Tất cả chúng ta đều được nghe nói rằng Google có một hệ thống kiểm tra rất tinh vi để phát hiện các click gian lận, và hầu như mọi tài khoản gian lận đều bị xóa. Họ đã làm điều đó như thế nào? Tất nhiên, Google không bao giờ công bố các thông tin chi tiết về vấn đề này, nhưng chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
DamnedViper đã có một bài viết hay về đề tài này. Tác giả đã tổng hợp được các cách mà Google dùng để phát hiện các click có hợp lệ hay không. Nên nhớ, Google sẽ không khóa tài khoản bạn ngay khi phát hiện, mà họ chỉ đơn giản "đánh dấu đen" tài khoản của bạn và theo dõi chặt chẽ hơn (đôi khi, Google cũng thông báo điều này qua email). Nếu đã chắc chắn, họ mới bắt đầu xóa tài khoản và số tiền bạn kiếm được trong những tháng trước sẽ tan thành mây khói.
1. Địa chỉ IP
Đây là cách đơn giản nhất mà ai cũng biết: nếu có nhiều click xuất phát từ cùng một địa chỉ IP trùng với địa chỉ IP dùng để truy cập tài khoản AdSense, tài khoản đó sẽ bị đánh dấu.
2. Tỉ lệ click (Click Through Rate - CTR)
Tỉ lệ click thường trong khoảng 0,5 - 10 %. Thường thì tỉ lệ click ở forum thấp hơn ở các trang web tin tức, blog...
3. Vị trí địa lí
Google có thể kiểm tra xem bạn ở đâu với độ chính xác cao (đến từng thị trấn). Do đó, ăn gian bằng cách click ở nhiều tiệm Internet khác nhau không giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, dữ liệu của các ISP Việt Nam không đầy đủ, có vẻ như xác định vị trí ở Việt Nam có sai số khá cao.
4. Cookie
Nhiều người được cung cấp địa chỉ IP động: mỗi lần kết nối Internet, bạn có địa chỉ mới. Nhưng đừng quên Google có dùng cookie: họ có thể kiểm tra xem nhiều click đến từ một máy tính hay không.
5. Mô hình click 1
Thật đáng ngờ nếu ai đó click ngay khi vào trang web. Thông thường, họ đọc nội dung một lát rồi mới click vào quảng cáo.
6. Mô hình click 2
Tại sao máy tính/ địa chỉ IP/ người này rất nhiệt tình click vào quảng cáo trên một website đặc biệt, mà làm ngơ với quảng cáo của các website khác?
7. Mô hình click 3
Tại sao những người vào trực tiếp trang web này lại "chịu khó" click hơn là những người vào trang web từ các link hoặc từ trang tìm kiếm?
8. Các dịch vụ khác của Google
Đừng nghĩ là nếu không đăng nhập vào tài khoản AdSense của mình thì bạn muốn làm gì cũng được. Bạn đang dùng rất nhiều dịch vụ của Google (Gmail, Google Earth, Google search, Google toolbar, ... thậm chí YouTube), và Google biết rõ bạn là ai!
9. Thứ hạng trong công cụ tìm kiếm
Bạn có một trang web nhỏ, các công cụ tìm kiếm chẳng biết gì về bạn, chẳng có trang web nào link đến website của bạn. Thế mà vẫn có nhiều người vào trang web, vẫn có người click quảng cáo? Google sẽ đánh hơi được điều gì đó.
10. Thiết kế website
Những câu như "Vui lòng click vào liên kết dưới đây" hoặc "Hãy ủng hộ chúng tôi bằng cách click các quảng cáo này" đều vi phạm thỏa thuận sử dụng dịch vụ (TOS) của Google. Những câu kiểu này rất dễ bị phát hiện: bằng những người kiểm tra thông thường, hoặc bằng chính công cụ tìm kiếm.
11. Tỉ lệ quảng cáo thành công
Click là một chuyện, có khách hàng lại là chuyện khác. Nếu trang của bạn đưa đến thật nhiều click, nhưng chẳng có click nào dẫn đến quá trình mua bạn, thì bạn có thể gặp vấn đề: tài khoản AdSense sẽ bị khóa đấy.
Bài viết trên đây là một kinh nghiệm khá tốt dành cho những nhà xuất bản mới sử dụng chương trình quảng cáo của Google (hay còn gọi là Google AdSense) Việc quảng cáo trên website/ blog của bạn có hiệu quả hay không cần phải có một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu.