Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Bốn biến số ảnh hưởng đến thành công tại nơi làm việc: Người nắm rõ sẽ thành công, kẻ cố tình không hiểu thì chỉ chuốc lấy thất bại

Thành công trong công việc cần phải được nuôi dưỡng cẩn trọng, hiệu quả và ý nghĩa. Muốn thành công, bạn không chỉ phải chú ý đến bản thân trong nền văn hóa doanh nghiệp, mà còn phải quan tâm đến sự phù hợp với công việc, không gian phát triển của những người khác...



Sự thành công của mỗi người đều đến từ một điều gì đó đặc biệt. Đó có thể là một bước đột phá trong một lĩnh vực nhất định… Đối với những người luôn thành công trong công việc, sự kiên trì và chăm chỉ trong công việc là bùa hộ mệnh quan trọng nhất. Đối mặt với sự thất vọng của ngành nghề, tiến thoái lưỡng nan, nhiều người sẽ chọn cách thoát khỏi nghề nghiệp chuyên môn và tìm lối đi khác, nghĩa là họ dễ dàng bỏ nghề và từ bỏ lợi thế của mình.

Trên thực tế, miễn là bạn kiên trì đi theo một ngành nghề hoặc lĩnh vực cụ thể, tiếp tục học hỏi và cải thiện bản thân, bạn sẽ có những lợi thế riêng, và triển vọng nghề nghiệp của bạn sẽ không xấu đi. Vậy làm thế nào để chúng ta thành công trong công việc?

Các yếu tố quan trọng của sự thành công trong sự nghiệp bao gồm những điều như sau:
Biến số đầu tiên: Thành công là việc sử dụng thời gian hiệu quả

Mặc dù có nhiều biến số khác liên quan đến thành công, nhưng biến số quan trọng nhất và là nhân tố tích cực tạo nên sự thành công là thời gian. Thời gian hiệu quả của công việc bình thường là 200 ngày/năm của một người, với điều kiện bạn không đi làm muộn, không về sớm, không trốn việc, không bỏ việc.



Vì vậy, nếu một người muốn thành công, ngoài 200 ngày bình thường, nghĩa là, ngoài làm việc trong 8 giờ, số giờ làm thêm việc của họ lên gấp đôi, thậm chí gấp 3? Rõ ràng đó là điều rất khó khăn, liệu bao nhiêu người có thể làm được? Tuy nhiên, những người thành công thực sự đã nhận ra điều cơ bản nhất: Thành công là việc sử dụng thời gian hiệu quả!

Sự thật là, bận rộn chỉ là cái cớ để biện minh cho sự vô tâm, khả năng quản lý thời gian kém. Nếu có thể quản lý tốt thời gian của mình, bạn có thời gian để làm mọi thứ. Hình thành những thói quen tốt sẽ giúp bạn làm được nhiều việc hơn, hiệu quả cao hơn mà vẫn đủ thời gian dành cho cuộc sống cá nhân.
Biến số thứ hai: Tính cách cá nhân


Biến số thứ hai của sự thành công nghề nghiệp là công việc phù hợp với tính cách của cá nhân, cụ thể là bản tính và bản chất. Tất cả điều này là bẩm sinh. Một người có thể tu luyện bản thân, nhưng anh ta không biết rằng bản tính hay bản chất rất khó có thể được sửa đổi.

Bạn đã từng nghe câu: “Tìm một công việc bạn yêu thích, và bạn sẽ không bao giờ phải làm việc một ngày nào trong cuộc sống của bạn”. Rất dễ dàng để yêu công việc và thành công với nó nếu công việc đó gắn với cá tính của bạn. Ví dụ, một người giỏi giao tiếp sẽ yêu giỏi bán hàng, trong khi một người nhút nhát có thể thấy công việc này khó khăn và thậm chí khó chịu và chắc chắn sẽ bỏ cuộc sớm.

Chỉ khi được làm những nghề nghiệp phù hợp với tính cách cá nhân bạn mới có thể thực sự yêu thích, sống hết mình với công việc, mặc cho mọi khó khăn, thử thách và áp lực. Chỉ có như vậy bạn mới có thể thành công
Biến số thứ ba: Lối sống

Biến số thứ ba trong thành công tại nơi làm việc là lối sống, và lối sống có thể được chia thành 2 mức độ. Ở cấp độ rộng lớn, lối sống đề cập đến mục tiêu của cuộc sống, và cấp độ hẹp hơn nó là những thói quen hàng ngày được nuôi dưỡng cho mục tiêu của cuộc sống.



Tôi đã gặp nhiều người có kiến thức rộng và bằng cấp cao, nhưng không có một lối sống tốt. Đây được gọi là sự khác biệt giữa tri ​​thức và lối sống, bởi vì họ không có mục tiêu trong cuộc sống và không có sự thích ứng với thế giới này. Trong thời đại luôn thay đổi này, những người sống vô mục đích, không có bất kỳ mục tiêu nào, không nghĩ dài hạn hay ngắn hạn và chỉ làm việc với mục đích để tồn tại thì chắc chắn không thể thành công.
Biến số thứ tư: Mức độ thích ứng với thời cuộc

Biến thứ tư trong thành công tại nơi làm việc là khả năng thích ứng với thời cuộc. Tôi đã thấy nhiều người ở nơi làm việc không thành công, không có quy tắc phát triển sự nghiệp và dù làm việc rất chăm chỉ và nỗ lực, họ cũng khó để thành công.

Lý do chủ yếu là họ có thể chưa nhạy bén với thời cuộc, và thậm chí chạy ngược thời cuộc. Trong công việc, bạn sẽ gặp những điều khó chịu gần như mỗi ngày. Bạn nên làm gì nếu không hài lòng? Chống cự, dùng mánh khóe… đều dẫn đến một cuộc chiến tồi tệ và sự trả thù đó không phải là một cách hay.

Bạn không thể thay đổi môi trường và những người khác cũng không thay đổi được. Điều duy nhất có thể thay đổi là chính bạn. Vì vậy, khi bạn phải đối mặt với những điều khó chịu, bạn chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách tìm ra nguyên nhân và làm trái tim mình bình tĩnh lại.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Muôn vàn sắc thái trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết

Đã qua rồi những ngày nghỉ Tết ăn ngủ quên giờ giấc, cảm giác chóng vánh như mới chỉ hôm qua! Ngày đầu tiên trở lại guồng quay công việc không thể tránh khỏi uể oải và ngán ngẩm. Dưới đây là 8 trạng thái phổ biến bạn sẽ trải qua trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết.

Khi quay trở lại với ngày làm việc đầu tiên sau Tết, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ trải qua vô vàn cảm xúc khó tả. Bạn có nhận ra mình trong những hình ảnh dưới đây vào những ngày qua không?
Trời ơi tin được không? Tết đã hết rồi sao!



Bạn vẫn đang trong chế độ “ăn ngủ” lí tưởng của ngày Tết. Trong đầu bạn vẫn còn những mộng mơ về Bánh Chưng, Bánh Tét. Thật khó khăn để bạn có thể kịp thời chuẩn bị về mặt tinh thần cho việc quay trở lại làm việc. Thời gian trôi qua thật nhanh và bạn vẫn có cảm giác “không thật” khi nghĩ về việc phải đi làm.
Ôi không! Sắp phải dậy sớm rồi!



Khi “thiên đường” trong bạn đang dần phải nhường chỗ cho thực tại nghiệt ngã, bạn sẽ bắt đầu có xu hướng hoảng loạn và đau khổ. Chuỗi ngày “hành xác” với bạn đã trở lại. Dậy sớm lúc 7h sáng để đi làm luôn là cơn ác mộng khiến bạn ám ảnh. Thậm chí, việc phải ngồi vào chiếc bàn làm việc quen thuộc ở công ty cũng khiến bạn cảm thấy thống khổ và khó chịu.
Đừng ai nhắc đến Tết trước mặt tôi!

Tất cả mọi phiền nhiễu và những công việc cần xử lí khiến bạn từ giai đoạn khủng hoảng chuyển sang tức giận. Chuỗi ngày thức dậy đi làm, trả lời hàng loạt những email còn tồn đọng, hay ngay cả anh bạn đồng nghiệp ngồi cạnh đang luôn miệng chia sẻ về kỳ nghỉ Tết hấp dẫn của mình. Bạn chỉ muốn tất cả mọi thứ lập tức ngừng lại. Và bạn được trở về với những tháng ngày tuyệt vời trong Tết kia.
Mình còn bao nhiêu ngày phép nhỉ?

Bạn vẫn chưa thể chấp nhận việc kỳ nghỉ Tết đã kết thúc. Và đó là lí do bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ về những ngày phép tiếp theo của mình. Bạn đang cân đo đong đếm để nộp đơn xin nghỉ phép. Nếu bạn cố gắng hoàn thành nốt mọi công việc trong hôm nay, thì có lẽ bạn sẽ tự thưởng cho mình một ngày nghỉ khác để hồi phục bản thân sau “sang chấn tâm lí” hết Tết. Một buổi massage hoặc một buổi thiền có thể sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong trường hợp này đây.
Ước gì thời gian quay trở lại…

Khi bạn bắt đầu nhớ về quãng thời gian mấy ngày trước đó bạn đã hạnh phúc như thế nào, bạn sẽ phải hứng chịu cảm giác tồi tệ trái ngược hẳn trong thời điểm hiện tại. Bạn ước giá như mình sở hữu một cỗ máy thời gian chẳng hạn, bạn sẽ ngay lập tức quay trở về khoảng thời gian đẹp đẽ huy hoàng trong Tết và thỏa sức ăn chơi tận hưởng quên ngày tháng.
Ngưng bán “than”, làm việc thôi!



Cuối cùng thì bạn cũng sẽ nhận ra than thở cũng chẳng có ích gì. Bạn càng chối bỏ trách nhiệm trong những công việc diễn ra sau Tết, bạn càng phải mất thêm nhiều thời gian để hoàn thành chúng. Do đó, cách tốt nhất là bắt tay ngay vào việc, xắn tay áo lên và xử lí tức thì. Mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn và bạn sẽ sớm lấy lại phong độ để quay trở lại đường đua sự nghiệp.
Cố lên, mình sẽ làm được!

Nguồn động viên tinh thần lớn nhất không ai khác chính là bản thân bạn. Do đó, khi cảm thấy núi công việc sau Tết làm bạn mệt mỏi, đừng ngần ngại gửi đến chính bạn một lời cổ vũ nhiệt tình nhất. Bạn sẽ nhanh chóng xoa dịu bản thân và tiếp thêm động lực để tiến về phía trước, sẵn sàng bước vào ngày làm việc đầu tiên sau Tết.
365 ngày nữa lại đến Tết ấy mà!



Trong những tình huống như thế này, hãy tin rằng vẫn có những con người vô cùng lạc quan và sẵn sàng chấp nhận thực tại uể oải khi phải đi làm sau Tết. Hãy luôn ngẩng cao đầu đối mặt với mọi thứ khiến bạn phải đau đầu, suy nghĩ tích cực hơn rằng bạn sẽ có những điều tuyệt vời cần làm trong năm mới như thời gian dành cho những người thân yêu, một năm thăng tiến vì làm việc chăm chỉ và nhiều hơn thế.

Cuối cùng thì sau mọi trạng thái cảm xúc, bạn cũng sẽ trở lại guồng quay công việc nhanh thôi. Cuộc sống hàng ngày sau một thời gian làm quen lại dần sẽ làm bạn cảm thấy không tệ như bạn vẫn thường nghĩ. Chỉ cần nhớ rằng, mỗi ngày trôi qua là bạn đã có thêm một ngày gần hơn để đến với kỳ nghỉ Tết thiên đường tiếp theo!

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Nếu không muốn “tạo nghiệp” nơi công sở, chớ có dại mà làm những điều này!

Bạn muốn một cuộc sống bình yên nơi công sở, bạn muốn tập trung phát triển sự nghiệp của bản thân tại nơi làm việc, bạn không muốn “tạo nghiệp” với bất kỳ một ai ở văn phòng. Tất cả những gì bạn ao ước sẽ thành sự thật nếu biết cách né tránh các điều “tối kỵ” dưới đây.






Lớn tiếng với đồng nghiệp

Ngay cả khi bạn tức giận vì lỗi sai của một đồng nghiệp nào đó trong công ty, hãy cố gắng kiềm chế cơn tức của bản thân để tránh lớn tiếng với họ, đặc biệt là ở nơi đông người. Hình tượng của bạn trong mắt mọi người ngay lập tức sẽ biến thành “bà la sát”, người nóng tính và kết quả tệ nhất là chẳng ai muốn được làm việc cùng với bạn về lâu dài.

“Tám” chuyện riêng tư của người khác

Hãy nhớ rằng bạn được thuê để làm việc, không phải để “buôn dưa lê” về người khác. Những nhân viên thích soi mói đời tư của mọi người thường để lại ấn tượng vô cùng xấu trong mắt các lãnh đạo. Hơn nữa, đây cũng là khởi nguồn của nhiều mâu thuẫn nơi công sở. Đừng dại dột mà đánh mất lòng tin của một ai đó chỉ vì vài ba phút “trà dư tửu hậu”.

Chối bỏ trách nhiệm của mình

Chẳng có vấn đề gì nếu như bạn mắc sai lầm, miễn là bạn dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm và tìm cách khắc phục hoặc rút kinh nghiệm từ vấp ngã. Cấp trên sẽ đánh giá một nhân viên biết nhận trách nhiệm cao hơn so với một người thích đùn đẩy lỗi lầm sang cho người khác và chối bỏ mọi hành vi của mình. Không chỉ vậy, việc chối bỏ còn khiến cho cuộc chiến giữa bạn và các đồng nghiệp chung nhóm trở nên ngày càng căng thẳng.

Làm việc riêng trong giờ

Đôi khi dành ra vài phút để nghỉ ngơi thư giãn sẽ thật tuyệt vì bạn có thể nạp năng lượng sẵn sàng cho những giờ làm việc tiếp theo. Thế nhưng, đừng lạm dụng điều này để làm việc riêng trong giờ như lướt facebook, mua sắm online, hay thậm chí là chit chat. Hãy thử tưởng tượng khi bạn đang hăng say thực hiện những việc này, sếp nhẹ nhàng lướt qua như một cơn gió và “bắt quả tang” bạn đang làm “chuyện xấu”. Tiền thưởng cuối kì coi như đi tong!

Than vãn chuyện áp lực

Những dấu hiệu thể hiện sự mệt mỏi và áp lực của bạn như kêu ca, than vãn với đồng nghiệp hay thậm chí là cau có chỉ càng khiến tâm lí tiêu cực ảnh hưởng đến cả tập thể. Và điều này thì hoàn toàn chẳng được lòng các sếp đâu. Cho dù bạn đang vô cùng mệt mỏi, hãy cố gắng tìm cách để duy trì sự tích cực và lạc quan trong công việc. Điều này không chỉ tốt cho bạn mà còn có ích cho những đồng nghiệp xung quanh.

Đề cập chuyện nhảy việc

Dù thân thiết đến đâu cũng đừng chia sẻ với bất kỳ ai trong công ty khi bạn có ý định nhảy việc. Nếu lỡ kế hoạch bất thành và bạn tiếp tục ở lại công ty làm việc, chắc chắn một điều rằng bạn sẽ “cái gai” trong mắt ban lãnh đạo. Đừng nên chia sẻ quá sớm cho đến khi mọi thứ đã hoàn thành. Hãy cố gắng trình bày với sếp đầu tiên về lí do và quyết định nghỉ việc của bạn. Đừng để sếp phải nghe thấy tin buồn này từ một nhân viên khác. Khi chuyện này được tiết lộ, sếp sẽ dè chừng và bắt đầu loại bạn khỏi cuộc chơi ngay tức thì.

Hỏi thăm tiền lương

Luật bất thành văn ở bất kỳ công ty nào đó là không được nhắc đến chuyện tiền lương của người khác. Tiền bạc là chủ đề tương đối nhạy cảm, ngay cả khi bạn đang trong mối quan hệ bạn bè thân thiết với các đồng nghiệp. Đừng dại gì mà thảo luận về chủ đề này cho nhau. Nếu lỡ như công ty có chính sách đãi ngộ khác biệt giữa các nhân viên, một làn sóng ngầm sẽ vô hình xảy ra và khiến các mối quan hệ trong công ty của bạn trở nên rạn nứt.

Nhảy vào việc của người khác

Mỗi người luôn có cách xử lí và nhìn nhận công việc khác nhau. Vì thế, không nhất thiết bạn phải nhảy vào để chỉ bảo họ phải làm thế này thế kia, cho dù bạn xuất phát từ ý định tốt đẹp muốn giúp đỡ. Nếu thật sự bạn muốn đóng góp cho họ, hãy khéo léo đưa ra lời khuyên để tránh làm mất lòng đối phương. Hãy luôn nhớ rằng, nhiệm vụ của bạn là hoàn thành tốt việc của mình trước tiên, sau đó mới bắt đầu hỗ trợ tập thể. Đừng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nếu không thật sự cần thiết.

Nếu né tránh được những điều tối kỵ dưới đây, chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ bị liệt kê vào “danh sách đen” của công ty. Và bạn sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn để sự nghiệp ở chốn “thâm cung” luôn thuận buồm xuôi gió.

Tuyệt chiêu để nâng tầm giá trị bản thân qua các lần nhảy việc

Sau mỗi lần nhảy việc, bạn không thể để giá trị bản thân “dậm chân tại chỗ” được, bởi nếu như vậy bạn chỉ có thể nhảy qua các vị trí tương đương với công việc hiện tại, cùng mức lương không mấy chênh lệch, như vậy có phải bạn đã “uổng công” cho những lần bay nhảy hay không? Làm thế nào để giá trị bản thân ngày một “leo thang” hơn? Những tuyệt chiêu dưới đây sẽ giúp bạn làm được điều đó, hãy cùng điểm qua nhé.




1. Phát triển bản thân

Mỗi lần nhảy sang một công việc mới, hãy chắc chắn rằng kiến thức và kinh nghiệm của bạn cũng phải “nhảy lên” một tầm mới. Một môi trường làm việc mới với tính chất công việc cũng nhiều thay đổi hơn so với công việc cũ sẽ là thử thách đối với bạn. Giá trị bản thân cũng bạn sẽ được khẳng định và nâng tầm hơn khi bạn biết vận dụng những nguồn kiến thức sẵn có và sự linh hoạt của mình để đáp ứng nhanh những yêu cầu trong công việc mới. Phát triển bản thân luôn là điều tối quan trọng để già trị của bạn ngày một nâng cao hơn.

2. Nói không với nhảy việc trái ngành

Có nhiều bạn hi vọng sẽ phát triển bản thân và nâng cao giá trị của mình khi chuyển sang một ngành hoàn toàn mới với mình, thử thách bàn thân nhiều hơn. Điều này hoàn toàn sai lầm! Bạn chỉ có thể tốt hơn nếu được phát huy khả năng ở những môi trường phù hợp với khả năng và con đường sự nghiệp của mình, nếu chỉ vì muốn thử sức ở một lĩnh vực khác ngoài tầm của mình thì chỉ khiến giá trị của bạn không những không được nâng tầm mà nguy hiểm hơn khi bị “tụt dốc” không phanh. Bạn hãy cẩn thận với những lựa chọn của mình.

3. Biết rõ mong muốn và hướng phát triển của bản thân

Một khi bạn hiểu rõ được bản thân mình muốn gì ở công việc, khả năng mình tới đâu và hướng phát triển trong tương lai, bạn đã tự nâng tầm giá trị của mình lên một vị trí hoàn toàn khác rồi đấy! Có rất nhiều người nhảy việc chẳng qua là vì họ không biết công việc nào phù hợp với mình và môi trường nào sẽ tốt nhất, chính vì vậy dù họ có nhảy việc bao nhiêu lần đi chăng nữa, họ vẫn sẽ mãi loay hoay trong chu kỳ buồn tẻ. Vậy nên, một trong những tuyệt chiêu mà bạn nhất thiết phải có để nâng cao giá trị bản thân đó là định hình được mong muốn cá nhân và hiểu rõ bản thân mình.

4. Có những so sánh về lợi ích

Sau mỗi lần nhảy việc, bạn nên lập ra một danh sách những điều cần phải so sánh giữa nhiều sự lựa chọn của mình. Chẳng hạn như cơ hội phát triển nghề nghiệp tại công ty, khả năng hoàn thiện bản thân, mức lương, chế độ đãi ngộ,… Bằng cách lập nên những điều này, bạn sẽ có mục tiêu rõ ràng để hướng tới những cơ hội nghề nghiệp và công ty tốt hơn. Ngoài ra, bạn sẽ có đủ lý trí để đưa ra những lựa chọn chính xác nhất, phù hợp với bản thân mình. Giá trị bản thân của bạn phụ thuộc vào những quyết định mà bạn đưa ra. Bằng cách “khó tính” hơn với những yêu cầu trong công việc mới, giá trị bản thân của bạn sẽ được nâng tầm đáng kể đấy!

5. Thử sức ở vị trí cao hơn

Nếu bạn đã có kinh nghiệm nhảy việc kha khá, thì tại sao không thử mình ở một vị trí cao hơn? Với những kiến thức và kinh nghiệm mà bạn tích lũy được ở mỗi công ty cũng đã đủ để bạn nâng giá trị mình lên thêm một bậc rồi đấy. Ở một vị trí cao hơn, bạn sẽ có cơ hội phát triển và mở rộng kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công việc. Hãy tự mình trải nghiệm và nâng cao giá trị bản thân khi đảm nhận một vị trí cao hơn.

Một người nhảy việc thông minh là khi giá trị bản thân của mình ngày một bước lên những bậc cao mới, không còn ở dậm chân tại vị trí xuất phát. Nắm được các tuyệt chiêu trên, bạn đã bước đầu xây dựng cho mình phương hướng để nâng tầm giá trị bản thân sau mỗi lần nhảy sang việc mới, để từ đó có được những cơ hội tốt hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Vậy bạn còn chần chờ gì nữa mà không bỏ túi ngay những tuyệt chiêu trên! Chúc bạn thành công.

Những "căn bệnh" làm đau đầu dân công sở

Ai nói làm việc ở văn phòng là sướng đâu cơ chứ! Suốt ngày cứ phải đối mặt với hàng núi những “căn bệnh” khó chữa, mắc phải chúng rồi thì chỉ biết… ”than trời” và trở thành nạn nhân bất đắc dĩ thôi. Liệu bạn có mắc phải những “chứng bệnh” này? Hãy cùng tìm hiểu xem đó là “loại bệnh” ghê gớm nào nhé!



Nếu như mỗi ngày bước vào công ty việc đầu tiên bạn nghĩ tới đó là hôm nay uống gì, ăn gì, hay bắt đầu ngày mới ở công sở bằng tình trạng “viêm màng túi”, thì xin chúc mừng bạn; bạn chính là “nạn nhân” của một trong những “chứng bệnh” khiến hầu hết dân công sở phải khốn đốn đau đầu.

1. Bệnh nghiện ăn vặt, thèm trà sữa

Có thể nói, ăn vặt và uống trà sữa trong công ty là điều thích thú và thỏa mãn nhất! Bởi vì sao? Máy lạnh thì mát phà phà, không gian thoải mái, cầm trên tay ly trà sữa đầy ụ trân châu, nhâm nhi bịch bánh tráng trộn, chỉ cần vậy thôi là đời đẹp biết bao! Cứ đến đầu giờ chiều, đầu óc cứ mãi bận rộn kiếm quán này, hàng nọ, chèo kéo “đồng bọn” để order cho nhiều, ăn uống cho vui! Cứ thế đó mà bạn đã tự mình tình nguyện làm “nạn nhân” cho “căn bệnh” nghiện ăn uống chốn công sở với tư thế ngẩng-cao-đầu và không có nhu cầu “được chữa trị”.

2. Bệnh “Viêm màng túi”

Chỉ cần nghe tiếng điện thoại báo lương về, bạn đã có sẵn trong tay một list dài vô tận những thứ phải mua, những chỗ phải ăn và những người “chủ nợ” phải trả sau khoảng thời gian túng thiếu vừa qua khi “lúa chưa về”. Chỉ cần 1 cú click chuột, tiền trong tài khoản sẽ trôi qua nhanh như thanh xuân của bạn. Mới ngày nào nhận lương toàn thưởng thức cao lương mĩ vị, vung tiền mua hết đồ này đến thứ kia, chớp mắt một cái, bạn trở lại hình ảnh không mấy xa lạ: tô mì gói đã nguội và những dòng tin nhắn “ê, còn tiền không bồ, tui mượn tí…”

3. Bệnh “tám xuyên không”

Bất cứ thứ gì trên đời đều có thể giải quyết cùng với đồng nghiệp! Sau những giờ cắm mặt vô máy tính thì “tám” luôn được cho là cách hữu hiệu để giải tỏa căng thẳng mệt mỏi. Chốn công sở gắn liền với bạn hàng ngày, vì vậy không mấy ngạc nhiên khi đồng nghiệp là những người bạn có thể trò chuyện đủ mọi thứ từ công việc cho đến nhiều thứ khác. “Bệnh” này sẽ dễ kéo theo nhiều hệ lụy nếu như bạn không sớm nhận ra và hạn chế “vạ miệng” trong lúc cao hứng.

4. Bệnh than vãn

Hết tiền cũng than, việc khó cũng than, không có việc gì làm cũng than. Dân công sở than vãn tất cả mọi thứ. Chỉ cần không đúng với mood hiện tại thì mọi thứ trở nên khó chịu lạ lùng. Bạn hết than với đồng nghiệp, lại than tới luôn cả sếp. Bệnh này không gây đau đầu cho bạn, nhưng sẽ khiến người khác muốn bùng nổ vì cứ mãi nghe những chuyện không đâu vô đâu của bạn. Nguy hiểm hơn là đối với sếp, bạn sẽ không muốn thử sự kiên nhẫn của sếp đối với bạn chút nào đâu! Nếu bạn đang có “triệu chứng” than vãn hay đã lỡ “mắc bệnh” rồi thì hãy nhanh chóng “cứu” bản thân mình trước khi có bất kì rắc rối nào xảy ra với bạn nhé!

5. Bệnh lo ra, không thể tập trung

Dự án vừa mới được giao, công việc chất cao như núi, nhưng bạn vẫn thảnh thơi và… để từ từ mới đụng tới. Dân công sở thường “mắc phải” bệnh này vì không thể tập trung vào công việc, đầu óc cứ ở chốn nào và bắt đầu hình thành thói quen trì hoãn công việc. Bệnh này khiến cho bao người phải khổ sở vì thường người ta có câu “sướng trước khổ sau”, việc thì ngày càng nhiều mà bạn thì ngày càng lười. Hỡi ôi khi nhìn lại thì vắt hết sức lực để hoàn thành nốt mớ bòng bong trước mắt và bắt đầu bài ca than trách “biết vậy mình đã…”

Những ai đang là dân công sở thì chắc chắn sẽ có ít nhất 1 trong những “căn bệnh” đau đầu trên. Chúng không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công việc thế nhưng nếu như không khéo hạn chế tác động của chúng thì phần trăm bạn gặp rắc rối cũng sẽ khá cao đấy. Vì vậy hãy nhanh chóng nhận ra những triệu chứng trên và có những cách thay đổi phù hợp nhất nhé!
DBS M05479
Quang Cao