Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

13 Nguyên tắc vàng về “Nghĩ giàu và làm giàu”

“Nghĩ giàu và Làm Giàu” một cuốn sách kinh điển về làm giàu, làm người của Napoleon Hill nổi tiếng toàn thế giới với 60 triệu bản được bán suốt 70 năm qua. Cuốn sách là tinh hoa được tác giả Napoleon Hill dành toàn bộ thời gian và công sức suốt gần 30 năm để phỏng vấn hơn 500 người nổi tiếng và thành công nhất trong nhiều lĩnh vực, cùng hàng ngàn doanh nhân khác, có giá trị vĩnh hằng theo thời gian về tính đúng đắn! Tất cả những bí mật làm giàu được Napoleon Hill chuyển tải thông qua 13 nguyên tắc quan trọng được ông đúc kết xuyên suốt gần 30 năm. 13 nguyên tắc này như một kim chỉ nam để mở toang cánh cửa giúp chúng ta đạt được những mục tiêu lớn lao của cuộc đời mình. Và bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu 13 nguyên tắc tuyệt vời này:


Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 1: Khát vọng. Để trở nên giàu có đích thực điều đầu tiên những người thành công phải có đó là một khát vọng mãnh liệt và nuôi dưỡng thường xuyên. Đó là động lực lớn để vươn tới những thành công vĩ đại

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 2: Niềm tin. Một niềm tin lớn và một khát vọng mãnh liệt sẽ là sức mạnh to lớn để biến mọi ước mơ thành hiện thực

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 3: Tự kỷ ám thị. Đưa vào trong tiềm thức của chính mình những niềm tin kiên định về những điều mong muốn đạt được một cách sâu sắc, thường trực

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 4: Kiến thức chuyên môn. Trước khi bạn có thể biến khát vọng làm giàu thành đồng tiền cụ thể, bạn cần có những kiến thức chuyên môn về những loại dịch vụ, thương mại hay chuyên ngành mà bạn dự định cung cấp cho người tiêu dùng để đổi lấy tiền bạc

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 5: Óc tưởng tượng. Óc tưởng tượng là một phân xưởng nơi con người có thể vạch ra mọi kế hoạch. Động cơ và khát vọng đều được định hình và biến thành hành động thông qua sự giúp đỡ của óc tưởng tượng

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 6: Lập kế hoạch. Thành quả của bạn lớn đến đâu phụ thuộc vào tính đúng đắn của lập kế hoạch

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 7: Tính quyết đoán. Phân tích của Napoleon Hill về hàng trăm người có tài sản trên 1 triệu USD cho thấy một thực tế là họ có quyết định nhanh chóng và thay đổi chậm. Người thất bại trong làm giàu lại đưa quyết định chần chừ, hay thay đổi nhanh chóng và thường xuyên

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 8: Lòng kiên trì. Nền tảng của lòng kiên trì là sức mạnh của ý chí. Sức mạnh ý chí và khát khao khi kết hợp đúng đắn sẽ tạo ra một cặp tính cách có sức mạnh vô địch.

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 9: Sức mạnh của nhóm trí tuệ ưu tú. Những nỗ lực có tổ chức hình thành qua sự phối hợp của hai hay nhiều người cùng làm việc để hướng tới một mục đích rõ ràng trên tinh thần hòa hợp

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 10: Tình dục. Ham muốn tình dục đứng đầu danh sách những yếu tố kích thích tâm trí và làm “quay” bánh xe hành động. Khi có động cơ là sự ham muốn con người sẽ chứng tỏ lòng can đảm, sức mạnh ý chí, lòng kiên trì và khả năng sáng tạo lớn

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 11: Tiềm thức. Bạn có thể cấy vào tiềm thức của mình bất cứ kế hoạch, ý tưởng hay mục đích nào mà bạn khát khao muốn biến thành các giá trị vật chất hay tiền bạc tương đương

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 12: Não bộ. Bộ não khi được kích thích bởi cảm xúc sẽ hoạt động ở một cường độ nhanh, mạnh hơn khi không cảm xúc giúp khả năng suy nghĩ được tăng lên mức tại đó trí tưởng tượng sáng tạo trở nên dễ đón nhận ý tưởng mới

Nguyên tắc nghĩ giàu và làm giàu 13: Giác quan thứ 6. Giác quan thứ 6 là nguyên tắc làm giàu thứ 13 được kể đến, chính nhờ nó mà Trí tuệ vô biên có thể giao tiếp một cách tự nguyện mà không cần một nỗ lực hay yêu cầu nào từ chính chủ thể – con người

“Hãy luôn nhớ rằng sự giàu có thực sự không được đo bằng những gì bạn đang có mà bằng những gì bạn mong muốn trở thành” – Napoleon Hill. Vâng, toàn bộ triết lỹ nghĩ giàu và làm giàu đó là bạn phải “vượt lên trên những giới hạn của chính mình và làm chủ cuộc sống”, chỉ như vậy bạn sẽ sống một cuộc đời mơ ước, toại nguyện.

Lý tưởng sống – Ngọn hải đăng dẫn bạn đến thành công

Nếu có một bà tiên cho các bạn những điều ước thì có lẽ các bạn cũng như tôi, luôn thích một cuộc sống an bình, vui vẻ, không phải ưu tư, buồn khổ, giận hờn oán trách, sống trong sự sung túc của cải… hơn là những sóng gió, rủi ro và nghèo đói. Nhưng liệu rằng cứ muốn như vậy là đạt được không? Ai cũng MUỐN có những điều tốt đẹp đó nhưng số người ĐẠT ĐƯỢC thì không phải là nhiều.



Để đạt được niềm khát vọng đó, người ta luôn tìm cho mình một lẽ sống cho cuộc đời, hay nói đúng hơn là một lý tưởng. Lý tưởng này sẽ hướng dẫn đời họ vượt qua mọi chông gai và can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh. Vì có một lý tưởng để theo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời, bạn sẽ như con thuyền lênh đênh trên biển nhưng luôn có một ngọn hải đăng sáng chói soi đường và chỉ lối bạn đi về đâu. Và phải chăng những người không có lý tưởng sống, sống cuộc sống không có một mục đích nào để theo đuổi cũng như miếng dẻ trôi trên dòng sông vô định?

“Bạn sẽ không làm được gì nếu bạn không có mục đích, bạn cũng không làm được gì vĩ đại nếu mục đích của bạn tầm thường” (Điđơro) Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao mình tồn tại, mình tồn tại để là gì không?

Một câu hỏi tưởng chừng là đơn giản nhưng nó làm cho chúng ta phải trầm tư mà suy ngẫm về chính bản thân mình. Cũng giống như một tổ chức, một doanh nghiệp, khi thành lập, họ luôn phát biểu tôn chỉ, mục đích– hay nói cách khác là sứ mạng của mình. Sứ mạng của hang giày dép Bitis được thể hiện ngay trong câu slogan “Nâng niu bàn chân Việt”, của mạng di động EVN là “Kết nối sức mạnh”… Vậy, bạn xác định sứ mạng cuộc đời mình là gì?

Đây là băn khoăn của không ít những bạn trẻ thời nay. Nhiều người cho rằng cuộc sống bận rộn như vậy thì làm gì có thì giờ để đặt vấn đề niềm tin hay lý tưởng sống. Cũng có bạn cho rằng cứ sống tự nhiên, đến đâu hay đó, làm gì phải bận tâm đến niềm tin hay lý tưởng sống. Những người nói như vậy thật ra là cũng đã có niềm tin hay lý tưởng sống cho chính mình. Niềm tin hay lý tưởng đó là sống đến đâu hay đó, không cần suy nghĩ hay đặt vấn đề.

Lý tưởng sống từ những việc gần gũi Có không ít người còn nhớ nội dung truyện ngắn “Phấn thông vàng” của Xuân Diệu. Câu chuyện kể rằng có một chàng họa sĩ rất buồn rầu vì thất bại trong tình yêu đang đi lang thang trong rừng thông. Lòng chàng bi ai. Cuộc sống như đang trôi đi những ngày vô vị. Bỗng chàng thấy phấn thông vàng bay khắp nơi. Chàng liên tưởng đến chuyện trong vườn ngô vàng bỗng nhiên có những bắp ngô trắng xen vào, và giải thích đó là do vườn ngô trắng ở phương xa nào đó hào phóng gửi tặng những bụi phấn hoa đến vườn ngô vàng này.

Những bụi phấn thông vàng cũng vậy, hào phóng cho đi rất nhiều cái tinh túy của mình dẫu biết rằng chỉ có rất ít được tạo quả, thành cây. Hiểu được điều đó, lòng chàng họa sĩ bỗng vui trở lại. Chàng nghĩ rằng chàng sống là để cống hiến, để cho đi những cái hay cái đẹp của mình – cho dù không phải ai cũng sẵn sàng đáp lại.Cuộc sống cần phải có lý tưởng dẫn đường! Bạn có thể ra đi từ nhiều nơi, đi theo những lối khác nhau, nhưng cuối cùng mỗi người phải lựa chọn cho mình một cái đích để hướng đến.

Ta sống cho ta, cho những người thân, bạn bè và cho mọi người vì ta yêu chính ta, mọi người yêu ta và ta cũng yêu mọi người. Lý tưởng dẫn dắt sự nghiệp, tăng thêm sức mạnh cho mọi người để đạt đến thành công trong sự nghiệp. Lý tưởng tiếp them sức mạnh cho ta mỗi khi ta yếu lòng để có thể vượt qua khó khăn và thử thách trên con đường đi đến đích cuối của cuộc đời.

Khám phá những “lối mòn tư duy” dẫn dắt hành vi mua sắm

Bạn bước vào một cửa hàng Starbuck và nhìn thấy 2 lựa chọn mua cho một cốc café. Lựa chọn thứ nhất là thêm 33% lượng café miễn phí. Lựa chọn thứ hai là giảm giá 33% so với mức bình thường. Theo bạn, đâu là lựa chọn tốt hơn ?


“Chúng có gì khác nhau đâu”, nhiều người có thể nhận định vậy, tuy nhiên nếu bạn xem bản nghiên cứu mới được xuất bản của tạp chí Journal of Marketing – bạn sẽ thấy mình đã nhầm. Hai lựa chọn xem chừng là tương đương nhưng thực tế 33% giảm giá lại tương đương với 50% tăng lên về lượng. Hãy thử đặt bút tính: Giả sử giá chuẩn của 1 tách café là 1 USD và lượng café được chia làm 3 phần bằng nhau, vị chi là giá trị mỗi phần là 0,33 USD. Lựa chọn đầu tiên sẽ cho bạn 4 phần café với giá 1 USD (tương đương 0,25 USD/ phần) còn lựa chọ thứ 2 cho bạn 3 phần café với giá 0,66 USD (tương đương 0,22 USD/ phần).

Kết luận: Thêm một lượng dùng miễn phí nghe có vẻ “bùi tai” hơn được giảm giá và việc ứng dụng lối suy nghĩ này trong kinh doanh đã đem lại những hiệu quả rất lớn.

Bán ngũ cốc ? Đừng hạ giá sản phẩm, hãy nói về việc hộp đựng đã…to thêm ra thế nào ! Bán xe hơi ? Hãy nói về những tính năng phụ thêm mà người dùng vẫn được miễn phí.

Có 2 lý do lớn giải thích tại sao những mánh khóe kiểu này lại hoạt động hiệu quả.

Thứ nhất: Khách hàng không hề biết các mặt hàng có giá hợp lý bao nhiêu, do đó họ phụ thuộc vào những cảm giác không mang nhiều tính định lượng.

Thứ hai: Dù con người tiêu rất nhiều tiền và phần lớn được đào tạo cơ bản về toán học, nhưng khi thực hiện các giao dịch, họ hiếm khi vận dụng chúng. Ai muốn làm toán trong siêu thị với hàng tá mặt hàng ?

1. Chúng ta bị ảnh hưởng rất mạnh bởi những con số đầu tiên




Bạn bước vào một cửa hàng đồ xa xỉ (giả sử là Hermes) và bạn thấy một cái túi 7.000 USD. “Haha, thật là ngu ngốc” Bạn nói với bạn của mình “7.000 USD cho 1 cái túi ư ?” Sau đó bạn chú ý vào một chiếc đồng hồ tuyệt đẹp giá 367 USD. Nếu so với những chiếc đồng hồ bình dân thì mứa giá này thực sự quá cao.

Nhưng nếu so với chiếc túi 7000 USD bạn vừa nhìn thấy, mức giá này thực sự là “món hời”. Một thủ thuật khôn ngoan của cừa hàng khi bày những đồ đắt tiền để làm “mỏ neo” giá, thiết lập một mức so sánh ảo trong tâm trí người tiêu dùng.

2. Chúng ta “sợ hãi” với những con số quá lớn

Chúng ta đều không muốn cảm thấy bị lừa dối. Khi chúng ta không chắc về giá trị các mặt hàng, chúng ta thường có xu hướng tránh khỏi những mức giá quá cao hay quá thấp. Các cửa hàng hoàn toàn có thể tận dụng thành kiến này của chúng ta để “chống lại” chính chúng ta. Hãy xem thử câu chuyện sau đây:

Mọi người được chào mời 2 loại bia: Bia cao cấp với giá 2,5 USD và bia bình dân với giá 1,8 USD. Khoảng 80% người tham gia chọn loại bia có giá cao hơn. Giờ một loại bia thứ 3 xuất hiện, bia siêu giảm giá – 1,6 USD. Giờ thì 80% người tham gia chọn loại bia 1,8 USD, 20% còn lại chọn loại 2,5 USD và tuyệt không có ai chọn loại rẻ nhất !

Lần thử nghiệm thứ 3, họ đã bỏ đi loại bia 1,6 USD và thay vào đó là bia siêu cao cấp có giá 3,4 USD. Phần lớn mọi người chọn loại 2,5 USD, 1 lượng nhỏ chọn loại 1,8 USD và chỉ khoảng 10% chọn mặt hàng cao cấp 3,4 USD.

Giờ có vẻ chúng ta đã hiểu hơn về “lối mòn” tư duy của mình.

3. Chúng ta yêu thích sự lý giải

Trong cuốn sách Priceless, tác giả William Poundstone đã giải thích điều gì đã xảy đến khi ông đặt thêm một chiếc máy làm bánh trị giá 429 USD bên cạnh mẫu hàng giá 279 USD: Doanh số mẫu hàng rẻ hơn đã tăng lên gấp đôi dù không ai mua chiếc 429 USD cả.

Bài học rút ra là: Nếu bạn không thể bán một sản phẩm, hãy đặt một thứ tương tự, giống hệt nhưng có giá gấp đôi bên cạnh. Điều này sẽ làm cho sản phẩm khó bán kia trông như “một món hời”. Một cách giải thích cho mánh khóe này là mọi người luôn thích những lý giải và đặc biệt là những giải thích khiến họ có cảm giác “mình đúng”.

Đơn cử như ví dụ trên, chúng ta thường tự nói với bản thân là: “Chiếc máy làm bánh này có giá 279 USD, rẻ hơn tới 40% so với mẫu bên cạnh mà xem ra chẳng có gì khác, quả là món hời. Mua thôi !”

4. Chúng ta làm những gì được bảo

Con người nhiều khi dễ bị “dẫn dụ” vào những thứ đã chuẩn bị trước. Chuỗi nhà hàng Savvy là một ví dụ. Những nhà hàng này đã thiết kế thực đơn của họ sao cho thu hút ánh mắt nhìn của chúng ta vào những món ăn đem lại nhiều lợi nhuận nhất, đơn giản bằng việc thêm hình ảnh, chú thích, tô vẽ, v..v…

Bài học rút ra khi đi ăn bên ngoài là: Nếu bạn thấy một vài món trên menu được làm nổi bật, diễn tả, thêm tranh ảnh hoặc đứng bên cạnh một sản phẩm thực sự đắt đỏ khác, đó có thể là món ăn có tỷ suất lợi nhuận cao mà nhà hàng đang muốn bạn nhìn thấy và cân nhắc.

5. Chúng ta để cảm xúc làm chủ

Trong một thử nghiệm được miêu tả trong cuôn sách Priceless được đề cập ở trên, các tình nguyện viên được phát những số tiến ngẫu nhiên khác nhau, chạy từ 1 USD tới 10 USD và mọi người đều được phát công khai.

Điều được nhận thấy rằng những người chỉ nhận được 1 USD so với những người khác thường có cảm giác khó chịu và có phần đố kỵ, một phản ứng rất tự nhiên. Khi chúng ta cảm giác mình bị “lừa”, chúng ta thường cảm thấy không thoải mái – thậm chí đó là một thương vụ tốt (bỗng nhiên được 1 USD ?)

Hãy nhìn vào một thử nghiệm khác ở quầy bar. Trời đã muộn và bạn đang đói, bạn nhìn thấy một gói Snack trong cửa hàng nhưng lại cảm thấy phân vân vì mức giá cao, do vậy bạn tự bỏ đói mình còn hơn là bị “cho vào tròng”.

Một thực tế khác rằng việc mặc cả thường làm chúng ta cảm thấy “vui” về bản thân. Thậm chí một món đồ vô dụng nhất thế giới cũng có thể trở nên hấp dẫn với mức giá siêu rẻ.

6. Chúng ta dễ bị trở nên ngốc nghếch bởi rượu bia, thời gian, và các quyết định

Khi chúng ta dùng đồ có cồn và có cảm giác say, chúng ta dường như quên đi sự mệt mỏi, căng thẳng và lơ đễnh nhiều thứ, chúng ta sẽ tự đặt và tự trả lời những câu hỏi đơn giản về việc mua các món hàng.

Những phong kẹo giá rẻ hay kẹo cao su thường được đặt ở quầy tính tiền, ngoài việc dùng làm tiền trả lại thì đó còn là “lời mời gọi” những vị khách hàng đang mệt mỏi và không quan tâm lắm đến giá tiền đính trên. Có hơi men là trạng thái rất dễ dẫn đến những sai lầm trong thực hiện giao dịch, khi đầu óc chúng ta bị hạn chế và không thể suy sét những nhân tố phức tạp ấn bên trong.

7. Chúng ta quan tâm nhiều tới các lần giao dịch


Chuyên gia Megan McArdle đã khuyên nhủ những độc giả của bà rằng hãy từ bỏ những khoản trả tiền định kỳ như thẻ thành viên CLB thể hình hay việc mua đặt báo dài kỳ. “Đừng mua những thứ bạn không dùng”, tuy nhiên mọi việc diễn ra không hẳn như bà dự đoán.

Một phát hiện thú vị đã chỉ ra rằng chúng ta thích những thẻ thành viên hay đặt mua trọn gói vì chúng ta muốn né tránh cảm giác “khó chịu” trong tâm lý: Chẳng ai muốn cứ mỗi lần đi tiêu dùng dịch vụ lại phải mở ví và rút tiền ra cả, thay vào đó cứ mua trước và tự do sử dụng tùy ý. Một cảm giác thoải mái hơn nhiều.

8. Chúng ta phản ứng khá kỳ lạ với các khoản giảm giá hay bảo hành

Có 2 hình thức đặc biệt khi giao dịch mua sắm: Giảm giá tiền cho lần mua kế tiếp và bảo hành. Thứ đầu tiên là một giá trị ảo (liệu bạn có chắc sẽ quay trở lại và tận dụng số tiền được giảm đó ?). Loại hình thứ 2 là để mua sự an tâm (Giờ tôi có thể sở hữu thứ này mãi mãi và không cần lo lắng gì cả).

Cả 2 thứ đều là những mánh khóe cơ bản “Nếu thay vì mua những món hàng được giảm giá trong lần tới. Tại sao lại không thể trả giá thấp ngay trong lần đầu mua hàng ?”

Mặt khác, “Bảo hành” cũng không phải là lựa chọn hợp lý – dẫn lời nhà kinh tế học David Cutler đến từ đại học Harvard “Nếu bạn mua một mặt hàng có gía trị thấp, nhiều người sẽ có đồng quan điểm với bạn rằng chẳng cần bảo hành làm gì” Do vậy hãy cân nhắc với từng loại mặt hàng và khả năng hư hỏng có thể xảy ra, nếu không, bạn hoàn toàn có thể bị “dính bẫy”

9. Chúng ta bị ám ảnh bởi con số 9

Có tới 65% các mức giá bán lẻ kết thúc bằng con số 9 ? Tại sao lại vậy ? Mọi người đều biết rằng 20 USD hay 19,99 USD là chẳng khác gì nhau. Nhưng con số 9 lại cho chúng ta biết một điều đơn giản: Sản phẩm này được giảm giá ! Sản phẩm này rẻ !.

Điều đó là đương nhiên vì chúng được đặt giá bởi những người biết rằng bạn không thích hàng đắt và luôn muốn được giảm giá. Nói cách khác, vô hình chung số 9 ở cuối đã chuyển tới một thông điệp về mức giá hấp dẫn tới người mua.

Tuy nhiên cách đặt giá này cũng sẽ phụ thuộc vào từng mặt hàng. Một khách hàng sẵn sàng trả tới 170 USD cho món tôm hùm sẽ cảm thấy lố bịch khi nhìn thấy mức 169,99 USD. Nhưng nếu bạn mua sản phẩm là đồ lót, những số 99 ở cuối sẽ trở nên hấp dẫn. Shopping thực ra là cuộc chơi thu hút sự chú ý. Người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm thứ họ cần, họ còn tìm đến những sản phẩm đáng mua và số những số 9 đã thực hiện việc thu hút ánh nhìn rất hiệu quả.

10. Chúng ta bị trói buộc với cảm giác “công bằng”

Người mua thường không biết giá trị thật của món đồ, bên cạnh đó họ bị thúc đẩy bởi 2 từ “công bằng” khi giao dịch hàng hó, do đó họ phải dựa vào các tín hiệu để quyết định mức chi trả. Một thí nghiệm của nhà kinh tế học Dan Ariely đã cho thấy những điều thú vị. Ariely giả sử rằng ông sắp tổ chức một buổi hòa nhạc với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Ông nói với một nhóm sinh viên rằng họ phải mua vé để đến nghe và nói với một nhóm sinh viên khác là họ sẽ được trả tiền để có mặt. Cuối cùng ông công khai với cả 2 nhóm là buổi hòa nhạc hoàn toàn miễn phí.

Nhóm thứ nhất, những người lo lắng về việc có thể tham dự hay không tin tưởng rằng họ vừa có được “một thứ gì đó” miễn phí. Nhóm thứ hai ngược lại, từ chối tham dự vì tin rằng họ bị “ép buộc” tham gia một sự kiên mà không có “đền bù” nào cả !

Buổi hòa nhạc đó thực sự có giá trị bao nhiêu ? Không ai biết ! Một cái cúc áo, một cốc café có giá trị bao nhiêu ? Cũng không ai nắm chắc ? Và bất cừ một mặt hàng nào khác cũng vậy.

Kết quả là bộ não của chúng ta sử dụng những gì nó biết rõ: Những dấu hiệu hình thức, cảm xúc thúc đẩy, sự so sánh, tỷ lệ, cảm giác về sự thương lượng, mặc cả hay bị “hớ”. Chúng ta không hề ngu ngốc. Đơn giản vì đó lối mòn tư duy và phản ứng tự nhiên của bộ não.

Theo TTVN/Businessweek, Forbes, Foxbusiness

Lý do ai cũng muốn thành tỷ phú

Lý do ai cũng muốn thành tỷ phú?


Tỷ phú được tha hồ xả hơi trên đảo riêng, có bạn đời quyến rũ hay ung dung lái Batmobile đi giữa phố, nhưng quan trọng nhất là họ có thể cứu sống hàng triệu người.

Có hàng tỷ USD trong tay là việc tất cả mọi người đều mong muốn. Có tiền, bạn có thể mua cả tòa lâu đài, tận hưởng một kỳ nghỉ xa xỉ hay lái siêu xe hoành tráng. Tuy nhiên, còn cả tấn quyền lợi và những việc phi thường khác mà chỉ người có tài sản 10 chữ số mới có thể thực hiện.

1. Sống trong nhà cao chọc trời



Buổi tiệc mừng nhà mới sẽ trở nên cực kỳ ấn tượng khi mọi người nhận ra rằng bạn đang sống trong một tòa tháp chứ không phải căn hộ bình thường. Tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani cùng vợ và ba con đang tận hưởng cảm giác chót vót trong một căn nhà cao tới 27 tầng ở Mumbai có tên “Antilia”.

2. Biến nhà riêng thành bảo tàng nghệ thuật



Là tỷ phú, bạn thừa khả năng trang hoàng nhà riêng hay văn phòng bằng những kiệt tác của các nghệ sĩ yêu thích. Tỷ phú Steve Cohen, nhà sáng lập SAC Capital, là chủ nhân một bộ sưu tầm nghệ thuật có giá trị ước tính 1 tỷ USD. Trong đó có các tác phẩm của Monet, Picasso, Jasper Johns, Jeff Koons, Damien Hirst, Willem de Kooning, Francis Bacon hay Andy Warhol.

3. Không phải đi xe công cộng hay chờ đợi ở sân bay



Hãy quên đi việc mỏi cổ chờ tàu điện ngầm trong ngày hè nóng nực, hoặc nhìn hàng người dài đằng đẵng làm thủ tục ở sân bay! Vì nếu là tỷ phú, bạn sẽ có máy bay hoặc du thuyền riêng để đi bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu bạn muốn.

4. Được đặt tên cho sân vận động hay nhà cao tầng



Sẽ thật thú vị nếu bạn quay về trường cũ và thấy tên mình được đặt cho một tòa nhà nào đó, hay đến sân vận động cổ vũ cho đội tuyển ưa thích và thấy nó được đặt trang trọng trên khán đài. Việc đó sẽ xảy ra nếu bạn là một người giàu nổi tiếng và hào phóng.

5. Không phải lo quá chén



Tỷ phú có thể tha hồ uống bia rượu trong các bữa tiệc. Vì họ chẳng bao giờ phải lo sẽ bị cảnh sát hỏi thăm tội lái xe trong tình trạng say xỉn. Lúc nào họ chẳng có tài xế riêng.

6. Có ‘một nửa’ rất quyến rũ



Tỷ phú rất dễ dàng tìm được cho mình những người vợ không những trẻ, đẹp mà còn rất tài năng. Dasha Zhukova – bạn gái tỷ phú Nga Roman Abramovich là doanh nhân, biên tập viên kiêm nhà thiết kế thời trang. Mackenzie Bezos – vợ CEO Amazon từng tốt nghiệp Đại học Princeton (Mỹ) và là một nhà tiểu thuyết gia nổi tiếng.

7. Chạy đua vào chính trường



Thực ra, bạn không cần phải là tỷ phú mới làm được việc này. Tuy nhiên, tên tuổi sẵn có, kinh nghiệm thương trường và tài lực dồi dào sẽ là những lợi thế đáng kể. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa – Mitt Romney là một ví dụ.

8. Được tất cả mọi người lắng nghe



Tỷ phú có thể nói bất kỳ điều gì, vào bất cứ lúc nào. Và bao giờ mọi người cũng rất chăm chú lắng nghe, dù điều đó có khó hiểu đến thế nào đi chăng nữa. Nhất là khi họ là những tỷ phú dày dạn kinh nghiệm thương trường, như Geoge Soros hay Warren Buffett.

9. Có nơi nghỉ mát riêng



Hãy quên những biệt thự ở Hamptons (Mỹ) hay những resort nổi tiếng ở Hawaii đi. Đó là tài sản của người khác, và bạn chỉ là khách tới đó để hưởng thụ. Mốt của các tỷ phú bây giờ là mua đảo riêng. Ông chủ Virgin Group – Richard Branson đã chi 200.000 USD mua đảo Necker (Anh). CEO Oracle – Larry Ellison cũng chẳng kém cạnh khi mua hẳn 98% đảo Lanai, thuộc Hawaii (Mỹ).

10. Đóng vai siêu anh hùng



Ai mà chẳng muốn được lái chiếc xe Batmobile của Người Dơi đi đánh bại những kẻ côn đồ! Truett Cathy, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng ăn nhanh Chick-fil-A, chính là chủ nhân chiếc Batmobile sử dụng trong bộ phim “Người Dơi trở lại” năm 1992.

11. Thay đổi cuộc sống của hàng triệu người



Tuy nhiên, điều có ý nghĩa nhất đối với họ chính là dùng số tiền mình kiếm được làm từ thiện. Quỹ từ thiện của vợ chồng Bill Gates đã chi 10 tỷ USD sản xuất vắc-xin, từ sốt rét đến viêm màng não, trong một thập kỷ. Người giàu nhất thế giới Carlos Slim cũng từng trích tặng 100 triệu USD cho dự án “Sáng kiến Clinton” để chi trả hơn 50.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể ở Peru.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HIỆU QUẢ

Những nhà đầu tư cá nhân thường không có thời gian cũng như kỹ năng để theo dõi các bước ngoặt lớn về tài chính; về thị trường chứng khoán; hiểu rõ những chỉ số tài chính; các chính sách về tiền tệ của chính phủ cũng như các động thái của những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Những thủ thuật đơn giản sau đây sẽ giúp bạn bảo toàn vốn và đầu tư hiệu quả.

Cứng rắn và nhất quán

Một trong những nguyên tắc đầu tiên của việc này là bạn phải nhất quán và có kỷ luật. Khi lên danh mục vốn đầu tư bao gồm: những cổ phiếu; trái phiếu cần đầu tư; cổ phần trong những quỹ đầu tư hoặc những khoản tiền gửi ngân hàng, bạn cần giữ vững tỷ lệ tương quan giữa chúng.

Không vì bất cứ một sự dao động ngắn hạn nào của thị trường, sự xuất hiện một ‎ý tưởng đầu tư mới hay những cổ phiếu mới xuất hiện mà bạn lại thay đổi phương pháp đã được xác lập. Ngoài ra, bạn cần định kỳ “đổ” thêm tiền vào danh mục đầu tư của bạn.

Điều này có thể không dễ dàng, nhất là khi thị trường tại thời điểm đó không tăng trưởng, bạn không nhìn thấy vốn đầu tư tăng lên và không nhận được sự thỏa mãn tức thời. Nhưng việc định kỳ tăng vốn đầu tư sẽ triệt tiêu hóa sự dao động của thị trường.

Thông thường, khi giá trị của một loại hình đầu tư nào đó tăng vọt thường có tác động mạnh đến tâm l‎ý của những nhà đầu tư. Khi nhìn vào sự tăng trưởng nhanh chóng của một loại cổ phiếu hay tổng số vốn của một quỹ đầu tư nào đó, mọi người liền đổ tiền vào chúng trong trạng thái kích động mạnh – nhưng thường khi đó thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất đã trôi qua.

“Mọi người hay bỏ tiền ra mua những cổ phiếu hoặc thả tiền vào một quỹ đầu tư nào đó mà đáng ra họ phải làm điều này từ một năm trước đây, – giáo sư Tarrans Odin, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính của Trường đại học Tổng hợp California, nói. – Điều này phần nào được giải thích rằng mọi người thường ngoại suy những kết quả từ quá khứ ra tương lai. Hơn nữa, phần đông những nhà đầu tư nghiệp dư thường đơn giản hóa thị trường hơn nó vốn có”.

Đừng tiêu tiền thiếu suy nghĩ

Hạnh phúc không thể mua được bằng tiền, nhưng nhiều người cứ “cố đấm ăn xôi cuối” cùng trở thành “tù chung thân” của những món nợ. Chắc hẳn bạn đã gặp phải tình huống như sau: bạn nhìn thấy một đồ vật gì đó trong cửa hàng và thấy rằng vật này rất cần cho mình nên bỏ tiền ra mua, nhưng sau đó một tuần hay một tháng bạn không còn nhớ gì đến chúng nữa.

Ham muốn có được những đồ vật mà mình thích nhưng không thực sự cần thiết là một thói quen “có hại cho túi tiền” của bạn. Vậy bài học ở đây là gì? Nếu bạn muốn tìm kiếm hạnh phúc, thì chắc chắn không thể tìm thấy trong các trung tâm thương mại.

Chúng ta chính là thị trường

Ai trong chúng ta cũng muốn kiếm được lợi nhiều nhất từ thị trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều đó, vì thị trường chính là chúng ta, vậy nên nếu trong chúng ta có kẻ thắng, thì tức là sẽ có người thua.

Thông thường, mọi người chỉ muốn kết thúc một phi vụ giao dịch khi nhận được lợi nhuận cao nhất có thể, – giáo sư Mair Steman, một chuyên gia về tài chính, của trường Đại học Santa Clara University nhận xét, – cho dù đó là phi vụ trong thị trường chứng khoán hay bất động sản.

“Mọi người nói rằng: OK, thị trường bất động sản sẽ còn tăng giá. Nhưng trên thực tế thì họ không muốn bán theo giá cả vào thời điểm hiện tại, – Steman nói. – Họ đánh giá giá trị của ngôi nhà của mình là một triệu USD, bởi vì hàng xóm của họ đã bán nhà của mình với giá một triệu USD vào năm ngoái. Vì vậy, sau khi thông báo bán nhà suốt cả ba tháng mà họ vẫn không tìm được người mua. Bởi vì một l‎ý do đơn giản giá trị ngôi nhà của họ vào thời điểm hiện tại chỉ là 800.000 USD”.

Hơn nữa, nếu tính đến những chi phí phải trả cho những nhà môi giới, thuế, sửa chữa theo yêu cầu nào đó của người mua… thì bạn không thể thu được con số cao nhất mà bạn chỉ có thể nhìn thấy trong các bản báo cáo hoặc phân tích tài chính.

Hạn chế chi phí ở mức thấp nhất

Bạn đừng bao giờ quên rằng, sự thành công trong đầu tư của bạn bao giờ cũng phải san sẻ với hai người nữa đó là những người môi giới và phòng thuế. Nếu không muốn chia lợi nhuận thu được ra làm ba phần, bạn cần nghĩ cách hạn chế các chi phí đầu tư và trả thuế ở mức thấp nhất trong chừng mực có thể.

Cần đến sự giúp đỡ

Phần lớn những nhà đầu tư nghiệp dư đều không có thời gian, hứng thú, kiến thức và cuối cùng là sự nhẫn nại để thực hiện các phi vụ đầu tư độc lập một cách thành công. Thậm chí, ngay cả khi bạn đầu tư thành công và thu được lợi nhuận, điều này hoàn toàn không có nghĩa là bạn đã biến thành một người có uy tín trong lĩnh vực tài chính.

“Mọi người sau khi thu được một số thành tựu nào đó (trên thị trường), – giáo sư Odin nói, – thì họ nghĩ rằng mình đã hiểu phải làm như thế nào. Nhưng trên thực tế, thì họ đã nhầm lẫn giữu sự thành công và tri thức”.

Nhưng đáng tiếc là với sự giúp đỡ của các nhà môi giới hay tư vấn tài chính cũng chưa chắc đã đảm bảo sự thành công cho những quyết định đầu tư của bạn. Rất nhiều người trong số họ đòi hỏi giá cả dịch vụ rất cao, trong khi bản thân với một cái bằng về tài chính thì chưa đủ hiểu biết cũng như kinh nghiệm để hiểu được rắc rối của thị trường tài chính. Chính vì vậy, khi lựa chọn một nhà tư vấn tài chính, bạn phải đặc biệt cẩn trọng.

Đừng bỏ tất cả trứng vào trong một cái giỏ duy nhất

Khi nói về sự cần thiết phải đa dạng hóa danh mục đầu tư, các chuyên gia tài chính thường dựa trên luận điểm rằng đây là phương pháp cần thiết để giảm sự mạo hiểm: nếu một hướng đầu tư nào đó của bạn đang trong chiều hướng lỗ thì có thể hướng khác vẫn đem lại lợi nhuận cho bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ‎ý rằng khi xảy ra những cuộc khủng hoảng tài chính lớn thì sự đa dạng cũng không có‎ ý nghĩa nhiều lắm.

Hoặc trong những thị trường khác nhau thì độ dao động và mức độ thu nhập trong năm cũng khác nhau, ví dụ thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng chậm hơn thị trường ở những nước phát triển, nhưng độ dao động của nó cũng thấp hơn hẳn. Trái phiếu không bao giờ giảm giá nhanh chóng như cổ phiếu.

Đừng bao giờ quên gia đình

Gia đình đồng thời là một khoản vốn và một khoản nợ quan trọng của bạn. Nếu như các con hoặc bố mẹ bạn đang gặp khó khăn về tài chính, thì hiển nhiên bạn phải giúp đỡ họ và ngược lại. Bạn không bao giờ được quên điều này.

Con cái không những là người thừa kế tài sản sau khi bạn mất đi mà chúng còn thừa kế cả những thói quen về tài chính của bạn. Hãy dạy chúng có những quan niệm đúng đắn về tiền bạc. Khi sử dụng tiền bạc, bạn đừng bao giờ quên những hậu quả của những hành động mà nó có thể gây ra cho gia đình mình.

Đầu tư dài hạn

Nếu chẳng may bạn chết sớm thì vợ và con bạn có thể gặp khó khăn về tài chính, nhưng nếu bạn trường thọ thì cũng là một vấn đề cần suy nghĩ. Không ít người khi về hưu có rất ít tiền tiết kiệm hoặc thậm chí chả có đồng nào cả, hay sau khi về hưu một thời gian họ đã tiêu hết số tiền dành dụm được.

Điều này sẽ chẳng thành vấn đề nếu hai vợ chồng bạn không sống lâu quá, hoặc bạn cũng chẳng quan tâm lắm đến chuyện tuổi già mình sẽ sống như thế nào. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn sẽ sống rất lâu trong khi không có tiền lương hưu hoặc bảo hiểm trọn đời hay nhiều tiền tiết kiệm trong nhà băng? Vì vậy, bạn nên trù liệu trước và triệt để tiết kiệm tiền bạc trong chừng mực có thể.

Đừng quên lạm phát

Thậm chí, ngay cả khi mọi việc xung quanh vẫn đang diễn ra tốt đẹp, tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư của bạn vẫn đang sinh sôi nảy nở, thì bạn vẫn đang mất một số tiền nhất định hàng năm vì lạm phát.

Chính vì vậy, bạn không nên quá chú ‎ý tới con số lãi trên giấy tờ mà nên đánh giá nó trong sự tương đối – tức là % thu nhập của bạn không được phép thấp hơn % lạm phát.
DBS M05479
Quang Cao