Hiển thị các bài đăng có nhãn trẻ em. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn trẻ em. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Trẻ cần biết những gì để tránh bị xâm hại

Từ tuổi mẫu giáo, con bạn đã phải biết những chỗ nào trên cơ thể không được cho người lạ động chạm vào. Bạn cũng cần dạy trẻ cách cự tuyệt khi có những dấu hiệu nguy hiểm.

Bà Phạm Quế Anh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng (CEFACOM), cho biết, để tránh tai họa cho con, cần dạy cho trẻ - cả bé trai và bé gái - cách nhận diện những kẻ xâm hại và thoát khỏi chúng.

Nói với trẻ ai có thể là yêu râu xanh

Bạn cho con biết rằng có những người lớn không tốt, thường tìm cách dụ dỗ để làm hại trẻ con. Đó có thể là bất cứ ai, cả người quen lẫn người lạ, người hoc vấn cao và thấp, đàn ông và phụ nữ, trẻ hay già. Phần lớn kẻ xâm hại là người mà trẻ quen biết hoặc tin tưởng như khách quen của gia đình, hàng xóm, anh chị hoặc bạn lớn tuổi, thậm chí cả họ hàng thân thích.

Nói với trẻ sự việc có thể xảy ra như thế nào

Thông thường, kẻ xâm hại áp dụng một quá trình làm quen và dụ dỗ. Trước hết, hắn tìm cơ hội để có thể tiếp cận với trẻ như ở trường, sân chơi, nhà hàng xóm hoặc tại chính nhà của trẻ. Bước tiếp theo là kết thân bằng cách giúp đỡ học tập, chăm sóc, tặng quà, kẹo bánh..., rồi có thể đến nhà, xin phép bố mẹ cho trẻ đi chơi.

Tiếp theo, vào những lúc vắng vẻ, kẻ xâm hại bắt đầu thử đụng chạm, sờ mó trẻ, nếu bị từ chối hay bỏ đi thì sẽ ngừng. Nếu em bé không từ chối (thường do yêu mến nên hoang mang không biết cư xử ra sao), hành vi đồi bại sẽ được tiếp tục.

Dạy trẻ cách phản ứng

Trước hết, bạn nên cho con biết rằng trên cơ thể bé có những điểm kín đáo mà không ai được phép đụng chạm vào, trừ người thân khi làm vệ sinh cho bé. Nếu có ai chạm vào, nhất là khi không có người khác bên cạnh, thì đó là hành vi xấu chứ không phải thể hiện tình yêu thương.

Khi bị đụng chạm, trẻ thường bối rối không biết có nên từ chối người mình yêu mến không. Và dù chưa hiểu hết, chúng cũng nghĩ rằng không nên nói với ai, và dần thích nghi. Vì vậy, bạn cần dạy con quy tắc: Phản đối - bỏ đi - kể lại.

Nói với con rằng, nếu có ai tìm cách đụng chạm vào những nơi nhạy cảm, cần phản đối một cách kiên quyết. Trong những tình huống khẩn cấp, có thể làm bất cứ điều gì để được an toàn như gào to, kêu khóc, cắn... và bỏ đi ngay để thoát thân.

Thường kẻ xâm hại thường đe dọa hoặc mua chuộc để bắt nạn nhân giữ bí mật; hoặc chính trẻ không dám nói vì nghĩ mình có lỗi. Vì vậy, bạn hãy nói với con rằng nếu sự việc xảy ra thì đó không phải là lỗi của bé, và bé không phải sợ bị kẻ kia làm hại nếu nói ra, bởi đã có bố mẹ bảo vệ, và bởi kẻ làm việc xấu luôn sợ người tốt.

Cha mẹ cần khuyến khích trẻ kể lại những hành vi hơi khác thường mà người lớn làm với chúng để kịp thời nhận ra các dấu hiệu nguy cơ cho con. Muốn vậy, bạn cần phải thực sự gần gũi trẻ, lắng nghe, hỏi chuyện về cuộc sống của con hằng ngày.

Yêu râu xanh thường lựa chọn những em bé nhút nhát, tự ti, ít bạn bè. Vì vậy, để bảo vệ con, bạn cần dạy trẻ biết tự tin, quý trọng bản thân, không quá tôn sùng người lớn, người lớn bảo gì cũng nghe lời...


VnE

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Băn khoăn của nhà có con gái lớn

Con gái mới lớn xinh hẳn ra nhưng chị Nhung lại thấy lo lắng vì cô bé khác quá: tính khí thất thường, hay xa lánh gia đình, chỉ thích buôn chuyện với bạn... Chị chẳng hiểu và không biết làm sao để gần gũi với con.

Có một sự khác biệt tâm lý rất lớn giữa một đứa trẻ và một thiếu nữ. Sự khác biệt này đôi khi làm cho bố mẹ bị "sốc" và cảm thấy bất lực vì không hiểu và thấy con xa dần vòng tay mình.

Không tâm sự

Điều làm cha mẹ lo lắng nhất là con gái tới tuổi teen (khoảng 12-13 tuổi trở đi) không còn tâm sự với họ nữa. Người mẹ nhìn vào mắt con mà không biết chúng nghĩ gì. Trước đó, cô con gái suốt ngày ríu rít bên mẹ, hỏi đủ thứ chuyện. Do đó, nhiều người mẹ cảm thấy bực bội, thấy con gái như người xa lạ.

Họ buồn bã, âu lo và phản ứng mạnh trước sự thờ ơ của con: Từ năn nỉ, dọa nạt cho đến quản lý việc sinh hoạt vui chơi của con (như can thiệp vào việc chọn kênh truyền hình, cấm con đi chơi tối, bắt con chọn nghe loại nhạc khác...). Khi tất cả những biện pháp ấy đều vô ích cha mẹ trở nên căng thẳng và đôi khi... thả nổi con cái luôn. Họ không biết đó là đặc tính chung của tất cả những đứa trẻ đang rời bỏ vai trò của một "cô bé con" để bước vào tuổi vị thành niên.

Nguyên nhân sự im lặng đột ngột của trẻ thật ra rất đơn giản. Hầu hết các cô bé tuổi teen đều có rất nhiều câu hỏi và ý kiến muốn nói với cha mẹ, nhưng chúng lại đoán trước họ sẽ không đồng ý nên không nói nữa. Chẳng hạn, khi muốn trò chuyện với mẹ về giới tính, bạn bè hay thời trang và những băn khoăn về tương lai, nghề nghiệp... trẻ ngại ngần không biết mẹ có mắng át đi không, liệu mẹ có đủ tâm lý và hiện đại để giải thích cho mình hiểu không hay sẽ nói: "Con còn nhỏ biết gì" hoặc "ngày xưa, hồi bằng tuổi con...".

Tốt nhất, bạn nên để cho con có những khu vực riêng tư, đừng dồn ép chúng phải bộc lộ tâm tư và luôn thể hiện cho trẻ biết bất cứ lúc nào bố mẹ cũng sẵn sàng trò chuyện với chúng về tất cả mọi việc.

Không gắn bó

Khi trở thành một thiếu nữ, trẻ tự nhiên thích tách rời khỏi sinh hoạt chung của gia đình. Đi chợ, đi chùa... với mẹ một cách miễn cưỡng, chỉ trừ khi cô bé thích đi mua sắm gì đó thì mới chịu "bám lấy mẹ" mà thôi. Trẻ cần nhiều thời gian riêng tư để nói chuyện với bạn qua điện thoại, ngồi một mình suy tư hay viết nhật ký, blog hoặc tham gia vào những sinh hoạt riêng của nhóm...

Những "khoảng riêng" này khi gộp lại, nhất là trong mắt người mẹ sẽ thành một khối lượng thời gian lớn xa cách gia đình. Cha mẹ khó chấp nhận sự thay đổi này đồng thời lo lắng sẽ không quản lý nổi con nữa. Từ đó, người mẹ thường tìm đủ mọi cách để bắt buộc con phải tham gia vào các hoạt động chung của gia đình.

Nếu cứ bị bắt buộc phải đi đâu cùng cha mẹ thì trẻ dần dần sẽ kiếm thêm nhiều lý do hơn để được ở nhà một mình. Chúng sẽ hình thành tâm lý chống đối, xa lánh bố mẹ hơn.

Nếu là người mẹ khôn ngoan thì khi con không chịu đi chung với mọi người, bạn cứ để chúng ở nhà, giao một việc gì đó cho làm. Khi về, bạn nên kể lại những điều vui vẻ trong chuyến đi và khôn khéo hỏi chúng những gì xảy ra ở nhà. Bạn cũng đừng giận giữ, chỉ tỏ vẻ buồn vì thiếu vắng nhớ nhung chúng mà thôi. Điều này có thể khiến con gái cho rằng nó có vai trò quan trọng trong gia đình và lần sau sẽ tự động đề nghị đi cùng cả nhà.

Thay đổi tính nết

Vui rồi buồn, vừa ca hát xong lại ngồi lầm lì, mới tỏ vẻ yêu thương bố mẹ lại giở giọng cãi lại... Những thay đổi "sớm nắng chiều mưa" này cũng chỉ là biến chứng của tuổi teen mà thôi. Cha mẹ đừng quan tâm quá đáng rồi làm to chuyện.

Chỉ khi nào trẻ có triệu chứng mắc bệnh trầm cảm, quá thu mình hay có những biểu hiện tâm lý bất thường lặp đi lặp lại, bạn mới nên tìm cách can thiệp khéo léo, chẳng hạn con gái ủ rũ bỏ ăn, thường xuyên đóng cửa tự nhốt mình trong phòng... Người mẹ cần thường xuyên trò chuyện và chia sẻ với con, nghe chúng ca thán về trường học, các cô bạn thân... Nếu bạn nghe thấy con thốt lên những câu nặng nề như "con chỉ muốn chết đi cho rồi" hay "con chán chẳng thiết sống nữa" thì phải tìm hiểu nguyên nhân ngay.
Trường hợp cha mẹ không trực tiếp tâm sự được với con thì nên tìm những người cô bé quý mến, như anh chị em họ hay cô dì chú bác nào đó rồi nhờ họ trò chuyện với em một cách tế nhị.


(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Những sai lầm khi dạy con

Mỗi bậc phụ huynh có kinh nghiệm và cách dạy con riêng. Nhưng vài điểm sau bạn cần tránh trong giáo dục con trẻ.

Con mình luôn đúng

Cuối tuần, Tâm cho hai đứa nhỏ về nhà ông bà ngoại. Đang dở câu chuyện, Tâm nghe tiếng con khóc.

Chạy ra ngoài sân, thấy thằng lớn đang chành chọe với trẻ hàng xóm, Tâm vội đẩy đứa trẻ hàng xóm ra, ôm lấy con dỗ dành:

“Khổ thân con, thôi nín đi để mẹ mắng anh ấy. Lớn rồi mà còn bắt nạt em”. Quát đứa trẻ hàng xóm xong Tâm mới tẽn tò khi biết con mình tranh đồ chơi của mấy anh lớn.

Bất kể con đúng hay sai, Tâm luôn bênh vực. Hễ ai “kể tội” con mình, Tâm lại ra sức biện minh. Chính vì thế mà con của Tâm luôn tỏ ra hách dịch, ích kỉ và thường bị bạn bè hàng xóm “hít le”.

Nói xấu con

Đứa con trai đã lớn, nhưng trong mắt Nga nó vẫn như trẻ lên ba. Sinh nhật con, bạn bè đến nhà liên hoan, thằng bé xấu hổ đỏ mặt khi Nga hồn nhiên khoe với bạn con:

“Thằng Thảo nhà bác nó không như các cháu. Lớn rồi mà hễ ai to tiếng một cái là chảy nước mắt, y như con gái ấy!”.

Nhóm bạn được phen chọc quê Thảo, còn Thảo từ đó rất ngại rủ bạn về nhà chơi. Cậu cũng không muốn chia sẻ với bố mẹ về những tâm tư tình cảm của mình nữa vì e có ngày mẹ lại “vui miệng” như thế.

So sánh con với trẻ khác

“Sao mày học dốt thế con, cứ nhìn bọn trẻ hàng xóm mà học tập. Con với chả cái, lúc nào đi họp tao cũng xấu hổ vì mày” - Hưng vừa cầm quyển sổ liên lạc vừa chửi con.

Cách dạy con của Hưng là luôn lấy con nhà khác ra so sánh rồi bắt con mình học theo. Hưng quan niệm rằng: “Con người ta làm được, thì con mình cũng phải làm được”.

Dù con không có chút năng khiếu nghệ thuật, Hưng vẫn ép nó đi học vẽ chỉ vì đứa bé hàng xóm đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh thành phố.

Dùng lại đồ của anh chị

Đầu năm học, khi đứa bạn khoe được bố mẹ mua cho xe đạp mới, Đức Anh (học sinh lớp 4) lại buồn rầu: “Em phải đi xe cũ của anh. Từ nhỏ cái gì bố mẹ cũng bắt em dùng đồ anh thải ra. Mẹ bảo em còn nhỏ, dùng tạm của anh, khi nào lớn mẹ sẽ sắm cho cái mới”.

Chị Oanh, mẹ Đức Anh cho rằng: “Bọn trẻ đang tuổi lớn, mới mua cho nó bộ quần áo tháng trước, tháng sau kêu cộc. Tôi cũng chóng mặt chuyện ăn mặc. Đành phải để thằng bé mặc lại đồ của thằng lớn để tiết kiệm. Mấy đứa con bây giờ khác bố mẹ ngày xưa, quần áo còn mới nhưng mặc lại thì cấm có chịu”. Đức Anh luôn phải chấp nhận dùng lại đồ của anh chị lớn mà không dám nói gì.

Không công bằng

Nhà có hai chị em nhưng Bảo luôn nghĩ “bố mẹ thương chị hơn mình”. Chị gái của Bảo ngoan ngoãn và học giỏi hơn. Hôm trước, chị đi chơi về muộn chỉ bị nhắc nhở. Còn hôm nay, Bảo đi về muộn đã bị bố đánh đòn.

Hai chị em mải chơi, vô tình làm vỡ cốc thủy tinh trên bàn. Chưa lên đến nơi, mẹ đã quát inh ỏi: “Lại thằng Bảo nghịch ngợm rồi. Con cái gì mà hư quá”. Bảo khóc lóc với bà ngoại: “Hễ có chuyện gì xảy ra trong nhà, thì cháu luôn bị bố mẹ mắng đầu tiên”.

Hiểu và dạy trẻ luôn là điều khiến các bậc cha mẹ phải đau đầu. Dạy con thế nào cho tốt, phụ huynh cần có kĩ năng và kiến thức. Đừng vì bản năng hay lý thuyết “ngày xưa…” mà áp đặt. Mỗi đứa trẻ ở một thời đại cần có cách dạy khác nhau. Hãy để trẻ tự học hỏi để phát triển toàn diện.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Nữ sinh hành xử giang hồ

Co ro người trong cảm giác sợ hãi và liên tục nhận những cái tát, giật tóc từ đám bạn, cô nữ sinh không dám phản kháng một lời vì còn có tới ba "đối thủ" khác đứng chống nạnh ở vòng ngoài. Màn ẩu đả của nhóm nữ sinh làm nhiều người đi đường tròn mắt.

Cảnh hỗn loạn diễn ra trên một góc đường gần cổng trường THPT ở quận 6, TP HCM vào buổi trưa, sau giờ tan học. Những người đi đường liếc nhìn nhóm học trò túm tụm chửi bới, vật lộn nhau rồi lắc đầu đi tiếp trong cái nắng gay gắt.

Không ít học sinh cùng lứa tuổi đứng xung quanh nhìn cô bạn bị đánh tơi tả, nhưng chẳng có ai dámvào can ngăn vì đây là "nhóm học sinh cá biệt, nổi tiếng có máu mặt trong trường, ai cũng sợ".

"Tao không ngờ mày xử sự như thế", "cho mày biết thế nào là chơi trội"... một người trong nhóm nữ sinh vừa nói vừa xông thẳng vào người cô bạn túm tóc giật giúi giụi xuống lề đường. Những thành viên còn lại trong nhóm từ phía sau cũng bắt đầu nhào vào "giao chiến". Không chỉ ẩu đả bằng chân, tay nhóm nữ sinh này còn liên tục tung ra những câu chửi thề thô tục. Khi nạn nhân đã ngã lăn ra, quần áo bê bết đất thì nhóm này mới chịu dừng lại, leo lên xe phóng thẳng.






Theo một học sinh, đó là nhóm thuộc diện "đàn anh đàn chị" trong trường, thường xuyên gây sự với những học sinh khác. Cô nữ sinh vừa bị một trận đòn do có xích mích và từng bị dọa đánh trước đó.

"Học sinh trong trường ai cũng biết nhóm này, nếu có món đồ gì hay cũng không thể mang đến trường vì bị cho là chơi trội. Nhiều bạn bị bắt nạt nhưng không dám thưa thầy cô vì sẽ bị xử lý ngày sau đó", một học sinh lớp dưới bày tỏ.

Nhiều nữ sinh ngày nay giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi đầy chất giang hồ như lột áo, rạch mặt... "Những bạn này thích mình trở thành người có tiếng, giống như muốn người khác phải có cảm giác sợ để mình trở thành người có cấp độ trong giới bạn bè", một bạn lý giải.

Cách đây không lâu, học sinh một trường THCS ở Hóc Môn, rùng mình về cách hành xử của một nữ sinh lớp 9. Vì mâu thuẫn nhỏ mà nữ teen này đã dùng dao lam rạch mặt bạn trên đường đi học khiến cô bạn cùng trường phải khâu 22 mũi chi chít trên mặt và đầu. Trước đó, nữ sinh này đã có màn "mở đầu" đe dọa trước nhưng bị thầy giáo phát hiện nên đã ra tay vào một lần khác, sau giờ tan học.

Để tránh sự kỷ luật của thầy cô, ban giám hiệu nhà trường, nhiều học sinh thường gây sự với bạn bè ở ngoài đường hay khu vực vắng. Nhưng cũng có những em còn ngang nhiên hành xử với bạn học ngay cả trong nhà vệ sinh, và trong lớp.

Như việc hai nữ sinh lớp 7 trường THCS Tân Tiến, huyện Củ Chi, đánh nhau trong lớp vào giờ ra chơi hôm 23/4 vừa qua làm một em bị ngất xỉu tại chỗ. Khi nhà trường phát hiện, phải đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong khiến sau đó buộc công an phải vào cuộc điều tra.

Cảnh hành xử kiểu giang hồ, đánh nhau giữa phố của các nữ sinh còn được nhiều bạn trẻ quay thành những clip đưa lên mạng để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Trên các diễn đàn forum, blog, hàng loạt hình ảnh nữ sinh ở các trường phổ thông đánh nhau lột cả áo trên đường.

Trong một blog, cuộc "giải quyết xích mích" của hai nữ thành viên của lớp diễn ra trước sự chứng kiến của các bạn xung quanh, nhiều em còn quay phim, chụp ảnh như một trò vui. Sau đó, một nữ teen còn cầm nắm cúc áo bỏ trong lòng bàn tay giơ lên cao như khoe chiến tích. "Vậy là xong rồi nhé, không còn thắc mắc gì nữa, mọi vấn đề đã được giải quyết", nữ sinh bị đánh thoải mái vừa nói vừa lôi chiếc áo thun trong cặp ra thay cho chiếc áo trắng đồng phục đã bị đứt không còn một cái cúc nào.

Không chỉ có cách hành xử kiểu xã hội đen với những bạn cùng trang lứa, nhiều nữ sinh còn xử sự thiếu văn hóa với cả những người đáng tuổi cha chú ở những nơi công cộng.

Một ngày giữa tháng 5, trong dòng người đang cố len ra khỏi đoạn đường bị kẹt cứng, người phụ nữ loay hoay với xe hàng nặng vô tình đụng phải hai nữ sinh. Ngay lập tức, hai cô gái đang chở nhau còn mặc nguyên bộ đồng phục, chống nạnh đẩy người phụ nữ loạng choạng với chiếc xe đầy ắp hàng. "Bà đi kiểu gì thế", một cô bé có khuôn mặt khá dễ thương quay sừng sộ rồi đạp thêm một cái vào chiếc xe đổ. Hàng trăm con mắt đổ về nhìn cô gái trẻ đầy sững sờ, trong khi cô gái thì khúc khích cười nói rồi quay đi. Trong chốt lát, họ lên xe phóng thẳng.

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Mẹ sành điệu, con vào đời sớm

Dãy "quý tộc" khu Hoàng Cầu không ai không biết đến mẹ con chị L. Dù chỉ làm thủ thư nhưng nhờ có chồng giàu nên mức độ chi tiêu vào nhan sắc của chị chẳng thua kém mấy em "chân dài" là mấy.

4 giờ chiều, khi những bà mẹ khác từ công sở về tất bật lo bữa cơm cho gia đình thì chị nhởn nhơ đi Spa, mọi việc nhà đã có oshin lo hết.


Tối tối, nếu chồng đi công tác dài ngày, chị đến vũ trường giải khuây. Để tránh điều tiếng, chị không quên rủ cô con gái 16 tuổi đi cùng.

Chẳng biết có phải đi cùng mẹ sành điệu sợ mình “nhà quê” hay không mà D., con gái chị, cũng tập tành ăn mặc trang điểm cho giống mẹ. Áo dây, quần ngắn cũn cỡn, mắt môi không khi nào quên tô vẽ. Mẫu điện thoại, nước hoa nào mới ra, mẹ sắm một chiếc thì y như rằng D. cũng phải có cái thứ hai cho đỡ ghen tị.

Rồi cũng chẳng cần phải đợi mẹ rủ đi vũ trường như xưa, buổi tối sau khi ăn cơm ở nhà, D. phóng luôn Piagio của mẹ đi hát hò, sinh nhật.

Thay vì định hướng cho con gái, chị L. lại không giấu nổi tự hào khi có ai đó đùa “trông hai mẹ con hệt hai chị em”, vì mẹ ngày càng trẻ ra còn con gái mỗi lúc một già dặn. Thấy hàng xóm xì xào chuyện con gái có người yêu đưa đi đón về, chị chỉ cười, còn nói vui “con bé ít tuổi thế mà đã sớm đắt chồng”.

Chỉ đến khi “được” công an mời lên phường vì D. bị bắt trong một ổ lắc, chị mới ân hận đã vô tình đẩy con vào đường ăn chơi quá sớm.

Đỡ đạn cho bố

K. - quý tử độc đinh của nhà anh M., chị H. lại khác. Sau hai “thị mẹt”, cố mãi được K., cả gia đình mừng như bắt được vàng.

Biết lợi thế của mình, ngay từ nhỏ K. đã tỏ rõ sự khác biệt với các bà chị. Cậu chỉ thích đồ chơi bạo lực với xe tăng, dao súng… Cái gì không như ý là cậu khóc, giận dỗi bỏ cơm, và y như rằng, hôm sau đồ chơi đắt tiền hay truyện tranh ghê rợn mấy cũng có trong phòng cậu.

Lớn hơn chút nữa, thấy bạn bè của bố đến nhà uống rượu, hút thuốc, K. cũng muốn được thử. Thay vì khuyên can con, bố K. khích lệ: “Cái thằng, sớm có bản lĩnh, “đỡ đạn” được cho bố”.

Được ủng hộ, K. càng hăng máu. 14 tuổi mà rượu tây, tàu, cho đến cuốc lủi cậu đều kinh qua, đọc vanh vách cả tên nhãn, giá cả, nguồn gốc…

Từ đỡ đạn cho bố, K. cũng muốn làm anh hùng đỡ tiền cho bạn bè. Bố tiếp khách ở nhà hàng, khách sạn nào thì rồi cậu cũng lôi bạn bè đến đánh chén ở đó để chứng tỏ đẳng cấp “con ông cốp”.


“Con ông cốp” đến cái tuổi tò mò nghe nhiều chuyện của bố và chiến hữu còn biết kiếm cả phim X về xem, xem rồi “thử” luôn cho biết tường biết tận.

Bố mẹ quý tử vẫn đinh ninh cậu là đứa con út bé bỏng ngày nào, đâu biết đằng sau vẻ bề ngoài trẻ con ấy là một tâm hồn lớn không đợi tuổi khi rượu chè, phim ảnh, gái gú K. đều đã trải qua.

Có tiền, có của, chăm sóc vật chất đầy đủ cho con rất nên làm, nhưng hơn hết bạn phải quan tâm đến đời sống tinh thần của con. Đó mới chính là điều các bậc phụ huynh cần lưu ý, để một ngày nào đó không phải giật mình thảng thốt trước những thay đổi nhanh chóng của “đứa trẻ” nhà mình.

Lối sống buông thả của teen

Nếu như Diamond là nơi tụ tập của thế giới teen vào cuối tuần chỉ vì quần áo, kiểu tóc và giày dép một cách lập dị thì Parkson là nơi nặng đô hơn và có phần “mát mẻ” hơn”. “Phải chăng 9X ngày nay thích thể hiện đẳng cấp của mình bằng cách khoe” và đặt câu hỏi “các bậc phụ huynh nghĩ gì về con mình?”.

Từ “sàn diễn” đến dạt đường 

Nếu như Diamond là nơi tụ tập của thế giới teen vào cuối tuần chỉ vì quần áo, kiểu tóc và giày dép một cách lập dị thì Parkson là nơi nặng đô hơn và có phần “mát mẻ” hơn”. “Phải chăng 9X ngày nay thích thể hiện đẳng cấp của mình bằng cách khoe” và đặt câu hỏi “các bậc phụ huynh nghĩ gì về con mình?”.
Nhóm có bốn cô cậu cùng dân 9x đã chờ sẵn tôi cạnh lối vào của khu chơi game Diamond vào một ngày cuối tuần, theo lời “mời gọi” của cô bé Thanh Trúc “cuối tuần lên Diamond, Parkson anh tha hồ ngắm. Teen ở đây vừa xinh lại ăn mặc thời trang không kém các chương trình trên kênh truyền hình Fashion”. Khuôn mặt đầy son phấn, Trúc giới thiệu tôi với đám bạn đứng cạnh với quần áo hội đủ “bảy sắc cầu vồng”.

Hai cô gái được trau chuốt một cách tỉ mỉ từ khuôn mặt đến trang phục sao cho hợp thời nhất, còn hai chàng trai lại “nữ hóa kịch trần”. Những nam sinh ăn mặc theo xu hướng này trở nên “điệu đà, duyên dáng và xinh gái hơn”. Càng quái càng được chú ý nên nhiều em mặc sức “sáng tạo”.
Đeo bông tai trở thành chuyện bình thường của nam, nhưng “sáng tạo” đến độ dùng bốn cây bút chì để xỏ vào hai tai đã trở nên quá sức tưởng tượng. Một nhóm nữ sinh khác ngồi nói chuyện rôm rả trên ghế cạnh quầy nước lại diện những chiếc quần đến độ không thể ngắn hơn, khoe cả nội y của một thương hiệu nổi tiếng. “Tụi nó khoe hàng đó anh” - Trúc bỏ nhỏ.

Ngồi sau xe tôi, cô bé tên Thanh đang học lớp 12 Trường THPT A (Hà Nội) ngoài chiếc áo ấm mua giá hơn 1 triệu đồng còn khoác thêm chiếc khăn mới được bạn trai tặng. Với sự “bảo lãnh” của Thanh, tôi được nhập hội rồi chạy lòng vòng quanh hồ Gươm trong cái lạnh căm căm của mùa đông Hà Nội. Chiếc xe còn lại trong hội là của đôi tình nhân đang tình tứ ngay giữa phố. Hội này có một sở thích lạ kỳ là tối đến lại tụ họp và xách xe chạy hết đường này đến phố kia để hóng mát. 

Tuy thời gian thi học kỳ 1 đã cận kề nhưng tối nào nhóm cũng gặp nhau với lý do học nhóm để bố mẹ cho ra khỏi nhà. “Trước khi đi tụi em cũng phải giả vờ mang theo nhiều sách vở để bố mẹ khỏi nghi ngờ”, Thanh vừa nói vừa mở cốp xe chứa một đống sách vở. Muốn tôi thấy được cách ăn mặc của giới teen Hà thành, Thanh quyết định tách nhóm để dẫn tôi đến tòa nhà Vincom. 

Đây là trung tâm thương mại lớn và cũng là điểm tụ tập của giới trẻ thủ đô, đặc biệt là dân 9X. Đường đi vào khu chơi game chật cứng vì là ngày cuối tuần. Không ăn mặc hở hang như một số teen ở TP.HCM vì lạnh, nên ở đây lên ngôi với vẻ đẹp “kín cổng cao tường” để đón cái rét đang về. Teen đến đây hầu hết học cấp II, III. Ngày thi gần kề nhưng lượng người vẫn đông nườm nượp. “Học về là em trốn lên đây chơi vì ở nhà cứ gặp mặt là ba mẹ bắt học và học, không cho giải trí khiến em phát chán”, cậu bé có nick kin (theo tên gọi bạn bè đặt) cho tôi biết.

Tiếc nuối muộn màng

Đồng ý gặp tôi trong một quán cà phê trên đường Ba Tháng Hai (TP.HCM), cô nữ sinh Quỳnh Anh (Trường THPT KN) ngậm ngùi kể về sự việc đáng tiếc xảy ra với mình bởi những ngày tháng sống buông thả sau giờ tan trường. Xinh đẹp và có dáng như người mẫu, Quỳnh Anh trở thành tâm điểm chú ý của những chàng trai trong trường và luôn được săn đón sau giờ tan học. 

Năm ngoái, khi đang học lớp 11, Quỳnh Anh được một chàng lớn hơn năm tuổi tán tỉnh và nhanh chóng bị “cưa đổ” do những món quà đắt tiền. Lúc đầu em chỉ dám gặp người yêu mỗi tuần một lần vì gia đình quản lý chặt, nhưng sau đó không cưỡng lại lời đường mật của người yêu nên chiều tan trường cũng là lúc bắt đầu những chuyến đi chơi đến khuya.

Trong khi bạn bè chuẩn bị thi thì em phải vào bệnh viện để “giải quyết” cái thai vì người yêu dứt khoát “em phải phá thai, không thì cứ giữ và tự nuôi lấy” và may mắn vượt qua kỳ thi đó với số điểm suýt rớt. “Không chỉ riêng em, đám con gái thường rất nghe lời người yêu và chỉ cần rủ là đi. Lúc đó em cũng vì choáng với những món quà đắt tiền mà anh ấy tặng nên không giữ được mình. Sau giờ học là em tìm cách trốn thoát khỏi sự quản lý của gia đình nhưng không lường trước hậu quả” - Quỳnh Anh tâm sự. 

Không riêng Quỳnh Anh, trong thời gian lang thang trước các cổng trường để thực hiện bài viết này, tôi đã không ít lần đi theo những đội nhóm học sinh khi tan trường. Và thật bất ngờ điểm đến được chọn là những quán cà phê đèn mờ, nhà nghỉ thay vì những điểm học thêm như lời hứa hẹn với ba mẹ. 

Ngày thi sắp đến, những “lò luyện” tư nhân sáng đèn đủ bảy ngày với lố nhố gương mặt học trò cặm cụi ghi chép. Nhưng nhiều vũ trường, quán bar tuổi teen cũng lên đèn để đón những cậu ấm cô chiêu, những chiếc áo trắng trốn học lên sàn nhảy viện cớ xả hơi trước ngày thi.

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Bí quyết để hiểu con ở tuổi teen

Phụ huynh nên phân biệt rõ những xáo trộn, khó khăn coi chừng là của mình, chứ không phải là của con. Thay vì hỏi con vì sao giấu, ta nên tự hỏi mình đã làm gì để con sợ đến mức phải giấu? Nhiều người nôn nóng, muốn giải quyết vấn đề nhanh chóng, muốn làm sáng tỏ sự thật nhưng rồi kết quả, nói đúng hơn là hậu quả: khoảng cách cha mẹ - con cái ngày càng xa.



Để kênh giao tiếp được khai thông, các bậc cha mẹ cần chọn thời cơ thích hợp để hỏi chuyện con trong không khí thân mật, cởi mở, thái độ tôn trọng. Ngoài ra, dạy con không nhất thiết là phải ngồi đối diện để "giảng" mà dạy qua hành động của mình (làm gương), dạy lúc vui chơi, xem TV, ăn tiệc, dạy trong tiếng cười. Cha mẹ không nên chuyện bé xé ra to, nhắc lại lỗi lầm cũ của con, nên kiềm chế cơn giận, tránh xúc phạm và đánh đập con. Các bậc phụ huynh cũng nên cập nhật những công nghệ mà con tiếp nhận để không bị lạc hậu đồng thời kết hợp tốt với nhà trường, bạn bè của con để có thể mở rộng góc quan sát con.


(Theo Phụ Nữ)

23 bài học thông thái cha mẹ nên dành cho con

Là cha mẹ, ai chẳng muốn con cái mình khỏe mạnh, vui vẻ, học được những điều hay lẽ phải. Vai trò của cha mẹ là vô cùng to lớn, vì vậy để con phát triển toàn diện, đừng đẩy trách nhiệm nuôi dạy con của mình cho người khác. Hãy dạy con những bài học sống để có thể nuôi nấng, dưỡng dục con để con hình thành cho mình cả tính tình, nhân cách và tấm lòng tốt, trở thành người có ích cho xã hội sau này.

Bài học cần học trong cuộc sống thì nhiều, nhưng các bậc cha mẹ thông thái nên nhấn mạnh 23 bài học dưới đây với con mình.

- Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng, nhưng nhìn chung cuộc sống là tươi đẹp.

- Về bản chất con người là tốt. Mọi người có thể có những lựa chọn được đánh giá là không tốt nhưng vốn dĩ họ không phải xấu xa từ lúc sinh ra.

- Đừng đánh giá người khác. Đặc biệt là không đánh giá con người dựa trên tuổi tác, giới tính, tình trạng gia đình, địa vị xã hội, chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, tôn giáo, y tế...


- Chia sẻ. Hãy biết chia sẻ với người khác, cả về niềm vui lẫn nỗi buồn, của cải vật chất lẫn tinh thần.

- Nếu muốn người khác hiểu và đối xử tốt với mình, hãy đối xử với họ như vậy.

- Hãy hiểu và đối xử tốt với chính mình nếu mong người khác cũng đối xử với mình như vậy. Hãy đứng lên bằng chính đối chân của mình những khi cần thiết.

- Chỉ vì một hành động hợp lý, điều đó không có nghĩa là hành động đó là đúng.

- Không phải tất cả mọi người sẽ thích mình. Hãy vui vẻ chấp nhận điều đó.

- Thiết lập và duy trì những yếu tố giúp mình khỏe mạnh.

- Hãy khôn ngoan để biết khi nào cần "đấu tranh".

- Đàm phán khi đối mặt với những khác biệt để làm sao tất cả đều là người chiến thắng.

- Hai người có thể có quan điểm rất khác nhau nhưng cả hai có thể đều đúng.

- Biết cảm thông, tha thứ, suy nghĩ có logic, và có đức tin.

- Thừa nhận điểm mạnh và điểm yếu của mình. Phát huy thế mạnh của mình, khắc phục những điểm yếu. Biết chấp nhận kết quả mình đã làm dù là tích cực hay tiêu cực.

- Hãy xin lỗi khi đã làm tổn thương một ai đó.

- Không nên quá nghiêm túc.

- Trung thực và tính toàn vẹn là nền tảng của tính cách. Vì vậy nên phấn đấu để sống cho vinh dự. Hãy làm những gì con nghĩ là đúng. Có thể mất nhiều năm để thiết lập sự tin tưởng nhưng có khi chỉ mất một giây để phá hủy nó.

- Không bao giờ ngừng học hỏi.

- Tiếp thu hướng dẫn của người khác là điều cần thiết khi sống chung với người khác.

- Khi gặp khó khăn, vẫn nên giúp đỡ người khác. Cách tốt nhất để đối phó với khó khăn của riêng mình là giúp người khác đối phó với những khó khăn của họ.

- Sẽ luôn có những người được tốt hơn (hoặc tồi tệ hơn) hơn con. Điều quan trọng là hiện tại con đã tốt hơn lên so với trước đây. Sự phát triển cá nhân là trọng tâm.

- Suy nghĩ về bức tranh lớn. Ai sẽ bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn của con? Những hậu quả lâu dài của hành động của con là gì? Đừng vì những lợi ích trước mắt mà quên đi những hậu quả lâu dài sau này.

- Đừng tìm kiếm hạnh phúc. Nếu tìm kiếm, con sẽ không bao giờ tìm thấy nó. Thay vào đó, tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ và hoạt động đang có chất lượng hơn. Hạnh phúc sẽ tự tìm đến con.


Theo Afamily
DBS M05479
Quang Cao