Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Bỗng một ngày tôi phát hiện đồng nghiệp nhận lương cao hơn mình

Bấy lâu nay tôi vẫn luôn nghĩ rằng, cùng một chức vụ thì mức lương được trả sẽ như nhau. Nhưng khi phát hiện đồng nghiệp bên cạnh có lương bổng hàng tháng “nhỉnh” hơn mình, tôi mới bắt đầu tự hỏi bản thân: Liệu công ty của tôi có sự phân biệt đối xử trong chính sách đãi ngộ hay nguyên nhân nằm ở chính mình?

Ở hầu hết các công ty, chính sách lương bổng thường không được công khai. Trừ khi được tiết lộ, ít nhân viên nào có thể biết được mức lương của đồng nghiệp hoặc cấp trên của mình. Công ty tôi đang làm chính là một ví dụ điển hình. Làm việc suốt 2 năm, dường như tôi chỉ quan tâm mức lương tăng mỗi năm hoặc mỗi tháng nhận được bao nhiêu chứ chẳng cần bận tâm mức lương của đồng nghiệp. Tôi cứ luôn ngỡ rằng, cùng một chức vụ hoặc vị trí, công ty sẽ trả cho các nhân viên một khoản như nhau.
Suy nghĩ “ngây thơ” này của tôi chấm dứt khi một ngày nọ, tôi phát hiện ra mức lương anh đồng nghiệp bên cạnh cao hơn hẳn so với mình. Dĩ nhiên phản ứng đầu tiên của tôi vô cùng sốc. Tôi hoang mang không hiểu vì lí do gì đồng nghiệp lại may mắn nhận được số tiền mỗi tháng cao hơn mình. Chúng tôi đảm nhận cùng một công việc và chức vụ như nhau. Mỗi ngày cùng làm một khối lượng công việc và hy sinh một khoản thời gian cho công ty tương đương nhau. Thậm chí, KPIs mỗi quý và năng suất của tôi và đồng nghiệp dường như không có sự chênh lệch quá mức. Tôi vẫn không hiểu được vì sao công ty lại có chính sách đãi ngộ thiếu công bằng như thế này?

Thế nhưng, suy nghĩ trong tức giận chính là sai lầm dẫn tới những hành động bốc đồng. Mọi thứ đều thôi thúc tôi muốn lao ngay đến phòng của sếp để chất vấn trực tiếp vì sao lại có sự khác biệt này. Nhưng khi những cảm xúc lắng xuống, tôi mới nghiệm ra rằng: Bản thân cần dành nhiều thời gian để suy nghĩ và phân biệt những đúng sai cần thiết trước khi hành động bất kỳ điều gì.
Thứ nhất, tôi bắt đầu lập một bảng so sánh giữa tôi và đồng nghiệp. Vì sao công ty lại có quyết định trả lương cho anh ấy cao hơn tôi? Có phải vì năng lực của anh ấy tốt hơn? Biểu hiện của anh trong 6 tháng gần đây có xuất sắc? Có những kinh nghiệm hoặc bằng cấp nào của đồng nghiệp mà tôi không có? Hoặc ngay từ xuất phát điểm, anh ấy có tự ứng tuyển như tôi hay được “săn đón” chào mời từ công ty khác?

Thứ hai, hãy thử kết thân với bộ phận Nhân Sự để tìm hiểu thông tin. Tôi đã trao đổi với phòng Nhân Sự về quy định và bậc lương ở công ty, từ đó so sánh xem liệu vị trí hiện tại của tôi có đang được chi trả mức lương thỏa đáng. Nếu công việc của tôi luôn trên đà phát triển nhưng mức lương lại thấp hơn so với bậc lương hiện tại, bộ phận Nhân Sự cần phải đưa ra lời giải thích hợp lý cho quyết định này.

Thứ ba, bên cạnh việc tham khảo Nhân Sự, tôi cũng cần tìm hiểu về mức lương cùng vị trí trên thị trường dao động ở khoản nào. Đây là cách nhanh nhất giúp tôi có được bức tranh toàn cảnh về thang lương cùng ngành nghề và đánh giá được tôi có đang được chi trả khoản lương xứng đáng với những gì tôi cống hiến hay không.
Related image
Điều cuối cùng và quan trọng nhất, sau khi đã xem xét đến mọi yếu tố và cảm thấy bản thân thật sự phù hợp để nhận được khoản lương như đồng nghiệp, tôi cần sắp xếp một cuộc gặp gỡ ngay với lãnh đạo để trực tiếp trình bày vấn đề này. Thay vì hấp tấp yêu cầu ngay được tăng lương, tôi cần chứng tỏ cho cấp trên thấy rằng tôi đã chuẩn bị kĩ càng mọi điều trước khi trao đổi. Cách “đánh tiếng” tôi áp dụng đó là dò hỏi lãnh đạo xem liệu với tiến độ và sự chăm chỉ này, tôi cần làm gì tiếp theo để cải thiện bản thân hơn nữa nhằm nhận được mức lương đề nghị cao hơn trong lần đánh giá nhân sự sắp đến.
Nguyên tắc quan trọng nhất và cũng là “bài học xương máu” của riêng bản thân tôi, đó là không nên đặt mình vào so sánh với bất kỳ một ai khác. Đừng vội đánh giá công ty có chính sách phân biệt đối xử thiếu công bằng, hay đồng nghiệp kia vì lí do nào đó mà nhận được sự ưu ái hơn. Hãy luôn bình tĩnh và rõ ràng phân tích mọi việc, cũng như xây dựng một kế hoạch hợp lí đạt được mức lương tương đương với đồng nghiệp ấy. Sự bốc đồng và ganh đua chỉ khiến hình ảnh bản thân trở nên xấu xí trong mắt đồng nghiệp, cấp trên mà chẳng mang lại thay đổi tích cực gì cho riêng tôi.
Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là bạn hoàn toàn mất cảnh giác và lu mờ trước mọi thông tin và điều khoản minh bạch về lương bổng. Hãy cố gắng tìm hiểu thật rõ ràng và nếu thật sự có bằng chứng xác nhận vị trí bạn đang làm được trả mức lương thấp hơn so với bậc lương chung của thị trường hoặc đại đa số đồng nghiệp cùng vị trí, đã đến lúc bạn yêu cầu công ty đưa ra một câu trả lời hợp lý và đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân mình.

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Người hướng nội: làm sao để "sinh tồn" trong 1 tập thể?

Giữa môi trường công sở nhộn nhịp và năng động, có bao giờ bạn cảm thấy mình lạc lõng cũng như không-theo-kịp mọi người xung quanh? Là một người hướng nội, bạn không thoải mái khi phải chia sẻ hay phải tiếp nối những câu chuyện “thảo mai”? Nếu bạn đang lo lắng tình trạng đó xảy ra với mình thì cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Đối với những người hướng ngoại, họ sẽ dễ hòa hợp hơn với văn hóa công ty và đồng nghiệp xung quanh. Ngược lại, sẽ vô cùng khó khăn cho người hướng nội thể hiện được cảm xúc của mình cũng như thoải mái giữa không gian công sở phức tạp này. Bài viết này sẽ gợi ý cho bạn cách làm thế nào để người hướng nội sống trong tập thể, cùng điểm qua nhé!

1. Chọn đúng công việc phù hợp

Có được một công việc phù hợp với tính cách sẽ giúp bạn phát huy được tối đa khả năng của bản thân và cũng là cách giúp bạn “sống đúng” với bản thân mình. Là người mang thiên hướng nội tâm, bạn nên lựa chọn công việc nào không yêu cầu bạn phải hoạt ngôn và giao tiếp thường xuyên, bạn cần cho mình tính chất công việc nghiêng về nghiên cứu, độc lập và trong không gian yên tĩnh. Một lựa chọn đúng đắn sẽ giúp bạn thoải mái hơn trong môi trường làm việc.

2. Đừng lảng tránh những cuộc trò chuyện

Mặc dù bạn sẽ không hoàn toàn cởi mở cho những cuộc trò chuyện, bạn cũng không nên tự lập ra khoảng cách với những người xung quanh. Hãy cố gắng tự nhiên và thể hiện thiện chí, một thái độ tốt sẽ là chìa khóa giúp mọi người yêu quý và thông cảm cho bạn hơn. Sẵn sàng cho những mẩu đối thoại đơn hay nhóm, bạn không cần cố gắng nghĩ ra thật nhiều điều để nói, bạn chỉ cần lắng nghe, góp vui một vài câu và biết dừng khi bản thân không còn thấy thoải mái. Tránh né giao tiếp sẽ không giúp bạn “sinh tồn” tốt hơn, nó chỉ khiến bạn ngày càng xa cách với tập thể và dần bị cô lập mà thôi.

3. Tập trung vào công việc

Chăm chú giải quyết từng công việc một sẽ giúp bạn hạn chế được kha khá những lần giao tiếp không muốn có. Không ai muốn làm phiền đến một người đang tập trung làm việc, vì vậy bạn sẽ có khoảng không gian và thời gian cho riêng mình. Vừa hoàn thành tốt công việc, lại vừa thuận theo tính cách của mình, tại sao không nhỉ?

4. Không nên suy nghĩ quá nhiều


Bạn thường đấu tranh tâm lý giữa sống đúng với bản tính hướng nội của mình với việc cố gắng hòa hợp với mọi người bằng cách “gượng ép” bản thân trong các cuộc đối thoại. Chính vì suy nghĩ quá nhiều cách để cân bằng được cả hai, bạn đã vô tình khiến bản thân căng thẳng và không thể thực hiện được cả hai! Hãy thư giãn, làm những gì mà bạn cảm thấy thoải mái nhất và thể hiện được thiện chí của mình, không ai buộc bạn phải tham gia mọi cuộc vui, vì vậy đừng quá lo lắng sẽ khiến người khác mất lòng mà dẫn đến căng thẳng, bạn nhé.

5. Phát huy kĩ năng lắng nghe

Nếu bạn không phải là người giao tiếp tốt thì hãy trở thành một người lắng nghe giỏi. Lắng nghe là một trong những kĩ năng cực kì cần thiết để giúp bạn gắn kết với mọi người hơn. Thay vì hoạt ngôn, bạn có thể lắng nghe những sự việc xung quanh mình với thái độ thiện chí. Nếu là người hướng nội, bạn chỉ cần chia sẻ với những người cần được chia sẻ và lắng nghe câu chuyện từ họ. Tất nhiên, lời khuyên này dành cho bạn không phải cổ súy cho việc nghe ngóng từ nhiều phía, bạn chỉ cần nghe những gì cần thiết với những ai có nhu cầu trò chuyện với bạn. Không nên vì “lắng nghe” mà tọc mạch vào những chuyện không liên quan đến mình.
Bạn không cần quá căng thẳng vì tính cách hướng nội của mình. Hiểu được bản thân mình muốn gì và cần gì, tự khắc bạn sẽ biết cách hòa hợp giữa một tập thể. Các lời khuyên trên sẽ giúp bạn phần nào đỡ lo lắng về cách “sinh tồn” trong tập thể. Chọn lựa một công việc phù hợp cùng với thái độ tích cực, bạn chắc chắn sẽ không bị cô lập giữa một tập thể.

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Người trẻ đi xin việc: Sáng được nhận, chiều mất hút không lời hồi âm – Đến bao giờ bạn mới học được 2 từ Chuyên nghiệp?

Đã qua rồi cái thời nhân viên trung thành và cống hiến suốt đời với một tổ chức. Ngày nay, khi rất nhiều công ty mở ra với chính sách thu hút nhân tài được chú trọng, cùng với đó là mức độ đòi hỏi của người trẻ ngày càng cao hơn thì "nhảy việc" đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Nhảy việc khi bạn cảm thấy không còn phù hợp là điều nên làm tuy nhiên nhảy việc như thế nào lại là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Tại sao người trẻ thời nay lại thiếu chuyên nghiệp khi xin việc?

Tôi đã từng gặp những bạn trẻ mới ra trường, các bạn rải hàng trăm hồ sơ với ý nghĩ nếu đỗ thì làm thử rồi chọn. Có bạn tới công ty nhận việc vào buổi sáng, buổi chiều thì mất hút không một lời hồi âm, khi nhân sự gọi điện hỏi thì trả lời một câu rất vô trách nhiệm rằng “em đã tìm được chỗ phù hợp hơn” hay “em cảm thấy công ty không hợp với em”,…
Hay trường hợp một đồng nghiệp cũ cùng bộ phận với tôi đã làm việc lâu năm, mọi thứ vẫn rất vui vẻ cho tới một buổi sáng tôi nhận được một email bàn giao công việc, cùng với đó là đơn xin nghỉ của cậu ta gửi tới sếp, không có một cuộc bàn giao trực tiếp nào diễn ra sau đó.
Dĩ nhiên trong mắt đồng nghiệp, cậu ta ra đi đã để lại món quà là những ấn tượng không mấy tốt đẹp về mình. Sau đó không lâu, tôi nghe nói rằng cậu ta nộp hồ sơ ở một vài công ty khác. Phỏng vấn rất tốt nhưng lại không được nhận, lý do là các nhà tuyển dụng không khó để kiểm tra lại thông tin về cậu ta ở công ty cũ và người đồng nghiệp của tôi đã nằm trong danh sách đen của họ.

Hãy nhớ lại khi bạn phỏng vấn xin việc bạn đã nói bao nhiêu lời hay, hứa hẹn biết bao điều tốt đẹp vậy thì tại sao khi nghỉ việc, lại không nghỉ việc một cách lịch sự và có trách nhiệm?

Hầu hết các công ty đều có quy định nghỉ việc phải thông báo trước ít nhất 30 ngày để họ tìm người thay thế, tuy nhiên nhiều người lại thông báo nghỉ việc trong thời gian rất ngắn, thậm chí có những người ăn chắc, xin được việc chỗ khác rồi mới thông báo nghỉ trước 1, 2 ngày khiến nhân sự không kịp trở tay, công việc thì dang dở.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên thông báo nghỉ sớm và bàn giao công việc trước khi rời đi. Trong trường hợp bạn đi phỏng vấn ở nơi khác, hãy để xuất thời gian thích hợp để nhận việc. Nhà tuyển dụng và đồng nghiệp sẽ đánh giá cao tình thần trách nhiệm của bạn.
Related image
Khi đến, bạn viết đơn xin việc, thì khi đi cũng nên có một lời cảm ơn chân thành. Nếu đã có quyết định nghỉ, cách làm tốt nhất là bạn nên có một cuộc nói chuyện trực tiếp với sếp hoặc nhân sự để trình bày lý do nghỉ việc, rằng quyết định này là từ bản thân bạn chứ không phải từ phía công ty. Đừng đưa ra những lý do nói xấu công ty hay kể về những nỗi bức xúc của bạn, mặc dù điều đó có thể đúng. Thay vì vậy, hãy nói lời cảm ơn để đôi bên giữ được những ấn tượng tốt về nhau.
Bạn nên có đơn xin nghỉ việc (qua mail hoặc viết tay) cùng với đó là sự xác nhận giữa đôi bên để đảm bảo quyền lợi của bạn sau khi nghỉ việc. Hãy làm việc hết trách nhiệm đến ngày cuối cùng.
Đừng tỏ ra kém nhiệt tình và làm việc một cách hời hợt khi bạn đã xin nghỉ và tìm được cho mình một cơ hội mới. Hãy hoàn thành tốt công việc, vì đó vẫn là trách nhiệm của bạn và nên nhớ rằng công ty vẫn trả lương cho bạn trong khoảng thời gian đó, vì vậy hãy bàn giao đầy đủ và nhiệt tình hướng dẫn cho người mới đảm trách.
Nếu đã xác định nghỉ việc, tuyệt đối đừng nói xấu sếp, đồng nghiệp hay công ty. Trái đất rất tròn, nếu bạn sang công ty mới và vẫn trong lĩnh vực chuyên môn thì bạn vẫn có thể gặp lại họ bất kỳ lúc nào.
Một điều nữa là những thông tin về bạn sẽ luôn được lưu giữ và nhà tuyển dụng nào cũng có thể kiếm tra lại khi bạn ứng tuyển vào công ty của họ. Vì vậy, hãy có một kết thúc tốt đẹp như chính cách mà bạn đã bắt đầu.
Gần đây, tôi có phỏng vấn một cô gái trẻ nhưng có đến 20 công việc trong CV trong 3 năm làm việc. Khi được hỏi lý do nghỉ việc, thật đáng tiếc, câu trả lời đêu bắt đầu bằng: “Tôi không thích…”. Chắc chắn vì lý do này mà cô bé sẽ mất cơ hội có được công việc đáng mơ ước.
Related image
Bạn có thể nói rằng mình cần phải khám phá xem bản thân mình muốn làm gì chứ không phải do bản thân chưa có định hướng. Nhưng việc hoàn thiện bản thân và việc lấp kín CV bằng những công việc không đem lại giá trị lại là 2 việc hoàn toàn khác nhau:
“Bạn có thể làm nhiều công việc khác nhau để có thêm nhiều kinh nghiệm không phải là điều xấu. Tuy nhiên hãy cố gắng đừng làm quá nhiều thứ trong một khoảng thời gian vì nó giới hạn sự lựa chọn cúa bạn. Rồi sẽ đến một ngày, bạn sẽ phải chịu hậu quả, trừ trường hợp bạn là người có tài năng thiên phú trong việc học những kỹ năng mới”.
Con người không chịu thất bại thì cũng khó có thể thành công. Bạn không cần hạn chế con đường sự nghiệp của mình quá sớm nhưng cần cố gắng tích lũy kỹ năng và niềm đam mê cho tương lai. Hãy nhớ 5 nguyên tắc:
1. Đừng nhảy việc chỉ vì vài thứ bạn không thích.
2. Hãy nhảy việc khi bạn không học hỏi được điều gì bổ ích.
3. Nếu bạn nhảy việc thường xuyên thì cũng đừng chặt đứt đường trở về của mình. Bạn luôn cần sự đánh giá tốt của sếp và đồng nghiệp cũ về mình.
4. Hãy để ý các bộ phận khác của công ty xem liệu có không gian cho bạn khám phá và phát triển không.
5. Nếu bạn có 20 công việc thì cũng đừng viết hết vào CV, hãy chọn ra 5 công việc mang lại nhiều giá trị nhất.
6. Đừng nghỉ việc khi chưa có công việc mới. Hãy nhờ chính công việc hiện tại để tìm ra những cơ hội mới. Hãy trò chuyện với tất cả mọi người, khách hàng cũng như đồng nghiệp về những gì họ đang làm và cách họ đang thực hiện.
Ngày nay mọi chuyện khác rồi, bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng việc nhảy việc nhiều cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Tuy nhiên trước khi làm gì, hãy nghĩ về những điều bạn sẽ được và mất.

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Bí quyết để nhận ra ứng viên phù hợp với doanh nghiệp của bạn

Bạn có đang muốn tuyển dụng được ứng viên tốt nhất cho công ty? Bạn có đang bị “choáng ngợp” bởi ứng viên nhưng lại chưa cảm thấy người đó thực sự phù hợp với vị trí tuyển dụng? Nếu bạn đã từng trải qua trường hợp tìm thấy một ứng viên không phù hợp và trải qua những kinh nghiệm không mấy vui vẻ thì bạn sẽ cảm thấy e ngại và đề phòng khi tuyển dụng 1 nhân viên mới. Hãy nhớ rằng bạn luôn cần đầu tư thời gian và công sức để tìm được ứng viên phù hợp. Và để đầu tư một cách hiệu quả nhất thì rất có thể bạn cần biết đến những “bí kíp” sau đây.

1. Xác định rõ những tố chất bạn cần ở ứng viên trước khi phỏng vấn

Hãy cho bản thân 1 checklist gồm 4 yêu cầu mà bạn mong muốn ứng viên của mình sở hữu. 4 yêu cầu này phải thực sự rõ ràng và liên quan mật thiết đến công việc. Việc xác định ra các tố chất cốt lõi sẽ đóng vai trò như là “phễu lọc” để bạn loại bỏ những ứng viên không phù hợp.
Ví dụ, nếu bạn cần tuyển 1 giáo viên tiểu học thì 4 yêu cầu cần thiết sẽ là:
  • Bằng cử nhân sư phạm
  • Khả năng kiểm soát lớp học
  • Tính kiên nhẫn
  • Khả năng truyền đạt

2. Nói không với những dạng câu hỏi lựa chọn “Có – Không”

Sai lầm phổ biến ở các cuộc phỏng vấn hiện nay là sử dụng quá nhiều các câu hỏi dạng lựa chọn có hoặc không. Đừng đưa cho ứng viên câu hỏi có gợi ý sẵn các đáp án. Nếu bạn muốn khám phá ứng viên của mình, hãy cho họ những câu hỏi mở.
Image result for yes no illustration
Hãy tận dụng những câu hỏi mở để kiểm tra khả năng xử lý tình huống của các ứng viên khi làm việc.
Gợi ý các câu hỏi có thể sử dụng khi phỏng vấn:
  • Hãy kể lại cho tôi nghe về 1 lần bạn xích mích với đồng nghiệp và kết quả?
  • Hãy kể về một lần bạn thất bại khi làm 1 dự án và cách vượt qua nó?
  • Hãy kể về thành tựu đáng tự hào nhất trong công việc của bạn?

3. Chú ý đến ngôn ngữ hình thể

Khi ứng viên trả lời những câu hỏi phỏng vấn, hãy đồng thời chú ý đến ngôn ngữ hình thể của họ. Cụ thể bạn cần lưu tâm rằng ứng viên có đang nhìn thẳng vào mắt bạn hay hướng ánh nhìn lên cao hoặc xuống thấp hơn? Ứng viên có đang run?…. – Những yếu tố này chưa thể quyết định liệu ứng viên đó là tốt hay xấu nhưng nó có thể là một cơ sở tin cậy để bạn đưa ra quyết định tuyển dụng cuối cùng.
Ví dụ: bạn chắc chắn sẽ không muốn thuê một luật sư luôn cúi gằm mặt khi nói chuyện hay một nhân viên quan hệ khách hàng có một giọng nói run lẩy bẩy…

4. Dùng văn bản để diễn đạt văn hóa công ty

Nếu bạn không thể dùng văn bản rõ ràng để miêu tả về văn hóa công ty thì sẽ rất khó cho một ứng viên xa lạ có thể hiểu về nó. Vì vậy, hãy dành thời gian để viết và xác định rõ về văn hóa công ty. Hãy chắc chắn rằng bạn có những định hướng về văn hóa công ty trong buổi phỏng vấn và hãy chú ý những phản ứng của ứng viên về nền văn hóa được bạn giới thiệu.

5. Lọc ứng viên bằng các cuộc phỏng vấn qua điện thoại

Đừng tự phí thời gian bằng cách phỏng vấn tất cả các ứng viên có hồ sơ “nhìn thấy ổn”! Có rất nhiều ứng viên có CV đẹp, cover letter ấn tượng nhưng đến khi bạn thực sự nói chuyện thì mới phát hiện ứng viên có bộ hồ sơ hoàn hảo đó không thực sự phù hợp với tổ chức của mình.
Vì vậy, để không lãng phí thời gian và công sức cho các cuộc phỏng vấn tại văn phòng, hãy tổ chức những cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại. Cách làm này có thể cho bạn biết về phong cách ăn nói, thái độ và sự quan tâm của ứng viên cho công việc.
Sau cuộc phỏng vấn qua điện thoại, bạn sẽ sàng lọc được những ứng viên tiềm năng và phù hợp cho công việc. Lúc này hãy lên kế hoạch phỏng vấn chi tiết để hiểu rõ về họ hơn.

6. Hãy để các thành viên trong team được phỏng vấn người mới

Thực ra, Trưởng phòng nhân sự không nên là người duy nhất được phỏng vấn ứng viên. Các thành viên trong team cũng nên được tham gia một phần để xem xét liệu ứng viên có phù hợp để là một thành viên mới và gắn bó lâu dài với team hay không.
Hãy nhớ rằng tiêu chí “phù hợp” là một trong những tiêu chí quan trọng  nhất khi tuyển dụng. Đúng là bạn cần một ứng viên tài năng nhưng nếu họ không phù hợp với môi trường làm việc thì tài năng sẽ không được phát huy.

7. Ghi nhận phản hồi

Sau mỗi cuộc phỏng vấn, hãy yêu cầu các đồng nghiệp điền vào một bản khảo sát ngắn đánh giá ứng viên và cho những ý kiến cá nhân. Đồng nghiệp của bạn thích/không thích gì về ứng viên? Ứng cử viên nào ấn tượng nhất? Những người có thể hoàn thành công việc tốt nhất? Ai có thái độ tốt nhất, thái độ làm việc nhóm, v.v … Các câu hỏi trong khảo sát của bạn có thể được xác định bởi các năng lực cốt lõi mà bạn đang tìm kiếm ở một nhân viên mới cho nhóm của bạn.
Sau khi phỏng vấn tất cả các ứng cử viên, hãy để nhân viên của bạn đánh giá tổng thể về các ứng viên đó. Điều này sẽ mang lại thêm một cơ sở để lựa chọn ứng viên phù hợp.

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Để cuộc đời cao sang, hạnh phúc: Bạn xuất sắc IQ, giàu có EQ thôi chưa đủ, nhất định phải có thêm 8Q nữa


IQ là chỉ số cho thấy sự thông minh của con người, đồng thời cũng phản ánh khả năng nắm bắt kiến thức, khả năng quan sát, khả năng ghi nhớ, khả năng tư duy, trí tưởng tượng, óc sáng tạo, cũng như năng lực phân tích và giải quyết vấn đề. Thực tế thì IQ không phải là không bao giờ thay đổi, nó có thể được nâng cao thông qua học tập và rèn luyện. Bởi vì muốn thành công, nhất định phải không ngừng học tập và tích lũy.
Không những phải học từ sách vở, học từ xã hội mà còn phải học hỏi từ cấp trên của mình. Họ sở dĩ có thể làm lãnh đạo của bạn là bởi họ có điểm hơn bạn, có nhiều thứ đáng để bạn học tập. Nhiều người muốn vượt qua cấp trên của họ, đây là một tinh thần rất quý giá, nhưng muốn vượt qua mà lại không học hỏi điểm thành công của họ, vậy thì bạn dựa vào đâu để vượt qua? Không ngừng học tập, trau dồi tri thức, đây là điều kiện cơ bản của thành công.

2. EQ (Emotional Quotient)

Là khả năng quản lý cảm xúc và xử lý các mối quan hệ xã hội. Xã hội ngày nay là sự tổng hòa của áp lực công việc và các mối quan hệ xã hội phức tạp, không có EQ, bạn khó có thể thành công. Những người có EQ thường được mọi người yêu mến, thích qua lại, và cũng rất được lòng mọi người. Quan hệ xã hội là một thứ vũ khí lợi hại mà bất cứ ai cũng nên sở hữu cho mình, một mạng lưới quan hệ xã hội rộng rãi là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của bạn.

3. AQ (Adversity Quotient)

AQ chỉ khả năng chịu đựng được áp lực khi phải đối mặt với nghịch cảnh, hoặc năng lực tiếp nhận những thất bại và khó khăn. Có câu: “Khó khăn là bước đệm cho thiên tài, là tài sản cho những người có khả năng, và là vực thẳm đối với kẻ yếu đuối”, khó khăn là bài học giáo dục tốt nhất. Chỉ khi trải qua tôi luyện và khó khăn thì tiềm lực mới được phát huy, tầm nhìn mới được mở mang, mới có thể chạm tới thành công. 

 

Rất nhiều tỷ phú trên thế giới đều có xuất thân nghèo nàn, hay học lực kém, trước khi có được sự thành công và giàu có mà ai ai cũng ngưỡng mộ, họ cũng đã phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Trong số họ, không có ai là thuận buồm xuôi gió ngay từ đầu cả, thậm chí còn thất bại không chỉ một lần, bởi lẽ không trải qua thất bại thì không thể nếm mùi thành công.
Hãy nhớ, nghịch cảnh sẽ không kéo dài lâu, kẻ mạnh tất nhiên sẽ thắng. Bởi con người bẩm sinh đã có một tiềm lực đáng kinh ngạc, chỉ cần có ý chí đi phát huy thì nhất định sẽ vượt qua được cửa ải khó khăn, rồi từ đó tự vẽ nên cho mình một bức tranh hoàn mỹ. 

4. MQ (Moral Quotient) 

MQ cho thấy mức độ phẩm chất đạo đức của một người. Nội dung của MQ bao gồm các đức tính như chu đáo, lễ phép, bao dung, thành thật, có trách nhiệm, hòa đồng, chân thành, hài hước,… Chúng ta hay nói “đức trí thể”, trong đó “đức” được đặt ở vị trí đầu tiên.
Robert Coles, một giáo sư khoa tâm thần học Đại học Havard có nói “nhân cách chiến thắng tri thức”. Một người có MQ cao nhất định sẽ được người khác tín nhiệm và tôn trọng, tự nhiên cơ hội thành công cũng sẽ nhiều hơn người khác. 

5. DQ (Daring Quotient) 

DQ là chỉ số đo lường sự gan dạ, dám làm, dám hành động, nó cho thấy một tinh thần mạo hiểm của một người. Người có DQ cao là người biết nắm bắt cơ hội, lúc cần phải ra tay thì sẽ ra tay. Bất kể là ở thời đại nào, nếu không có gan chấp nhận thử thách và mạo hiểm thì sẽ chẳng bao giờ nên được việc lớn. Những người thành công hầu hết đều là những người có “cái gan” hơn người. 

6. FQ (Finance Quotient) 

FQ chỉ khả năng quản lý tài chính, đặc biệt là năng lực đầu tư. Không có bản lĩnh quản lý tài chính thì dù có bao nhiêu tiền đi chăng nữa, bạn cũng đều sẽ tiêu hết. FQ là một năng lực mà ai cũng nên có, chỉ có điều, nó cũng lại thường là điều mà chúng ta hay xem nhẹ nhất.
Thế hệ trước của chúng ta đều là “những người nghèo”, họ chỉ dạy chúng ta phải học hành thật giỏi, tìm một công việc tốt, tiết kiệm tiền, tiêu tiền ít thôi. Kiếm ít một chút cũng không sao, quan trọng là sự ổn định. Họ chưa từng dạy chúng ta cần phải có FQ, phải biết cách quản lý tài chính.
Vì vậy, FQ đối với chúng ta mà nói là một thứ mà ta cần phải bồi dưỡng ngay lúc này. Những người giàu, tại sao họ có thể tích lũy cho mình một khối tài sản to lớn đến như vậy? Đó là vì họ biết cách đầu tư và biết cách quản lý tiền bạc của mình. 

7. MQ (Mental Quotient) 

MQ là khả năng duy trì sức khỏe tâm lý, điều chỉnh áp lực tâm lý và duy trì một trạng thái tâm lý ổn định, vững vàng. Thế kỉ 21 là một “thời đại phiền muộn”, con người phải đối mặt với đủ các thể loại áp lực tâm lý, nâng cao MQ, duy trì một sức khỏe tâm lý ổn định đã trở thành yêu cầu cấp thiết của mỗi người. 

Chúng ta hiện nay khát vọng thành công, nhưng thành công lại càng ngày càng bị chi phối bởi yếu tố tâm lý. Từ một khía cạnh nào đó mà nói, mức độ MQ trực tiếp quyết định sự vui buồn trong cuộc đời mỗi người, quyết định sự thành bại của mỗi người 

8. WQ (Will Quotient) 

WQ chỉ mức độ ý chí của một người, bao gồm sự kiên trì, tính mục tiêu, tính quyết đoán, khả năng kiểm soát,… Nếu trong học tập và làm việc, bạn là người không sợ mệt, không sợ khổ thì chứng tỏ bạn là người có WQ cao.


“Một phân khổ một phân tài”, WQ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với trí tuệ của mỗi người. Đời người chí nhỏ thì thành quả nhỏ, chí lớn thì làm nên đại sự. Rất nhiều người cuộc đời cứ bình bình, không phải vì họ không có tài năng mà là bởi họ thiếu chí hướng và mục tiêu rõ ràng. Muốn tồn tại trong giới kinh doanh, muốn đạt được thành tựu thì bạn phải có tham vọng lớn.
9. SQ (Spiritual Quotient) 

SQ chỉ cái nhìn linh hoạt, sâu sắc đối với bản chất sự việc và khả năng tư duy trực giác. Nhà vật lý học Max Planck, cha đẻ của cơ học lượng tử cho rằng một nhà khoa học sáng tạo bắt buộc phải là người có trí tưởng tượng trực quan rõ ràng. 

Bất kể là Acsimet khi đi tắm đã nghĩ ra lực đẩy Acsimet, Newton bị quả táo rơi vào đầu mà cho ra đời định luật vạn vật hấp dẫn, hay August Kekulé nhờ giấc mơ về một con rắn mà đã phát hiện ra cấu trúc vòng benzene… tất cả đều là những ví dụ điển hình về vai trò của SQ trong phát hiện những cái mới. 

Thành công không có công thức nhất định, chỉ dựa vào lý thuyết trong sách thì không thể giải quyết được vấn đề trong thực tế, chúng ta vẫn cần đến những giây phút tỏa sáng của SQ. Muốn rèn luyện SQ, mấu chốt là ở việc không ngừng học tập, quan sát, suy nghĩ, dám đặt ra những giả thuyết mà có thể không ai dám nghĩ đến, dám phá bỏ tư duy truyền thống.
10. HQ (Health Quotient) 

HQ phản ánh nhận thức của một người về sức khỏe. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người. Sức khỏe là 1; sự nghiệp, tình yêu, tiền bạc, gia đình, bạn bè, quyền lực,… là số 0 ở sau số 1 đó. Vì vậy, người mà chỉ có 1 thì không đủ, những nếu mất đi 1(sức khỏe) thì dù có bao nhiêu số 0 ở đằng sau đi chăng nữa cũng đều sẽ là vô nghĩa. Có câu “bình an là phúc”, tiền đề của hạnh phúc chính phải biết yêu thương và trân trọng sức khỏe của bản thân đồng thời nỗ lực đi sáng tạo và chia sẻ các giá trị sự nghiệp, tình yêu, tiền bạc, quyền lực,
Thành công là điều mà mỗi người đều mong ước, nhưng thành công không phải là thứ có thể từ trên trời rơi xuống, đó là một quá trình mà bạn cần thông qua sự rèn luyện, tích lũy và theo đuổi 10Q một cách toàn diện, không ngừng nghỉ. Vậy 10Q là gì?
DBS M05479
Quang Cao