Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Thành thành phố Tam Kỳ

Theo sử liệu, Tam Kỳ ngày nay là cùng đất thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ Hà Đông và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.


Từ một phủ lỵ năm 1906 đến năm 1997 trở thành Thị xã Tỉnh lỵ và Thành phố Tỉnh lỵ Quảng Nam là thời gian tròn một thế kỷ.

Trải qua chiều dài lịch sử, qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính và có những tên gọi khác nhau: Phủ Tam Kỳ, huyện Tam Kỳ ( huyện Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và Thị xã Tam Kỳ). Mỗi lần thay đổi tên gọi đơn vị hành chính là có gắng với sự thay đổi, điều chỉnh quy mô về diện tích đất đai. Tam Kỳ là một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, con người Tam Kỳ hiếu học, cần cù, chịu thương, chịu khó và cầu tiến.

Thành phố Tam Kỳ được thành lập tại Nghị định số 113 ngày 29/9/2006 của Chính phủ, bao gồm 9 phường, 4 xã của Thị xã Tam Kỳ, diện tích gần 93Km2, dân số gần 12 vạn người. Thành phố Tam Kỳ là một trung tâm hành chính, văn hoá – khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Nam, nằm ở trung độ của cả nước và vùng trọng điểm kinh tế ven biển miền Trung. Thành phố Tam Kỳ ra đời đánh dấu một bước phát triển mới về chất, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của vùng đất và con người Hà Đông xưa, đang mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng của thành phố tương lai.


Trong thời gian đến, thành phố Tam Kỳ tập trung phát huy lợi thế tiềm năng, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Phát triển văn hoá – xã hội ngang tầm với vị thế trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của một tỉnh giàu truyền thống văn hoá và đấu tranh cách mạng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn, phấn đấu xây dựng Thành phố đạt các tiêu chí đô thị loại II, tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường an ninh - quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội



Hành chính

Thành phố Tam Kỳ có 100.263,56 ha diện tích tự nhiên và 123.662 nhân khẩu (9/2006), gồm 13 đơn vị hành chính là: 9 phường: An Mỹ, An Sơn, Hòa Hương, Phước Hòa, An Xuân, An Phú, Trường Xuân, Tân Thạnh, Hòa Thuận và 4 xã: Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú, Tam Ngọc.

Địa giới hành chính thành phố Tam Kỳ: phía bắc giáp huyện Thăng Bình và huyện Phú Ninh, phía nam giáp huyện Núi Thành, phía tây giáp huyện Phú Ninh, phía đông giáp biển Đông.

Thành phố gồm có các đường phố chính như:Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Hoàng, Phan Bội Châu, Trưng Nữ Vương, Thanh Niên,...

Lịch sử

Trước kia, từ vị trí một ngã ba, nay trở thành thành phố với nhiều giao lộ lớn. Hạ tầng phố phường đã xây dựng khá nhiều và quy mô, nhất là khu hành chánh, quảng trường,... Thị xã Tam Kỳ là một đô thị được hình thành từ lâu, có bề dày lịch sử. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Tam Kỳ luôn có sự phát triển không ngừng, gắn liền với vùng đất Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, huyện Tam Kỳ có huyện lỵ là thị trấn Tam Kỳ. Đến ngày 30/01/1951 thị xã Tam Kỳ được thành lập và được chọn là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam. Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, dưới chính quyền Sài Gòn, huyện Tam Kỳ được gọi là quận Tam Kỳ và tỉnh Quảng Tín.

Sau giải phóng, ngày 20/11/1976 huyện Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, được lập lại trên cơ sở sát nhập huyện Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Đến tháng 12/1983, theo Quyết định số 144 của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Tam Kỳ được chia thành 2 đơn vị hành chính là: thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Năm 1997 khi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính, Tam Kỳ trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam.

Đầu năm 2005, thị xã Tam Kỳ được chia tách thành hai đơn vị hành chính là thị xã Tam Kỳ và huyện mới Phú Ninh theo Nghị định số 01/2005/NĐ-CP, ngày 05/01/2005 của Chính phủ.

Ngày 29 tháng 9 năm 2006 theo Nghị định số 113/2006/NĐ-CP, thị xã Tam Kỳ được nâng cấp lên thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh Quảng Nam

Điều kiện tự nhiên

Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung. Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng; phía Đông giáp biển Đông với trên 125 km bờ biển; phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Quảng Nam có 14 huyện và 2 thị xã, trong đó có 08 huyện miền núi là Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức và Tiên Phước. Diện tích tự nhiên 10.406,83 km2, dân số xấp xỉ 1.5 triệu người. Quảng Nam ở vào vị trí trung độ của đất nước, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường sắt, đường bộ và đường biển và đường hàng không, có đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14D, 14B, 14E nối đồng bằng ven biển qua các huyện trung du miền núi của tỉnh đến biên giới Việt - Lào và các tỉnh Tây Nguyên; trong tương lai gần sẽ nối với hệ thống đường xuyên Á tạo vị trí thuận lợi cho tỉnh về giao lưu kinh tế với bên ngoài.




Hơn thế nữa Quảng Nam nằm giữa thành phố Đà Nẵng (Trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung) và khu vực phát triển công nghiệp dịch vụ Chu Lai Dung Quất, đây là một khu vực đang được hình thành và phát triển ở phía Nam. Cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, cùng với diện tích mặt bằng đất cát ven biển rộng, gần hệ thống lưới điện quốc gia, có nguồn nước ngọt dồi dào, gần trục giao thông đường bộ, đường sắt, tạo thuận lợi cho việc hình thành các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch, các đô thị mới .

Địa hình tỉnh Quảng Nam tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, hình thành 3 vùng sinh thái: vùng núi cao, vùng trung du, vùng đồng bằng và ven biển; mặt khác bị chia cắt theo các lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ,... đã tạo nên các tiểu vùng có những nét đặc thù như:

- Vùng đồng bằng nhỏ, hẹp thuộc hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, được phù sa bồi đắp hàng năm, nhân dân có truyền thống thâm canh lúa nước và cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm.

- Vùng ven biển đa phần là đất cát, sản xuất chủ yếu là hoa màu, trồng rừng chống cát bay, nuôi trồng và đánh bắt hải sản,... Trong quá trình công nghiệp hoá thì vùng này có lợi thế về mặt bằng xây dựng thuận lợi, gần các sân bay, bến cảng, các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và lưới điện quốc gia.

- Vùng Trung du với độ cao trung bình 100 m, địa hình đồi bát úp xen kẽ các dải đồng bằng, thuộc miền Tây các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn... Nhân dân có truyền thống trồng lúa, màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác khoáng sản nhỏ. Đây còn là vùng có sự đa dạng về khoáng sản như: vàng và vàng sa khoáng đã và đang được khai thác ở Bồng Miêu, Du Hiệp, Trà Dương, Dốc Kiền với sản lượng có thể khai thác hàng trăm kg/năm; than đá ở Nông Sơn, Ngọc Kinh, An Điềm trữ lượng trên 10 triệu tấn. Ngoài ra còn có các nguồn phi khoáng phục vụ cho phát triển vật liệu xây dựng.

- Vùng miền núi gồm 08 huyện phía Tây của tỉnh, là vùng núi cao, đầu nguồn các lưu vực sông, nơi cư trú của đồng bào các dân tộc ít người. Nhân dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông lâm nghiệp với phương thức canh tác lạc hậu. Thế mạnh của vùng là rừng, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc. Vùng có các khu rừng đặc sản như sâm Trà Linh, quế Trà My, Phước Sơn, có những khu vực đất đai thuận lợi cho phát triển cây cao su (Hiệp Đức), tiêu (Tiên Phước) và các cây công nghiệp dài ngày khác tạo điều kiện để hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm.

Với diện tích 1.040,683 nghìn ha, tình hình thổ nhưỡng Quảng Nam gồm 09 loại đất khác nhau : cồn cát và đất cát ven biển, đất phù sa, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất thung lũng, đất bạc màu xói mòn trơ sỏi đá,... Quan trọng nhất là nhóm đất phù sa thuộc hạ lưu các con sông thích hợp với trồng lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu; nhóm đất đỏ vàng ở khu vực trung du, miền núi thích hợp với cây rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, cây dược liệu.Thực trạng cơ cấu sử dụng đất cho thấy, việc sử dụng đất hiện nay chủ yếu vào nông nghiệp, lâm nghiệp. Trong thời gian tới, với sự tác động của công nghiệp hoá sẽ có những thay đổi về cơ cấu sử dụng đất. Chính vì vậy vấn đề Quảng Nam quan tâm hiện nay là làm thế nào để giữ được quỹ đất nông nghiệp có năng suất cao, giữ được những đất rừng có vai trò phòng hộ và có hướng sử dụng theo hướng bền vững những diện tích đất bằng , đất đồi núi và nguồn tài nguyên chưa sử dụng như:

- Tài nguyên rừng: Hiện nay đất đai diện tích rừng tự nhiện tại tỉnh Quảng Nam còn khoảng 388,8 nghìn ha với trữ lượng gỗ khoảng 30 triệu m3 và 50 triệu cây tre nứa, trong đó rừng giàu có khoảng 10 nghìn ha, phân bố chủ yếu ở các đỉnh núi cao, giao thông đi lại khó khăn; diện tích rừng còn lại chủ yếu là rừng nghèo, rừng trung bình và rừng tái sinh trữ lượng gỗ trung bình khoảng 69 m3/ha, đường kính nhỏ chưa thể khai thác. Ngoài gỗ (sản lượng khai thác có thể đạt trên dưới 80.000 m3/năm), còn có các loại lâm sản quí như trầm, quế, sâm, trẩu, song mây,

- Khí hậu: Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô, chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Nhiệt độ trung bình năm 20-21oC, không có sự cách biệt lớn giữa các tháng trong năm. Lượng mưa trung bình 2000-2500mm, nhưng phấn bố không đều theo thời gian và không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng, mưa tập trung vào các tháng 9 - 12, chiếm 80% lượng mưa cả năm; mùa mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão đổ vào miền Trung thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện trung du miền núi và gây ngập lũ ở các vùng ven sông.

- Tài nguyên nước kết hợp với thuỷ điện : Hệ thống sông ngòi nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam có tổng chiều dài 900 km, trong đó có 337 km đã đưa vào khai thác, bao gồm 9 con sông chính. Nguồn nước mặt lớn với diện tích lưu vực sông: Vu Gia: 5500km2, Thu Bồn 3350 km2, Tam Kỳ 800 km2, Cu Đê 400km2, Tuý Loan 300 km2, LiLi 280 km2 ..., lưu lượng dòng chảy sông Vu Gia 400m3/s, Thu Bồn 200m3/s... Có thể nói Quảng Nam là địa bàn có điều kiện thuận lợi về cung cấp nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác cũng như dân sinh. Sông Quảng Nam có dòng chảy luôn luôn thay đổi, luân chuyển dòng và bị bồi lắng hoặc xói lở vào mùa mưa lũ. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng các công trình thuỷ lợi ở thượng lưu các con sông kết hợp xây dựng các trạm thuỷ điện vừa và nhỏ (thuỷ điện Sông Tranh I, Sông Tranh II, Sông AVương, Sông Bung...), nhằm hạn chế lũ lụt và cung cấp nước về mùa khô cho vùng đồng bằng ven biển, tạo tiền đề bền vững cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, đô thị và nước sạch cho dân cư, đô thị.

- Tài nguyên thuỷ sản: Quảng Nam có bờ biển dài trên 125 km và thềm lục địa rộng lớn, có nguồn hải sản phong phú thuộc vùng biển Nam Trung bộ. Theo số liệu của Viện Quy hoạch thuỷ sản thì vùng biển Nam Trung bộ có trữ lượng cá 42 vạn tấn, khả năng đánh bắt hàng năm 20 vạn tấn, trữ lượng mực 7000 tấn, tôm biển 4000 tấn. Qua đó có thể thấy Quảng Nam có điều kiện để phát triển ngành đánh bắt xa bờ cũng như khai thác tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản ở các vùng ven sông, ven biển và ở đảo Cù Lao Chàm,...

- Tài nguyên khoáng sản: Theo đánh giá chung thì nguồn tài nguyên khoáng sản của Quảng Nam là một tiềm năng đang được khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh với nhiều loại đa dạng và phong phú. Trong đó đáng kể là: Than đá ở Nông Sơn trữ lượng khoảng 10 triệu tấn, đã và đang khai thác với sản lượng năm cao nhất đạt khoảng 5 vạn tấn/năm. Ngoài ra còn có mỏ than Ngọc Kinh (trữ lượng khoảng 4 triệu tấn), nhưng đã ngừng khai thác từ năm 1994 vì không có khả năng khai thác công nghiệp; Vàng gốc và sa khoáng ở Bồng Miêu, Du Hiệp, Trà Dương; riêng ở Bồng Miêu đã và đang khai thác với sản lượng khoảng vài trăm kg/năm; Cát trắng công nghiệp là khoáng sản có trữ lượng lớn, phân bố chủ yếu ở khu vực các huỵên Thăng Bình, Núi Thành;Trên địa bàn Quảng Nam đã thăm dò được 18 mỏ nước khoáng và nước ngọt có chất lượng tốt. Các loại khoáng sản như khí mê tan, uranium, nguyên liệu làm xi măng (đá vôi) được đánh giá là giàu nhất trong các tỉnh phía Nam. Ngoài ra các khoáng sản khác như đá granít, đất sét, cát sợi titan, thiếc, cao lanh, mi ca và các loại nguyên liệu cung cấp cho xây dựng, sành sứ, thuỷ tinh,... được phân bố tại nhiều nơi trong tỉnh.

- Tài nguyên Du lịch biển: Có biển và trên 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm sạch đẹp ở khu vực Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ,... Ngoài ra còn có 15 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi, 10 hồ nước (với 6000 ha mặt nước, khoảng 11000 ha rừng xung quanh khu vực hồ và 40 đảo trong các hồ) là một trong những tiềm năng lớn để phát triển du lịch QuảngNam. Môi trường không bị ô nhiễm, độ dốc ít, cát mịn và độ mặn vừa phải, nước biển xanh và đặc biệt khí hậu biển rất lý tưởng cho phát triển các loại hình du lịch nghỉ biển và nghỉ cuối tuần. Ngoài ra hai di sản văn hoá thế giới là Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và nhiều địa điểm di tích lịch sử và văn hoá (theo thống kê Quảng Nam có khoảng 61 điểm du lịch) cùng với nhiều loại hình hoạt động văn hoá (như hát tuồng, hát đối) và các quần thể kiến trúc khác như chứng tích Núi Thành,... tạo nên những điểm thu hút khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo và những vùng ruộng, đồng, sông nước giữ nguyên nét điển hình của làng quê Việt Nam, hội đủ các yếu tố phát triển du lịch đồng quê, du lịch vườn, làm đa dạng các loại hình du lịch, tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách.

Ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam được chính thức tái lập. Với vị trí địa lý của mình, Quảng Nam có nhiều điều kiện kinh tế thuận lợi trong quan hệ và giao lưu kinh tế với các địa phương trong cả nước cũng như với các nước láng giềng. Hơn thế nữa, Quảng Nam còn là một trong số rấ ít địa phương trong cả nước có sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ, đồng thời là nơi triển khai mô hình Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước với những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn.

Vùng đất và con người

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập ra Thừa tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhân, trong đó phủ Thăng Hoa có 3 huyện là Lê Giang, Huy Giang, và Hà Đông. Từ đó Hà Đông - Tam Kỳ đã trở thành một địa danh gắn liền với lịch sử - văn hóa của một vùng đất.

Bờ biển Hà Đông – Tam Kỳ nằm trong địa hình chung của vùng duyên hải Quảng Nam, từ vùng biển Tam Thanh kéo dài đến cửa An Hòa, bờ biển có chiều dài khoảng 47km, vốn là bờ biển bồi tụ dưới hình thức những mũi tên cát và những cồn cát chắn ngoài vùng. Vùng đất ven biển với những cồn cát trắng xen lẫn hồ, đầm, ruộng trũng là dấu tích của một vùng biển cổ. Bờ biển dài nhưng thềm lục địa nông, nước biển trong xanh phẳng lặng, do đó dọc bờ biển các xã Tam Thanh, Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Quang, Tam Nghĩa có những bãi tắm lý tưởng; chỉ riêng bờ biển Tam Thanh, từ Tỉnh Thủy, Thanh Đông, Thanh Tân, Trung Thanh đến Hạ Thanh dài khoảng 8km, giao thông thuận tiện cả trên đường bộ lẫn đường thủy. Vùng biển này là một ngư trường lớn với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá chim, cá cu, cá ngừ, cá hồng, cá nhám…. cùng các loại hải sản khác như tôm, cua, mực, sò, ốc, rau câu….đã giúp nhân dân vùng biển có điều kiện phát triển ngư nghiệp và nghề chế biến hải sản.

Những cư dân Việt đầu tiên vào sinh sống ở vùng này đã mang tiếp thu những kinh nghiệm đi biển, đóng thuyền của người Chăm, từ đó phát triển nghề đóng ghe thuyền ở vùng Hà Đông. Trong ký ức của những người lớn tuổi sống ven biển chắc hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh chiếc ghe bầu – một phương tiên giao thông đường thủy nổi tiếng đã một thời góp phần phát triển nghề buôn của dân Quảng Nam trong suốt mấy thế kỷ. Vùng biển Tam Kỳ may mắn còn lưu giữ được nghề đóng thuyền truyền thống, đây là vốn quý trong văn hóa vùng Đông….

Từ ngàn xưa, mỗi khi đi biển đánh bắt hải sản, thường xuyên phải đối mặt với bão tố, phong ba, những cư dân vùng biển, không có cách gì để chống chọi lại với hiểm nguy, cho nên lòng tin của họ đối với thần thánh càng mạnh, nhiều lăng Ông, lăng Bà thờ các vị thủy thần được dựng lên; cá voi được xem như một vị thần cứu nạn của ngư dân, như vậy có tục thờ cá Ông ở vùng ven biển. Trong lễ cúng Âm linh, cúng cá Ông ở các làng chài thường có tổ chức hát Bả trạo, đó là một hình thức diễn xướng bài văn cúng kết hợp với hoạt cảnh mô phỏng động tác chèo thuyền, nội dung bài hát bả trạo trong dịp cúng âm linh mang đậm tính nhân đạo, thể hiện lòng cảm thông thương xót đối với những người vì nghĩa phải hy sinh hoặc những người gặp tai nạn bất ngờ phải bỏ mình…. Trong các dịp lễ ở các vùng ven sông biển thường không thể thiếu hội đua ghe, đua ghe để tạ ơn thánh thần, cầu mong được mùa… Những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của người dân ven biển vẫn còn được lưu giữ ở vùng Đông Tam Kỳ, đó là vốn quý cần được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng cư dân ven biển…

Đồng bằng Tam Kỳ gồm phần lớn là những ruộng trũng dọc theo sông Tam Kỳ và Trường Giang, gồm đất phù sa và đất pha cát; phía Tây quốc lộ 1A ruộng cao hơn xen lẫn vùng thổ canh gồm đất pha cát và đất bạc màu. Ngày xưa người dân nơi đây chỉ trồng được một vụ lúa dựa vào nước trời, trong khi đó lại có một số khoảnh ruộng sâu ngập úng thường xuyên không thể trồng lúa được, người ta chỉ có thể trồng lác và thả sen.

Không có nhận xét nào:

DBS M05479
Quang Cao