Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Bông hồng cài áo!

Câu chuyện kể về một bà lão, chồng vừa mất. Bà dọn đến ở cùng hai vợ chồng người con và đứa cháu yêu quí.


Năm tháng đã bào mòn sức khoẻ của bà, đôi mắt kèm nhèm, tay lại run rẩy. Bà thường làm tung toé thức ăn trên bàn. Hai vợ chồng người con đã không giấu được vẻ khó chịu. Họ làm một cái bàn nhỏ và đề nghị bà dùng bữa tại đó.

Từ đó bà lão chỉ biết ngồi ăn một mình và nhìn những người khác trong nước mắt. Cứ thế cho đến một tối nọ, thấy con gái đang loay hoay sắp xếp đồ chơi của mình, người cha liền hỏi con:

- Này con gái cưng! Con đang xếp gì thế?

Cô bé ngây thơ nhìn cha và cười hồn nhiên:

- Con đang xếp một cái bàn nhỏ cho cha và mẹ, để cha mẹ có thể tự ăn một mình như bà khi con lớn lên!

Cha mẹ cô lặng người một lúc rồi cả hai bỗng nhìn nhau bật khóc. Đêm đó họ đã dẫn mẹ quay về chiếc bàn ăn của gia đình. Và từ đó bà đã cùng dùng bữa trong không khí đầm ấm.

Người con trai và con dâu dường như không có vẻ bực tức gì khi đôi lúc bà lại làm đổ thức ăn ra bàn.

“Nếu không biết nâng niu, quí trọng hạnh phúc từ những bông hồng còn đỏ thắm trên ngực áo bạn. Cũng đồng nghĩa với việc bạn đang gieo trồng những bông hồng trắng trong đầu óc con trẻ!”.


Sưu tầm

Băn khoăn của nhà có con gái lớn

Con gái mới lớn xinh hẳn ra nhưng chị Nhung lại thấy lo lắng vì cô bé khác quá: tính khí thất thường, hay xa lánh gia đình, chỉ thích buôn chuyện với bạn... Chị chẳng hiểu và không biết làm sao để gần gũi với con.

Có một sự khác biệt tâm lý rất lớn giữa một đứa trẻ và một thiếu nữ. Sự khác biệt này đôi khi làm cho bố mẹ bị "sốc" và cảm thấy bất lực vì không hiểu và thấy con xa dần vòng tay mình.

Không tâm sự

Điều làm cha mẹ lo lắng nhất là con gái tới tuổi teen (khoảng 12-13 tuổi trở đi) không còn tâm sự với họ nữa. Người mẹ nhìn vào mắt con mà không biết chúng nghĩ gì. Trước đó, cô con gái suốt ngày ríu rít bên mẹ, hỏi đủ thứ chuyện. Do đó, nhiều người mẹ cảm thấy bực bội, thấy con gái như người xa lạ.

Họ buồn bã, âu lo và phản ứng mạnh trước sự thờ ơ của con: Từ năn nỉ, dọa nạt cho đến quản lý việc sinh hoạt vui chơi của con (như can thiệp vào việc chọn kênh truyền hình, cấm con đi chơi tối, bắt con chọn nghe loại nhạc khác...). Khi tất cả những biện pháp ấy đều vô ích cha mẹ trở nên căng thẳng và đôi khi... thả nổi con cái luôn. Họ không biết đó là đặc tính chung của tất cả những đứa trẻ đang rời bỏ vai trò của một "cô bé con" để bước vào tuổi vị thành niên.

Nguyên nhân sự im lặng đột ngột của trẻ thật ra rất đơn giản. Hầu hết các cô bé tuổi teen đều có rất nhiều câu hỏi và ý kiến muốn nói với cha mẹ, nhưng chúng lại đoán trước họ sẽ không đồng ý nên không nói nữa. Chẳng hạn, khi muốn trò chuyện với mẹ về giới tính, bạn bè hay thời trang và những băn khoăn về tương lai, nghề nghiệp... trẻ ngại ngần không biết mẹ có mắng át đi không, liệu mẹ có đủ tâm lý và hiện đại để giải thích cho mình hiểu không hay sẽ nói: "Con còn nhỏ biết gì" hoặc "ngày xưa, hồi bằng tuổi con...".

Tốt nhất, bạn nên để cho con có những khu vực riêng tư, đừng dồn ép chúng phải bộc lộ tâm tư và luôn thể hiện cho trẻ biết bất cứ lúc nào bố mẹ cũng sẵn sàng trò chuyện với chúng về tất cả mọi việc.

Không gắn bó

Khi trở thành một thiếu nữ, trẻ tự nhiên thích tách rời khỏi sinh hoạt chung của gia đình. Đi chợ, đi chùa... với mẹ một cách miễn cưỡng, chỉ trừ khi cô bé thích đi mua sắm gì đó thì mới chịu "bám lấy mẹ" mà thôi. Trẻ cần nhiều thời gian riêng tư để nói chuyện với bạn qua điện thoại, ngồi một mình suy tư hay viết nhật ký, blog hoặc tham gia vào những sinh hoạt riêng của nhóm...

Những "khoảng riêng" này khi gộp lại, nhất là trong mắt người mẹ sẽ thành một khối lượng thời gian lớn xa cách gia đình. Cha mẹ khó chấp nhận sự thay đổi này đồng thời lo lắng sẽ không quản lý nổi con nữa. Từ đó, người mẹ thường tìm đủ mọi cách để bắt buộc con phải tham gia vào các hoạt động chung của gia đình.

Nếu cứ bị bắt buộc phải đi đâu cùng cha mẹ thì trẻ dần dần sẽ kiếm thêm nhiều lý do hơn để được ở nhà một mình. Chúng sẽ hình thành tâm lý chống đối, xa lánh bố mẹ hơn.

Nếu là người mẹ khôn ngoan thì khi con không chịu đi chung với mọi người, bạn cứ để chúng ở nhà, giao một việc gì đó cho làm. Khi về, bạn nên kể lại những điều vui vẻ trong chuyến đi và khôn khéo hỏi chúng những gì xảy ra ở nhà. Bạn cũng đừng giận giữ, chỉ tỏ vẻ buồn vì thiếu vắng nhớ nhung chúng mà thôi. Điều này có thể khiến con gái cho rằng nó có vai trò quan trọng trong gia đình và lần sau sẽ tự động đề nghị đi cùng cả nhà.

Thay đổi tính nết

Vui rồi buồn, vừa ca hát xong lại ngồi lầm lì, mới tỏ vẻ yêu thương bố mẹ lại giở giọng cãi lại... Những thay đổi "sớm nắng chiều mưa" này cũng chỉ là biến chứng của tuổi teen mà thôi. Cha mẹ đừng quan tâm quá đáng rồi làm to chuyện.

Chỉ khi nào trẻ có triệu chứng mắc bệnh trầm cảm, quá thu mình hay có những biểu hiện tâm lý bất thường lặp đi lặp lại, bạn mới nên tìm cách can thiệp khéo léo, chẳng hạn con gái ủ rũ bỏ ăn, thường xuyên đóng cửa tự nhốt mình trong phòng... Người mẹ cần thường xuyên trò chuyện và chia sẻ với con, nghe chúng ca thán về trường học, các cô bạn thân... Nếu bạn nghe thấy con thốt lên những câu nặng nề như "con chỉ muốn chết đi cho rồi" hay "con chán chẳng thiết sống nữa" thì phải tìm hiểu nguyên nhân ngay.
Trường hợp cha mẹ không trực tiếp tâm sự được với con thì nên tìm những người cô bé quý mến, như anh chị em họ hay cô dì chú bác nào đó rồi nhờ họ trò chuyện với em một cách tế nhị.


(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Con trai lệch lạc vì mẹ quá chiều

Đang tận hưởng những giây phút bồng bềnh cùng chồng, chị Xuân chết lặng khi thấy cậu con trai tuổi teen đẩy cửa phòng ngủ bố mẹ, mắt trân trân nhìn vào. Gặp ánh nhìn của mẹ, cậu bé vùng chạy về phòng, nhốt mình lại.

Khi tìm đến phòng tham vấn tâm lý, đôi mắt chị Hải Xuân (Hà Nội) vẫn sưng mọng. Chị thấy đau khổ vô cùng vì không biết làm gì với cậu con trai của mình.

Theo lời chị kể, anh chị chỉ sinh được đứa con. Vì anh làm về ngành xây dựng nên thường xuyên công tác xa nhà. Chị dồn hết mọi sự chăm sóc và tình cảm cho cậu con trai. Cậu bé cũng rất thương và quấn quít với mẹ.

Chị rất tự hào vì trong khi các phụ huynh khác tá hỏa bởi con cái bước vào tuổi dậy thì là bắt đầu "trở chứng" hay cãi lại mẹ và dần trở nên khép mình, không còn tình cảm với gia đình như trước nữa, mà con trai chị vẫn ngoan và gần gũi mẹ. Có chuyện gì ở lớp, ở trường, cậu bé cũng kể với chị. Những ngày bố vắng nhà, cậu vẫn ôm mẹ ngủ, rủ rỉ với chị đủ thứ chuyện trên đời.

Nhưng mỗi khi chồng về, chị Xuân cảm thấy cậu con trai có vẻ không được vui. Có lần, khi chị ngủ với chồng, nó còn tỏ ra giận dỗi. Rồi gần đây nhất, khi anh được nghỉ vài ngày, lúc vợ chồng đang ân ái thì cả hai gần như chết đứng khi thấy cậu con trai chôn chân trước cửa phòng, mắt trân chối nhìn cảnh yêu đương của bố mẹ.

Sau lần này, cậu bé tự nhốt mình trong phòng, không nói năng gì cả, đôi mắt trở nên thất thần. Âu yếm, khóc lóc, van xin con nói mà không được, chị Xuân đành phải tìm tới nhờ nhà tâm lý giúp mình.

Theo nhà tham vấn tâm lý Hoàng Nhân, Trưởng Văn phòng tham vấn tâm lý và thám tử Hoàng Nhân (phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội) sự yêu chiều, bao bọc quá mức, những cử chỉ âu yếm, gần gũi của mẹ dành cho con trai nhiều khi lại thành gây hại. Ông cho biết, đa số các trường hợp này đều rơi vào những gia đình có một con trai hoặc người con trai đó dễ thương, xinh xắn nhất trong số anh chị em của mình. Người mẹ chăm bẵm, cưng chiều con quá mức và luôn có những lời nói, cử chỉ thể hiện tình cảm như ôm, hôn... và duy trì điều này ngay cả khi con đã trưởng thành.

Điều này có thể sẽ biến con trai họ trở thành những người đàn ông yếu đuối, luôn có nhu cầu được chở che, âu yếm từ người khác phái. Nó cũng gây sự dựa dẫm và có thể lệch lạc về tâm lý. Một số người còn tỏ thái độ ghen tỵ với các chị em gái trong nhà, thậm chí ghen với cả bố mình.

Không chỉ ảnh hưởng tới con trai, mà trong những trường hợp này, ngay cả người mẹ cũng sẽ gia tăng tính ích kỷ và chiếm hữu với con. Những người này sau đó thường rất khó chấp nhận và hòa hợp với con dâu khi con trai lập gia đình.

Ngoài ra, nhiều khi, sự thể hiện tình cảm và nhu cầu được âu yếm vuốt ve của người mẹ đôi khi lại tạo điều kiện thuận lợi cho những đứa con trục lợi.

Chị Hữu, 37 tuổi (Từ Liêm, Hà Nội) rất cưng chiều cậu quý tử của mình. Hải, con trai chị từ nhỏ đã thông minh nhưng khá nghịch ngợm. Lúc nhỏ, chị thường ôm ấp con rồi xuýt xoa, khoe khắp nơi. Con lớn, chị cũng vẫn giữ thói quen vậy.

Thế nhưng, từ năm cuồi cấp 2, cậu con trai chị bắt đầu khó chịu với những cử chỉ âu yếm của mẹ. Cậu bé thường gắt lên và chạy ra chỗ khác khi chị định ôm hay thơm lên má con như hồi còn bé. Và tất nhiên, nó nhất định không chịu ngủ cùng chị mỗi khi bố vắng nhà như ngày trước. Chị nghĩ con sợ bạn biết sẽ xấu hổ nên chỉ cười trừ.

Rồi cậu con trai ngày càng hay bỏ học, lấy tiền đóng học phí đi ăn chơi. Chị mắng con nhưng chẳng thấy tác dụng gì. Và cậu bé nhận ra một chiêu rất hay: Mỗi lần muốn xin mẹ tiền hay làm mẹ bớt giận, không mắng mỏ, chỉ cần lại gần nịnh nọt vài câu rồi ôm mẹ, xoa tay, vuốt tóc mấy cái là xong. Cứ thế, chiêu này được tận dụng triệt để. Họ hàng và người quen đều nhận ra điều này và khuyên chị Hữu nên xem lại vì chính sự nuông chiều của chị đang làm hư con nhưng chị không hề nghĩ vậy.

Theo nhà tham vấn tâm lý, các bà mẹ thường ngộ nhận những cử chỉ âu yếm với con trai là những cách thể hiện tình cảm hết sức bình thường, tự nhiên. Và bởi vì nó rất ngọt ngào nên không ai muốn thay đổi cả. Thực tế, chuyện trong gia đình con trai thường hợp với mẹ hơn hay con gái yêu bố hơn là điều hết sức bình thường. Và không phải cứ cậu con trai nào tình cảm với mẹ cũng là yếu đuối và có "vấn đề" về tâm lý, nhưng rõ ràng các bà mẹ cũng cần thận trọng trong cách thể hiện tình cảm với con.
Ngay từ khi con còn nhỏ, người mẹ nên tập cho con tính tự lập và bộc lộ tình cảm với con một cách đúng mực. Khi con lớn hơn, nhất là bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, người mẹ càng cần chú ý đến điều này, nên hướng con có những quan hệ khác giới lành mạnh, giúp con tự tin, thể hiện những tính cách của người đàn ông thực sự.

4 cách giúp bé ham vận động

Đâu tiên, dọn dẹp nhà cửa là việc bé có thể tham gia hàng ngày. Những công việc hàng ngày thế này sẽ giúp bé năng động và khỏe mạnh hơn.Bạn nên hỏi ý kiến bé về cách bài trí đồ đạc trong phòng riêng. Nếu bé thích cất truyện tranh trong ngăn kéo, treo váy đỏ lên những chiếc móc màu hồng… bạn cứ để bé được tự do. Nếu bé thích chuyển chiếc ghế từ phòng riêng ra phòng khách mỗi lần xem tivi, bạn nên khuyến khích bé.




2. Cùng bé đi mua sắm

Bé thích hoạt động vừa thông minh, nhanh nhẹn lại khỏe mạnh, vui tươi.

Với những bé thừa cân, bạn càng nên khuyến khích bé chạy nhảy, vui chơi.Với nhóm bé ít phải đi bộ thì việc mua sắm nhanh chóng trở thành cực hình. Bé sẽ nhanh than mệt mỏi và không muốn tiếp tục cuộc hành trình cùng bạn nữa.

Cách tốt nhất là cuối tuần, bạn gợi ý để bé cùng dạo chơi trong siêu thị. Hạn chế cho bé ngồi trên xe đẩy hàng trong siêu thị. Điều này sẽ khiến bé lười và ngại vận động hơn. Với những bé hay mệt, bạn nên giới hạn thời gian đi bộ cho bé.

3. Thách thức bé tham gia những cuộc chơi

Nếu bạn muốn tạo một trò chơi vận động hấp dẫn cùng bé, bạn nên học cách thách thức bé. Câu nói: “Hai mẹ con mình cùng chạy nhé” không đủ sức hấp dẫn bằng lời động viên: “Mẹ và con cùng thi chạy. Ai thắng sẽ được giải thưởng”.

4. Vui chơi vào buổi chiều

Những cuộc đi bộ dài hơn trước giờ cơm tối cũng giúp bé khỏe mạnh. Vừa đi, bạn vừa cùng bé học đếm số; chẳng hạn, hai mẹ con đếm được bao nhiêu gốc cây, cột đèn đường, con mèo, thùng rác…

Hãy bắt đầu bằng những câu chuyện thú vị để lôi kéo bé, bé sẽ vui vẻ đi bộ cùng bạn trong vòng 1km hoặc dài hơn một chút. Cách này vừa giúp mẹ con thân mật và khỏe mạnh cùng nhau.


Theo Women

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Hoang mang sĩ tử “sống thử”

Đã có không ít sĩ tử dù mới chân ướt chân ráo lên thành phố ôn thi đã sớm lơ là nhiệm vụ chính mà lao vào yêu đương và tranh thủ “sống thử” với người yêu một cách vội vàng, gấp gáp, thiếu hiểu biết.





Những cặp “vợ chồng lớp 13”...

Theo chân Liên - sinh viên năm thứ 3, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội chúng tôi tìm đến khu trọ của cô để được “tận mục sở thị” cuộc sống thử của những cặp “vợ chồng” sĩ tử lớp 13 tại đây.

Theo như lời của Liên, các sĩ tử lớp 13 dù chưa là sinh viên nhưng cũng sành sỏi chẳng khác gì các “ét vê”. Họ yêu đương tay đôi, tay ba rồi cũng tranh thủ dọn về sống thử với nhau như những cặp vợ chồng thực thụ. “Ối! chúng nó (sĩ tử lớp 13 - PV) bây giờ liều lĩnh và táo bạo lắm. Một số em được cha mẹ cho lên đây ôn luyện nhưng sớm nhiễm các thói ăn chơi, cũng lao vào đề đóm, điện tử, yêu đương rồi sống thử như ai vậy. Với các em ý học chỉ là chuyện thường, yêu mới là chính...”, Liên cho biết.

Cả dãy trọ nơi Liên đang sống có tất cả 10 phòng nhưng từng có tới 3 phòng là của 3 cặp “vợ chồng” sĩ tử sống thử với nhau. Cách đây đúng 3 tuần, một cặp “vợ chồng” cùng quê Thanh Hóa vừa phải khăn gói về quê vì cái thai trong bụng quá lớn, không thể bỏ được. Hai người này cùng quen nhau trên một chuyến xe ra Hà Nội ôn thi đại học và ra đến Hà Nội là dính luôn “tiếng sét ái tình”. Không hiểu chàng trai thuyết phục kiểu gì mà chỉ một tháng sau, cô gái đồng ý dọn đến ở chung. Mới đầu đến ở với nhau, cả hai tỏ ra khá hòa thuận, học hành chăm chỉ lắm.

Ấy vậy mà chỉ được một thời gian sau, số buổi lên lò luyện cứ giảm dần để nhường thời gian cho tình yêu. Kết quả là cô gái bị “dính” bầu và hôm bố mẹ hai bên lên dàn xếp chuyện của hai đứa đã không khỏi choáng váng. Mẹ của cô gái đã không ít lần khóc lên khóc xuống vì trong trí tưởng tượng của bà, bà vẫn nghĩ rằng đứa con gái ngoan của mình không thể nào làm được những chuyện như thế.

Tiếp cận với L. quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên, đang ôn thi vào Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền (1 trong 2 cặp sĩ tử còn lại cùng dãy trọ với Liên) chúng tôi được biết, Linh và “vợ” là T. quê ở Thái Nguyên đang ôn thi vào trường Đại học sư phạm Hà Nội tình cờ quen nhau trong một lò luyện ở Cầu Giấy (Hà Nội). Cả hai mới ra đây ôn thi từ ngoài Tết. Học cùng một lò luyện thi lại ở cùng một dãy trọ, sớm tối lúc nào cũng nhìn thấy mặt nhau nên L. và T. phát sinh tình cảm với nhau lúc nào không biết. Dù biết thời gian để ôn luyện không có nhiều nhưng lỡ có tình cảm với nhau nên cả hai đã quyết định dọn về sống chung với nhau để còn “giúp nhau học tập”.

L. tâm sự: “Biết là yêu thì sẽ ảnh hưởng đến việc học, nhưng lỡ có tình cảm với nhau rồi nên chúng em không thể xa nhau được. Với lại anh tính, bây giờ lên Hà Nội, sống xa gia đình nên có rất nhiều chuyện phức tạp. Vậy tại sao không nương tựa vào nhau mà sống? Mình còn trẻ nên suy nghĩ cũng phải thông thoáng hơn người lớn”.

Tuy nhiên, chính L. cũng phải thừa nhận từ khi về sống với nhau, thời gian vui vẻ cứ giảm dần để nhường chỗ cho những cơn cãi vã, to tiếng. “Cả hai bọn em vẫn còn ít tuổi, chưa vượt thoát khỏi cái “lốt” trẻ con nên đôi lúc chẳng ai chịu nhường ai. Em toàn phải dành nhiều thời gian để làm lành sau những cuộc cãi vã chính vì thế mà tâm trí dành cho việc học cũng bị phân tán đi. Đang lo không biết từ giờ cho đến khi kỳ thi đại học diễn ra có học hết chương trình để kịp thi không nữa. Năm nay mà rớt nữa thì chỉ có nước về nhà làm phụ hồ thôi...”, L. than thở.

...Đến học sinh mới thi xong tốt nghiệp

Chuyện các sĩ tử “lớp 13” có thời gian để tìm hiểu, yêu đương rồi sống thử với nhau còn có cớ để tin nhưng choáng váng hơn khi có những teen vừa mới thi xong tốt nghiệp, mới chân ướt chân ráo lên thành phố cũng đã tập tành sống thử.

Với sức học vào loại khá nên thi xong tốt nghiệp là M. tự tin gói ghém quần áo rời Quảng Bình ra ngay Hà Nội để tìm lò luyện thi đại học. Được bà cô giao cho hẳn một căn hộ chung cư gần lò luyện để đi lại cho tiện nên M. không phải bận tâm gì đến chuyện ăn ở. Tuần đầu mới ra, M. chỉ biết học và học.

Bước sang tuần thứ hai, anh chàng bắt đầu để ý đến cô bạn gái người Tuyên Quang có nước da trắng ngần, thường ngồi ngay trước mặt. Có nhiều hôm M. ngồi học mà mắt cứ để vào “người ấy” như kẻ mất hồn. Thế rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Không dám rủ người yêu về sống cùng vì sợ bà cô phát hiện nhưng thi thoảng cứ 23h đêm trở lên là M. lại alô bảo người yêu đến “ôn bài qua đêm”!



Lơ là nhiệm vụ ôn thi khi lên thành phố, nhiều sĩ tử đã đánh mất những cơ hội bước chân vào giảng đường đại học, thậm chí phải trở thành những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ ở độ tuổi chưa đáng có.
Qua những lần chat chit trên mạng, nữ sinh T. (Thái Bình) tình cờ biết Q. (Bắc Ninh). Tình yêu giữa họ nảy nở khi họ nhận ra cả hai đều có chung chí hướng trở thành bác sĩ, đều thi khối B. Tuy nhiên, Q. là sĩ tử “lớp 13” đã có “thâm niên” trượt đại học 1 năm nên được bố mẹ tạo điều kiện cho ra Hà Nội ôn thi từ hồi cuối năm 2008. Hai bên giao hẹn với nhau khi nào thi xong tốt nghiệp THPT là T. phải xin gia đình cho ra Hà Nội học ôn cho bằng được để có điều kiện “giúp đỡ” nhau.

Để trấn an phụ huynh, T. phải “cầu cứu” chị gái đứa bạn thân đang học đại học ở Hà Nội gọi điện về “bảo lãnh” thì gia đình mới chịu cho lên. Vừa bước chân lên đến bến xe Mỹ Đình, T. đi thẳng về phòng trọ của Q. và sống với nhau như một cặp “vợ chồng sĩ tử” thực thụ. Khỏi phải nói, đôi sĩ tử này đã quấn lấy nhau như một đôi sam sau những tháng ngày xa cách.

Chị gái đứa bạn thân biết đến can ngăn thì T. hờn dỗi: “Chị nhìn thấy em đang hạnh phúc mà không mừng lại còn dùng lời lẽ để chia cách. Em và anh ấy yêu nhau đã lâu, không có cơ hội bên nhau nhiều nên phải tranh thủ từng giây, từng phút. Mong chị thông cảm và thấu hiểu cho em”. Bà chị bạn nghe T. nói thế cũng đành bó tay ra về.

Sống thật với nỗi hoang mang

Khi hỏi một số sĩ tử, bạn không sợ sẽ ảnh hưởng đến việc ôn luyện của mình hay sao mà lại lao vào yêu đương, sống thử? Nhiều người hồn nhiên trả lời, sống thử có gì là xấu đâu. Họ lý giải rằng, việc rời gia đình lên thành phố ôn luyện khiến họ rất thiếu thốn tình cảm nên sống thử hòng “bù đắp” cho nhau cũng là một chuyện dễ hiểu. Một số khác lại cho rằng, trong môi trường học tập cần phải có người để trao đổi bài vở thường xuyên thì việc sống thử vừa giúp họ thuận lợi trong học tập lại thỏa mãn được vấn đề tình cảm...

Tuy nhiên, khi đề cập đến cảm nhận của mỗi người sau một thời gian sống thử với nhau thì đại đa số đều thay đổi hẳn thái độ. Một số im lặng, cúi đầu một cách khó hiểu. Một số thật thà bộc bạch: “Khi về sống thử với nhau, bọn em chỉ nghĩ đơn giản là biết có được làm sinh viên hay lại trượt, lại phải về quê lấy chồng sinh con nên tranh thủ sống với nhau.

Nhưng sống thử rồi mới biết cuộc sống không lãng mạn như mình nghĩ. Tự do bị hạn chế. Việc học chẳng đâu vào đâu. Lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ mất người yêu và sợ người nhà lên phát hiện. Hoang mang hơn cả là học không vào, càng học càng thấy lỗ hổng kiến thức càng nhiều...”. Đấy không chỉ là tâm trạng riêng của một người mà là tâm trạng chung của rất nhiều sĩ tử đang sống thử. Họ rất hoang mang nhưng không dám nói ra vì sợ xấu hổ.

Theo Dân Trí
DBS M05479
Quang Cao