Nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ 3 bùng nổ đang cận kề?
"Quả bom" Arab
Đối với thế giới Arab, cuộc cách mạng mùa xuân Arab giống như một cơn lốc xoáy bất ngờ ập đến làm rung chuyển những bức thành trì vững chắc nhất của hệ thống chính trị độc tài tại đây, tạo ra nhiều chuyển đổi mang tính lịch sử.
Hơn một năm từ ngày bùng nổ, cuộc cách mạng vẫn chưa lắng xuống khi khủng hoảng Syria vẫn kéo dài và đang lan rộng sang các quốc gia láng giềng, làm rối loạn tình hình chính trị-xã hội của các quốc gia này.
Điển hình, trên đường phố Lebanon gần đây diễn ra hàng loạt cuộc bạo lực sắc tộc làm chết và bị thương hàng trăm người. Với những mâu thuẫn nội bộ sẵn có giữa các nhóm sắc tộc, cùng với vị trí trung tâm các mối quan hệ đan xen tại khu vực, Lebanon đang đối mặt với nguy cơ quay lại vòng xoáy xung đột.
Giữa bối cảnh đó, Thủ tướng Syria, Wa'el al-Halki gần đây tuyên bố, nước ông đang lâm nguy khi phải đối mặt với một mưu đồ đáng sợ và khủng khiếp hơn những gì người ta có thể tưởng tượng. Âm mưu ấy do Mỹ, các cường quốc phương Tây, cũng như một số “đại gia” khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Saudi Arabia sắp đặt và chính là biểu hiện cho một cuộc chiến tranh thế giới mới. Trong đó, không chỉ các biện pháp quân sự mà các công cụ thông tin, kinh tế và chính trị cũng được vận dụng tối đa nhằm giúp các quốc gia trên giành được những gì họ muốn.
Dường như Damascus ngày càng cảm nhận rõ hơn về thực tế, họ đang đóng vai trò như là con tốt trên bàn cờ địa chính trị quốc tế mà Mỹ và phương Tây muốn thao túng để chống lại Nga, Trung Quốc và Iran.
Khủng hoảng Syria đã kéo dài hơn một năm qua và đến nay vẫn bế tắc.
Pravda dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về chính sách kinh tế và doanh nghiệp, Yevgeny Fyodorov cho biết: “Syria đang phải chống chọi lại một cuộc xâm lược trắng trợn từ bên ngoài. Họ không phải là nạn nhân đầu tiên và duy nhất vì đã có Libya, Ai Cập, Tunisia và một vài quốc gia khác trước đó. Tuy nhiên,Syria không dễ khuất phục vì các lý do lịch sử, vì thực tế người Syria hiểu nội chiến là thế nào và họ không mong muốn kịch bản tồi tệ đó lặp lại”.
Ngoài ra, ông Yevgeny cũng có cái nhìn khá tương đồng với Thủ tướng Syria, Wa'el al-Halki khi nhấn mạnh đến vai trò của “thế giới sau hậu trường” trong khủng hoảng Syria liên quan đến một âm mưu lớn, khủng khiếp với mục đích gây bất ổn toàn cầu: “Ngày nay, chiến lược của Mỹ, kẻ sắp đặt cuộc xâm lược Syria chính là thao túng thành công nước này mà không cần phải kéo quân đội tràn vào lãnh thổ của họ. Trên thực tế, họ không muốn và cũng khó lòng có khả năng triển khai xe tăng, chiến hạm, máy bay và súng ống ở đây. Sự kháng cự của Syria cho tới nay giúp thế giới tránh được một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3. Lý do đơn giản, sau khi thâu tóm được Syria, Mỹ và đồng minh của họ sẽ không dừng lại. Họ sẽ tiếp tục tấn công vào Iran, sau đó, sẽ là Ukraine và Belarus. Chưa dừng lại, Mỹ cũng có thể gây hiềm khích để Ấn Độ và Trung Quốc chống lại nhau. Chuyện này từng xảy ra và có nhiều lý do để tin rằng, nó sẽ lặp lại”, Pravda dẫn lời ông Yevgeny.
Theo các nhà phân tích, do phương Tây và Mỹ đang duy trì quan điểm, để thiết lập được chỗ đứng vững chắc ở Trung Đông, không còn cách nào khác là phải thay đổi chế độ chính trị ở Syria. Và một chiến dịch can thiệp vào Syria có thể xảy ra bởi Mỹ hoặc bất cứ đồng minh châu Âu hay khu vực nào của nước này chắn chắn sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các cường quốc thế giới. Khi đó, chiến trường sẽ chia làm hai phe, một bên là phe nổi dậy được Mỹ và phương Tây đỡ đầu chống lại chính phủ Syria do Nga, Trung Quốc và Iran hỗ trợ.
"Chảo lửa" Trung Đông
Một điểm nóng đang sục sôi khác trong khu vực, đầy tiềm năng thổi bùng lên cuộcchiến tranh thế giới thứ 3, đe dọa hủy diệt cả thế giới không đâu khác ngoài Iran. Mối bất đồng sâu sắc giữa Iran, Israel và Mỹ liên quan đến chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt. Không những thế, mối bất hòa ấy ngày càng trở nên gay gắt và dữ dội hơn bởi thái độ khiêu khích và hiếu chiến của chính quyền Thủ tướng Netanyahu.
Bất hòa ngày càng gay gắt liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, liệu Iran và Israel có đủ kiềm chế để tránh được cuộc chiến tranh hủy diệt cả hai?
Không ngại bày tỏ kiên định lập trường tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran, gần đây, Tel Aviv liên tục Mỹ phải đặt “giới hạn đỏ” với Iran và nhấn mạnh, "Iran sẽ không chấm dứt chương trình hạt nhân nếu không thấy rõ quyết tâm của thế giới để ngăn chặn họ". Thậm chí, Israel còn dự trù tấn công Iran trong vòng một tháng và sẵn sàng chấp nhận các thiệt hại do chiến tranh mang lại.
Bộ trưởng An ninh Nội địa của Israel Matan Vilnai ra tuyên bố, cuộc chiến với Iransẽ diễn ra “trên nhiều mặt trận” và “Israel đã sẵn sàng hơn bao giờ hết”. Ttrong một chuyến thăm Anh khá kín tiếng hồi tháng trước, người đứng đầu Chính phủIsrael, Thủ tướng Netanyahu thậm chí khẳng định, không ai có quyền ngăn cản nước ông hành động chống lại những “nguy cơ chết người” đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của Nhà nước Do thái.
Trong khi đó, về phía Iran, Tehran nhiều lần cảnh báo sẽ lập tức đáp trả các cuộc tấn công bởi Israel và Mỹ bằng tên lửa hạt nhân và khẳng định, tên lửa của họ luôn ở trong trạng thái sẵn sàng tấn công nếu chiến tranh bùng nổ.
“Tên lửa của chúng tôi có khả năng nhắm mục tiêu và các căn cứ của kẻ địch trong khu vực, ở bất cứ phạm vi nào với khả năng hủy diệt cao. Chúng tôi đã phát triển thành công nhiều loại tên lửa hiện đại”, Phó Tư lệnh IRGC, Chuẩn tướng Hossein Salami hôm qua nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chuẩn tướng Hossein Salami cũng cảnh báo, các binh đoàn bộ binh Iranhoàn toàn có khả năng đánh bại Israel chỉ trong vòng 24 giờ. Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), Tướng Mohammad Ali Jafari gia tăng sức mạnh cho cảnh báo trên bằng tuyên bố, Israel phát động cuộc chiến nhằm vào Iran sẽ chỉ càng khiến nhà nước Do Thái bị hủy diệt. Còn Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, Tư lệnh lực lượng tên lửa thuộc Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào lãnh thổ Iran sẽ châm ngòi cho một cuộc “Chiến tranh thế giới thứ 3".
"Thùng thuốc súng" trên biển Hoa Đông
Từ Trung Đông hướng về châu Á-Thái Bình Dương, bóng ma của một cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3 cũng thấp thoáng hiện ra phía chân trời. Nó bắt nguồn từ căng thẳng đang leo thang lên đến đỉnh điểm liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa hai đại gia châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản trong suốt tuần qua.
Trên thực tế, mối bất đồng liên quan đến chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã luôn âm ỉ cháy trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, bản hợp đồng mua ba đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và chủ sở hữu tư nhân, gia tộc Kurihara được tiết lộ hôm 11/9 đã “đổ thêm dầu vào lửa”, nối dài căng thẳng giữa hai nước. Làn sóng biểu tình chống Nhật mạnh mẽ và gay gắt lập tức diễn ra trên khắp Trung Quốc.
Hàng nghìn người Trung Quốc xuống đường biểu tình chống Nhật "quốc hữu hóa" đảo tranh chấp.
Trên khắp các đường phố, hàng nghìn người Trung Quốc xuống đường cùng với băng rôn, khẩu ngữ lên án thương vụ mua đảo của láng giềng đồng thời mạnh mẽ yêu cầu Nhật Bản phải trao trả lại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cho họ. Đồng thời, những người biểu tình quá khích còn ném cà chua, trứng, chai lọ vào Đại sứ quánNhật Bản tại Bắc Kinh, đốt phá xe hơi, quốc kỳ Nhật Bản và kêu gọi tẩy chay hàng hóa do láng giềng sản xuất. Tình hình này khiến hàng loạt các doanh nghiệpNhật Bản có cơ sở ở Trung Quốc phải đóng cửa, gây ra những thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Trong khi đó, hiện cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đều triển khai tàu giám hải tới vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp, nhằm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ. Điều này là làm gia tăng lo ngại về một cuộc đụng độ tiềm năng trong trường hợp lực lượng quân đội hai bên thiếu bình tĩnh và kiềm chế.
Trong những thời điểm căng thẳng nhất, giới quân sự Trung Quốc liên tục ra cảnh báo liên quan đến “quyền hành động” đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nếu Chính phủ Nhật Bản tiếp tục phớt lờ các tuyên bố của họ. Trong những năm qua,Trung Quốc ngày càng thể hiện thái độ cứng rắn hơn đối với các tuyên bố liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của họ. Báo chí Trung Quốc cảnh báo, Nhật Bản cần chấm dứt "trò đùa với lửa" và nhấn mạnh, thương vụ mua đảo của nước này đặt ra “thách thức trắng trợn nhất đối với chủ quyền của Trung Quốc kể từ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc”.
Sau đó, nhằm răn đe láng giềng bằng động thái cụ thể, các lực lượng vũ trangTrung Quốc liên tục tập trận quy mô lớn trên biển, trên không và trên mặt đất từ đầu tháng đến nay. Dù các cuộc tập trận không diễn ra ở những khu vực nhất định, hoặc gần khu vực tranh chấp nhưng việc chúng diễn ra đồng thời, liên tục tại nhiều nơi trên nhiều mặt trận đủ để thấy hàm ý răn đe rõ rệt của Trung Quốc đối với Nhật Bản.
Như là hành động đáp trả, mới đây Lực lượng Phòng vệ trên bộ (JGSDF) nước này và lính thủy đánh bộ Mỹ cũng tổ chức tập trận chung tại đảo Guam hôm 22/9. Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, nội dung cuộc tập trận giả định giành lại quyền kiểm soát một hòn đảo bị lực lượng nước ngoài chiếm giữ. Có vẻ như với sự đỡ đầu từ Mỹ, Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm năng vớiTrung Quốc.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, một cuộc chiến tiềm năng giữa hai “đại gia” châu Á chắc chắn dẫn đến sự can thiệp từ Mỹ bởi các lợi ích của cường quốc số 1 thế giới gắn liền với an ninh của “đồng minh ruột” Nhật Bản. Và rõ ràng một cuộc chiến như vậy sẽ trở thành thảm họa cho an ninh khu vực cũng như toàn thế giới.
Theo Infonet