Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Học người giàu "thải độc tâm hồn" để ngày càng giàu: Không tin tất cả những gì Facebook viết!

Ngày nay, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ hiện đại, việc cập nhật tin tức trong nước và quốc tế chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Dù bạn không phải là người "nghiện" tin tức thì bằng cách nào đó chúng vẫn xâm nhập và len lỏi vào cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, không phải tin tức nào cũng tốt.



Các chuyên gia đã chỉ ra rằng: Chỉ cần 3 phút “tiêu thụ” tin tức tiêu cực vào buổi sáng có thể làm hỏng tâm trạng của bạn trong cả ngày. Thực tế, não bộ của bạn “tiêu thụ” những cái xấu nhanh hơn cái tốt khoảng 100 lần. Các nhà tâm lý học gọi đây là “sự thiên vị tiêu cực”. Việc tiếp xúc với quá nhiều tin tức, đặc biệt là những tin tức xấu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và chất lượng cuộc sống của bạn.

Hãy học cách ngăn chặn “sự thiên vị tiêu cực” của bộ não để cuộc sống của bạn trở nên hạnh phúc hơn. Dưới đây là 6 bước người giàu thực hiện để “thải độc tâm hồn”, bạn hãy thử áp dụng.

1. Lựa chọn thời gian và thời lượng phù hợp để cập nhật tin tức

Cập nhật tin tức hàng ngày để mở rộng kiến thức và sự hiểu biết là điều cực kỳ nên làm. Nhưng để cuộc sống của bạn không bị ảnh hưởng tiêu cực, hãy lựa chọn thời gian và thời lượng một cách phù hợp. Tùy theo thói quen và công việc, bạn có thể lựa chọn khung thời gian lý tưởng cho việc cập nhật tin tức và đưa ra thời lượng phù hợp dựa trên nhu cầu thông tin của bản thân. Nên nhớ đừng để việc đọc tin tức quá nhiều làm ảnh hưởng đến thời gian của các hoạt động tích cực khác trong cuộc sống của bạn.

2. Chọn bạn mà chơi, chọn “nơi tin cậy” mà đọc

Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa của vô vàn thông tin sai lệch mỗi ngày. Độ tin cậy của các nguồn tin tức luôn là vấn đề rất được quan tâm. Một khi các thông tin sai lệch đã ở trong đầu chúng ta thì dường như rất khó để loại bỏ chúng. Do đó, hãy cẩn trọng trong việc chọn lọc tin tức. Hãy tập trung vào những tờ báo có độ tin cậy cao để cảm thấy yên tâm và tin tưởng hơn. Bạn cũng có thể lướt qua nhanh các trang mạng xã hội để cập nhật thông tin, nhưng cần phải chắt lọc vì tính xác thực của nó không cao.
3. Hãy là một độc giả có kĩ năng

Đoc tin tức là một nghệ thuật và người đọc tin tức cũng là một nghệ sĩ. Điều này đòi hỏi bạn cần có những kỹ năng nhất định để đạt hiệu quả tối ưu. Để nắm bắt những tin tức về tình hình chung trong nước và thế giới, bạn có thể đọc lướt các tiêu đề của các bài báo tại các trang báo uy tín có độ tin cậy cao. Bằng cách này, bạn có thể cập nhật được những thay đổi, những sự kiện mới trong nước và quốc tế mà không mất quá nhiều thời gian. Sau đó, hãy lựa chọn đọc nội dung cụ thể của những tin quan trọng, những tin tức cần thiết hoặc hữu ích đối với bạn.

4. Hạn chế lướt facebook và đừng tin tất cả những gì facebook viết

Thực chất, facebook đã trở thành nguồn tin tức chính của rất nhiều người. Mỗi lần lướt facebook, bạn có thể thấy rất nhiều bài đăng từ bạn bè, người quen hoặc tin tức từ các nhóm, các tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả các tin tức này đều đáng tin cậy. Có rất nhiều những bài chỉ nhằm mục đích “câu view”, “câu like” mà không đảm bảo chất lượng về mặt nội dung.

Bạn chỉ nên dành khoảng 30 phút trong ngày để lướt facebook hoặc ít hơn càng tốt. Ngoài việc thiếu độ tin cậy thì có rất nhiều bài viết trên facebook mang những thông tin tiêu cực, nổi loạn hoặc tức giận. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tinh thần và cuộc sống của bạn.

5. Đừng suốt ngày “ôm” điện thoại, hãy tắt thông báo từ các ứng dụng

Bạn thường sử dụng điện thoại để đọc tin tức mỗi ngày. Những ứng dụng tin tức hoặc những trang báo trực tuyến cũng liên tục cập nhật và thông báo tin nóng về điện thoại của bạn. Hoặc tệ hơn, một số bên còn gửi trực tiếp cho bạn mà không được đồng ý.

Việc hạn chế “tiêu thụ” tin tức cũng giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và có nhiều thời gian cho những hoạt động hữu ích. Do đó, hãy “cách ly” khỏi chiếc điện thoại của bạn. Hãy tắt thông báo từ các ứng dụng, trang báo trực tuyến không cần thiết để tránh bị thôi thúc, mời chào từ một loạt các tin tức “hấp dẫn”. Thậm chí, bạn có thể để úp điện thoại xuống bàn để tránh phân tâm, đặc biệt là trong giờ làm việc. Đừng để chiếc điện thoại làm gián đoạn công việc của bạn, trừ những cuộc gọi quan trọng.

6. Đọc những thể loại khác ngoài tin tức

Ngoài tin tức, bạn có thể đọc rất nhiều các thể loại khác, chẳng hạn như: sách kỹ năng, tài liệu chuyên ngành, những tác phẩm nổi tiếng,…. Đây đều là những nguồn tài liệu rất đáng tin cậy và được đảm bảo về mặt nội dung. Chúng không chỉ giúp bạn nâng cao kiến thức, phát triển kĩ năng và mở rộng sự hiểu biết của bản thân mà giúp bạn loại bỏ được những tin tức tiêu cực và những thông tin không đáng tin cậy.

5 yếu tố quan trọng của người lãnh đạo dẫn đến thành công cho đội nhóm của mình

Sẽ không khó để nhận ra rằng, chỉ có vài đội nhóm đạt được kết quả hơn những nhóm còn lại. Điều này không chỉ giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mà còn khuyến khích cho các thành viên trong nhóm sẵn sàng cùng nhau giải quyết những vấn đề lớn.



Một nhóm nếu không có người đứng đầu giỏi có thể sẽ đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên thành quả đó khó có thể duy trì lâu dài. Dưới đây sẽ là 5 yếu tố quan trọng của người lãnh đạo dẫn đến thành công cho đội nhóm của mình.

1. Biết rằng bạn không phải là người duy nhất đứng đầu

Để đạt được thành công vượt bật, một nhóm cần có người lãnh đạo thể hiện được khả năng và năng lực cần có của một người đứng đầu. Mặc dù ở bước đầu sẽ khó khăn, tuy nhiên điều bạn cần làm đầu tiên đó là thay đổi cách suy nghĩ rằng bạn không phải là người lãnh đạo duy nhất trong nhóm. Một khi bạn đã hướng suy nghĩ của mình một cách đúng đắn, bạn có thể dẫn dắt các thành viên trong nhóm theo hướng tích cực và đem lại kết quả cao.

2. Có nhiều cuộc họp hiệu quả

Một người lãnh đạo giỏi là khi tổ chức được nhiều cuộc họp mang lại hiệu quả cao trong công việc. Làm được điều đó bằng cách giới hạn lại những mục tiêu cho từng cuộc họp và đảm bảo rằng tất cả thành viên đều được đóng góp trong buổi họp.

Điều này đôi khi sẽ khó cho một số người, tuy nhiên sẽ không có gì quan trọng hơn cho một doanh nghiệp khi có được những buổi họp đúng trọng tâm và đạt được hiệu quả cao.

3. Biết cách khuyến khích thành viên trong nhóm

Một người có năng lực lãnh đạo giỏi là khi truyền được cảm hứng làm việc, biết cách động viên và khuyến khích các thành viên trong nhóm. Nếu bạn mong muốn thành viên trong nhóm gắn kết cùng nhau đạt được mục tiêu, bạn cần phải học cách khuyến khích và đưa ra lời khen “đúng lúc” mỗi ngày. Bạn nên cố gắng khuyến khích thành viên của mình dám chấp nhận thử thách và giải quyết chúng.

4. Đánh giá cao quá trình làm việc hơn kết quả

Ngày nay, sẽ rất khó cho người dẫn đầu khi dẫn dắt nhóm làm việc vì có quá nhiều áp lực từ nhiều phía để có thể cho ra được hiệu quả làm việc ngay tức thì.

Một người lãnh đạo giỏi không chỉ coi trọng về kết quả sau cùng mà còn là ở quá trình làm việc của cả nhóm. Hãy tiếp thêm động lực làm cho các thành viên bằng việc cho họ thấy quá trình làm việc cũng quan trọng không kém so với kết quả sau cùng.

5. Tạo nên được văn hóa “nói thật”

Yếu tố khó nhất ở vị trí lãnh đạo là khi phải đối mặt với những hậu quả và khiến các thành viên thành thật nhận phần trách nhiệm về mình. Người lãnh đạo giỏi sẽ không cho rằng việc thành thật nhận trách nhiệm là lựa chọn của mỗi người, Bạn có thể tạo nên một thói quen “nói thật” thông qua cách đánh giá công việc cá nhân của mỗi người, cho họ biết được khi nào hoàn thành công việc và thẳng thắn góp ý khi bạn cần họ nỗ lực hơn trong công việc.

Nếu còn giữ 10 "quả bom hẹn giờ" này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị "nổ" lúc nào không hay

Công sở chưa bao giờ là một môi trường dễ tồn tại, thế nhưng thật ra nó cũng chẳng khó chịu và mệt mỏi như bạn nghĩ.



Làm việc nơi công sở, quan trọng nhất là phải chuyên nghiệp, có khả năng làm việc nhóm, nhanh nhạy trước cái mới và linh hoạt trong ứng xử. Bất kể là người đã đi làm lâu năm hay người mới đi làm, đều phải cẩn thận ghi nhớ 10 “quả bom hẹn giờ” dưới đây, đừng để bị “nổ” rồi mới hối hận.

1. Gặp khó khăn không biết mở miệng nhờ giúp đỡ

Từ nhỏ, thầy cô luôn dạy chúng ta rằng, không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Vậy mà giờ vẫn có không ít các bạn mới đi làm, không hiểu không biết cũng chẳng chịu nói, cứ im ỉm tự đoán tự làm.

Bình thường người ta đuối nước còn biết vùng vẫy cầu cứu, nhưng nhiều người “đuối nước” nơi công sở lại lựa chọn im lặng, tự đày đọa mình. Cứ như thế, họ càng trôi càng xa, đợi đến khi sức cùng lực kiệt, ý chí tiêu tan, họ cũng chẳng còn cách nào trụ lại nơi đó nữa.

2. Không suy nghĩ kĩ càng trước khi hỏi

Không biết thì nên hỏi, nhưng cũng không thể cứ trực tiếp hỏi mà không hề suy nghĩ qua.

Thường trước khi đặt ra câu hỏi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề đó, và có một số cách nhìn nhận riêng. Vì vậy khi hỏi, tôi hy vọng thông qua quá trình thảo luận, mình có thể đưa ra một đáp án tốt hơn, hoặc thử xem hướng đi của mình có thể thuyết phục được người khác hay không.

Nhưng khi tiếp nhận câu hỏi từ những người khác, tôi dần phát hiện ra, rằng khi đặt câu hỏi, có rất ít người đưa ra được ý kiến cá nhân cho thấy họ từng cố lý giải nó. Đa số bọn họ đều chỉ “ném” vấn đề ra, rồi chờ đợi câu trả lời từ tôi. Sau đó họ sẽ phản ứng kiểu: “Ok, em làm theo lời anh đấy nhé.”

Như vậy, nếu có vấn đề gì xảy ra thì trách nhiệm biến thành của tôi. Điều này khiến tôi không được thoải mái cho lắm. Vì thế, khi hỏi một vấn đề gì đó, đừng mang theo tâm thái “đùn việc” hoặc chối bỏ trách nhiệm.

Ít nhất phải đưa ra được cách nhìn nhận vấn đề của chính mình, rồi thảo luận cùng người khác, như thế vấn đề mới nhanh chóng được giải quyết. Dù sao vấn đề cũng là của bạn, đừng thản nhiên đẩy qua cho người khác.

3. Thói quen kéo dài deadline

Khi đặt ‘deadline’, nên cho nhau thời gian hợp lý để có thể co dãn. Cho dù lượng công việc nhiều hay ít, tôi đều chia giai đoạn với đối phương trước, phân tích kĩ càng, sau đó mới đặt deadline. Nhưng vẫn có nhiều người nói nộp muộn liền nộp muộn mà không có bất kì một biện pháp “vớt vát” nào.

Hoàn thành công việc đúng thời hạn là nguyên tắc cơ bản của một người đi làm. Xin hãy có trách nhiệm với đồng nghiệp, công ty và chính bản thân bạn.

4. Chờ đợi bị động, tốc độ làm việc chậm chạp

Đúng ra, chúng ta nên làm việc theo trình tự thế này: cố gắng hoàn thành công việc càng sớm càng tốt, xong việc rồi tìm một đồng nghiệp liên quan để thảo luận, góp ý, bàn giao. Nhưng một số người lại không hiểu được điều này.

Họ làm xong việc thì bỏ đấy, chẳng buồn thảo luận hay báo cáo gì. Mỗi người đều phải hiểu rõ vị trí của mình ở đâu trong cả tiến trình, nắm được tiến độ làm việc của cả nhóm, chủ động truyền và nhận “bóng”. Không nên kéo dài thời gian, giúp cho từng giai đoạn của kế hoạch có thể hoàn thành thuận lợi theo đúng dự tính. Vậy mới có thể hoàn thành công việc theo như mục tiêu đã đề ra.

5. Không biết làm cũng không dám nói, chỉ vùi đầu vào làm

Không nên cứ nhận việc xong là bắt tay vào làm luôn, mà trước tiên phải suy nghĩ xem nên làm thế nào, sắp xếp lên kế hoạch hợp lý rồi hãy bắt đầu. Nếu vùi đầu đi làm, mất cả đống thời gian mới phát hiện ra đã làm sai, khiến chính mình không còn thời gian để thay đổi, đồng nghiệp không còn thời gian để sửa chữa, sẽ thành ra gây tổn thất cho công ty.

Không làm được thì nói không làm được, khi thời gian vẫn còn, mọi người có thể cùng nhau bàn bạc nghĩ cách, hoặc chia lại công việc chứ cứ ép bản thân mình thì vừa hại mình vừa hại cả công ty.

6. Bệnh nặng bệnh nhẹ không bệnh, đủ loại lý do xin nghỉ

Tôi từng nghe đến một nguyên tắc khiến tôi vô cùng kinh ngạc: “Sinh nhật có thể xin nghỉ.”

Đi làm bao nhiêu năm, chỉ khi bệnh không chịu được hoặc có việc quan trọng lắm tôi mới xin nghỉ. Bởi vì xin nghỉ chỉ khiến công việc đáng nhẽ là của tôi bị đẩy sang cho người khác, hoặc chất lượng công việc đi xuống mà thôi.

Nhiều năm nay, mỗi lần đồng nghiệp xin nghỉ, tôi thật sự muốn hỏi: “Sức khỏe của cậu thật sự kém hơn tôi sao?”

Bạn nghỉ rồi, cũng tức là phần việc của bạn hoặc sẽ do người khác gánh, hoặc sẽ bị dồn lại chờ bạn đi làm. Cho dù thế nào đi nữa, điều đó cũng sẽ gây phiền hà cho một vài người, có khi là rất nhiều người, thậm chí là tạo thành tổn thất cho công ty.

7. Chưa làm xong việc đã ung dung bỏ về

Trong công ty, mỗi một hạng mục công việc đều được phân chia và sắp xếp chặt chẽ, yêu cầu tiến độ nghiêm ngặt. Cho nên chỉ cần có ai đó xin nghỉ hoặc rời bỏ vị trí mà không nói rõ ràng, thì công việc sẽ bị tồn đọng.

Khi có ai khác phải đứng ra thay bạn đảm nhận phần việc đó, rất có khả năng họ sẽ chỉ làm qua quýt cho xong, vì họ cũng bận chẳng kém, và đấy dù sao cũng chẳng phải việc của họ. Hay thậm chí người thay thế có lòng muốn làm tốt, thì cũng chưa chắc họ đã quen việc được như bạn. Cuối cùng công việc sẽ không được hoàn thành với chất lượng tốt nhất.

Con người ta làm gì cũng phải làm cho tới nơi tới chốn. Việc đã giao cho bạn thì bạn phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm với nó từ đầu đến cuối, chứ không phải bắt đầu thì hồ hởi, làm được lưng chừng lại tùy hứng bỏ đi.

8. Mượn công việc để đi giải quyết việc riêng

Trong mấy năm làm việc của tôi, có ít nhất ba lần nhận được thông báo từ bên thứ ba rằng đồng nghiệp của mình không đến thăm hỏi khách hàng theo kế hoạch, mà lại đi xem phim, đi tụ họp bạn bè…

Thế mà khi tôi hỏi về phản ứng của khách hàng, anh ta lại có thể nói vanh vách như thật. Nếu thật sự cần thời gian để giải quyết việc riêng, cứ nói rõ, việc gì phải giấu giấu diếm diếm như thế?

9. Làm việc qua loa, không vận dụng kĩ năng chuyên nghiệp

Khi làm xong một việc gì đó, tôi thường kiểm tra lại rất nhiều lần, viết một bài luận cũng phải xem lại vài lượt mới yên tâm. Làm như thế, tôi sẽ có thể tìm ra những điểm chưa hợp lý và tìm ra cách sửa chúng để sản phẩm của mình hoàn hảo hơn.

Nhưng mấy năm gần đây khi làm việc cùng những đồng nghiệp trẻ tuổi, tôi thường xuyên bắt gặp tình trạng báo cáo sơ sài, qua loa. Tôi hỏi rốt cuộc các bạn có vận dụng kiến thức đã học để làm việc không, thì nhận được những câu trả lời rất mơ hồ.

Bạn học kiến thức chuyên ngành để làm gì nếu không vận dụng nó vào công việc. Làm việc thì cần nghiêm túc, không thể dùng trực giác hay bản năng để giải quyết cho xong được.

10. Làm việc không rõ ràng, gặp chuyện liền lập tức thoái thác trách nhiệm

Có một số người, rõ ràng là chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề, lại cứ đổ cho công ty không tạo điều kiện. Tôi rất muốn hỏi mấy người đó, có thật là công ty không tạo điều kiện cho họ không, hay là chính họ làm việc còn chưa đâu ra đâu cả?

Chẳng công ty nào không muốn tạo điều kiện cho nhân viên, nhưng họ luôn mong rằng, cùng với những điều kiện thuận lợi họ cung cấp, nhân viên có thể cho họ thấy sự nỗ lực và hiệu quả công việc. Khi làm việc, hãy làm cho ra hồn trước, rồi hãy bàn đến chuyện nên có cái này cái kia thì sẽ tốt hơn.

Công sở chưa bao giờ là một môi trường dễ tồn tại, thế nhưng thật ra nó cũng chẳng khó chịu và mệt mỏi như bạn nghĩ. Chỉ cần có ý thức làm tốt việc của mình, cộng thêm một chút khéo léo trong ứng xử, sẽ chẳng văn phòng nào khó dễ bạn mãi đâu.
Việc làm ngày càng khó kiếm, kể cả khi bạn có tấm bằng đại học trong tay. Trong đó, một số công việc lại rất vất vả, thời gian làm việc kéo dài và thường bao gồm ca sớm/ca đêm. Đó cũng là một trong những lý do mà những ngành nghề thuộc lĩnh vực ngân hàng được ưa chuộng. Những ưu và khuyết điểm dưới đây có thể không đúng với mọi ngân hàng vì mỗi ngân hàng đều có những quy định riêng. Nếu bạn quyết định làm việc tại một ngân hàng, hãy lựa chọn một nơi phù hợp với tính cách của mình.



Làm việc trong một thành phố nhỏ sẽ đỡ áp lực hơn, bạn cũng hiểu rõ về khách hàng của mình hơn, nhưng bạn có thể có rất nhiều thời gian lãng phí. Các ngân hàng lớn hơn sẽ phải chịu áp lực lớn hơn, nhưng nó khiến bạn bận rộn và làm cho một ngày trôi qua nhanh chóng. Cho dù bạn chọn ngân hàng nào đi nữa thì cũng có những ưu và nhược điểm, và một số những điểm nổi bật sẽ được trình bày dưới đây.
Ưu điểm

1. Không ai muốn bỏ ra quá nhiều thời gian để tìm việc làm và may mắn thay, giao dịch viên ngân hàng là công việc không khó tìm. Các ngân hàng có ở mọi nơi, vì thế, bạn có thể tìm thấy một ngân hàng cách nhà bạn không xa.

2. Thời gian ngủ của bạn không bị thay đổi. Đây là một công việc tuyệt vời cho những người đã có con bởi vì bạn có thời gian đưa trẻ đến trường trước khi làm việc, đón chúng về và ăn tối cùng nhau. Một số ngân hàng lớn đã quyết định kéo dài thời gian làm việc trong những năm gần đây nhưng nhìn chung, nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng vẫn duy trì một thời gian làm việc lý tưởng.

3. Phúc lợi tốt. Hầu hết các ngân hàng đều cung cấp bảo hiểm y tế, nha khoa và thị giác cũng như thời gian nghỉ bệnh và hai tuần nghỉ có lương mỗi năm. Nhiều người cũng được hỗ trợ học phí và quyền mua cổ phiếu. Thêm vào đó, khi bạn nghỉ vào các ngày lễ quốc gia, bạn vẫn có lương!

4. Bạn sẽ nhận được vài thứ miễn phí! Đôi khi bạn nhận được bữa ăn trưa miễn phí cho tất cả mọi người trong chi nhánh, thẻ quà tặng cho các ngày lễ và nhiều mặt hàng khác tùy thuộc vào mỗi ngân hàng.

5. Nếu bạn thích trò chuyện với mọi người, đây chính là công việc phù hợp với bạn. Đôi khi khách hàng thích cảm giác có thể tin tưởng người xử lý tiền của họ và họ sẽ cố gắng xây dựng mối quan hệ với bạn. Một số khách hàng thậm chí có thể chấp nhận chờ đợi để được làm việc với bạn mà không phải là một giao dịch viên nào khác.

6. Bạn có thể học được rất nhiều điều quan trọng. Bạn nên chú ý đến những gì quản lý đang làm và tìm hiểu về những thứ như thế chấp hoặc các khoản vay, đọc báo cáo tín dụng, v.v. Có thể trong tương lai, bạn sẽ có nhu cầu vay để mua nhà, và biết được cách thức vay cũng như tầm quan trọng của một hồ sơ tín dụng tốt là không thừa.

7. Công việc không quá khó khăn một khi bạn đã ghi nhớ các chính sách và thủ tục. Nếu bạn không chắc chắn về điều gì đó, bạn có thể chuyển khách hàng sang một đồng nghiệp khác. Vì có nhiều hơn một giao dịch viên ở mỗi ngân hàng, nguy cơ đối mặt với một vụ cướp hoặc nhân viên biển thủ công quỹ sẽ giảm xuống.

8. Là một giao dịch viên, những kỹ năng mà bạn trau dồi có thể áp dụng trong các ngành nghề khác và kinh nghiệm làm việc tại ngân hàng là một điểm cộng lớn trong hồ sơ của bạn. Vì phải làm việc liên tục với những con số trong một thời gian dài, các kỹ năng toán học của bạn sẽ được cải thiện.


Bên cạnh đó, bạn phải thực hiện các công việc một cách nhanh chóng mà không để bị phạm sai lầm. Trách nhiệm là một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong ngành này, và rất nhiều doanh nghiệp khác đang tìm kiếm một nhân viên làm việc có trách nhiệm. Giao dịch viên phải chịu trách nhiệm về một số tiền lớn và họ phải chắc chắn rằng mỗi đồng tiền gửi đi phải đến được đúng chỗ của người nhận.

9. Môi trường làm việc tại một ngân hàng thường rất chuyên nghiệp, tất nhiên vẫn có ngoại lệ, nhưng nhìn chung, những người mà bạn tiếp xúc thường là những người lịch thiệp, nhã nhặn và hiểu biết. Không những vậy, bạn còn có thể tận hưởng hơi mát từ máy lạnh hay hơi ấm từ lò sưởi, và không bao giờ phải bận tâm về việc dọn dẹp vệ sinh vì đã có đội ngũ vệ sinh chuyên phụ trách vấn đề này.

10. Bạn thường sẽ nhận được mức lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu. Không tệ cho những ai mới vào nghề. Một số công ty cũng cho phép bạn nhận hoa hồng dựa trên số lượng khách hàng đồng ý mở tài khoản hoặc cho vay.
Khuyết điểm

1. Bạn thường xuyên bị đặt vào vị trí có thể khiến cho khách hàng tức giận. Bất cứ ai làm công việc này đều phải có khả năng thông báo cho khách hàng những tin xấu và tuân thủ các quy định mà không có ngoại lệ nào, dù cho khách hàng có gây sức ép lớn như thế nào đi chăng nữa. Khách hàng thường không hiểu hết các chính sách cũng như quy định của ngân hàng, nên cho dù bạn có cố gắng giải thích cho họ bao nhiêu lần đi chăng nữa, họ chỉ nghe được rằng họ không thể có được những gì họ muốn và tin rằng ngân hàng đang cố tình gây khó dễ.

2. Mặc dù các công việc làm trong ngân hàng được nhận xét là khá an toàn, bạn vẫn có nguy cơ bị cướp. Nếu một sự cố như vậy xảy ra, bạn phải giữ bình tĩnh và suy nghĩ rõ ràng nhất có thể. Một tên cướp có thể có vũ khí hoặc chỉ giả vờ có nhưng bạn không thể làm liều mà phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì chúng nói để dụ chúng ra ngoài càng nhanh càng tốt. Một giao dịch viên nên tận dụng sự quan sát nhạy bén của mình để xác định đối tượng khả nghi càng sớm càng tốt và nhớ càng nhiều chi tiết càng tốt để các nhà chức trách có thể nhanh chóng tìm ra thủ phạm.



3. Có những người lấy cắp tiền của ngân hàng bằng những thủ đoạn hết sức tài tình và tinh vi. Những người này thường sẽ có vẻ thân thiện và đáng tin cậy nhưng hãy cẩn thận, vì họ có thể khiến bạn mất việc. Bạn phải cảnh giác với những người không thân và luôn nhớ các quy định của ngân hàng. Là một giao dịch viên, bạn cần phải kiểm tra thật kỹ những giấy tờ và hoá đơn. Ngoài ra, có một số tội phạm lấy cắp thông tin tài khoản, và bạn phải thật cẩn trọng trong việc xác minh danh tính.

4. Với tư cách là một giao dịch viên, bạn có thể được yêu cầu đáp ứng các mục tiêu hoặc chí ít là hỗ trợ chi nhánh trong việc đáp ứng các mục tiêu mỗi tháng. Điều này có nghĩa là bạn không chỉ thực hiện giao dịch một cách nhanh chóng và chính xác mà bạn còn phải giới thiệu cho khách hàng về các sản phẩm của ngân hàng và cố gắng thuyết phục họ mở tài khoản khác hoặc xem xét khoản vay. Nó không hề dễ dàng, và hầu như không khách hàng nào thích nghe về chúng. Thế nhưng, bạn không thể không làm vì nếu bạn không đạt được mục tiêu, bạn có thể phải đối mặt với việc mất việc, kể cả khi bạn không chịu trách nhiệm trực tiếp về những mục tiêu này.

5. Đây là công việc mà một sai sót nhỏ có thể trở thành thảm hoạ! Một sai sót trong giao dịch có thể làm tài khoản khách hàng bị thấu chi và và lệ phí phạt có thể làm cho họ bỏ lỡ các khoản thanh toán quan trọng, ví dụ như lương cho nhân viên. Nếu lỗi này xảy ra vào thứ Sáu hoặc thứ Bảy, bạn phải chờ đến thứ hai mới có thể sửa chữa được những sai sót này. Bất kể đó là sai sót lớn hay nhỏ, đối với khách hàng, đó đều là những vấn đề nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, bạn cũng phải theo dõi từng đồng ra và vào tài khoản khách hàng, và phải báo cáo ngay nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường. Nếu bạn sai sót thường xuyên, hoặc tài khoản của khách hàng có những mức chênh lệch lớn, bạn có thể sẽ bị mất việc. Số lượng sai sót bạn được phép mắc phải tuỳ thuộc vào quy định của mỗi công ty.

6. Tùy thuộc vào chi nhánh bạn làm việc mà vị trí này áp lực ít hay nhiều. Bạn có thể sẽ phải đối mặt với một hàng chờ dài dằng dặc, với số lượng câu hỏi và giao dịch trở nên quá tải. Sẽ có khách hàng trở nên mất kiên nhẫn và cáu kỉnh, dĩ nhiên, họ cũng không có tâm trạng để nghe bạn giới thiệu về những sản phẩm khác của ngân hàng.

7. Bạn có thể sẽ phải đứng trong một thời gian dài. Một số ngân hàng cung cấp ghế cho bạn, nhưng hầu hết sẽ yêu cầu bạn đứng bất kể khi nào có khách ở sảnh chờ, và điều đó có nghĩa là bạn có rất ít thời gian được ngồi.

8. Nếu bạn làm việc ở một chi nhánh vắng vẻ, bạn sẽ có khá nhiều thời gian rảnh rỗi. Điều này nghe có vẻ tốt nhưng nhiều ngân hàng không cho phép bạn sử dụng điện thoại di động, đọc tạp chí hoặc sách giữa giờ, và vì vậy, bạn thường không có việc gì để làm ngoại trừ nói chuyện với các đồng nghiệp.

9. Tiền không phải là thứ sạch sẽ, theo nghĩa đen. Bạn có thể mắc bệnh nếu như quên rửa tay sau khi xử lý tiền. Các giao dịch viên thường phải rửa tay sau khi giao dịch ngay lập tức nếu khách hàng của họ rõ ràng là đang mắc bệnh.

10. Bạn có thể tự biến mình thành kẻ ngốc khi vô tình kích hoạt hệ thống báo động. Các ngân hàng có cách để kiểm tra với cảnh sát khu vực trước khi thông báo với các cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Mặc dù vậy, khi xảy ra sự cố, các giao dịch viên có thể bỏ sót quy trình, và hậu quả là, ngân hàng phải tốn một chi phí không hề nhỏ.

Bây giờ, bạn đã có một số hình dung nhất định về cuộc sống của một giao dịch viên. Công việc này có thể là bước khởi đầu cho chặng đường đi đến nghề nghiệp mà bạn mong muốn! Hoặc nếu không, bạn cũng có thể được đào tạo và thăng tiến lên một vị trí cao hơn. Nếu bạn làm việc tốt với những con số lẫn con người thì đây là một công việc tuyệt vời để khởi đầu.

Làm sếp, xin đừng cau có: Muốn nhân viên xuất chúng thì lãnh đạo phải gương mẫu, khi đi làm phải "đẹp từ ngoài vào trong"

Chắc hẳn tất cả chúng ta đều ôm ấp mong ước trở thành một lãnh đạo giỏi, có thể là trong khu phố nhà bạn, trong một tập đoàn hay là người sáng lập một công ty. Thật tiếc phải nói với bạn rằng rất khó để tìm được những nhà lãnh đạo giỏi.


Nhưng không phải bạn không có cơ hội, bởi những tố chất cần có để trở thành lãnh đạo tài giỏi không phải bẩm sinh mà có được. Bạn sẽ phải nhờ tới những người thầy, cố vấn và kinh nghiệm mới học được cách làm một nhà lãnh đạo. Còn phải có tư duy cầu tiến, hiểu được rằng bạn sẽ không bao giờ thôi học hỏi và tò mò.

Giữ vị trí lãnh đạo ngày nay so với mười, hai mươi năm trước quả thực rất khác biệt. Môi trường làm việc ngày càng phức tạp và người lãnh đạo không còn nằm trong giới hạn đơn thuần ra lệnh cho đội quân hoàn thành công việc.

Bạn thực sự có được bao nhiêu phẩm chất và đặc điểm cốt yếu của một nhà lãnh đạo? Hãy tự mình kiểm tra và từ đó khắc phục những điểm yếu và cải thiện ưu điểm của mình.

Trung thực

Doanh nghiệp và nhân viên là hình ảnh phản chiếu của chính bạn. Nếu bạn biến cách cư xử trung thực và có đạo đức thành giá trị cốt yếu, mọi người cũng sẽ noi gương bạn.

Khả năng giao phó

Cần phải nhớ rằng việc đặt ý tưởng của mình vào tay đội ngũ riêng cho thấy sức mạnh chứ không phải sự yếu đuối. Giao phó nhiệm vụ cho người thích hợp là một trong những kỹ năng quan trọng nhất bạn cần phát triển khi doanh nghiệp thêm lớn mạnh.

Khả năng giao tiếp

Khả năng mô tả rõ ràng và ngắn gọn việc bạn muốn làm quả thực vô cùng quan trọng. Nếu bạn không thể truyền đạt tầm nhìn của mình cho đội ngũ làm việc, tất cả sẽ không thể làm việc hướng tới một mục tiêu. Hãy tạo cảm giác tin tưởng và thấu hiểu bằng sự giao tiếp hiệu quả giữa bạn và nhân viên.
Khả năng cười đùa

Giữa tinh thần và năng suất làm việc có mối liên kết với nhau và ở cương vị lãnh đạo, bạn phải truyền được năng lượng tích cực. Lúc này khiếu hài hước của bạn sẽ có ích. Khuyến khích mọi người cười đùa trước những sai lầm vừa học từ chúng thay vì khóc lóc và tự hỏi phải làm gì tiếp theo.

Đầy tự tin

Một phần việc của bạn khi làm người lãnh đạo là đối phó với những vấn đề khẩn cấp và giữ vững tinh thần của đội ngũ. Hãy tiếp tục duy trì sự tự tin của bạn và đảm bảo với mọi người những trở ngại này là lẽ dĩ nhiên và điều quan trọng là phải tập trung vào vạch đích lớn hơn. Hãy nhớ rằng, nhân viên chịu ảnh hưởng từ hành động của bạn, nên nếu bạn thể hiện được sự bình tĩnh trong việc kiểm soát hậu quả, họ cũng sẽ nhận thấy điều đó.

Sự tận tụy

Nếu muốn đội ngũ của mình làm việc chăm chỉ và đưa ra sản phẩm chất lượng, bạn phải làm gương trước đã. Không có động lực nào lớn hơn việc chứng kiến người đứng đầu bước ra làm việc cùng mọi người, cho thấy bất kỳ ai, dù là vị trí nào cũng đang nỗ lực hết mình. Việc chứng tỏ sự tận tụy với thương hiệu và vai trò của mình không chỉ giúp bạn giành được sự tôn trọng của đội ngũ làm việc mà còn truyền được nguồn năng lượng chăm chỉ cho mọi người trong công ty.
Thái độ tích cực

Hãy duy trì quyết tâm hướng tới thành công bền vững cho công ty của nhân viên và nguồn năng lượng tràn đầy. Hãy giữ cho không khí nơi làm việc được cân bằng giữa năng suất và tiếng cười. Nếu đội ngũ của bạn cảm thấy vui vẻ và lạc quan, có thể họ sẽ không phiền làm thêm giờ để hoàn thành một dự án hoặc thật sự dốc lòng khi bạn cần tới họ.

Tư duy sáng tạo, cởi mở

Có những khi bạn buộc phải đi chệch khỏi con đường đã định và đưa ra những quyết định vội vàng. Lúc này, sự sáng tạo của bạn sẽ chứng minh được vai trò không thể thiếu. Người lãnh đạo cần phải biết cách nhanh chóng nghĩ ra các ý tưởng có thể giải quyết vấn đề. Đừng vội vàng chọn khả năng đầu tiên hoặc đơn giản nhất; đôi khi tốt nhất là dành chút thời gian suy nghĩ về những ý tưởng này, thậm chí là nhờ tới sự chỉ dẫn của mọi người. Mấu chốt vẫn là phải có được tư duy sáng tạo cởi mở.

Bản năng sắc bén

Bạn có thể rèn giũa để việc dẫn dắt đội ngũ thực hiện những nhiệm vụ hàng ngày đạt tới sự hoàn hảo. Song khi một việc bất ngờ xảy ra, hoặc là bạn rơi vào một kịch bản mới, mọi người sẽ trông chờ bạn dẫn dắt. Bạn có thể sử dụng kinh nghiệm quá khứ hay tìm cách liên lạc nhờ những cố vấn cũ. Nhưng sau cùng, quyết định khó khăn vẫn phải do bạn quyết và bạn cần dựa vào kinh nghiệm lẫn linh cảm để tìm được câu trả lời.

Khả năng truyền cảm hứng

Khi tạo dựng một doanh nghiệp hay ra mắt sản phẩm mới, việc truyền cảm hứng để đội ngũ của bạn thấy được viễn cảnh thành công là yếu tố sống còn. Hãy khiến họ cảm thấy được cống hiến vào những thành công của công ty. Hãy công nhận việc mọi người làm và tuyên dương mỗi nỗ lực của họ, khen ngợi họ trước mặt ban lãnh đạo công ty. Trao thêm trách nhiệm và khuyến khích họ thực hiện.
DBS M05479
Quang Cao