Khi đào sâu tìm hiểu căn nguyên vấn đề, bạn sẽ thấy rằng hầu hết những mối lo âm thầm diễn ra trong đầu chúng ta đều là hệ lụy từ những sai phạm trước đây chúng ta từng mắc phải ở một phạm vi nhất định. Chẳng hạn bạn lo lắng về chất lượng và khả năng thể hiện của mình trong buổi phỏng vấn, ấy là vì bạn từng có tiền lệ xấu từ những lần trước đây. Có thể những vấn đề ấy xuất phát từ yếu tố khách quan, nhưng bạn vẫn không thể ngăn được bản thân đánh giá mình là một người kém thành đạt, cho dù bạn đã có cách để khắc phục điều này xảy ra.
Mọi người thường tự trách mình vì những thất bại, thế nhưng đã bao giờ ta tự hỏi rằng làm thế nào để bản thân có thể vượt qua nỗi sợ đó? Dưới đây là bốn bước bạn có thể thực hiện để cải thiện ngay tâm lí “yếu đuối” này:
Bước 1: Tái định nghĩa thất bại
Đằng sau những nỗi sợ thất bại đó là cảm giác lo lắng bạn sẽ làm điều gì đó sai trái, sợ rằng mình sẽ trở nên thật ngu ngốc trước mọi người, hay không đạt được những gì bản thân đang kỳ vọng. Bằng cách đóng khung những trải nghiệm thậm chí bạn chưa dấn thân vào rất dễ khiến bạn cảm thấy lo lắng và căng thẳng.
Chẳng hạn khi bạn ứng tuyển vào một vị trí bạn chưa từng thử hoặc chưa bao giờ có trải nghiệm, bạn thường lo lắng mình sẽ gặp phải thất bại ngay từ lần đầu. Tuy nhiên, hãy thử tái định nghĩa lại nỗi sợ này. Bạn có để ý rằng có những khoảnh khắc trong buổi phỏng vấn bạn đã làm rất tốt hoặc những chi tiết dù nhỏ nhưng lại khiến nhà tuyển dụng dường như hài lòng về bạn? Thất bại của bạn chỉ là không trả lời được một vài vấn đề nhưng thành công lớn nhất bạn gặt hái được lại là sự cố gắng hết sức mình trong mỗi câu trả lời bạn đã đưa ra.
Khi bạn thay đổi tư duy và lối suy nghĩ của mình theo hướng tích cực hơn, bạn sẽ thấy giữa thất bại và thành công luôn có một mối quan hệ mật thiết. Và bạn đã nắm giữ chìa khóa để chấp nhận mọi kết quả dù tốt hay xấu mà không có bất kỳ nỗi sợ nào như bạn từng nghĩ.
Bước 2: Thiết lập mục tiêu tiếp cận, không phải mục tiêu né tránh
Mục tiêu có hai loại: Thứ bạn muốn tiếp cận và thứ bạn muốn tránh càng xa càng tốt. Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng bằng việc tạo ra những mục tiêu cần đạt được, hoặc định nghĩa lại các mục tiêu né tránh, là cách để bạn phát triển tốt hơn. Khi bạn đối mặt với một công việc khó khăn và bạn tiếp nhận nó trong trạng thái kém vui hoặc nản lòng, bạn đã vô tình đặt ra những mục tiêu xoay quanh điều bạn hoàn toàn không muốn thay vì điều bạn thật sự muốn để cải thiện công việc này.
Nếu bạn mong muốn ứng tuyển vào một vị trí hấp dẫn, đó là mục tiêu tiếp cận của bạn. Tuy nhiên, nếu như lần này bạn phỏng vấn không thành công. Bạn bắt đầu có suy nghĩ loại bỏ những vị trí tương tự trong lần tìm kiếm công việc sắp tới vì tiền lệ thất bại này, bạn đã chuyển mục tiêu tiếp cận ban đầu của mình sang mục tiêu né tránh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những nhân viên có xu hướng đặt ra những mục tiêu né tránh thường cảm thấy đuối sức và căng thẳng gấp 2 lần so với những đối tượng ngược lại.
Bước 3: Tạo ra một danh sách nỗi sợ
Hãy thử tạo ra một checklist về những điều làm bạn sợ hãi nếu nó xảy ra hoặc những điều bạn sợ phải thực hiện. Ví dụ như khi phỏng vấn, hãy liệt kê danh sách lần phỏng vấn tồi tệ nhất bạn từng gặp, sau đó ghi ngay vào bên cạnh những điều bạn có thể làm để ngăn chặn thất bại này. Cuối cùng, trong trường hợp những điều ấy vẫn xảy ra, hãy có danh sách dự phòng bạn sẽ làm gì để khắc phục chúng.
Sau đó, hãy lập một danh sách khác những lợi ích bạn có được nếu bạn nỗ lực thử và những điều bạn sẽ đánh mất nếu như bạn không hành động. Bài tập này sẽ làm bạn nhận ra một điều rằng, thất bại là điều đáng sợ nhưng sẽ càng kinh khủng hơn nếu như bạn để vuột mất muôn vàn cơ hội hấp dẫn trong tay.
Bước 4: Tập trung vào việc học hỏi
Mọi việc không phải lúc nào cũng như bạn mong muốn. Nhưng nếu bạn hiểu được những điều thực tế diễn ra, bạn có thể sẵn sàng tận dụng những trải nghiệm giá trị này, bất luận kết quả có ra sao. Đừng quá bận tâm vào việc bạn có thể nhận được vị trí ứng tuyển đó hay không, điều này chỉ càng làm gia tăng nỗi sợ của bạn.
Hãy nghĩ về những gì bạn có thể học hỏi được khi chấp nhận tham gia thử sức cho vị trí này. Bằng tư duy như thế, bạn sẽ nhanh chóng chuyển từ việc thất vọng khi không được nhận lời mời gia nhập công ty thành lên kế hoạch quyết tâm cho các cơ hội tương lai.
Nếu bạn vẫn cảm thấy thoải mái với việc chấp nhận nỗi sợ thất bại, đó là vì bạn chưa bước ra đủ xa khỏi vùng an toàn của chính mình. Bằng cách nghĩ khác đi về nỗi sợ ấy theo bốn bước hướng dẫn trên đây, bạn sẽ tự nhận thức và đưa bản thân mình vượt qua thất bại để đạt được những mục tiêu quan trọng hơn.