Súng tự chế "made in Hải Phòng"?
Chẳng phải tự nhiên, dân xã hội, giới giang hồ đặt tên súng tự chế là "made in Hải Phòng". Trước đây, mua súng tự chế, tội phạm thường phải đến các tỉnh có đường biên giới với nước ngoài để mua "súng ngoại". Sau nhiều chuyên án, Công an Hải Phòng đã triệt phá cơ sở sản xuất súng tự chế, "nhãn hiệu" súng tự chế "made in Hải Phòng" ra đời từ đó. Cái tên P.C.S hay còn gọi là S "súng" không những nổi danh ở đất Hải Phòng về sản xuất súng tự chế, súng ám sát mà còn nổi danh toàn quốc, đưa Hải Phòng trở thành "đệ nhất" trong giới giang hồ Việt Nam về độ "chịu chơi", về cái gọi là "đẳng cấp giang hồ" với nhiều chiêu thức phạm tội khác.
S "súng" là tội phạm đầu tiên ở Hải Phòng buôn và "chế tạo" súng ám sát, súng bắn đạn hoa cải. S "súng" đã bị đi tù nhưng tội phạm Hải Phòng vẫn không sợ. Có thể, hình phạt cho S "súng" quá nhẹ chăng? Thế là, ở Hải Phòng xuất hiện một S "súng" em hoành tráng, "hàng khủng" hơn rất nhiều. Đó là Võ Tiến Đạt, SN 1986, ở phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.
Đạt ít tuổi đời và tuổi "nghề" hơn S "súng" rất nhiều. Thế nhưng, Đạt có "cái đầu" điều hành đường dây "chế tạo" súng chuyên nghiệp gấp nhiều lần đàn anh đi trước. Công an phát hiện ra "lò" sản xuất súng của Đạt khi y bị bắt trên đường đi giao "hàng" cho khách. Trong cốp xe máy của Đạt có tới 6 khẩu súng ám sát (hình bút), trong đó 2 khẩu đạn đã lên nòng và 3 viên đạn ở ngoài.
Và "công nghệ"... thủ công
Võ Tiến Đạt chuẩn bị một số phụ kiện cần thiết để tạo lên hình hài của súng tự chế, súng ám sát; chuẩn bị mẫu súng, sau đó thuê thợ cơ khí "chế tạo" vỏ, lò xo, chốt và thực hiện các chi tiết của súng. Đạt thuê ông M, thợ tiện tay nghề 7/7 (từng làm việc ở sở Điện lực Hải Phòng), đã nghỉ hưu, "chế tạo" vỏ súng bút.
Giá "chế tạo" một vỏ súng bút là 250.000 - 300.000 đồng; 1 lò xo là 70.000 - 100.000 đồng; chốt là 150.000 - 250.000 đồng... Chất liệu vỏ súng tự chế có thể là inox, sắt, đồng. Từ inox, qua bàn tay thợ tiện lành nghề, nó trở thành vỏ súng hoàn hảo, đẹp và lạnh. Nhà ông M không có máy tiện hiện đại, theo ông M, nói là "chế tạo" vỏ cho "oai" nhưng thực ra là gia công vỏ từ inox. Với những người có tay nghề cao như ông M, không cần máy móc hiện đại cũng tiện được vỏ súng đẹp, đúng dáng. Chỉ cần một máy cắt inox, sau đó tạo hình hài dáng vỏ bằng... tay, nếu vết cắt vẫn xù xì thì lấy tay mài vào đá hoặc cục sắt cho nhẵn. ông M khẳng định, chỉ cần nhìn mẫu là ông có thể gia công được "sản phẩm" đẹp như ý, dù đó là chất liệu gì.
Điều tra viên H, người trực tiếp vào khám "xưởng chế tạo" vỏ súng tại nhà ông M, cho biết: "Chẳng có thiết bị hiện đại nào, toàn máy cắt, kéo, kìm... đồ cơ khí thủ công. Dù thủ công nhưng những vỏ súng do ông M "chế tạo" đều rất đẹp. Những nét cắt, dáng dấp của vỏ súng rất điệu nghệ, nó chứng tỏ tay nghề thợ tiện bậc 7/7 của ông M".
V.T là thợ cơ khí, là ông chủ một xưởng cơ khí lớn tại một huyện ngoại thành Hải Phòng. Đạt thuê V.T làm phần thân của súng. Việc tạo rãnh trên thân súng, Đạt thuê N.V thực hiện. Còn phần chốt và lò xo của súng, Đạt thuê A.D làm. Theo N.V, việc tạo rãnh trên thân súng có sẵn rất đơn giản. Chỉ cần một cục mài, một cái đục sắt, một cái búa và 80 phút là có thể tạo xong rãnh của súng. Tạo xong rãnh, phải lấy cục mài, mài liên tục vào rãnh trong 20 phút hoặc có thể hơn cho rãnh nhẵn, trơn là đạt yêu cầu.
V.T thừa nhận: "Thợ cơ khí nào cũng làm được chốt, lo xo, vấn đề là chốt và lo xo đó có hình dáng, kích cỡ thế nào? Tất cả đều được làm bằng tay, "chế tạo" lò xo với thợ cơ khí cực đơn giản, nhất là với súng bút vì đây là súng chỉ dùng một lần. “Chế tạo" chốt còn đòi hỏi kỹ thuật, tức thợ cơ khí phải có tay nghề cao hơn nhưng thực chất cũng chẳng có gì ghê gớm. Một cái kìm, một cái kéo, một thanh kim loại có độ dẻo vừa phải và 60 phút, thế là "chế" xong một cái chốt".
A.D cho biết: "Lái súng nào tinh đời, họ chọn thợ làm chốt, lò xo "xịn", còn không thì thôi vì nếu làm chốt, lò xo không chuẩn, súng hay bị kẹt khi sử dụng, "lái" mất khách ngay. A.D còn tếu táo rằng: "Gí súng vào người đối phương, đang định bắn, lò xo bị kẹt, chốt không hoạt động, đang ở thế chủ động thành thế bị động ngay. Không cẩn thận kẻ có súng mất mạng chứ không phải người bị bắn mất mạng. Chỉ cần một lần kém chất lượng như thế, "tác giả" của súng sẽ không có cơ hội lần sau. "Lái" súng sẽ cạch mặt, thậm chí là trừng phạt bằng tiền, bằng "luật giang hồ" để kẻ khác biết, không dám sản xuất "hàng kém chất lượng" nữa".
Theo V.T, "chế tạo" đạn dễ hơn "chế tạo" súng nhưng nguy hiểm hơn. Với súng tự chế đạn hoa cải, phần lớn tội phạm sử dụng đạn ghém, đạn chùm. Sản xuất đạn ghém lãi và an toàn nhất nhưng nếu khách hàng yêu cầu đạn có chì thì người "chế tạo" ra nó gặp nhiều nguy hiểm hơn. V.T cho rằng: "Đạn có chì, phần lớn bây giờ được "chế" để dùng cho súng ám sát, chỉ dùng một lần và chì chỉ có ở đầu đạn thôi. "Chế tạo" đạn chì hay đạn ghém đều giống nhau, chỉ cần một cái máy ép thuỷ lực loại nhỏ, bằng sắt, rẻ tiền là chế tạo được đạn...".
Theo Nguoiduatin.vn