Nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp
Về biện pháp chống nóng này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), nhận địnhvề nguyên tắc điều hòa tự chế có cơ chế hoạt động tương tự quạt hơi nước, quạt phun sương đang được sử dụng phổ biến. Chúng có tác dụng làm mát cho những người không có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ.
Tuy nhiên, khi sử dụng điều hòa tự chế, chúng ta sẽ không chủ động được nhiệt độ lạnh. Điều đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu để lạnh quá mức.
Bên cạnh đó, vùng làm mát của điều hoà tự chế khá hẹp buộc người dùng phải ngồi gần để cảm nhận luồng gió mát. Việc này dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt với trẻ nhỏ như gây ra các cơn ho, viêm họng, thậm chí viêm phổi nếu ngồi quá lâu.
Tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, điều hòa tự chế với đặc trưng là quạt hơi nước nên làm độ ẩm trong phòng tăng cao, có thể tạo điều kiện cho nấm mốc, các loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe có cơ hội phát triển. Đặc biệt, trẻ em hoặc người có sức đề kháng thấp, rất dễ mắc các bệnh tai, mũi, họng do không khí ẩm thấp.
Người lớn, khi tiếp xúc gần hơi lạnh từ điều hoà tự chế cũng khiến làn da trở nên khô ráp, khó chịu.
Nếu sử dụng nguồn đá bẩn để chạy điều hoà cũng gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Chúng tồn tại sẵn vi khuẩn gây bệnh, khi thổi ra ngoài không khí, vi khuẩn cũng phát tán theo và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
Đặc biệt, thùng nước đá nếu không được vệ sinh hàng ngày sẽ trở thành nguồn nước bẩn, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Chuyên gia khuyến cáo, khi dùng điều hòa tự chế cần chú ý sau:
- Sử dụng nguồn nguyên liệu sạch để làm lạnh.
- Vệ sinh thùng đá hàng ngày.
- Không phả trực tiếp hơi lạnh vào cơ thể, đặc biệt vùng mặt, cổ.
- Chỉ nên sử dụng từ 2-3 giờ, sau đó ra ngoài nhiệt độ bình thường một lần.
- Chú ý về việc vệ sinh điều hòa nhiệt độ định kỳ, tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy.
- Phòng sử dụng điều hòa thường xuyên phải được dọn dẹp sạch sẽ.