Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Người bạn đường nhỏ tuổi

Tôi phải cái tật đi đâu cũng sợ trễ. Mọi cuộc hẹn hò, họp hành tôi thường đến địa điểm trước giờ quy định độ mươi, mười lăm phút; đi tàu đi xe còn sớm hơn nhiều. Hôm nay cũng vậy. Chuyến xe đò từ thị xã lên miền ngược khởi hành lúc chín giờ, thì đúng tám giờ, tôi đã ra bến và lên xe ngồi thui thủi một mình. Bây giờ thì không trễ nữa rồi, nhưng tôi buồn và mong có một hành khách nào đó ra sơm sớm trò chuyện để giết thời gian.

Dăm phút sau, một cậu bé đen đúa, gầy nhom, mặc bộ áo quần cũ mèm, rộng thùng thình, đội mũ nan rách bươm, mang chiếc bị lác to đùng xăm xăm bước đến trước mặt mụ chủ xe, một phụ nữ chân tay béo có ngấn, mặt mày bặm trợn.

- Thưa cô- Cậu bé lễ phép- Cháu giờ chỉ có năm nghìn đồng. Cho cháu lên Cầu Đôi với số tiền đó, cô nhé?

- Sao? - Mụ chủ xe ngáp một cái to hết cỡ- Chỉ có năm nghìn đồng mà đòi đi xe lên Cầu Đôi hả? Mười lăm nghìn nghìn nhóc ạ. Không có thì biến!

- Nhưng cháu chỉ có ngần ấy. Hay là…

- Không hay dở gì sất. Chưa đủ thì ra phố móc túi ai đó cho đủ, rồi mai hẵng đi.

- Cháu có móc túi ai bao giờ đâu ạ. Hay là… cháu trả cô năm nghìn cả gán thêm đôi dép này nữa nhé. Cháu mới mua nó hôm qua với giá 26 nghìn đồng cơ.

- Mày vừa “đánh thó” ở một cửa hiệu giày dép nào đó phải không? Hừ hừ… Tao dại gì mà mua đôi dép của mày để mang tội oa trữ đồ ăn cắp!

Cậu bé nuốt nước bọt khan một cách ấm ức, lấy mu bàn tay day day cặp mắt. Một lát, cầm đôi dép nhựa màu nâu, cậu đi thẳng đến chỗ tôi ngồi, nói với giọng giật cục:

- Chú làm phúc… mua đôi… dép màu cho cháu với giá… chục nghìn… đi chú. Cháu phải về… quê bằng được… trong ngày… hôm nay, không… thì lỡ mất. Đây không… phải là… đồ ăn cắp đâu… chú tin cháu đi!

- Chú tin, chú tin! - Tôi nói vội và ra hiệu cho cậu bé đi đôi dép vào chân và lau khô nước mắt.

Cậu ta thuộc hạng người rất khó đoán tuổi. Căn cứ vào vóc dáng bé loắt choắt kia thì sẽ nghĩ cậu ta chỉ ở tuổi mười một, mười hai. Căn cứ vào khuôn mặt vêu vao dạn dày nắng gió kia thì cho cậu ta ở tuổi mười lăm, mười bẩy. Căn cứ vào cử chỉ, lời ăn tiếng nói trong lúc giao tiếp thì sẽ nghĩ cậu ta là người từng trải, tuổi còn lớn hơn. Hay đây thuộc trường hợp trẻ con khôn trước tuổi như nhiều người vẫn nói?

Nhấn vào đây để tải về máy



Tôi là một nhà văn nghèo kiết, ít khi trong túi có tiền. Rất may vừa rồi có một cái truyện ngắn đăng trên cuốn tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà, lĩnh được năm chục nghìn đồng tiền nhuận bút. Tôi đã đánh suất cơm bụi mất chẵn chục nghìn. Mua vé xe về quê mất ba chục nghìn. Còn chục nghìn, tôi định về nộp cho vợ, để bà ta còn khoe với hàng xóm. Nhưng thôi, chuyện khoe khoang hết lần này đến lần khác. Sau khi chứng kiến cuộc trao đổi qua lại giữa cậu bé với mụ chủ xe, đặc biệt sau khi thấy cậu ta lấy mu bàn tay gạt nước mắt, thì tôi biết công việc cần làm ngay của mình lúc này là đưa 10 nghìn đồng cho cậu bé để cậu mua vé về quê, nếu không lương tâm tôi sẽ cắn rứt suốt đời.

- Cháu về nhà à?- Mua được vé xe cho cậu bé và dẫn cậu đến chỗ ngồi xong, tôi ôn tồn hỏi- Cháu ở làng nào trên đó?

- Làng Thọ Đơn ạ. Chú biết làng cháu chứ?

Làng Thọ Đơn thì tôi lạ gì. Đây là một làng nghề truyền thống. Người làng chuyên sản xuất các loại đồ gia dụng bằng mây, giang, tre, nứa, có mức thu nhập bình quân khá cao. Nhưng đó là chuyện của mươi, mười lăm năm trước. Ngày nay, những thứ ấy thị trường tiêu thụ không nhiều, hầu hết đã được thay thế bằng đồ nhựa vừa gọn nhẹ, vừa rẻ. Ruộng đất trong làng vừa ít, vừa xấu. Khi đói đầu gối cũng phải bò. Dăm bảy năm trở lại đây quá nửa số dân trong làng đành phụ nghiệp cha ông, tẩu tán vào Nam, ra Bắc kiếm kế sinh nhai. Trẻ con nghỉ học khá nhiều. Lắm đứa bỏ làng sống lang thang. Phải chăng cậu bé này là một trong số đó?

- Cháu đi đâu về? - Tôi lại hỏi.

- Thưa chú, cháu đi làm ăn ạ - Cậu bé đáp.

- Cụ thể là làm gì?

- Lung tung lắm. Khi thì… rửa chén bát ở hiệu ăn, nếu được người ta thuê. Họ trả công rẻ lắm chú ơi! Mỗi ngày phải làm đến mười bốn tiếng đồng hồ, mà chỉ nhận được hai chục nghìn đồng thôi. Mình không làm, họ thuê đứa khác, thời buổi mật ít ruồi nhiều mà!

- Ngoài rửa chén bát, cháu còn làm gì nữa không?

- Cháu đi đánh giầy. Làm việc này thu nhập cũng chẳng ăn thua. Được cái thoải mái hơn.

- Những hôm đi đánh giầy cháu ăn đâu, ngủ đâu?

Cậu bé vẻ ngượng nghịu, cựa mình liên tục trên ghế:

- Dạ, bạ đâu ăn đấy, bạ đâu ngủ đấy.

- Chắc cháu bỏ học lâu rồi nhỉ?

- Dạ, từ hồi ba cháu mới mất cơ.

- Trời, cháu đã mồ côi cha?

- Cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mẹ cháu còn mất trước ba cháu bốn năm cơ.

Tôi bất giác thấy cay xè trong sống mũi.

- Vô tình chú đã gợi lại nỗi đau của cháu.

- Không sao đâu ạ. Cháu chịu đựng quen rồi mà - Cậu bé nói tỉnh queo, rồi quay sang nhìn tôi. - Chú là thầy giáo, phải không ạ?

- Trước đây chú có làm nghề dạy học, nhưng giải nghệ lâu rồi.

- Biết ngay mà! Chỉ có những thầy giáo mới tốt thế thôi. À, đố chú nhé. Chú có nhớ hôm nay là ngày gì không?... Hihi… chịu chưa? Ngày Nhà giáo Việt Nam đó.

“Ừ nhỉ, hôm nay là ngày hai mươi tháng mười một”, tôi lẩm nhẩm và thấy ngượng với cậu bé.

Mấy hàng ghế phía trước, hành khách đã ngồi kín chỗ từ lúc nào. Tôi cùng cậu bé giúp hai cụ già gác mấy thứ đồ đạc lỉnh kỉnh lên sàn vừa xong thì chiếc xe nổi còi bim bim, rồi rù rì chuyển bánh. Sau cửa kính, cậu bé hồn nhiên vẫy chào mấy đứa bạn cùng trang lứa làm nghề bán quạt giấy, bán bánh mỳ, bán đồ chơi trẻ con… qua lại lăng xăng dưới sân.

Ra khỏi bến đỗ, chiếc xe rẽ phải và bắt đầu tăng tốc. Những cửa hàng ăn uống, cắt tóc tắm gội, những cửa hàng bán hoa quả, vải vóc, giầy dép, thuốc men… thoắt hiện ra, thoắt lùi lại phía sau. Người bạn đường nhỏ tuổi của tôi chỉ chỉ trỏ trỏ, nói tri trô một mình, mặt mày rạng rỡ hẳn, khác xa vẻ suy tư của cậu bé “già trước tuổi” lúc nãy. Thậm chí cậu ta còn hát khe khẽ, đập tay lên thành ghế điểm nhịp một cách say sưa. Bị nhiễm phải tính hồn nhiên trong sáng của cậu ta, tôi cũng ê a hát theo, khiến mấy cụ già ngồi phía trước cười rổn rảng.

- Bỗng dưng mình lại có được một người bạn đường tâm đắc. - Tôi vỗ vào vai cậu bé, cười hà hà. - Cu này, cháu có việc gì gấp lắm ngoài quê mà phải về nhà ngay cho được trong ngày hôm nay thế?

- Vì nếu không về kịp hôm nay thì không thăm được thầy học đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, thưa chú- Cậu bé đáp.

- À ra thế. Nhưng cháu bỏ học lâu rồi cơ mà?

- Bỏ học thì bỏ học nhưng vẫn cứ đến thăm thầy giáo chứ?... Nói vậy thôi, cháu cố sống cố chết về quê cho kịp hôm nay chẳng phải để thăm thầy giáo của cháu đâu, mà là thăm cụ Lương Trọng Đệ, thầy giáo của ba cháu cơ. Thầy Đệ nay đã gần chín chục. Lại cụt một tay. Lại ở một mình.

- Tội nhỉ. Vợ con cụ đâu?

- Chết hết trong một lần máy bay Mỹ ném bom!- Cậu bé nuốt khan nước bọt, giọng chùng xuống- Theo nhiều cô bác trong làng kể lại, thì hồi đó, thầy Đệ dạy giỏi có tiếng. Tuy chỉ là giáo viên cấp một nhưng cụ hiểu rộng biết nhiều, thông thạo cả chữ Tây lãn chữ Hán, mọi chuyện trên trời lẫn dưới đất giảng giải đâu ra đấy. Nhờ thế học trò thầy thi tốt nghiệp bao giờ cũng đỗ cao nhất huyện. Tài thật chú nhỉ?

- Với một giáo viên cấp một mà thông thạo cả chữ Tây lẫn chữ Hán thì đáng nể thật! Tài thật!

- Đó mới nói về cái “tài”, cái “đức” của cụ còn “siêu” hơn cơ. Nhờ thế mà từ phụ huynh, học sinh đến bà con trong xóm ngoài làng tất tần tật đều kính yêu cụ. Thì đây, cháu kể mấy ví dụ thế này, rồi từ đó chú luận xem có phải thầy giáo Đệ là người có đạo đức thuộc loại “tuyệt chiêu” không nhé?

- Cháu cứ nói tự nhiên đi.

- Ví dụ thứ nhất- Cậu bé chìa ra một ngón tay- Với các học trò kém, tiếp thu tại lớp không kịp chúng bạn, thầy Đệ kèm cặp cho chúng học thêm vào ban đêm ở nhà riêng. Thầy dạy thêm hết năm này qua năm khác mà chẳng hề lấy một đồng tiền công hay nhận một chút lễ vật nào của bất kỳ ai. Không những thế, trò nào quá nghèo, còn được thầy cho tiền để mua sách vở bút mực. Chẳng bù cho nhiều cô giáo thầy giáo ngày nay mở lớp dạy thêm vô tội vạ để móc tiền học trò. Đứa học trò nhà nghèo, hoặc vì sao đó mà không đi học thêm, thì họ tìm cách trù úm. Cháu nói thế, đúng không chú?

Tôi cảm thấy rồm rộm trên da mặt khi bất đắc dĩ phải gật đầu công nhận cậu bé nói đúng.

- Ví dụ thứ hai- Cậu bé chìa thêm một ngón tay, rồi lại tiếp với vẻ suy tư như ông cụ non- Chuyện này xảy ra hồi máy bay Mỹ mới ra bắn phá miền Bắc. Buổi học sáng hôm đó mới bắt đầu một lúc thì máy bay đã ập đến ném bom. Lũ học trò, ai còn bình tĩnh thì nghe theo sự điều khiển của thầy Đệ mà chạy ra nơi ẩn nấp. Khốn nỗi phần đông thì hoặc nằm bẹp tại chỗ, hoặc chạy lớ ngớ, khóc như ri, khiến thầy phải lao qua lao lại nhiều bận để đưa hết bọn họ xuống hầm. Người học trò cuối cùng được đưa đến nơi an toàn, thì một quả bom nổ kề miệng hầm, phạt mất của thầy một cánh tay. Chú có biết người học trò cuối cùng ấy là ai không?... Là ba cháu… ba cháu, chú ạ. Là ba cháu…

Cậu bé lại nuốt khan nước bọt, nhìn xa xôi. Tôi đọc được rất nhiều điều trong cặp mắt vừa trong sáng hồn nhiên vừa đăm chiêu từng trải đó, và nghĩ cách lái câu chuyện qua hướng khác…

- Hoá ra ba cháu lấy vợ cũng muộn nhỉ?

- Muộn. Bốn tám tuổi, ba cháu mới lấy vợ, năm mốt tuổi mới sinh con, mà chỉ sinh một mình cháu thôi. Nghe đâu, trước đó ba cháu không muốn lập gia đình đâu.

- Sao vậy?- Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Ba cháu tưởng mình bị nhiễm phải chất độc màu da cam. Chẳng là… ba cháu có mấy năm đánh Mỹ ở chiến trường Khu Năm, nơi tụi Mỹ rải rất nhiều thứ đó. Hơn nữa, bao nhiên đồng đội của ba cháu hồi đó sống sót trở về, sau này lấy vợ sinh con toàn những đứa con bị tật, nên ba cháu càng sợ. May nhờ thầy giáo Đệ khuyên giải mãi, ba cháu mới “liều một phen” nên mới có cháu được chứ…

- Chắc ba cháu quý thầy Đệ lắm nhỉ?

- Khỏi phải nói- Cậu bé gần như chồm lên- Với ba cháu, thầy Đệ là mẫu mực tất cả mọi thứ để mình học tập. Viết chữ đẹp như thầy Đệ. Đi đứng khoan thai như thầy Đệ. Sống có nghĩa có tình như thầy Đệ … như thầy Đệ, như thầy Đệ tất tần tật. Như thầy Đệ là tốt, là đúng, là hay; không như thầy Đệ là xấu, là sai, là dở, vậy thôi.

Bỗng nhiên cậu bé liếc nhìn tôi vẻ nghi ngại. Nhưng nhận được cái gật gù cổ vũ của tôi, cậu lại tiếp tục tri trô:

- Chú này, nghe bà con cô bác kể lại, thì hồi còn học cấp một, ba cháu bám thầy Đệ dai như đỉa. Thế nhưng thầy chẳng những không bực mình chút nào mà còn thích thú nữa cơ. Lớn lên, đi học xa nhà, rồi đi bộ đội, kể cả thời gian chiến đấu trong Nam, bất cứ hoàn cảnh nào, ba cháu cũng gửi được thư về báo cáo thành tích học tập, đánh giặc với thầy. Sau ngày giải ngũ trở về quê, ba cháu chăm nom săn sóc thầy như con cái đối với cha mẹ. Hằng năm, đến ngày 20 tháng 11, thế nào ba cháu cũng có quà đem biếu thầy. Quà nhỏ thôi, nhưng của ít lòng nhiều phải không chú?

- Phải rồi! Thầy nào trò ấy. Ba cháu cũng biết ăn biết ở như thầy Đệ rồi đó.

- Cảm ơn chú đã nghĩ tốt về cha cháu- Cậu bé ngã hẳn vào tôi, giọng gần như thì thào- Sau ngày ba cháu mất, thầy giáo có sự hụt hẫng sao đó. Nom buồn buồn là… Hằng năm đến ngày 20 tháng 11, thấy các thầy các cô “đương chức đương quyền” có học trò đến thăm hỏi lũ lượt ra vào, còn nhà mình vắng tanh vắng ngắt, thầy Đệ tủi thân lắm thì phải, ra bờ ao bó gối ngồi một mình ủ rũ, nom tội lắm chú ơi. Vì thế mà… vì thế mà mà…

- Mà sao cháu? - Tôi sốt ruột hỏi, và cậu bé cười buồn.

- Vì thế mà… qua đầu năm nay, khi đã tự mình kiếm đủ bát cơm ăn, cháu tự nhủ: từ rày, hằng năm vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, dù đi đâu, ở đâu, mình cũng phải thay cha mình kiếm chút quà mọn mang về biếu thầy, kẻo tội.

- Không ngờ cháu tôi đã biết suy nghĩ sâu sắc đến thế!

- Tập dần đi là vừa, chú ạ! Chú xem, cháu có món quà nhỏ đem về biếu thầy giáo Đệ đây này.

Lục trong bị lác, cậu bé lấy ra một bọc giấy báo dày cộp, to bằng chiếc ghế đòn, đặt vào tay tôi. Tôi cẩn thận bóc lớp giấy để lộ ra một chiếc áo ấm màu mận chín, còn thơm mùi long não.

- Cháu mua hết bao nhiêu? - Tôi hỏi.

- Năm trăm hai chục ngàn đồng. Áo “phao” Đức chính hãng, cháu phải dành dụm cả chín tháng trời mới mua được nó đó.

Tôi lại thấy cay cay trong sống mũi vì xúc động. Với một đứa trẻ côi cút ngần ấy tuổi đầu, “bạ đâu ăn đấy, bạ đâu ngủ đấy”, kiếm sống bằng nghề đánh giầy hoặc rửa chén bát thuê cho các hiệu ăn, thu nhập vài chục nghìn đồng một ngày, vậy mà dám bỏ ra một lúc hơn nửa triệu đồng mua quà biếu thầy học của cha mình nhân ngày Nhà giáo, thì quả là một điều làm cho người lớn nào cũng phải suy nghĩ.

- Cầu Đôi sắp đến rồi! Ai xuống Cầu Đôi chuẩn bị! - Chợt tiếng the thé làm tôi giật mình.

Gói lại chiếc áo ấm, bỏ vào bị lác, tôi nhắc cậu bé đội mũ, đi dép. Tôi dẫn cậu ra cửa, và khi xe dừng lại, tôi dắt cậu xuống đất. Tôi bảo cậu cài cúc áo kẻo trời se lạnh. Nghĩa là tôi đã làm đủ mọi điều cần thiết trước lúc chia tay người bạn đường nhỏ tuổi. Nhưng đến khi chiếc xe bóp còi bim bim rù rì chuyển bánh và đã đi xa một quãng, tôi mới chợt nhớ mình quên một việc quan trọng là chưa biết họ tên cậu bé- “Cháu tên gì cháu ơi!”- Tôi gào lên…

Nhưng không kịp nữa rồi! Trả lời tôi chỉ có tiếng còi xe và tiếng cười nhạo của mụ chủ xe mặt mày bặm trợn, chân tay béo có ngấn…/.

Quảng Hoà

Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh

Vào một đêm mưa lạnh năm 2001, anh Lê Hựu, một nghệ sĩ nhiếp ảnh thích săn tìm cảnh đẹp ở Sa Pa, gọi điện cho tôi, người viết truyện này:

“Ở Sa Pa mới có chuyện lạ cậu ạ. Người mà nói chuyện được với hoa, lại thấy hoa hiện lên thành người nữa. Hiện tôi đang giữ quyển nhật ký chép lại cái chuyện nghe như bịa ấy. Lúc nào vào đây, tôi cho xem”.

Ngày hôm sau, tôi từ thị xã Lào Cai vào thị trấn Sa Pa gặp anh Hựu. Đúng là anh đang có trong tay một cuốn sổ hơi nhàu và ố bẩn, ghi những việc xảy ra hằng ngày xen lẫn những mẩu tâm tư vụn vặt của một chàng trai 17 tuổi. Trong đó, đáng chú ý nhất là trang kể lại việc chàng ta đã từng trò chuyện với hoa cẩm tú cầu.

Xin kể độc giả nghe về người thanh niên này một chút.

Người trồng hoa có giấc mơ màu rêu đỏ...

Người thanh niên có cuốn nhật ký tên là Tú. Tú là công nhân trồng và chăm sóc hoa, cây cối trên đồi Sa Pa, quả đồi phía sau thị trấn dành cho du khách đến vãn cảnh. Tú học hết lớp 9, thi vào sư phạm hệ tiểu học không đỗ, thấy công ty du lịch tuyển người thì xin vào làm. Người Tú thấp mập, mặt rỗ, tóc xoăn, bàn tay to bản, ngón ngắn chùn chùn. Mắt Tú lờ đờ, ai bảo làm gì cũng làm. Mọi người gọi Tú là “Tú đần”. Tú ít nghĩ ngợi lắm.




Những công nhân cùng làm trên đồi với Tú đều có chồng có vợ, buổi tối họ về nhà, riêng Tú được ban quản lý cho ở tại một cái nhà gỗ trong vườn cây trên đồi. Nhà được dựng trên bốn cột, có thang bắc lên như nhà sàn nhưng nhỏ như chuồng chim, nhìn thoáng qua không phát hiện ra vì được phủ kín bởi dây hoa bìm bìm. Quanh nhà có những cây hoàng bá xám rêu, xen những cây lê vài chục tuổi. Được ở đây Tú thích lắm. Đêm đêm, Tú thấy bóng tối quanh nhà luôn có màu lam dìu dịu. Đó là do sự tán sắc từ màu xanh biếc của hoa bìm bìm nhưng Tú chịu, không giải thích nổi. Những ngày ấm cái màu đó rất dễ chịu, nhưng trời lạnh màu xanh biếc càng lạnh thêm.

Điều làm Tú thấy buồn cười nhất ở Sa Pa là phép mầu của thời tiết. Đang giữa mùa hè mà có lúc sương mù xóa mất cả thị trấn, lơ đi một chút, ngoảnh mặt lại đã thấy nhà cửa, người ngựa biến hết đi đâu. Sương tụ đặc như khói quẩn trên đường, nhét đầy các ngõ ngách.

Ở trên đồi, Tú thích thú nhìn sương bay ngùn ngụt từng đám lớn ngay ngoài cửa, có lần thò tay cố lôi một nắm vào trong nhà mà không được. Nhìn sang Phan Xi Păng, thấy những tảng trắng đặc bò lan trên sườn và nhồi kín trong hẻm núi, không biết gọi là mây hay là sương.

Trên đồi Sa Pa có thảm thực vật dày và rất nhiều rêu đỏ. Loại rêu này giống màu cà rốt, nghe nói chỉ có ở vùng ôn đới. Nó phủ trên đá, bám vào những thân cây mốc meo già cỗi. Nhìn vào cái màu ấm nóng của nó, ngay cả những ngày giá băng, tự dưng thấy đỡ rét. Tú không hiểu sao giấc mơ hằng đêm của mình luôn nhòe trong màu rêu đỏ. Trời mây đỏ, thảm cỏ đỏ, tất cả bồng bềnh. Tú hỏi, người bạn làm cùng bảo như thế là đời Tú đơn lạnh, khao khát lắm mà chẳng bao giờ tìm được tổ ấm đâu.

... và cô gái múa điệu vờn mây

Trên đồi Sa Pa, ngoài những mảnh vườn do Tú và vài người nữa chăm sóc, còn có một khu nhà sàn được gọi là làng văn hóa dân tộc. Làng được chia ra hai khoảng đồi. Một bên là nơi vừa may thêu hàng thổ cẩm, vừa bán và cho thuê trang phục dân tộc. Du khách đến đây tha hồ mặc thử những bộ quần áo may theo kiểu người Mông, người Dao, người Thái để chụp ảnh.

Còn bên kia, nơi suốt ngày réo rắt tiếng nhạc ngân trong bảng lảng sương mù, là nơi biểu diễn nghệ thuật dân tộc. Trèo lên ngôi nhà sàn này, chỉ bỏ ra một chút tiền, khách phiêu lãng lại được hưởng cái thú nghe hát, xem múa và thưởng ngắm những đường cong yểu điệu của tiên nữ xứ hoa đào.

May là một trong những tiên nữ đó.

May 17 tuổi, cũng học hết lớp 9 như Tú. Nghe đâu May từng học ở nhà văn hóa thiếu nhi của tỉnh rồi lỡ có thai với một chàng nhạc công nên bỏ học, theo tiếng gọi của mây gió mà vào Sa Pa. May người thon nhỏ, tay mềm oặt, da trắng ngần. Mỗi lần May vận trang phục dân tộc ra sàn biểu diễn, cả cơ thể lại uốn mềm lả lướt. Người nhẹ như bay, xung quanh khói tỏa, mây vờn. Tay cong vắt khép lại, nở xòe. Mây trôi đi, mây lại bay về đậu. Khách xem ngấm lời, ngấm người, ngấm nhạc mà say mềm, đó là vũ điệu vờn mây, vuốt gió của May. Tú mê May lắm.

Tiếng là ở cùng trên một quả đồi nhưng chẳng mấy lúc Tú được gặp May. Mỗi người một việc. Tú thì lầm lụi tưới cây, vặt cỏ, May thì suốt ngày múa hát, đêm xuống lại về nhà người chị họ trong thị trấn. Lần nào trông thấy Tú từ xa, May cũng vẫy tay cười, có lúc còn trêu chọc Tú. Tú thổn thức. Tiếng cười làm ướt giấc ngủ hằng đêm.

Một hôm có chương trình biểu diễn đặc biệt vào buổi tối, Tú biết là May ngủ lại nhà sàn không về. Đêm đó sương mù xanh lam dày đặc, cuồn cuộn bay như khói ngập nhà sàn. Khách lãng du la đà uống rượu trong quán cá hồi ở lưng đồi, ngả nghiêng say, chật vật rẽ sương, rẽ mây lên đỉnh đồi nghe hát. Tú đứng với May ở chân cột nhà sàn, hồi hộp chảy nước mắt. Sương bay lãng đãng qua mặt hai người.

Đêm nay, dù phải chết, Tú cũng làm cho mọi việc ra ngô ra khoai. Khi Tú hỏi May có thích Tú không, May trả lời “không biết” rồi bật cười. Run lên, Tú hỏi May có đồng ý xuống cái chòi của Tú chơi khi tàn cuộc hát không, May lại cười, lửng lơ “không biết”. Rồi May lẩn vào sương mù...

Mấy hôm liền Tú không trông thấy May, cũng không thấy May cười gọi mình từ xa nữa. Không biết vì sao chuyện Tú tỏ tình với May loang khắp đồi như mùi hoa dạ hương. “Nó tránh mặt mày, như thế là nó thẹn, nhưng chứng tỏ nó yêu mày đấy” - mấy anh trong tổ làm vườn bảo Tú. “Người có tóc xoăn thì thông minh. Chắc nó yêu mày ở khoản tóc”.

Tú vừa mừng vừa hoang mang, đợi lúc chiều tàn rụt rè lên nhà sàn tìm May. “May đi thác Bạc với khách ở Hà Nội lên rồi”. “May đi với bồ rồi!”... Những cái nhìn giễu cợt xoáy vào lưng. Tú ôm đầu chạy xuống thị trấn. Trời ơi, May yêu Tú mà sao còn đi với người khác... Tú định hỏi mượn xe máy đi tìm May, nhưng một lát sau mới nhớ ra rằng mình không biết đi xe máy. Tú gọi xe ôm, bảo chạy vào đường Ô Quy Hồ.

Con đường hun hút giữa núi đồi nhấp nhô ngọn cây lá kim hình tháp, lấp loáng những vạt nắng hanh vàng mỏng mảnh, đẹp như cảnh trong phim châu Âu. Nắng Sa Pa bao giờ cũng là thứ nắng rất nhẹ, rất thanh, là vàng chắt ra từ thiên nhiên, dát lên đồi núi phút nào quí phút ấy.

Người coi chiếc lán ở gần chân thác nói với Tú: có cô gái trẻ đưa người đàn ông vào chơi thác rồi rủ nhau đi thung lũng Mường Hoa rồi. Xe quay trở ra. Tú ứa nước mắt. Dù có tiêu hết lương tháng này vào tiền xe ôm, Tú cũng phải tìm bằng được May. Đường đi thung lũng Mường Hoa bị tắc nghẽn vì đất lở, một chiếc máy xúc kềnh càng đang dọn đường. Tú bảo người lái xe ôm quay về, rồi một mình chạy bộ đi Mường Hoa.

Đến nơi thì màn đêm xanh lam đã đổ tràn thung lũng. Tú chạy trên thung, vừa chạy vừa ngửa mặt lên trời gọi May. Trời vằng vặc xanh. Về khuya sương mù bốc lên ngùn ngụt, tỏa lấp trời mênh mông. Thung lũng biến thành cái chảo khói. Suốt đêm sương lùng nhùng vây bọc, đẩy Tú chơi vơi trong mê lộ. Sáng hôm sau người Tú tím ngắt vì rét, phải vừa bò lên miệng thung lũng, vừa đợi sương tan mới tìm thấy đường về...

Nghe nói người khách Hà Nội chỉ gặp May một lần rồi không thấy lên nữa. May viết thư, chờ ngóng, rồi cũng nguôi ngoai. Lại nghe nói May ra thị xã nạo thai. “Còn nghĩ đến người ấy nữa không?” - một hôm Tú hỏi May. May ngẩn ngơ trả lời “không biết”. “Giờ nó là bông hoa vô chủ rồi, mày cố mà hái đi. Thời cơ đấy” - mấy anh trong tổ làm vườn bảo Tú. Tú lại hi vọng bồn chồn.

Tích tích tăm... tích tích tăm... tiếng nhạc réo rắt, vũ điệu nhịp nhàng. Ngày ngày, ngôi nhà sàn trên đỉnh đồi vẫn nườm nượp những người. Du khách ngất ngưởng, la đà. May múa dẻo hơn nhưng mắt May tỉnh táo, bớt mơ màng hơn. Tích tích tăm, tích tích tăm...

Một hôm là ngày lễ, ai cũng được nghỉ. Tú xuống nhà chị họ của May trong thị trấn, định rủ May đi chơi suối Cát Cát. “May đi Phan Xi Păng với Mai Cồ rồi”. “Mai Cồ nào?”. “Mai Cồ người Anh, yêu con May một tháng rồi, không biết à thằng đần”.

Mai Cồ, viết tiếng Anh là Michael nhưng Tú không biết. Tú đứng ngẩn ngơ một lúc, tay cào lên đám tóc xoăn. Cái mặt rỗ hoa trông đần lại càng đần.

Nắng tắt, chiều tàn, Tú ở điểm cao 1.900m. Bàng hoàng nhìn lên đỉnh núi mù mịt lấp trời. Lúc này mới nhớ ra rằng không ai leo Phan Xi Păng một mình bao giờ. Hình như người ta phải thuê một người Mông bản xứ dẫn đường và gồng gánh thức ăn, chăn chiếu, lều bạt.

Nước mắt ròng ròng. May bội bạc với Tú đến mức này. Nghĩ cảnh đêm nay ông Tây nào đó có tên Mai Cồ hì hục trườn trên người May, xung quanh chờn vờn mây khói, Tú muốn cắn đứt lưỡi mình. Không, người Mông đi được, Tú cũng đi được. Tú cắm cúi trèo. Một chặng. Hai chặng. Khí núi thốc ra lạnh buốt.

- May ơi...

Âm thanh dội vào núi, vọng ra khản đặc: “May... ơi...”.

- Mai Cồ...

Núi rền rĩ đáp lại: “Mai... Cồ...”.

Ào ạt. Ào ào. Sức gió đẩy tưởng dán người vào vách núi.

Tú ngợp trong rừng lanh sam rồi pơmu. Không khí đặc sệt. Mây bùng nhùng bò lan trên đất, giắt cành cây. Tú khóc thành tiếng. Nước mắt đông cứng lại. Tú nhổ bọt, nước bọt cô thành keo. Tú đái vào đá, nước tiểu cũng vón lại thành băng. Mẹ ơi rét quá... Suốt đêm cái rét rứt từng mẩu thịt Tú. Nhưng Tú không chết. Ngọn lửa tình yêu làm Tú không chết.

Mấy ngày sau, Tú nhìn thấy May ngồi ăn ngô nướng trong thị trấn với một chàng Tây gầy nhẳng, mắt xanh lét, tóc rười rượi như nắng vàng. Anh ta chính là Mai Cồ, tức Michael, người của một tổ chức phi chính phủ có văn phòng đại diện tại Sa Pa. Ít lâu sau nghe nói anh ta về nước, có rủ May theo nhưng May từ chối.

Người ta lại thấy May vi vút đi về với một gã đẹp trai ngoài thị xã. Tích tích tăm... tích tích tăm... May múa càng dẻo nhưng nét mặt May dạn dĩ hơn nhiều. “Còn nhớ Mai Cồ không?” - Tú hỏi. “Không biết” - May thờ ơ đáp. “May quên hẳn Tú rồi à?” - Tú lại hỏi. “Tú khỏe mạnh, May cũng thích, nhưng May còn thích nhiều người khác nữa. Nếu Tú thật lòng với May thì gắng đợi”. May nói rồi thả mình trong vũ điệu vờn mây. Tú lại bồn chồn. Tích tích tăm... tích tích tăm...

Hoa cẩm tú cầu kể chuyện mình

Đến đây có lẽ phải cho độc giả biết sơ qua về hoa trên đồi Sa Pa do tổ làm vườn của Tú chăm sóc. Những thảm hoa này được đặt tên là “Vườn châu Âu”. Để tránh làm cho độc giả mệt trí, tôi không tả tỉ mỉ tất cả các loài hoa được trồng ở đây, chỉ muốn nhắc đến một số loài rất đáng yêu như hoa chuông tím mộng mơ và sang quí, hoa mai thiên hương man mác trắng mơ hồ, hoa pentolia mang tên Tây nhưng bình dị như cây mồng tơi, hoa thanh anh đỏng đảnh kiêu kỳ chỉ quen khí hậu ôn đới, mang ra xứ nóng sẽ bé dần. Để tránh sự ganh tị, cũng nên nhắc đến rum, lưu ly, su xi, thượng đỉnh, cẩm tú cầu.

Tú yêu tất cả các loài hoa. Những loài đến từ phương trời xa xôi, ngày đầu ít nhiều được Tú nâng niu thiên vị để rồi chung sống bình đẳng với các loài khác khi đã quen dần.

Vào một buổi tối mùa xuân, Tú nằm trong chăn nhìn bóng đêm dìu dịu buông trùm lên ngôi nhà gỗ, vẫn màu tối hòa sắc với xanh lam phản chiếu từ hoa bìm bìm. Hôm ấy Tú khá mệt vì phải trồng một hàng cây trắc bách diệp dọc lối dẫn lên khu nhà sàn, nên lúc này muốn tận hưởng cảm giác nghỉ ngơi, không nghĩ, không làm gì cả. Điều Tú sợ nhất là cứ phải nghĩ, một việc thật không cần thiết.

Đang trong trạng thái lơ mơ ngưng đọng thế, thì có tiếng chân người rất khẽ bước lên thang. “Ai thế nhỉ?” - Tú hơi bực mình vì lại phải nghĩ. Tiếng chân dừng lại bên ngoài cánh cửa khép và có tiếng gọi khẽ. Ý nghĩ thứ hai còn lơ lửng đâu đó chưa nhập vào đầu Tú, nhưng theo phản xạ Tú quài tay bật công tắc điện phía trên đầu. Điện không sáng. Tú nhỏm dậy vừa lúc cánh cửa bật mở và một luồng sương trắng từ ngoài cuồn cuộn thốc vào.

Sương mù mịt vẩn lên khắp nhà, lạnh buốt. Tú lờ mờ nhìn thấy trong sương một hình người. Khi sương lắng hết và ánh sáng xanh nhạt bên ngoài làm mọi vật trong nhà nhìn được khá rõ, thì Tú thấy rợn người lên.

Ngồi ngay trước mặt Tú, trên chiếc ghế được đóng bằng gỗ xấu là một người con gái lạ. Cô ta không giống bất cứ ai trong số các cô gái biểu diễn ở nhà sàn. Mặc dù ý nghĩ của Tú luôn đến chậm hơn những người bình thường gần một phút, Tú vẫn cảm nhận được da người đó trắng mịn, bộ váy áo hơi nhàu nhưng sạch sẽ và thoảng mùi thơm rất nhẹ.

Người đó kéo vạt váy, khép hai đùi lại và mỉm cười. Nét cười lẳng lơ huyền bí.

Tú nhìn cô ta, càng nhìn càng thấy sợ. Rõ ràng ngồi đó là một người mà vẫn có cảm giác không phải là người.

- Em là hoa cẩm tú cầu... - cô gái nói, âm sắc trong như sương - Nhờ có các anh ngày ngày chăm sóc, chúng em được sống mát mẻ, bình an. Dẫu thân hoa cỏ, đêm nay đường đột gặp anh mong sẻ chia chút chuyện đời mình...

Giọng cô gái rì rầm như gió thổi qua vạt bìm bìm xanh rợp. Bộ óc đầy bóng tối của Tú căng ra, le lói ý nghĩ không phải mình đang mơ mà là sự sống thực. Thì ra cẩm tú cầu, loài hoa trong một năm tuần tự chuyển màu từ trắng sang xanh, tím, phớt hồng, chính là kiếp đàn bà luôn thay đổi tình duyên, không bao giờ chung thủy.

- Anh đừng trách May - Cô gái nói - Cô ấy sinh năm 1980, tuổi Giáp Thân, mạng mộc. Mộc là cây, là cỏ, là hoa. Cái mệnh của May ứng với hoa cẩm tú cầu, mệnh ấy phải qua tay nhiều người nên May luôn thay lòng đổi dạ...

- May chẳng có lỗi gì... - mãi rồi Tú mới mở miệng.

- Anh thật nhân hậu... Những cô gái bán hoa cũng vậy, tự lòng họ không lả lơi đĩ điếm mà họ bị chiếu mệnh bởi cẩm tú cầu.

- Còn đàn ông thì...

- Loài hoa em đã ám vào người nào, thì người đó phải muộn vợ hoặc sống cô độc suốt đời. Đó là duyên âm theo cách gọi của loài người. Bao nhiêu năm rồi em vẫn đi theo một người đàn ông trong thị trấn này. Người ấy là thợ may, tên là Thụ...

Chợt có tiếng gió u u từ xa vọng lại. Hoa cẩm tú cầu đứng dậy, liếc Tú và cười một mình. Bóng đêm ngoài cửa được pha bằng màu tối từ vòm lá rợp và màu xanh biếc hắt lên từ hoa bìm bìm càng làm khuôn mặt nhìn nghiêng của cô thêm huyền hoặc. Giọng nói vẫn như được lọc từ sương.

- Loài người bây giờ tỉnh táo quá, hồn hoa em không gần được. Chỉ có anh là sống sơ giản, gần với cỏ cây. Anh nhớ từ nay, vào những đêm nhiều sương, em lại đến...

Cô gái chào Tú và bước xuống thang. Khi Tú đẩy cửa nhìn ra chỉ thấy sương mù dâng lên nghi ngút.

Ngày hôm sau, Tú vào thị trấn tìm nhà ông Thụ. Đúng như hoa cẩm tú cầu đã kể, trong phố có một người thợ may tên là Thụ. Hiệu của ông bán hàng thổ cẩm, ở góc cửa có một manơcanh đàn bà môi đỏ luôn nhìn khách bằng con mắt lạnh lùng.

Người tình của manơcanh

Ông Thụ sống độc thân trong ngôi nhà xinh đẹp ba tầng. Người ông nhỏ thó, mắt màu tro, mũi khoằm, da đỏ như da gà chọi. Khi Tú đến, ông đang gò lưng trên nền với cái chổi lau nhà, chà đi xát lại làm cho cái nền vốn đã sạch càng bóng lộn lên. Trông hệt như một lão phù thủy cưỡi trên chiếc chổi thần.

- Tôi bị bệnh T.O.C, nói đầy đủ bằng tiếng Anh là Compulsive obsession trouble, là bệnh rối loạn ám ảnh không cưỡng được. Hiểu nôm na thì đó là bệnh quá cẩn thận. Bệnh này chia làm hai nhóm: nhóm “lau rửa” và nhóm “kiểm tra”. Tôi bị mắc cả hai, cậu ạ.

Đầu Tú co giãn, cố vận động ý nghĩ nhưng không hiểu gì. Ông Thụ lại nói như bắn súng liên thanh:

- Tôi biết cậu là một thằng đần, rất đần, óc cậu ít nếp nhăn nhưng tiếp xúc với người như thế đỡ phải đề phòng. Tôi mệt mỏi vì cái bệnh cẩn thận lắm rồi, biết mà không chống lại được. Nó là hậu quả của stress do lao động trí óc nhiều quá. Cậu không biết, nghề may chỉ giải trí, chứ tôi đã từng nhiều năm nghiên cứu bãi đá cổ Sa Pa, về sự dày công phải xếp ngang người Pháp. Chiều nay tôi đóng cửa hiệu không bán, cậu ở đây uống rượu với tôi, tôi đang muốn thư giãn...

Cả chiều hôm ấy Tú cùng ông bạn già lụi cụi nấu nướng, uống rượu la đà đến đêm. Lúc ngà say, ông Thụ vào toalét, đánh rơi kính trong đó. Quờ quạng tìm kính, ông lỡ thọc tay vào nước trong cái xí bệt. Ông hét lên, cuống cuồng lấy bàn chải và xà phòng thơm, ngồi kì cọ tay mình đến trầy da, bật máu. Lấy khăn khô thấm máu, ông rên rỉ:

- Bệnh T.O.C là thế đấy, Tú ạ. Vi trùng khiêu vũ quanh mình nhiều lắm, đời tôi lúc nào cũng ghê sợ chúng nó. Tôi thèm khát sự sạch sẽ. Nhà sạch, người sạch, tư duy sạch, tâm hồn sạch...

Tú hỏi vì sao ông không lấy vợ. Ông nói, giọng tha thiết:

- Chính vì tôi không chịu được sự ô uế, vấy bẩn đó Tú ạ. Từ thời trai trẻ, mỗi người con gái định lấy tôi đều kiểm tra. Bao nhiêu miếng vải trắng đã trải xuống giường tôi không nhớ nữa. Bao nhiêu người giã biệt, không hề một giọt máu đào. Tôi khinh thường đàn bà, không hiểu nổi vì sao có mỗi cái của mình mà họ không giữ được. Cho đến cuối năm vừa rồi, vào một buổi tối mùa đông giá lạnh, đúng ngày tôi tròn 57 tuổi, có một đứa con gái còn rất trẻ đã đến với tôi...

Ông chạm ly với Tú, mắt rưng rưng:

- Nó biết tôi giàu, rất giàu. Nhưng khi nhìn thấy mảnh vải trắng, nó tái mặt, sững người rồi chạy xuống cầu thang. Tôi đứng chết trân, nghe gió xô vào cửa kính, cảm giác như nó vừa ném mảnh vải vào mặt mình. Tôi, một thằng già gần 60 tuổi, lẽ ra phải biết chấp nhận, vậy mà còn khắt khe đòi hỏi một giọt máu đào. Còn thèm máu của một đứa trẻ ranh. Cái con bé tên May ấy, xinh lắm, như được nặn ra từ tuyết trắng. Thế mà tôi đã không...

Tú há hốc mồm, tự rót rượu cho mình. Tú uống, uống mãi, nước mắt chảy ròng trên cái má rỗ. Ông Thụ nức nở, thầm thì:

- Tôi là người cổ lỗ, mốc meo, mối mọt rồi. Nhưng tôi quyết trọn đời không sống khác. Tôi tôn thờ sự trong sạch, trinh trắng, chính vì vậy mà tôi yêu hết lòng Sa Pa. Một Sa Pa xưa với những cây đào rêu phủ mốc meo, những biệt thự có lò sưởi cũ kỹ. Tuyết Sa Pa trắng sạch nhất thế gian này...

Đêm đó Tú ngủ lại nhà người thợ may. Ông để Tú ngủ ở tầng ba, còn ông ở tầng hai. Tú thấy ông lên giường trùm chăn, rồi lục sục trở dậy. Ông lên phòng Tú, xộc vào toalét, lẩm bẩm: “Không biết cái vòi nước đã vặn chặt chưa”. Về giường nằm được một lúc ông lại dậy, nói một mình: “Hình như chưa tắt điện bếp thì phải”. Lần thứ ba ông dậy là xuống tầng một, lạch cạch sờ vào cửa xếp, chắc để kiểm tra xem chắc chắn đã khóa cửa chưa. Tú lơ mơ hiểu rằng ông đang bị bệnh T.O.C hành hạ.

Đêm ấy rượu làm Tú khát quá, trong mơ cứ lang thang đi tìm nước. Đi mãi chỉ thấy rêu đỏ mênh mông như sa mạc. Quá nửa đêm tỉnh giấc, Tú xuống tầng dưới tìm bình nước lạnh. Ngó vào giường ông Thụ, Tú trố mắt. Dưới lớp chăn xốp đắp đến ngực, ông đang ôm một người đàn bà cởi trần. Một bàn tay ông ấp vào khe vú của cô ta, đôi vú nõn nường như trái lê phủ tuyết. Dù vẫn còn say, Tú tin rằng mình không hoa mắt, liền đánh bạo đi đến tận giường. Cúi nhìn, Tú thất kinh. Người đàn bà vẫn trừng trừng mở mắt, đôi môi đỏ chót và da trắng đến rợn người.

Phải mất vài phút, Tú mới nghĩ ra và ngó xuống tầng một. Cô gái manơcanh không còn đứng ở góc tường. Mãi về sau này, Tú cũng hiểu ra rằng người thợ may kia thà đêm đêm ôm ấp một hình nhân trong sạch, còn hơn sống với bất cứ người đàn bà đã bị vấy bẩn nào.

***

Đã nhiều đêm sương mù nhưng cô gái lạ lùng không đến với Tú lần nào nữa. Tháng ngày trôi đi như trong mơ. Một sớm kia, giữa vạt cẩm tú cầu xao xác, Tú ngạc nhiên thấy một bông rất lạ. Bông này trắng xanh, trong khi những bông khác đã đổi màu hồng. Nó nở xòa ngơ ngác, đu đưa, như quả cầu nàng công chúa trên mây trót gieo nhầm xuống mặt đất.

- Từ hôm Tú chỉ cho tôi bông hoa ấy, ngày nào tôi cũng lên đồi theo dõi nó - Lê Hựu nói - Thật lạ, tất cả màu hồng, riêng nó vẫn xanh, làm mình đâm ra thích cái màu xanh ấy. Tôi vốn hoài cổ. Những gì thay đổi cũng hay, nhưng sao nhiều lúc lại muốn mọi sự đứng yên, cứ thế, mãi thế...

- Có lẽ anh hợp với lão Thụ.

- Ừ. Người ta bảo lão là gàn nhưng tôi lại hình dung Sa Pa lãng đãng phải có những người như thế. Một lão thợ may sắp mừng thọ vẫn khát thèm những giọt trinh tiết, một anh trồng hoa ngốc nghếch theo đuổi những giấc mơ màu rêu. À, tôi cho cậu xem bức ảnh tôi chụp thảm hoa cẩm tú cầu...

- Đây có phải bông hoa xanh không chuyển màu?

- Nó đấy. Cậu đặt cho nó một cái tên để tôi đem dự triển lãm ảnh, nếu hay tôi đãi cậu bữa rượu cá hồi. Cậu xem, du khách trong quán ngả nghiêng hết cả rồi. Hôm nay nhiều sương mù, tự dưng thấy mình cũng thèm phiêu lãng.

- Rồi rẽ mây lên đỉnh đồi xem em May múa chứ?

- O.K. Tôi tạm đặt tên ảnh là “Bản sắc”, được không?

- “Bản sắc” hay “Bảo thủ”?

Lê Hựu cười vang. Chúng tôi đi vào quán cá hồi.../.

Ngàn lần xin lỗi con

Ở thế giới bên kia con có linh thiêng thì hãy phù hộ cho mẹ luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Mọi vất vả và bất hạnh hãy để bố gánh vác thay mẹ trong suốt cuộc đời này con nhé.

Có lẽ do định mệnh nên bố đã gặp mẹ trên mạng để rồi vào ngày tháng sáu của một năm trước bố đã yêu thương mẹ. Trong những tháng ngày ấy bố thật hạnh phúc vì mẹ yêu bố vô cùng, dù gặp không ít những trắc trở trong công việc tưởng chừng như không thể qua được. Có những lúc bố muốn đi thật xa nhưng vì nghĩ đến bà nội, bố lại chùn chân, bởi bà nội đã nuôi dưỡng bố trưởng thành mà bố chưa có dịp báo đáp. Bố thật bất hiếu phải không con?



Giờ đây bố rất buồn, tim bố như nghẹn lại, dù quen và yêu mẹ chưa lâu nhưng bố không bao giờ đòi hỏi ở mẹ điều gì dù là nhỏ nhất, bởi vì bố nghĩ chỉ cần có tình yêu của mẹ dành cho bố là quá đủ rồi, vậy tại sao bây giờ những giọt nước mắt lại cứ lăn dài trên gò má của bố thế này. Tại sao cuộc đời không công bằng với bố chút nào? Tại sao ông trời không để con xuất hiện trong cuộc đời của bố và mẹ vào dịp khác mà lại vào thời điểm ấy?

Bố cũng như bao người đàn ông khác, cũng mong ngóng và chào đón mẹ sinh con ra nhưng lại không được diễm phúc như vậy. Hoàn cảnh không cho phép bố và mẹ sinh con ra lúc ấy, ở nơi ấy con hãy hiểu cho nỗi lòng của bố và mẹ nhé. Bố sẽ yêu và luôn nhớ về con, nhớ về lỗi lầm không bao giờ bố có thể tha thứ được. Ngàn lần xin lỗi con.

Tâm trạng của bố giờ rất buồn, viết cho con những dòng chữ này lòng bố đau lắm, tưởng như có ai bóp nghẹt con tim của bố vậy. Mấy hôm nay bố bị ngã xe và bó bột tay nên phải ở nhà nhưng mẹ không biết bố bị ngã đâu, vì thế bố đã về nhà bác của con ở quê để dưỡng bệnh và tiêm thuốc. Bố không trách mẹ vô tâm vì thực ra mẹ con cũng đau khổ vì bố rất nhiều, bố biết mẹ đã khóc suốt mấy đêm liền khi không giữ được con. Bố chỉ ước làm sao bố và mẹ không mất nhau sau khi không giữ được con thôi.

Có những lần bố đi làm vất vả mẹ đã động viên và cổ vũ cho bố rất nhiều, những bát bún mẹ nấu cho bố tuy chưa được như nhà hàng nấu nhưng bố cảm thấy rất ngon và ấm áp. Giờ đây khi việc mẹ rời xa bố có thể trở thành hiện thực vì mẹ cho rằng bố chỉ có tình yêu dành cho mẹ không thôi là chưa đủ mà phải có được cả sự đồng thuận của bà nội và bác cả nữa.

Thật sự bố cũng không biết nói sao? Chỉ biết rằng bố rất yêu thương mẹ và chắc nếu đi suốt cuộc đời này bố cũng không tìm được ai yêu thương nhiều như mẹ của con. Nếu cuộc đời bố không có được mẹ thì sau này mỗi lúc buồn vui sướng khổ của mẹ, bố sẽ không được ở cạnh để cùng chia sẻ với mẹ được. Mẹ đi làm vất vả, bố rất lo mỗi khi mẹ ốm sẽ không có ai để chăm sóc bởi vì mẹ của con cũng không được khỏe như bao người phụ nữ khác.

Mẹ xa quê, xa gia đình, xa người thân nên sẽ thiếu thốn rất nhiều tình cảm. Nếu mẹ có ốm chắc bố cũng chỉ âm thầm đứng nhìn từ xa mà không được tự tay đút cho mẹ từng thìa cháo trắng. Có lẽ giờ này chỉ có con đang ở bên kia của thế giới mới hiểu được nỗi lòng của bố và sự mất mát của mẹ phải không con? Xin con đừng trách mẹ, có trách con hãy trách bố nhé.

Mỗi lần nhìn thấy các bạn của bố hạnh phúc, bố cũng thấy chạnh lòng. Bố không trách mẹ đã hết tình yêu dành cho bố, mà bố trách cuộc đời mình quá vất vả và bất hạnh. Nếu ở thế giới bên kia con có linh thiêng thì hãy phù hộ cho mẹ luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Mọi vất vả và bất hạnh hãy để bố gánh vác thay mẹ trong suốt cuộc đời này con nhé.

Gửi con trai người tôi yêu

Mẹ con đã bị người ta cưỡng bức và chiếm đoạt để sinh ra con. Ta dành thời gian ngắn ngủi bên tách cà phê sáng để viết lại cho con những điều này.

Con trai! Mặc dù ta không phải là cha của con nhưng ta rất quý trọng và hãnh diện vì sự xuất hiện của con trên cuộc đời này. Con không có một người cha bên cạnh bênh vực khi bị bạn bè ăn hiếp, dạy dỗ những điều cánh phụ nữ như mẹ con không thể hiểu để con trưởng thành và trở thành một người đàn ông tốt. Nhưng ta vẫn tin và hy vọng con sẽ trở thành người đàn ông tốt.



Con ạ, cuộc đời thơ ấu sẽ kéo dài không lâu và mọi thứ phức tạp, chông gai sẽ bắt đầu khi con lớn nên ta mong con hãy sống, chơi, học tập thật tốt, đừng bỏ hoài tuổi thơ của con. Là một người con trai, con phải có đam mê nào đó, nhất định phải theo đuổi đam mê đến cùng con nhé. Hãy dám đối mặt với thất bại và thử thách để theo đuổi đam mê của con. Sống là phải đam mê. Con hãy nhớ, đam mê của con phải trong sáng, lương thiện, đừng theo đuổi những thứ đen tối và phù phiếm, nó sẽ đục khoét tâm hồn con khi con kịp nhận ra.

Sau này khi bước vào đời sẽ có những lúc con cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng, con hãy nhớ đó là điều tất nhiên sẽ xảy ra trong cuộc sống và ai cũng có, không riêng gì con. Con chỉ cần thư giãn và xem xét lại xem "Điều gì nên bỏ qua và điều gì nên giữ lại", hãy cho tâm hồn con một chút thảnh thơi, đừng gánh vác, ôm đồm tất cả mọi thứ lên đôi vai con. Hãy chỉ giữ lại nhưng điều con cảm thấy thực sự quan trọng.

Sau này con yêu và theo đuổi một cô gái nào đó, hãy nhớ để cô gái ấy ở trong tim, yêu bằng con tim và dành cho cô gái ấy những suy nghĩ tốt. Khi đó con sẽ cảm thấy tình yêu thực sự tốt đẹp cho con, làm con hạnh phúc và nuôi dưỡng tâm hồn con. Luôn ghi nhớ "Yêu là cho đi, không phải là chiếm đoạt" con nhé.

Con hãy chọn người xứng đáng để nhận những gì sẽ cho, nếu không con sẽ thất vọng đấy. Nếu bị ai đó từ chối tình cảm, đừng vội đau khổ hay tuyệt vọng nhé. Ngoài kia còn rất nhiều người, thế giới này không tạo ra một cô gái tốt duy nhất đâu. Bản thân con chỉ có một nhưng người "con gái tốt" ở ngoài kia rất nhiều. Khi con thật sự yêu ai, hãy theo đuổi họ đến cùng, như thế sau này dù kết quả có thế nào con cũng không nuối tiếc gì.

Ông bà và mẹ là những người yêu con nhất nhưng hãy nhớ họ không mãi bên con được đâu, con phải biết yêu thương, đừng làm họ thất vọng về con. Sau này con phải là người yêu con nhất, tiếp đó con hãy yêu người yêu mình, yêu người thân, yêu đam mê, yêu lẽ phải và yêu lao động, con nhé.

Đừng để mình là con người thụ động, vô cảm, sẽ lãng phí thời gian. Đặc biệt, đừng làm khổ những người yêu thương mình, đừng vì người ta yêu mình mà làm khổ người ta, đó là hành động của kẻ tiểu nhân, nếu con làm như thế về sau con sẽ hối hận đấy.

Hãy luôn dám đứng ra bảo vệ cho lẽ phải, bảo vệ cho người thân của con, đừng nhút nhát, con nhé. Kẻ hèn nhát là kẻ ích kỷ, chiếm đoạt, gây đau khổ cho người khác vì lợi ích của bản thân. Con hãy biết nhận diện người này để đối phó. Con đừng gây thù chuốc oán với ai bên ngoài vì điều đó chỉ làm con thêm mất thời gian và phải suy nghĩ. Hãy phớt lờ đi những người thù ghét con, những thứ làm hại con, đó là cách cư xử của một người đàn ông tốt.

May mắn chắc chắn sẽ đến với con nhưng nó cũng sẽ đến với tất cả mọi người, nên con đừng quá hy vọng và phụ thuộc vào may mắn, con nhé. Để đạt được điều mong muốn, con phải luôn nỗ lực, học tập, cố gắng để cải thiện bản thân, để có đủ khả năng làm những điều mình muốn.

Những điều ta muốn nói với con quá nhiều nhưng thời gian và vốn ngôn ngữ của ta lại quá hạn chế. Ta mong những điều nói với con hôm nay có thể giúp đỡ, chỉ đường cho con sau này. Ta mong con sẽ luôn khỏe mạnh, thành công và hạnh phúc. Con không thiệt thòi đâu, chỉ có người ta nghĩ con thiệt thòi thôi. Chỉ cần con không nghĩ mình thiệt thòi thì con sẽ không bao giờ thiệt thòi cả. Con chỉ thiệt thòi khi không biết phấn đấu để đạt được những điều mong muốn, ta mong điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Hãy trở thành một người đàn ông tốt. Chúc con luôn hạnh phúc.

Mong một ngày nào đó con lớn, ai đó sẽ nói lại với con vì có thể lúc đó ta không còn bên cạnh con, không còn là bạn của mẹ con.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Hashtag là gì? Cách dùng hashtag trên Facebook

Facebook vừa chính thức thêm tính năng hashtag vào các tin đăng (post) của người dùng trên mạng xã hội này. Bên cạnh đó, người dùng có thể tìm kiếm các hashtag bằng tính năng Graph Search mà Facebook vừa giới thiệu trong thời gian qua. 



Về cơ bản, tính năng này giúp người dùng Facebook có thể dễ dàng liên kết với nhau với những chủ đề tương đồng nhau qua dấu # mà không cần phải gia nhập các nhóm (Groups), trang (Pages) hay fanpage Facebook.
Hashtag là gì?
Hashtag thường được bắt đầu với '#' và các từ khóa được viết liền nhau. Khi người dùng bấm vào đó hoặc tìm kiếm sẽ đưa ra kết quả bao gồm cập nhật trạng thái, các tin đăng (post), hình ảnh hoặc đường dẫn liên kết chia sẻ cho một chủ đề nào đó.
Hashtag là một nét độc đáo của mạng xã hội Twitter, chức năng này cũng được sử dụng rộng rãi trên mạng Pinterest và Instagram.
Sử dụng hashtag trên Facebook thế nào?
Rất đơn giản, bạn chỉ cần thêm ký tự ‘#' trước từ hoặc cụm từ viết liền (không có dấu cách) mà mình sẽ đặt làm từ khóa trong ô đăng cập nhật của bạn. Ngay sau khi bạn nhấn dấu #, ô màu xanh sẽ xuất hiện trên từ hoặc cụm từ bạn chọn làm hashtag. Sau khi đăng tin trên Facebook, phần hashtag sẽ được bôi đậm màu xanh.



Mỗi hashtag thường là một từ đơn, ví dụ VnReview. Tất nhiên, bạn có thể đặt hashtag là từ khóa dài ngoằng như #HoiNhungNguoiYeuThichAndroid chẳng hạn nhưng chắc hẳn sẽ ít người sử dụng kiểu đặt hashtag như vậy.Sau khi bạn đăng, bạn có thể bấm vào hashtag mình vừa tạo để xem có ai cũng sử dụng từ khóa tương tự làm hashtag. Ví dụ, bấm vào hashtag #VnReview sẽ hiện lên những tin (post) của người dùng sử dụng hashtag VnReview, có thể là từ những bạn bè của bạn trên Facebook hoặc có thể là những người bạn không quen biết. 


 Bạn cũng có thể tìm kiếm các từ khóa hashtag người khác sử dụng trên Facebook bằng cách nhập từ # cùng với từ khóa tìm kiếm, ví dụ #VnReview hoặc #Android, bấm vào hashtag để mở các tin (post) có gắn hashtag đó.
Tất nhiên, các chế độ bảo vệ sự riêng tư cũng được áp dụng cho các status có chứa hashtag, có nghĩa là nếu status chứa dấu thăng được cài hiển thị chỉ dành cho bạn bè, thì chỉ có bạn bè của người dùng mới tìm đọc được status đó. Sẽ mất vài tuần để tất cả người dùng Facebook được cung cấp tính năng mới nói trên.
DBS M05479
Quang Cao