- Việc đội mũ bảo hiểm đã được thực hiện nhiều năm, tại sao bây giờ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đội mũ?
- Từ tháng 3 đến tháng 6, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ thực hiện đợt tuyên truyền để người dân nhận biết mũ bảo hiểm giả và phối hợp cơ quan chức năng, như quản lý thị trường, ra quân kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển mũ bảo hiểm giả và mũ không đạt chất lượng.
Nhiều năm qua, cơ quan quản lý đã buông lỏng để mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Tôi thống kê có 3 loại. Thứ nhất là mũ nhái có hình dáng giống mũ bảo hiểm thật, có tem nhãn. Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra và tịch thu các loại mũ này từ cơ sở sản xuất, điểm bán hàng, đủ dấu hiệu khởi tố hình sự thì sẽ khởi tố chứ không dừng lại chỉ tịch thu vì đây là hành vi làm giả, làm nhái.
Thứ hai là loại không phải mũ bảo hiểm, như mũ thời trang, mũ nhựa, không dùng cho người đi xe máy, không ghi cơ sở sản xuất, không tem nhãn, được bán giá rất rẻ, 20.000-30.000 đồng. Loại mũ này sẽ phải tịch thu và truy tìm cơ sở sản xuất để dẹp bỏ.
Loại thứ ba là mũ nhựa, được một số cơ sở sản xuất ghi rõ là mũ không dùng cho người đi môtô, xe máy, thì cơ sở sản xuất không bị xử phạt.
- Ông đánh giá thế nào về tình trạng sử dụng mũ bảo hiểm giả hiện nay?
- Sau 2 tuần ra quân xử phạt mũ bảo hiểm giả tại Hà Nội và Hải Phòng, chúng tôi ước tính 70% người tham gia giao thông đang đội mũ bảo hiểm giả, không đảm bảo chất lượng. Trong đó tỷ lệ đội mũ không phải mũ bảo hiểm khoảng 50%, còn lại 20% là mũ không đảm bảo chất lượng, mũ bị nhái.
Đội những loại mũ này rất nguy hiểm vì không có gì để bảo vệ. Khi bị tai nạn, mũ bị vỡ, các mảnh vỡ đâm vào đầu, vào mắt của người tham gia giao thông. Rất nhiều người bị hỏng mắt vì đội mũ này.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: "Tôi đã tự đi mua một số mũ bảo hiểm không đạt chuẩn về nghiên cứu". Ảnh: Đ.L.
- Việc xử phạt sẽ được tiến hành thế nào khi nhiều người dân cũng như cảnh sát giao thông không nhận biết được mũ bảo hiểm thật hay giả?
- Ủy ban An toàn giao thông sẽ tuyên truyền cách nhận biết tới người dân cũng như cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Với mũ bảo hiểm giả, không đảm bảo chất lượng, người dân bằng mắt thường hơi khó nhận biết nên hành vi này cơ quan chức năng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở để người dân mua mũ đạt chuẩn. Vì xảy ra chuyện này có một phần lỗi do cơ quan quản lý buông lỏng và người dân đã mua.
Còn hành vi đội mũ không phải mũ bảo hiểm thì sẽ bị xử phạt. Nhận biết mũ này không khó vì thường không có lớp xốp, hoặc có lớp xốp rất mỏng, không có tem nhãn, cơ sở sản xuất.
Mục đích cuối cùng không phải là phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả mà phạt hành vi cố tình không đội mũ bảo hiểm. Người tham gia giao thông đội mũ giả, mũ nhựa là cố tình vi phạm pháp luật.
- Cơ quan chức năng nhiều năm đã buông lỏng khiến mũ bảo hiểm giả tràn lan, lần này có biện pháp gì để giải quyết vấn nạn này?
- Trong 3 tháng tới, các lực lượng sẽ tập trung làm từ gốc tới ngọn, như yêu cầu đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm ký cam kết sản xuất mũ theo tiêu chuẩn quy định, mẫu mã kiểu dáng phải phù hợp với lứa tuổi, tâm lý của người Việt Nam.
Nhiều cơ sở sản xuất mũ nhựa xuất hiện do thiết bị làm mũ rất rẻ, chỉ với một máy ép nhựa người ta đã sản xuất ra mũ không phải mũ bảo hiểm. Việc này truy ra cơ sở sản xuất không khó nếu chính quyền địa phương vào cuộc.
Với các điểm bán hàng, lực lượng chức năng cũng yêu cầu ký cam kết bán mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Các điểm bán mũ trên vỉa hè sẽ bị dẹp bỏ vì vi phạm buôn bán lấn chiếm vỉa hè và bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc.
- Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân song việc sử dụng, buôn bán mũ bảo hiểm giả không giảm. Ông nghĩ sao về tính hiệu quả của đợt cao điểm này?
- Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của người dân, trong đó phần lớn là đồng tình với kế hoạch song cũng có nhiều người băn khoăn. Tôi khẳng định là đợt tuyên truyền và xử phạt mũ bảo hiểm giả rất khả thi vì các quy định của pháp luật đã đầy đủ để thực hiện.
Điều chắc chắn là không ai muốn gặp tai nạn nên người dân sẽ ủng hộ nhà nước và trách nhiệm của cơ quan nhà nước là tuyên truyền cho người dân hiểu. Các cơ quan có trách nhiệm như Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương, lực lượng công an các cấp... cùng phối hợp giải quyết từ gốc vấn đề là sản xuất buôn bán cho tới phần ngọn là xử phạt người sử dụng mũ giả, cách làm như vậy sẽ khả thi.
Quan trọng nhất là duy trì không để mũ bảo hiểm giả trên thị trường. Do vậy, cơ quan chức năng không chỉ tập trung cao điểm trong 3 tháng mà sau đó vẫn duy trì, xử lý đến tận cơ sở sản xuất. Hy vọng hành vi sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm giả sẽ giảm.
Theo http://vnexpress.net