Trung tâm Vũ trụ Quốc gia cách trung tâm Hà Nội 30 km và có diện tích 9 ha, gồm nhiều khu chức năng như trung tâm điều khiển công nghệ vũ trụ, trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ, nhà điều hành, trạm thiên văn, khu nghiên cứu, đào tạo, trạm mặt đất thu dữ liệu từ vệ tinh.
Đây là dự án đặc biệt quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ năm 2020” do Trung tâm Vệ tinh quốc gia, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai.
Trung tâm vũ trụ Việt Nam được xây dựng dựa vào nguồn vốn đầu tư hơn 600 triệu USD từ ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của chính phủ. Dự án được đầu tư đồng bộ thành ba phần, gồm hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Khác với nhiều nước, Trung tâm Vũ trụ Quốc gia là nơi sản xuất ra các vệ tinh dùng công nghệ radar chứ không bằng công nghệ quang học. Công nghệ radar là công nghệ có thể chụp ảnh toàn bộ trái đất với độ phân giải rất cao và đặc biệt chụp được ở bất kỳ thời tiết nào.
"Theo dự kiến, vào năm 2020, Việt Nam sẽ có Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á", tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm vệ tinh nhấn mạnh.
Khi hoạt động, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là nơi nghiên cứu, sản xuất, làm chủ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ radar hiện đại, xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường, nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo tính toán của chuyên gia Nhật, dự án ra đời sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu tổn thất hàng năm từ 1-1,5 tỷ USD, vì Việt Nam sẽ cảnh báo sớm được tình hình biến động của khí hậu, thời tiết.
Trong thư chúc mừng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân viết: “Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư đồng bộ và đến nay nó cũng là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam trong 35 năm qua".
Phó Thủ tướng khẳng định, chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đúng tiến độ, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020. Dự án cũng là bước khởi đầu cho sự hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Theo Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông Châu Văn Minh, sau khi dự án hoàn thành, đến năm 2020, Việt Nam có thể tự thiết kế, lắp ráp thử nghiệm, điều khiển vệ tinh quan sát trái đất riêng. Đồng thời Việt Nam hoàn toàn chủ động trong việc thu nhận ảnh vệ tinh mà không phụ thuộc vào nước ngoài.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định đây là dự án có tầm quan trọng to lớn trong điều kiện Việt Nam là nước chịu nhiều thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
"Trung tâm Vũ trụ thành lập sẽ giúp Việt Nam hạn chế hậu quả từ những thiên tai như lũ lụt, hạn hán", ông phát biểu.
Đại diện của Nhật cho rằng, việc phát triển dự án trên sẽ đẩy mạnh các dự án khác tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
"Hy vọng dự án sẽ là góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hóa hiện đại hóa vào năm 2020", ông Tanizaki nói.
Dự kiến tháng 1/2017, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh viễn thám công nghệ radar đầu tiên và năm 2020 sẽ phóng vệ tinh thứ hai. Mỗi vệ tinh này có trọng lượng khoảng 500 kg, tuổi thọ 5 năm. Vệ tinh đầu tiên do Việt Nam và Nhật Bản phối hợp thiết kế và sản xuất. Vệ tinh thứ 2 do người Việt Nam tự thiết kế lắp đặt và chế tạo ngay tại khu công nghệ cao.
Theo Vnexpress.net