“Công việc mà tôi đang làm không phải là thứ tôi thích. Tôi muốn dành thời gian cho những sở thích quý báu của mình. Tôi muốn dành thời gian của mình cho những chuyến đi xa và trải nghiệm hơn nữa. Tôi muốn nuôi dưỡng tài năng hội họa của bản thân thêm. Tôi muốn sống một tuổi trẻ ý nghĩa thay vì tự mình trói mình trong 4 góc tường trong văn phòng chật hẹp. Sao thế giới vật chất này lại tầm thường và mệt mỏi đến thế?”
Chắc hẳn nhiều bạn trẻ có cùng suy nghĩ như tôi. Chúng ta đang sống trong thời đại mà những hình tượng thành công nhờ sự táo bạo bước ra khỏi khuôn phép cũ trở nên đông đảo hơn bao giờ hết.
Những bạn trẻ dám xách balo lên và đi đầy mạo hiểm, hay trào lưu start-up hiện nay khiến nhiều người không lượng sức mình mà sẵn sàng bỏ việc và chạy theo thời đại. Chúng ta đang sống trong thời điểm mọi người đổ xô đi kiếm tìm mục đích và ý nghĩa của cuộc đời mình đối với thế giới này.
Và không ít người trong chúng ta vì không phân biệt được 4 khái niệm này, lần lượt đó là Sở thích, Công việc, Sự nghiệp, Thiên hướng, nên cứ bị quẩn quanh không tìm được ánh sáng cho bản thân. Nếu làm rõ được 4 cụm từ trên thì con đường chúng ta đi sẽ bớt chông gai hơn.
Elizabeth Gilbert, tác giả cuốn “Ăn, cầu nguyện và yêu”, đã giúp chúng ta làm rõ sự khác biệt trong 4 cụm từ trên.
Sở thích
Là thứ khiến ta thấy thư giãn, thoải mái, vui vẻ. Chúng ta làm đơn giản vì yêu, vì thích, là thứ chúng ta tìm đến khi có thời gian rảnh rỗi. Sở thích là thứ chứng minh rằng chúng ta không phải là robot chỉ biết làm và làm thôi, là thứ nhắc nhở rằng sống ở trên đời không nhất thiết phải hiệu quả hay đem lại lợi ích. Sở thích là thứ có thể đến rồi đi. Bạn không nhất thiết phải có sở thích, nhưng tội gì mà không chứ khi sở thích khiến chúng ta vui vẻ, thoải mái. Bạn chẳng cần lý do gì để sở hữu một sở thích cả. Chỉ đơn giản, thích là thích thôi.
Một ngày đẹp trời, tôi chợt muốn trồng và chăm sóc vài chậu cây nhỏ. Vậy là chăm sóc cây trở thành sở thích của tôi. Rồi vào thời điểm khác, việc đi bộ ngắm phố phường trở thành sở thích của tôi. Bạn có thể thích nghe nhạc jazz. Bạn có thể thích đọc sách. Miễn là sở thích khiến bạn vui. Chẳng vì lý do gì cả.
Công việc
Bạn không cần phải có sở thích, nhưng chắc chắn bạn phải có một công việc. Công việc là nguồn tài chính của bạn, là thứ giúp bạn tồn tại ở thế giới vật chất này. Bạn phải ăn uống, mua sắm và trả tiền cho những hóa đơn hàng tháng đang đợi ở nhà. Công việc thể hiện trách nhiệm trước hết là đối với chính mình. “Lao động là vinh quang” mà. Tuy nhiên, hãy ghim lấy trong đầu rằng, công việc không nhất thiết phải TUYỆT VỜI. Công việc của bạn có thể nhàm chán. Bạn có thể ghét công việc đó. Công việc có thể không xứng đáng với trình độ của bạn. Nhưng, công việc không nhất thiết phải lấp đầy tâm hồn bạn, trở thành thước đo cuộc đời bạn. Bạn không cần phải yêu công việc của mình, nhưng bạn phải có công việc của mình và làm việc với thái độ trân trọng.
Bạn có thể làm thợ xây, nhân viên hiệu sách, lái xe, công nhân, nông dân, hay bất cứ việc gì. Sở hữu công việc là cách bạn quan tâm tới chính bạn. Công việc giúp bạn không cần đợi ai đó đến bên đời và nuôi sống bạn. Công việc giúp bạn không trở thành gánh nặng của ai đó. Và nếu công việc ấy là độc hại, khiến bạn chết dần chết mòn, khiến bạn chịu lăng nhục và bóc lột, thì bạn vẫn có thể bỏ công việc đó và bắt đầu một công việc khác. Công việc không cần phải chiếm trọn cuộc đời bạn và cuộc đời bạn có thể nằm ngoài công việc. Nhiều người cho rằng công việc vì mục đích vật chất mâu thuẫn với con đường nghệ thuật của họ. Nhưng không. Nhiều nghệ sĩ vẫn có cho mình những công việc bình thường. Herman Melville, tác giả cuốn “Cá voi trắng”, vốn là một nhân viên văn phòng bình thường. Bạn có thể làm những thứ bạn thích như hoạt động sáng tạo nghệ thuật ngoài giờ mà.
Sự nghiệp
Sự nghiệp là thứ bạn có thể có hoặc không. Sự nghiệp khác hẳn với công việc. Công việc là thứ bạn làm để kiếm tiền, còn sự nghiệp là thứ bạn theo đuổi đằng đẵng nhiều năm trời với trọn vẹn tâm huyết, năng lượng, đam mê và lòng cống hiến. Sự nghiệp là thứ khiến bạn sẵn lòng bỏ thời gian làm thêm vì bạn muốn, khiến bạn quên ăn quên ngủ để dốc sức vào, là thứ khiến bạn tin tưởng vào sứ mệnh của mình trên con đường sự nghiệp ấy. Bạn có thể ghét công việc của mình, nhưng tuyệt đối đừng ghét sự nghiệp. Nếu bạn đang ở trên con đường sự nghiệp khiến bạn chán ghét, thì hãy bỏ sự nghiệp ấy đi và đi tìm một công việc giúp bạn kiếm tiền và theo đuổi những cái khác, hay con đường sự nghiệp mới.
Người ở đúng sự nghiệp sẽ luôn làm việc với sự nhiệt thành và thái độ hào hứng. Winston Churchill từng khẳng định rằng: “If you find a job you love, you’ll never work again” (Yêu công việc mình làm và bạn sẽ chẳng phải làm việc thêm ngày nào nữa). Chính công việc mà ông nói hoàn toàn đúng với sự nghiệp. Sự nghiệp đòi hỏi ở người theo đuổi nó khoản đầu tư vô cùng kếch xù nhưng là thứ ta sẵn lòng hy sinh: thời gian, sức khỏe, tham vọng, và sự dám lăn xả với nó. Sự nghiệp là mối quan hệ của bạn với cả thế giới xoay quanh sự nghiệp. Tôi thấy điều này vô cùng đúng với những nhà start-up khi mà họ ngược xuôi tất bật trong quản lý từ A đến Z các hoạt động của công ty: từ các chiến dịch marketing, tuyển dụng nhân sự hay doanh số… Sự nghiệp chiếm trọn cuộc đời bạn. Vậy nên, hoặc bạn yêu sự nghiệp của mình, hoặc thà đừng có.
Thiên hướng
Là thứ thiêng liêng, tuyệt diệu nhất. Thiên hướng (Vocation) xuất phát từ “Vocare” trong tiếng Latin, mang nghĩa là “tiếng gọi”. Thiên hướng chính là tiếng gọi dành cho bạn, là lời mời thiêng liêng nhất dành cho bạn. Thiên hướng là lời thôi thúc của vũ trụ muốn tài năng của bạn được dùng vào công cuộc sáng tạo ra điều gì đó. Một điểm quan trọng nữa, thiên hướng không bao giờ bị tước đoạt. Công việc, sự nghiệp của bạn phụ thuộc vào người khác, nhưng thiên hướng thì không. Thiên hướng chẳng phụ thuộc vào bất cứ ai, hay cái nhìn của ai đối với thiên hướng của bạn. Gilbert chia sẻ, viết chính là tiếng gọi thiêng liêng của bà, từ lâu trước khi có ai đó công nhận tài năng của bà, và sẽ chỉ ngưng cho tới hơi thở cuối cùng. Và đây là lựa chọn khôn ngoan của bà: thay vì toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp (thứ chiếm trọn đời người), bà dành thời gian cho công việc và tiếp tục nuôi dưỡng thiên hướng của mình.
Thiên hướng có thể là bất cứ thứ gì đem bạn đến với cuộc đời và bạn cảm nhận được nguồn sinh khí tràn trề trong bạn. Chăm sóc người khác có thể là thiên hướng. Dạy mọi người biết quan tâm tới sức khỏe của chính mình cũng có thể là thiên hướng. Tha thứ có thể là thiên hướng. Có người cảm thấy được thiên hướng của mình thông qua việc nhặt từng cái rác trên đường – cử chỉ của tình yêu đối với những người quanh mình. Có người cống hiến cho công bằng xã hội bởi thiên hướng ghét bạo lực và bất công. Không có thiên hướng nào là nhỏ bé hay tầm thường cả. Nếu bạn muốn tìm kiếm thiên hướng của mình, hãy để ý tới những điều nhỏ nhặt thường ngày như những tín hiệu cho thiên hướng đang chờ bộc lộ của bạn.
Bạn từng tự hỏi “Ta sẽ làm chi với đời ta”, và cứ tiếp tục mải mê kiếm tìm trong mê cung mà không thực sự hiểu được ý nghĩa của 4 cụm từ trên: Sở thích, Công việc, Sự nghiệp, Thiên hướng. Người ta thường trộn lẫn hoặc nhầm lẫn chúng với nhau, hoặc coi như mình có cả 4 hoặc chúng chẳng khác gì nhau, hoặc họ hiểu nhưng chưa xác định được cái quan trọng nhất trong 4 cái là gì. Và đây là điều sẽ xảy ra…
Khi người ta quá để tâm vào sự nghiệp, họ thường bỏ quên thiên hướng. Nhiều người coi sự thiêng liêng cao quý của thiên hướng là tất cả, họ lại đánh mất công việc, để rồi trở thành gánh nặng cho chính mình và gia đình. Hay những người dành toàn bộ sinh lực cho việc theo đuổi địa vị xã hội và sự thăng tiến mà quên đi những niềm hạnh phúc hay thú vui nhỏ nhoi cũng cần nhịp đập. Và cũng nhiều lúc người ta lầm tưởng sở thích thành thứ có thể trở thành công việc, sự nghiệp và thiên hướng.
Tương tự, nhiều người trở nên dễ nóng giận bởi cuộc sống với công việc họ không yêu thích mà quên đi việc phải biết ơn vì mình đang có công việc nuôi sống chính mình. Lo lắng chồng lo lắng, và rồi ngăn chính mình với việc để ý tới các tín hiệu của thiên hướng, hay tận hưởng những trò vui, hay lập kế hoạch cho sự nghiệp.
Sự thực là, chúng ta có thể dành thời gian cho cả 4 thứ trên, nếu chúng ta biết ngồi tĩnh tâm lại, suy xét tới tận cùng ngóc ngách trong thế giới ngoài kia và tâm hồn của chúng ta, khi hỏi chính mình rằng “Và ta sẽ làm chi với đời ta?”. Đó là một câu hỏi không dễ, nhưng việc thấu hiểu bản thân thông qua 4 cụm từ được nhắc đi nhắc lại từ đầu có thể là khởi đầu dành cho bạn.