Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Những nguyên nhân khiến bạn mất đi hứng thú trong công việc

Bạn đã từng rất yêu và hài lòng với công việc hiện tại của mình. Có những lúc bạn dành hơn 12 tiếng mỗi ngày chỉ để hoàn thành công việc, không phải vì deadline, chẳng qua là do bạn thích làm thôi! Tuy nhiên, thời gian gần đây, bạn ngày càng cảm thấy mất dần cảm hứng trong công việc, đối với bạn đi làm ngay lúc này thật sự không còn niềm vui nào nữa. Vậy do đâu đẫn đến điều này?

Giai đoạn bắt đầu gắn bó với công việc, bạn thường cố gắng hết sức và luôn nhiều năng lượng. Mỗi ngày đi làm là mỗi ngày vui, bạn luôn tích cực trong mọi suy nghĩ và hành động, với hi vọng sự hứng thú này sẽ duy trì hoài. Thật không may, càng làm bạn càng thấy mất dần niềm vui trong công việc, bạn bắt đầu cảm thấy chán nản và áp lực ngày một nhiều. Đi làm ngay lúc này khác gì là một gánh nặng! Nếu bạn không tìm ra ngay nguyên nhân đẫn đến tình trạng này, thì chắc chắn những ngày tiếp theo sẽ vô cùng tồi tệ với bạn. Vì vậy, hãy thử tìm hiểu những nguyên nhân khiến bạn mất đi hứng thú trong công việc nhé!

1. Đồng nghiệp “quay lưng”


Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho một ngày làm việc của bạn trở nên vui vẻ hơn chính là đồng nghiệp. Bạn thường xuyên phải giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, tuy nhiên, dạo gần đây đồng nghiệp không còn mở lòng với bạn nữa. Thay vào đó, là thái độ khó chịu và lơ đễnh trước những lời đề nghị của bạn. Đồng nghiệp đóng một phần không nhỏ giúp cho bạn thêm tinh thần trong những lúc căng thẳng. Bạn không nhất thiết phải có bạn thân trong công sở, nhưng nhất thiết phải có những người đồng nghiệp tốt!

2. Văn hóa công ty không phù hợp

Bạn có ý định gắn bó lâu dài với công ty hay không cũng là do văn hóa công ty ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Sẽ thật không khó để thấy, bạn không thể duy trì được sự hứng thú trong công việc khi văn hóa công ty không “ủng hộ” bạn. Một môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp cùng với các chế độ đãi ngộ, lương thưởng không hứa hẹn bất kì điều gì cho sự phát triển của bạn, tất cả sẽ lấy đi năng lượng làm việc của bạn ngày một nhiều hơn.

3. Cấp trên thiếu chuyên nghiệp


Là người trực tiếp quản lý bạn thế nhưng cấp trên của bạn lại khộng tài giỏi như bạn nghĩ, ngược lại, với khả năng quản lý có hạn, họ không đưa ra được những định hướng phát triển rõ ràng cho nhân viên, cũng như cho công ty. Cấp trên luôn là kim chỉ nam cho cả đội, sẽ ra sao nếu như họ không làm tốt được vai trò đó? Đây là một trong những nguyên do ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng mất đi cảm hứng làm việc mỗi ngày của bạn.

4. Bộ máy tổ chức không rõ ràng

Sẽ vô cùng mệt mỏi cho bạn nếu như công ty có bộ máy tổ chức lủng củng. Bạn hoàn toàn không biết ai sẽ là người quản lý để bạn báo cáo tiến độ công việc, mỗi dự án đều chậm trễ vì lý do không ai hiểu và chịu trách nhiệm phần việc của mình. Bất cứ khi nào bạn có ý tưởng hay ho và muốn thực hiện chúng, thì bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian vì những thủ tục rườm rà và dư thừa. Tình trạng này kéo dài sẽ dần lấy đi động lực đi làm ban đầu của bạn.

5. Bạn không có thời gian nghỉ ngơi


Tính chất công việc khiến bạn luôn phải dành 100% thời gian và sức lực để hoàn thành, bạn không có khoảng thời gian nào dành riêng chăm sóc cho bản thân. Áp lực từ công việc ngày một nhiều khiến bạn không thể tự thưởng cho mình những giây phút thư giãn – đây là yếu tố cực kì quan trọng để bạn có thể lấy lại tinh thần và giành lại cân bằng trong công sống. Mệt mỏi và căng thẳng sẽ lấy đi tất cả sự hứng thú trong công việc của bạn.

6. Và…không vì lý do nào cả

Bỗng nhiên một ngày bạn thức dậy cảm thấy vô cùng chán nản với chuyện phải đi làm, đối mặt với nhiều công việc còn dang dở, với những buổi làm việc tới tận khuya. Cho dù bạn rất yêu thích công việc hiện tại, bạn vẫn sẽ không thể tránh được cảm xúc chán nản này. Nghe có vẻ lạ nhưng đó là sự thật và bạn hãy biết cách chấp nhận và vượt qua khoảng thời gian “khó ưa” đó nhé.
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng mất đi cảm hứng làm việc, những lý do trên là điển hình và gần như nhiều nhân viên gặp phải. Bạn hãy tìm ra nguyên do của mình và từ đó tìm cách giải quyết tốt nhất để lấy lại thăng bằng và niềm vui trong công việc, bạn nhé! Chúc bạn thành công

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Giới trẻ và căn bệnh “ảo tưởng sức mạnh” mãi chẳng nhận ra giá trị thật của bản thân

Bằng cấp Khá Giỏi của trường Đại học danh tiếng, tốt nghiệp lương phải nghìn đô, doanh nghiệp trong nước đừng mơ “có cửa”, những tập đoàn đa quốc gia mới là cánh cửa nên hướng đến với năng lực này, em chỉ muốn làm sếp thay vì nhân viên sai vặt? Bạn có thấy những viễn cảnh này quen thuộc hay không? Đây đích thị chính là biểu hiện trầm trọng của căn bệnh nhiều người trẻ mắc phải hiện nay: Ảo tưởng sức mạnh.

Lười nhưng “ảo tưởng” năng lực – Bệnh chung của nhiều người!
Trong một diễn đàn về khởi nghiệp, một chuyên gia có tiếng trong cộng đồng startup từng nhận xét rằng: “Startup Việt Nam thiếu kiến thức, lười, và quá ảo tưởng”. Nhiều người trẻ thường thoải mái tuôn ra những phát ngôn đao to búa lớn về lối sống, triết lí kinh doanh của bản thân nhưng khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, chỉ có khoảng 60% đối tượng thật sự thành công và làm chủ sự nghiệp của mình.
Tâm lý “ảo tưởng sức mạnh” thường bộc lộ rất rõ ở những bạn trẻ có năng lực hoặc bằng cấp (tự nhận thấy rằng) nổi trội hơn đại đa số thí sinh ứng tuyển còn lại. Đạt được học vị cao chưa chắc đã đem lại cho bạn sự thành đạt trong cuộc đời. Kiến thức bạn học được trên giảng đường chỉ khái quát một phần những gì bạn sắp trải nghiệm. Và nếu không đủ khiêm tốn nhận ra sự giới hạn trong năng lực bản thân, bạn sẽ rất dễ vấp phải những cú ngã khi chạm trán “chướng ngại vật” vượt quá tầm kiểm soát của mình.
Tâm lý học gọi hiệu ứng “ảo tưởng sức mạnh” này là Dunning – Kruger, thể hiện “một sự lệch lạc nhận thức trong đó những người kỹ năng kém đưa ra những quyết định tồi và những kết luận sai lầm, nhưng việc thiếu năng lực lại ngăn cản nhận thức về chính những sai lầm đó.” Cụ thể, họ thường sẽ không nhận ra được sự thiếu kỹ năng của mình, không biết tính nghiêm trọng khi thiếu kỹ năng hay không đánh giá được kỹ năng của người khác. Đối với họ, mọi người luôn ở một mức cân bằng như nhau và họ sẽ là nhân tố trội hơn so với phần còn lại. Có trường hợp là do không nhận thức được kĩ năng của mình, nhưng cũng có tình huống oái oăm cố tình không chịu nhận ra “lỗ hổng” yếu kém của bản thân. Một số biểu hiện có thể kể đến ở người trẻ như sau:

1. Bằng giỏi đồng nghĩa không lo thất nghiệp

Hầu hết nhà tuyển dụng đều quan tâm đến thái độ, tinh thần cầu tiến và độ nhanh nhạy nắm bắt vấn đề của một thí sinh hơn là bảng điểm của họ. Thế nhưng, rất nhiều sinh viên mới ra trường thường ngộ nhận rằng, với thành tích xuất sắc ở đại học, đặc biệt là những ngôi trường danh tiếng, chuyện có việc làm chỉ là sớm hay muộn. Đây hoàn toàn là một nhìn nhận sai lầm cần từ bỏ.

2. Chỉ nộp đơn vào công ty lớn hoặc tập đoàn có tiếng tăm

Image result for apply for big company illustration
Không phải người trẻ nào cũng đủ năng lực và thật sự phù hợp với môi trường toàn cầu hoặc văn hóa đa quốc gia ở những tập đoàn lớn. Thay vì chạy đua theo làn sóng ứng tuyển tập đoàn “đa quốc gia” để lấy cái tiếng, bạn nên tập trung nhận được “cái miếng” từ những nhìn nhận thực tế vào giá trị của bản thân mình. Bạn có đủ điều kiện ứng tuyển? Bạn có thật sự phù hợp với văn hóa nơi đây? Bạn có tìm hiểu kĩ về quy trình và chức vụ? Bạn có yêu thích công việc này hay chỉ đơn thuần muốn có danh hiệu ở một công ty lớn?

3. Nhảy việc không ngừng hoặc liên tục đòi tăng lương 

Bạn không hài lòng mức lương hiện tại và yêu cầu một khoản khác phù hợp với năng lực của bản thân. Nếu không chấp nhận, bạn sẵn sàng rời bỏ công ty để tìm kiếm một bến đỗ mới đáp ứng được các nguyện vọng của mình. Thay vì chê lương thấp, công việc nhàm chán, hãy thử thay đổi cách làm việc và chứng tỏ với nhà tuyển dụng bạn xứng đáng có được một mức lương tốt hơn hoặc vị trí cao hơn trong công ty.

Làm sao để thoát khỏi bệnh “ảo tưởng”?

Lời khuyên dành cho mỗi bạn trẻ là hãy học cách khiêm tốn và nhìn nhận mọi vấn đề theo một hướng khách hàng thay vì giữ góc nhìn chủ quan hạn hẹp. Hãy cố gắng trau dồi kiến thức và các kĩ năng mới của bản thân mỗi ngày. Đừng bao giờ tự cho rằng mình đã biết hết tất cả. Những gì bạn biết có thể chỉ bằng 1% so với những gì người khác học được.
Hãy bắt đầu từ những công ty vừa và nhỏ trước, để bạn làm quen với công việc và môi trường làm việc. Đừng vội bay vào những tập đoàn lớn nếu như bạn không đủ bản lĩnh và kinh nghiệm. Áp lực công việc hoặc áp lực cạnh tranh rất dễ khiến bạn nản lòng và hoài nghi về bản thân nhiều hơn. Khi đã tích lũy được một vốn kinh nghiệm thực tế, bạn có thể thử sức ở các công ty lớn, tuy nhiên bạn phải biết mình thật sự phù hợp với cái gì. Con đường phía trước của bạn vẫn còn rất dài, đừng vội vàng bay nhảy ở những tầm cao để rồi thất vọng về chính bản thân mình. Quá trình học hỏi của bạn chỉ mới bắt đầu. Hãy luôn biết lượng sức mình, biết vị trí của mình ở đâu thì bạn rất dễ dàng lập mục tiêu để tiến xa hơn một cách thực tế thay vì ảo tưởng nhưng mãi dậm chân tại chỗ.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Bỗng một ngày tôi phát hiện đồng nghiệp nhận lương cao hơn mình

Bấy lâu nay tôi vẫn luôn nghĩ rằng, cùng một chức vụ thì mức lương được trả sẽ như nhau. Nhưng khi phát hiện đồng nghiệp bên cạnh có lương bổng hàng tháng “nhỉnh” hơn mình, tôi mới bắt đầu tự hỏi bản thân: Liệu công ty của tôi có sự phân biệt đối xử trong chính sách đãi ngộ hay nguyên nhân nằm ở chính mình?

Ở hầu hết các công ty, chính sách lương bổng thường không được công khai. Trừ khi được tiết lộ, ít nhân viên nào có thể biết được mức lương của đồng nghiệp hoặc cấp trên của mình. Công ty tôi đang làm chính là một ví dụ điển hình. Làm việc suốt 2 năm, dường như tôi chỉ quan tâm mức lương tăng mỗi năm hoặc mỗi tháng nhận được bao nhiêu chứ chẳng cần bận tâm mức lương của đồng nghiệp. Tôi cứ luôn ngỡ rằng, cùng một chức vụ hoặc vị trí, công ty sẽ trả cho các nhân viên một khoản như nhau.
Suy nghĩ “ngây thơ” này của tôi chấm dứt khi một ngày nọ, tôi phát hiện ra mức lương anh đồng nghiệp bên cạnh cao hơn hẳn so với mình. Dĩ nhiên phản ứng đầu tiên của tôi vô cùng sốc. Tôi hoang mang không hiểu vì lí do gì đồng nghiệp lại may mắn nhận được số tiền mỗi tháng cao hơn mình. Chúng tôi đảm nhận cùng một công việc và chức vụ như nhau. Mỗi ngày cùng làm một khối lượng công việc và hy sinh một khoản thời gian cho công ty tương đương nhau. Thậm chí, KPIs mỗi quý và năng suất của tôi và đồng nghiệp dường như không có sự chênh lệch quá mức. Tôi vẫn không hiểu được vì sao công ty lại có chính sách đãi ngộ thiếu công bằng như thế này?

Thế nhưng, suy nghĩ trong tức giận chính là sai lầm dẫn tới những hành động bốc đồng. Mọi thứ đều thôi thúc tôi muốn lao ngay đến phòng của sếp để chất vấn trực tiếp vì sao lại có sự khác biệt này. Nhưng khi những cảm xúc lắng xuống, tôi mới nghiệm ra rằng: Bản thân cần dành nhiều thời gian để suy nghĩ và phân biệt những đúng sai cần thiết trước khi hành động bất kỳ điều gì.
Thứ nhất, tôi bắt đầu lập một bảng so sánh giữa tôi và đồng nghiệp. Vì sao công ty lại có quyết định trả lương cho anh ấy cao hơn tôi? Có phải vì năng lực của anh ấy tốt hơn? Biểu hiện của anh trong 6 tháng gần đây có xuất sắc? Có những kinh nghiệm hoặc bằng cấp nào của đồng nghiệp mà tôi không có? Hoặc ngay từ xuất phát điểm, anh ấy có tự ứng tuyển như tôi hay được “săn đón” chào mời từ công ty khác?

Thứ hai, hãy thử kết thân với bộ phận Nhân Sự để tìm hiểu thông tin. Tôi đã trao đổi với phòng Nhân Sự về quy định và bậc lương ở công ty, từ đó so sánh xem liệu vị trí hiện tại của tôi có đang được chi trả mức lương thỏa đáng. Nếu công việc của tôi luôn trên đà phát triển nhưng mức lương lại thấp hơn so với bậc lương hiện tại, bộ phận Nhân Sự cần phải đưa ra lời giải thích hợp lý cho quyết định này.

Thứ ba, bên cạnh việc tham khảo Nhân Sự, tôi cũng cần tìm hiểu về mức lương cùng vị trí trên thị trường dao động ở khoản nào. Đây là cách nhanh nhất giúp tôi có được bức tranh toàn cảnh về thang lương cùng ngành nghề và đánh giá được tôi có đang được chi trả khoản lương xứng đáng với những gì tôi cống hiến hay không.
Related image
Điều cuối cùng và quan trọng nhất, sau khi đã xem xét đến mọi yếu tố và cảm thấy bản thân thật sự phù hợp để nhận được khoản lương như đồng nghiệp, tôi cần sắp xếp một cuộc gặp gỡ ngay với lãnh đạo để trực tiếp trình bày vấn đề này. Thay vì hấp tấp yêu cầu ngay được tăng lương, tôi cần chứng tỏ cho cấp trên thấy rằng tôi đã chuẩn bị kĩ càng mọi điều trước khi trao đổi. Cách “đánh tiếng” tôi áp dụng đó là dò hỏi lãnh đạo xem liệu với tiến độ và sự chăm chỉ này, tôi cần làm gì tiếp theo để cải thiện bản thân hơn nữa nhằm nhận được mức lương đề nghị cao hơn trong lần đánh giá nhân sự sắp đến.
Nguyên tắc quan trọng nhất và cũng là “bài học xương máu” của riêng bản thân tôi, đó là không nên đặt mình vào so sánh với bất kỳ một ai khác. Đừng vội đánh giá công ty có chính sách phân biệt đối xử thiếu công bằng, hay đồng nghiệp kia vì lí do nào đó mà nhận được sự ưu ái hơn. Hãy luôn bình tĩnh và rõ ràng phân tích mọi việc, cũng như xây dựng một kế hoạch hợp lí đạt được mức lương tương đương với đồng nghiệp ấy. Sự bốc đồng và ganh đua chỉ khiến hình ảnh bản thân trở nên xấu xí trong mắt đồng nghiệp, cấp trên mà chẳng mang lại thay đổi tích cực gì cho riêng tôi.
Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là bạn hoàn toàn mất cảnh giác và lu mờ trước mọi thông tin và điều khoản minh bạch về lương bổng. Hãy cố gắng tìm hiểu thật rõ ràng và nếu thật sự có bằng chứng xác nhận vị trí bạn đang làm được trả mức lương thấp hơn so với bậc lương chung của thị trường hoặc đại đa số đồng nghiệp cùng vị trí, đã đến lúc bạn yêu cầu công ty đưa ra một câu trả lời hợp lý và đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân mình.

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Người hướng nội: làm sao để "sinh tồn" trong 1 tập thể?

Giữa môi trường công sở nhộn nhịp và năng động, có bao giờ bạn cảm thấy mình lạc lõng cũng như không-theo-kịp mọi người xung quanh? Là một người hướng nội, bạn không thoải mái khi phải chia sẻ hay phải tiếp nối những câu chuyện “thảo mai”? Nếu bạn đang lo lắng tình trạng đó xảy ra với mình thì cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Đối với những người hướng ngoại, họ sẽ dễ hòa hợp hơn với văn hóa công ty và đồng nghiệp xung quanh. Ngược lại, sẽ vô cùng khó khăn cho người hướng nội thể hiện được cảm xúc của mình cũng như thoải mái giữa không gian công sở phức tạp này. Bài viết này sẽ gợi ý cho bạn cách làm thế nào để người hướng nội sống trong tập thể, cùng điểm qua nhé!

1. Chọn đúng công việc phù hợp

Có được một công việc phù hợp với tính cách sẽ giúp bạn phát huy được tối đa khả năng của bản thân và cũng là cách giúp bạn “sống đúng” với bản thân mình. Là người mang thiên hướng nội tâm, bạn nên lựa chọn công việc nào không yêu cầu bạn phải hoạt ngôn và giao tiếp thường xuyên, bạn cần cho mình tính chất công việc nghiêng về nghiên cứu, độc lập và trong không gian yên tĩnh. Một lựa chọn đúng đắn sẽ giúp bạn thoải mái hơn trong môi trường làm việc.

2. Đừng lảng tránh những cuộc trò chuyện

Mặc dù bạn sẽ không hoàn toàn cởi mở cho những cuộc trò chuyện, bạn cũng không nên tự lập ra khoảng cách với những người xung quanh. Hãy cố gắng tự nhiên và thể hiện thiện chí, một thái độ tốt sẽ là chìa khóa giúp mọi người yêu quý và thông cảm cho bạn hơn. Sẵn sàng cho những mẩu đối thoại đơn hay nhóm, bạn không cần cố gắng nghĩ ra thật nhiều điều để nói, bạn chỉ cần lắng nghe, góp vui một vài câu và biết dừng khi bản thân không còn thấy thoải mái. Tránh né giao tiếp sẽ không giúp bạn “sinh tồn” tốt hơn, nó chỉ khiến bạn ngày càng xa cách với tập thể và dần bị cô lập mà thôi.

3. Tập trung vào công việc

Chăm chú giải quyết từng công việc một sẽ giúp bạn hạn chế được kha khá những lần giao tiếp không muốn có. Không ai muốn làm phiền đến một người đang tập trung làm việc, vì vậy bạn sẽ có khoảng không gian và thời gian cho riêng mình. Vừa hoàn thành tốt công việc, lại vừa thuận theo tính cách của mình, tại sao không nhỉ?

4. Không nên suy nghĩ quá nhiều


Bạn thường đấu tranh tâm lý giữa sống đúng với bản tính hướng nội của mình với việc cố gắng hòa hợp với mọi người bằng cách “gượng ép” bản thân trong các cuộc đối thoại. Chính vì suy nghĩ quá nhiều cách để cân bằng được cả hai, bạn đã vô tình khiến bản thân căng thẳng và không thể thực hiện được cả hai! Hãy thư giãn, làm những gì mà bạn cảm thấy thoải mái nhất và thể hiện được thiện chí của mình, không ai buộc bạn phải tham gia mọi cuộc vui, vì vậy đừng quá lo lắng sẽ khiến người khác mất lòng mà dẫn đến căng thẳng, bạn nhé.

5. Phát huy kĩ năng lắng nghe

Nếu bạn không phải là người giao tiếp tốt thì hãy trở thành một người lắng nghe giỏi. Lắng nghe là một trong những kĩ năng cực kì cần thiết để giúp bạn gắn kết với mọi người hơn. Thay vì hoạt ngôn, bạn có thể lắng nghe những sự việc xung quanh mình với thái độ thiện chí. Nếu là người hướng nội, bạn chỉ cần chia sẻ với những người cần được chia sẻ và lắng nghe câu chuyện từ họ. Tất nhiên, lời khuyên này dành cho bạn không phải cổ súy cho việc nghe ngóng từ nhiều phía, bạn chỉ cần nghe những gì cần thiết với những ai có nhu cầu trò chuyện với bạn. Không nên vì “lắng nghe” mà tọc mạch vào những chuyện không liên quan đến mình.
Bạn không cần quá căng thẳng vì tính cách hướng nội của mình. Hiểu được bản thân mình muốn gì và cần gì, tự khắc bạn sẽ biết cách hòa hợp giữa một tập thể. Các lời khuyên trên sẽ giúp bạn phần nào đỡ lo lắng về cách “sinh tồn” trong tập thể. Chọn lựa một công việc phù hợp cùng với thái độ tích cực, bạn chắc chắn sẽ không bị cô lập giữa một tập thể.

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Người trẻ đi xin việc: Sáng được nhận, chiều mất hút không lời hồi âm – Đến bao giờ bạn mới học được 2 từ Chuyên nghiệp?

Đã qua rồi cái thời nhân viên trung thành và cống hiến suốt đời với một tổ chức. Ngày nay, khi rất nhiều công ty mở ra với chính sách thu hút nhân tài được chú trọng, cùng với đó là mức độ đòi hỏi của người trẻ ngày càng cao hơn thì "nhảy việc" đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Nhảy việc khi bạn cảm thấy không còn phù hợp là điều nên làm tuy nhiên nhảy việc như thế nào lại là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Tại sao người trẻ thời nay lại thiếu chuyên nghiệp khi xin việc?

Tôi đã từng gặp những bạn trẻ mới ra trường, các bạn rải hàng trăm hồ sơ với ý nghĩ nếu đỗ thì làm thử rồi chọn. Có bạn tới công ty nhận việc vào buổi sáng, buổi chiều thì mất hút không một lời hồi âm, khi nhân sự gọi điện hỏi thì trả lời một câu rất vô trách nhiệm rằng “em đã tìm được chỗ phù hợp hơn” hay “em cảm thấy công ty không hợp với em”,…
Hay trường hợp một đồng nghiệp cũ cùng bộ phận với tôi đã làm việc lâu năm, mọi thứ vẫn rất vui vẻ cho tới một buổi sáng tôi nhận được một email bàn giao công việc, cùng với đó là đơn xin nghỉ của cậu ta gửi tới sếp, không có một cuộc bàn giao trực tiếp nào diễn ra sau đó.
Dĩ nhiên trong mắt đồng nghiệp, cậu ta ra đi đã để lại món quà là những ấn tượng không mấy tốt đẹp về mình. Sau đó không lâu, tôi nghe nói rằng cậu ta nộp hồ sơ ở một vài công ty khác. Phỏng vấn rất tốt nhưng lại không được nhận, lý do là các nhà tuyển dụng không khó để kiểm tra lại thông tin về cậu ta ở công ty cũ và người đồng nghiệp của tôi đã nằm trong danh sách đen của họ.

Hãy nhớ lại khi bạn phỏng vấn xin việc bạn đã nói bao nhiêu lời hay, hứa hẹn biết bao điều tốt đẹp vậy thì tại sao khi nghỉ việc, lại không nghỉ việc một cách lịch sự và có trách nhiệm?

Hầu hết các công ty đều có quy định nghỉ việc phải thông báo trước ít nhất 30 ngày để họ tìm người thay thế, tuy nhiên nhiều người lại thông báo nghỉ việc trong thời gian rất ngắn, thậm chí có những người ăn chắc, xin được việc chỗ khác rồi mới thông báo nghỉ trước 1, 2 ngày khiến nhân sự không kịp trở tay, công việc thì dang dở.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên thông báo nghỉ sớm và bàn giao công việc trước khi rời đi. Trong trường hợp bạn đi phỏng vấn ở nơi khác, hãy để xuất thời gian thích hợp để nhận việc. Nhà tuyển dụng và đồng nghiệp sẽ đánh giá cao tình thần trách nhiệm của bạn.
Related image
Khi đến, bạn viết đơn xin việc, thì khi đi cũng nên có một lời cảm ơn chân thành. Nếu đã có quyết định nghỉ, cách làm tốt nhất là bạn nên có một cuộc nói chuyện trực tiếp với sếp hoặc nhân sự để trình bày lý do nghỉ việc, rằng quyết định này là từ bản thân bạn chứ không phải từ phía công ty. Đừng đưa ra những lý do nói xấu công ty hay kể về những nỗi bức xúc của bạn, mặc dù điều đó có thể đúng. Thay vì vậy, hãy nói lời cảm ơn để đôi bên giữ được những ấn tượng tốt về nhau.
Bạn nên có đơn xin nghỉ việc (qua mail hoặc viết tay) cùng với đó là sự xác nhận giữa đôi bên để đảm bảo quyền lợi của bạn sau khi nghỉ việc. Hãy làm việc hết trách nhiệm đến ngày cuối cùng.
Đừng tỏ ra kém nhiệt tình và làm việc một cách hời hợt khi bạn đã xin nghỉ và tìm được cho mình một cơ hội mới. Hãy hoàn thành tốt công việc, vì đó vẫn là trách nhiệm của bạn và nên nhớ rằng công ty vẫn trả lương cho bạn trong khoảng thời gian đó, vì vậy hãy bàn giao đầy đủ và nhiệt tình hướng dẫn cho người mới đảm trách.
Nếu đã xác định nghỉ việc, tuyệt đối đừng nói xấu sếp, đồng nghiệp hay công ty. Trái đất rất tròn, nếu bạn sang công ty mới và vẫn trong lĩnh vực chuyên môn thì bạn vẫn có thể gặp lại họ bất kỳ lúc nào.
Một điều nữa là những thông tin về bạn sẽ luôn được lưu giữ và nhà tuyển dụng nào cũng có thể kiếm tra lại khi bạn ứng tuyển vào công ty của họ. Vì vậy, hãy có một kết thúc tốt đẹp như chính cách mà bạn đã bắt đầu.
Gần đây, tôi có phỏng vấn một cô gái trẻ nhưng có đến 20 công việc trong CV trong 3 năm làm việc. Khi được hỏi lý do nghỉ việc, thật đáng tiếc, câu trả lời đêu bắt đầu bằng: “Tôi không thích…”. Chắc chắn vì lý do này mà cô bé sẽ mất cơ hội có được công việc đáng mơ ước.
Related image
Bạn có thể nói rằng mình cần phải khám phá xem bản thân mình muốn làm gì chứ không phải do bản thân chưa có định hướng. Nhưng việc hoàn thiện bản thân và việc lấp kín CV bằng những công việc không đem lại giá trị lại là 2 việc hoàn toàn khác nhau:
“Bạn có thể làm nhiều công việc khác nhau để có thêm nhiều kinh nghiệm không phải là điều xấu. Tuy nhiên hãy cố gắng đừng làm quá nhiều thứ trong một khoảng thời gian vì nó giới hạn sự lựa chọn cúa bạn. Rồi sẽ đến một ngày, bạn sẽ phải chịu hậu quả, trừ trường hợp bạn là người có tài năng thiên phú trong việc học những kỹ năng mới”.
Con người không chịu thất bại thì cũng khó có thể thành công. Bạn không cần hạn chế con đường sự nghiệp của mình quá sớm nhưng cần cố gắng tích lũy kỹ năng và niềm đam mê cho tương lai. Hãy nhớ 5 nguyên tắc:
1. Đừng nhảy việc chỉ vì vài thứ bạn không thích.
2. Hãy nhảy việc khi bạn không học hỏi được điều gì bổ ích.
3. Nếu bạn nhảy việc thường xuyên thì cũng đừng chặt đứt đường trở về của mình. Bạn luôn cần sự đánh giá tốt của sếp và đồng nghiệp cũ về mình.
4. Hãy để ý các bộ phận khác của công ty xem liệu có không gian cho bạn khám phá và phát triển không.
5. Nếu bạn có 20 công việc thì cũng đừng viết hết vào CV, hãy chọn ra 5 công việc mang lại nhiều giá trị nhất.
6. Đừng nghỉ việc khi chưa có công việc mới. Hãy nhờ chính công việc hiện tại để tìm ra những cơ hội mới. Hãy trò chuyện với tất cả mọi người, khách hàng cũng như đồng nghiệp về những gì họ đang làm và cách họ đang thực hiện.
Ngày nay mọi chuyện khác rồi, bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng việc nhảy việc nhiều cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Tuy nhiên trước khi làm gì, hãy nghĩ về những điều bạn sẽ được và mất.
DBS M05479
Quang Cao