấn công hiệu quả của phương Tây đang được quân đội trang bị với số lượng nhỏ, ở các đơn vị quan trọng. Israel là một trong những nước có nền công nghiệp - quốc phòng phát triển, họ được đánh giá "ngang hàng" với Mỹ. Thậm chí ở một số lĩnh vực như chế tạo UAV còn được cho là "trên cơ" siêu cường có nền khoa học - kỹ thuật quân sự phát triển nhất thế giới. Israel đang nổi lên là bạn hàng cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam, điển hình như loại súng tiểu liên Uzi đã được một số đơn vị đặc công Hà Nội sử dụng, một số loại điện đài thông tin quân sự nhảy tần của Bộ Tư Lệnh Thông Tin, chương trình nâng cấp xe tăng T-54/55... cũng do Israel đấu thầu. Mới đây Reuters đã đưa tin, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang mở gói thầu cung cấp hệ thống radar phòng thủ trị giá hàng trăm triệu USD, trong đó Israel là một trong những ứng cử viên "nặng ký" nhất. Israel có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp trang thiết bị quân sự cho Việt Nam. Trong năm 2005, Tập đoàn Elta Electronics Industries đã tiến hành lắp đặt một số thiết bị điện tử quân sự chuyên dụng trên khung gầm xe trinh sát bọc thép Ram-2000. Trong giai đoạn 2004- 2005, 2 bên đã tiến hành đàm phán về việc Việt Nam có thể sản xuất thùng chứa đạn pháo cho Israel.
Các lợi thế của TAR-21
TAR-21 được các chuyên gia quân sự nước ngoài đánh giá khá cao bởi và được cho là một trong những loại súng trường tấn công tiên tiến trên thế giới, điểm nổi bật của TAR-21 là độ chính xác, gọn nhẹ, công nghệ chế tạo và vật liệu tổng hợp tiên tiến. Thiết kế của TAR-21 không những đáp ứng cả những yêu cầu tác chiến trên địa hình đồi núi mà còn cả trong đô thị, nơi mà các cuộc chiến hiện đại ngày nay đang diễn ra phổ biến hơn. Biến thể CTAR-21 xuất hiện trong Lực lượng Hải quân đánh bộ Việt Nam có chiều dài ngắn hơn bản tiêu chuẩn, vì vậy, súng đánh giá là khá phù hợp trong tác chiến, nhất là cách thức tấn công của các đơn vị lính đặc biệt cũng như địa hình rừng cây, đồi núi ở Việt Nam. Nếu so sánh với khẩu súng AK-47 truyền thống đang được quân đội Việt Nam sử dụng thì TAR-21 có ưu điểm về trọng lượng nhẹ hơn, khả năng tấn công chính xác hơn với sự hỗ trợ của kính ngắm điểm đỏ (red dot), kính ngắm quang học hoặc thiết bị hỗ trợ ngắm bắn EOTech.


Theo hình ảnh quan sát thì Lực lượng Hải quân đánh bộ đang sử dụng biến thể CTAR-21, chuyên dành cho các lực lượng đặc nhiệm, biệt kích. Súng nặng 3,18 kg. Chiều dài tổng 640 mm, chiều dài nòng súng 380 mm.
Các chuyên gia quân sự đánh giá rằng, TAR-21 hiện đại hơn M-16 của Mỹ rất nhiều, xạ thủ có thể lấy đường ngắm chính xác dù cách xa mục tiêu hàng trăm mét mà không yêu cầu cao thao tác phức tạp. Ưu điểm này này tạo lợi thế cho người sử dụng TAR-21 rất nhiều trong điều kiện chiến tranh chớp nhoáng. Chiều dài của TAR-21 ngắn như súng carbin, tuy nhiên thiết kế bullup giúp đảm bảo độ dài của nòng súng, vì vậy hỏa lực của súng không hề suy giảm so với súng trường truyền thống. Một loại vũ khí ngắn, gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo hỏa lực mạnh rất phù hợp với cách thức tác chiến bí mật và đánh gần của những đơn vị đặc nhiệm. Quân đội nhân dân Việt Nam trước đây và cả hiện tại vẫn đang sử dụng phổ biến loại súng trường tấn công AK-47 huyền thoại, việc đưa vào sử dụng loại súng tiêu chuẩn NATO như TAR-21 cũng có một vài ưu điểm dễ nhận. Quân đội có thể phổ biến kiến thức, huấn luyện quân nhân cách sử dụng của đại diện súng trường tấn công kiểu bullup, còn tương đối xa lạ với quân nhân trong quân đội Việt Nam. Thiết kế bullup của TAR-21 đang được các nước NATO sử dụng phổ biến hiện nay. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, việc người lính biết cách để có thể sử dụng thành thạo được cả vũ khí của đối phương là một điều cực kỳ quan trọng. Lịch sử đã chứng minh, trong cuộc chiến chống Mỹ, quân đội Việt Nam đã sử dụng với số lượng khá lớn loại súng AR-15 thu được của Mỹ, VNCH để đánh lại đối thủ.


Hải quân đánh bộ được quân đội "ưu tiên" trang bị những vũ khí, khí tài hiện đại nhất. (Ảnh QĐND).
Ngoài ra, một điều đang được nhiều người kỳ vọng nhất, đó là khả năng Việt Nam có thể mua được dây chuyền sản xuất của loại súng trường mới, điều này không phải là quá xa xôi bởi Thái Lan và Ukraina đã đưa TAR-21 vào phục vụ trong một số đơn vị quân đội của họ từ tháng 12/2009, đồng thời mua cả giấy phép sản xuất theo ký hiệu Fort-221/222/223, theo Militaryparitet. Việc mua một số lượng TAR-21 và có khả năng sau đó là dây chuyền sản xuất sẽ giúp tận dụng được công nghệ chế tạo súng trường tiên tiến, và tự lực sản xuất. Hơn nữa, công nghệ chế tạo hiện đại ở TAR-21 còn mở ra khả năng có thể nâng cấp, cải tiến cho súng trường AK-47 bằng cách gắn thêm các loại khí tài hiện đại như kính ngắm "red dot".
Những thách thức

TAR-21 được đánh giá là một loại súng trường tấn công hiện đại, tuy nhiên cho đến nay, TAR-21 chưa thực sự tham gia vào hoạt động quân sự đáng kể nên việc đánh giá loại súng này phải chờ thời gian kiểm chứng. Có nhiều ý kiến cho rằng, viêc chọn TAR-21 để trang bị cho một số đơn vị Hải quân đánh bộ (chưa rõ số lượng) của Việt Nam sẽ gây khó khăn trong việc đồng bộ hóa vũ khí khí tài, bởi Việt Nam vẫn đang sử dụng phổ biến loại súng trường tấn công 7,62 mm AK-47. TAR-21 hiện đại nhưng lại có giá "ngất ngưởng. Do đó, một số ý kiến cho rằng, không cần thiết để lựa chọn TAR-21, mà thay vào đó, hoàn toàn có thể là súng trường tấn công uy lực mạnh như series súng trường AK-100 của Nga với giá rẻ hơn. Súng trường tiêu chuẩn NATO sử dụng loại đạn cỡ lớn 5,56 mm, vì vậy mà so về uy lực không thể so sánh với loại đạn cỡ 7,62x39 mm của dòng súng AK. Hơn nữa, giả sử khi tác chiến mà súng hết đạn sẽ gây không ít khó khăn, nhất là khi hiệp đồng tác chiến, sự xuất hiện "lẫn lộn" của 2 loại đạn cỡ khác nhau sẽ gây ra không ít khó khăn cho người lính. Quân đội Việt Nam đã có nhà máy sản xuất đạn AK, nên việc mua TAR-21 sẽ phải kèm theo một số lượng đạn đủ đảm bảo nếu chiến tranh xảy ra, hoặc một cách khác là mua dây chuyền sản xuất đạn 5,56 mm của Israel, việc này sẽ tốn không ít tiền của, bởi vũ khí của NATO bao giờ cũng đắt hơn vũ khí của Liên Xô/Nga. Tuy nhiên, nhìn vào trang bị hiện đại của Lực lượng Hải quân đánh bộ, một trong những đơn vị chủ chốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, được trang bị hiện đại để kịp thích ứng với chiến tranh hiện đại là điều cần thiết. Các nhà nghiên cứu chiến lược của Đảng và Quân đội hẳn đã tìm hiểu và xem xét kỹ lưỡng về việc trang bị vũ khí mới cho Hải quân nói riêng và quân đội nói chung.

Sức mạnh "ong độc" của Hải quân Việt Nam

Ngoài việc được biên chế 2 hộ vệ hạm tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ, Quân chủng Hải quân còn có tàu tên lửa cực kỳ cơ động, cao tốc Molnya. Dưới đây là những hình ảnh mới nhất của loại chiến hạm được gọi là “ong độc”.


Tàu tên lửa Molnya (NATO gọi là Tarantul V) của Hải quân Việt Nam. Đây là một trong 2 tàu tên lửa cao tốc đầu tiên thuộc Project 1241.8 mà Việt Nam mua của Nga.


Hai chiếc này nằm trong hợp đồng mua 12 chiếc Taratul V mà Việt Nam ký với Nga. Số còn lại sẽ do Việt Nam tự đóng theo công nghệ được chuyển giao.


So với những tàu tên lửa Molnya cơ sở thuộc Project 1241.1 mà Việt Nam nhận của Nga trước đó, tàu Molnya thuộc Project 1241.8 có một số thay đổi đặc biệt là ở hệ thống vũ khí.


Tàu tên lửa cao tốc Molnya Project 1241.8 được lắp đặt hệ thống tên lửa Uran-E , vận tốc cận âm 3M-23E (SS-N-25 Switchblade); tên lửa có khối lượng 600kg mang đầu đạn 145kg, được phóng từ container phóng/vận chuyển và có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 130km.


Ngoài ra, các tàu tên lửa Molnya Project 12418 còn được trang bị 12 tên lửa phòng không...


Cận cảnh tàu tên lửa Molnya.


Đây là một trong những tàu tên lửa Molnya thuộc Project 1241.1 (NATO gọi là tàu hộ tống lớp Tarantul I) mà Nga cung cấp cho Hải quân Việt Nam trong những năm 1999.


Các tàu tên lửa Molnya được sử dụng để tác chiến tại các vùng cửa biển và ven bờ. Với lượng giãn nước chỉ hơn 500 tấn, tính cơ động cao, tấn công và sơ tán nhanh, Molnya có khả năng độc lập tác chiến và chiến đấu hiệp đồng trong đội hình biên đội, tạo nên thế trận cực kỳ linh hoạt.


Tàu tên lửa cao tốc BPS-500 lắp ráp tại Việt Nam từ năm 1999 với kỹ thuật của Nga, tàu tên lửa cao tốc BPS-500 có chiều dài 62 m, tải trọng 517 tấn...


Tàu tên lửa cao tốc BPS-500.

Hải quân Việt Nam đủ năng lực bảo vệ chủ quyền

Nga đã bàn giao bốn chiếc máy bay Su-30MK2 cho Việt Nam theo hợp đồng gồm 12 chiếc, ngoài ra Việt Nam còn nhận thêm 2 chiếc EC 225….

“Theo lịch trình đã được đồng ý với khách hàng, bốn chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2 được gửi đến Việt Nam từ Komsomolsk-na-Amure (một thành phố trên bờ sông Amur ở Viễn Đông nước Nga),” Interfax dẫn lời một nguồn tin quốc phòng Nga cho biết. Nguồn tin này cũng cho biết là bốn máy bay Su-30MK2 đầu tiên trong hợp đồng này đã được bàn giao hồi tháng Sáu năm ngoái sau khi hợp đồng mua 12 chiếc Su-30 được ký kết vào tháng Hai. Như vậy với đợt bàn giao này, phía Nga chỉ còn nợ Việt Nam bốn chiếc Su nữa và sẽ được bàn giao toàn bộ trong năm 2012, theo tin từ Bộ quốc phòng Nga.


Những chiếc Su-30 MK2 của Việt Nam

Máy bay vận chuyển hạng nặng Antonoy An-124 được dùng để vận chuyển các máy bay Su-30MK2 bàn giao cho Việt Nam. Đây là một phần của của hợp đồng quốc phòng giữa Nga và Việt Nam có giá trị đến gần 1 tỷ đô la, Interfax cho biết, bao gồm máy bay chiến đấu, vũ khí, dịch vụ và phụ tùng quân sự.

Su-30MK2 là máy bay tiêm kích tầm xa trên biển trong mọi điều kiện thời tiết và thường được so sánh với chiếc F15-E do Mỹ sản xuất. Máy bay này được dùng để chiếm ưu thế trên không cũng như tấn công mục tiêu trên đất liền và trên biển. Chúng có thể mang theo đến 8 tấn vũ khí, bao gồm tên lửa đối không và đối biển. Mỗi chiếc Su-30MK2 này trị giá khoảng 62 triệu đô la. Hiện tại lực lượng hải quân của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đang có 24 chiếc Su-30MK2 và tất cả đều đã được đưa vào hoạt động từ năm 2010.

Trước đó, Nga đã cung cấp cho Việt Nam bốn chiếc Su-30 đầu tiên vào năm 2004. Cho đến năm 2009, Việt Nam ký hợp đồng mua thêm 8 chiếc nữa và đã được bàn giao đầy đủ. Như vậy, với hợp đồng 12 chiếc Su-30 mới này, phía Nga đã và sẽ cung cấp cho Việt Nam tổng cộng 24 chiếc Su-30.

Su-30 tập trận

Trong khi đó, các máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Việt Nam cũng đã tham gia vào một buổi tập trận bắn đạn thật của Quân đoàn 4 vào sáng ngày 30/12 tại Trường bắn quốc gia khu vực 3 ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Quân đoàn 4 có trụ sở bộ tư lệnh tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, và là một trong bốn quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quân đoàn có các binh chủng bộ binh, pháo binh, phòng không, công binh và thông tin liên lạc. Trong cuộc diễn tập này, một biên đội máy bay Su-30 (với ít nhất ba chiếc) đã tiến hành loạt dội 12 quả bom.Cuộc diễn tập còn có sự tham gia của pháo phòng không, xe tăng, trực thăng, xe thông tin vệ tinh và bộ binh. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu Su-30 thuộc loại hiện đại nhất của không quân Việt Nam tham gia thao diễn trên quân trường. Bản tin trên báo Quân đội nhân dân cho biết là thông qua cuộc diễn tập, Quân đoàn 4 ‘đã nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu’.

Tàu kéo cứu hộ

Cũng trong ngày 30/12, Xí nghiệp liên hợp Sông Thu thuộc Tổng cục công nghiệp quốc phòng đã bàn giao chiếc tàu kéo cứu hộ cho Cục cảnh sát biển của Bộ quốc phòng tại thành phố Đà Nẵng.


Chiếc tàu kéo này có số hiệu CSB 9003 của cảnh sát biển Việt Nam

Đây là chiếc tàu kéo cứu hộ thứ ba cùng loại được bàn giao cho Cục cảnh sát biển, theo tin từ báo Quân đội nhân dân, trước sự chứng kiến của Cục trưởng cảnh sát biển là Trung tướng Phạm Đức Lĩnh. Chiếc tàu kéo này có số hiệu CSB 9003 và có công suất 3500 mã lực và do tập đoàn Daimen của Hà Lan thiết kế.Tàu kéo cứu hộ CSB 9003 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết với cấp sóng không hạn chế trong khoảng thời gian liên tục 30 ngày trên biển. Tàu có chiều dài 46 mét, rộng 12 mét và cao 5,5 mét với lượng giãn nước 1.400 tấn.

Trực thăng EC 225 

Trước đó năm ngày, Hải quân Việt Nam cũng đã tiếp nhận hai máy bay trực thăng EC 225 do Pháp sản xuất tại sân bay Vũng Tàu. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, thứ trưởng Quốc phòng đồng thời là tư lệnh Hải quân Việt Nam, đã tham dự lễ tiếp nhận và công bố thành lập phi đội trực thăng EC225. Phi đội này sẽ trực thuộc Bộ tham mưu hải quân.



Do hãng Eurocopter của Pháp sản xuất, trực thăng EC-225 là máy bay biển tầm xa có tầm bay hơn 900km, tải trọng 11 tấn và sức chứa 11 người. Loại máy bay này có thiết kế phù hợp với việc bay tuần thám, trinh sát và tìm kiếm cứu hộ trên biển.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nói tại lễ tiếp nhận rằng phi đội EC-225 là lực lượng quan trọng trong đội hình chiến đấu của Hải quân Việt Nam. Ông Hiến cũng phát biểu rằng bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng của hải quân và của lực lượng không quân thuộc hải quân. Theo Đô đốc Hiến, việc hiện đại hóa hải quân và phòng không-không quân là ưu tiên của Việt Nam trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông trong thời gian gần đây.

Hồi đầu tháng 12, Quân chủng phòng không-không quân của Việt Nam cũng đã diễn tập bắn tên lửa phòng không ở huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang.

Ngân sách quốc phòng Việt Nam trong năm 2011 được tin là vào khoảng 52.000 tỷ đồng, tức là gần 2.6 tỷ đô la và chiếm khoảng 2.5% GDP.

Theo BBC
DBS M05479
Quang Cao