Khoảng 12h ngày 29/1, khi đang đi chăn bò, người dân thôn Ra Nhua, xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) nghe tiếng khóc của trẻ con ở một khu đất. Tìm đến, họ thấy một trẻ sơ sinh đang bị hòn đá đè lên mặt.
Trước đó, sáng 24/12/2012, một số người dân đi tập thể dục buổi sáng phát hiện một bé trai bị bỏ rơi ở bụi cây gần khu tập thể phường 7 (Vũng Tàu) trong tình trạng toàn thân bị kiến bu kín, có nhiều vết do muỗi, côn trùng cắn. Đau xót hơn, ngày 30/10/2012, sau khi tự sinh xong, một nữ công nhân 19 tuổi (Nghệ An) bỏ con vào túi nilon cột chặt vứt vào thùng rác đặt trong khu trọ ở thị xã Thuận An - Bình Dương. Ngày 10/11/2012, một nữ sinh lớp 10 (15 tuổi, TP HCM) đã bỏ con vào cặp học sinh rồi vứt vào bụi cỏ tại một khu đất trống...
Ảnh minh họa: NLĐ
Những thông tin nhức nhối, gây phẫn nộ, bất bình lẫn xót xa như thế còn rất dài. Người mẹ vứt bỏ núm ruột của mình có khi là nữ công nhân, có khi là sinh viên, học sinh trót mang thai phải giấu gia đình, bạn bè; cũng không ít trường hợp vì nghèo, đông con hoặc trẻ mắc bệnh bẩm sinh, dị tật không có khả năng chữa chạy... Dù lý do nào, thái độ thiếu trách nhiệm, nhẫn tâm của những người mẹ bỏ con trong giai đoạn trẻ rất cần sự chăm sóc vẫn đáng bị xã hội lên án và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/11/1989, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời: “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…”.
Điều 4, 6 và 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”.
Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”. Luật cũng quy định cha mẹ không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”.
Điều 94 Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Tuy nhiên, theo luật sư Ngô Đình Hoàng và luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), dù pháp luật hiện hành có khá nhiều điều luật nhằm bảo vệ trẻ em nhưng do các quy định chưa được tuyên truyền phổ biến rộng rãi, chế tài chưa đủ mạnh, các cơ quan tố tụng chưa làm hết sức mình, quy định của luật có nhiều thiếu sót dẫn đến không áp dụng được trên thực tế...
Theo luật sư Thi, điều 94 Bộ Luật Hình sự quy định chỉ có thể xử lý hình sự khi chủ thể là người mẹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng lạc hậu hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên đã vứt bỏ con mình và hậu quả là đứa trẻ chết. Trong khi đó, hành vi cố ý vứt bỏ đứa trẻ mới sinh không có khả năng tự vệ, trên thực tế hoàn toàn có thể dẫn đến tử vong.
"Cần xem xét sửa quy định của luật, không cần hậu quả đứa trẻ chết vẫn phải bị xử lý trách nhiệm hình sự nhằm răn đe, giáo dục", luật sư Thi nói.
Luật sư Ngô Đình Hoàng cũng băn khoăn, liệu hiện nay có bao nhiêu bà mẹ biết được rằng việc vứt bỏ con mới sinh là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự?
"Nhiều người suy nghĩ để con trước cổng bệnh viện... con sẽ được chăm sóc mà không nghĩ trước khi được phát hiện, nó có thể bị đói khát hoặc bị côn trùng cắn mà chết... Một khi họ chưa ý thức được tính nghiêm trọng của việc bỏ rơi con mới sinh ngoài việc sai về mặt đạo đức còn vi phạm pháp luật, tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn”, ông Hoàng cho hay.
Theo Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét