Một nửa phi công có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết, 100% bay và tác chiến được trên biển, cùng với sức mạnh của Su-22, trung đoàn không quân 921 khẳng định, không để mục tiêu nào lọt vào bầu trời thủ đô.
Thành lập ngày 3/2/1964, trung đoàn 921 là trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Việt Nam. Từ một đơn vị huấn luyện và tác chiến với dòng máy bay Mig có trọng lượng nhỏ, khả năng mang treo vũ khí ít, bán kính tác chiến hẹp, đến nay trung đoàn đã được trang bị 100% máy bay Su hiện đại, có khả năng mang theo vũ khí đa dạng và bán kính tác chiến rộng hơn.
Trung đoàn không quân 921 (sư 371) được trang bị máy bay tiêm kích Su-22.
Chính ủy trung đoàn, Thượng tá Nguyễn Trọng Khiêm cho biết, từ tháng 11/2011, đơn vị đã tiếp nhận gần 20 chiếc Su-22. Nếu như trước đó, những cánh bay của Su chỉ xuất hiện ở bầu trời miền Trung trở vào phía Nam thì hiện nay Su-22 được tổ chức bay huấn luyện và sẵn sàng cất cánh chiến đấu trên bầu trời miền Bắc mà trung tâm được bảo vệ là Hà Nội.
Sau khi tiếp nhận Su-22 về đơn vị, trung đoàn 921 vừa huấn luyện chuyển loại cho phi công lái máy bay Mig-21 vừa thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. Thượng tá Khiêm cho hay, Su-22 là chiến đấu cơ đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Su-22 có thân dài, buồng lái lớn và đặc biệt ứng dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng. Hiện tại Trung đoàn 921 được trang bị 3 loại máy bay chính là Su-22M, Su-22M3 và Su22-M4.
"Dòng họ máy bay Su-22 được sản xuất tại Nga, tính năng chính của nó là tiêm kích bom, nhưng đơn vị đang dùng cho nhiệm vụ tiêm kích phòng không, có thể hoạt động trên không thời gian tương đối dài với gần 5 giờ, tốc độ 2M (2 lần tốc độ âm thanh), có thể mang 4 tấn bom, lượng nạp dầu khoảng 6 tấn, bán kính hoạt động khoảng 600km", Thượng tá Khiêm nói.
Chính ủy trung đoàn, thượng tá Nguyễn Trọng Khiêm khẳng định, với sức mạnh không quân của 921 hiện tại, không mục tiêu nào có thể lọt vào vùng trời Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.
Đặc biệt, Su-22M4 được nâng cấp đáng kể hệ thống điện tử gồm hệ thống dẫn đường RSDN, dẫn đường tín hiệu, dẫn đường quán tính, thiết bị đo xa laser mạnh, la bàn vô tuyến, hệ thống radar cảnh báo SPO-15LE. Ngoài ra, Su-22M4 trang bị động cơ tuốc bin phản lực AL-21F3.
Đội ngũ phi công của trung đoàn 921 rất hùng hậu so với trước đây, trong đó một nửa số phi công có thể bay đêm (phi công cấp 1) và 100% phi công có thể bay và tác chiến trên biển. Giờ bay tích lũy của những phi công này từ vài trăm giờ bay (đối với phi công trẻ) lên đến hàng nghìn giờ bay (đối với phi công cấp 1). Đây là sự vượt trội so với 40 năm trước, khi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, phi công có khả năng bay đêm của ta ít, giờ bay tích lũy cũng thấp (chỉ trên dưới 300 giờ bay tích lũy).
Có vũ khí, khí tài mạnh, phi công giỏi, sức mạnh của trung đoàn 921 còn được tạo nên từ các lực lượng bảo đảm, các kỹ sư hàng không được đào tạo trong nước và nước ngoài. Đa số đều tốt nghiệp đại học, lực lượng này có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần nâng cánh cho những chuyến bay an toàn.
Đội ngũ phi công của trung đoàn không quân 921 đều dày dạn kinh nghiệm, 50% có thể tác chiến trong mọi điều kiện và 100% có khả năng bay, tác chiến trên biển. Ảnh: Hoàng Hà.
Chính ủy Khiêm cho hay, hiện trung đoàn Không quân 921 đang duy trì thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu tiêm kích phòng không cấp 2 và bảo vệ các loại chuyên cơ đi qua vùng trời trách nhiệm. Thời gian chuyển cấp từ cấp 2 lên cấp 1 và sẵn sàng rời đất làm nhiệm vụ của máy bay trực chiến được quy định là 10 phút 30 giây đến 11 phút.
"Với trình độ phi công, tác chiến, kĩ thuật và máy bay tiêm cường kích Su-22, chúng tôi đảm bảo rằng không mục tiêu nào có thể lọt vào vùng trời Hà Nội", ông Khiêm khẳng định.
Ngày đầu tiên của năm mới, một hồi kẻng báo động vang lên, với khẩu lệnh dõng dạc, đanh thép của sĩ quan Tác chiến ở tuyến trực ban sân bay: "Biên đội chuyển cấp 1 bảo vệ chuyên cơ", các thành phần trực ban lập tức chạy ra các vị trí, phi công leo lên máy bay làm nhiệm vụ. Chỉ trong vài phút, toàn bộ tuyến trực đã sẵn sàng chờ lệnh tiếp theo từ Sở chỉ huy.Đang trực ban chiến đấu, phi công Phạm Giang Nam tâm sự, là một người lính, anh luôn xác định việc cầm lái bảo vệ bầu trời thủ đô, Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng và tự hào. Anh xác định rõ, nhiệm vụ của bản thân là phải làm sao phải giữ cho bầu trời của Tổ quốc phải được bình yên thực sự.