Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Công ty Thụy Sĩ muốn đưa vệ tinh lên quỹ đạo bằng Airbus A300


Nếu bạn muốn phóng một vệ tinh lên quỹ đạo theo cách thông thường, tức là bằng tên lửa đẩy thì chi phí mà bạn phải bỏ ra ít nhất là 50.000.000 USD. Tuy nhiên, một công ty vừa thành lập tại Thụy Sĩ có tên Swiss Space Systems (S3) lại cho rằng hoàn toàn có thể đưa một vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo chỉ với giá 10,6 triệu USD. Tại sao lại "rẻ" như vậy? Thay vì sử dụng tên lửa đẩy, S3 đang lên kế hoạch đưa các vệ tinh vào không gian bằng một máy bay phản lực vào một tàu không người lái.

Hệ thống phóng sẽ được tích hợp trên một chiếc máy bay Airbus A300 - loại máy bay thương mại hiện hành được chứng nhận cho các chuyến bay không trọng lực. Lắp trên lưng của A300 là tàu không người lái và nó chứa bên trong một vệ tinh với trọng lượng không quá 250 kg.



Tàu không người lái.
Máy bay sẽ cất cánh từ một sân bay vũ trụ theo chỉ định và sau đó thả tàu không người lái ở độ cao khoảng 10.000 m. Con tàu bắt đầu khởi động các động cơ và bay lên độ cao 80 km, tại đây, vệ tinh sẽ được phóng từ bệ vận chuyển trên tàu. Vệ tinh sẽ tiếp tục sử dụng động cơ đẩy giai đoạn trên cao để đi vào quỹ đạo trong khi tàu không người lái sẽ bay trở lại sân bay để tái sử dụng.

Theo S3, hệ thống không chỉ sử dụng ít nhiên liệu hơn so với các hệ thống tên lửa đẩy truyền thống mà lệnh phóng còn thể được hoãn lại ở mọi giai đoạn, tàu không người lái sẽ mang vệ tinh trở lại mặt đất. Thêm vào đó, do máy bay Airbus A300 có thể cất cánh từ mọi đường băng thích hợp với nó nên các sân bay vũ trụ có thể được thiết lập tại nhiều nơi trên trên thế giới. Điều này có nghĩa khách hàng với nhu cầu đưa vệ tinh lên quỹ đạo sẽ không cần vận chuyển vệ tinh của mình đến một địa điểm phóng cố định.


Thiết kế sân bay vũ trụ tại Payerne.

Một trong những sân bay vũ trụ đầu tiên theo dự án của S3 đã được lên kế hoạch khai trương tại thành phố Payerne của Thụy Sĩ vào năm 2015 và những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên cũng đã được lên lịch thực hiện vào cuối năm 2017. Các sân bay tiếp theo khả năng sẽ được thiết lập tại Malaysia và Ma-rốc cùng nhiều địa điểm đang trong danh sách chờ đợi khác.

Ngoài S3, hãng hàng không vũ trụ Virgin Galatic cũng đang phát triển một hệ thống tương tự, theo đó vệ tinh sẽ được đưa đến độ cao cần thiết để phóng bằng máy bay WhiteKnightTwo của hãng.


Theo: Gizmag

Nhiều bất cập khiến người dân ngại thanh toán bằng thẻ

Phải trải qua nhiều công đoạn và mất thời gian, chưa kể nhiều nơi còn bắt khách hàng đóng phí 2-3% phí hoặc hạn chế những ưu đãi... khiến không ít người ngại dùng thẻ để thanh toán mà vẫn dùng tiền mặt.


Chị Thanh Tâm, quận Bình Tân, TP HCM tuần rồi mua chiếc điện thoại 11 triệu đồng tại một hệ thống di động lớn trên đường Lê Hồng Phong, quận 5. Khi đến quầy cà thẻ, cô nhân viên tính trên hóa đơn 11,22 triệu đồng. Chị thắc mắc tại sao lại lên 220.000 đồng so với giá niêm yết thì được giải thích phải thu thêm phụ phí 2% để trả cho ngân hàng.

Thấy chị Tâm có vẻ không đồng ý, cô này liền phân trần: "Lẽ ra bên em phải trả phí trên, nhưng do doanh số bán hàng qua thanh toán thẻ của cửa hàng rất thấp và không đủ bù chi phí để đóng cho ngân hàng, nên mới nhờ khách hàng hỗ trợ thêm".

Nhiều bất cập khiến người dân ngại dùng thẻ. Ảnh minh họa.


Tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và TP HCM, dù không tính phí nhưng một số nơi lại thêm quy định vô lý khác. Ví dụ như nếu cà thẻ thay vì trả tiền mặt nghiễm nhiên không được hưởng các chương trình khuyến mại và những hình thức chiết khấu thanh toán khác của siêu thị. Chưa kể, nhiều khách hàng cảm thấy phiền hà do khâu thanh toán bằng thẻ hiện nay rắc rối và làm mất thời gian hơn trả tiền mặt.

Chị Nga, một khách hay mua hàng tại BigC TP HCM, vẫn nhớ cảm giác ngại ngùng khi chờ in hóa đơn thanh toán bằng thẻ và ký tên. "Hôm ấy, máy quẹt thẻ bị lỗi nên in hóa đơn bị chậm khiến nhiều người khác phải đợi phía sau, làm tôi có cảm giác như mình có lỗi", chị chia sẻ.

Những bất cập trên tuy không quá lớn nhưng cũng làm nhiều người nản lòng và quyết định chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt. "Ở cửa siêu thị nào cũng có sẵn ATM, tôi thường rút tiền mặt rồi vào thanh toán, vừa nhanh lại không bị thiệt", chị Lan, một khách hàng mua sắm tại siêu thị FiviMart Võ Thị Sáu (Hà Nội), cho biết.

Đó là chưa kể nhiều người vì chủ quan không mang theo tiền mặt nhưng nhiều trung tâm thương mại lớn, cửa hàng thời trang, điện thoại lớn nhưng lại không có dịch vụ thanh toán bằng thẻ. Phương (Bà Triệu, Hà Nội), đã phải chạy tất tưởi ra ngoài đi tìm máy ATM vì một cửa hàng bán đồ Nhật tại trung tâm thương mại lớn trên phố Tây Sơn chưa lắp đặt POS. "Cứ nghĩ trung tâm thương mại lớn thì mọi quầy hàng đều cho phép dùng thẻ. Ai dè đang ăn thấy khách bàn bên cạnh đứng dậy đưa tiền mới biết ở đây không có POS", Phương nói.

Đại diện một siêu thị lớn ở TP HCM thừa nhận dù đã kết nối với các ngân hàng, khách có thể thanh toán qua thẻ nhưng rất ít người mặn mà (doanh số chỉ chiếm vài %). Vị này cho rằng, một phần là do thói quen dùng tiền mặt trong mua sắm, chi tiêu đang rất phổ biến. Ngoài ra, còn do tâm lý nhiều người ngại phiền hà, rắc rối hoặc mất thời gian vì phải chờ ký vào hóa đơn thanh toán khi cà thẻ.

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) khẳng định để thu hút khách hàng thanh toán qua thẻ, tất cả nhà băng đều không thu phí người dùng. Thậm chí, ngân hàng còn liên kết với các đơn vị chấp nhận thẻ để có những chính sách ưu đãi, giảm giá khi mua hàng bằng thẻ, hoặc được chiết khấu 3-5% trên hóa đơn...

Tuy nhiên, ông cho biết ở một số đơn vị chấp nhận thẻ do doanh số thanh toán không cao nên đã thu phí khách hàng. "Điều này là hoàn toàn sai, nhưng ông cho biết rất khó xử lý. Vì họ lách bằng cách thỏa thuận với khách và sau đó ghi thẳng giá tiền vào hóa đơn (đã bao gồm tiền sản phẩm và phí), chứ không ghi riêng lẻ các khoản ra nên ngân hàng không có căn cứ để phạt", ông nói.

Một Phó tổng giám đốc Techcombank cũng nói thẳng, hiện một số đơn vị kinh doanh không muốn chấp nhận thẻ một phần do phải trả phí ngân hàng, một phần là phải công khai doanh thu. Vì thế, một số nơi dù đã ký hợp đồng chấp nhận thẻ với ngân hàng nhưng vẫn tìm nhiều cách hạn chế các giao dịch bằng thẻ của khách như để máy cà thẻ vào nơi khuất, ưu tiên khách hàng trả tiền mặt...

Lãnh đạo của Hội Thẻ Việt Nam cho biết thêm, về nguyên tắc, điểm chấp nhận thanh toán thẻ cam kết với ngân hàng không tính phí người dùng. "Tuy nhiên, việc họ vi phạm khi thu phí của khách lại chưa có chế tài nào hợp lý để giải quyết", vị này cho biết.

Bởi theo ông, phía ngân hàng khi phát hiện sai phạm từ các điểm chấp nhận thanh toán, chỉ có cách duy nhất là thu hồi máy POS. Thế nhưng, nếu làm vậy thì lại ảnh hưởng đến chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt do các điểm kinh doanh cũng chẳng mặn mà gì. "Đó là chưa kể đến việc cạnh tranh giữa các ngân hàng, nhà băng này phạt thì sẽ có nhà băng khác lắp đặt máy thay thế ngay", vị lãnh đạo này phân tích.

Đến đầu năm 2013, toàn hệ thống có khoảng hơn 14.000 thiết bị ATM và gần 105.000 điểm giao dịch chấp nhận thẻ (POS, EFTPOS, EDC). Trong khi đó, theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có hơn 54 triệu thẻ, trong đó có 50 triệu thẻ nội địa, nhưng phần lớn các giao dịch phát sinh qua thẻ chỉ là "để rút tiền" thay vì chi cho tiêu dùng.

Ngoài ra, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán thẻ dù luôn tăng qua các quý theo thống kê của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Để đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, một đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất các bộ ngành khác cũng cần vào cuộc thay vì để một mình ngân hàng phải nài nỉ từng nơi mua sắm lắp đặt POS và phát triển mạng lưới. Ví dụ như có thể đề xuất Bộ Công Thương quy định cứng tất cả trung tâm mua sắm, nhà hàng đều lắp đặt POS, Bộ Tài chính có chính sách giảm thuế hoặc tương tự để khuyến khích các điểm giao dịch thực hiện thanh toán qua thẻ...

Xe Pháo hoa nổ hàng loạt tại Mexico, 13 người chết

Ít nhất 13 người chết và 154 người bị thương khi xe tải chở đầy pháo hoa bất ngờ nổ tung trong một lễ hội tôn giáo ở miền trung Mexico hôm qua.


Nhân viên cứu hộ tìm kiếm tử thi dưới một mương tại hiện trường vụ nổ hôm 16/3. Ảnh: AP.


Vụ nổ xảy ra khi người dân bắn những quả pháo hoa trong lúc rước tượng Chúa Jesus tại làng Jesus Tepactepec ở bang Tlaxcala, Mexico vào ngày 16/3, AP đưa tin. Làng này cách thủ đô Mexico khoảng 112 km về phía đông.

"Họ bắn những quả pháo hoa trong lúc diễu hành. Thay vì lao vút lên trời, một quả chỉ bay lên một quãng ngắn rồi rơi trúng một xe tải chở pháo hoa khiến những quả pháo trên xe phát nổ", ông Jose Mateo Morales, giám đốc cơ quan Bảo vệ Dân sự bang Tlaxcala, tường thuật.

Một nhiếp ảnh gia tại hiện trường nói rằng xác người và quần, áo cháy nằm rải rác trong một khu vực có bán kính 100 m.

"Ít nhất một trong số những nạn nhân là trẻ em", ông Mariano Gonzalez, thống đốc bang Tlaxcala, xác nhận.


Một xe hơi bị phá hủy bởi vụ nổ. Ảnh: AP.
Binh lính, trực thăng cùng hàng chục xe cứu thương từ một căn cứ quân sự trong bang Tlaxcala nhanh chóng tới hiện trường.

Người dân thường bắn pháo hoa trong các lễ hội tại Mexico. Tuy nhiên, pháo hoa được sản xuất, bảo quản và vận chuyển trong những điều kiện không an toàn. Vì thế những vụ nổ pháo hoa gây chết người xảy ra thường xuyên.




Túi xách Heist - Phụ kiện độc đáo dành cho những người ưa nổi loạn

Đa phần chúng ta đều thích một cuộc sống bình lặng và không dính dáng gì đến những rắc rối về an ninh đến mức phải ngồi làm việc với cảnh sát. Thế nhưng, vẫn còn đó một số người với tính cách mạnh mẽ, ưa nổi loạn và thích trêu đùa, thậm chí là cả với những viên hải quan khó tính. Có cung thì ắt có cầu, nếu bạn muốn những chuyến xuất ngoại hoặc những lần qua cửa an ninh của mình thêm sóng gió thì hãy để mắt đến chiếc túi xách độc đáo mang tên Heist này.

Đây là một sản phẩm của hãng túi Thursday Friday, với tông màu đen bóng làm chủ đạo. Trên vỏ ngoài của túi có in hình những đồ vật nhạy cảm khiến mọi nhân viên an ninh khi nhìn qua máy quét đều phải phát hoảng. Đó có thể là những món đồ trông như chủ nhân của nó vừa mới thực hiện một vụ cướp ngân hàng, hoặc vừa đột nhập nhà một đại gia chơi đồ cổ nào đó. Những “họa tiết” có một không hai này có dạng như hình ảnh chụp X quang của bình xịt hơi cay, xấp đô la, súng lục, và một số chiếc bình cổ.



Bộ túi Heist gồm có hai chiếc, một chiếc cỡ nhỏ (Comestic Bag) có quai đeo in hình một chiếc túi xách như đang chứa đồ ăn cắp bên trong, chiếc còn lại to hơn nhiều (tên là Super Together Bag), tương đương với những chiếc túi đi chợ hàng ngày in hình những món “hàng nóng” như đã nói ở trên. Mặt trong của chiếc túi Comestic được bọc nhựa nylon, trong khi với Super Together là lớp phủ vải bông. Phần ngoài của cả hai sản phẩm đều được dệt từ vải bạt nên rất chắc chắn và bền màu.

Nếu bạn muốn bị lườm cháy mặt hoặc tệ hơn là ngồi uống nước với nhân viên an ninh tại sân bay thì phải móc hầu bao 90 USD (khoảng hơn 1,8 triệu VNĐ) cho Super Together, và 35 USD (khoảng hơn 700.000 VNĐ) cho chiếc Comestic.

Tham khảo chipchick

Tìm hiểu cách thức các đại gia công nghệ quản lý dữ liệu - Phần 2: Amazon

Nếu đem so sánh với Google thì Amazon - với hệ thống dịch vụ bán lẻ của mình - phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến việc truy cập dữ liệu của các ứng dụng. Cơ cấu của hệ thống Dynamo mà hãng này sử dụng thực tế chưa bao giờ được chính thức công bố. Tuy vậy dựa trên những gì mà CTO (Chief Technology Officer) Werner Vogels của hãng này trình bày trên blog của mình hồi năm 2007, kết hợp với những thông tin về dịch vụ cơ sở dữ liệu DynamoDB của Amazon (ra mắt hồi 18/1 vừa rồi), chúng ta vẫn có thể phần nào nắm được cách mà hệ thống này vận hành.

Cũng là một gương mặt lớn trong thế giới công nghệ, hệ thống phần cứng mà Amazon đầu tư để phục vụ khách hàng có thể chưa đồ sộ được bằng Google, nhưng chắc chắn vẫn thừa sức khiến các datacenter thông thường phải ngả mũ kính nể. Điểm chung lớn nhất giữa Dynamo của Amazon và GFS của Google là việc chấp nhận đánh đổi một phần tính nhất quán của dữ liệu để có được tốc độ truy xuất, xử lý cao.



Tuy vậy, do dịch vụ chủ đạo của 2 hãng có khác biệt rất lớn (tìm kiếm vs bán lẻ), cách mà Dynamo và GFS “đối đãi” với dữ liệu cũng rất khác nhau. Hệ thống bán lẻ của Amazon cần cung cấp mọi thông tin sẵn có về một sản phẩm mà khách hàng yêu cầu, cũng như hiển thị mọi thông tin liên quan đến giao dịch như địa chỉ giao hàng, thông tin thanh toán.v.v. ngay trên môi trường web mà khách hàng đang thao tác.


Với những yêu cầu này, việc chỉ chú trọng đọc dữ liệu theo từng khối như GFS chắc chắn là không phù hợp, thay vào đó Dynamo cần đảm cho phép các ứng dụng web truy cập ngẫu nhiên đến từng file nhỏ nhất trên hệ thống trong mọi thời điểm. Tại hội nghị về nguyên lý hệ điều hành hồi tháng 10/2007, Vogel và nhóm kỹ sư của mình cho biết “Dynamo hướng đến việc quản lý các đối tượng dữ liệu rất nhỏ - thường có dung lượng chỉ dưới 1MB”.

Hơn thế nữa, thay vì được tối ưu phục vụ việc đọc dữ liệu, Dynamo luôn luôn ở trạng thái sẵn sàng để nhận các dữ liệu mới – nói cách khác là hướng tới việc cho phép các ứng dụng bên ngoài ghi dữ liệu bất cứ khi nào cần. Trái ngược hoàn toàn với GFS của Google trên đó các ứng dụng bên ngoài thường xuyên cần đọc dữ liệu để phân tích kết quả tìm kiếm cho người dùng. Như nhóm nhóm kỹ sư của Vogel đã viết trong buổi hội thảo “Trên đa số các dịch vụ của Amazon, việc chậm cập nhật thông tin mà người dùng nhập vào sẽ khiến chất lượng dịch vụ giảm đi rất nhiều trong mắt khách hàng. Ví dụ, tình trạng giỏ hàng của khách hàng cần được cập nhật chính xác mỗi khi học thực hiện bổ sung hoặc loại bỏ một sản phẩm trong đó, thậm chí ngay cả khi hệ thống server đang gặp trục trặc.”

Cách xử lý tính nhất quán của dữ liệu trên đây cũng có nét đặc biệt: quá trình kiểm tra tính nhất quán và đồng bộ dữ liệu sẽ chỉ được thực hiện khi phần dữ liệu đó được đọc ra, chứ không phải ngay khi ghi vào. Với cách tiếp cận này, mọi thao tác ghi của các ứng dụng sẽ không bao giờ bị từ chối (ít nhất là không bị từ chối vì các lý do về mặt đồng bộ), bất kể đó là thao tác ghi để bổ sung dữ liệu mới, hay ghi đè/thay đổi dữ liệu cũ.


Về giải pháp phân phối dữ liệu trên các thiết bị lưu trữ, do trước đó đã không ít lần phải dỡ khóc dở cười với phương pháp quản trị tập trung mỗi khi server quản trị (master) gặp sự cố, các kỹ sư của Amazon đã quyết định chuyển sang các phương pháp phân tán. Cũng đồng thời để tăng sự thuận tiện mỗi khi cần mở rộng hệ thống (số lượng dịch vụ mà Amazon bổ sung hàng năm vẫn đang tăng một cách chóng mặt). Hoàn toàn trái ngược với GFS, có thể nói hệ thống Dynamo mang nhiều nét của mô hình mạng ngang hàng peer-to-peer, thay vì dạng master-slave.

Dữ liệu của từng cụm lưu trữ của Dynamo được quản lý trên một vòng không gian địa chỉ, và mỗi đơn vị lưu trữ (bài viết gốc không nói rõ mỗi đơn vị này là ổ cứng, HDD stage rack hay server như Google) sẽ chịu trách nhiệm cho một phần của vòng không gian đó. Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng không gian địa chỉ này là một chiếc hộp tròn được chia ngăn theo dạng các lát cắt bánh để cất đồ, và mỗi đơn vị lưu trữ kể trên là một ngăn trong đó.


Nếu bạn đã từng đọc qua hay xem hình ảnh về cấu trúc phiến đĩa HDD, cũng có thể nói nôm na đây là một đĩa cứng khổng lỗ trong đó dữ liệu được ghi theo từng sector hình học (Geometrical sector). Đồng thời, để đảm bảo gánh nặng công việc được phân chia một cách hợp lý giữa các đơn vị lưu trữ (từ đây sẽ gọi là node) cũ và mới; Amazon đã thiết kế để một node vật lý có thể được chia làm nhiều node ảo, cùng lúc đảm nhiệm vị trí trên nhiều cụm. Đến đây dường như ta đã có thể phần nào kết luận các node này là các server, tương tự GFS. Cũng tương tự như việc một nhân viên giỏi, năng động có thể cùng lúc nhận việc trong nhiều nhóm để tận dụng được hết năng lực.

Mỗi khi một node mới được bổ sung vào “bàn tròn” này, nó sẽ được cấp một giá trị đại diện cho vị trí, thứ tự của nó trong đó và sẽ bắt đầu chịu trách nhiệm cho một phần không gian nhớ. Các node có vị trí “bên cạnh” node mới đó sẽ phải co giãn đôi chút để điều chỉnh cho phù hợp. Cần nhớ rằng: mỗi node chịu trách nhiệm quản lý cho một lát cắt của không gian địa chỉ, còn dữ liệu trên các lát cắt riêng biệt vẫn có thể được sao lưu cho nhau – nếu không thì khả năng sao lưu, chịu lỗi của hệ thông Dynamo này sẽ chỉ là con số không to tướng. Nếu bạn chưa hiểu ý nghĩa của điều này, hãy nhìn vào hình minh họa của Amazon và xem tiếp giải thích về cơ chế ghi dữ liệu của Dynamo phía dưới:








Khi có yêu cầu “ghi” một đối tượng dữ liệu (một đoạn lời bình, hay một file hình ảnh.v.v.) vào hệ thống Dynamo, hệ thống sẽ gán cho nó một (khóa) key riêng biệt. Khóa này lại tiếp tục được sử dụng để sinh một chuỗi MD5 128-bit độc nhất, giá trị của chuỗi MD5 sẽ được dùng để xác định vị trí (hay đúng hơn là địa chỉ) mà dữ liệu đó sẽ được ghi trên vòng không gian nói trên. Đến đây, node chịu trách nhiệm cho vị trí đó sẽ làm mọi phần việc còn lại: cho phép thao tác “ghi” đó được tiến hành trên bản thân nó, đồng thời nhắc nhở các node xung quanh nó trong cụm chấp nhận thao tác ghi này (việc các node khác có lập tức chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào tình trạng của chúng trong thời điểm đó). Như vậy dữ liệu sẽ được trải đều trên miếng bánh. Môĩ khi có sự cố xảy ra với một node, 2 người hàng xóm bên cạnh nó sẽ ngay lập tức nhận trách nhiệm cho phần địa chỉ mà node đó đang quản lý.

Lại nói tiếp về quá trình kiểm tra đọc dữ liệu từ Dynamo. Khi có yêu cầu “đọc” dữ liệu từ các ứng dụng bên ngoài, các thiết bị quản lý request (tương tự GFS client) trong hệ thống Dynamo sẽ gọi để kiểm tra xem node nào có chứa dữ liệu đó. Tất cả các node có chứa một bản sao của dữ liệu đó sẽ phản hồi, dĩ nhiên là kèm theo cả thông tin về “phiên bản” của dữ liệu mà chúng lưu.


Tùy theo tính chất từng loại request, thiết bị quản lý request (request handler) sẽ có cách xử lý khác nhau với các phản hồi này. Nếu dữ liệu đang được yêu cầu thuộc vào loại “có là được”, không cần quá chính xác (ví dụ như các file icon hình ảnh phục vụ giao diện), node đầu tiên trả lời sẽ lập tức được đưa vào sử dụng. Ngược lại mếu ứng dụng đang yêu cầu đọc thuộc vào nhóm cần dữ liệu mới nhất, chính xác nhất (ví dụ như ứng dụng quản lý giỏ hàng), request handler sẽ chờ tất cả các node phản hồi để đảm bảo tìm được ứng cử viên phù hợp nhất.


Ngoài ra, để đảm bảo đồng bộ dữ liệu, mỗi khi nhận được phản hồi từ nhiều node cho cùng một đối tượng dữ liệu, request handler sẽ ghép các thay đổi không xung khắc trên đó (ví dụ như thay đổi trên dòng 13 từ node A, thay đổi trên dòng 15 từ node B của cùng một file text sẽ được ghép vào với nhau); hoặc sẽ thông báo cho các node chứa dữ liệu với “phiên bản” quá cũ biết rằng nó cần cập nhật file đó từ đâu . Mỗi khi một node được thay thế bởi một thiết bị mới hơn, nó sẽ được ưu tiên cập nhật dữ liệu mới nhất từ các hàng xóm xung quanh.

Mô hình này đã được thực tế chứng minh là có khả năng hoạt động ổn định trong phần lớn các trường hợp, kể cả khi xảy ra trục trặc nho nhỏ trong hệ thống. Lần trục trặc duy nhất là vào tháng 8/2011 khi mà một số kỹ sư mạng của Amazon khi nâng cấp router đã sai sót khi chuyển hướng lưu lượng mạng để nâng cấp router. Lưu lượng cho việc sao chép dữ liệu của các node trong mô hình này là cực lớn, và sai sót khi chuyển hướng dòng chảy khổng lồ này vào một số thiết bị mạng yếu vốn chỉ dùng để phục vụ việc “bắt tay” giữa các node đã khiến toàn bộ các website của Amazon gặp trục trặc trong một thời gian ngắn. Nói chung, tuy Dynamo là một mô hình hiệu quả và đã tạo cảm hứng cho rất nhiều mô hình dữ liệu khác như Cassandra của facebook, đây không phải là một kiến trúc mà các datacenter hạng vừa, với nguồn lực tài chính, thiết bị cũng như nhân sự yếu kém có thể mơ đến.


Tham khảo: Arstechnica
DBS M05479
Quang Cao