1.Đếm tới 10 trước khi nói
Nếu ngay lập tức phản ứng với lời chỉ trích, bạn thường vấp phải thái độ quá giận mất khôn. Và những lời lẽ tuôn ra khi đó có thể sẽ quá khích, xúc phạm người khác hoặc vô bổ. Hãy tự đếm ít nhất tới 10 sau khi ai đó buông lời phê phán bạn. Sau đó hãy phản hồi. Cách đơn giản này sẽ giúp bạn bình tâm đôi chút, và việc lường trước được vài viễn cảnh sẽ giúp bạn thoát khỏi những rắc rối và tránh không nói những điều khó rút lại được sau này. Đó cũng là cách ứng xử hiệu quả để tránh việc gây ra những rắc rối không cần thiết.
2.Hãy hành xử như Đức Phật
Rất có thể bạn đã nghe nói về câu chuyện này. Đó thực là cách ứng xử thực tế và tuyệt vời khi nhìn nhận về sự chỉ trích. Đó cũng có thể hữu dụng hơn nữa trước sự phê phán thiếu tính xây dựng và những xúc phạm cá nhân.
“Một người đàn ông cắt ngang bài giảng của đức Phật bằng một tràng thóa mạ. Ngài bèn chờ cho anh ta dứt lời mới hỏi, “Nếu ai đó tặng người khác một món quà nhưng người đó từ chối thì món quà sẽ thuộc về ai?”
“Tất nhiên là thuộc về người đem tặng”, người đàn ông đó đáp.
“Vậy thì,” đức Phật nói, “Ta từ chối không nhận những lời phỉ báng của ngươi và yêu cầu người giữ nó lại cho mình”.
Hãy đơn giản không chấp nhận món quà của kẻ chỉ trích. Bạn không cần phải nhận. Khi đó, nó sẽ vẫn thuộc về người thốt ra điều đó.
3.Hãy coi khen ngợi và chỉ trích là như nhau
Ai cũng thích được khen, nhưng bạn hãy rèn luyện để không cảm thấy quá phấn khích tới mức nhảy lên hay hét ầm ĩ vì vui mừng. Lợi thế của tâm trạng này là khi phải nhận lại điều ngược lại, tức những lời chỉ trích tiêu cực, khó nghe, bạn cũng sẽ bình tĩnh đón nhận mà không cảm thấy quá khó chịu hay bị những cảm xúc tiêu cực lấn át. Thậm chí, bạn còn có thể học hỏi được điều gì đó nữa từ những chỉ trích, phê bình.
Về cơ bản, tâm lý này không phụ thuộc nhiều vào những gì người khác nghĩ. Nếu bạn cứ chăm chắm lo lắng về những gì người khác nghĩ, bạn sẽ dễ bị phụ thuộc và để những người khác kiểm soát cảm xúc, kể cả việc bạn cảm thấy buồn hay vui.
Thế nên, bạn hãy dần từ bỏ việc phụ thuộc vào những đánh giá bên ngoài để quan tâm hơn tới những đánh giá từ chính bản thân. Khi tự mình nhìn nhận và đánh giá mọi việc, bạn sẽ bớt quan tâm tới những đánh giá từ bên ngoài. Tuy nhiên, đừng đẩy điều này đi quá xa. Đừng trở thành người bất cần, không muốn nghe lời chỉ trích nào, dù nó giá trị ra sao.
Nếu bạn chẳng học hỏi được điều gì từ những lời chỉ trích, hay đó chỉ là những lời ì xèo vớ vẩn của dư luận hoặc của ai đó muốn xúc phạm bạn, hãy nghĩ về tâm thế ổn định của mình và bỏ qua mọi chuyện. Bạn không quan tâm quá nhiều và sẽ nhanh chóng quên nó đi, thay vì việc dành suốt cả ngày trời để tức giận, buồn bã hay tìm hiểu căn nguyên vì sao.
Tất nhiên, việc giữ một tâm thế bình ổn trước một lẽ khen chê không hề đơn giản. Tất cả đều cần có thời gian và sự kiên trì, nhẫn nhịn trong mọi tình huống của cuộc sống.
4.Lắng nghe lời chỉ trích và đi vào các chi tiết
Thay vì phản ứng với người khác vì những lời lẽ của họ và tạo ra một không khí căng thẳng, bạn hãy cố gắng làm dịu đi xung đột. Hãy cố duy trì thái độ cởi mở, bình tĩnh và hình dung xem điều này có thể giúp bạn như thế nào. Ngay cả khi ai đó thốt ra những lời vô cùng khó nghe kiểu như “Công việc/blog/sản phẩm của anh/chị thật vớ vẩn!”, bạn vẫn nên hỏi thêm những câu hỏi mở kiểu như: Tại sao anh/chị nói nó vớ vẩn? Tôi có thể cải thiện nó như thế nào? Tôi có thể giải quyết nó ra sao? v.v..
Nếu họ không thể trả lời mọi câu hỏi của bạn, tức là họ chỉ cố ý chê trách mọi thứ. Nhưng đôi khi, cũng có những thông tin giá trị trong sự chỉ trích tiêu cực. Có những điều sẽ chẳng ai nói cho bạn biết. Hãy tìm ra các chi tiết thực tiễn và chính xác về những điều chưa tốt. Có thể đã luôn có một giải pháp cho vấn đề, nhưng bạn cần thêm thông tin để nhận ra điều đó. Bằng cách cải thiện kỹ năng giao tiếp và khiến nó hiệu quả, cụ thể hơn, bạn có thể tiếp cận gần hơn với việc hiểu biết người khác cũng như giải quyết rắc rối.
Và nếu bạn có thể hiểu, giúp đỡ và thay đổi tâm trạng của người đưa ra những lời chỉ trích, hẳn họ sẽ đánh giá bạn cao hơn. Biết đâu, bạn có thể biến một cuộc xung đột thành mối quan hệ giá trị cho mình.
5.Cẩn trọng trong sử dụng email
Vì ngôn ngữ là một phần nhỏ của quá trình giao tiếp, bởi chiếm phần lớn trong giao tiếp là giọng điệu ngôn ngữ và cử chỉ thể hiện, do đó, sẽ là khôn ngoan nếu bạn không hồi đáp lại những lời chỉ trích qua email. Tốt hơn hết, bạn nên gọi điện hoặc gặp trực tiếp chủ nhân của những lời trách móc. Điều này sẽ giúp bạn tránh được việc tạo thêm một mớ những hiểu lầm. Tương tự, tránh sử dụng email cũng là điều bạn nên làm khi có ý định chỉ trích ai đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét