Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

WhatsApp thử nghiệm cuộc gọi video hỗ trợ đến 8 người

WhatsApp được ghi nhận là đang thử nghiệm mới cho tính năng gọi video trên ứng dụng của mình bằng việc nâng số người hỗ trợ từ 4 như hiện tại lên con số 8.



Báo cáo từ WABetainfo cho thấy, WhatsApp sắp triển khai tùy chọn hỗ trợ tối đa 8 người tham gia cuộc gọi thoại hoặc video nhóm, mặc dù người dùng sẽ cần cập nhật phiên bản beta mới nhất cho iOS và Android.
Sẽ có hai cách để bắt đầu một cuộc gọi với WhatsApp. Đầu tiên, mở một nhóm và nhấn nút gọi, nếu có nhiều hơn 4 người trong nhóm (giới hạn cuộc gọi trước đó) thì người dùng sẽ nhận được câu hỏi những liên hệ nào mà họ muốn gọi. Thứ hai, người dùng có thể nhấn New group call trong thẻ cuộc gọi và chọn người muốn gọi trong danh bạ. Dù chọn lựa chọn nào đi nữa thì cuộc gọi sẽ không thể bao gồm những người không có trong danh sách liên hệ của người dùng.
Với con số tối đa chỉ là 8 người trong một cuộc gọi nhóm, WhatsApp sẽ không thể cạnh tranh với các nền tảng gọi video chuyên dụng, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc tăng giới hạn trong một cuộc trò chuyện nhóm, mọi người dễ dàng hơn trong việc giữ các liên lạc với bạn bè thay vì phải lên lịch cho các cuộc họp khác hoặc chia sẻ mã cuộc gọi… Tùy chọn 8 người tham gia vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và phải chờ thêm thời gian mới có mặt trong phiên bản chính thức của WhatsApp trên các nền tảng iOS và Android.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Hướng dẫn gỡ bỏ website bị chặn link trên Facebook



Đôi khi bạn đang vi vu lướt Facebook rồi ngẫu hứng post 1 link từ website của bạn, thật không may nếu website của bạn bị FB đánh dấu làm spam. Mỗi khi bất kỳ ai click vào link mà bạn post đều nhận được một cảnh báo link spam. Hướng dẫn bạn gỡ bỏ website bị chặn link trên Facebook, giúp bạn giải quyết vấn đề mà rất nhiều website gặp phải.

Nếu bạn thử tìm kiếm trên google với từ khoá “website bị facebook chặn” thì bạn sẽ thấy rất nhiều website cũng bị vấn đề tương tự nhưng chưa có cách giải quyết.

Cũng có một vài hướng giải quyết vấn đề này nhưng lại tốn kém hoặc không mang đúng thương hiệu, tên miền website của bạn như mua một tên miền mới, sử dụng shortlink,… Vậy tại sao “unlock” website của bạn nhỉ.

Với phương pháp này, đôi khi được đôi khi không, còn tuỳ thuộc vào mức độ đánh dấu website của bạn spam tới đâu. Nhưng mà thử làm thì cũng còn tốt hơn là không làm gì và website của bạn sẽ bị chặn vĩnh viễn, nó chỉ tốn của bạn vài phút thôi.

Bước 1: Đăng link public như status thông thường.

Tốt nhất là chỉ post link trong trang của bạn, nếu không thì bạn có thể post link ở các trang, group mà bạn sẽ không bị report là đăng những thứ không liên quan hoặc spam. Nếu bị report tiếp thì bạn xác định là bỏ hẳn link đó đi thôi.



Dán link vào mục nhập text như thông thường. Tiếp theo là bạn nên Click vào nút X trên đoạn xem trước như hình trên để loại bỏ các hình ảnh thu nhỏ và đoạn mô tả.



Bước 2: Cho Facebook biết trang của bạn không phải làm spam

Ngay khi bạn click nút “Đăng” một pop-up xuất hiện yêu cầu kiểm tra an minh . Bạn hãy click vào “let us know” bên dưới ô capcha.


Trong phần “Facebook Blocks”, viết một đoạn ngắn để giải thích lý do tại sao link của bạn không phải là spam, việc chặn nó là sai. Bạn chỉ cần viết “The website is safe” (Trang web này là an toàn) Bấm vào nút Gửi khi bạn viết xong.


Bước 3: Nhập capcha và gửi xác nhận

Trở lại với mục “kiểm tra an minh” bạn nhập mã capcha vào ô text sao đó click vào submit (Gửi).

Bước 4: Like post và click vào đường dẫn và đánh dấu là “Not spam”



Sau khi like post hãy click vào link đó, một trang redirect sẽ xuất hiện với thông báo trang của bạn có thể là spam.


Hãy click vào “Not spam”

Nếu làm như trên vẫn không được thì bạn nên lặp lại nhiều lần bước 4 cho đến khi website của bạn được bỏ chặn Facebook. Bạn cũng có thể nhờ những người khác hoặc group mà bạn làm quản trị để có được sự giúp đỡ về việc click “Not spam”.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Các kiểu hành xử dễ gây "ức chế" trong văn phòng

Trong môi trường làm việc, đôi khi bạn không gặp phải stress vì công việc chất chồng hay những khách hàng “khó tính”, mà xuất phát từ muôn vàn kiểu hành xử của đồng nghiệp khiến bạn chỉ muốn “phát điên” ! Văn phòng giống như một xã hội thu nhỏ, dù bạn có cố gắng lảng tránh như thế nào đi nữa thì cũng sẽ phải “chạm mặt” ít nhất một lần.

Đi làm 8 tiếng mỗi ngày, bạn không mong gì chi được “yên ổn” trước 101 kiểu ứng xử chỉ khiến bạn “ức chế” vô cùng. Không phải ai cũng khéo léo trong cách giao tiếp, chính vì vậy dù vô tình hay cố ý, bạn cũng sẽ chuốc lấy “bực dọc” trong người. Hãy cũng điểm danh những kiểu hành xử mà chắc chắn không ai muốn-đối-mặt sau đây.

1. Câu cửa miệng thường là “Em làm giúp Anh/Chị..”

Không chỉ nhờ vả trong công việc, kiểu đồng nghiệp này sẽ gọi bạn vì bất kì lý do vụn vặt nào. Từ pha café, đến photo giùm, từ rót nước cho đến lấy đồ… tất tần tật mọi thứ sẽ phải qua-tay-bạn. Tất nhiên, trong công việc bạn cần hỗ trợ đồng nghiệp để có thể cùng nhau đạt hiệu quả cao, thế nhưng không phải vì phương châm này mà đồng nghiệp có cớ để “vịn” vào mỗi lần gặp bạn. Đừng khiến mình trở thành “chân chạy vặt” trong văn phòng chỉ vì sợ mất lòng mọi người. Gặp phải kiểu hành xử này, sớm muộn gì bạn cũng sẽ cảm thấy “ức chế”.

2. Nhai kẹo cao su mọi lúc

Bạn sẽ không khỏi khó chịu khi người đối diện vừa nói chuyện vừa chóp chép nhai kẹo cao su. Đây được cho là cách ứng xử thiếu lịch sự và kém tôn trọng người đối diện. Nhất là trong những buổi họp hay các buổi brainstorm, nếu đồng nghiệp liên tục nhai kẹo su thì những người xung quanh sẽ ngay lập tức đánh giá không tốt về người đó. Hành vi này tuy nhỏ, nhưng sẽ gây cảm giác cực khó chịu khi phải giao tiếp cùng.

3. Âm thanh phát ra khi ăn uống

Trong nhiều giờ liền làm việc, mọi người cần được tiếp thêm năng lượng bằng cách ăn vặt hay uống trà sữa. Thế nhưng, nếu như quá vô ý và vô tư thì sẽ phát ra tiếng “xồm xoàm, chóp chép” trong lúc “thưởng thức” phần của mình. Không phải ai cũng có thói quen ăn uống trong lúc làm việc, vậy nên những âm thanh đó sẽ dễ khiến người khác phải “ức chế”. Đây là một trong những vấn đề tế nhị, bạn khó có thể góp ý thẳng thắn ngay tại thời điểm đó, cho nên chỉ biết “chịu đựng” cho qua.

4. Luôn là câu xin lỗi

Sẽ vô cùng “ức chế” nếu như đồng nghiệp hay cấp dưới của bạn thường xuyên lặp lại những lỗi nhỏ nhặt và xin lỗi luôn miệng. Các điều cơ bản như  quên gửi mail, đi trễ hay muộn giờ họp…đều sẽ khiến bạn muốn “phát điên” mất thôi. Một, hai lần bạn có thể cho qua, nhưng bắt đầu từ lần thứ ba trở đi bạn nên cân nhắc về khả năng của người nhân viên này.

5. Ăn to, nói lớn

Trong giờ nghỉ trưa, bạn cần thời gian để thư giãn tâm trí trong không gian yên ắng, tuy nhiên, đồng nghiệp lại không cho bạn được “hưởng” điều đó. Họ vô tư bàn tán đủ thứ chuyện trên đời với mức âm lượng gần như hết cỡ. Những tụ “tám” hoạt động hết công suất này cuốn phăng đi khoảng thời gian nghỉ ngơi yên bình của bạn. Đây là kiểu hành xử kém lịch sự và không hề ý nhị, bạn sẽ không thể giữ được bình tĩnh nếu như tình trạng này kéo dài mỗi ngày tại chốn công sở.

6. “Ê, biết gì chưa?”

Hội “tám chuyện thiên hạ” sẽ tìm mọi cách để lôi kéo bạn vào những cuộc trò chuyện phiếm, vô thưởng vô phạt nhưng lại rất mất thì giờ của bạn. Bạn đang cần tập trung cho công việc, tuy nhiên người bạn-cùng-bàn lại cứ rì rầm, nhỏ to đủ thứ chuyện sẽ dễ làm bạn “nổi quạu” cực kì. Các cuộc đối thoại “đốt” thời gian như thế này bạn không nên tham gia vào quá nhiều không khéo sẽ lại “rước họa vào thân” đấy!

Trong chốn công sở có hàng ngàn kiểu ứng xử dễ gây “ức chế” cho người khác. Nếu bạn nhận ra được một trong những kiểu vừa nêu trên thì tốt nhất hãy cố gắng lảng tránh dần dần, bởi bạn sẽ không chỉ “ức chế” mà còn dễ gặp phải những vấn đề không mong muốn đến với mình, bạn nhé!

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Học cách buông bỏ những điều này, bạn sẽ không còn cảm thấy áp lực trong công việc!


“Cầm lên được thì bỏ xuống được.” Bấy lâu nay bạn luôn cảm thấy nặng nề, áp lực trong công việc mình đang làm đó là do bạn không biết mình nên giữ lại điều gì và học cách rời bỏ điều gì. Đừng đi mãi trên một đôi giày chật không dành cho bạn, hãy thử cởi bỏ và bước đi trên chính đôi chân của mình, mọi thứ rồi sẽ ổn hơn.

Công việc của mỗi người không phải lúc nào cũng êm thấm và thuận buồm xuôi gió. Có những khoảng thời gian bạn cảm thấy mọi thứ thật nặng nề và áp lực, khiến bạn chỉ muốn vứt bỏ hết tất cả để bản thân không còn mệt nhọc. Thực chất, bạn hoàn toàn có thể cho phép mình làm điều đó. Chẳng qua, tâm lí trách nhiệm và quá nhiều nỗi lo xuất hiện khiến bạn mãi gánh trên mình những áp lực không tên. Hãy thử học cách cởi bỏ những điều sau để bản thân cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi đi làm mỗi ngày:
1. Buông xả mọi lo lắng





Bạn không thể biết trước được tương lai sẽ xảy đến chuyện gì. Do đó, khi đảm nhận một công việc, thay vì ngồi lo nghĩ được mất và mường tượng ra hàng trăm viễn cảnh không đáng có, bạn nên thả lỏng đầu óc để dành sự tập trung cho việc giải quyết công việc hiện tại. Hãy học cách bớt đi quá nhiều suy nghĩ trong đầu, chẳng hạn công việc còn quá nhiều thứ chưa xong, kết quả của công việc bạn đang làm sẽ như thế nào, liệu sếp có thích ý tưởng/kế hoạch bạn đề xuất, bạn phải hoàn thành chúng trước hạn thế nào,… Quá nhiều mối bận tâm nảy ra cùng một lúc sẽ khiến bạn cảm thấy ngột ngạt và đau đầu chứ chẳng đem lại lợi ích gì. Do đó, điều đầu tiên bạn cần làm là bỏ ngay tính “hay lo” trong công việc.
2. Bỏ qua sự so sánh nhỏ nhen


Cạnh tranh là một kĩ năng cần có để bạn không ngừng phát triển bản thân mình. Tuy nhiên, đừng vội lầm tưởng giữa cạnh tranh và so sánh. Bạn xem đồng nghiệp khác trong công ty như những đối thủ cạnh tranh ở một cuộc chơi cân sức và không ngừng nỗ lực vượt qua họ, thay vì mỗi ngày so sánh bản thân với những người này. Bạn chỉ có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình chứ không thể nào sao y bản chính của một ai khác. Sự tị nạnh và không ngừng so sánh bản thân mình với người khác, hay tham vọng luôn muốn có được nhiều hơn sẽ khiến bạn luôn lao đầu vào những cuộc đua không hồi kết. Đến một thời điểm, bạn sẽ cảm thấy kiệt sức và không thể tiếp tục bước đi nữa.
3. Bớt ôm đồm công việc





Sự thật có thể bạn nhận ra nhưng bạn luôn muốn chối bỏ đó là bạn không có thể có “ba đầu sáu tay” để giải quyết đồng thời quá nhiều công việc. Bạn cũng không thể một mình làm tốt mọi thứ. Đó là lí do bạn luôn phải làm việc trong một nhóm và tập thể nhất định. Bớt ôm đồm công việc vào người mà học cách phân chia nhiệm vụ với mọi người. Bạn có thể nắm những nhiệm vụ trọng yếu và giao lại các công việc khác cho cấp dưới hoặc đồng nghiệp. Điều này cực kỳ quan trọng khi bạn lên đến những vị trí cao hơn. Nhờ phân chia nhiệm vụ đúng người đúng việc, bạn sẽ “dễ thở” hơn và có nhiều thời gian hơn cho bản thân mình.
4. Loại bỏ cái tôi ích kỉ


Bạn thà ôm công việc một mình còn hơn phải làm việc chung với những đồng nghiệp A, B, C? Bạn muốn tự bản thân mình giành được lợi ích thay vì chia sẻ nó với một tập thể? Những suy nghĩ ích kỉ này sẽ khiến bạn vô cùng mệt mỏi khi thật sự bắt tay vào công việc. Bạn không thể kham nổi một khối lượng việc nhiều như thế nếu không có sự hỗ trợ từ người khác. Thay vì cố gắng giành chiến thắng một mình, nếu muốn đi xa hơn, hãy đi cùng các đồng đội thân cận trong công ty. Ngoài ra, bạn cũng nên học cách lắng nghe lời khuyên và chia sẻ từ các đồng nghiệp khác. Đừng khư khư ôm mãi quan điểm của mình một cách bảo thủ và không bao giờ biết khắc phục khuyết điểm của mình, điều này chỉ làm bạn càng ngày càng trì trệ và áp lực hơn trong công việc mà thôi.
5. Giải tỏa mọi phiền não

Đừng cố gắng né tránh áp lực vì thực tế ở vị trí càng cao, áp lực và trách nhiệm đè nặng lên bạn càng lớn. Thay vào đó, hãy học cách “sống chung” với áp lực và tìm cách giải tỏa mọi phiền não mỗi ngày. Sau giờ làm, hãy bỏ xuống tài liệu, gập laptop, tắt điện thoại và dành thời gian thư giãn bên gia đình, người thân hoặc làm những điều bạn yêu thích. Đã bao lâu bạn chưa nộp phép để tự thưởng cho bản thân một kỳ nghỉ dài ngày để du lịch đây đó cho khuây khỏa đầu óc? Năm thì sắp hết nhưng phép vẫn còn nhiều, tại sao không xin nghỉ ngay hôm nay? Du lịch, xem phim, ăn uống, đọc sách, thể thao,… hãy làm những gì mà bạn thích để giải tỏa stress. Đừng bao giờ chịu đựng áp lực trong một thời gian dài vì chúng ta không phải là những cỗ máy. Hậu quả của tình trạng stress triền miên khiến nhiều người nhìn mọi thứ trở nên tiêu cực và mất khả năng hưởng thụ cuộc sống.


Học cách buông bỏ được những điều trên cũng là lúc bạn đón nhận những năng lượng tích cực vào người. Khi bỏ được các thói quen xấu này, bạn sẽ biết được đâu là điều bạn muốn nắm giữ và tiếp tục phát huy để bản thân tốt hơn.

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Làm thế nào để "khoe khéo" tài năng trong buổi phỏng vấn?


Bạn có biết phỏng vấn là một “nghệ thuật” và người phỏng vấn cũng là một “nghệ sĩ”? Bằng tất cả những kĩ năng, thông minh và tinh tế vừa đủ, bạn có thể để lại ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng, bên cạnh đó, bạn phần nào cũng đã “quảng cáo” thành công hình ảnh của mình. Thế nhưng, làm thế nào để bạn không trở thành một người “khoe mẽ”?

Trong những lần phỏng vấn, bạn cần phải biết cách thể hiện tài năng và khả năng của mình trước nhà tuyển dụng. Thông qua các câu trả lời, cũng như trao đổi, bạn nên biết cách “khoe khéo” bản thân mình, không nên quá “vồ vập” hay thao thao bất tuyệt về điểm mạnh của mình. Cách thể hiện đó sẽ ngay lập tức “phản tác dụng” và bạn sẽ mất điểm ngay trong mắt nhà tuyển dụng. Vì vậy, bạn nên tham khảo những tuyệt chiêu dưới đây để có thể “khoe khéo” tài năng của mình nhé.
1. Biết rõ mục tiêu và định hướng nghề nghiệp bản thân





Một trong những điều gây ấn tượng nhất trong mắt nhà tuyển dụng là ứng viên của mình hiểu rõ giá trị bản thân mình và có hướng đi rõ ràng trong tương lai. Bạn có thể không cần đề cập quá nhiều đến thế mạnh của mình, chỉ cần bạn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được bạn hiểu bạn đang theo đuổi những gì và cần phải làm gì để đạt được mục tiêu. Cách thể hiện này vừa khéo léo lại vừa làm nổi bật bạn hơn rất nhiều.Tài năng chỉ được bộc lộ khi bạn được làm đúng với sở trường, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao bạn vì cách bạn “khoe khéo” bản thân một cách thông minh.
2. Tập trung vào những kinh nghiệm liên quan – ngắn gọn, thu hút


Kinh nghiệm thực tế luôn được các nhà tuyển dụng quan tâm nhất trong các buổi phỏng vấn. liệu bạn có phù hợp với vị trí công việc hay không? Liệu bạn đã từng đảm nhận những trách nhiệm đó chưa? Để trả lời cho những câu hỏi đó, bạn cần lựa chọn những kinh nghiệm nào gắn liền với thực tế và khiến chúng nổi bật bằng cách nói ngắn gọn, thẳng vào trọng tâm và tự tin. Đây có thể coi là cách đơn giản nhất để bạn giới thiệu bản thân nhưng lại vô cùng thu hút nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, không vì vậy mà bạn nói quá nhiều về bản thân, ba hoa và lan man, cái “khoe khéo” ở đây là việc bạn biết lồng ghép những tình huống mà bạn đã xử lý, cách bạn giải quyết rắc rối ở những công việc trước. Bằng những câu chuyện thực tế, bạn đã tự “đánh bóng” bản thân mình rồi đấy.
3. Bạn có thư giới thiệu? Đừng quên mang theo!





Không có cách nào “quảng cáo” bản thân mình tốt hơn là cho nhà tuyển dụng thấy được những người xung quanh nhận xét gì về bạn. Nếu bạn có thư giới thiệu hay những lời khen của sếp cũ thì đừng ngần ngại “khoe” chúng. Thay vì nói quá nhiều về bản thân, bạn nên “nhường” công việc đó cho những người đã từng hợp tác làm việc cùng bạn. Nhà tuyển dụng sẽ tin tưởng hơn vào những gì bạn thể hiện và xem đó là điểm quan trọng để cân nhắc lựa chọn bạn. Tài năng của bạn đã khéo léo được thể hiện một cách ấn tượng rồi đấy.
4. Nói về đam mê thay vì chăm chăm vào kĩ năng


Chỉ với những lời khẳng định thế mạnh bản thân, nhà tuyển dụng sẽ không thể hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của bạn. Chính vì vậy, bạn đừng nên chăm chăm đề cao những thế mạnh của mình một cách quá tự tin, thay vào đó, bạn có thể thể hiện chúng bằng cách nói về đam mê của chính mình. Bạn nên chia sẻ rằng bạn thật sự yêu thích công việc đội nhóm, bạn luôn nhìn mọi mặt của vấn đề theo hướng lạc quan hay bạn đã từng rất hào hứng vì nắm giữ một vị trí quan trọng trong môi trường làm việc nào đó. Hãy khéo léo cho nhà tuyển dụng thấy đam mê của bạn, và cách bạn thực hiện đam mê của mình ra sao. Tất cả những điều đó sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
5. Đặt ra những câu hỏi hay





Bạn không nên để bản thân mình vào thế bị động trong buổi phỏng vấn. Hãy chủ động và “khoe khéo” khả năng của mình bằng cách đặt ngược lại các câu hỏi hay và thể hiện rằng bạn đang mong muốn được trao đổi. Qua những câu hỏi hay, nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn thật sự quan tâm đến công việc, cũng như thấy được khả năng và tầm nhìn của bạn trước một vấn đề. Sự thông minh và khéo léo trong cách bạn đặt câu hỏi đã thể hiện thật tốt tiềm năng, cũng như khả năng của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.


Để có được một buổi phỏng vấn thành công, bạn cần biết cách thể hiện bản thân mình sao cho thật khéo léo, tinh tế nhưng vẫn vô cùng nổi bật. Hãy bỏ túi ngay những bí kíp trên để trở thành một ứng viên tiềm năng và “nặng ký” trong mắt nhà tuyển dụng, bạn nhé!
DBS M05479
Quang Cao