Để phòng chống bão một các hiệu quả ta phải thực hiện nhiều phương án để tăng hiệu quả tránh bão.
- Dùng giằng chống bão bằng cách lắp đè các thanh thép lên các mái tôn, các viền cạnh xà gồ, dầm của mái nhà. Các xà gồ, dầm nhà phải được cố định vào tường một cách chắc chắn.
- Dùng các bao tải chứa đất, cát sắp lên mái nhà và cố định chúng lại bằng dây thép hoặc thừng để gia tăng sự chắc chắn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nếu nhà yếu, không chắc chắn thì việc sắp các bao tải cát, đất lên quá nhiều khiến nhà có thể bị sập không phải do bão, mà do mái nhà quá nặng, cột kèo không chịu nổi.
- Đóng chặt tất cả các cửa, các lỗ thông gió.
- Nếu cảm thấy căn nhà không thể trụ được trong gió bão, gió bão đã tràn vào nhà, lúc này nguy cơ tốc mái là rất lớn: Hãy mở cửa thông gió phía đối diện với hướng gió để gió thoát ra, giảm áp lực lên mái nhà. Tuyệt đối không mở cửa phía hướng gió bão đến.
Phòng tránh điện giật:
Để phòng tránh điện giật, cần đảm bảo các ổ điện ở trên cao, không đặt dưới mặt đất và dưới thấp có thể bị mưa ngập tới. Các thiết bị điện như bình nóng lạnh, máy giặt cần phải được nối đất. Với những thiết bị có vỏ kim loại như bình nóng lạnh, cần gắn thiết bị tự cắt điện khi bị rò. Khi nhà ngập nước, để đảm bảo an toàn, nên ngắt cầu giao điện. Khi có người bị điện giật, hãy ngắt cầu giao điện, đẩy nạn nhân khỏi vật dẫn điện bằng ghế gỗ, sào tre. Hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim, cơ miệng rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, khi người dân ra đường, nhất là ở các đô thị đang bị ngập lụt, cẩn trọng để tránh bị sa lầy các miệng cống không đậy nắp. Các đơn vị thoát nước nếu cần mở miệng cống để hút nước, cần có biện pháp thông báo cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông.
Neo đậu tàu thuyền nơi an toàn:
Đối với tàu thuyền nhỏ tại những địa điểm có điều kiện kéo lên bờ tránh bão, tuyệt đối không neo đậu tại các bãi ngang. Đối với những địa điểm không đưa được tàu thuyền lên bờ, cần di chuyển vào sâu trong sông, rạch để tránh bão. Đối với tàu thuyền lớn, phải bổ sung 2 dây chằng buộc lái, 2 dây chằng buộc mũi và neo đậu theo hướng thẳng góc với bờ, khoảng cách từ chiếc nọ sang chiếc kia phải đủ rộng để tránh va đập nhau.
Trước khi neo đậu, cần kiểm tra và chằng buộc chắc chắn các cửa, nắp hầm hàng. Kiểm tra lại hệ thống dây neo, đảm bảo dây neo đúng kích cỡ và chiều dài theo quy định (dây neo cần có đường kính thước tối thiểu đường kính >18 mm và chiều dài không dưới 2 lần chiều dài thân tàu).
Khi neo đậu trên sông, rạch cần chú ý nơi khuất gió, quan sát hướng thả neo cho phù hợp, tốt nhất là theo hướng dọc sông, ngược chiều gió - cách bờ một khoảng > 30m.
Đối với tàu cá neo đậu trong các khu âu thuyền tránh trú bão, cần giãn khoảng cách neo đậu và thả neo dự phòng, giữ khoảng cách hợp lý giữa các tàu nhằm tránh va đập.
Tuyệt đối không neo đậu tàu theo hướng song song với bờ, vì ở tư thế này tàu thuyền rất dễ bị sóng đánh thẳng vào mạn làm lật úp. Nên thả cả neo đáy và neo bờ để giữ cho tàu, thuyền cố định ở một vị trí. Nên sử dụng lốp xe hơi cũ treo ở thành tàu và cả ở mạn và ở mũi để hạn chế sự va đập vào nhau và vào cầu tàu.
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất:
Người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin mưa lũ, các cảnh báo về tình hình thời tiết và sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương thông qua các phương tiện truyền hình, đài phát thanh, hệ thống truyền thanh xã, phường…
Chủ động tham gia việc khơi thông lòng suối chảy qua làng, bản; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm khác; Không đi qua suối, đánh bắt cá, vớt củi trên suối; Chủ động sơ tán ra khỏi vùng có nguy cơ cao khi có lệnh của chính quyền địa phương; Báo cáo ngay cho chính quyền địa phương khi phát hiện thấy các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất và sự cố các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện…
Dự trữ thức ăn, nước uống cho gia đình:
Dự trữ thức ăn tối thiểu 07 đến 10 ngày; chuẩn bị các loại đảm bảo ánh sáng như đèn dầu, đèn pin, hộp gaz, vì khi bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng có thể gây mất điện; chuẩn bị thuốc chữa bệnh thông thường để sử dụng, vì bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ sẽ gây mưa to, có thể gây ngập lụt làm nguồn nước bị ô nhiễm gây dịch bệnh…
Cây xanh:
Cây xanh:
Chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, mục rỗng, nằm gần nhà ở, lưới điện…. Chằn chống, cố định các cây yếu có nguy cơ bị ngã đổ, có kế hoạch trồng cây xanh hợp lý, vừa đảm bảo tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, vừa đảm bảo chống đỡ được gió bão, áp thấp nhiệt đới.