Trước các chuyên gia tâm lý thuộc, bé Xuân con chị Lan kể, do không có cha nên mọi tình cảm em dành hết cho mẹ. Nhưng từ 2 năm nay, Xuân mất hết thần tượng từ mẹ vì mẹ mượn 2 triệu đồng tiền bỏ ống heo của Xuân mà không thấy trả lại.
"Con đã vài lần nhắc nhưng mẹ cứ ừ hữ cho qua mà không quan tâm. Con không muốn nhìn mặt mẹ, không thèm nói chuyện với mẹ nữa vì mẹ là người lớn nhưng lại không giữ lời. Vì quá chán nản nên con quyết định mua thuốc uống cho xong", Xuân nói.
Theo chị Lan, mẹ của Xuân, trước khi xảy ra sự việc, Xuân hay ngồi thừ người, về nhà là chui vào phòng một mình mà không thèm nói chuyện. Chị thừa nhận trước đó vì quá lu bu công việc bên cũng không có thời gian trò chuyện với con.
Tuấn, học sinh lớp 7 của một trường ở quận 8, vốn luôn dẫn đầu lớp trong kết quả học tập, nhưng đến năm lớp 9, khi về nhà, Tuấn như một cái bóng, im lặng, không nói chuyện với ai. Sự việc kéo dài hơn 3 tháng thì Tuấn quyết định uống thuốc tự tử. May mắn là gia đình đã kịp đưa em đến bệnh viện cấp cứu.
Sau bình phục, Tuấn được chuyển đến gặp các bác sĩ tâm lý, tại đây, Tuấn cho biết, em không muốn giao tiếp và quyết định tự tử vì cha mẹ buộc khi học xong lớp 12 phải ở nhà buôn bán. Trong khi em muốn được học đại học. Em đã thuyết phục vài lần nhưng cha mẹ không quan tâm.
Cuối năm 2007, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cấp cứu cùng lúc 2 bệnh nhi Thanh, Dung, nhập viện trong trạng thái hôn mê do uống thuốc để kết liễu cuộc đời.
Qua tiếp xúc, mỗi em đều có một tâm sự. Em Thanh mới học lớp 8 nhưng thời gian để giải trí hầu như không có, em phải học ở trường, rồi học thêm nhiều môn, dẫn đến trạng thái quá tải, em bị nhức đầu thường xuyên và cảm giác bị áp lực phải học đạt điểm cao nên quyết định uống thuốc. Còn Dung, ba mẹ ly dị, phải ở với bà nội, em buồn vì không có ba mẹ đưa đón đi học như các bạn cùng trang lứa, thiếu thốn tình thương yêu của ba mẹ nên quyết định uống paracetamol để chết.
Người nhà của các em đều cho rằng, họ không ngờ các em lại hành động như vậy. "Chỉ thấy trước khi tự tử, các em có một thời gian dài không muốn tiếp xúc với mọi người trong gia đình", một phụ huynh cho biết.
Theo bác sĩ chuyên khoa tâm lý của các bệnh viện nhi tại TP HCM, những trường hợp trên, trước khi tự tử, đều bị trầm cảm - một chứng rối loạn tâm thần có biểu hiện rất đa dạng và cũng là nguyên nhân gây cô độc chán nản cho trẻ.
Trầm cảm ở trẻ có thể xuất hiện không vì nguyên nhân trực tiếp mà do những dồn nén từ tuổi ấu thơ bùng phát vô ý thức thành bệnh, cũng có thể xuất phát từ những đau đớn, khó chịu do sự phát triển quá nhanh của cơ thể ở giai đoạn dậy thì.
Hầu hết các ca nhập viện đều đã trở thành mạn tính nên việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn. Tuy nhiên khi đã được chẩn đoán và điều trị sớm, hơn 80% trẻ trầm cảm đã hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em buồn tủi, chán nản và muốn chết là vì phụ huynh mải mê công việc không quan tâm đến trẻ; hoặc không chịu tìm hiểu những gì trẻ đang nghĩ đang thích mà chỉ biết áp đặt khiến trẻ bị gò bó tù túng, chán nản và bất hợp tác.
"Để ngăn trẻ trầm cảm, phụ huynh cần quan tâm đến những biểu hiện tinh tế nhất của trẻ. Càng phát hiện sớm những biểu hiện bất thường càng giúp trẻ thoát khỏi bế tắc. Điều trị trầm cảm bằng cách an ủi, động viên, trò chuyện thường tỏ ra có hiệu quả ", ông Sơn nói.
Theo Tiến sĩ Sơn, nếu trẻ có các triệu chứng sau đây và kéo dài hơn 2 tuần thì phụ huynh nên mang trẻ đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được chẩn đoán:
- Buồn, xuống tinh thần vô cớ; thiếu năng lượng, uể oải, không muốn làm bất cứ điều gì, không có hứng thú với nhiều thứ thậm chí cả khi được khen thưởng, cho đi chơi...; cảm thấy chán chường, bất an, dễ nổi cáu; không có khả năng tập trung.
- Tăng hoặc giảm cân một cách bất bình thường, ăn quá nhiều hay quá ít; thay đổi rất rõ trong giấc ngủ như cảm thấy khó ngủ và mệt mỏi khi thức giấc; có biểu hiện cảm thấy tội lỗi và vô dụng; cơ thể mệt mỏi, cơ bắp đau nhức.
- Chẳng quan tâm đến những gì sẽ xảy ra trong tương lai; thường xuyên nghĩ đến cái chết hoặc muốn tự tử.
VnE