Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Xuồng chủ quyền do Việt Nam nghiên cứu và chế tạo

Xuồng chủ quyền - phương tiện được nhiều đơn vị đóng quân trên biển Đông sử dụng, được mệnh danh là “Cá mập” bởi sự ưu việt của nó khi hoạt động trên biển.

Đại tá Bùi Sỹ Tạo - Nguyên Trưởng phòng Vỏ tàu thuộc Viện Kỹ thuật Hải quân - Chủ dự án xuồng chủ quyền đã kể về quá trình nghiên cứu chế tạo chiếc xuồng này.

Vào những năm đầu của thế kỷ 21, tình hình an ninh trên biển Đông đã có những dấu hiệu bất ổn, nhiều tàu lạ có hành động vi phạm chủ quyền các quần đảo của Việt Nam như xâm phạm lãnh hải, tổ chức đánh bắt, nghiên cứu thăm dò trái phép.

Hải quân Việt Nam tuy áp dụng nhiều biện pháp như xua đuổi, cảnh cáo nhưng tàu nước ngoài vẫn bất chấp bởi thời điểm đó những chiếc xuồng của Hải quân Việt Nam có nhiều hạn chế như mớm nước sâu, tính cơ động yếu, chỉ đi được trong sóng nhỏ và vận tốc thấp.

Vì thế mỗi khi xuất quân, chạy được tới gần thì tàu lạ đã cao chạy xa bay. Trước tình hình trên, năm 2005, Bộ tư lệnh Hải quân đã giao cho Viện kỹ thuật Hải quân nghiên cứu chế tạo một chiếc xuồng khắc phục được những nhược điểm mà những chiếc xuồng cũ đang gặp phải.




Ngoài ra, xuồng cần phải có những tính năng mới như vận tốc, tính ổn định, cơ động cũng như sức bền trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của biển Đông.

Đại tá Tạo nói: “Đây là điều khá khó khăn cho chúng tôi bởi điều kiện khí hậu ởbiển Đông khá khác biệt nên không thể rập khuôn một mẫu xuồng nào trên thế giới để áp dụng. Chúng tôi đã phải tìm rất nhiều mẫu xuồng trước đây để nghiên cứu nhằm tìm ra những điểm ưu việt nhất có thể áp dụng, tập trung chế tạo một chiếc xuồng có nhiều tính năng tổng hợp”.

Sau gần một năm, chiếc xuồng nghiên cứu đã hoàn thành trên bản vẽ và về phần lý thuyết, chiếc xuồng có thể đạt được những tính năng như yêu cầu đặt ra và tất cả cùng bắt tay vào chế tạo chiếc xuồng đầu tiên.

Nhưng quá trình chế tạo khó nhất lại là chất liệu để chế tạo vỏ xuồng. Vỏ kim loại không thể đạt yêu cầu về sức bền trước sự khắc nghiệt của thời tiết, vỏ nhựa thông thường thì không thể đạt yêu cầu về chất lượng. Lại một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu các chất liệu.

Phòng Vỏ tàu đã cử các kỹ sư đi sang tận Hà Lan tìm hiểu chất liệu vỏ tàu được nhiều chuyên gia kỹ thuật tàu biển đánh giá cao. Cuối cùng, chất liệu composit đặc biệt đã được các kỹ sư đánh giá có thể phù hợp với điều kiện biển Việt Nam.

Chất liệu này có độ bền rất cao, có thể chịu thời tiết khắc nghiệt và có tuổi thọ trên 40 năm; chịu được sự va chạm cũng như bào mòn, có thể lướt trên san hô mà không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra nó còn chống được sự ăn bám của hà, rêu nên quá trình bảo trì khá đơn giản. Từ chất liệu mới này, công tác chế tạo chiếc xuồng đã được tiến hành nhanh chóng.




Xuồng CQ-01 hoạt động tại quần đảo Trường Sa.


Tháng 3/2006, chiếc xuồng đầu tiên do Phòng Vỏ tàu nghiên cứu chế tạo đã hoàn thành và được đặt tên là xuồng CQ-01 (Xuồng Chủ quyền 01).

Đại tá Tạo kể: “Chúng tôi không có bể thử nghiệm như các đơn vị chế tạo ở nước ngoài nên đành áp dụng cách thử nghiệm qua thực tế. Ví dụ như thử nghiệm sức va chạm, chúng tôi cho cần cẩu cao 70m kéo lên cao rồi thả rơi xuống mặt nước, hay là cho vào containner rồi rung lắc, lật thử trên mặt sông rồi chất tải để xem tính an toàn. Kinh phí không nhiều nên chúng tôi chỉ dám thử nghiệm một lần duy nhất là đưa xuồng CQ-01 ra đảo Đá Tây để chạy trong điều kiện thực tế. Chúng tôi đã cho CQ-01 chạy trên sóng lớn, chạy trên san hô cũng như cho xuồng lật để làm phao cho các chiến sỹ. Tất cả các yêu cầu thực tế đều được ứng dụng và ghi nhận kết quả. Nói chung tính năng của CQ-01 đã đạt được những yêu cầu quan trọng nhất”.

Sau quá trình thử nghiệm, những khuyết điểm của chiếc xuồng đầu tiên đã được khắc phục. Chiếc xuồng CQ-01 thứ hai, thứ ba ra đời đã đạt tốc độ trên 20 hải lý/giờ (thậm chí những chiếc về sau có thể đạt đến gần 30 hải lý/giờ) và trọng lượng cũng đã giảm đi khá nhiều.

Xuồng đạt mức mớm nước thấp, có thể vận hành tốt trên san hô, có thể chạy trong sóng lớn và thậm chí chạy dưới sóng.

Từ năm 2007, xuồng đã được bàn giao cho các đảo tại Trường Sa và nhiều khu vực đảo trên biển Đông khác như Cồn Cỏ, Bạch Long Vỹ… cùng nhiều tỉnh thành ven biển để làm công tác cứu hộ.

Trong quá trình sử dụng, xuồng CQ-01 đã chứng minh sự ưu việt của mình như làm giảm thời gian vận chuyển quân, vận chuyển hàng hóa giữa tàu và các đảo. Do tốc độ cao và tính cơ động tốt nên mỗi khi có tàu lạ thâm nhập trái phép, xuồng CQ-01 đã ra ngăn chặn kịp thời

Thậm chí nhiều tàu lạ thấy tốc độ CQ-01 khá cao nên sau vài lần bị xua đuổi đã không dám xâm phạm nữa. Đặc biệt trong những tình huống cấp thiết như cứu hộ, cứu nạn ngư dân, CQ- 01 đã tỏ ra hữu hiệu khi nhanh chóng tiếp cận tàu đánh cá, đưa ngư dân vào đảo để cứu chữa.

“Trước đây muốn cứu được ngư dân có khi phải mất cả ngày cơ động tàu, nay thì chỉ trong vòng vài chục phút là CQ- 01 có thể hoàn thành. Chính vì thế, không chỉ các chiến sỹ mà ngay cả các ngư dân cũng rất yêu mến xuồng CQ- 01 và gọi nó bằng cái tên Con cá mập trên biển Đông”- Thượng tá Vũ Văn Cường- Đảo trưởng Song Tử Tây đã kể về xuồng CQ- 01 như thế.

Xuồng CQ-01 có chiều dài lớn nhất 6,5m, rộng nhất 2,34m, mức chìm lớn nhất 0,42m, lượng choáng nước 2,8m3. Tốc độ trên 20 hải lý/giờ.

Trong thời gian vừa qua, nhiều đơn vị, cá nhân đã có nhiều hành động ủng hộ chủ quyền biển đảo Việt Nam thông qua việc quyên góp tiền để ủng hộ các đảo, quần đảo mua thêm xuồng CQ-01. Việc tăng cường thêm nhiều xuồng CQ-01 sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh và phát triển kinh tế tại các đảo.

Theo Tiền Phong
Quang Cao