Popigai là tên một miệng hố có đường kính 100 km ở vùng Siberia của Nga. Nó cũng là một trọng 4 hố thiên thạch mà con người đã biết. Khoảng 35,7 triệu năm trước, một thiên thạch có chiều dài từ 5 tới 8 km đã lao xuống vùng Siberia và tạo nên hố Popigai. Một vỉa kim cương đã tồn tại trước khi thiên thạch lao xuống mặt đất. Do thiên thạch có kích thước lớn và lao xuống với tốc độ cực nhanh, nó làm tăng độ cứng của vỉa kim cương bên dưới hố Popigai.
Các chuyên gia ước tính rằng, với trữ lượng lên tới vài nghìn tỷ carat, mỏ kim cương bên dưới hố Popigai có thể cung cấp kim cương cho thị trường thế giới trong 3.000 năm, Christian Science Monitor cho hay. Một carat tương đương 200 mg.
Ông Nikolai Pokhilenko, giám đốc Viện Địa chất và Khoáng sản Novosibirsk, cho biết, những viên kim cương bên dưới hố Popigai có độ cứng gấp hai lần so với kim cương thường. Với độ cứng như thế, chúng là nguyên liệu lý tưởng dành cho các sản phẩm công nghiệp và hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông cũng khẳng định trữ lượng bên dưới hố Popigai lớn gấp 10 lần tổng trữ lượng của các mỏ kim cương trên toàn thế giới.
Một số báo từng đưa tin chính phủ Liên Xô cũ phát hiện kim cương bên dưới hố Popigai vào thập niên 70, nhưng họ quyết định giữ kín thông tin để không làm đảo lộn thị trường kim cương thế giới và giảm lợi nhuận của mỏ kim cương Mirny ở phía đông của liên bang. Hồi ấy khối lượng kim cương mà mỏ Mirny khai thác mỗi năm lên tới vài chục triệu carat. Ngoài ra, trước đó chính phủ Liên Xô cũng đầu tư rất nhiều tiền cho việc sản xuất kim cương nhân tạo. Do đó họ chủ trương giấu kín mỏ kim cương Popigai để “gặt hái” thành quả của các khoản đầu tư.
Pokhilenko nói rằng Viện Địa chất và Khoáng sản Novosibirsk và công ty khai thác kim cương Alrosa thuộc sở hữu nhà nước sẽ phái một đoàn chuyên gia tới hố Popigai để tìm hiểu tiềm năng kinh tế của mỏ kim cương bên dưới.
Theo Vnexpress.net