Nói như vậy không có nghĩa là các game sau đây là kém và không đạt chất lượng, bài viết này chỉ để nói lên rằng các trò chơi này không tuyệt vời như quảng cáo. Đó có thể là một phần tiếp theo quá xa rời với cốt truyện gốc, cũng có thể là một game quá sa đà vào mặt hiệu ứng hay thậm chí là một game được lăng-xê nhờ vào tên tuổi của studio làm ra nó… Tất cả những điều này là dấu hiệu nói lên rằng rất có thể sản phẩm game bom tấn hoành tráng nào đó sẽ không đạt tới những gì mà game thủ kỳ vọng về nó.
Halo: Reach (Bungie phát triển | Microsoft phát hành)
Vào thời điểm mà loạt game Halo nguyên bản gồm 3 phần kết thúc năm 2007, cộng đồng game thủ đã có dịp thử qua một vài tựa game chủ đề Halo trong lúc chờ đợi phần 4 trứ danh.
Các game ấy là Halo Wars, Halo 3: OSTD và phiên bản HD của phần đầu Halo: Combat Evolved Anniversary. Phần mới nhất mà Bungie tung ra giữa Halo 3 và Halo 4 tại thời điểm năm 2010 làHalo: Reach với ý đồ lôi kéo game thủ tới một phần chơi có liên quan với phần mở đầu Halo: Combat Evolved. Tuy vậy Halo: Reach làm cho người ta cảm thấy nó giống với một phần mở rộng của game hơn là phần tiếp theo độc lập. Cốt truyện thì nghèo nàn và sự thiếu vắng nhân vật chính Master Chief đã tạo nên một sự hụt hẫng đáng tiếc. Chẳng khác gì bạn chơi Gears of War mà không có anh chàng Marcus Fenix vậy.
Killzone 3 (Guerrilla Games phát triển | Sony Computer Entertainment phát hành)
Cảm giác được “săm soi” những tên lính Helghast qua ống ngắm hồng ngoại trên súng của người chơi là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của game thủ chơi Killzone. Với Killzone 3, có vẻ như studio Guerrilla Games đã đi chệch hướng. Điểm gây thất vọng đầu tiên là phần chơi đơn quá ngắn và mờ nhạt.
Thường thì game thủ FPS cũng sẽ vẫn chấp nhận các phần chơi đơn có thời lượng chỉ 5-6 tiếng đồng hồ, song bù lại phần chơi ấy phải thú vị và cuốn hút họ chơi đi chơi lại nhiều lần. Phần cuối của loạt game Killzone này được kỳ vọng nhiều sau thành công rực rõ của Killzone 2, song đáp lại sự mong mỏi ấy chỉ là những tiếng thở dài ngán ngẩm từ phía game thủ.
Bên cạnh việc phần chơi đơn quá ngắn như đã đề cập ở trên, sự bất hợp lý của khí tài cũng làm người chơi thất vọng. Không phải là game không hay, vẫn còn đó những điểm sáng như môi trường tuyết rơi tuyệt vời, màn kết thúc cheo leo vách núi hồi hộp hay là phần chơi mạng thú vị. Nhưng xét về tổng thể,Killzone 3 không đạt tới tầm của các phần trước đó như kỳ vọng của người hâm mộ.
Uncharted 3: Drake’s Deception (Naughty Dog phát triển | Sony Computer Entertainment phát hành)
Sau thành công của Uncharted 2: Among Thieves, game thủ đã phải chờ đợi một khoảng thời gian khá dài mới có thể chạm tay vào Uncharted 3: Drake’s Deception. Tuy vậy, khoảng thời gian này lại không tương xứng với những gì mà cộng đồng chờ đợi để phiêu lưu cùng nhân vật chính Nathan Drake.
Phần 3 cho thấy các nhà phát triển của studio Naughty Dog chỉ cố gắng mô phỏng và làm mới các yếu tố làm nên thành công của phần trước đó mà thôi. Thêm vào đó, phần 3 này còn mắc phải “hội chứngMax Payne 3” nghĩa là quá chú trọng vào tính điện ảnh, làm cho game trở nên giống phim hơn là xuất phẩm để game thủ khám phá.
Cảnh quan đậm chất Uncharted nhất là sa mạc thì lại xuất hiện quá trễ trong game và gameplay thì nhàm chán. Hy vọng rằng sau khi hoàn thành một game cũng đang được kỳ vọng sắp ra mắt khác làThe Last of Us, Naughty Dog sẽ tập trung tinh lực để mang tới một Uncharted 4 hoàn hảo hơn dành cho game thủ.
Left 4 Dead 2 (Valve Corporation phát triển và phát hành)
Không cần phải nhắc lại thành công của Left 4 Dead khi vừa ra mắt, đây là một game bắn súng với đề tài kinh dị có cách chơi co-op độc đáo được “chuyên gia” Valve phát triển. Tuy nhiên nhiều game thủ cho biết họ vẫn cảm thấy “thiếu thiếu chút gì đó” bên cạnh đồ họa và gameplay tuyệt vời của trò chơi.
Về cơ bản tất cả những gì người chơi phải làm trong game là bắn zombie, di chuyển rồi bắn nhiều zombie hơn. Việc cho phép chọn màn chơi cũng như bỏ qua các màn khó làm cho nhiều game thủ thực thụ “hậm hực” cho rằng cách thức này chỉ thích hợp với phong cách bắn súng của game thùng hoặc kiểu bắn tưng bừng xả stress 10-15 phút mà thôi.
Trong phiên bản kế tiếp Left 4 Dead 2, không có gì cải thiện cả và đây chính là điểm gây thất vọng. Cũng hơi khó hiểu bởi lẽ Valve vốn có tiếng là luôn chăm chút cẩn thận cho những đứa con tinh thần của mình. Game thủ lại có lý do để mà lo lắng về “bom tấn” Half-Life 3 đang chờ ngày lên kệ.
Super Smash Bros. Brawl (Nintendo phát triển và phát hành)
Lịch sử đã chứng minh rằng không phải cứ lớn hơn, nhiều hơn, đồ sộ hơn là tốt hơn – hay hơn! Phần thứ 3 của loạt game chiến đấu mang tên Super Smash Bros. là một ví dụ điển hình.
Masahiro Sakurai và cộng sự đã làm tất cả những gì họ cho là tốt với phiên bản này và nhồi nhét vào trong chỉ vỏn vẹn 1 đĩa Wii. Kết quả là một mớ lộn xộn và các tuyến nhân vật không rõ ràng. Super Smash Bros. Brawl không phải là game dở song nó chẳng khác gì phiên bản tiền nhiệm có thêm thắt một số nội dung đánh đấm. Hy vọng sự hợp tác mới giữa Sakurai và Namco Bandai sẽ mang lại cho phiên bản Super Smash Bros. Wii U nhiều điều thú vị mới mẻ hơn.
The Elder Scrolls V: Skyrim (Bethesda phát triển và phát hành)
Thế giới mà Bethesda tạo ra cho Skyrim là vô cùng rộng lớn và hấp dẫn song nó cũng không cứu được game này khỏi những nhận xét tiêu cực khi so sánh với phiên bản gốc. Các nhiệm vụ ngục tối (dungeon) thường lặp đi lặp lại và không cuốn hút. Phiên bản Elder Scrolls tiếp theo, có lẽ Bethesda nên tập trung vào việc thiết kế nhiệm vụ và cấp độ màn chơi hơn là quá chú trọng vào ngoại cảnh như hiện nay.
Hãy nhìn vào Dishonored để thấy rằng một trò chơi vẫn có thể hay mà không cần tới cảnh quan bao la rộng lớn, môi trường chi tiết … Có thể nói Skyrim tạo ra ấn tượng xấu hệt như một game khác của Bethesda là Fallout 3, có điều ở đây súng đạn đã được thay thế bằng cung kiếm và đánh rồng mà thôi. Tuy nhiên không ai dám chê Skyrim là game kém chất lượng, chỉ có điều nó không vượt qua được ấn tượng mà phiên bản Elder Scrolls trước tạo ra.
Batman: Arkham City (Rocksteady Studios phát triển | Warner Bros. Interactive Entertainment phát hành)
Nếu như cho Batman: Arkham Asylum (cũng do Rocksteady Studios phát triển) điểm 10 hoàn hảo thì phần tiếp theo Batman: Arkham City chỉ có thể cho cao nhất là 9.
Giống như trường hợp Super Smash Bros. Brawl đã nói ở trên, các nhà phát triển Arkham City cũng cố gắng nhồi nhét quá nhiều thứ vào một phiên bản. Game thủ có thể hình dung chơi game này giống như trải nghiệm kiểu chơi lén lút ám sát của Hitman trong thế giới mở của Grand Theft Auto.
Một điều không thể phủ nhận là đồ họa của Batman: Arkham City quá xuất sắc và hy vọng Rocksteady giữ vững được thế mạnh này và làm cho phiên bản kế tiếp xứng đáng hơn với từ “siêu phẩm”.
Assassin’s Creed: Revelations (Ubisoft phát triển và phát hành)
Rất nhiều fan hâm mộ dòng game Assassin’s Creed của Ubisoft đã hăm hở “vồ lấy” bản Revelationstrong lúc chờ đợi Assassin’s Creed III ra mắt. Tuy nhiên đa số đều thừa nhận đây là một sai lầm không nên lặp lại. Phiên bản này không có tý sáng tạo nào mà giống như một sự “cào cấu” mà Ubisoft cố đưa ra để đáp ứng tiêu chí có game mới.
So sánh với Assassin’s Creed II và Assassin’s Creed: Brotherhood, Constantinople trongRevelations trở nên nhỏ bé và nhàm chán. Phần chơi khi mà Ezio tới Cappadocia khá thú vị nhưng không thể cứu nổi cả một phiên bản Revelations thiếu sức sống và mất định hướng. Nhiều game thủ cho rằng nó thậm chí còn thua cả phiên bản Assassin’s Creed đầu tiên.
Max Payne 3 (Rockstar phát triển và phát hành)
Ngay trước khi phần 3 ra mắt, một phần tiếp theo đình đám khác là Resident Evil 6 đã nhận được vô số lời khen chê trái chiều từ việc dùng quá nhiều các đoạn phim cắt cảnh trong game. Nhưng phần mới nhất của loạt game Max Payne xứng đáng là ví dụ kinh điển nhất của việc xài các đoạn phim cắt cảnh đậm chất điện ảnh một cách … thái quá.
Nếu chỉ để ngắm thì không có gì phải phàn nàn vì các đoạn phim ấy được làm một cách công phu tỉ mỉ với hiệu ứng hình ảnh đã mắt người xem. Song nói về khía cạnh của một trò chơi, nhất là một trò chơi mang sẵn nỗi niềm u uẩn, day dứt và bạo lực bộc phát như Max Payne thì điều này vô hình chung đã phá hỏng bầu không khí vốn có của game.
Tất cả những gì game thủ được thấy trong game này dường như là việc các nhà phát triển đã nhấn mạnh vào các yếu tố “người lớn” và “nghiêm túc” một cách khiên cưỡng. Tính năng nổi tiếng của dòng game Max Payne là “shoot dodge” gần như biến mất.
Có thể nói Max Payne 3 là một game bắn súng TPS hay, đẹp song lại mất đi những phẩm chất truyền thống của dòng game Max Payne nhất. Những phẩm chất ấy dã biến mất cùng với cái hồn game mà Rockstar thường tạo được đối với trò chơi của mình. Giờ đây, nếu bỏ đi logo của hãng, có lẽ không ai nhận ra đây là sản phẩm của studio danh tiếng này nữa.
Saints Row: The Third (Volition, Inc. phát triển | THQ phát hành)
Tất cả những ai đã từng trải nghiệm 2 phần đầu Saints Row và Saints Row 2 đều hiểu rõ tại sao phần thứ 3 Saints Row: The Third lại là nỗi thất vọng lớn lao của dòng game sandbox đình đám này. Thành phố mới Steelport nhàm chán và vô vị, không có điểm nhấn nào đáng nhớ.
Các điểm bán thức ăn nhanh “Freckle Bitch’s” cũng biến mất. Cốt truyện thì vô lý và phá hỏng tất cả những điều hay ho của 2 phiên bản trước. Đại bộ phận thời gian để làm nhiệm vụ chính trong game là hướng dẫn các công việc và hoạt động mà người chơi có thể làm trong thành phố Steelport. Xong phần hướng dẫn này, “mở khóa” các chỗ cần thiết rồi thì cũng đã hết mất nửa game.
Điều tồi tệ nhất của game này là việc nó tự cao đến mức phi lý và có thể sẽ làm cho các nhà phát triển của Volition mất tỉnh táo và tiếp tục “phát huy” chúng trong phiên bản Saints Row 4, bao gồm nhiều trang phục quái đản cũng như cơn ác mộng DLC đối với người chơi.
Theo : Gamethu