Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Gặp một người lạ

San! Tháng sau sinh nhật của ta. Mi thu xếp công việc ra đây dự sinh nhật của ta đi. Mi mà không ra thì ta không thèm chơi với mi nữa đâu. – Ngọc đã tua cái điệp khúc ấy cả tháng nay.

- Mi cứ làm như thu xếp được dễ lắm ấy! Ta không hứa hẹn gì đâu. Nếu không ra được thì mi lại nói ta nuốt lời . – San nửa mềm mỏng, nửa cứng rắn.

- Ta không biết đâu. Mi phải ra, bằng giá nào cũng phải ra đây! – Ngọc vẫn tiếp tục.

- Thôi … thôi được rồi bà cô của tôi! Tôi ra được chưa!? – San chịu thua.

- Có thế mới là bạn thân tốt nhất của ta chứ. Quý mi nhất! – Ngọc đắc ý – Nhớ báo cụ thể ngày giờ để ta còn đón mi nhé!




Kết thúc cuộc nói chuyện với Ngọc, San ngao ngán nghĩ: “Con bé này thật là… Sắp băm rồi mà vẫn nhõng nhẽo như trẻ con! Thôi mình lại thu xếp ra Hà Nội vậy. Không thì sống cũng không yên với bà cô trẻ Ngọc.”


San cứ cảm giác bữa sinh nhật này của Ngọc giống như một cuộc họp mặt giới thiệu hẹn hò hơn là một bữa tiệc sinh nhật thông thường. Người cô quen có, người cô không quen cũng có. Họ được mời vì chí ít họ quen Ngọc – bạn thân của cô.

Ở chỗ này, chỗ kia, mọi người đứng theo từng đôi một trò chuyện thật vui vẻ. Còn San, cô đứng riêng một chỗ cho đến khi có một chàng trai đến bắt chuyện với cô.

- Chào em! Mình làm quen được không? Anh tên là Duy. Em tên là gì nhỉ?

- Vâng chào anh. Em là San. Rất vui được biết anh Duy - San lịch sự đáp lại.

- Anh cũng rất vui được làm quen với em. Em chắc là bạn của Ngọc? – Duy gợi chuyện.

- Dĩ nhiên, em quen và là nhân vật không thể vắng mặt. À em có thể vắng mặt, nếu em chịu được một vài sự quan tâm đặc biệt từ chủ xị tiệc tối nay – San lém lỉnh đáp.


Cứ thế, câu chuyện của họ được đưa đẩy thêm. Đã rất lâu rồi, San không cười thoải mái đến vậy chứ bình thường cô toàn cười xã giao là nhiều.


Họ nói chuyện quên cả thời gian. Khi câu chuyện đã tạm bớt cuốn hút họ, hai người mới nhận ra đã đến lúc ra về. Duy đề nghị :

- Để anh đưa em về nhé ! Con gái đi một mình buổi tối không an toàn đâu.

- Và mai mình sẽ có một buổi cà phê ở đâu đó hả anh?- San lại cười lớn, ghé sát vào tai Duy mà nói.

- Nếu em có thể dành chút thời gian cho anh – Duy cũng không vừa.

- Nếu vậy thì … - San vừa nói vừa chỉ vào chiếc nhẫn đeo trên tay cô – em sẽ phải xin lỗi anh. Vì em là hoa đã có chủ, gái đã có người coi sóc rồi. Thêm nữa, em thấy từ nãy đến giờ, có nhiều cô gái xinh đẹp hướng mắt nhìn anh lắm. Em sợ không đủ khả năng … hẹn hò với anh được.

- Nếu em muốn thì mọi thứ đều có thể! – Duy nói tiếp.

- Ai lại nói vậy bao giờ! Em không muốn rửa mặt bằng axit hay được băng bó chỗ nào trên người đâu anh – San đáp lại.

Vậy thì, để anh tiễn em ra đến cổng vậy.

- Cảm ơn anh đã tiễn em.

(...)

Tình yêu ở phía trước, hạnh phúc ở phía sau

- Hóa ra tình thân không phải không hiện diện, mà là nó bị giấu kín trong góc khuất của tâm hồn. Khi tình cảm ấy nhú lên chồi xanh, nó sẽ nhanh chóng trở thành một gốc đại thụ rợp bóng mát… Năm 13 tuổi, đang học trên lớp Tiểu Cương phải xin phép cô giáo về sớm vì bị đau bụng. Vừa đẩy cửa, Tiểu Cương đã nhìn thấy một đôi giày cao gót màu hồng.

Nhưng mẹ có bao giờ đi giày cao gót đâu nhỉ. Lần ấy, chuyện tình vụng trộm của bố đã bị bại lộ. Tiểu Cương vừa khóc vừa chạy xuống dưới nhà, gọi điện thoại ngay cho mẹ đang đi công tác. Chưa đầy một tháng sau, bố mẹ Tiểu Cương ly dị.

Mẹ đổ bệnh nặng sau khi chia tay với bố. Từ đó trở đi, tinh thần mẹ lúc nào cũng hoảng loạn. Tiểu Cương cứ tự trách mình rằng nếu mình không nói ra chuyện đó thì có khi bố mẹ vẫn đang sống tốt với nhau. Tiểu Cương cũng sẽ không trở thành đứa trẻ sống trong gia đình đơn thân. Mẹ cũng sẽ không bị tai nạn bất ngờ. Vì thế giờ đây bao nhiêu gánh nặng đều đổ dồn lên đầu Tiểu Cương.



Tình yêu ở phía trước, hạnh phúc ở phía sau.


Bố đưa tiền nuôi dưỡng Tiểu Cương, mẹ không lấy cho dù mẹ rất nghèo. Mẹ nói: “Nếu nhận tiền của bố thì con không phải con trai của mẹ.” Sau này, bố ra làm kinh doanh buôn bán và trở thành người giàu có có tiếng khắp thành phố. Nhưng mẹ vẫn kiên quyết không chịu nhận tiền của bố: “Tiểu Cương à, con người ta phải có chí khí, chí khí là nhân cách sống quan trọng nhất của con người.” Thế rồi, mỗi lần bố bước chân xuống từ chiếc xe Mercedes - Benz sang trọng đưa tiền cho Tiểu Cương, nhưng lần nào Tiểu Cương cũng từ chối. Hồi đó, Tiểu Cương chưa đầy 17 tuổi.

Sau khi mẹ mất, bố có đến tìm Tiểu Cương. Vì Tiểu Cương là con trai duy nhất của ông. “Về với bố đi con,” Bố Tiểu Cương nói, “Con là con trai bố”. Tiểu Cương lạnh lùng nhìn bố, đáp: “Không, tôi không phải con ông.”

Tốt nghiệp xong, Tiểu Cương ở lại Bắc Kinh. Năm 24 tuổi, Tiểu Cương bị ốm một trận rất nặng. Có người nói, lúc ốm đau là lúc nhớ người thân nhất. Khi bác sĩ hỏi ai là người nhà bệnh nhân, Tiểu Cương mới giật mình biết rằng mình đang bị bệnh rất trầm trọng. Có thể ngày mai thôi cậu sẽ ra đi. Đó là lần đầu tiên Tiểu Cương gọi điện cho bố. Bố rất xúc động khi nhận được điện của Tiểu Cương. Vừa nghe thấy giọng Tiểu Cương, ông đã nghẹn ngào không nói nên lời.

“Tiểu Cương, Tiểu Cương, Tiểu Cương... ” Bố gọi tên Tiểu Cương nhưng cậu vẫn lạnh lùng. “Tôi bị ốm, cũng không sống được bao lâu nữa, nếu có thời gian ông đến thăm tôi một lần, không có thì thôi.” Bố đến viện ngay tối hôm ấy. Nhìn thấy Tiểu Cương, bố ôm chặt lấy cậu khóc. Một người đàn ông thành đạt cầm tay con trai khóc thút thít như một đứa trẻ. Người Tiểu Cương ôm mối thù hận giờ cũng đã già, tóc cũng đã bạc nhiều, ánh mắt cũng không còn được tinh nhanh như xưa. Đôi bàn tay thô ráp ấy cứ run lên từng hồi…

Bố luôn ở bên Tiểu Cương trong suốt quá trình làm phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật đã diễn ra hết sức thành công. Hôm tỉnh dậy, Tiểu Cương phát hiện thấy bố nằm trên giường cậu và đang ôm chân cậu. Mái tóc bạc của bố hơi rối. Đây là hình ảnh của một người bố oai hùng đây sao? Năm xưa trông bố đĩnh đạc, phong độ lắm cơ mà.

“Con tỉnh rồi à?” Bố hỏi Tiểu Cương.
“Vâng. Sao bố lại ôm chân con?”
“Bố sợ khi con tỉnh dậy con lại không biết.”

Mắt Tiểu Cương long lanh như muốn khóc. Nhưng sắc mặt vẫn lạnh lùng như không hề động lòng trước bố. Vẻ ngoài lạnh lùng như tấm lá chắn che đậy bao sự thật ở bên trong.

Hôm bố đi, Tiểu Cương ra tận sân bay tiễn bố. Bố không dám đưa tiền cho Tiểu Cương. Bố mua cho. Tiểu Cương một hộp chocolate. Bố nói là hồi bé Tiểu Cương rất thích ăn chocolate. Nhưng hồi đó nhà không có tiền nên chỉ mua được những loại chocolate ít tiền. Nhận hộp chocolate, mắt Tiểu Cương cay sè. Khi máy bay cất cánh, nước mắt Tiểu Cương cuối cùng đã rơi. Tình yêu của bố đến quá muộn. Tiểu Cương chẳng nỡ ăn hộp chocolate bố tặng.

Sau đó một hôm, nhận được điện thoại của mẹ kế nói là bố bị trúng gió, Tiểu Cương sững sờ khi nghe tin dữ, lập tức đi mua vé máy bay đến thăm bố. Tim cậu đang đập loạn nhịp. Giây phút nhìn thấy bố, Tiểu Cương đã biết mình đến muộn. Bố hôn mê bất tỉnh đã mấy ngày mấy đêm.

Tiểu Cương đưa ra quyết định thôi việc ở Bắc Kinh để về công ty lo liệu thay bố. Cậu là một người đàn ông, cậu phải gánh vác trách nhiệm này.

Bố đã giữ được mạng sống, nhưng tay bố không cử động được, chân bố cũng không di chuyển được. Bố lúc nào cũng cười ngây ngô.

Một hôm, khi cả nhà đang ăn cơm, bố chỉ vào một đồ vật giống chocolate nói: “Cho Tiểu Cương ăn, cho Tiểu Cương ăn”. Tất cả mọi người đều lặng người. Bố vẫn nhớ được tên của Tiểu Cương. Bố chỉ nhớ được tên của Tiểu Cương!

Sau khi kết hôn, Tiểu Cương về sống với mọi người. Sự ấm áp của gia đình làm Tiểu Cương rớt nước mắt. Đúng thế, bây giờ Tiểu Cương mới hiểu có người thân và có tình yêu của người thân thật đáng quý biết bao. Anh hay đẩy xe đưa bố đi dạo, kể chuyện công ty cho bố nghe, kể về chuyện của mình suốt bao năm qua. Dù rằng bố vẫn cười ngô nghê, dù rằng bố không nhận ra anh. Nhưng những lúc bố gọi tên “Tiểu Cương” là những lúc anh khóc vì xúc động.

Hóa ra tình thân không phải không hiện diện, mà là nó bị giấu kín trong góc khuất của tâm hồn. Khi tình cảm ấy nhú lên chồi xanh, nó sẽ nhanh chóng trở thành một gốc đại thụ rợp bóng mát. Tiểu Cương cũng vừa mới hiểu ra rằng tình yêu ở phía trước, hạnh phúc ở phía sau, lúc nào cũng sát cánh bên nhau.

(...)

Thời gian chính là sinh mệnh

Chàng trai và cô gái vừa ăn cơm xong. Sau đó chàng trai bắt xe lên thẳng sân bay. Anh phải đi công tác ở một thành phố xa xôi. Máy bay không chờ đợi một ai. Nhưng bữa tối của họ rất tinh tế, phong phú, chứ không phải qua loa cho xong, tất cả đều là những món ăn chàng trai thích ăn và đều là những món sở trường của cô gái.




Cô gái giành cả buổi chiều để phủ đầy những món ăn hải sản trên bàn ăn. Chàng trai như con cá mập thích ăn đồ biển. Nhưng tính cách của chàng trai không giống cá mập một chút nào, mọi cử chỉ của anh đều tao nhã, anh là một người giỏi giang, xuất sắc. Chàng trai lên máy bay lúc chiều tối. Anh nói với cô gái khi bước tới sân bay. Đợi đến tối thì lúc đó muộn quá, anh sẽ không gọi điện cho cô gái.


Sáng hôm sau anh sẽ gọi lại. Cô gái nói: “Được.” Cô gái đứng ở ngoài sảnh vẫy tay theo chàng trai. Chàng trai sẽ sống ở một thành phố xa lạ trong nửa tháng nữa.

Đã muộn lắm rồi, cô gái đã ngủ từ lâu, bỗng có tiếng chuông điện thoại đánh thức cô. Nhìn lên chiếc đồng hồ đặt đầu giường, giờ mới tờ mờ sáng. Cô gái bò dậy, đi xuống phòng khách nghe máy. Cô nghe thấy giọng nói của chàng trai.

Chàng trai sốt sắng hỏi: “Em khỏe không?” Cô gái có phần ngạc nhiên hỏi: “Em khỏe, em đang ngủ mà, không phải anh nói là buổi sáng mới gọi điện lại sao?” Chàng trai hình như có điều gì không an tâm, tiếp tục hỏi: “Em không sao chứ?” Cô gái thấy hơi buồn cười, anh chàng này sao tự nhiên lại dài dòng thế nhỉ, mặc dù cô biết chàng trai rất quan tâm đến cô: “Tất nhiên là em không sao rồi, em ngủ rất ngon.




Anh làm sao thế?” Chàng trai nói: “Anh muốn nói với em là anh đến nơi rồi, em không phải lo lắng, có chuyện gì nhớ gọi điện cho anh đấy nhé”. Sau đó anh chúc cô gái ngủ ngon rồi vội cúp điện thoại.


Cô gái cầm điện thoại trong tay ngẩng người ra đúng 1 phút. Cô cảm thấy hôm nay chàng trai có điều gì đó khác thường. Nhưng khác thường ở điểm nào nhỉ? Nhất thời cô chưa nghĩ ra.

Nửa tháng sau, chàng trai trở về. Thần thái trông vẫn phong độ,khỏe mạnh nhưng trên bụng anh có một vết sẹo. Cô gái hỏi: “Sao thế này anh?” Chàng trai đáp: “Không sao đâu em, có vết thương nhỏ ý mà.” Cô gái lo lắng, truy hỏi không ngừng. Chàng trai cười nói: “Anh nói cho em biết nhé, nhưng em không được giận đâu đấy. Hôm đó, anh xuống sân bay, rồi đi dạo trên phố, tự nhiên thấy đau bụng thế. Chưa bao giờ anh đau quặn lại như thế, đau đến muốn ngất xỉu. Thế rồi anh nghĩ tới hải sản, có thể là do anh bị ngộ độc thức ăn khi ăn hải sản. Em biết đấy, ở thành phố biển nhỏ bé của chúng ta năm nào cũng có người mất mạng vì ngộ độc hải sản. Thế rồi anh gọi điện cho em. Anh nghĩ rằng nếu đúng là vì mấy đồ hải sản đó thì lúc đó nhất định em cũng có cảm giác bất thường. Giả dụ em không nghe điện thoại hay nhấc máy nhưng lúc đó người em không được khỏe. Anh sẽ gọi luôn đến trung tâm cấp cứu 115, để họ sẽ đến nhà em ngay lập tức. Nhưng lúc đó nghe giọng nói của em hoàn toàn bình thường nên anh cũng không kinh động đến em nữa. Sau đó anh mới yên tâm cúp máy. “Khi cảm thấy người không được khỏe, sau anh không nghĩ đến việc đầu tiên là tự cứu mình?” Cô gái hỏi “Làm gì có tâm trạng đâu mà nghĩ được lắm thế.” Chàng trai nhìn cô gái với ánh mắt chan chứa tình yêu” “Có cấp bách đến đâu anh cũng phải gọi điện cho em trước tiên. Em biết là không thể coi thường chuyện ngộ độc thực phẩm được mà.

Thời gian chính là sinh mệnh. “ Cô gái nhớ ra hôm đó chàng trai cố chấp gọi cho cô rõ lâu, cô lười biếng mãi mới chịu nhấc máy. Tuy rằng chàng trai và cô gái chỉ nói chuyện được với nhau vỏn vẻn có mấy câu. Nhưng mấy câu nói đó đã mất đi nửa phút. Điều đó có nghĩa là trong nửa phút đó chàng trai đang phải chịu đựng cơn đau khủng khiếp. Sau khi biết chắc chắn rằng cô gái không sao, loại bỏ được khả năng cô gái bị ngộ độc thức ăn chàng trai mới cúp máy.

(...)

Giá như em chưa từng yêu anh

Càng muốn rời xa anh, em lại càng không thể không liên lạc với anh. Trong tình yêu, em điên cuồng và mê muội, chưa một lần em để anh biết em mê muội đến mức nào. Em vẫn còn có thể tự chủ trước anh, nhưng em lại vô cùng cô đơn vào những buổi tối một mình nơi phòng trọ, trên ban công nhìn ra khoảng trời trong xanh, em tự nhủ mình có thể sống mà không có anh. Em, trước và sau khi quen anh, yêu anh, vẫn sống được, chỉ khác một điều là em thấy vui hơn khi được anh ở bên, nhưng lại đau khổ hơn khi anh về bên chị ấy, vợ anh.

Em có phải là một con bé đầy tội lỗi, tại sao em lại yêu một người đàn ông đã có gia đình chứ ? Em tự nhủ mình vô liêm sỉ, em có lỗi với chị ấy. Tình yêu không có tội, nhưng cái tội của em là đã yêu một người không nên yêu.



Em không đủ dũng cảm để hy sinh hết cho tình yêu, không đủ dũng cảm để trao cho anh trọn vẹn cái trinh nguyên trong em, anh không đòi hỏi, nhưng em hiểu anh muốn và chính bản thân em cũng muốn điều đó. Em sợ một khi có được em, anh sẽ không còn tôn trọng em nữa. Và em sợ những lúc một mình, thèm nụ hôn, thèm vòng tay ấm áp, thèm bờ vai to lớn để em có thể tựa vào.


Anh, có những lúc em thật sự mệt mỏi, em muốn chạy thật xa, đi thật xa nơi này, đi thật xa anh. Nhưng em biết đi đâu ? Em còn gia đình, còn việc học hành. Em không thể để gia đình thất vọng vì em. Nhưng em không thể chịu nổi nếu em cứ tiếp tục như thế này. Em buồn chán tất cả. Cái tuổi trẻ đầy nhiệt huyết trong em đâu rồi ? Em trí thức, em suy nghĩ và hành động có văn hóa, nhưng thực chất em cũng chỉ là một cô bé yếu đuối trong chuyện tình cảm. Em không hề mạnh mẽ như mọi người vẫn nghĩ.

Dẫu biết em và anh không hề có tương lai, mà sao em lại…

Em lại ước giá như con bé hai mươi hai tuổi này chưa từng gặp anh.

(...)

Anh ngốc

Lúc nó ra đời, kế hoạch hóa gia đình quản rất ngặt, trong thôn chỉ có hai nhà có em bé. Một nhà nếu không trốn đi vùng khác thì bị phạt tiền, mỗi nó đường đường chính chính oe oe chào đời làm con cưng. Không phải vì nhà nó có quyền có thế mà là vì anh trai nó vốn mang bệnh não bẩm sinh, dân gian gọi là bệnh đần.

Mẹ nó cầm cây roi trên tay dọa anh nó: “Vĩnh viễn không được lại gần em nghe chưa”. Vì sợ anh làm hại nó nên mẹ cấm anh vào phòng của nó. Đến nỗi ăn cơm cũng bắt anh ấy ăn một mình trong căn phòng nhỏ. Anh hay lén lút ngồi xổm bên ngoài khung cửa sổ nhìn trộm nó, thấy em trai là anh sung sướng cười, nước bọt theo khóe miệng chảy xuống…

Thật tình lúc nhỏ anh trai cũng được cưng lắm, đến khi những đứa trẻ cùng tuổi tập nói tập đi thì anh nó vẫn ngốc dại, không mở miệng nói được từ nào. Khám bệnh xong mới biết anh nó bị bệnh não bẩm sinh. Ông bà nội trút hết thất vọng và uất ức lên đầu bố mẹ nó, mẹ nó đem hết oan ức đổ lên đầu anh nó, hễ gặp một chuyện nhỏ là anh nó phải chịu một trận mưa roi.

Có lúc mẹ ôm nó phơi nắng trong vườn, anh nó cẩn thận mon men đến gần, thích quá anh đưa tay sờ lên má nó. Mẹ nó như sợ một bệnh dịch gì vội bồng nó đi chỗ khác, mắng nhiếc anh nó: “Không được lại gần em, mày muốn truyền bệnh cho em à?”.

Một lần, mẹ không có nhà. Từ xa, anh ngắm mợ bồng nó trên tay, vẫn là cười ngốc thôi. Mợ xót lòng, vẫy tay gọi: “Đến đây cầm tay em một tí này”. Anh nó vội trốn đi, miệng lắp bắp nói liên tục không rõ: “Không… không cầm… truyền bệnh, truyền bệnh”.




Hôm đó mợ khóc òa, anh nó đưa tay lên lau nước mắt cho mợ, vẫn là cười ngốc thôi. Nó lớn dần, đang thời tập nói. Mấy lần nó huơ tay lên, bò tới phía anh. Anh nó mừng quá nhảy cẫng lên. Mẹ nó tới kịp, vội vội vàng vàng bồng nó đi chỗ khác.

Nhìn những đứa trẻ khác mút kem que, anh nó liếm môi, cảm thấy nóng và khát lắm. Bọn nhóc nói nếu anh chịu làm chó tụi nó sẽ cho kem. Anh nó làm chó bò trên đất, nhưng bọn nhóc quỵt kem và cười ầm lên. Bằng một động tác nhanh gọn, anh nó nhổm người lên, như điên dại cướp lấy que kem. Bọn nhóc sợ quá khóc rống. Anh nó cầm chiến lợi phẩm chạy về nhà, không biết rằng trên đường que kem tan dần, tan dần. Về đến nhà kem chỉ còn một miếng nhỏ tội nghiệp mà thôi. Nó đang chơi ở vườn sau, nhân lúc mẹ không để ý, anh đem kem đến trước mặt nó và nói: “Ăn… ăn… em ăn đi”.

Mẹ nó thấy anh cầm cái que như đang ra hiệu gì đấy, vội chạy đến xô anh ngã nhoài ra đất, que kem lấm lem đầy đất, anh nó ngẩn người nhìn một lúc lâu rồi ngoác miệng khóc.

Nó biết nói nhưng chưa từng gọi một tiếng anh. Anh nó hi vọng mình có thể như bao người anh khác được em trai là nó gọi một tiếng anh. Vì vậy lúc nó đang đùa nghịch ở sân sau, anh đứng phía ngoài xa ba mét, lấy hết sức hét: “Anh, anh”. Anh muốn nó nghe thấy sẽ học được cách gọi anh. Một lần anh đang cố gắng hét thật to, mẹ mắng nhiếc anh và đuổi đi chỗ khác chơi. Lúc đó nó ngước mắt lên nhìn anh, đột nhiên gọi thật rõ một tiếng: “Anh”.

Anh nó chưa bao giờ vui như thế, hoa chân múa tay, bỗng nhiên chạy đến ôm nó thật chặt, nước mắt nước mũi tèm lem đầy vai áo nó.

Từ nhỏ nó đã bị người ta gọi là “em thằng ngốc”. Lớn lên, nó ghét cách gọi này. Bởi vậy nó luôn mặc cảm và hận ghét anh nó.

Một lần, cũng vì chính cách gọi này mà nó bị người ta đánh. Nó bị lũ bạn đè lên người. Bỗng nhiên lũ bạn bị ai đó nhấc lên – là anh trai nó.

Nó chưa bao giờ thấy anh nó mạnh mẽ như thế, nhấc bổng cả lũ bạn nó lên, quật ngã chúng ra đất. Lũ bạn vừa khóc vừa thét đau. Nó thấy sợ, rắc rối rồi, bố chắc chắn sẽ phạt nó. Phút ấy nó hận mẹ tận xương tủy vì sao lại sinh cho nó một ông anh trai đần độn như thế. Nó dùng hết sức đẩy anh trai ra, hét rằng: “Ai bảo anh quản chuyện người khác, anh là thằng ngốc”. Anh nó ngã ra đất, thẫn thờ nhìn theo bóng nó khuất xa dần.

Hôm đó, bố bắt hai anh em quỳ ra đất rồi dùng roi mây quất tới tấp. Anh bò lên người nó, run rẩy nói: “Đánh… đánh con, đừng đánh em”.

Mấy hôm sau mẹ mang kẹo từ thành phố về, chia cho nó tám viên, anh nó ba viên. Không chỉ là chia kẹo, những lần khác anh nó vẫn chịu vậy. Sáng sớm, anh đứng sau cửa gương đợi nó đi ra, xòe bàn tay có hai viên kẹo. Nó lờ đi, coi như không thấy gì. Anh nó lại chạy đến trước mặt, xòe bàn tay có ba viên kẹo và nói: “Ăn… ăn, em ăn đi”.

Không biết vì sao lần này nó đột nhiên không cần, anh nó chạy theo quấn quýt cả chân, không nói lời nào, nhét cả ba viên kẹo vào mồm nó.

Lúc kẹo trôi qua khỏi họng, nó thấy rõ mắt anh trai đẫm nước mắt.

Cầm giấy trúng tuyển vào đại học, bố mẹ rất mừng, anh trai nó cũng vui lây. Thật ra anh nó không hiểu đại học là gì, nhưng biết rằng em trai đỗ đại học mang vinh hạnh đến cho cả nhà và cũng không ai gọi mình là thằng ngốc nữa.

Trước đêm nó lên thành phố nhập học, anh vẫn không vào phòng nó, chỉ đứng ngoài cửa sổ và đưa cho nó một bọc vải, mở ra thấy vài bộ áo quần mới. Đều là của mợ cho hai anh em nó hoặc là bà cô ở thành phố gửi tặng. Thì ra mấy năm qua anh nó chưa hề mặc áo quần mới. Bởi mẹ không để ý đến nên anh giấu đi. Lúc đó, nó phát hiện áo trên người anh đã cũ mèm, rách vài chỗ, chiếc quần ngắn lên tận mắt cá chân, nom thật tội nghiệp. Mũi nó cay cay, bao nhiêu năm qua ngoài sự ghét bỏ, hận thù nó có cho anh cái gì đâu.

Anh nó vẫn cười ngốc thôi, có điều trong mắt đầy hi vọng, nó không biết đó là hi vọng gì. Mặc dù anh không biết nó đã cao lên rất nhiều, không biết áo quần ấy đã đến lúc lỗi thời không thể chưng diện đi ra phố được nữa nhưng nó vẫn khoác mặc vào, xoay tới xoay lui giả bộ vui mừng ríu rít hỏi anh: “Đẹp không? Có hợp không?”. Anh nó gật đầu, ngoác miệng cười.

Nó viết lên giấy hai chữ “huynh đệ” rồi chỉ cho anh chữ này là huynh, chữ này là đệ, huynh là anh, đệ là em. Huynh đệ có nghĩa là có anh rồi mới có em, không có anh thì không có em. Hôm đó, anh nó lại đọc ngược thành “đệ huynh”. Lúc lên đường nó khóc, anh nói rằng trong lòng anh nó là số 1, không có nó thì không có anh.

Nói đến đời sống đại học, nó thấy rất thú vị, nhiều điều mới mẻ, dường như nó quên mất người anh trai nơi quê nhà.

Lần nọ mẹ đi gọi điện thoại cho nó, anh đi theo đến bưu điện. Mẹ nói rất nhiều, cả tiếng đồng hồ rồi bảo với nó: “Nói chuyện với anh con mấy câu này”. Anh tiếp điện thoại, đợi thật lâu không nghe tiếng gì cả, mẹ nói rằng: “Thôi cúp máy đi, anh con khóc rồi, anh con chỉ lên ngực ý nói rằng nhớ con đó”.

Nó vốn muốn nói mẹ đưa điện thoại lại cho anh trai để nói với anh rằng: “Đợi em về sẽ dạy anh học chữ, sẽ mua cho anh những kẹo bánh mà chỉ ở thành phố mới có, đem về cho anh thật nhiều quà”. Nhưng nó không mở nổi miệng và cúp điện thoại. Chỉ vì nó không muốn bạn cùng phòng biết nó có một anh trai bị bệnh não bẩm sinh, một anh trai đần độn.

Hè đến, nó về nhà, trên xe ăn một viên kẹo, bỗng nhiên nhớ lại anh từng nhét kẹo vào miệng nó, kẹo ở trong miệng nhưng lòng nó đắng nghét.

Lần đầu tiên về đến nhà, nó hét thật to: “Anh, anh ơi. Em đã về, xem em mang gì về cho anh này”. Thế nhưng không có tiếng cười ngốc của anh nó nữa, không có bóng ông anh gần 30 tuổi đời còn mặc quần ngắn đến mắt cá chân nữa.

Bố mẹ nước mắt đầm đìa, nói với nó rằng: “Một tháng trước, anh con lao xuống sông cứu một đứa bé, anh không biết bơi. Đứa bé đó được cứu sống nhưng anh con không lên nữa”. Bố mẹ nó úp mặt khóc…

Một mình đứng bên dòng sông, ký ức về anh chợt ùa về tha thiết. Nó rút trong túi một tờ giấy có viết hai chữ “huynh đệ”. Đó là chữ của nó, phía dưới là chữ méo xẹo của anh nó. Nó có thể nhận ra anh nó viết “đệ huynh”.

Danh sách beat sử dụng trong Radio:

1. Folk story – (V.A)
2. Heart – S.E.N.S
DBS M05479
Quang Cao