Hãng Google hôm 6-3 tiết lộ Cục Điều tra Liên bang Mỹ đang giám sát người dùng những dịch vụ của mình trong nỗ lực phát hiện những hoạt động nghi là khủng bố.
“Thư an ninh quốc gia”
Trong một tài liệu mang tên “Báo cáo minh bạch”, Google cho biết FBI đã sử dụng cái gọi là “thư an ninh quốc gia” (NSL) tìm kiếm thông tin về người sử dụng các dịch vụ của công ty này để phục vụ cho mục đích chống khủng bố. Với động thái này, Google đã trở thành công ty công nghệ đầu tiên công bố dữ liệu về NSL.
Tạp chí Wired cho biết thông qua công cụ NSL, FBI có thể buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet, các công ty tín dụng, các tổ chức tài chính và những doanh nghiệp như Google trao thông tin mật về khách hàng mình, như thông tin về thuê bao, số điện thoại, địa chỉ e-mail, các trang web thường xuyên truy cập và nhiều thông tin khác được xem là “có liên quan” đến một cuộc điều tra mà cơ quan này đang tiến hành.
NSL được cho phép sử dụng bởi Đạo luật về sự riêng tư trong truyền thông điện tử (ECPA) và được mở rộng trong một đạo luật chống khủng bố (được biết đến nhiều dưới tên gọi Đạo luật yêu nước) được ban hành sau sự kiện khủng bố 11-9-2001. Điều đáng nói là việc sử dụng NSL không chịu sự giám sát của thẩm phán trong lúc các công ty từng nhận được nó lại bị cấm thừa nhận điều này. Chính những bí mật xung quanh NSL khiến nhiều nhà hoạt động gọi hình thức giám sát trên là “đáng sợ” và “xâm phạm nghiêm trọng” quyền riêng tư của người dân. Tổ chức Biên giới Điện tử (EFF) nhận định: “NSL cho phép FBI bí mật đòi hỏi thông tin về những giao tiếp riêng tư và hoạt động trên mạng của người dân nhưng hành vi này lại không phải chịu sự giám sát chặt chẽ của tòa án”.
Chiến thắng của sự minh bạch
Google cho biết họ được phép công bố một số thông tin nhất định về NSL sau nỗ lực đàm phán với chính phủ Mỹ. Chẳng hạn như Google chỉ tiết lộ phạm vi số lượng NSL nhận được và số tài khoản người dùng bị ảnh hưởng trong từng năm chứ không đưa ra con số chính xác. Cụ thể, công ty này nhận được từ 0-999 NSL trong các năm 2009, 2010, 2011 và 2012. Số tài khoản người dùng bị ảnh hưởng bởi những yêu cầu này là 1000-1999 (trong các năm 2009, 2011, 2012) và 2000-2999 (năm 2010).
Ông Richard Salgado, giám đốc pháp lý của Google, cho biết việc không công bố con số chính xác nhằm giúp giải tỏa nỗi lo của FBI, Bộ Tư pháp và những cơ quan khác về nguy cơ để lộ thông tin điều tra. Ông Salgado cho biết thêm FBI có thể thu thập từ Google những nội dung như tên, địa chỉ, thời gian sử dụng dịch vụ… Tuy nhiên, cơ quan này không thể dùng NSL để có được những dữ liệu như nội dung e-mail, truy vấn tìm kiếm trên mạng, video đưa lên YouTube hoặc địa chỉ IP người dùng.
Các nhà hoạt động về quyền riêng tư cho biết việc Google công bố thông tin về NSL là “một chiến thắng chưa từng có tiền lệ của sự minh bạch” nhưng thừa nhận đây chỉ mới là một bước đi nhỏ. Hai chuyên gia Dan Auerbach và Eva Galperin của EFF nhận định: “Dù thông tin chưa thật cụ thể nhưng hành động của Google ít nhất cũng giúp chúng ta biết được những cách thức bí mật mà chính phủ Mỹ đang dùng để thu thập dữ liệu về người dùng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan ngại và câu hỏi về vấn đề sử dụng NSL. Chẳng hạn như FBI cho biết đã đưa ra 16.511 NSL liên quan đến 7.201 người trong năm 2011 nhưng Google lại không tiết lộ họ nhận được bao nhiêu thư loại này, khiến nhiều thắc mắc quan trọng vẫn chưa có lời giải đáp”.
Người Lao Động