Chị Thanh Tâm, quận Bình Tân, TP HCM tuần rồi mua chiếc điện thoại 11 triệu đồng tại một hệ thống di động lớn trên đường Lê Hồng Phong, quận 5. Khi đến quầy cà thẻ, cô nhân viên tính trên hóa đơn 11,22 triệu đồng. Chị thắc mắc tại sao lại lên 220.000 đồng so với giá niêm yết thì được giải thích phải thu thêm phụ phí 2% để trả cho ngân hàng.
Thấy chị Tâm có vẻ không đồng ý, cô này liền phân trần: "Lẽ ra bên em phải trả phí trên, nhưng do doanh số bán hàng qua thanh toán thẻ của cửa hàng rất thấp và không đủ bù chi phí để đóng cho ngân hàng, nên mới nhờ khách hàng hỗ trợ thêm".
Nhiều bất cập khiến người dân ngại dùng thẻ. Ảnh minh họa.
Tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và TP HCM, dù không tính phí nhưng một số nơi lại thêm quy định vô lý khác. Ví dụ như nếu cà thẻ thay vì trả tiền mặt nghiễm nhiên không được hưởng các chương trình khuyến mại và những hình thức chiết khấu thanh toán khác của siêu thị. Chưa kể, nhiều khách hàng cảm thấy phiền hà do khâu thanh toán bằng thẻ hiện nay rắc rối và làm mất thời gian hơn trả tiền mặt.
Chị Nga, một khách hay mua hàng tại BigC TP HCM, vẫn nhớ cảm giác ngại ngùng khi chờ in hóa đơn thanh toán bằng thẻ và ký tên. "Hôm ấy, máy quẹt thẻ bị lỗi nên in hóa đơn bị chậm khiến nhiều người khác phải đợi phía sau, làm tôi có cảm giác như mình có lỗi", chị chia sẻ.
Những bất cập trên tuy không quá lớn nhưng cũng làm nhiều người nản lòng và quyết định chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt. "Ở cửa siêu thị nào cũng có sẵn ATM, tôi thường rút tiền mặt rồi vào thanh toán, vừa nhanh lại không bị thiệt", chị Lan, một khách hàng mua sắm tại siêu thị FiviMart Võ Thị Sáu (Hà Nội), cho biết.
Đó là chưa kể nhiều người vì chủ quan không mang theo tiền mặt nhưng nhiều trung tâm thương mại lớn, cửa hàng thời trang, điện thoại lớn nhưng lại không có dịch vụ thanh toán bằng thẻ. Phương (Bà Triệu, Hà Nội), đã phải chạy tất tưởi ra ngoài đi tìm máy ATM vì một cửa hàng bán đồ Nhật tại trung tâm thương mại lớn trên phố Tây Sơn chưa lắp đặt POS. "Cứ nghĩ trung tâm thương mại lớn thì mọi quầy hàng đều cho phép dùng thẻ. Ai dè đang ăn thấy khách bàn bên cạnh đứng dậy đưa tiền mới biết ở đây không có POS", Phương nói.
Đại diện một siêu thị lớn ở TP HCM thừa nhận dù đã kết nối với các ngân hàng, khách có thể thanh toán qua thẻ nhưng rất ít người mặn mà (doanh số chỉ chiếm vài %). Vị này cho rằng, một phần là do thói quen dùng tiền mặt trong mua sắm, chi tiêu đang rất phổ biến. Ngoài ra, còn do tâm lý nhiều người ngại phiền hà, rắc rối hoặc mất thời gian vì phải chờ ký vào hóa đơn thanh toán khi cà thẻ.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) khẳng định để thu hút khách hàng thanh toán qua thẻ, tất cả nhà băng đều không thu phí người dùng. Thậm chí, ngân hàng còn liên kết với các đơn vị chấp nhận thẻ để có những chính sách ưu đãi, giảm giá khi mua hàng bằng thẻ, hoặc được chiết khấu 3-5% trên hóa đơn...
Tuy nhiên, ông cho biết ở một số đơn vị chấp nhận thẻ do doanh số thanh toán không cao nên đã thu phí khách hàng. "Điều này là hoàn toàn sai, nhưng ông cho biết rất khó xử lý. Vì họ lách bằng cách thỏa thuận với khách và sau đó ghi thẳng giá tiền vào hóa đơn (đã bao gồm tiền sản phẩm và phí), chứ không ghi riêng lẻ các khoản ra nên ngân hàng không có căn cứ để phạt", ông nói.
Một Phó tổng giám đốc Techcombank cũng nói thẳng, hiện một số đơn vị kinh doanh không muốn chấp nhận thẻ một phần do phải trả phí ngân hàng, một phần là phải công khai doanh thu. Vì thế, một số nơi dù đã ký hợp đồng chấp nhận thẻ với ngân hàng nhưng vẫn tìm nhiều cách hạn chế các giao dịch bằng thẻ của khách như để máy cà thẻ vào nơi khuất, ưu tiên khách hàng trả tiền mặt...
Lãnh đạo của Hội Thẻ Việt Nam cho biết thêm, về nguyên tắc, điểm chấp nhận thanh toán thẻ cam kết với ngân hàng không tính phí người dùng. "Tuy nhiên, việc họ vi phạm khi thu phí của khách lại chưa có chế tài nào hợp lý để giải quyết", vị này cho biết.
Bởi theo ông, phía ngân hàng khi phát hiện sai phạm từ các điểm chấp nhận thanh toán, chỉ có cách duy nhất là thu hồi máy POS. Thế nhưng, nếu làm vậy thì lại ảnh hưởng đến chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt do các điểm kinh doanh cũng chẳng mặn mà gì. "Đó là chưa kể đến việc cạnh tranh giữa các ngân hàng, nhà băng này phạt thì sẽ có nhà băng khác lắp đặt máy thay thế ngay", vị lãnh đạo này phân tích.
Đến đầu năm 2013, toàn hệ thống có khoảng hơn 14.000 thiết bị ATM và gần 105.000 điểm giao dịch chấp nhận thẻ (POS, EFTPOS, EDC). Trong khi đó, theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có hơn 54 triệu thẻ, trong đó có 50 triệu thẻ nội địa, nhưng phần lớn các giao dịch phát sinh qua thẻ chỉ là "để rút tiền" thay vì chi cho tiêu dùng.
Ngoài ra, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán thẻ dù luôn tăng qua các quý theo thống kê của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Để đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, một đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất các bộ ngành khác cũng cần vào cuộc thay vì để một mình ngân hàng phải nài nỉ từng nơi mua sắm lắp đặt POS và phát triển mạng lưới. Ví dụ như có thể đề xuất Bộ Công Thương quy định cứng tất cả trung tâm mua sắm, nhà hàng đều lắp đặt POS, Bộ Tài chính có chính sách giảm thuế hoặc tương tự để khuyến khích các điểm giao dịch thực hiện thanh toán qua thẻ...
Theo Vnexpress.net