Anh Đỗ Dũng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết vẫn hay dùng miếng dán màn hình cho điện thoại nhưng chỉ được vài ngày là miếng dán có vết xước do anh thường để điện thoại cùng nhiều thứ khác như thuốc lá, bật lửa, chìa khóa… trong túi quần. Anh cũng sử dụng vỏ ốp cho điện thoại nhưng chỉ sau một thời gian, vỏ ốp cao su bị ố vàng trông rất xấu. Gần đây anh đã chuyển sang dùng dịch vụ phủ nano.
Anh Nguyễn Việt Hà, công ty Vietravel, cũng cho biết nhiều người trong văn phòng của anh đã sử dụng dịch vụ này, chỉ cần gọi điện sẽ có người đến làm tận nơi, khá tiện.
Chỉ cần 3 giọt dung dịch có thể phủ kín một mặt của iPhone 5. Ảnh: Hải Mỹ.
Dung dịch nano như quảng cáo, qua quan sát của Số Hóa, là một loại dung dịch trong suốt. Người thợ nhỏ vài ba giọt là phủ kín một mặt màn hình điện thoại. Sau khoảng 5 phút, dung dịch khô, thợ dùng khăn có chứa phân tử đồng (có tác dụng hút bụi) để lau cho sạch. Sau khi lớp dung dịch này được phủ lên màn hình, việc cọ xát vào bề mặt sẽ không còn gây xước nữa. Thử nghiệm dùng chìa khóa vạch lên màn hình thì thấy có vệt mờ để lại, nhưng sau đó dùng khăn lau, vệt mờ biến mất (tương tự như khi dùng móng tay vạch lên kính).
Theo giải thích của người cung cấp dịch vụ, do các phân tử nano như các viên bi tròn nên khi cọ xát hay dùng chìa khóa vạch lên lớp phủ thì các phân tử nano trượt lên nhau, vệt mờ là dấu vết của các phân tử nano bị xô do tác động của lực. Khi bạn lấy khăn lau giống như xoa cho các phân tử nano dàn đều thì vệt mờ lại mất.
Khi dung dịch đã khô, chỉ cần lau lại bằng khăn có chứa phân tử đồng, lớp chống xước giờ đây đã có tác dụng. Ảnh: Hải Mỹ
Giang, người cung cấp dịch vụ phủ nano màn hình cảm ứng hay bề mặt các thiết bị di động tại Hà Nội, cho biết, khi mới ra mắt, tháng đầu tiên anh chỉ làm được 15 máy, nhưng nay, mỗi ngày làm bằng cả một tháng. Phần lớn đều do khách hàng mách nhau. Trong đó, khách làm tập thể tại các văn phòng, công sở khá đông. Trung bình mỗi điểm này đều làm được 7 đến 8 máy. Các loại máy cũng rất đa dạng từ điện thoại, máy tính bảng, laptop. Thậm chí, ngoài ý tưởng ban đầu của nhà cung cấp là chống xước cho màn hình cảm ứng, nhiều khách hàng còn đề xuất phủ cho đồng hồ, vỏ iPhone 5.
Một dịch vụ chống xước khác là tráng màng thủy tinh, sử dụng lớp keo lỏng tráng lên màn hình điện thoại. Khi lớp keo này khô sẽ cứng lại như một lớp màng thủy tinh để bảo vệ màn hình bên dưới. Đây là một công nghệ có xuất xứ từ Đài Loan. Trên thị trường, dung dịch này được nhập khẩu và phân phối rộng rãi nên có khá nhiều nơi cung cấp.
Qua quan sát, màn hình sau khi tráng thủy tinh nhìn sáng và bóng hệt như tráng một lớp gương. Tuy nhiên, theo người cung cấp dịch vụ, phải sau 7 ngày, lớp màng này mới đạt độ sáng bóng và độ cứng tối ưu. Vì vậy, nếu giữ qua 7 ngày, thì bạn có thể sử dụng trong vòng một năm mà không lo bị xước. Sau đó có thể tráng lại để củng cố khả năng bảo vệ màn hình.
Anh Nguyễn Anh Quân (Hà Đông, Hà Nội) khá hài lòng với dịch vụ tráng màng thủy tinh so với miếng dán màn hình, tuy nhiên, theo anh, khả năng chống vân tay vẫn không như mong đợi.
Vì dung dịch khi khô cứng lại giống thủy tinh nên dịch vụ này chỉ dùng để thay miếng dán màn hình, không chống xước được cho vỏ điện thoại hay máy tính bảng vì dung dịch không có tác dụng với nhựa hay kim loại. Trong khi đó, phủ nano tuy có thể phủ được lên mọi bề mặt nhưng có nhược điểm là không thể chống lại các vết xước do cát bụi gây ra (nên vẫn phải tránh để thiết bị ở trên bề mặt cứng có nhiều cát bụi), tuổi thọ chỉ khoảng 3 đến 4 tháng phải phủ lại.
Dung dịch tráng màng thủy tinh là phủ một dạng keo lỏng, khi lớp keo này khô sẽ cứng lại như một lớp màng thủy tinh.
Nhiều người thắc mắc liệu tráng thủy tinh hoặc phủ nano xong không thích có gỡ ra được hay không. Nhìn chung cả hai dịch vụ này, người dùng không thể nhận biết thiết bị có được phủ hay không vì lớp dung dịch trong và rất mỏng. Theo người cung cấp thì không ảnh hưởng đến chất lượng màn hình và lớp tráng/phủ sẽ mờ dần vì vậy không cần gỡ.
Hiện tại, hai dịch vụ này được cung cấp với giá tương đương nhau, khoảng 150 nghìn đồng cho màn hình 5 inch, tùy bề mặt lớn hơn hay nhỏ hơn mà giá chênh lệch khác nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét