Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Những điểm mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ 1/5/2013. Bộ luật lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 242 điều, tăng 19 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành (223 điều). Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra những quy định cụ thể hơn và bảo vệ lợi ích cho người lao động (NLĐ) nhiều hơn. Careerlink xin giới thiệu 5 nội dung mới đáng chú ý mà NLĐ và Doanh nghiệp cần biết trong Bộ luật mới này.

Đối với hợp đồng lao động

Chương III (điều 26, 27, 31) quy định: tiền lương trong thời gian thử việc của NLĐ “ít nhất phải bằng 85%” so với mức 70% của quy định theo Bộ luật đang hiện hành. Một điểm mới được bổ sung trong chương này đó là: Cho thuê lao động, đây là lần đầu tiên quy định này chính thức được công nhận tại Việt nam.

Với quy định cho thuê lao động sẽ giải quyết được tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giữa các doanh nghiệp. Đồng thời giải quyết được vấn đề thất nghiệp cho những người trong độ tuổi lao động.

Về chính sách tiền lương

Chương VI, điều 93 và 94 Bộ luật Lao động đang hiện hành quy định: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải đăng ký thang, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước và phải được duyệt trước khi thực hiện trong doanh nghiệp. Trong Bộ luật (sửa đổi) áp dụng ngày 1/5/2013 đã bãi bỏ hình thức phải đăng ký thang, bảng lương thay bằng việc NSDLĐ chỉ cần sao gửi thang, bảng lương cho cơ quan, tổ chức có liên quan để quản lý, theo dõi. Điều này có nghĩa Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ …. Thang lương, bản lương, định mức lao động do các doanh nghiệp tự xây dựng và ban hành theo nguyên tắc quy định của Chính phủ. Trường hợp thay đổi hình thức trả lương phải thông báo cho NLĐ biết trước 10 ngày.

Về tiền lương, làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, ngoài những quy định đang hiện hành theo khoản 1 và 2, điều 97, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.” (Khoản 3 Điều 97).

Những sửa đổi của chương này dựa trên nguyên tắc: Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của NLĐ, chỉ quy định mức lương thấp nhất mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ. Đồng thời quy định rõ các mức lương tối thiểu được xác định theo ngày, tháng, giờ và được xác lập theo vùng ngành như: Điều kiện sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

Một điểm mới trong chương VI là việc quy định về Hội đồng tiền lương Quốc gia: “Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động – thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung Ương. Chính phủ được giao quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hội đồng này” - (khoản 1, điều 92).

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Ngoài những quy định về giờ làm việc và nghỉ ngơi cho NLĐ như: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 01 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm. Chương VII, Bộ luật còn quy định NLĐ được nghỉ 10 ngày/năm hưởng nguyên lương, trong đó tết âm lịch được nghỉ 5 ngày, tăng một ngày so với luật đang hiện hành (nghỉ 9 ngày/năm hưởng lương nguyên, trong đó tết âm lịch được nghỉ 4 ngày).

Ngoài ra, trong chương này bổ sung thêm quy định để NLĐ được nghỉ trong một số trường hợp cụ thể như bố, mẹ hoặc anh, chị em ruột chết: “Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn (khoản 2 Điều 116). Riêng đối với lao động là người nước ngoài được nghỉ thêm một ngày tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.

Về thời gian nghỉ thai sản dành cho lao động nữ

Theo Chương X: Những quy định riêng đối với lao động nữ: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay. Trường hợp LĐ nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trong đó, nếu đến ngày 1/5/2013 mà lao động nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản sẽ được hưởng chế độ theo BLLĐ mới.

Mục đích của quy định này là: đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; pháp điển hoá Nghị định (là việc xây dựng, soạn thảo một văn bản pháp luật mới trên cơ sở hệ rà soát, hệ thống hoá, tập hợp các quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vào văn bản đó với sự sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn) 23-CP ngày 18/4/1996 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ.

Độ tuổi nghỉ hưu đối với nhóm lao động cụ thể

Về tuổi nghỉ hưu, Bộ luật vẫn giữ nguyên quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Trong chương XII, khoản 1, điều 187, Bộ luật cho phép Chính phủ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhóm lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, làm cơ sở để trong tương lai điều chỉnh tổng thể tuổi nghỉ hưu. Đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại.

Ngoài một số quy định đã được sửa đổi, bộ luật lao động mới có thêm một số điều mới như: Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu; đối thoại doanh nghiệp; thỏa ước lao động tập thể ngành. Bên cạnh đó, luật còn bổ sung thêm những quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ giúp việc nhà, người lao động không trọn thời gian. Các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN… cũng được chỉnh sửa cụ thể hơn, nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong các trường hợp rủi ro như: Ốm đau, tai nạn, mất việc…

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Theo chân trinh sát 142 bắt các đối tượng móc túi

6h sáng, tiết trời tháng chạp vẫn được bao phủ bởi một màn sương dày đặc, chưa rõ mặt người nhưng Huy và nhóm trinh sát trẻ đã lên đường làm nhiệm vụ...

Các đối tượng móc túi thường bố trí một tên đi trên xe buýt còn đồng bọn bám theo phía sau để cảnh giới hoặc dễ dàng tẩu thoát khi "ăn hàng"

Làm việc quên giờ giấc

Lang thang suốt các tuyến đường Cầu Giấy sang Xuân Thủy đến QL32 đến quá trưa, nhóm trinh sát 142 vẫn chưa “tóm” được tên móc túi nào. Huy chậc lưỡi: "Quái lạ thật, tuyến đường này bọn hai ngón hoạt động nhiều lắm. Lại là tháng cuối năm, bọn chúng tranh thủ ăn hàng. Sao hôm nay trốn đâu hết?.

Đưa tay nhìn đồng hồ đã hơn 1h chiều, Huy vẫy tay nói: "Thôi nghỉ ăn trưa đã". Vũ, một trinh sát trong nhóm phóng vội chạy đi, lát sau quay lại cầm túi bánh mỳ nóng hổi. Không ai nói với nhau câu gì, dựng tạm xe vào một góc gần cổng trường Sư phạm Hà Nội, tranh thủ ăn.

Vừa đưa bánh mỳ lên miệng, bỗng nghe tiếng la chí chóe phía cổng Đại học Quốc gia: "Trộm! Trộm". Huy ném vội chiếc bánh mỳ trở lại túi, lao đi. Cả nhóm lại lục tục kéo theo.

Tóm xong đối tượng móc túi, làm biên bản, giao nộp cho công an phường, đồng hồ điểm đúng ba rưỡi chiều. Cả nhóm mở túi bánh mỳ đã nguội lạnh ra tiếp tục bữa trưa còn dang dở.

“Làm công việc mật phục bắt móc túi xe buýt phải thế. Ăn uống không có giờ giấc vốn là thói quen của cảnh sát hình sự”, trinh sát trẻ Trần Hoàng Huy chia sẻ.

Huy cho biết, từ ngày tham gia kế hoạch 142, giờ giấc ngủ nghỉ, cơm nước của Huy càng thất thường. Thi thoảng đang bắt móc túi, cò mồi bến xe, Đội lại gọi về đi bắt nã. Huy giao lại việc cho anh em, có khi đi luôn trong buổi tối, suốt đêm, tận sáng hôm sau mới về.

Hồi đầu Huy cùng nhóm trinh sát (gồm 4 người - PV) đều tham gia Kế hoạch 141 của Công an Thành phố. Từ khi KH 142 ra đời, cả nhóm cùng được rút về nhận nhiệm vụ mới. Nhóm của Huy là tổ công tác số 10 do Huy làm tổ trưởng.


Xe ôm, hàng quán xung quanh điểm xe buýt đôi khi cũng là đồng bọn của dân "hai ngón"

Tên móc túi ngồi kế bên cạnh mà không “tóm” được

Nhóm của Huy thường được phân công làm nhiệm vụ quanh khu vực Cầu Giấy sang bến xe Mỹ Đình và Nam Thăng Long. Khi làm nhiệm vụ, tất cả đều mặc thường phục, vai đeo túi xách. Trông bề ngoài họ khá giống một nhóm nam sinh bắt xe buýt đi học.

Hôm nay, cũng như bao hôm khác, các trinh sát trẻ đi vòng vèo qua các điểm dừng xe buýt ánh mắt dò xét một lúc khá lâu. Qua điểm gần cổng Học viện Báo chí Tuyên Truyền thì thứ họ tìm kiếm đã xuất hiện. Một gã gầy gò, nhìn là biết dân xì ke, nghiện ngập đang lượn lờ. Cả nhóm đáp lại khá xa. Trường, một trinh sát trong nhóm khoác túi đi bộ về phía những người khách đang đứng đợi xe.

Xe buýt 32 đến. Gã gầy gò kia lập tức ùa theo đám khách lên xe. Hắn không ra tay. Đứng nhìn từ xa, Huy chột dạ: "Không khéo lộ?!"

Trường cũng đã lên xe đi cùng gã. Xe qua một bến, hai bến, bến thứ ba... Cả nhóm vẫn lặng lẽ theo sau. Rồi đến bến cuối cùng, gã vẫn không ra tay. Ngồi bên cạnh gã móc túi mà viên trinh sát đành chịu. Bắt trộm phải bắt tận tay. Hắn không ra tay thì làm gì được hắn?! Huy biết: "Mẻ này coi như hỏng."

Bắt bọn móc túi là vậy. Xuất hiện ở bến xe nhiều lần, có đứa nó nhớ mặt cảnh giác. Đó còn chưa kể, chúng nó có đồng bọn cảnh giới cho nhau.

Thủ đoạn móc túi tinh vi

Thủ đoạn của bọn móc túi vô cùng đa dạng và tinh vi. Thường chúng đi thành cặp. Một tên lên xe buýt để “ăn hàng”. Tên còn lại phóng xe máy theo sau. Thấy đồng bọn xuống xe, có nghĩa là một chiếc điện thoại hay cái ví của hành khách nào đó đã xuống theo hắn. Tên đi theo đã phóng xe máy lên đợi sẵn rồi cả hai cùng "té".

Hồi đầu mới thực hiện KH142, tổ của Huy bắt bọn này không khó. Nhưng về sau, chúng nó càng cảnh giác hơn, bố trí thêm quân. Không cẩn thận, chúng nó theo dõi ngược lại mình. Thấy có đoàn xe đi đằng sau, chúng nó nháy nhau án binh bất động. Thành thử đi theo chúng cả ngày mà không làm gì được.

Huy bảo: "Có hôm bực mình, quyết đi luôn theo nó cả buổi. Coi như ngày đó, đố tên hai ngón nào dám ho he".

Đã vậy, bọn móc túi còn cấu kết với cả một số lái xe ôm, quán nước gần bến xe buýt. Ăn hàng xong, chúng nó chia chác cho ít tiền mờ mắt. Có lần tổ 10 đuổi theo một tên móc túi đến quán nước thì mất dấu. Chị hàng nước giơ cái máy tính xách tay ra bảo rằng có khách gửi lại đây chứ không biết là đồ ăn cắp, cũng không biết nó chạy đằng nào.

Bởi vậy mà công việc ngày càng khó khăn. Hồi đầu nhóm trinh sát có thể giả vờ học sinh lượn lờ dưới bến. Nhưng giờ phải chuyển sang nhiều cách khác. Đôi lúc phải đứng từ rất xa, rồi xuất hiện bất chợt. Thậm chí, nhờ các bạn sinh viên trợ giúp, báo tin.

Thấy có động, trinh sát phải có mặt ngay lập tức. Bắt trộm phải bắt tận tay. Chỉ cần chậm một bước, chúng nó chuyển hàng sang tay đồng bọn thì có trời mới biết.

Nhiều sinh viên đi xe buýt biết Hà Nội có KH142, tham gia hưởng ứng mạnh lắm. Tổ của Huy toàn người trẻ tuổi nên dễ hòa đồng với các bạn sinh viên. Bởi thế mà có những sinh viên đi xe buýt còn thành lập cả tổ đội, phân công theo dõi trên các tuyến xe, sẵn sàng báo tin cho lực lượng 142.



KH142/CAHN được thực hiện hơn 1 năm qua. Các trinh sát thường hóa trang, mật phục tại những điểm dừng xe buýt, bệnh viện, siêu thị... thậm chí lên xe buýt tham gia giao thông như người dân, học sinh, sinh viên bình thường. Một năm qua, các tổ công tác 142 đã bắt giữ nhiều đối tượng, băng nhóm móc túi, cò mồi...

Trung tá Vũ Bá Xiêm - Đội trưởng đội phòng chống tội phạm trên tuyến, địa bàn (đội 5 - PC45 - Công an TP. Hà Nội) cho biết, hơn 1 năm qua, KH142 đã bắt giữ được rất nhiều đối tượng móc túi, cò mồi trên các tuyến xe, địa điểm công cộng...Tuy nhiên số đối tượng bị truy tố vẫn rất ít. Bởi lẽ nhiều vụ, tài sản mà chúng trộm được bị bắt quả tang có giá trị chưa đến 2 triệu đồng, chưa đủ mức để truy tố theo quy định pháp luật. Mặt khác, nhiều người bị mất trộm nhưng lại không khai báo, tố cáo, cơ quan điều tra không có manh mối để tìm được họ khiến việc lập hồ sơ xử lý các đối tượng móc túi gặp nhiều khó khăn.

Theo Vnmedia

Hoa sưa nở trắng phố phường Hà Nội

Tháng ba về, các nhành hoa sưa trên khắp những con đường, góc phố ở thủ đô lại nở trắng bừng thu hút đông đảo bạn trẻ tới thả dáng chụp ảnh.

Một trong những cây sưa đang nở trắng muốt ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng (quận Ba Đình).

Cây mọc ở thấp nên thu hút đông bạn trẻ chụp ảnh.

Một cô gái tạo dáng với áo dài trắng hòa cùng sắc trắng của hoa.

Sưa mang một nét đẹp rất riêng, làm say đắm lòng người.

Mỗi nhành có khoảng 7 - 15 lá mọc so le, lá cuối to hơn, hình lưỡi mác. Thân cây nhẵn, màu xám trắng, lúc nhỏ thân cây hơi cong queo.

Cành non màu xanh có đốm bì khổng màu trắng. Thông thường hoa ra từ tháng 3, quả chín vào tháng 11. Đầu mùa xuân thay lá, hoa màu trắng và màu vàng rất đẹp.

Sữa lặng lẽ giữa dòng người, xe tấp nập.

Hoa rụng đầy bậc thềm trên vỉa hè đường phố.

Hình ảnh hiếm về hải quân Liên Xô tại Cam Ranh

Truyền thông Nga cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu sẽ tới Cam Ranh trong chuyến thăm Việt Nam. Đây là nơi Liên Xô và sau đó là Nga từng có căn cứ hải quân trong nhiều năm.



Cuối những năm 1970, phía Liên Xô đã có những thỏa thuận với Việt Nam về việc thuê cảng Cam Ranh. Ngày 2/5/1979, Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Liên Xô trong 25 năm. Trong ảnh là một góc căn cứ Cam Ranh thời Liên Xô đồn trú.




Ngay trong tháng 5/1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào hải phận Cam Ranh. Ít lâu sau, các máy bay của Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu hạ cánh xuống Cam Ranh. Trong ảnh là thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Victor III Rroject 671RTM biên chế trong Sư đoàn tàu ngầm số 38 (Liên đội tàu chiến số 17) tại Cam Ranh.




Tên gọi chính thức của căn cứ Cam Ranh thời kỳ này là căn cứ bảo đảm hậu cần kỹ thuật số 922 của Hạm đội Thái Bình Dương. Căn cứ 922 chủ yếu phục vụ Liên đội tàu chiến số 17 (Hạm đội Thái Bình Dương). Trong ảnh là các tướng lĩnh hải quân Liên Xô cùng thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân tấn công tại Cam Ranh.




Thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Echo Project 675 thuộc Sư đoàn tàu ngầm số 38 (Liên đội tàu chiến 17) tại quân cảng Cam Ranh hồi tháng 10/1982.




Khu trục tên lửa lớp Sovremenny Project 956 tại vịnh Cam Ranh.




Mùa hè năm 1980, tàu sân bay Minsk lớp Kiev đã ghé vào Cam Ranh trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong ảnh là tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng Yak-38 trên tàu Minsk tại Cam Ranh.




Tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn lớp Ropucha Project 775 tại quân cảng Cam Ranh.




Tàu ngầm, tàu chiến đấu mặt nước, tàu vận tải tại quân cảng Cam Ranh giai đoạn 1980-1981.




Máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa Tu-142 tại sân bay trong tổ hợp căn cứ quân sự ở Cam Ranh.




Máy bay Tu-142 hạ cánh xuống sân bay ở Cam Ranh.




Binh lính Liên Xô cùng gia đình vui đùa trên bãi biển tại căn cứ Cam Ranh ngày 28/7/1991.






Tiêm kích đánh chặn cánh cụp cánh xòe MiG-23MLD ở Cam Ranh tháng 1/1985.




Trực thăng săn ngầm Mi-14PL tại Cam Ranh.




Tàu ngầm tấn công Kilo của Hải quân Nga tại Cam Ranh cuối những năm 1990.




Đội hình xe bọc thép BTR của lực lượng Hải quân Đánh bộ Liên Xô diễu hành qua lễ đài Cam Ranh ngày 7/11/1987.




Binh lính Hải quân Đánh bộ Liên Xô trong buổi huấn luyện bắn đạn thật trong căn cứ Cam Ranh.




Những người lính Hải quân Liên Xô du lịch và đem về làm kỷ niệm chiếc nón của phụ nữ Việt Nam năm 1980.




Binh lính Hải quân Liên Xô tại khu nhà nghỉ trong căn cứ.




Binh lính Liên Xô giải trí bằng cách leo cây dừa tại Cam Ranh.




Binh lính Liên Xô chơi bóng đá tại Cam Ranh năm 1985.





Giao lưu giữa các binh lính Liên Xô với học sinh Việt Nam tại địa phương năm 1986.




Một góc các khu nhà tại căn cứ Cam Ranh.




Khách sạn trong căn cứ.




Trong thời gian đồn trú tại Việt Nam, Không quân Liên Xô (sau này là Nga) đã xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng. Điển hình, ngày 12/12/1995, đội bay biểu diễn “Hiệp sĩ Nga” trên đường về nước đã ghé qua căn cứ Cam Ranh để tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, 3 tiêm kích Su-27 đâm vào núi gần Cam Ranh, làm toàn bộ phi công thiệt mạng. Trong ảnh là đài tưởng niệm vụ tai nạn tại Cam Ranh.




Những chiếc Su-27 của đội bay biểu diễn “Hiệp sĩ Nga” tại Cam Ranh.




Năm 2002, phía Nga đã quyết định rút khỏi Cam Ranh trước thời hạn, bàn giao lại căn cứ cho phía Việt Nam quản lý. Trong ảnh là buổi diễu binh cuối cùng của quân đội Nga trước khi rời cảng Cam Ranh ngày 4/5/2002.




Khi ra đi, phía Nga đã bàn giao lại cho Việt Nam toàn bộ các công trình căn cứ gồm: 57 tòa nhà; 87 km đường dây tải điện lưới; 62 km đường dây điện cáp; 25 km công trình ngầm; 250 m cầu cảng, sân bay, kho bãi. Trong ảnh là chỉ huy cuối cùng của căn cứ vẫy tay chào tạm biệt những người đồng đội Việt Nam.




Hiện quân cảng Cam Ranh là nơi neo đậu của nhiều đơn vị tàu chiến đấu mặt nước, tàu ngầm hiện đại của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Nguồn gốc tranh chấp lãnh thổ Malaysia và Philippines

Cuộc giao tranh trên đảo Sulu giữa quân đội Malaysia và phiến quân đến từ Phillippines trong tuần qua dường như đánh thức quá khứ phức tạp tưởng chừng đã ngủ yêncủa vùng đất Sabah.


Khu vực Sabah và biển Sulu (trong hình bầu dục đỏ nhạt), nơi Malaysia và Philippines có tranh chấp chủ quyền suốt nhiều năm qua. Đồ họa: Mapsnworld


Vào cuối thế kỷ thứ 17, một Vương quốc Hồi giáo thiết lập quyền lực trên khu vực phía đông của bang Sabah (thuộc Malaysia ngày nay), được biết đến với tên gọi Bắc Borneo. Vùng đất này, bao gồm tỉnh Sabah ngày nay và một số đảo nhỏ nằm giữa Malaysia và Phillippines, được quốc vương Brunei ban tặng cho quốc vương Sulu như sự tưởng thưởng vì đã giúp dẹp trừ quân nổi dậy.

Đến thế kỷ 18, vương quốc Sulu đã bao phủ gần hết phần đông bắc của đảo Borneo (hòn đảo đang được chia sẻ cho các quốc gia Malaysia, Indonesia và Brunei).

Từ năm 1848 đến 1851, người Tây Ban Nha lúc ấy đang cai trị Phillipines đã mở các cuộc tấn công nhằm chinh phục vương quốc Sulu. Ngày 30/4/1851 đánh dấu một bước ngoặt với vùng đất này khi quốc vương Sulu chấp nhận ký vào bản thoả ước với người Tây Ban Nha. Qua đó, quốc vương Sulu vẫn giữ được quyền cai trị và đất đai nhưng toàn bộ vương quốc phải trở thành một phần của Phillipines (thuộc Tây Ban Nha lúc bấy giờ).

Ngày 21/1/1878, với sự nhất trí của Anh và Tây Ban Nha, vương quốc Hồi giáo Sulu đã ký một thoả thuận với Công ty Đông Ấn của Anh, cho phép người Anh được sử dụng Sabah trong trao đổi hàng hoá vĩnh viễn để nhận được khoản chu cấp tài chính hàng năm trị giá 5.000 ringgit (đơn vị tiền tệ của Malaysia).

Công ty Đông Ấn sau đó đã được sáp nhập vào Công ty Bắc Borneo. Ngày 22/4/1903, quốc vương Sulu ký một văn kiện mới với công ty này. Nội dung cơ bản là "xác nhận nhượng lại một số đảo xác định" để chính thức trao toàn quyền quản lý các đảo nằm kề Borneo, từ Banggi Island đến Sibuku Bay, cho người Anh. Và mức phí phải đóng hàng năm tăng lên là 5.300 ringgit.

Tới năm 1946, toàn bộ quyền kiểm soát đối với Sabah được chuyển giao cho nước Anh, lúc bấy giờ đang sở hữu hai thuộc địa khác tại khu vực là Malaysia và Brunei.

Khi Liên bang Malaysia giành được quyền độc lập từ người Anh năm 1963, vùng đất cũ của người Sulu đã được vương quốc Anh bàn giao cho chính quyền mới của người Mã Lai.

Tuy nhiên, trước đó, Phillippines đã cử đại diện tới London để nhắc chính quyền Anh quốc rằng Sabah thuộc về Phillippines theo thoả thuận cũ giữa vương quốc Sulu với chính quyền Tây Ban Nha tại Phillippines. Hơn thế nữa, vào năm 1962, quốc vương Sulu cũng đã tuyên bố chuyển giao quyền quản lý vùng lãnh thổ này (về mặt danh nghĩa) cho Phillipines.

Các nhà phân tích cho rằng, việc tranh chấp bắt nguồn từ nghĩa của từ “padjak” trong thoả ước 1878 giữa vương quốc Sulu và Tây Ban Nha. Theo Anh và Malaysia, từ này có nghĩa là “chuyển nhượng”. Nhưng những người thừa kế của quốc vương Sulu một mực cho rằng nó có nghĩa là “cho thuê”.

Tuy nhiên, cho đến nay Malaysia vẫn tiếp tục chi trả khoản tiền tượng trưng trị giá 5.300 ringgit cho gia đình của quốc vương, những người chủ sở hữu mang tính biểu tượng nhưng không có quyền lực chính trị chính thức nào tại đây.

Cảnh sát bắt giữ hai tay súng khi đang rút chạy khỏi cuộc đột kích ngày 6/3


Cuộc xung đột vừa qua bắt nguồn từ những đòi hỏi của Jumalul Kiram III, một người thừa kế tự phong của quốc vương Sulu, tại Phillippines. Jumalul Kiram III đưa ra một loạt yêu cầu về tính chính danh và gia tăng mức phí hàng năm.

Năm 2003, Phillippines cũng từng đưa tranh chấp này ra trước Toà án công lý quốc tế nhưng bị từ chối vì sự việc không được xem là tranh chấp, trên cơ sở sự từ bỏ quyền sở hữu của quốc vương Sulu qua các văn kiện đã ký. Hơn nữa, khi người Anh trao trả quyền độc lập cho Malaysia, người dân tại bang Sabah đã tiến hành bỏ phiếu và đồng ý thuộc về Liên bang Malaysia. Tranh chấp này vốn là cái gai trong mối quan hệ của hai quốc gia thành viên ASEAN nhiều thập kỷ qua.
DBS M05479
Quang Cao