Đã 5 năm kể từ khi phiên bản thứ 8 trong dòng game phiêu lưu nổi tiếng và có thâm niên, Tomb Raider Underworld ra mắt, và việc nó chỉ nhận được đa số nhận xét ở mức trung bình khá khiến cho cả người hâm mộ dòng game lẫn Crystal Dynamics nhận ra rằng họ cần một điều gì đó mới mẻ hơn. Nói mới mẻ hơn là vì, rõ ràng sẽ là ngõ cụt nếu họ cố gắng tiếp tục khai thác hình ảnh nữ bá tước trẻ tuổi Lara Croft lạnh lùng, luôn làm chủ được tình thế cũng như có bên cạnh hàng đống đồ chơi hỗ trợ bước đường khám phá những ẩn tích cổ xưa tưởng chừng như đã bị quên lãng.
Và rồi những hình ảnh đầu tiên của Tomb Raider được công bố. Cộng đồng một lần nữa lại xôn xao vì bối cảnh, vì hình tượng mới của Lara. Cộng thêm với đó là slogan “A Survivor is Born” khiến họ càng thêm kỳ vọng vào phiên bản Tomb Raider mới này. Vậy, khi game đã chính thức ra mắt, liệu rằng Crystal Dynamics đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm kỳ vọng của người hâm mộ với cuộc phiêu lưu mới của nữ bá tước xứ Wimbledon?
Sẩy một li, đi một dặm
Trong cuộc phiêu lưu đi tìm sự thật về Himiko, nữ thần mặt trời của vương quốc Nhật Bản cổ đại, Yamatai, Lara đã có một quyết định cực kỳ liều lĩnh, đó là đưa cả thủy thủ đoàn vào vùng biển động Dragon’s Triangle (được mệnh danh là tam giác Bermuda của Thái Bình Dương) với niềm tin rằng ở đó, cô có thể tìm thấy những gì mình đang theo đuổi. Thế nhưng chưa đáp được vào bờ, con tàu đã bị sóng dữ nhấn chìm khiến thủy thủ đoàn tan tác mỗi người một ngả.
Đặt chân lên hòn đảo mới, Lara giật mình nhận ra nơi này quá giống với một địa ngục trần gian theo nghĩa đen, với những cư dân hung dữ tôn thờ nữ chúa của biển cả, một thế giới đầy những mối đe dọa mà nếu không biết cách tồn tại, số phận cô sẽ chẳng khác gì những kẻ xấu số bỏ mạng trên hòn đảo miền viễn Đông này.
Gameplay không có chỗ chê
Một mình trên đảo hoang, không có những món đồ chơi công nghệ cao cùng cặp súng lục hỗ trợ, Lara (hay nói đúng hơn là chính bạn) sẽ phải tự mình dựa vào thiên nhiên để sống. Bắt đầu bằng cây cung ở đầu game, bạn sẽ phải làm hầu hết những việc khó khăn nhất để tồn tại trên đảo: săn bắt, tiêu diệt những gã cư dân hung hãn trên đảo, cũng như hoàn thành nhiệm vụ lớn nhất, tìm đường về nhà.
Được tập trung nhiều vào mảng “survival”, việc điều khiển Lara Croft của người chơi nay gần giống một game nhập vai. Nhất cử nhất động của Lara đều có thể đem lại điểm kinh nghiệm, giúp cô nâng cấp những kỹ năng cần thiết để sống sót giữa đầy những hiểm nguy, ví dụ như kỹ năng săn bắt, tìm kiếm “sắt vụn” (rất cần để nâng cấp vũ khí và các thiết bị), khả năng chiến đấu…
Toàn bộ game giờ trở thành một thế giới mở, được chia thành nhiều trại rải rác khắp bản đồ. Người chơi có thể tùy ý di chuyển tới những địa điểm như thế này để tìm kiếm những món đồ, hoàn thành những nhiệm vụ phụ… Sự tuyến tính từ những phiên bản game trước cũng vì thế mà biến mất hoàn toàn trong Tomb Raider 2013. Thế nhưng trong mắt tôi, có cảm giác gì đó cuộc phiêu lưu mới nhất của Lara Croft khá giống với một tựa game mới ra mắt không lâu trước đây, Far Cry 3, từ hệ thống skill, đến việc sống dựa vào thiên nhiên.
Nhiệm vụ chính là như vậy, thế nhưng một tựa game Tomb Raider chắc chắn sẽ thất bại một cách thảm hại nếu như chỉ chú trọng vào khía cạnh “survival”. Nên nhớ rằng, Lara Croft vốn có sẵn máu phiêu lưu bẩm sinh kế thừa từ người cha, ngài Richard Croft. Ngay cả khi phải sống và tồn tại trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt, sẽ chẳng có gì ngăn cản Lara tiếp tục truy tìm cội nguồn của Himiko, nhất là khi những dấu vết đầu game đã chứng tỏ lựa chọn tiến vào vùng nước dữ của cô là chính xác. Rải rác trong bản đồ là những khu thánh tích cổ, với đầy những đầu mối dẫn đến lời giải cho những thắc mắc của Lara khi cô quyết định dấn thân vào chuyến đi đầy nguy hiểm này.
Nhìn chung gameplay của Tomb Raider là sự pha trộn giữa 3 yếu tố: một chút giải đố tìm đường, hành động và những trường đoạn dựng sẵn đầy Quick Time Event với góc quay đậm chất điện ảnh. Có thể bạn đang mải mê kiếm tìm một vài món đồ thiết yếu hay đi tìm những món đồ cổ được ẩn giấu khắp nơi trên hòn đảo và rồi một đàn sói không biết từ đâu lao ra. Nhanh tay, nhanh mắt sẽ là những yếu tố tối quan trọng để bạn có thể sống sót với Tomb Raider.
Engine cũ, hình vẫn chất
Trong quá trình phát triển, Crystal Dynamics đã tuyên bố rằng, Tomb Raider sẽ được phát triển dựa trên bản nâng cấp của engine Crystal đã làm nên thành công về mặt đồ họa của Tomb Raider: Underworld (phiên bản 2008). Việc studio game đến từ nước Mỹ sử dụng Crystal Engine để dựng game đã khiến không ít người lo lắng về chất lượng hình ảnh của Tomb Raider. Thế nhưng màn trình diễn mà người hâm mộ nhận được vẫn rất tuyệt vời. Từ cử động nhân vật, các NPC, đến môi trường trong game vẫn được chăm chút một cách tỉ mỉ. Trong đó sự lột xác của Lara Croft là thứ quan trọng nhất thu hút sự chú ý của người hâm mộ.
Từ bỏ hình ảnh quyến rũ, lạnh lùng, tiểu thư nhà Croft phải chấp nhận bước vào cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ với thương tích đầy mình và luôn ở trong trạng thái bị động trước mọi thay đổi. Từ đó, nhịp độ game cũng dường như nhanh hơn và đậm tính bạo lực hơn, dần dần đẩy Lara gần với phần “con” hơn là phần “người”. Cũng chính vì thế mà lần đầu tiên có một tựa game Tomb Raider bị gắn mác 18+ tại thị trường châu Âu vì những trường đoạn mô tả những hành động cực kỳ tàn bạo.
Ngoài ra Tomb Raider cũng là tựa game đầu tiên ứng dụng công nghệ tóc TressFX của AMD (phiên bản PC), mặc dù chưa thật hoàn hảo nhưng nó cũng đã đưa thế giới game trở nên gần với thực tế thêm một bước. Hy vọng AMD sẽ có những cập nhật tiếp theo trong tương lai để khiến TressFX trông giống thật hơn và cũng đỡ ngốn tài nguyên như hiện tại.
Gần như hoàn hảo
Với những thay đổi có thể coi như “lột xác”, cuộc phiêu lưu mới nhất của Lara Croft có thể xem như là hoàn hảo, có thể chấm điểm 10 nếu như nó không vướng phải hai vấn đề khá nghiêm trọng. Đầu tiên, thời lượng game khá ngắn, ngay cả khi bạn là một người chu toàn tìm ra tất cả những cổ vật ẩn giấu trong game. Nếu chỉ chạy từ đầu game đến cuối game, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ chính, mặc kệ những nhiệm vụ phụ hay những hầm mộ bí mật, thì game sẽ được hoàn thành trong vòng 6 đến 7 tiếng.
Khoảng thời gian này nếu như tính cả việc bạn hoàn thành nhiệm vụ phụ sẽ rơi vào khoảng 12 đến 15 tiếng tùy mức độ khó. Và cũng chính độ khó trong game lại trở thành yếu điểm thứ hai của tựa game. Ngay cả khi thử sức ở chế độ khó nhất, chỉ cần một chút kỹ năng là người chơi cùng Lara có thể hoàn thành tựa game mà không mất quá nhiều công sức.
Nguyên nhân một phần nằm ở hệ thống AI khá ngây ngô của các đối thủ máy, chúng thường xuyên thò đầu lên trên các vật cản, “vui vẻ” hứng chịu từng mũi tên hòn đạn của Lara. Yếu tố giải đố cũng bị xem nhẹ khi tình trạng bí đường khi xưa xảy ra như cơm bữa thì nay với tính năng Survival Instinct, người chơi muốn lạc đường cũng khó. Chính vì không có vật cản nào đủ sức ngăn cản bước tiến của người chơi nên việc game chơi hết rất nhanh là điều tất yếu.
Nói một cách ngắn gọn, sự trở lại lần này của Lara Croft có thể nói đã đem lại một làn gió mới đến cho dòng game phiêu lưu đã có tuổi đời ngót nghét 20 năm, và thay đổi này là hoàn toàn hợp lý. Nếu như không phải dạng fan “cuồng tín” trông chờ vào một trò chơi giải đố hóc búa, chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng khi đến với Tomb Raider.
Theo Genk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét