Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

5 siêu vũ khí đáng gờm nhất năm 2013

Dưới đây là 5 loại vũ khí mới, tối tân và đáng mong đợi nhất trong năm sau với đặc điểm nổi trội nhất là sự gọn nhẹ, tiện dụng, tự động hóa và giảm thiểu tối đa thiệt hại về người.

1. Súng in



Máy in 3D ngày nay chỉ có thể in ra loại súng bắn được 6 phát đạn, tuy nhiên ai biết được công nghệ này sẽ đi đến đâu trong 5-10 năm tới và vai trò của nó trong các cuộc xung đột trên thế giới nếu bất kỳ ai cũng có thể in ra những khẩu súng trường có thể bắn chết người.

Quân đội Mỹ đang hướng tới công nghệ in 3D như một cách để hạn chế lượng thiết bị mà binh lính phải mang theo. Mặc dù một số nhà sản xuất máy in 3D tìm cách ngăn khách hàng sử dụng thiết bị này để sản xuất vũ khí, nhưng có vẻ công nghệ này đã lọt ra ngoài. Những kẻ đam mê súng thậm chí lập hẳn một trang web khác đăng tải các hướng dẫn, thiết kế và sản xuất súng bằng máy in 3D.

2. Tàu tên lửa không người lái



Đây là loại tàu cao tốc trên biển, được điều khiển từ xa và có khả năng bắn tên lửa của Hải quân Mỹ, được biết đến với tên gọi chính thức là tàu tác chiến mặt nước không người lái (USV) có gắn loại tên lửa Spike từ một "Mô-đun chiến đấu chính xác" (gọi tắt là USV-PEM). Hệ thống bao gồm một tàu siêu tốc dài 11 m, có tầm nhìn ban đêm, camera hồng ngoại và trang bị súng máy cỡ nòng 0,5 hay 6 tên lửa Spike do Israel sản xuất.

Cuối tháng 10, USV-PEM - một dự án phối hợp giữa Mỹ và Israel - đã phóng thành công 6 tên lửa Spike. Loại tàu không người lái này được điều khiển bởi một nhóm thủy thủ ngồi tại trạm điều khiển trên bờ hoặc trên một hàng không mẫu hạm. Tàu được thiết kế chủ yếu nhằm tiêu diệt các đội tàu siêu tốc nhỏ, chứa chất nổ khi chúng tấn công các tàu chiến cỡ lớn. Hải quân Mỹ rất lo ngại Iran sử dụng chiến thuật "đội tàu nhỏ" để chống lại các dịch vụ hàng hải trong bất kỳ xung đột nào tại vùng Vịnh.

3. Máy bay tàng hình không người lái (UAV) nEUROn




Các hãng sản xuất vũ khí trên thế gới đang cố gắng phát triển một thế hệ máy bay tàng hình không người lái mới có kích thước bằng một máy bay chiến đấu. Mới đây, Pháp, theo sau Mỹ, đã trở thành quốc gia thứ 2 thử nghiệm thành công máy bay UAV tàng hình nEUROn.

Máy bay không người lái của hãng Dassault được thiết kế có khả năng mang theo các cảm biến và vũ khí, đáng chú ý là càng trước có 2 bánh, tính năng thường chỉ thấy ở các máy bay xuất phát trên tàu sân bay. Sau nEUROn có thể sẽ là máy bay không người lái Taranis của hãng BAE Systems và MiG SKAT của Nga.

4. Xe chiến đấu không người lái




Ngoài máy bay chiến đấu không người lái trên biển, Israel đang âm thầm phát triển các thiết bị chiến đấu tự động trên đất liền. Guardium là loại xe sa mạc bọc thép (giống như một chiếc xe thông minh) trang bị nhiều thiết bị cảm biến và vũ khí. Những chiếc xe nhỏ này có thể độc lập tuần tra, sử dụng các cảm biến để tự động xác định các mối đe dọa, và "sử dụng nhiều biện pháp mạnh khác nhau" để tiêu diệt các mối đe dọa này. Thực tế, những chiếc Guardium được triển khai quanh vùng biên giới của Israel giáp Dải Gaza có thể hoạt động độc lập dù không có sự giám sát của con người.

Theo nhà sản xuất G-NUIS Unmanned Ground Systems, các robot này có thể "phản ứng với các diễn biến bất ngờ, theo các hướng dẫn được lập trình cụ thể cho từng đặc điểm hiện trường và chương trình an ninh". Trong khi quân đội Mỹ đang tiến hành những thử nghiệm rất hạn chế các xe jeep này để chuyên chở quân nhu cho quân đội tuần tra tại Afghanistan, Guardium có thể là loại thiết bị không người lái mặt đất vũ trang đầu tiên hoạt động trên thế giới.

5. Tên lửa vi ba CHAMP




Đây là dự án tên lửa tối tân sóng vi ba công suất lớn chống điện tử (CHAMP) của tập đoàn Boeing.

Tên lửa được thiết kế để bay qua một mục tiêu - một tòa nhà hay một khu dân cư - hơn là để phá nổ mục tiêu - nhằm tạm thời làm tê liệt mọi thiết bị điện tử gần đó.

Boeing và Không quân Mỹ đã phóng thử thành công CHAMP hồi tháng 10 tại sa mạc Utah. Tên lửa bay một vòng kéo dài một giờ phía trên tòa nhà chứa đầy máy tính. Màn hình những chiếc máy tính này lập tức biến thành màu đen khi CHAMP bay qua và phát ra luồng sóng siêu âm cường độ mạnh.

Những loại súng bắn tỉa đáng sợ nhất thế giới

Là một trong những loại vũ khí không thể thiếu trong tác chiến bộ binh, súng trường bắn tỉa đóng vai trò giúp tiêu diệt sinh lực hoặc điểm hỏa lực mạnh của địch, nằm ngoài tầm bắn của vũ khí cá nhân thông thường.

Ngoài ra, súng trường bắn tỉa còn được phổ dụng trong hầu hết các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ trên thế giới, nhờ khả năng tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao ở khoảng cách lớn. Trong khi đó, súng trường bắn tỉa cũng là vũ khí yêu thích của các phần tử khủng bố, với mục đích ám sát những nhân vật quan trọng, có ảnh hưởng.

Chính vì sự quan trọng đó, các quốc gia đứng đầu thế giới về vũ khí đều nghiên cứu và chế tạo những loại súng trường bắn tỉa của riêng mình. Đây cũng là loại vũ khí được đặt mua khá nhiều dù giá thành không hề rẻ trong khi chi phí đào đạo để sử dụng cao hơn những loại súng thông thường. Tuy nhiên, lợi thế tác chiến mà súng trường bắn tỉa mang lại cũng là điều không cần phải bàn cãi.

Súng trường bắn tỉa Dragunov






Dragunov là súng trưởng bắn tỉa bán tự động, được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia vũ khí quân đội Liên Xô. Ra đời năm 1963 nhưng vẫn rất được yêu thích tới tận ngày nay. Súng trường bắn tỉa Dragunov luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ tác chiến bộ binh và tiêu diệt hỏa lực địch mà các nhà sản xuất đặt ra khi chế tạo Dragunov.

Trong cuộc đua trước các sản phẩm của Sergei Simonov và Aleksandr Konstantinov, Yevgeny Dragunov đã giành chiến thắng thuyết phục để trở thành súng trường bắn tỉa chủ lực trong quân đội Liên Xô, chính thức được biên chế năm 1964 nhờ công nghệ sản xuất hàng loạt của Izhmash.

Gần như song song với sự có mặt trong quân đội Liên Xô, súng trường bắn tỉa Dragunov cũng nhanh chóng được xuất khẩu cho quân đội các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw, đối trọng của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Liên Xô đứng đầu. Sau đó, Dragunov cũng nhanh chóng được xuất khẩu cho nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Iran được phép sử dụng công nghệ của Dragunov để chế tạo những phiên bản của riêng mình.


Với chiều dài 1,225m, trọng lượng tiêu chuẩn 4,3kg, Dragunov có thể sử dụng loại đạn 7,62x54mm hay đạn súng trường 5,45x39mm. Tầm bắn hiệu quả của Dragunov đạt 800m trong khi nó đủ sức tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tối đa 1.300m với ông ngắm hoặc 1.200m với thiết bị ngắm kim loại. Hộp chứa đạn của Dragunov có 10 viên.

Súng trường bắn tỉa Heckler & Koch PSG1






Được mệnh danh là “súng trường thiện xạ”, loại súng Heckler & Koch PSG1 do Đức nghiên cứu chế tạo nổi danh khắp thế giới nhờ khả năng bắn chuẩn xác. PSG1 là loại súng bán tự động, được công ty Heckler & Koch của Đức nghiên cứu chế tạo. Người ta cho rằng, PSG1 được ra đời nhằm đối phó với những vụ việc tương tự như Thảm sát Munich tại Thế vận hội mùa hè năm 1972.

Với công suất lớn, độ chính xác cao, PSG1 được coi là khẩu súng trường bán tự động không thể thiếu trong lực lượng cảnh sát, quân đội và đặc nhiệm chống khủng bố Tây Đức. Không những vậy, PSG1 còn được mệnh danh là “một trong những súng trường bắn tỉa chính xác nhất thế giới”, chỉ thua kém những thế hệ súng bắn tỉa hiện đại sau này.






Với trọng lượng 7,2kg, độ dài thân đạt 1,23m, PSG1 có thể hạ gục mục tiêu trong phạm vi 800m. Sử dụng loại đạn 7,62x51mm tiêu chuẩn NATO cho phép bắn tầm sát thương của khẩu súng lên tới hơn 1.000m trong khi kính ngắm chuyên dụng giúp định hướng đường đạn tốt hơn. Những phiên bản sau của PSG1 cho phép nó trang bị bộ phận giảm thanh, giúp nó phát huy khả năng tốt hơn trong những nhiệm vụ tác chiến cần đảm bảo bí mật.

Súng trường bắn tỉa Barret 50 Cal






Còn có tên khắc là M82, Barret 50 Cal là sẩn phẩm của công ty vũ khí Barrett, Mỹ. Được ra đời với mục đích đáp ứng nhu cập của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, Barret 50 Cal sở hữu những thiết kế, biến nó trở thành súng trường bắn tỉa hạng nặng với độ chính xác hàng đầu thế giới. Với cỡ nòng 0,50 BMG sử dụng đạn 12,7x99mm, M82 có khả năng sát thương xa nhất nhì so với những loại súng bắn tỉa hiện đang được sử dụng.

Được nghiên cứu, chế tạo trong những năm đầu thập niên 1980 nhưng tên tuổi của Barret 50 Cal chỉ thực sự được biết đến trong các chiến dịch lừng danh Lá chắn Sa mạc và Bão táp Sa mạc mà Mỹ tiến hành ở Kuwait và Iraq. Khi đó, phiên bản cải tiến của Barret 50 Cal là M82A1 nhanh chóng được được trang bị cho các xạ thủ Thủy quân lục chiến Mỹ, sau đó là quân đội và không quân.

Sở dĩ, Barret 50 Cal đột ngột được ưa chuộng bởi khả năng tác chiến tuyệt vời mà khẩu súng sở hữu. Với tầm sát thương hiệu quả lên tới 1.800m cùng cơ số đạn khá lớn giúp binh sĩ Mỹ chiếm được lợi thế trong địa hình sa mạc. Sở hữu đạn lớn không chỉ cho phép Barret 50 Cal có tầm sát thương rộng mà còn giúp nó tiêu diệt mục tiêu ẩn nấp sau những chướng ngại vật. Hiện tại, Barret 50 Cal và các hậu duệ của nó đang được quân đội hàng chục quốc gia sử dụng.

Súng trường bắn tỉa L115A3 AWM






Được coi là chuẩn mực của sự chính xác đối với các loại súng trường bắn tỉa trên toàn thế giới, Accuracy International AW của Anh là một trong những vũ khí thành công nhất của Anh. Không chỉ góp mặt trên các chiến trường, L115A3 AWM còn được sử dụng phổ biến trong lực lượng cảnh sát hay binh sĩ đặc nhiệm, chống khủng bố nhờ tính ưu việt vốn có.

Được giới thiệu trong những năm 1980, Accuracy International AW được trang bị kính ngắm quang học cho phép xác định chính xác mục tiêu. Những chế độ khác nhau trên ống ngắm cho phép tiêu diệt mục tiêu ở nhiều khoảng cách khác nhau tùy điều kiện tác chiến. Trên thực tế, những khẩu AW ra đời hoàn toàn phục vụ mục đích bắn tỉa, nên thiết kế của chúng không cho phép khẩu súng thực hiện các nhiệm vụ khác.



Chính thức được đưa vào sử dụng từ năm 1990 tới nay, Accuracy International AW là một trong những khẩu súng chưa thể thay thế. Với trọng lượng nhẹ, tương đương 6,5kg, chiều dài 1,18m trong khi độ dài nòng súng đạt 0,66m cho phép khẩu súng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 800m. Sử dụng đạn 7.62x51mm tiêu chuẩn NATO, khẩu súng có thể mang tối đa 10 viên đạn/băng. Kính ngắm chuyên dụng cho phép khẩu súng hoạt động hiệu quả cả ngày lẫn đêm.

Súng trường bắn tỉa Cheytac-408 Cal


Cheytac-408 Cal của Mỹ là súng ngắm quân sự tầm xa, được phát triển bởi chuyên gia vũ khí, tiến sĩ John D. Taylor và thợ máy William O. Wordman. Nó được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu bắn hạ chính xác mục tiêu ở khoảng cách 2km, vốn nằm ngoài tầm với của các cả các loại súng bộ binh đang được sử dụng.

Kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 2001, tỉa Cheytac-408 Cal nhanh chóng tạo ra những ưu thế vượt trội cho quân đội Mỹ, nhờ sức công phá mạnh cùng khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu ở cự ly lớn. Sở hữu trọng lượng lên tới 14kg, độ dài 1,34m cùng chiều dài nòng súng đạt 73,7cm giúp đạn của súng trường bắn tỉa Cheytac-408 Cal đi chính xác ở khoảng cách xa kỷ lục.

Do kích cỡ đạn lớn nhằm mục tiêu bắn hạ đối phương ở khoảng cách xa, hộp đạn của Cheytac-408 Cal chỉ có thể mang được tối đa 7 viên. Các phiên bản quân sự cho phép khẩu súng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách trên 2.000m trong khi phiên bản dân sự có thể bắn trung mục tiêu ở khoảng cách trên 1.500m. Tùy loại kính ngắm được sử dụng, Cheytac-408 Cal có thể hoạt động hiệu quả bất kể ngày đêm.

Khám phá Ninja của quân phòng vệ Nhật Bản

Trực thăng OH-1 được mệnh danh là ninja của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản với vai trò giống với những ninja thời phong kiến của quốc gia này.


Ninja là danh xưng để chỉ các cá nhân hay tổ chức thời phong kiến Nhật Bản chuyên làm nhiệm vụ gián điệp, phá hoại, xâm nhập, ám sát và tấn công đối phương khi cần. Sở dĩ trực thăng Kawasaki OH-1 được mệnh danh là ninja một phần có lẽ vì vai trò nhiệm vụ của nó tương tự những ninja huyền thoại.


Trực thăng OH-1 Ninja do Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki thiết kế trang bị cho quân phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) từ năm 1996. Tổng cộng chỉ có 34 chiếc được sản xuất. OH-1 dùng để trinh sát, xâm nhập vùng địch và có thể tham gia tấn công địch khi cần.


Ninja được chế tạo chủ yếu bằng vật liệu composite, trọng lượng cất cánh tối đa chỉ khoảng 4 tấn.



Trực thăng OH-1 thiết kế với buồng lái 2 chỗ ngồi: phi công ngồi trước điều khiển máy bay và phi công ngồi sau điều khiển vũ khí/quan sát. Buồng lái được bọc giáp giúp đảm bảo sự sống sót cao cho phi công.


Bên trong buồng lái OH-1 với màn hình LCD hiển thị đa năng.


"Con mắt” do thám kẻ địch của OH-1 Ninja là tháp cảm biến quang – điện lắp trên đỉnh buồng lái (dấu đỏ). Bên trong tháp tích hợp hệ thống hồng ngoại nhìn phía trước, camera màu TV, đo xa laser và thiết bị chỉ thị mục tiêu.


Trực thăng OH-1 Ninja trang bị cánh quạt chính có đường kính 11,6m và cánh quạt đuôi kiểu Fenestron (dấu đỏ). Kiểu Fenestron giúp làm giảm thấp nhất tiếng ồn so với máy bay trực thăng khác, triệt tiêu hoàn toàn mô men xoắn cánh quạt chính.


OH-1 Ninja trang bị 2 động cơ tuốc bin trục Mitsubishi TS1-M-10 cho phép đạt tốc độ tối đa 270km/h, tầm bay hơn 500km.


Những đặc điểm trên hầu hết nhằm tối ưu khả năng ẩn mình trước kẻ địch trong nhiệm vụ trinh sát vùng địch. Tất nhiên, OH-1 Ninja cũng có khả năng mang vũ khí (gồm 4 tên lửa đối không Type 91) để tự phòng vệ.

Tàu ngầm Kilo Việt Nam sẽ vượt trội Kilo Trung Quốc

Hai tàu ngầm Project 636 (lớp Kilo) đầu tiên, được đóng cho Hải quân Việt Nam, sẽ được gửi tới khách hàng trong năm 2013.

RIA Novosti trích dẫn lời phỏng vấn của ông Andrey Baranov, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh tế đối ngoại và hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài của Viện thiết kế và đóng tàu Rubin cho biết hôm 16/2.

Ông Baranov nhắc lại rằng, trong tháng 12/2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ký một hợp đồng đặt hàng 6 tàu ngầm Project 636 của Nga với số tiền khoảng 2 tỷ USD. Hợp đồng này sẽ được hoàn thành vào năm 2016.

Hai tàu ngầm Kilo đầu tiên sẽ được Nga bàn giao cho Việt Nam trong năm nay.


"Hai tàu ngầm Kilo đầu tiên đã được hạ thủy trong năm 2012, chiếc đầu tiên đang thử nghiệm gần Kaliningrad. Trong năm 2013, hai tàu ngầm này sẽ được chuyển giao cho khác hàng. Đây sẽ là một sự kiện rất quan trọng, thu hút sự chú ý của thế giới", ông Baranov nhấn mạnh.

Theo lời của ông này, trong năm 2013, sẽ có thêm 2 chiếc tàu ngầm Kilo (thứ ba và thứ tư) của Việt Nam cũng sẽ được hạ thủy.

Ông Baranov lưu ý rằng, tàu ngầm Project 636 được cung cấp cho một khách hàng nước ngoài, có sự khác biệt đáng kể so với tàu ngầm Project 877 EKM mà Nga đã rất thành công trong việc xuất khẩu ra nước ngoài từ những năm 1980. Biến thể cũ của Project 877 EKM đã được Trung Quốc mua và biên chế trong hải quân nước này. "Cấu trúc của tàu cũng như các đặc điểm kỹ thuật vẫn được giữ kín, nhưng "hạt nhân" là các thiết bị điện tử và hệ thống đảm bảo sự sống cho thủy thủ đoàn, nói chung là rất hiện đại", ông Baranov nói.

Tàu ngầm Kilo 636 có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300 m, thuỷ thủ đoàn gồm 52 người. Vũ khí của tàu gồm ngư lôi 533 mm với sáu ống phóng, mìn, tên lửa hành trình Kaliber.

Các sĩ quan cao cấp gốc Việt của quân đội Mỹ

Chưa có số liệu chính xác về quân nhân Mỹ gốc Việt trong quân đội hiện đại nhất thế giới hiện nay, nhưng theo thống kê sơ bộ, số sĩ quan người Việt khá đông, có thể lên đến 1.000 người, trong đó đại tá là quân hàm cao nhất, có trên 20 vị.

Điều kiện được thăng quân hàm cấp tướng của quân đội Mỹ: Phải mang quân hàm đại tá 3 năm; là Chỉ huy trưởng xuất sắc; giữ phương vị chỉ huy suốt thời gian ấn định; do Hội đồng thăng cấp chọn lọc; do Tư lệnh quân chủng đề nghị lên Bộ trưởng quốc phòng; được Thượng viện xét duyệt và do Tổng thống quyết định.

Theo hệ thống thăng quân hàm cấp tướng của quân đội Mỹ, sĩ quan đại tá Bộ binh, Không quân và Thuỷ quân lục chiến trước tiên sẽ được thăng chuẩn tướng, còn đại tá Lực lượng phòng vệ bờ biển và Hải quân thăng cấp phó đô đốc. Vậy, ai sẽ trở thành tướng gốc Việt đầu tiên trong quân đội Mỹ?

Đại tá Nguyen Hung là một trong những sĩ quan gốc Việt sáng giá, có thể được thăng quân hàm cấp tướng trong quân đội Mỹ. Ông hiện là Chỉ huy trưởng Phân khu Ohio Valley Loouisville thuộc Lực lượng phòng vệ bờ biển.

Đại tá Nguyen Hung: Chỉ huy trưởng Phân khu Ohio Valley Loouisville, Lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ.

Theo hồ sơ cá nhân, sĩ quan gốc Việt Nguyen Hung được thăng quân hàm đại tá vào năm 2007. Tháng 6/2010, ông là một trong số hơn 200 đại tá thuộc Lực lượng duyên phòng được chọn thăng cấp Phó đô đốc. Cùng năm, ông được đề cử vai trò đồng Chủ tịch (CO- Chair of the injury) phối hợp điều tra giữa Lực lượng phòng vệ bờ biển và Bộ Nội vụ Mỹ để tìm ra nguyên nhân đưa đến tử vong của 11 công nhân làm việc tại dàn khoan Deepwater Hirizon bị chìm và những hậu quả do dầu loang ảnh hưởng đến môi sinh vùng vịnh.

Luong Xuan Viet được phong quân hàm đại tá từ năm 2009. Ông từng nắm quyền chỉ huy nhiều đơn vị trong Không quân Mỹ, như: giữ chức Chỉ huy phó hành quân Quân đoàn Không vận 18 từ tháng 2/2008, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 505 nhảy dù, Toán chiến đấu Lữ đoàn 3, Sư đoàn không vận 82 và hiện nay là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3, Sư đoàn Không vận 101.

Đại tá Luong Xuan Viet: Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3, Sư đoàn Không vận 101.

Đại tá Luong Xuan Viet được mệnh danh là người hùng trở về từ chiến trường Afghanistan. Dưới tài lãnh đạo và chỉ huy của ông, Lữ đoàn 3 Nhảy dù với quân số 9.000 sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đã hoàn thành xuất sắc bình định lãnh thổ khu vực trách nhiệm, được xem như là một chiến thắng lớn. Sau 13 tháng chiến đấu tại chiến trường nổi tiếng khắc nghiệt đầy nguy hiểm này, Lữ đoàn 3 Nhảy dù chỉ bị thiệt hạị nhẹ, với tổn thất 17 quân nhân.

Được biết, bên cạnh việc tốt nghiệp ĐH Southern California chuyên ngành sinh hóa, đại tá Viet còn có bằng cao học về khoa học quân sự. Ông từng được đào tạo tại các trường quân sự, như: Airborn school, Ranger school, The Infantry Officer Basic and Advanced Courses, Command and General Staff College, Joint Forces Staff College.

Bác Sĩ Mylene Tran Huynh (tên Việt Nam là Tran Thi Phuong Đai), 44 tuổi, Giám đốc cơ quan y khoa của Không quân Mỹ (Air Force Medical Service - AFMS) thuộc Chương trình chuyên viên y tế quốc tế (International Health Specialist - IHS), đã được thăng quân hàm đại tá vào ngày 14/5/2010.

Mylene Tran Huynh: Nữ đại tá Không quân Mỹ

Ở chức vụ Giám đốc AFMS, Tran Huynh có trách nhiệm thiết lập các qui định, hướng dẫn và giám sát cho 65 nhân viên thuộc quyền ở 15 địa điểm khác nhau trên thế giới và cho cả 150 nhân viên quân y của Không lực Mỹ thuộc chương trình IHS.

Sau khi tốt nghiệp văn bằng cử nhân và bác sĩ y khoa tại ĐH Virginia, Mylene Tran phục vụ trong Không lực Mỹ suốt 18 năm và hướng dẫn 25 cuộc trao đổi hợp tác về y tế ở 15 quốc gia, trong đó có hai lần ở Việt Nam. Cụ thể, nhóm công tác của bà đã thực hiện những cuộc giải phẫu và săn sóc y tế cho hơn 3.000 người tại Huế và vùng phụ cận, kể cả xây dựng lại hạ tầng cơ sở cho các trường học. Trong những ngày làm việc ở Việt Nam (mỗi ngày 10 giờ, còn ban đêm phải họp bàn để trao đổi về công việc trong ngày), nhóm đã mang lại ánh sáng cho 63 bệnh nhân nhờ mỗ cataract; giải phẫu tim cho một em bé bốn tháng; khám, cấp thuốc cho 2.000 bệnh nhân có bệnh tim và huyết áp cao; khám chữa răng cho 2.711 người; khám chữa mắt cho 1.000 người khác; cấp phát 900 kính đọc sách và biên toa thuốc cho hơn 10.000 bệnh nhân...

Ngoài ra, nhóm của đại tá Huynh còn trao đổi về những kỹ thuật lâm sàng cũng như giải phẫu với đối tác Việt Nam và thuyết trình kiến thức y khoa ở ĐH Huế. Ngược lại, họ cũng học được của đồng nghiệp Việt Nam một số phương cách chữa bệnh như chữa mồ hôi tay bằng phương thức đông y cổ truyền...

Có thể nói, thành tựu của nữ bác sĩ Mylene Tran không những là một niềm vinh dự của riêng bà, mà còn của cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên, điều đáng ca ngợi nơi Mylene hơn nữa là trong khi đang sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc nơi xứ người, bà vẫn không quên nguồn cội, đã nhiều lần trở về Việt Nam để cung cấp chăm sóc y tế cho người nghèo và thiếu may mắn...

Như vậy, bên cạnh 3 đại tá gốc Việt trên, trong quân đội Mỹ vẫn còn rất nhiều những sĩ quan gốc Việt tiềm năng. Tuy nhiên, dù là người Việt nào trở thành tướng đầu tiên thì cũng là niềm tự hào của cộng đồng cả trong và ngoài nước./.

Cục Thông tin Đối ngoại (AFIS) - Bộ Thông tin và Truyền thông
DBS M05479
Quang Cao