Không ai dám chắc chiến tranh sẽ xảy ra hay không. Nguy cơ xung đột là một kịch bản mà những nhà chiến lược quân sự phải cân nhắc dựa trên những căng thẳng ngày một gia tăng gần đây.
Bán đảo Triều Tiên nằm ở vùng Đông Bắc Á, khu vực kinh tế có quy mô lớn thứ ba thế giới sau Tây Âu và Bắc Mỹ. Giới quan sát cho rằng các thị trường toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, sự mất mát ghê gớm về nhân mạng cũng như một cuộc khủng hoảng hạt nhân thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Vậy, những kịch bản nào có thể xảy ra với bán đảo Triều Tiên?
Những phân tích của Andrew Salmon, một nhà báo tự do hoạt động tại Hàn Quốc đồng thời là tác giả của hai cuốn sách về Chiến tranh Triều Tiên, được CNN đăng tải để phác họa kịch bản xấu nhất cũng như các kịch bản khác cho xung đột tiềm ẩn ở bán đảo Triều Tiên.
Cái bắt tay Mỹ - Hàn
Lúc này, những hành động của Triều Tiên giống như "đổ thêm dầu vào lửa", đến nỗi Hàn Quốc và Mỹ vừa tuyên bố ký một thỏa thuận để cùng có kế hoạch đối phó nếu Bình Nhưỡng biến những lời đe dọa thành sự thực.
Việc ký kết thỏa thuận nói trên diễn ra khi Mỹ và Hàn Quốc đã và đang có những cuộc tập tập trận chung, trong đó có cả sự tham gia của các máy bay ném bom B-52 và B-2. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, George Little, cho hay các chuyến bay của "pháo đài bay" B-52 là nhằm đảm bảo lực lượng hỗn hợp Mỹ - Hàn được huấn luyện chiến đấu đầy đủ nhằm đối phó với hành động gây hấn.
Các chiến lược gia quân sự rõ ràng đang chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, và dường như người dân Hàn Quốc cũng đang sẵn sàng cho một cuộc xung đột có thể đến bất cứ lúc nào. Năm ngoái, Viện Asan tại Seoul cho hay người Hàn Quốc ở mọi lứa tuổi đều tin rằng khả năng chiến tranh xảy ra lớn hơn khả năng ngược lại.
Chiến tranh kiểu mới
Trong hoàn cảnh hiện nay, một cuộc tấn công Triều Tiên theo kiểu những năm 50 của thế kỷ trước dường như là không thể xảy ra, nhưng những nguy cơ có thể thổi bùng mồi lửa xung đột trên bán đảo cùng tên vẫn tồn tại.
"Tôi không cho rằng các bên muốn một chiến tranh toàn lực, nhưng những kịch bản có thể dẫn tới kết quả này là một vài kiểu tính toán sai lầm hoặc hành động leo thang căng thẳng một cách khinh suất", Dan Pinkston, giám đốc văn phòng Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế tại Seoul, nói. "Vấn đề là, nhìn vào những diễn biến gần đây, các nấc thang căng thẳng đang ngày một ngắn lại".
Sau vụ chìm tàu Cheonan và vụ đảo Yeonpyeong bị nã pháo khiến tổng cộng 50 người Hàn Quốc thiệt mạng hồi năm 2010, Seoul đã nới lỏng các quy định, trong đó có việc cho phép tấn công trả đũa nhanh hơn đối với những cuộc tấn công của Triều Tiên, ví dụ như các tấn công của pháo binh hoặc hải quân.
Tháng trước, một vị tướng cấp cao của Hàn Quốc nói trước Quốc hội nước này về các kế hoạch về những cuộc tấn công phòng ngừa nếu tình báo phát hiện những sự chuẩn bị để tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.
"Một khi chúng ta phát hiện pháo hoặc tên lửa tầm xa đang được chuẩn bị, chúng ta sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công", Kim Byung-ki, giáo sư tại Đại học Cao Ly ở Seoul. Hàn Quốc không hề lo xa, bởi một máy bay Triều Tiên chỉ cần ba phút để tới Seoul, và một quả đạn pháo của Bình Nhưỡng chỉ cần một phút để bay sang phía bên kia biên giới.
Sự cam kết của Mỹ
Các nhà phân tích lo sợ một cuộc tấn công có giới hạn của Triều Tiên sẽ kích động sự đáp trả của Hàn Quốc, làm dấy lên vòng xoáy của sự leo thang căng thẳng, dẫn đến "cuộc chiến lớn". Với sự ràng buộc bằng hiệp ước của Seoul và Washington, Mỹ buộc phải cam kết.
"Về chính trị, Mỹ sẽ phải trợ giúp Hàn Quốc. Nếu không, chính sách quốc phòng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ đổ vỡ", James Hardy, giám đốc khu vực châu Á của nhà xuất bản IHS Jane's, nói.
Quân đội của Triều Tiên gồm 1,2 triệu binh sĩ, nhiều gấp đôi con số 640.000 binh sĩ của quân đội Hàn Quốc và 28.000 lính Mỹ đóng trên bán đảo Triều Tiên. Về tổng thể, quân đội Triều Tiên được cho là già cỗi: thiếu thốn nhiên liệu, các thiết bị lạc hậu và một số quân nhân trông gầy guộc, nhưng họ sở hữu hai mối đe dọa khôn lường: lực lượng đặc nhiệm và pháo binh.
Trong một báo cáo từ tháng 3 năm ngoái, Tướng James Thurman, chỉ huy lực lượng đặc biệt của Mỹ và Liên Hợp Quốc ở Hàn Quốc, đã cảnh báo rằng Triều Tiên đang tiếp tục cải thiện khả năng của lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới, với các binh sĩ được huấn luyện đặc biệt trong những nhiệm vụ nguy hiểm và khác thường.
Theo tướng Thurman, Bình Nhưỡng có 60.000 binh sĩ trong đơn vị đặc nhiệm và hơn 13.000 khẩu pháo, phần lớn được bố trí dọc theo khu phi quân sự DMZ và hướng về Seoul, thủ đô đông đúc của Hàn Quốc và chỉ cách biên giới liên Triều 48 km.
Ngoài ra, với số lượng quân chính quy và hỏa lực của mình, quân đội Triều Tiên có thể tập trung các đơn vị với quân số lớn, củng cố phòng thủ ở DMZ, chọc thủng nấc thang hàng rào bảo vệ thứ hai của Hàn Quốc và tiến vào khu vực Seoul cũng như các vùng quanh đó, nơi có khoảng 24 triệu dân sinh sống.
Tuy nhiên, với năng lực hậu cần và khả năng chống chọi yếu kém của quân đội Triều Tiên, các chuyên gia phân tích dự đoán cuộc tấn công chỉ kéo dài trong ba ngày đến một tuần, sau khi Bình Nhưỡng có thể đàm phán với một vị thế mạnh hơn.
Lực lượng đặc nhiệm
Trong khi đó, liệu lực lượng của Hàn Quốc có thể kéo dài được tình thế cho đến khi Mỹ cử quân tăng cường đến nơi? Liệu lực lượng của Mỹ có hoạt động hiệu quả với quân đồn trú của họ tại Hàn Quốc, hoặc thậm chí là Nhật Bản, Okinawa và Guam, trước nguy cơ tấn công bằng đặc nhiệm và các tên lửa của Triều Tiên. Khả năng này rất khó dự đoán được.
Các lính đặc nhiệm là mũi nhọn của quân đội Triều Tiên, xâm nhập bằng đường không, đường biển và có lẽ là cả bằng vỏ bọc dân sự, để tấn công vào các công trình hạ tầng của Hàn Quốc và các căn cứ Mỹ, chuyên gia Kim Byung-ki thuộc đại học Cao Ly cho biết.
Sự hỗn loạn có thể càng tăng cao bởi các cuộc gây nhiễu điện tử và tấn công mạng. Trong khi đó, pháo của quân đội Triều Tiên có thể bắn đi hàng ngàn quả, ông Kim ước tính.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sức mạnh chiến đấu của quân đội Triều Tiên đến đâu. Trong các cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng, các binh sĩ bước đều tăm tắp, thể hiện một quân đội với kỷ luật chặt chẽ hàng đầu thế giới, nhưng với cuộc không kích của Mỹ, liệu chính quyền của Kim Jong-un có sụp đổ giống như chính quyền của Saddam Hussein ở Iraq cách đây 10 năm.
Điều đó dường như khó xảy ra. Khi quân đội Triều Tiên tham gia các trận chiến, đặc biệt là trong cuộc đụng độ trên biển Hoàng Hải năm 1999, 2002, 2010 và cuộc đột kích năm 1968, 1996, họ tỏ rõ sự thiện nghệ và quyết tâm của mình.
Tuy nhiên, không phải chỉ cần có lực lượng đặc nhiệm hay pháo binh là có thể chiến thắng. Họ không thể chiếm và giữ được đất. Điểm yếu nhất của quân đội Triều Tiên là lực lượng quân chủ lực dễ bị tấn công khi bắt đầu tham gia vào cuộc chiến.
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét