Mùa mưa kéo dài mãi từ tháng ba cho đến cuối tháng tám. Làn nước trắng xóa rượt đuổi nhau từ đầu đến cuối thảo nguyên. Hồ Đá mênh mông nước. Men buồn rầu, thế là đậu, bắp úng nước hết! Cành củi ướt nhẹp nước bốc khói cay xè trong bếp, cay xè trong mắt. Trời đã cướp công chúng tôi. Cái xe máy mà Men mong ước thế là…! Tôi nhìn Men. Men nhìn khói bếp, dụi mắt liên hồi.
Khi nắng bắt đầu hửng lên thì dã quỳ vừa nở. Dân xóm Hồ Đá nhìn hoa quỳ nở biết sắp hết năm. Sắp tết rồi. Năm nay đói. Tiếng bầy le le kêu xé mặt hồ. Trăng soi lành lạnh trên thảo nguyên hoang vắng. Nhiều đêm, Men không ngủ được, đi lang thang quanh hồ rồi về chui vào chăn, hỏi gì cũng không nói.
Tiếng xe máy của bọn thanh niên thị trấn vẫn lúc xa lúc gần từ đâu đó vọng tới. Đột nhiên một hôm nó nói: Qua tết là con đi thôi ama à. Tôi hỏi: Đi đâu? Ra phố. Yàng ơi, sao phải ra phố? ở đây khổ quá, ama không thấy khổ à? Thì có ở đâu sướng? Ra phố không có rẫy, lấy gì cuốc, lấy gì ăn?
Tiếng Men nhỏ dần: Nhưng mà Lu nói bố mẹ Lu đi làm thuê ngoài phố mà cũng có nhiều tiền hơn ở đây cuốc đất. Lu nói, tết này Lu sẽ đi. Tôi hoang mang hỏi, Lu đi làm thuê à? Men nói, giọng nghẹn lại: Không, Lu ra phố lấy chồng…
Tôi thấy có cục gì nặng lắm chèn lên ngực Men, chèn lên ngực tôi nữa. Tôi vớ lấy chai rượu, nói, thôi, đừng khóc, uống rượu nào! Men ngẩng đầu lên, mắt lóe lên tia sáng dữ dằn, nói con khóc khi nào? Chúng tôi im lặng uống rượu. Gió cuối năm gào thét giữa thảo nguyên lồng lộng ánh trăng.
Tôi không phải dân vùng này. Cha mẹ chúng tôi từ cao nguyên đá Hà Giang di cư vào Tây Nguyên từ thế kỷ trước. Bước chân của người Mông đi đến đâu là rừng ngã xuống lùi lại phía sau đến đó, thế mà vẫn cứ nghèo đói. Mẹ chết vì rắn độc, cha chết vì sốt rét.
Lũ trẻ chúng tôi lớn lên phiêu bạt giữa thảo nguyên, quên cả tiếng nói ông bà. Mọi người ở Hố Đá đều nghĩ chúng tôi là người Kinh. Thằng Men gọi tôi là ama theo cách gọi cha của bọn trẻ dân tộc Tây Nguyên. Mấy bà già trong xóm vào những ngày rỗi rãi vẫn thường ngồi với nhau và trầm trồ: Cha con thằng Men giống nhau ghê luôn! Bà Bướu tấm tắc: Chô cha, nhìn cái mặt tụi nó không lạc vào đâu được! Tôi vờ không nghe thấy, hoặc có nghe thấy rõ ràng cũng chỉ cười qua quýt. Cả xóm Hồ Đá đều tin tôi và thằng Men là bố con kể từ ngày hai chúng tôi đặt chân đến đây.
Những buổi chiều, tôi dẫn Men xuống suối tắm. Men nói, ama ơi, con cá rứt cu con! Tôi bế Men lên khỏi mặt nước, mấy con long tong quẫy đuôi vút theo. Men nói, ama ơi, cõng con bơi ra giữa hồ đi, ngoài gò đất đó, chắc thích lắm đấy! Tôi dọa, không được đâu, ngoài đấy có con ma nước. Ma nước hả, nó giống cái gì? Thì nó giống con ma chứ cái gì nữa. Men sợ, thôi, ta về đi, con không tắm nữa.
Hồ Đá rộng mênh mông, chính giữa hồ có một đám đất nổi lên, lau sậy mọc kín, bầy le le thường về ngủ, buổi sáng, chúng đánh thức nhau ầm ĩ. Thỉnh thoảng lại có con chim gì đó vút lên, xé mặt hồ yên tĩnh. Tôi chưa bao giờ ra đến ngoài đó. Từ ngày buột miệng đùa với Men về con ma nước, tôi hơi chờn chợn, ừ nhỉ, biết đâu ngoài đó có ma thật!
Dân quanh Hồ Đá vẫn thường kể cho nhau nghe câu chuyện về một bà góa ở trong vùng. Mụ lặn lội quanh hồ năm này qua năm khác để nuôi cô con gái duy nhất. Lớn lên, cô gái sẩy chân chết bên Hồ Đá khi đang giặt chiếu. Mụ đau đớn khóc lóc thảm thiết. Một buổi chiều người ta thấy mụ trần truồng lao xuống hồ rồi bơi thẳng ra gò đất giữa hồ, không hề ngoái đầu lại. Chỉ còn tiếng sóng nước vỗ vào bờ cỏ như khóc, như than.
Đêm đêm, những người ít ngủ vẫn thường nghe những âm thanh nỉ non từ lòng hồ vọng về. Có người bảo đó là tiếng chim nhưng cũng có người quả quyết đó là tiếng khóc. Chuyện ấy được kể lâu rồi thành chuyện cũ, nhưng mọi người vẫn chưa ai dám bơi ra gò đất ngoài ấy, sợ ma!
Thằng Men âm thầm lớn lên mỗi ngày. Nó nói với tôi, ama ơi, con đi cuốc rẫy cho bà Bướu được mấy trăm ngàn rồi đó, ama cất dùm con nha! Để làm gì? Con để dành cuối năm mua xe máy, được không ama? Trời ơi, suốt ngày quanh quẩn trên rẫy, hết lên rẫy lại xuống Hồ Đá, đi đến đâu mà mua xe làm gì? Nhưng mà con thích có xe máy!
Đêm, ngồi sưởi bên bếp lửa, nghe tiếng xe máy của mấy thằng con trai ngoài thị trấn chạy qua, thằng Men nhấp nhổm không yên. Thì tôi hiểu rồi, tụi con Níp con Thủy con Lu đã lớn, bọn trai thị trấn đã nhòm ngó. Men muốn có xe máy, nó không muốn thua kém bọn kia tí nào. Nó hết nhấp nhổm dòm ra cửa lại lặng lẽ nhìn tôi với ánh mắt có lỗi.
Tôi thương nó đến thắt lòng, đem những tờ giấy bạc nhàu nhĩ trong ống ra đếm lại. Men ơi, con có lỗi gì đâu, con mong có một chiếc xe máy thì cũng như ta ngày trước mơ ước có một con trâu cày thôi mà. Tuổi thơ tôi, tuổi thanh xuân nữa, chẳng có mơ ước gì lớn lao hơn là có một con trâu cày để mẹ cha đỡ khổ.
Cha tôi trước khi nhắm mắt cứ nhắc đi nhắc lại: Khâu ơi, cha mẹ mất đi cả rồi con có nuôi được thằng Men không, tội nghiệp con tôi, nó mới chưa đầy tuổi. Tôi cầm tay cha gật đầu lia lịa, con làm sao mà bỏ em con được! Mới đó mà đã mười lăm mùa rẫy. Tôi cõng Men đi khi chôn cất cha xong xuôi. Một gã trai lầm lì hốc hác vác một đứa trẻ đầy tuổi trên vai đi, ai cũng nghĩ là hai cha con. Thôi thì cha con hay anh em cũng thế cả. Dân Hồ Đá những ngày rỗi việc vẫn thường ngồi căn vặn tôi: Thế mẹ thằng cu đâu? Tôi cười, chết rồi.
Men giờ đã lớn bổng. Nó hỏi: Sao ama không lấy vợ đi? Tôi giật mình, ừ nhỉ, sao mình không lấy vợ nhỉ? Một mình cày cuốc nuôi hai người, mồ hôi bết từ đầu đến bẹn, ý nghĩ lấy vợ hình như chưa bao giờ thoảng qua trong đầu. Để kiếm đủ cái ăn cho hai người, tôi đã quên nhiều thứ.
Những buổi chiều tắm trần bên hồ, tôi đã không thèm để ý đến bao nhiêu ánh mắt của chị em trong xóm lướt trên da thịt cơ bắp mình. Tôi còn mải kỳ cọ cho Men. Bây giờ, khi Men lớn lên, những ánh mắt lại lướt về phía đôi vai trần cuồn cuộn của Men, thèm thuồng. Men nhạy cảm, biết hết nhưng lại giả vờ không biết gì, cười phô hàm răng trắng đều tăm tắp. Men thích con bé Lu, cháu bà Bướu. Trong đám con gái mới lớn ở xóm Hồ Đá, Lu xinh nhất, trắng nhất.
Men bảo, ama không lấy vợ thì con lấy! Lấy ai? Lu chứ ai nữa. Liệu Lu có chịu lấy không? Con chưa hỏi nhưng chắc là có. Tôi can, đừng mơ mộng thế con, bà Bướu giàu có, bố mẹ Lu đi làm ăn ngoài phố hàng năm đem tiền về nhiều. Còn mình thì…
Hình như Lu cũng nấn ná chờ Men đi cùng. Men nhắc lại: Lu nói rằng chờ đến tết mà con không đi cùng là Lu sẽ ra phố lấy chồng. Tôi nhỏ nhẹ khuyên: Con ra đấy thì làm được việc gì? Cái chân cái tay của người Mông ta thiếu núi thiếu rừng là bủn rủn, rụng rời, con biết rồi mà. Thằng Men không nói gì, nhìn qua bên kia hồ nước. Qua bên kia hồ, cách một quãng rừng nữa là thị trấn. Đêm đêm, thị trấn sáng rực hắt bóng lên trời, chập chờn ma mị. Tôi cũng chỉ biết thế, chưa khi nào ra đến đó, mà cũng chẳng ra làm gì.
Men càng ngày càng ít nói, có khi cả ngày không nói câu nào. Nó thường ngồi nhìn xuống đáy hồ. Dưới đó, nước hồ trong vắt in rõ bóng những con chim cánh lớn sải dài mải miết bay qua. Hôm Lu ra phố, Men lặn dưới hồ bắt cá suốt ngày, da bợt đi, mắt đỏ hoe. Chợt nó lao vút xuống nước bơi như điên như dại ra gò đất giữa hồ. Tôi thả cày chạy vội xuống gọi Men ơi, bơi về đi, ngoài ấy có ma đấy! Nó hơi ngoái đầu lại rồi mải miết bơi tiếp, nước rẽ một vệt dài trắng xóa rồi lan mãi ra.
Tiếng chim chiều từ ngoài gò đất vọng vào não nùng. Tôi chạy đi sang nhà bà Bướu mượn chiếc xuồng. Khi tôi chèo ra đến bãi cỏ lau giữa Hồ Đá thì bóng chiều đã ập xuống. Bãi lau ngút ngàn, từng đàn chim xáo xác gọi nhau về tổ. Hoang vu đến rợn người. Đi sâu vào giữa bãi, gọi thêm một hồi nữa mới thấy Men đi ra.
Không kìm được cơn giận, tôi mắng, về đi, đồ ngu! Đêm ấy, sau bữa ăn, Men nói, ngoài ấy không có ma, ama à! Tôi bảo, đúng rồi, nếu có ma thì nó đã bắt mày rồi! Nó nói, nhưng chim nhiều lắm, trứng nhiều vô kể, cả chim non nữa, hay là ta ra đấy trồng thêm cây nuôi chim? ừ nhỉ! Hay đấy, không khéo lại có tiền đấy.
Thế mà rồi chúng tôi cũng đã kiếm được tiền nhờ gò đất hoang ấy. Tôi sắm thêm chiếc thuyền thúng lớn chiều chiều chở trứng cò về ngày mai Men đem ra thị trấn bỏ mối cho người ta. Men vui ra mặt, cứ thế này thì hết năm nay là có xe máy đi rồi ama ạ! Hóa ra Men vẫn chưa quên cái vụ xe máy nọ. Nó cặm cụi nhặt trứng, nâng niu từng quả hồng hồng nhỏ xíu đặt vào rổ, cẩn trọng, nhẹ nhàng.
Tiền bán trứng được bao nhiêu, tôi cất nguyên vào túi. Nhất định mình sẽ có xe máy đi, cố gắng lên Men à! Và rồi mơ ước của Men cũng thành hiện thực, khi số tiền đã đủ, hai chúng tôi đi bộ hết một buổi sáng ra tận thị trấn mua một chiếc xe máy loại rẻ rồi hì hục dắt về. Men hùi hụi đẩy phía sau, vừa quệt mồ hôi vừa cười thật tươi: Ngày mai con tập đi, một ngày sau là có thể đi được!
Tôi vui lây với niềm vui của Men, nói đùa: Thế nào rồi Lu cũng sẽ quay về! Nghe nhắc đến Lu, Men xị mặt, về làm gì nữa, người ta đã có chồng. Chúng tôi ngồi nghỉ lại đầu con dốc, nhìn xuống Hồ Đá như một chiếc đĩa bạc khổng lồ long lanh hắt nắng lên trời.
Có xe máy, việc đi bán trứng của Men đỡ vất vả hơn. Phải thế chứ, không lẽ cái nghèo cái khổ cứ đuổi theo mãi chúng tôi được sao! Tôi âm thầm sắp đặt kế hoạch, mùa khô năm sau sẽ giục Men cưới vợ, đời con rồi đời cháu chúng tôi sẽ khá hơn, sẽ bám trụ sinh sôi ở nơi này.
Nhưng mùa khô chưa đến thì đã có tin xì xào rằng người ta sẽ thu hồi Hồ Đá để làm khu du lịch nghỉ mát gì đó. Mấy lần thấy những đoàn người lạ về thuê xuồng bơi tận ra giữa hồ nhìn ngắm, đo đạc. Những người thành phố xa lạ, sạch sẽ, bóng loáng kia sao lại chọn nơi này nghỉ mát? Tôi chỉ đoán già đoán non rằng họ muốn chiếm Hồ Đá, chiếm gò hoang đầy trứng chim của chúng tôi thôi.
Bà Bướu cãi: Chú nói sai rồi, sai hết cả. Đúng là họ muốn mở khu du lịch sinh thái đó mà, để cho người thành phố vào vui chơi, câu cá giải trí mà. Men đang bực mình, hỏi vặn lại: Bà đi đến đâu mà biết? Bà Bướu cười hể hả: Ta nói cho mà biết, chính anh Đức, chồng con bé Lu và công ty của nó làm chứ ai mà lại không biết! Men há hốc mồm nghe rồi đứng im giữa dốc, nước mắt giàn giụa. Tôi an ủi: Không sao đâu, họ lấy mất gò hoang thì ta quay lại cày cuốc như trước.
Men “hức” lên một tiếng trong cổ họng nghe như tiếng con mãnh thú bị trọng thương vì tên thuốc độc. Gió từ ngoài đồng cỏ thổi vào thung lũng bứt những chiếc lá xanh tung lên trời xoay tít. Từ ngoài gò hoang, vọng vào tiếng rền rĩ, không biết tiếng chim hay là tiếng khóc.
Người ta đã đưa máy móc, công nhân về xây bến cầu, mua thuyền du lịch thả xuống Hồ Đá. Một khách sạn được xây ngay lưng chừng dốc. Đức, chồng Lu gặp chúng tôi nói rằng: Các anh không được khai thác trứng chim ngoài gò hoang nữa, tất cả vùng này bây giờ là của chúng tôi! Cổ họng tôi nghẹn đắng, không nói thêm được câu nào. Hi vọng vừa nhen nhóm đã lại vụt tắt. Men khùng lên, chửi thề, cái c. gì cũng là của chúng nó hết sao! Tôi an ủi, biết sao được, không phải của mình thì là của người ta thôi.
Khu du lịch đi vào hoạt động mới được mấy tuần thì xảy ra một chuyện nghiêm trọng. Một đôi thanh niên thuê chiếc thuyền thiên nga bơi dạo mát giữ hồ không biết đạp tới đạp lui thế nào mà chòng chành rồi lật úp. Cả hai người không biết bơi ôm nhau chìm xuống đáy hồ trong chốc lát. Thợ lặn mò hết một ngày vẫn không tìm thấy xác.
Ngay chiều hôm ấy, Đức bỏ trốn. Lu bị công an mời ra thị trấn để thẩm vấn, nghe bảo sẽ bị tù. Khu du lịch buộc phải đóng cửa. Người dân vùng Hồ Đá được dịp thêu dệt đủ chuyện, nào là lúc khởi công khách sạn có đào trúng một bộ hài cốt nhưng không cúng cẩn thận nên mới bị giáng hoạ, nào là con ma nước ở ngoài bãi hoang không ngủ được vì khách du lịch quấy nhiễu nên tìm cách trả thù những kẻ đã làm kinh động chốn thâm u…
Bà Bướu khóc sưng mắt: Lu ơi, khổ thân cháu tôi, bấy giờ thì biết làm sao, mọi việc là do chồng nó, cháu tôi nhỏ dại đã biết gì đâu! Gặp ai bà cũng khóc: Thằng Đức nó bán hết tài sản cầm đi ra tỉnh rồi, nó bảo chạy án trước để khỏi phải đi tù, cháu tôi bơ vơ rồi, Lu ơi! Người ta đã bỏ đi rồi, sao cháu tôi khổ thế hả trời... Men đứng nghe, im như đá, mắt đỏ hoe.
Hồ Đá bình yên trở lại. Không còn tiếng động cơ gào thét mỗi ngày. Sóng gợn trên mặt hồ đã dịu lắng, in rõ bóng núi Chư Mang xanh thẫm. Tôi và Men lại chèo thuyền ra gò hoang nhặt trứng chim. Sáng hôm ấy, buộc rổ trứng vào sau xe, Men nói, ama à, con ra phố mấy hôm rồi con lại về, ama đừng đợi!
Tôi hỏi: Đi tìm Lu hả? Men im lặng gật đầu rồi tăng ga vọt thẳng. Bụi cuốn mù mịt sau xe. Nắng như thắp lửa trên đám bụi bazan đỏ ối. Tôi chạy theo hét lớn: Men ơi, con nhớ quay về nhé!
Tiếng trả lời của Men bị gió thổi bạt đi không còn nghe rõ. Chiếc xe như một chấm đỏ mờ dần trên thảo nguyên hoang hoải. Chỉ còn tiếng động cơ ồn ã lao xao vọng xuống mặt hồ yên tĩnh. Hồ Đá mùa khô trong vắt, in rõ bóng hình bầy chim giang đôi cánh rộng đang mải miết bay qua./.