Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

MỨT CÀ RỐT

MỨT CÀ RỐT



Miếng mứt cà rốt tươi tắn sẽ mang lại may mắn cho gia đình bạn. Cùng học cách làm mứt cà rốt để đãi khách ngày Tết cho năm mới an lành, hạnh phúc nhé!

Nguyên liệu:
- 1kg cà rốt
- 500g đường kính trắng
- 1 ống vani
- 1 lít nước vôi trong

Cách làm:
-B1: Cà rốt thái miếng nhỏ vừa ăn. Bạn có thể cắt tỉa hình dáng tùy ý, thái lát, thái dạng que hoặc những bông hoa xinh xắn. Nhưng lưu ý là thái hình hoa trông rất yêu nhưng bạn sẽ phải tỉ mẩn đôi chút khi sên mứt vì dễ khiến hoa bị gãy “cánh” trong quá trình đảo. Cà rốt thái xong rửa sạch, đem ngâm trong nước vôi trong chừng 4 - 6 tiếng hoặc qua đêm.

-B2: Vớt cà rốt ra rửa lại rồi đem luộc sơ lại một lần cho sạch nước vôi trong. Rồi đem đổ ra rổ cho ráo nước.

-B3: Ngâm cà rốt với đường kính chừng 3 – 4 tiếng hoặc đến khi đường tan. Lúc này, miếng cà rốt hơi quắt lại vì ngấm đường và tiết bớt nước. Đó cũng là lý do khiến bạn thấy nồi ngâm cà rốt nhiều nước hơn so với khi bạn bắt đầu ướp.

Bắc nồi mứt lên bếp, bật lửa vừa, thỉnh thoảng đảo đều.

-B4: Khi nước đường bắt đầu keo lại, bạn cần đảo hoặc xóc cà rốt nhiều hơn cho đường bao đều. Cùng lúc, nhớ hạ lửa tới mức thấp nhất, đun liu riu. Sên mứt cà rốt tốn thời gian hơn một số loại mứt khác, chẳng hạn như mứt dừa nên bạn cố gắng kiên nhẫn nhé.

Khi đường bám trắng quanh miếng cà rốt thì rắc bột vani vào cho thơm, đảo đều.

Chờ cho đường khô ráo hoàn toàn thì tắt bếp. Đổ mứt ra mâm cho nguội.

Món mứt cà rốt thơm thơm, sần sật ngọt ngào rất dễ làm, các bạn có thể làm mứt với số lượng nhiều để ăn dần nhé!. Vì tự làm nên bạn sẽ thấy mứt cà rốt có độ ngọt vừa phải chứ không quá gắt như ở ngoài hàng

MỨT XOÀI DẺO

MỨT XOÀI DẺO



Nguyên liệu:
2 trái xoài xanh gần chín
1 muỗng canh vôi
100 gr đường
1 muỗng cà phê nước cốt chanh
1 chút xíu muối.

Cách làm:

- Bạn hòa tan vôi với 1.5l nước sạch, khuấy đều rồi để lắng, hớt phần nước trong phía trên là bạn đã được phần nước vôi trong để ngâm xoài làm mứt rồi.

- Xoài bạn xắt thành những miếng dài, không xắt mỏng miếng quá xoài dễ nát khi sên. Bạn cho xoài vào ngâm nước vôi trong khoảng 30 phút rồi lấy ra xả sạch với nước cho hết mùi nồng của vôi.

- Cho đường và muối, nước cốt chanh vào phần xoài đã rửa sạch, để đường, muối tan tự nhiên. Bạn nên chọn chảo không dính để ngâm xoài, chút nữa sẽ sên mứt xoài luôn bằng chảo chống dính nhé!

- Khi đường muối đã tan hoàn toàn, bạn bắt đầu bắc chảo lên bếp để sên mứt xoài dẻo. Đun lửa lớn khoảng 15 phút cho nước đường sôi lên, khi đường bắt đầu cạn dần bạn để lửa thật nhỏ rồi đảo nhẹ nhàng để sên mứt xoài. Sên cho đến khi nào nước đường sánh bám hết vào xoài thì tắt bếp.

Mứt xoài dẻo khá đậm đà hương vị khi được hòa trộn hoàn hảo giữa các vị chua mặn, ngọt thật hấp dẫn. Ngày Tết lành lạnh, nhâm nhi chút mứt xoài dẻo với tách trà nóng bên gia đình, ấm áp

MỨT DỪA

MỨT DỪA



Nguyên liệu:
- 2 quả dừa bánh tẻ khoảng 1kg
- 5 lạng đường trắng. Nếu bạn thích ăn mứt ngọt, bạn có thể dùng 6 lạng đường nhé!
- 1 hộp sữa tươi 180ml. Nếu không có sữa tươi các bạn thay bằng sữa đặc có đường cũng được nhé!

Cách làm:
-B1: Đầu tiên, bạn cần cắt đôi quả dừa rồi dùng dụng cụ gọt hoa quả (hoặc dao gọt hoa quả) nạo ngang tạo thành những sợi dừa nạo dài.

-B2: bạn chuẩn bị một chậu nước sạch, khi nạo dừa xong cho dừa vào rổ to, dàn đều dừa ra rồi rửa sạch. Lần nước đầu, dầu dừa ra trắng tinh cả chậu nước. Bạn lại rửa tiếp dừa nhiều lần nữa, sao cho dừa hết sạch màu trắng tiết ra thì thôi nhé! Rửa sạch bạn nhớ để cho dừa thật ráo nước.

-B3: Lấy một cái thau sạch, bạn cho toàn bộ dừa vừa để ráo nước vào, rồi đổ toàn bộ sữa tươi (sữa đặc) cùng đường vào dừa. Bạn cần trộn thật đều sao cho từng sợi dừa ngấm đủ đường, đủ sữa. Nhiều người thắc mắc tại sao lại cho thêm sữa vào khi làm mứt dừa. Bởi có thêm sữa tươi hoặc sữa đặc, mứt dừa sẽ thơm và ngậy hơn rất nhiều đấy nhé! Chỉ cần một chút sữa đủ để làm món này thơm và dậy mùi hơn là được.

-B4: Bạn chọn chiếc chảo đế dày, to, rộng để sên mứt dừa. Đổ toàn bộ dừa ướp đường vào chảo (nếu chảo to, chứa được hết) hoặc đổ lượng thích hợp (nếu chảo nhỏ).

Bật lửa thật to để làm nước đường bắt đầu sôi lên thì chỉnh lửa nhỏ lại và đảo liên tiếp, nhẹ nhàng tránh mứt dừa bị đứt gãy sợi và khê, vón cục đường.

Bạn vẫn tiếp tục đảo mứt dừa trên chảo với mức lửa nhỏ nhất nhé! Nhẹ nhàng đảo liên tục để mứt dừa không bị cháy, vón cục lại. Khi mứt dừa đã cạn nước, bạn đảo sẽ nặng tay hơn nên càng phải kiên nhẫn.

Bạn đảo thêm một chút nữa cho mứt dừa khô hẳn rồi mới đổ ra để mứt dừa nguội hoàn toàn nhé! Nhiều mẹ mách bạn hãy lau thật khô mâm ăn cơm thường ngày đi, đổ mứt dừa ra đó rồi hong cho thật khô.

Đến đây thì bạn đã làm thành công món mứt dừa rồi đấy! Làm xong mới thấy, có kì công một chút nhưng được những sợi mứt dừa thơm ngon nhất, dẻo dẻo thật thích, đúng không nào?

MỨT DỪA CÀ PHÊ

MỨT DỪA CÀ PHÊ



Với cách làm mứt dừa vị cà phê này, bạn cần:
- 1kg cùi dừa
- 500g đường trắng
- 100g sữa đặc có đường
- 30g cà phê
- 1 thìa cà phê vani

Cách làm:
-Bước 1: sử dụng dao nạo phần cơm dừa bên trong ra thành những sợi mỏng dài. Bạn dùng nước rửa dừa 3-4 lần cho thật sạch sẽ và bớt đi phần tinh dầu dừa nha. Rửa xong, bạn vớt cùi dừa ra một chiếc rổ sạch và để ráo nước.

-Bước 2: Bạn cho dừa ra một chiếc âu lớn, cho thêm đường và cà phê vào rồi lấy đũa trộn đều lên. Ướp dừa qua đêm hoặc 10-12 tiếng cho đến khi đường tan hết nha. Tỷ lệ: 1 kg cùi dừa sẽ ướp với 500g đường, 100g sữa và 30g cà phê. Khi thấy đường tan hết, sợi dừa trở nên trong là được nha.

-Bước 3: Bạn cho cả cùi dừa lẫn nước đường vào chảo. Lúc đầu để ở mức lửa to đến khi dừa bắt đầu sôi thì bạn giảm lửa thật nhỏ đi. Cứ sau 10 phút, bạn lại dùng đũa đảo đều một lần nhé.

-Bước 4: Khi nước đường bắt đầu cạn và trở nên hơi kẹo lại thì bạn giảm lửa tới mức thấp nhất, đảo đều tay và liên tục. Trong quá trình sên, bạn cần đảo đều để mứt dừa không bị khét và ngả sang màu khác nhé.

-Bước 5: Cuối cùng, bạn đảo đến khi đường kết tinh bắm trắng đều vào dừa và miếng cùi dừa trở nên khô ráo thì cho một chút bột vani vào, xóc đều rồi tắt bếp. Bạn đảo tiếp thêm 1 phút nữa là đã hoàn thành xong cách làm mứt dừa cà phê này rồi.

MỨT KHOAI MÔN

MỨT KHOAI MÔN



Nguyên liệu:
- 500gr khoai môn
- 150gr đường
- 40ml nước lạnh
- Muối

Cách làm:
- Khoai môn mua về gọt bỏ vỏ rửa sạch, thái miếng dài có chiều ngang cỡ ngón tay.

- Bắc chảo dầu (bạn cần dùng dầu mới) lên bếp, chờ dầu hơi nóng cho khoai môn vào chiên với lửa nhỏ.

- Chiên cho khoai môn chín là gắp ra dĩa có lót giấy thấm dầu.

- Đổ đường, nước, muối cho hết vào chảo không dính, bắc lên bếp nấu sôi với lửa nhỏ khoảng 5 phút.

- Sau đó cho khoai môn vào chảo đảo cùng. Khi sên mứt khoai môn chú ý đảo nhẹ nhàng để khoai môn không bị nát.

- Cứ nhẹ nhàng đảo đều tay cho đến khi nào đường kết tinh bám hết vào khoai và khô ráo là tắt bếp. Vậy là món mứt khoai môn đã hoàn thiện rồi đó.

Đợi khi mứt khoai môn nguội hẳn, bạn cho mứt vào lọ hoặc hũ thủy tinh bảo quản nhé!

MỨT CÀ CHUA BI

MỨT CÀ CHUA BI



Nguyên liệu:
- Cà chua bi: 1kg
- Đường cát trắng: 400gr
- Vôi: 30gr

Cách làm:
- ban đầu bạn hòa vôi với khoảng 2 lít nước, sau đó khuấy đều. Để nước vôi trong lại, bạn gạn lấy nước vôi trong phía trên để chuẩn bị làm mứt cà chua bi.

- Bạn chọn những quả cà chua bi chín đỏ, không dập nát, tươi ngon để dành làm mứt cà chua. Cà chua bi rửa sạch vỏ, dùng que nhọn để chọc từng lỗ nhỏ trên cà chua.
Sau đó bạn cho cà chua vào ngâm với nước vôi trong khoảng 10 tiếng hoặc để qua đêm.

- Sau khi đã ngâm cà chua qua đêm, bạn mang cà chua ra rửa sạch vài lần với nước lạnh để loại bỏ mùi vôi. Sau đó cho ra rổ để cho cà chua ráo nước.

- Ướp cà chua với đường cho đến khi đường tan hoàn toàn. Nếu bước này bạn thích ăn mứt cà chua bi ngọt hay nhạt thì bạn gia giảm lượng đường khi làm mứt cà chua bi nhé!

- Cho cà chua và nước đường ngâm cà chua vào một cái xoong dày. Cho sôi lên rồi hạ lửa ở mức thấp nhất sao cho mứt cà chua bi chỉ sôi nhẹ, liu riu thật nhỏ. Thỉnh thoảng, bạn lắc xoong để nước đường ngấm hơn vào các mặt trên của cà chua bi để làm mứt cà chua được ngọt đều.

- Khi nước đường đã cạn, những quả cà chua bi đã thành mứt cà chua bi có độ dẻo, và màu sắc đỏ óng ả thì bạn tắt bếp. Nếu muốn làm mứt cà chua bi được khô hơn, bạn có thể bỏ toàn bộ phần mứt cà chua đã làm vào sấy khô khoảng 5-10 phút ở nhiệt độ 100 độ C là được.

Mứt cà chua bi khi sấy xong, bạn nhớ bỏ vào lọ thủy tinh để bảo quản nhé!

MỨT XOÀI CHUA NGỌT

MỨT XOÀI CHUA NGỌT



Nguyên liệu:
Xoài xanh: 0.5kg
Đường: 250g
Muối để trụng xoài

Cách làm:
- Để làm mứt xoài, bạn nên chọn quả xoài ương ương, không quá non, không quá chín. Xoài đang độ sắp chín sẽ vừa chua chua ngọt ngọt vừa phải, khi làm mứt xoài sẽ rất ngon.
Bạn gọt bỏ vỏ xanh của quả xoài rồi cắt khúc khoảng ngón tay. Rửa lại với nước lạnh.

- Bắc nồi nước sôi pha với khoảng 1 muỗng canh muối hạt luộc xoài độ chừng 1 phút thì vớt ra rửa qua nước lạnh

- Cân xoài và đường cứ 500g xoài thì 200g - 250g đường cát ( tùy theo khẩu vị của gia đình mà cho ít hay nhiều đường vào). Trộn và chờ cho đường tan hoàn toàn.

Cho thêm chút nước cho ngập mặt xoài bắt lên bếp sên mứt với lửa riu riu cho tới khi cạn nước đường. Bạn để lửa thật nhỏ để đun liu riu mứt xoài thôi nhé!

Nếu các bạn thấy nước gần cạn mà xoài vẫn chưa thấm thì tắt bếp, để nguội và sau đó bật lại bếp là sên mứt tiếp. Sên đến khi nào nước đường cạn, sền sệt thì bạn bắc chảo ra nhé!

- Cho mứt xoài vừa sên lên vỉ chờ nguội và ráo. Khi này mứt không còn màu trắng nhạt của xoài nữa mà thay vào đó là màu vàng nhạt và trong. Nếu muốn mứt khô hơn, bạn có thể cho mứt xoài vào sấy ở nhiệt độ nhẹ.

Để bảo quản mứt xoài thật tốt, bạn lăn miếng mứt xoài dẻo qua đường cát rồi dùng giấy nilon thực phẩm, gói các miếng mứt xoài lại như gói kẹo nhé!
Với cách bảo quản này, bạn hoàn toàn có thể làm mứt sớm hơn hẳn 1 tháng để chờ đón Tết đấy! Từng miếng mứt xoài được gói thật đẹp như thế này, khách của gia đình bạn sẽ bất ngờ lắm đấy!

MỨT ĐẬU ĐỎ

MỨT ĐẬU ĐỎ



Nguyên liệu:

- 200gr đậu đỏ mua loại đậu to và không bị lép
- 250gr đường
- 1 chút xíu muối; vanilla nếu thích
- 1/2 muỗng cà phê bột baking soda

Thực hiện:

Bước 1: Đậu đỏ ngâm với nước ấm qua đêm. Sau đó đổ hạt đậu ra rổ xả qua nước lạnh vài lần cho sạch.

Bước 2: Nấu 1 nồi nước có chút muối và baking soda, khi nước sôi, sau đó cho đậu vào luộc chín với lửa vừa. Khi đậu chín mềm bạn đổ đậu ra rổ xả qua nước lạnh.

Bước 3: Cho vào nồi 100gr đường, 200ml nước, đậu đỏ, bắc lên bếp nấu lửa hơi thấp cho nước đường thấm từ từ vào đậu. Nấu cho tới khi nước cạn thì tắt bếp. Lúc này đậu đỏ mềm - mọng căng tròn rất đẹp.

Bước 4: Cho đậu, 150gr đường vào chảo không dính, đảo nhẹ cho đường tan. Sau đó cho lên bếp sên với lửa nhỏ. Trong thời gian sên cứ thỉnh thoảng trộn nhẹ và cứ thế sên cho đến khi đường kết tinh bám quanh sen và khô ráo là tắt bếp.

Bước 5: Đổ mứt đậu đỏ ra khay hóng mát cho khô ráo và mau nguội.

Đậu nguội thì cho vào hũ thủy tinh, đậy nắp, bảo quản nơi mát mẻ.

Với cách làm này bạn yên tâm sẽ có mứt đậu đỏ mọng tròn bùi - mềm rất ngon. Mứt đậu đỏ cho ra dĩa, pha thêm ấm trà mời khách trong ngày đầu năm thật tuyệt.

MỨT ME NGÀO ĐƯỜNG

MỨT ME NGÀO ĐƯỜNG



Nguyên liệu:

- Me: 1kg
- Đường: 800gr
- Nước: 500ml
- Vừng trắng: 100gr
- Gừng: 1 mẩu nhỏ
Bước 1: Me đem rửa sạch vỏ, cho vào nồi, đổ nước ngang bằng mặt me. Đặt nồi me lên bếp, đun cho nước nóng già thì nhấc nồi me xuống, chắt bỏ nước.
Bước 2: Trong lúc luộc me thì cho vừng vào chảo, rang chín vừng.
Bước 3: Bóc bỏ vỏ me, lấy phần ruột me cho vào chảo. Thêm 1 chút nước (khoảng 500ml) rồi đặt chảo me lên bếp, vừa đun vừa quấy để thịt me tan ra.
Bước 4: Khi thịt me đã tan hết thì cho đường vào chảo me. Đun nhỏ lửa, thi thoảng quấy đều
Bước 5: Dùng thìa quấy đều để me không bị khê ở đáy chảo. Khi me và đường sánh đặc, keo lại dính chặt vào chảo thì rắc gừng băm nhỏ vào.
Bước 6: Tiếp tục rắc đến vừng rang chín, đảo đều me trong vòng 5-7 phút nữa rồi tắt bếp.

Để cho mứt me ngào đường thật nguội, cho vào lọ thủy tinh.
Hoặc gói từng chút mứt vào giấy bóng kính thành những viên kẹo me. Với cách làm mứt me ngào đường như thế này, đảm bảo sản phẩm ngon mê.

MỨT CHUỐI GỪNG

MỨT CHUỐI GỪNG



Làm mứt chuối gừng lạ miệng
Nguyên liệu

- 1 kg chuối khô

- 500g đường trắng

- 1 quả chanh

- 100g đậu phộng

- 200g gừng

Cách làm

Bước 1: Chuối khô đem xắt chỉ. Gừng cạo sạch vỏ đem ngâm nước hòa với chanh trong khoảng 15 phút để gừng không bị thâm. Sau đó, vớt gừng ra, rửa lại bằng nước lạnh, thái xắt chỉ. Cho gừng lên bếp luộc khoảng 7-10 phút để gừng bớt cay. Vớt gừng ra, để ráo nước.

Bước 2: Cho chuối xắt chỉ vào chảo rộng, cho đường vào đun trên lửa nhỏ. Đảo đều cho chuối dính đường đến khi chuối khô hẳn.

Bước 3: Đậu phộng đem rang, xoa để bỏ hết vỏ đi. Sau đó, cho gừng và đậu phộng vào trộn đều với chuối vừa xào khô được.

Bước 4: Cho mứt ra mâm, dùng chai sành đã được bôi dầu ăn, cán cho mứt dính và trải đều thành phên. Cắt mứt thành miếng nhỏ bằng 2-3 đầu ngón tay. Có thể ăn luôn hoặc bọc bằng túi ni lông để dùng dần.

Ba cách làm mứt chuối không cầu kỳ mà lại được các món mứt vừa thơm ngon, bổ dưỡng lại vừa lạ miệng, chắc chắn sẽ tăng thêm không khí ấm cúng gia đình vào dịp Tết này.

MỨT CHÙM RUỘT

MỨT CHÙM RUỘT



Nguyên liệu:

1kg chùm ruột
700g đường cát

Các bước thực hiện:

Chỉ cần cho chùm ruột tươi vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 2 ngày cho nó đông cứng lại, sau đó đem ra ngoài rã đông là tự nhiên trái chùm ruột nó mềm xèo. Sau đó chỉ cần đem vắt cho nó ra bớt nước chua là xong, bắt đầu làm được rồi.

Tuy nhiên chúng ta nên vắt kỹ một tý kẻo sau này mứt dễ bị nhão.

Tiếp theo là cho đường vào, 1 kg chùm ruột cho vào khoảng 700g đường là vừa ăn, trộn đều lên rồi đem ra nắng phơi cho đường tan hết.

Trùm lại cho vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Sau khi thấy đường tan hết rồi thì cho hết lên chảo, sên đều tay.

Đậy nắp lại để cho có màu, nhớ canh chừng lửa để tránh cháy khét.

Mở vung kiểm tra, thấy màu hơi đậm và nước cạn thì nhắc xuống. Cho ra mâm phơi 1 buổi là được.

Vậy là đã có mứt chùm ruột nhâm nhi, đãi khách trong mấy ngày Tết.

MỨT RAU CÂU

MỨT RAU CÂU



Nguyên liệu:

- 1 gói bột rau câu 25g
- 1 lít nước lọc
- 3/4 bát con đường cát trắng
- Vài giọt tinh dầu hoa bưởi
- Vài giọt màu thực phẩm.

Cách làm:

Bước 1:
- Đổ bột rau câu vào nồi có chứa 1 lít nước.

Bước 2:
- Dùng muôi hòa tan rau câu với nước, để yên khoảng 30 phút trước khi đun.

Bước 3:
- Đặt nồi lên bếp, đun sôi lửa nhỏ đến khi bột rau câu tan hoàn toàn thì cho đường vào đun cùng, đun lửa nhỏ đến khi đường tan, bạn nhớ hớt bỏ bọt rau câu.

- Cho vào vài giọt tinh dầu hoa bưởi vào nồi rau câu, tắt bếp.

Bước 4:
- Đổ rau câu vào từng khuôn, mỗi khuôn nhỏ một vài giọt màu thực phẩm.

Bước 5:
- Dùng muôi trộn đều cho màu tan hoàn toàn. Để nguội cho vào tủ lạnh 3-4 tiếng đến khi rau câu đông cứng lại.

Bước 6:
- Rau câu sau khi đông, úp ngược ra thớt, dùng dao hình gợn sóng, cắt thành từng từng thỏi dài tầm 6cm, chiều ngang 1,5cm, dày 1cm.

Bước 7:
- Làm lần lượt đến hết rau câu. Bạn không nên cắt nhỏ quá vì khi sấy mứt sẽ nhỏ lại.

Bước 8:
- Xếp từng mẻ rau câu vào khay. Có hai cách sấy, bạn có thể đem khay mứt phơi từ 2-3 nắng lớn (khi phơi bạn nhớ phủ vải lưới mỏng để không bị ruồi muỗi). Hoặc có thể cho vào lò nướng, không đóng cửa lò nướng, sấy ở nhiệt độ 60 độ C đến khi rau câu khô hẳn.

Bước 9:
- Xếp từng thỏi mứt vào lọ thủy tinh sạch, dùng dần.

MỨT XOÀI DẺO

MỨT XOÀI DẺO



NGUYÊN LIỆU LÀM MỨT XOÀI:

- Xoài xanh chua

- Đường cát

- Phèn chua

- Nước vôi trong

CÁCH LÀM MỨT XOÀI:

Bước 1: xoài xanh rửa sạch, gọt vỏ, xắt miếng vừa.

Bước 2: Đem ngâm xoài xanh với nước vôi trong trong khoảng 4-6h rồi vớt ra, xả lại dưới vòi nước lạnh vài lần cho hết mùi vôi.

Bước 3: Chuẩn bị nồi nước khoảng 2 lít nước và 1 thìa ăn cơm phèn chua, cho phèn vào nước cho tan hết rồi đem đun sôi.

Bước 4: nước sôi trút xoài vào trần qua trong khoảng 1 phút, đổ ra rá sạch và xả lại vài lần dưới vòi nước để hết nước phèn.

Bước 5: Xoài để ráo, đem ướp với đường theo tỉ lệ: 1kg xoài- 600gr đường, cho đến khi đường tan hết.

Bước 6: Đường tan đem sên với mức lửa nhỏ, thi thoảng đảo xoài để xoài được trong đều.

Bước 7: Miếng xoài trong, nước đường cô lại thì tắt bếp. Nếu thích ăn ướt thì sấy xoài trong tủ lạnh, hoặc muốn xoài khô hơn thì đem sấy trong lò ở nhiệt độ 100oC trong vòng 40-60 phút.

Yêu cầu thành phẩm:

Mứt xoài dẻo đạt yêu cầu phải có màu trong hấp dẫn, dai dai, dẻo dẻo, chua chua, ngọt ngọt thơm phức.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món mứt xoài dẻo này nhé!


Cách Làm MỨT XOÀI Ngon Tuyệt Vời Ngày Tết - Mứt xoài dẻo đạt yêu cầu phải có màu trong hấp dẫn, dai dai, dẻo dẻo, chua chua, ngọt ngọt thơm phức.

MỨT DỪA NGŨ SẮC

MỨT DỪA NGŨ SẮC



Nguyên liệu:

- Cùi dừa: 1kg
- Đường: 500 gr
- Lá nếp: 50g
- Bắp cải tím: 150g
- Cà rốt: 300g
- Gấc: 100g ruột gấc cả hạt
- Bột cacao: 1 thìa cà phê
- Vani

Thực hiện:

Bước 1: Dừa đem gọt bỏ phần vỏ nâu bên ngoài, dùng dao cắt đôi quả dừa. Dùng nạo, nạo theo vòng tròn của quả dừa để được những sợi dừa dài và mỏng.

Sau đó đem rửa vài lần nước để dừa sạch dầu (rửa đến khi nước rửa dừa không còn bị đục nữa).

Bước 2: Gấc đem bổ đôi, dùng thìa nạo lấy phần thịt gấc. Đem thịt gấc bóp cùng 1 thìa ăn cơm rượu, nặn bỏ hạt. Hòa thêm vào bát thịt gấc 1 bát con nước rồi lọc lấy nước gấc qua 1 cái rây.

Bước 3: Cà rốt, bắp cải tím, lá nếp đem rửa sạch rồi thái nhỏ từng loại. Cho từng loại vào máy xay sinh tố, thêm 1 bát nhỏ nước rồi xay nhuyễn.

Lọc bỏ bã của từng loại qua 1 cái rây, lấy phần nước cốt đựng riêng ra từng bát to.

Bước 4: Chia dừa thành 5 phần, cho từng phần vào các bát nước rau củ đã chuẩn bị ở bước 2 và 3 để ướp trong khoảng 4-5 tiếng cho dừa ngấm màu của nước rau củ.

Bước 5: Thường thì sẽ ngâm đường với dừa cho đến khi đường tan thì mới cho dừa và nước đường lên bếp sên. Ở đây mình bỏ qua công đoạn ướp đường. Mình dùng 100gr đường cho 200gr cùi dừa và cho đường thẳng vào chảo, thêm nước rau củ vừa ướp dừa, đun cho đến khi đường tan thì cho dừa vào sên. Lúc đầu để ở mức lửa trung bình, khi nước đường sôi thì hớt bọt nếu có, thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều.

Bước 6: Khi nước đường cạn chỉ còn sền sệt thì hạ lửa nhỏ liu riu, lúc này dùng đũa đảo đều liên tục để đường kết tinh bám đều vào dừa. Nếu muốn mứt thơm hơn thì nhỏ vào chảo vài giọt vani rồi tắt bếp. Tiếp tục đảo đều trong khoảng 1 phút nữa. Sau đó rải mứt ra 1 cái mâm, khi mứt nguội thì cất vào lọ kín để bảo quản.

Với mứt dừa vị cacao thì không cần ướp trước mà có thể dùng cùi dừa trắng để sên cho đến khi đường chỉ còn cạn sền sệt thì rắc bột cacao vào rồi làm giống như ở bước 6.
Nếu muốn tận dụng đường thì có thể dồn hết chỗ đường thừa không bám hết vào dừa ở các lần sên với nhau. Thêm vào một ít nước, đun cho đường tan rồi cho dừa vào và sên như trên. Với sự tận dụng này chúng ta sẽ thu được sản phẩm mứt dừa có màu nâu như hình.

Chúc bạn thành công với món mứt dừa ngũ sắc thật hấp dẫn này!

MỨT CAFE

MỨT CAFE



Khởi đầu ngày mới bằng hương thơm quyến rũ của cafe thật quá tuyệt đúng hem?

Chuẩn bị những nguyên liệu sau:

- 200gr kem tươi

- 220ml sữa tươi (không đường)

- 80gr đường

- 25gr bột cafe nguyên chất

Bước 1:

- Đun sôi sữa với kem tươi và đường. Sau đó, cho bột cafe vào và hạ nhỏ lửa.

Bước 2:

- Khuấy đều cho bột cafe tan ra hoàn toàn này.

Bước 3:

- Cứ đun nhỏ lửa như vậy khoảng 30' thì hỗn hợp sẽ bắt đầu đặc lại như thế này.

Bước 4:

- Tắt bếp và để cho mứt nguội hoàn toàn nhé!.

Bước 5:

- Cuối cùng, bọn mình chỉ việc cho mứt vào lọ, đậy kín lại là xong!

MỨT DỨA

MỨT DỨA




Chuẩn bị những nguyên liệu sau:

- 3 trái dứa (thơm)

- Đường

- 10gr vôi tôi

- 10gr phèn chua

- 30gr muối

- Khuôn nướng, giấy bạc

Bước 1:

- Đầu tiên, hòa 10gr vôi tôi với 2 lít nước rồi để lắng và gạn lấy nước vôi trong.

Bước 2:

- Tiếp theo, gọt vỏ và cắt bỏ các mắt dứa nhé!

- Rồi cắt dứa thành từng khoanh dày khoảng 1,5cm nhé! Nếu thích ăn miếng nhỏ thì các bạn có thể cắt đôi miếng dứa ra, nhưng nếu để nguyên lát thế này thì khi sên xong mứt dứa của chúng mình có hình bông hoa rất đẹp đó!

Bước 3:

- Hòa 30gr muối với 2 lít nước rồi cho các lát dứa vào ngâm khoảng 15 phút.

- Sau đó, rửa dứa lại dứa bằng nước lạnh.

Các bạn nhớ rửa nhẹ tay thôi kẻo dứa bị nát nghen.

- Tiếp theo, ngâm dứa vào nước vôi trong khoảng 6 tiếng (hoặc ngâm qua đêm cũng được). Khi ngâm xong, chúng mình rửa lại dứa bằng nước sạch.

Bước 4:

- Đun sôi 10gr phèn chua với 2 lít nước. Tiếp đó, tắt bếp rồi cho dứa vào và đậy nắp nồi trong 10 phút. Sau đó, lại rửa lại dứa bằng nước sạch rồi vớt ra để ráo.

Ở bước này các bạn cũng nhớ làm nhẹ tay nhé!

- Giờ thì cân dứa nào, nhớ là phải để dứa thật ráo thì mới cân nhé! Chúng mình sẽ lấy lượng đường bằng ½ trọng lượng dứa. Ví dụ như mình cân được 1kg dứa thì sẽ dùng 500gr đường nghen.
- Xếp dứa vào tô lớn, cứ một lớp dứa rải 1 lớp đường cho tới khi hết đường và dứa nhé! Rồi để khoảng 2-3 tiếng hoặc tới khi đường tan hết.
Bước 5:

- Sau đó, xếp dứa vào chảo, cho cả nước đường vào và bắt đầu sên. Các bạn bật lửa lớn để nước đường sôi rồi mới hạ lửa nhỏ hết cỡ và để bếp như vậy đến khi nước đường cạn.

Các bạn nhớ lật từng miếng dứa thật nhẹ nhàng để dứa ngấm đều đường nhé!

- Khi nào đường cạn và miếng dứa trong hơn ban đầu là được rồi đấy! Nhưng bây giờ các miếng mứt còn hơi ướt.

- Lót giấy bạc (hoặc giấy nến) lên khay rồi xếp mứt lên.

- Sau đó, cho dứa vào lò nướng, sấy khoảng 60 phút ở 100 độ C nhé!

Nếu không có lò nướng thì các ấy có thể đem phơi mứt ngoài nắng cũng được.
Mứt dứa sấy khô thơm lắm nhé!

MỨT KHOAI MÔN

MỨT KHOAI MÔN



Chuẩn bị những nguyên liệu sau:

- Khoai lang

- Khoai tây

- Khoai môn

- Đường

- Gừng

Bước 1:

- Gọt bỏ vỏ khoai trước này. Các bạn chú ý gọt đến đâu thì ngâm luôn khoai vào nước đến đó cho khỏi thâm nhé!

Bước 2:

- Tạo hình cho khoai. Các bạn thái khoai thành từng lát mỏng rồi có thể dùng khuôn hoa hoặc dao để cắt đều được
Bước 3:

- Luộc khoai. Với khoai lang, các bạn cho thêm vài lát gừng vào luộc cùng cho mứt thơm nghen.

- Với khoai tây thì mình cho thêm một chút xíu muối.

- Còn khoai môn thì không cần cho thêm gì cả.

Bước 4:

- Luộc cho khoai chín tới rồi vớt ra để ráo nguội.
Bước 5:

- Ướp khoai với đường này. Cứ 200gr khoai thì mình dùng khoảng 50gr đường nhé!

Bước 6:

- Để khoảng 1 đêm (6 - 8 tiếng) cho đường tan hết này.

Bước 7:

- Sau đó, vớt khoai ra, để ráo nước.

Bước 8:

- Cho khoai vào nồi xào ở lửa thật là nhỏ này.

- Nếu thấy lửa của bếp vẫn quá lớn thì các bạn nên đặt chồng nồi vào một chiếc chảo dày để xào nhé! Chú ý là đảo nhẹ nhàng thôi đó.

Bước 9:

- Khi thấy đáy nồi xuất hiện lớp đường khô trắng thì có nghĩa là mứt được rồi đấy.

- Nếu nhà bạn có lò nướng thì có thể cho mứt vào đặt ở chế độ sấy (khoảng 80 độ C) cũng được.

Cùng xem thành quả nè...

Ngon đẹp chẳng khác gì đi mua nhé!

Bản thân khoai môn đã thơm rồi nên chẳng cần cho thêm gì mà vẫn cứ ngon!
Mứt khoai lang thì thơm thơm mùi gừng hay lắm!

Với mứt khoai tây, các bạn xào cho hơi xém vàng một chút nha!

Ô MAI VỎ CAM

Ô MAI VỎ CAM



Chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 2 quả cam (lấy vỏ)
- 30g muối
- 30g đường
- 10g cam thảo
- 5g đinh hương (không bắt buộc)

Bước 1:

- Rửa sạch phần vỏ cam rồi bóp nhẹ để vỏ ra hết tinh dầu.
Bước 2:

- Thái vỏ cam thành dạng sợi mỏng, dài.

Bước 3:

- Trộn đều vỏ cam với một chút muối rồi bóp nhẹ khoảng 1'.

Bước 4:

- Rửa sạch vỏ cam.

Bước 5:

- Trộn đều vỏ cam với số muối còn lại rồi để yên trong khoảng 2 tiếng.

Bước 6:

- Đem vỏ cam đi phơi khoảng 1 ngày. Nếu không có nắng, bạn có thể cho vỏ cam vào lò sấy cũng được. Nhiệt độ sấy chỉ vào khoảng 80 - 100 độ thôi nhé!

Bước 7:

- Trộn đều vỏ cam sấy với đường và bột đinh hương rồi để yên cho đến khi đường tan hết thì vớt ra, để ráo nước.

Đinh hương sẽ giúp cho ô mai của chúng ta thơm hơn.
Bước 8:

- Làm nóng nồi đế dày, cho vỏ cam vào rang. Các bạn chú ý để bếp thật nhỏ. Bởi khi để lửa lớn quá, vỏ cam sẽ bị cháy.

- Chúng ta cần rang cho đến khi miếng vỏ cam không còn ướt nữa là được.
Bước 9:

- Cuối cùng, các bạn trộn đều ô mai vỏ cam với cam thảo.

Vậy là ô mai vỏ cam mặn ngọt đã hoàn thành rồi!

Ô mai sẽ hơi dẻo dẻo, có vị mặn ngọt xen lẫn nên ngon lắm!

MỨT GỪNG DẺO

MỨT GỪNG DẺO



Nguyên liệu:

- Gừng non: 300gr

- Dứa: 1 quả nhỏ hoặc 150gr

- Đường: 200gr

- Phèn chua: 5gr

- Chanh: 2 quả.

Thực hiện:

- Dứa gọt vỏ, cắt bỏ mắt và xắt hạt lựu hoặc xay nhuyễn tùy sở thích.

- Gừng rửa sạch, cạo vỏ, thái chỉ.

- Pha vào nước sạch nước cốt 1 quả chanh và ngâm gừng trong khoảng 15 phút để gừng không bị thâm. Sau đó vớt ra rửa sạch.

- Đun sôi 2 lít nước với 5gr phèn chua để chần qua gừng. Cho gừng vào trần với nước trong khoảng vài phút, sau đó vớt ra xả sạch với nước lạnh vài lần cho hết phèn.

- Trộn gừng với nước cốt của 1 quả chanh còn lại, thêm dứa xắt hạt lựu và đường vào, trộn đều và để qua đêm hoặc cho đến khi đường tan hết.

- Khi đường tan hết thì đem sên gừng ở lửa nhỏ cho đến khi gừng dẻo, trong, ăn có vị chua ngọt thanh thì tắt bếp. Để mứt dừng dẻo nguội cho vào lọ thủy tinh và cất tủ lạnh. Có thể ăn kèm với lạc rang (đậu phộng) giã nhỏ nếu thích.

Mứt gừng dẻo đạt yêu cầu là khi ăn, thấy gừng dẻo, trong, có vị chua ngọt thanh phảng phất mùi dứa, thơm thơm mùi gừng là được.

MỨT QUẤT DẺO

MỨT QUẤT DẺO



Nguyên liệu:

- Quất: 1kg; đường: 500gr; mật ong: 100gr; vôi: 30gr; phèn chua: 1 thìa ăn phở; muối

Thực hiện:

- Quất chọn quả to đều, đã già quả (nếu dùng quất đã chín vàng sẽ cho ra màu mứt đẹp hơn, mình không mua được quất chín nên làm quất già). Đem quất rửa sạch rồi ngâm quất vào bát nước muối pha loãng khoảng 30 phút, sau đó rửa lại với nước sạch 1 lần nữa, để ráo.

- Dùng dao khứa đều quanh quả quất thành 4-5 hoặc 6 múi tùy quả to hay nhỏ.

- Dùng tay bóp bẹp quả quất, ấn nhẹ ở các múi quất để ép hạt và nước quất chảy ra. Nhớ dùng 1 chiếc bát to để đựng nước và hạt quất.

- Hòa 30gr vôi với khoảng 1,5 lít nước, để cho nước vôi lắng cặn thì gạn lấy phần nước vôi trong bên trên. Thả quất vào nước vôi trong ngâm khoảng 4- 5 tiếng. Sau đó vớt quất ra, rửa lại với nước sạch vài lần để loại bỏ mùi vôi.

- Đun sôi phèn chua với 1 lít nước, cho quất vào chần nhanh trong khoảng 2 phút. Sau đó vớt quất ra và rửa lại 1 lần nữa với nước sạch (vừa rửa vừa bóp bẹp quả quất cho ra hết nước).

- Ướp đều quất với đường và mật ong trong 1 cái nồi, để ngâm khoảng 30 phút. Phần nước quất ép ra ở bước 3 thì đem lọc bỏ hạt, lấy phần nước quất đổ vào nồi quất.

- Cho nồi quất lên bếp, đun sôi rồi hạ lửa ở mức nhỏ. Thi thoảng cầm quai nồi nghiêng qua nghiêng lại cho đường chảy tràn lên mặt quất (không đảo quất vì sẽ làm quất bị nát). Khi nước rim quất cạn, những quả quất chuyển màu vàng trong óng ả thì tắt bếp.

- Gắp từng miếng mứt quất xếp lên giá, bên dưới có đặt khay hứng nước đường chảy từ mứt quất xuống. Đem mứt đi hong nắng cho đến lớp đường bao quanh mứt khô lại. Hoặc cho mứt vào hong trong tủ lạnh hoặc sấy bằng lò nướng với nhiệt độ khoảng 100 độ C cho đến khi mứt khô.

Khi mứt quất đã khô hẳn thì cho mứt vào lọ thủy tinh để bảo quản và dùng dần.

MỨT CÀ RỐT DẺO VIÊN TRÒN

MỨT CÀ RỐT DẺO VIÊN TRÒN



Nguyên liệu:

- 4 củ cà rốt khoảng 600gr; 130-160gr đường (tùy vào khẩu vị mỗi người); 1 trái cam; 1 muỗng canh siro đơn giản (đường đun lên với nước) hoặc đường làm bánh trung thu; 1 muỗng canh mật ong; 100gr dừa khô bào nhỏ

Thực hiện:

- Cà rốt gọt bỏ vỏ, bào sợi ngắn nhỏ. Cam bào lấy vỏ. Dừa khô để riêng trong 1 cái chén.

- Đường, cà rốt, si rô cho hết vào chảo hay nồi, trộn đều.

- Bắc lên bếp sên lửa vừa. Khi nước đường sôi 10 phút, bạn cần phải hạ lửa nhỏ và thỉnh thoảng đảo cà rốt.

- Sên như thế cho đến khi nước đường sánh lại, bạn hãy cho mật ong, vỏ cam vào tiếp tục sên cho đường kẹo lại thật sánh là tắt bếp.

- Chờ mứt cà rốt nguội bớt (chỉ còn ấm ấm là được). Bạn dùng nĩa vít 1 ít cho vào chén dừa khô lăn sơ rồi vo tròn (kẹo này bạn phải làm như thế mới không dính tay).

- Chờ mứt cà rốt nguội bạn hãy cho vào hũ bảo quản nơi thoáng mát. Mứt cà rốt có vị dẻo - dai, vị thơm ngon hoàn hảo.

MỨT DỪA NON


MỨT DỪA NON


Nguyên liệu:

- Cùi dừa non: 1kg
- Đường: 500gr
- Sữa tươi (hoặc sữa đặc): 1 túi 200gr
- Bột trà xanh: 2 thìa cà phê
- Bột cacao: 2 thìa cà phê

Thực hiện:

Mứt dừa non ăn rất ngon vì mứt khá dẻo và dai chứ không bị cứng cứng như mứt dừa làm từ dừa bánh tẻ. Nhưng để làm ra được 1kg mứt dừa non sẽ tốn khá nhiều quả dừa non vì mứt dừa non này mình làm hoàn toàn bằng loại dừa lấy nước uống nên phần cơm dừa không được nhiều. Các bạn có thể mua loại dừa non này ở những hàng bán dừa non, nhưng nên nói người bán chọn cho những quả có phần cơm dừa hơi dầy một chút.

Tốt nhất là các bạn nên mua lại những quả dừa đã được người ta bán hết phần nước cho khách, như thế sẽ vừa rẻ mà lại không bị lãng phí phần nước dừa vì không thể tiêu thụ hết một lúc. Hoặc trong những ngày nắng nóng, các bạn mua dừa non về uống hết nước. Sau đó các bạn hãy tách lấy phần cùi non rồi cho vào túi bóng zip (hoặc hộp), cất vào ngăn đá tủ lạnh.

Các bạn cứ góp dần như thế cho đến khi được nhiều nhiều một chút, đủ để làm một mẻ mứt. Lúc này các bạn chỉ cần bỏ cùi dừa non ra khỏi tủ lạnh, rã đông rồi làm. Với mẻ mứt dừa non này là mình cũng làm từ cùi dừa non được cấp đông từ lâu.

Bước 1: Dùng dao chặt quả dừa làm 4, lấy 1 chiếc thìa (loại thìa cứng một chút) cạy lấy phần cùi non (vì là dừa non nên khó để nạo được những sợi dừa thật dài và mỏng như dừa bánh tẻ nên không cần phải tách cùi dừa còn nguyên hình dạng như với dừa bánh tẻ).

Bước 2: Gọt bỏ phần vỏ nâu bên ngoài, thái dừa thành miếng hoặc những sợi nhỏ dài cỡ cái đũa ăn cơm (nếu thái thành miếng thì thời gian sên mứt sẽ lâu hơn một chút).

MỨT KHOAI LANG



Nguyên liệu:

- Khoai lang
- Đường
- Nước vôi trong
- Vani

Thực hiện:

Bước 1: Khoai lang gọt bỏ vỏ, rửa sạch, đem thái miếng.
Bước 2: Dùng 50g vôi ngâm vào nước, để cho lắng cặn rồi gạn lấy phần nước trong. Cho khoai vào nước vôi trong ngâm trong khoảng 3 tiếng. Ngâm xong vớt ra xả với nước sạch vài lần để loại bỏ mùi vôi.

Bước 3: Cân khoai và đường, cứ 1kg khoai thì dùng khoảng 500g đường. Ướp khoai với đường cho đến khi đường tan hoàn toàn (khoảng 5 tiếng). Thỉnh thoảng lại đảo đều để đường ngấm đều vào khoai.
Bước 4: Cho khoai và nước đường vào chảo, đun nhỏ lửa, thi thoảng đảo đều. Khi nước đường trong chảo cạn gần hết thì vặn lửa nhỏ liu riu, dùng đũa đảo đều liên tục.
Bước 5: Khi đường kết tinh bám trắng vào khoai, từng miếng khoai tách rời nhau thì tắt bếp. Cho vào chảo mứt khoai vài giọt vani, dùng đũa đảo đều trong khoảng 1 phút nữa là được.
- Cho mứt ra mâm hoặc khay rộng, đợi cho mứt nguội hẳn thì cất mứt khoai vào lọ kín để bảo quản.

MỨT KHOAI TÂY



- Khoai tây

- Đường trắng

- Nước vôi trong

- Muối

- Vani

CÁCH LÀM MỨT KHOAI TÂY:
Bước 1: Khoai tây gọt bỏ vỏ, cắt miếng tròn dầy khoảng 0,6 – 0,8 cm. Cắt đến đâu thì ngâm ngay vào bát nước đến đó. Ngâm khoảng 20 phút để khoai khỏi thâm.

Bước 2: Dùng khoảng 20g vôi đem hòa với nước, để lắng cặn rồi gạn lấy phần nước vôi trong. Cho khoai vào bát nước vôi sao cho lượng nước ngập mặt khoai, ngâm trong khoảng 2 – 2,5 tiếng (không ngâm quá lâu khoai sẽ bị quá cứng, còn ngâm ít thời gian thì khoai dễ bị bể nát khi sên). Sau đó vớt ra xả lại vài lần với nước lã cho khoai hết mùi vôi.

Bước 3: Đun sôi một nồi nước, cho khoai vào luộc trong khoảng 5 phút rồi vớt ra để ráo.

Bước 4: Cân khoai và đường theo tỉ lệ 1kg khoai với 500 gr đường. Ướp khoai với đường trong khoảng 3 – 4 tiếng, thi thoảng bạn dùng đũa đảo đều cho khoai ngấm đường.

Bước 5: Sau khi ướp cho cả khoai và nước đường vào chảo đun trên bếp với lửa to. Đường sôi thì vặn lửa nhỏ, thi thoảng lại dùng đũa đảo đều để khoai ngấm đường.

Bước 6: Khi đường cạn và bắt đầu có hiện tượng keo lại thì dùng đũa đảo đều liên tục nhưng phải nhẹ nhàng không sẽ làm vỡ các miếng khoai.
DBS M05479
Quang Cao