Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Những phát minh để đời của nhà khoa học Nikola Tesla

Nikola Tesla là một nhà phát minh, nhà vật lý, kĩ sư cơ khí, kĩ sư điện tử thiên tài người Serbia sống ở những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Ông được biết đến với những cống hiến mang tính cách mạng trong lĩnh vực điện và từ trường của mình. Có trong tay hàng trăm phát minh, sáng chế nhưng thật tiếc trong suốt cuộc đời Nikola Tesla chưa từng được nhận giải thưởng Nobel ( thứ nhiều người nghĩ ông xứng đáng có được). Tesla sống cùng thời đại với Edison nhưng nếu như nhà phát minh Thomas Edison là một mẫu người khá thực tế, đạt được nhiều lợi nhuận từ nhưng thành tựu của mình thì con người Tesla đơn giản, kì lạ và "chân phương" hơn rất nhiều nên ông không được nhiều người biết đến và cũng không nhận được nhiều lợi lộc. Tuy nhiên chúng ta sẽ đề cập đến con người ông trong một bài viết khác.

Những đóng góp của ông khi còn sống đã đặt nền móng cơ bản cho sự phát triển của cuộc sống hiện đại bây giờ. Như Bernard Arthur Behrend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Edison từng phát biểu : “Nếu chúng ta xóa đi tất cả công trình mà Tesla đóng góp cho ngành công nghiệp thì bánh xe sẽ nhất loạt ngừng chạy, toa tàu và đầu tàu điện sẽ đứng yên tại chỗ, thành phố sẽ tối om, nhà máy xay bột sẽ ngừng hoạt động”. Bài viết này Genk xin giới thiệu tới các bạn về một số phát minh để đời của nhà phát minh lỗi lạc này.




Từ trường quay (1882):

Tesla sinh ngày 10/7/1856 trong một gia đình người Serbia ở vùng biên giới của đế quốc Áo-Hung, ngày nay là Croatia. Khi còn thiếu niên, Tesla học kỹ thuật ở trường Bách khoa Joanneum ở Graz, Áo. Ở đó, những bài giảng về vật lý của giáo sư Jacob Poeschl đã cuốn hút rất nhiều người trẻ tuổi. Một ngày, khi quan sát giáo sư của mình đang cố gắng khắc phục hiện tượng phát tia lửa điện từ các chổi quét đảo mạch của một động cơ DC (điện một chiều), Tesla đã nảy ra ý tưởng chế tạo một loại động cơ mà không cần đến bộ đảo mạch, anh lập tức đề xuất với thầy. Bực mình vì sự ngang bướng của học trò, Poeschl đã diễn giải một tràng dài về sự bất khả thi trong việc chế tạo một loại động cơ như vậy.

Nhưng chính những lời quở trách đấy đã thổi bùng lòng nhiệt huyết và quyết tâm của tuổi trẻ trong Tesla. Sau hai năm miệt mài nghiên cứu, một ý tưởng xuất thần đã đến với ông : sử dụng từ trường quay cho chiếc động cơ của mình. Tesla đã thấy rằng, nếu từ trường trong stator mà quay, nó sẽ làm cảm ứng một điện trường trên rotor và do đó khiến cho rotor quay. Ông cũng bắt đầu hình dung ra rằng, từ trường quay có thể được tạo ra bằng việc sử dụng AC (điện xoay chiều) thay vì DC, nhưng ở thời điểm đó ông vẫn chưa biết làm thế nào để biến ý tưởng này thành hiện thực.

Động cơ điện xoay chiều AC (1883):

Trong vòng một năm ngay sau ý tưởng về từ trường quay, Tesla đã chế tạo được chiếc động cơ điện xoay chiều AC đầu tiên của mình. Dòng điện xoay chiều đã tạo ra sự thay đổi từ trường ở bên trong chính stator (phần tĩnh), thay vì việc thay đổi cực từ ở rotor (phần động - khối quay) như các các động cơ một chiều. Cấu hình mới này đã loại bỏ việc phát sinh ra các tia lửa điện như ban đầu. Việc phát hiện ra từ trường quay sẽ được áp dụng trong chính những thế hệ máy phát điện AC và máy biến áp tiếp theo.

Cuộn Tesla (1890) :


Cuộn Tesla là một trong những phát minh nổi tiếng nhất của Tesla. Về cơ bản, nó là một máy biến áp cao tần lõi không khí. Nó nhận điện áp ra từ 120vAC từ máy biến áp và mạch điều khiển vài kilovolt và và tăng áp lên đến một điện áp cực cao được phóng thích dưới dạng các cung hồ quang điện. Cuộn Tesla độc đáo ở chỗ chúng tạo ra các điện trường cực mạnh. Những cuộn dây lớn có thể thắp sáng các bóng đèn huỳnh quang không cần dây nối cách xa 50 feet, và do điện trường tác động trực tiếp thành ánh sáng và không sử dụng các điện cực, cho nên ngay cả những bóng đèn huỳnh quang đã hỏng cũng sẽ phát sáng.




Radio (1887):

Năm 1887, Tesla đã gửi một đường truyền không dây từ phòng thí nghiệm của ông tại Houston Street ở New York tới một con thuyền trên sông Hudson cách xa 25 dặm (40km). Lẽ ra ông đã có thể thực hiện được điều này sớm hơn nhưng phòng thí nghiệm của ông đã bị thiêu rụi hoàn toàn trước đó. Tesla còn phát minh ra tất cả những thứ liên quan đến sóng phát thanh như ăng-ten, dây và các thứ khác nhưng một nhà phát minh tên Guglielmo Marconi lại được ghi nhận là cha đẻ của chúng. Năm 1943, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết bằng sáng chế được trao cho Tesla, nhưng công chúng vẫn chưa công nhận điều này và vẫn coi Marconi là người sáng chế ra radio.

Ngoài ra, Tesla đã dựa trên những phát hiện của mình để rồi sau đó tạo ra chiếc thuyền điều khiển từ xa không dây đầu tiên, đèn huỳnh quang và đèn neon ( có thể tạo thành chữ), bóng đèn không dây hoạt động bởi năng lượng từ Trái Đất và một nhà máy sử dụng điện AC để khai thác năng lượng thủy điện của Thác Niagara. Tesla thậm chí đã chạm một tay vào công cuộc sáng tạo ra rô-bốt.


Nikola Tesla qua đời vào ngày 7/1/1943 ở tuổi 86 trong cảnh “không một xu dính túi” tại phòng 3327 khách sạn New Yorker ở Mỹ. Được biết nhiều với những suy nghĩ kì quặc như cho rằng mình đã liên hệ được với người ngoài hành tinh; yêu một chú chim bồ câu, tính cách lập dị nhưng những phát minh vĩ đại của ông có sức ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ nhân loại và đặt nền móng cơ bản cho nền công nghệ hiện đại phát triển như ngày nay.


Tham khảo: Howstuffworks

Không có nhận xét nào:

DBS M05479
Quang Cao