Những ngày qua, thông tin về việc hai công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc bị nghi là “gián điệp viễn thông” cho chính phủ Trung Quốc đang là đề tài được bàn tán sôi nổi.
Phía Huawei đã phát đi thông cáo báo chí, phủ nhận những cáo buộc từ Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, việc chưa có bất cứ báo cáo nào về việc có hay không các hoạt động “gián điệp” ẩn giấu bên trong các thiết bị viễn thông đủ khiến cho những người có liên quan phải đưa ra nghi vấn.
Tại Việt Nam, ZTE và Huawei cung cấp gần như toàn bộ các thiết bị cơ sở hạ tầng viễn thông, là đối tác chính của hàng loạt các “ông lớn” trong ngành viễn thông Việt như Viettel, VinaPhone, MobiFone hay Vietnamobile.
Các thiết bị mà hai hãng này cung cấp tại Việt Nam có thể kể đến như các trạm thu phát sóng BTS trên phạm vi toàn quốc, USB 3G, điện thoại di động, điện thoại cố định, các loại router phát sóng Wi-Fi, đầu thu kỹ thuật số và nhiều thiết bị thu, phát khác.
Chia sẻ về nguy cơ “an ninh viễn thông” trên các thiết bị thu phát, chuyên gia Nguyễn Minh Đức, giám đốc bộ phận an ninh mạng của BKAV cho biết, nếu một trong số những thiết bị nói trên được gắn một con chip điện tử có khả năng gửi và nhận tín hiệu qua “cửa hậu” hoặc một loại mã độc nào đó, mọi hoạt động nghe, gọi, truy cập mạng và thu phát tín hiệu mạng của người dùng, các cơ quan đều có thể bị rò rỉ.
Ông cũng chia sẻ thêm, dù đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng những nước công nghệ tiên tiến như Mỹ, Australia chưa tìm ra bất cứ một hoạt động gián điệp nào từ các thiết bị nói trên.
Dưới đây là một số sản phẩm thông dụng của ZTE và Huawei tại Việt Nam:
Những chiếc USB 3G dù dán nhãn Viettel, MobiFone hay VinaPhone nhưng hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể, các hãng này đều đặt hàng từ cả Huawei và ZTE, trong đó các model phổ biến như Huawei E173Eu-1 và ZTE MF190S được ưa chuộng hơn cả. Model USB 3G MF190S của VinaPhone có xuất xứ từ ZTE.
Viettel, MobiFone và Vietnamobile đều sử dụng chiếc USB 3G E173Eu-1 của Huawei.
Modem phát Wi-Fi của VNPT cũng là "hàng ZTE".
VinaPhone cho ra mắt trọn gói bộ hòa mạng Alo từ tháng 1/2009. Dòng điện thoại mà họ sử dụng cho bộ hòa mạng này là hai model T156 và T202 của Huawei.
Điện thoại cố định không dây hiện không còn được sử dụng nhiều, nhưng cách đây một vài năm, nó từng được lắp đặt ồ ạt nhờ các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Đây là chiếc Gphone của VNPT, sản xuất bởi ZTE.
Nhắc đến các loại router Wi-Fi 3G (dùng kết nối 3G, có thể phát Wi-Fi), người ta nghĩ ngay đến Huawei.
Theo thống kê, ba nhà mạng hàng đầu Việt Nam là Viettel, MobiFone, VinaPhone mỗi hãng đều đã lắp đặt trên dưới 30.000 trạm BTS khắp toàn quốc, cung cấp bởi Huawei và ZTE.
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét