Bằng cấp Khá Giỏi của trường Đại học danh tiếng, tốt nghiệp lương phải nghìn đô, doanh nghiệp trong nước đừng mơ “có cửa”, những tập đoàn đa quốc gia mới là cánh cửa nên hướng đến với năng lực này, em chỉ muốn làm sếp thay vì nhân viên sai vặt? Bạn có thấy những viễn cảnh này quen thuộc hay không? Đây đích thị chính là biểu hiện trầm trọng của căn bệnh nhiều người trẻ mắc phải hiện nay: Ảo tưởng sức mạnh.
Lười nhưng “ảo tưởng” năng lực – Bệnh chung của nhiều người!
Trong một diễn đàn về khởi nghiệp, một chuyên gia có tiếng trong cộng đồng startup từng nhận xét rằng: “Startup Việt Nam thiếu kiến thức, lười, và quá ảo tưởng”. Nhiều người trẻ thường thoải mái tuôn ra những phát ngôn đao to búa lớn về lối sống, triết lí kinh doanh của bản thân nhưng khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, chỉ có khoảng 60% đối tượng thật sự thành công và làm chủ sự nghiệp của mình.
Tâm lý “ảo tưởng sức mạnh” thường bộc lộ rất rõ ở những bạn trẻ có năng lực hoặc bằng cấp (tự nhận thấy rằng) nổi trội hơn đại đa số thí sinh ứng tuyển còn lại. Đạt được học vị cao chưa chắc đã đem lại cho bạn sự thành đạt trong cuộc đời. Kiến thức bạn học được trên giảng đường chỉ khái quát một phần những gì bạn sắp trải nghiệm. Và nếu không đủ khiêm tốn nhận ra sự giới hạn trong năng lực bản thân, bạn sẽ rất dễ vấp phải những cú ngã khi chạm trán “chướng ngại vật” vượt quá tầm kiểm soát của mình.
Tâm lý học gọi hiệu ứng “ảo tưởng sức mạnh” này là Dunning – Kruger, thể hiện “một sự lệch lạc nhận thức trong đó những người kỹ năng kém đưa ra những quyết định tồi và những kết luận sai lầm, nhưng việc thiếu năng lực lại ngăn cản nhận thức về chính những sai lầm đó.” Cụ thể, họ thường sẽ không nhận ra được sự thiếu kỹ năng của mình, không biết tính nghiêm trọng khi thiếu kỹ năng hay không đánh giá được kỹ năng của người khác. Đối với họ, mọi người luôn ở một mức cân bằng như nhau và họ sẽ là nhân tố trội hơn so với phần còn lại. Có trường hợp là do không nhận thức được kĩ năng của mình, nhưng cũng có tình huống oái oăm cố tình không chịu nhận ra “lỗ hổng” yếu kém của bản thân. Một số biểu hiện có thể kể đến ở người trẻ như sau:
1. Bằng giỏi đồng nghĩa không lo thất nghiệp
Hầu hết nhà tuyển dụng đều quan tâm đến thái độ, tinh thần cầu tiến và độ nhanh nhạy nắm bắt vấn đề của một thí sinh hơn là bảng điểm của họ. Thế nhưng, rất nhiều sinh viên mới ra trường thường ngộ nhận rằng, với thành tích xuất sắc ở đại học, đặc biệt là những ngôi trường danh tiếng, chuyện có việc làm chỉ là sớm hay muộn. Đây hoàn toàn là một nhìn nhận sai lầm cần từ bỏ.
2. Chỉ nộp đơn vào công ty lớn hoặc tập đoàn có tiếng tăm
Không phải người trẻ nào cũng đủ năng lực và thật sự phù hợp với môi trường toàn cầu hoặc văn hóa đa quốc gia ở những tập đoàn lớn. Thay vì chạy đua theo làn sóng ứng tuyển tập đoàn “đa quốc gia” để lấy cái tiếng, bạn nên tập trung nhận được “cái miếng” từ những nhìn nhận thực tế vào giá trị của bản thân mình. Bạn có đủ điều kiện ứng tuyển? Bạn có thật sự phù hợp với văn hóa nơi đây? Bạn có tìm hiểu kĩ về quy trình và chức vụ? Bạn có yêu thích công việc này hay chỉ đơn thuần muốn có danh hiệu ở một công ty lớn?
3. Nhảy việc không ngừng hoặc liên tục đòi tăng lương
Bạn không hài lòng mức lương hiện tại và yêu cầu một khoản khác phù hợp với năng lực của bản thân. Nếu không chấp nhận, bạn sẵn sàng rời bỏ công ty để tìm kiếm một bến đỗ mới đáp ứng được các nguyện vọng của mình. Thay vì chê lương thấp, công việc nhàm chán, hãy thử thay đổi cách làm việc và chứng tỏ với nhà tuyển dụng bạn xứng đáng có được một mức lương tốt hơn hoặc vị trí cao hơn trong công ty.
Làm sao để thoát khỏi bệnh “ảo tưởng”?
Lời khuyên dành cho mỗi bạn trẻ là hãy học cách khiêm tốn và nhìn nhận mọi vấn đề theo một hướng khách hàng thay vì giữ góc nhìn chủ quan hạn hẹp. Hãy cố gắng trau dồi kiến thức và các kĩ năng mới của bản thân mỗi ngày. Đừng bao giờ tự cho rằng mình đã biết hết tất cả. Những gì bạn biết có thể chỉ bằng 1% so với những gì người khác học được.
Hãy bắt đầu từ những công ty vừa và nhỏ trước, để bạn làm quen với công việc và môi trường làm việc. Đừng vội bay vào những tập đoàn lớn nếu như bạn không đủ bản lĩnh và kinh nghiệm. Áp lực công việc hoặc áp lực cạnh tranh rất dễ khiến bạn nản lòng và hoài nghi về bản thân nhiều hơn. Khi đã tích lũy được một vốn kinh nghiệm thực tế, bạn có thể thử sức ở các công ty lớn, tuy nhiên bạn phải biết mình thật sự phù hợp với cái gì. Con đường phía trước của bạn vẫn còn rất dài, đừng vội vàng bay nhảy ở những tầm cao để rồi thất vọng về chính bản thân mình. Quá trình học hỏi của bạn chỉ mới bắt đầu. Hãy luôn biết lượng sức mình, biết vị trí của mình ở đâu thì bạn rất dễ dàng lập mục tiêu để tiến xa hơn một cách thực tế thay vì ảo tưởng nhưng mãi dậm chân tại chỗ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét