Loa là thiết bị AT làm biến đổi điện năng từ amplifier thành cơ năng, dao động màng loa phát ra âm thanh. Nó gồm một số vòng dây (coil) kim loại bọc emay nằm giữa một từ trường do một nam châm vĩnh cửu (>16.000gausse) tạo ra. Vòng dây này được gắn liền với một màng rung tạo âm, chất liệu màng này có thể bằng giấy bồi, kim loại (nhôm), cao su v.v tùy thuộc hãng sản xuất. Khi có dòng điện đa tần từ ampli làm vòng dây và màng rung theo. Tất cả được một khung sườn làm cố định tất cả làm thành loa hoàn chỉnh.
Khi muốn đáp tuyến tần số của loa cao hơn, thì đổi chất liệu của màng loa thành fiber hoặc nhôm. Đặc biệt có loại loa làm bằng gốm (ceramic) áp điện phát ra tần số siêu cao nhưng công suất chịu đựng rất nhỏ nên không thông dụng.
Loại super high :
Để tiện dụng, không chiếm không gian có hãng còn sản xuất loại loa 2, 3 trong 1 như sau:
Kích thước của một cái loa (chưa có thùng) thì vô chừng, nó có thể nhỏ bằng đồng xu như loa gốm và lớn thì tới nỗi phải chở bằng xe tải 18 bánh. Tên gọi bằng đường kính của khung loa tính bằng inch như 10”, 12”, 15”, 18” và ở VN hay gọi tương ứng bằng 2,5 tấc, 3 tấc, 4 tấc và 5 tấc cũng chưa xác định hết tất cả các loại loa.
Công suất chịu đựng của loa ấn định bởi lực từ trường của nam châm vĩnh cửu và sức chịu nhiệt của vòng dây. Khi quá tải, điện năng áp vào vòng dây không còn sinh thêm ra cơ (động) năng nữa sẽ sinh ra nhiệt năng (nguyên lý bảo toàn năng lượng) làm coil tăng nhiệt và cháy.
Công suất của loa pro thường được tính theo công suất thực RMS (Root Mean Square). Như đã viết ở phần amplifier, công suất danh định theo công thức P = U² / Z chỉ là công suất đo được với độ méo tiếng < 1‰. Nhưng vì nó là dòng điện xoay chiều hình sin, nên công suất thực tế RMS tính bằng watt chỉ bằng khoảng 0.774 công suất đo được (danh định). Nhiều nhà sản xuất còn phân biệt 2 loại công suất RMS của loa là Continuous (liên tục) và Peak (đỉnh).
Thông số của loa được tính bằng tổng trở Z (impedance), thường là 4, 8 và 16Ω. Cần phân biệt giữa Z (tổng trở) và R (điện trở). Z được đặt bởi nhà sản xuất tính theo chất liệu của coil và độ từ thông của nam châm. Khi nói loa có tổng trở 8Ω, thật sự điện trở R đo được dao động khoảng 5, 6Ω. Tổng trở càng cao, loa dễ đáp ứng tần số thấp hơn, và ngược lại.
Chuẩn giá trị chất lượng của loa được tính bằng số dB đo được ở khoảng cách xa loa 1mét, khi truyền vào loa 1 tín hiệu có công suất 1 watt RMS với tần số 1 KHz, không có thiết bị cộng hưởng AT kèm theo. Cách tính này chỉ đúng một cách tương đối, không thể căn cứ để đánh giá trị của loa được.
Nói về các loại loa. Loa có màng càng lớn thì sẽ cho ra âm trầm nhiều hơn và ngược lại. Loa đáp ứng được dải tần số rộng gọi là loa full- range, thực tế ít có loa nào đáp ứng được điều này. Loại loa hình Oval (bầu dục, hột xoài) vì hình dáng của nó vừa có cạnh hẹp lại có cạnh rộng, nghĩa là vừa có treble lại có bass. Nhưng công suất của loại này thấp nên chỉ dùng cho dòng Hi-Fi, TV và xe ôtô thôi.
Thiết bị quan trọng không kém loa là thùng loa. Đây là thiết bị hỗ trợ cho loa tăng thêm công suất phát âm và cố định loa. Trước hết thùng loa phải chắc chắn, có tính thẩm mỹ, cộng hưởng với loa trầm tốt. Mẫu mã là do các nhà sản xuất tạo ra tùy theo công dụng. Loa mid-range thường có thêm chóa (còi) còn gọi là Horn hình dáng như cái tù và để định hướng và khuyếch đại AT. Loại có AT cao hơn là tweeter hay super high. Đôi khi có thêm một màng kim loại chắn trước loại này để dịu bớt những âm sắc khó chịu.
Dưới đây là hình chụp loa sub bass JBL 4719A và full-range JBL 4733 không gắn loa để các bạn hình dung.
Riêng loại thùng dùng cho monitor đặt trên SK thì có thể đặt theo nhiều góc độ để người nghe được thuận tiện nhất.
Trong một thùng loa có thể có nhiều loại khác nhau. Như đã nói ở bài trên, có thể dùng Electronic Crossover (bộ chia tần số điện động) chia công suất ampli cho từng loại loa. Đơn giản hơn thì dùng Mechanic Crossover (bộ chia loa cơ học). Mạch LC gồm những linh kiện cuộn dây và tụ điện kết hợp. Sau đây là hình chụp một mạch crossover chia 3 way (1 input -> 3 output) tự chế.
Khi đấu dây loa, nhớ gắn đúng 2 cực dương và âm (+ -) mà nhà sản xuất đã đánh dấu bằng 2 màu đỏ và đen. Trường hợp mất dấu, không xác định được 2 cực, có thể dùng nguồn pin 9 VDC quẹt nhẹ vào cực loa và đổi chiều dòng điện. Chiều nào nguồn điện tác động vào màng loa đẩy ra thì theo hai cực (+ -) của pin mà đánh dấu. Riêng loa từ mid trở lên vì màng cứng, không phân biệt được chiều màng đẩy ra, chi còn cách dùng thiết bị chuyên dùng đo phase mà thôi (phase detector).
Việc đấu dây đúng cực rất quan trọng. Nếu chỉ có 1 loa hoặc loa đặt xa nhau, nếu có đấu sai cực cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng trong SK chuyên nghiệp, việc sử dụng rất nhiều loa giống nhau, đặt gần nhau, và phát cùng một tần số là thông dụng. Một nguyên lý về âm học : Khi hai âm thanh có tần số giống nhau nhưng nghịch phase đặt gần sát bên nhau, âm lượng phát ra sẽ cộng hưởng đối xứng và sẽ bị “triệt tiêu”. Các bạn thấy điều này cực kỳ quan trọng phải không? Vậy khi đấu dây loa, bạn nhớ chú ý nhé.
Đến đây là hết chương 1 giới thiệu những thiết bị AT SK. Chương kế tiếp là những phần thông số và hướng dẫn một số kỹ thuật AT. Hết loạt bài về AT cơ bản này, tôi xin giới thiệu với các bạn 1 đĩa DVD dài 75 phút hướng dẫn những thao tác thực tế để setup một dàn AT chuyên nghiệp. DVD này có tựa đề : “How to run your PA system” do nhiều hãng sản xuất thiết bị AT như JBL, Shure, Soundcraft, ART, v.v hợp tác làm. Mời các bạn nhớ đón xem.