Tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị sự cố tại vùng biển Hoàng Sa đã được tàu cảnh sát biển Vùng II đến cứu -
Luật cũng quy định các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. Trong đó có quy định: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển.
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
Một trong những nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được nêu trong Luật biển Việt Nam là: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật biển Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là một nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương ASEAN, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển.
Báo cáo cũng cho biết biện pháp hòa bình đề cập trong các văn bản này bao gồm nhiều loại với các mức độ khác nhau từ thương lượng, đàm phán, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án quốc tế cho đến việc sử dụng những tổ chức hoặc những định chế khu vực hoặc các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của các bên.
Bên cạnh đó, việc ghi nhận nguyên tắc này hoàn toàn không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng của nước ta, bởi vì ngay trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng thừa nhận quyền tự vệ chính đáng của cá nhân hay tập thể khi thành viên của Liên Hiệp Quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an áp dụng những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm
Luật biển Việt Nam dành trọn chương II để quy định về “vùng biển Việt Nam”, trong đó có các quy định về: xác định đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa... Cũng trong chương II Luật biển Việt Nam nêu rõ: “Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam”.
Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Theo Luật biển Việt Nam, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.
Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành.
Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng. Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác.
Về phát triển kinh tế biển, Luật biển Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển sau đây: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản...
(báo Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét