Hiển thị các bài đăng có nhãn thiên văn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thiên văn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Sao Băng rơi là gì?

Giải thích một cách khoa học, sao băng là hiện tượng một loại vật chất vũ trụ bay vào tầng khí quyển của trái đất bị cọ xát và phát sáng.

Sao Băng rơi

Vốn là trong không gian vũ trụ gần trái đất, ngoài các hành tinh còn có các loại vật chất vũ trụ, cũng giống như ở đại dương ngoài cá, tôm, nghêu sò còn có các loại sinh vật nhỏ khác. Trong số vật chất vũ trụ đó, loại nhỏ như hạt bụi, loại lớn như trái núi, chúng vận hành theo tốc độ và quỹ đạo riêng. Bản thân chúng không tự phát sáng. Đôi khi chúng bay thẳng về phía trái đất với tốc độ rất nhanh, từ 10 km tới 70-80 km/giây, nhanh gấp nhiều lần máy bay nhanh nhất hiện nay.
Mưa sao băng

Nhưng khi bay vào khí quyển trái đất với tốc độ nhanh như vậy, chúng cọ xát với các phần tử của khí quyển khiến không khí bị đốt nóng tới mấy nghìn độ, thậm chí mấy vạn độ, bản thân của vật chất vũ trụ cũng bị đốt cháy và phát sáng. Nhưng chúng không cháy hết ngay mà cháy dần dần theo quá trình chuyển động, tạo thành vật chất sáng hình vòng cung mà ta nhìn thấy.
Có trường hợp vật chất vũ trụ quá lớn không kịp cháy hết và rơi xuống trái đất, người ta gọi chúng là các thiên thạch. Do mật độ khí quyển dày đặc nên rất ít khi có thiên thạch rơi xuống mặt đất, mà thường cháy hết trên đường đi.
Có những sao băng chỉ là các vị khách qua đường. Chúng sượt ngang bầu khí quyển trái đất với tốc độ cực lớn rồi lại tiếp tục hành trình vào vũ trụ xa xăm.

Truyền thuyết của Trung Quốc và một số nước châu Á đều thêu dệt nhiều chuyện ly kỳ về sao băng. Trong đó, truyền thuyết phổ biến nhất cho rằng: mỗi người sống trên trái đất tương ứng với một vì sao trên trời. Khi người nào chết, vì sao tương ứng với người đó sẽ rơi xuống đất. Cách đặt vấn đề như vậy rõ ràng không có cơ sở khoa học. Trái đất giờ có hơn 5 tỷ người. các vì sao trong vũ trụ kể cả vì sao không nhìn thấy được có hơn 100 tỷ.Với lại trong lịch sử của loài người chưa bao giờ xảy ra hiện tượng các vì sao “rơi xuống” trái đất.

Nhật thực là gì?

Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời và quan sát từ Trái Đất, lúc đó Mặt Trăng che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra tại thời điểm sóc trăng non khi nhìn từ Trái Đất, lúc Mặt Trời và Mặt Trăng giao hội và bóng của Mặt Trăng phủ lên Trái Đất. Trong lúc nhật thực toàn phần, đĩa Mặt Trời bị che khuất hoàn toàn. Với nhật thực một phần hoặc hình khuyên, đĩa Mặt Trời chỉ bị che khuất một phần.


Nếu Mặt Trăng có quỹ đạo tròn hoàn hảo, gần hơn Trái Đất một chút, và trong cùng mặt phẳng quỹ đạo, sẽ có nhật thực toàn phần xảy ra mỗi lần trong một tháng. Tuy nhiên, quỹ đạo của Mặt Trăng nghiêng hơn 5° so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời (xem mặt phẳng hoàng đạo), do vậy bóng của Mặt Trăng lúc trăng non thường không chiếu lên Trái Đất. Để hiện tượng nhật thực cũng như nguyệt thực xảy ra, Mặt Trăng phải đi qua mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất. Hơn nữa, quỹ đạo của Mặt Trăng có hình elip, và nó thường ở đủ xa Trái Đất khiến cho kích cỡ biểu kiến của nó không đủ lớn đểche khuất hoàn toàn Mặt Trời lúc nhật thực. Mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng và của Trái Đất mỗi năm cắt nhau tại các điểm nút lên và nút xuống của quỹ đạo; và có ít nhất là 2 và nhiều nhất là 5 lần nhật thực xảy ra trong một năm, cũng không thể có nhiều hơn hai lần nhật thực toàn phần trong cùng một năm.Tuy nhiên, tại một nơi cụ thể trên Trái Đất, hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra là rất hiếm bởi vì bóng của Mặt Trăng trong lúc hiện tượng này xảy ra đổ lên Trái Đất theo một dải hẹp và trong thời gian ngắn, với lần lâu nhất khoảng 7 phút (nhật thực toàn phần ngày 20 tháng 7, 1955).



Hiện tượng che khuất là hiện tượng của tự nhiên. Tuy thế, trong lịch sử cổ đại và quan niệm của một số người hiện đại, nhật thực thuộc về hiện tượng siêu nhiên. Hiện tượng nhật thực toàn phần gây ra sự sợ hãi đối với người dân thời cổ đại do thiếu hiểu biết về thiên văn học, khi Mặt Trời dường như biến mất vào ban ngày và bầu trời tối đen trong vài phút.


Rất nguy hiểm cho mắt khi nhìn trực tiếp vào Mặt Trời. Do vậy để quan sát hiện tượng nhật thực trực tiếp cần sử dụng các loại kính bảo vệ mắt hoặc quan sát gián tiếp hình ảnh lúc nhật thực. Nhưng khi xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần, mắt có thể an toàn quan sát hiện tượng này trong lúc Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời. Những người ưa thích hiện tượng này thường đi du lịch đến những nơi sắp xảy ra để chứng kiến và chụp ảnh.

Theo Wikipedia

Mặt Trăng Máu

Mặt Trăng Máu là hiện tượng đặc biệt của nguyệt thực toàn phần. Khi Trái Đất che phủ hoàn toàn Mặt Trăng lúc đó, Mặt Trời sẽ chiếu ánh sáng vào Mặt Trăng nhưng thay vì có màu vàng như thường lệ Mặt Trăng sẽ có màu đỏ, vì vậy người ta gọi là hiện tượng “Mặt Trăng Máu”.


Theo các nhà khoa học cho biết ánh sáng từ Mặt trời bao gồm các màu sắc với nhiều bước sóng khác nhau. Khi ánh sáng này xuyên qua lớp khí quyển Trái đất, do hiện tượng tán xạ, các bước sóng ngắn như màu xanh, tím... sẽ bị khí quyển hấp thụ gần như hoàn toàn, chỉ còn ánh sáng có màu về phía đỏ - với bước sóng ánh sáng dài là có khả năng xuyên qua bầu khí quyển nhiều nhất.

Đồng thời, bầu khí quyển Trái đất như là một thấu kính hội tụ khổng lồ làm cho ánh sáng đỏ đi xuyên qua có xu hướng lệch về trục chính của vùng bóng tối. Ánh sáng này đã chiếu rọi Mặt trăng khi nó đi qua vùng này. Do đó, ta thấy Mặt trăng có màu đỏ khi diễn ra nguyệt thực.

Lý giải về hiện tượng Mặt Trăng có màu đỏ kì bí này các nhà khoa học cho biết, Mặt Trăng có thể có nhiều màu sắc lạ như vàng, xám, da cam, đỏ. Mặt Trăng có màu sắc gì sẽ phụ thuộc vào lượng bụi trong khí quyển. Lượng tro bụi càng nhiều thì màu sắc của Mặt Trăng càng đậm.

Lời tiên tri cho những điềm dữ có thể xảy ra

Từ thời cổ đại, nhiều dân tộc trên thế giới đã quan sát thấy hiện tượng thiên văn kỳ thú này. Tuy nhiên, với những khả năng nhận thức còn chưa hoàn thiện cũng như chưa có sự hỗ trợ của những công cụ quan sát hỗ trợ nên khiến nhiều tôn giáo và các dân tộc khác nhau đã nhận thức theo tín ngưỡng cho rằng đó là điềm báo dữ sắp xảy ra, thậm chí còn cho rằng đó là dấu hiệu ngày tận thế của Trái Đất.


Mặt Trăng có thể có nhiều màu sắc lạ như vàng, xám, da cam, đỏ tùy thuộc vào lượng bụi trong khí quyển

Người Trung Quốc khi quan sát hiện tượng nguyệt thực xảy ra đã cho rằng mặt trăng đã bị rồng hoặc gấu ăn mất. Và hình ảnh Mặt Trăng bị nhuốm đỏ là điềm dữ, báo hiệu nạn dịch đói sắp xảy ra.

Hay như Nhật Bản, một quốc gia thường xuyên xảy ra hiện tượng động đất, nên người dân đất nước này đã nghĩ rằng Mặt Trăng Máu xuất hiện đồng nghĩa với động đất sẽ xảy ra.

Còn đối với nhóm người tôn giáo, họ cho rằng đó là sự trừng phạt đối với loài người. Hình ảnh mặt trăng đỏ rực gắn liền với cái chết và hủy diệt của Trái đất.

Nhưng đối với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu thiên văn cho rằng đây chỉ là hiện tượng tự nhiên không có bất cứ tai ương hay ảnh hưởng gì, và còn là hiện tượng kỳ thú đáng mong đợi.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Việt Nam đón xem mưa sao băng đêm nay

Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Lyrids với khoảng 18 vệt/giờ vào đêm nay và rạng sáng mai.



Trong khoảng thời gian từ 16 đến 25/4 Việt Nam có thể quan sát được hiện tượng trên. Tuy nhiên, theo anh Đặng Tuấn Duy, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư Tp. HCM (HAAC), thời điểm tốt nhất để quan sát là từ sau nửa đêm hôm nay tới rạng sáng ngày mai, với tần suất trong điều kiện lý tưởng có thể đạt 18 sao băng/giờ.

Anh Duy cho biết thêm, mặc dù đây là trận mưa sao băng thuộc loại trung bình khá, nhưng các chuyên gia cho rằng tần suất của nó có xu hướng gia tăng đột ngột. "Vì thế, đây sẽ là trận mưa sao băng đáng chú ý nếu thời tiết cho phép và người xem nên tránh xa ánh đèn của thành phố", anh Duy nói.

Để quan sát tốt mưa sao băng Lyrids, người xem có thể dùng mắt thường, hướng về bầu trời phía đông bắc nơi có chòm sao Lyra. Đây là nơi chứa tâm điểm quan sát của trận mưa sao băng sau nửa đêm, khi chòm này với ngôi sao Chức Nữ (Vega) sáng lên cao so với chân trời.

Mưa sao băng diễn ra khi trái đất đi ngang qua đám mây bụi khí (mảnh vụn đá bụi thiên thạch) do các sao chổi hay tiểu hành tinh để lại.

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Cảnh tượng sao chổi ở bán cầu nam

Sao chổi Pan-STARRS trở thành tâm điểm trên bầu trời đêm của giới yêu thiên văn tại bán cầu nam trong những ngày đầu tháng 3.


Một kính thiên văn trên đảo Hawaii, Mỹ phát hiện Pan-STARRS vào năm 2011, khi nó đang bay giữa sao Mộc và sao Thổ. Trong ảnh, ta có thể thấy vệt sao chổi xuất hiện phía trên sa mạc Atacama ở Nam Mỹ vào đầu tháng 3. Ảnh:ESO.

Tới năm 2013, độ sáng của Pan-STARRS tăng hàng triệu lần. Nó đã tới sát mặt trời nhưng không tan vỡ như những sao chổi khác. Đây là ảnh cận cảnh sao chổi phía trên thành phố Buenos Aires, Argentina vào ngày 3/3. Ảnh: Diaz Bobillo.

Ngày 5/3, sao chổi tiếp tục bay về phía mặt trời và cách trái đất khoảng 160 triệu km. Nó rạch ngang bầu trời phía trên vùng Vicuna, Chile trong ánh sáng hoàng hôn. Ảnh: Emilio Lepeley.

Vệt sao chổi phía trên kính thiên văn radio mang tên CSIRO Parkes tại bang New South Wales, Australia vào ngày 5/3.

Cảnh tượng sao chổi phía trên núi Wellington, đảo Tasmania, Australia vào ngày 4/3. Ảnh: Luke O'Brien.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Rất khó tránh nếu thiên thạch rơi ở Việt Nam

Việt Nam hiện chưa có khả năng và phương tiện quan sát hiện tượng thiên thạch rơi. Nếu một thiên thạch như ở Nga rơi xuống thì đành bó tay, tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết.



- Vụ thiên thạch rơi ở Nga gây chấn động thế giới. Vậy đặt tình huống nếu thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì chúng ta có thể phát hiện, cảnh báo trước được không?

- Ở Việt Nam chưa cơ quan nào có khả năng cũng như phương tiện để quan sát được hiện tượng thiên thạch rơi. Việc quan sát này đòi hỏi những kính thiên văn rất lớn.

Người ta thống kê trong khoảng 300-400 năm trở lại đây, có khoảng 20 thiên thạch trọng lượng vài tấn tới vài chục tấn rơi xuống trái đất ở vị trí khác nhau. Bề mặt trái đất rất rộng nên xác suất thiên thạch rơi một vị trí xác định nào đó là rất nhỏ. Do đó, thiên thạch rơi ở chỗ nào thì mình cũng phải chịu thôi chứ không có cách nào phòng tránh cả.

Hiện tượng này khá nguy hại tới trái đất song xác suất tương đối nhỏ. Bởi vì những thiên thạch rơi cỡ như ở Nga thì khoảng 100 năm mới có một lần.

- Trong lịch sử, Việt Nam từng ghi nhận vụ rơi thiên thạch nào gây thiệt hại chưa?

- Có những biểu hiện cho thấy Việt Nam từng bị thiên thạch rơi xuống khi người ta tìm thấy những mẫu đá tên là đá tectic ở Lâm Đồng, Tây Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng. Tectic hình thành khi thiên thạch rơi xuống trái đất. Thường tectic không phải là những mảnh vụn thiên thạch mà là những mảnh nham thạch có nguồn gốc từ trái đất bị nóng chảy do sự va đập của thiên thạch. Tuy nhiên, thiên thạch rơi vào Việt Nam tại thời điểm nào, tác động, thiệt hại ra sao thì các nhà khoa học chưa tìm ra câu trả lời.

- Nếu chưa đủ phương tiện, Việt Nam có liên kết với cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ và Nga để cảnh báo sớm không, thưa ông?

- Thực ra, Việt Nam chưa có cơ quan nào được giao trách nhiệm chính thức để chuyên theo dõi về thiên thạch cũng như tác động của nó. Các cơ quan hàng không vũ trụ của Nga và Mỹ vẫn liên tục thông tin cho các nước khi họ có thông tin. Giả sử nếu họ tính toán được quỹ đạo tương đối chính xác của vật thể thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì họ sẽ thông báo cho nước ta.

- Nếu có cảnh báo về việc thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì chúng ta có giải pháp gì để phòng tránh?

- Hiện nay, việc phòng tránh rất khó và chưa có cách nào khả thi để ngăn chặn. Ngay cả ở Nga, có đầy đủ các phương tiện hiện đại, với lịch sử nghiên cứu khá lâu song vẫn bị thiệt hại nặng nề khi có thiên thạch rớt xuống. Có thể trong tương lai, nếu khoa học tiến bộ hơn, quan sát vũ trụ được tốt hơn thì sẽ dự đoán chính xác hơn còn hiện tại thì phải chấp nhận.

Theo Theo Người Lao Động

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Ảnh thiên văn ấn tượng nhất năm 2012

Tinh vân có hình dạng giống mắt khổng lồ, cảnh tượng vật chất bùng phát trên mặt trời, nhật thực tại Philippines là những cảnh tượng vũ trụ ấn tượng nhất trong năm theo bình chọn củpla National Geographic.

Tinh vân Helix là tàn dư của một ngôi sao khổng lồ đang hấp hối. Trước khi Helix chết, vật chất của nó phun ra khoảng không gian xung quanh. Ảnh: ESO.

Cực quang xuất hiện cùng trăng tròn ở phía trên Longyearbyen, một thị trấn của Na Uy và tọa lạc ở Bắc Cực vào tháng 6. Ảnh: Max Edin.

Bức ảnh bầu trời phía trên bán đảo Mornington của Australia được chụp ở chế độ phơi sáng lâu. Ảnh: TWAN.

Cực quang xuất hiện khi Trạm Không gian Quốc tế bay phía trên Ấn Độ Dương hồi tháng 3. Tàu Soyuz (giữa) và tàu vận tải Progress (phải) của Nga kết nối với trạm. Ảnh: NASA.

"Chổi phù thủy" là tên mà các nhà thiên văn dùng để gọi tàn dư của một vụ nổ sao siêu lớn. Ngôi sao này cách trái đất 1.400 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Cygnus. Ảnh: APOY.

Một vùng ở cực bắc sao Hỏa có hình dạng giống con chim bồ câu màu trắng pha nâu. Những đụn cát có màu nâu, còn băng carbon dioxide có màu trắng.

Cảnh nhật thực trên bầu trời Philippines hồi tháng 5. Ảnh: AP.

NGC 2359, tinh vân cách trái đất 15.000 năm ánh sáng, còn được gọi là "Mũ sắt của thần Thor". Ảnh: SSRO.

Vật chất bùng lên từ tầng thượng quyển của mặt trời với vận tốc lên tới 1.440 km/giây trong một bức ảnh do phi thuyền của Mỹ chụp vào ngày 17/9. Ảnh:NASA.

Hai đám khói giống như dải lụa trắng mỏng manh trên bầu trời bang Virginia, Mỹ. Chúng là sản phẩm của một vụ phóng tên lửa hồi tháng 3. Ảnh: NASA.


Theo Vnexpress.net

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Sắp có mưa sao băng đẹp nhất năm

Geminids, trận mưa sao băng rực rỡ nhất năm với số sao băng đạt cực điểm 120 vệt mỗi giờ diễn ra cuối tuần sau. Đây cũng là hiện tượng thiên văn quan trọng cuối cùng của năm nay.





Anh Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM cho biết, người xem có thể quan sát các sao băng trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 17/12. Theo dự báo của Tổ chức sao băng quốc tế (IMO), cực điểm của hiện tượng vào lúc 6h30 sáng 14/12 giờ Hà Nội, với tần suất xấp xỉ 120 sao băng mỗi giờ.

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Top 10 phát minh vĩ đại của Newton - Phần 2

Có lẽ chúng ta ai cũng biết đến thiên tài Issac Newton qua câu chuyện kinh điển “quả táo rơi vào đầu” làm nảy sinh ý tưởng về thuyết vạn vật hấp dẫn. Nhưng không chỉ vậy, ông còn là người có những phát minh vĩ đại, đem đến cho thế giới nhiều thành tựu quý giá.



Sinh ra là con của một người nông dân thất học nhưng ông đã từ giã cõi đời như một nhà bác học thật sự. Ông có kiến thức uyên thâm ở các lĩnh vực hóa học, toán học, vật lý học, thiên văn học và thần học. Dòng chữ “Let men rejoice that so great a glory of the human race has appearred” “Loài người nên hoan hỉ rằng một vinh quang lớn lao bực ấy của nhân loại đã xuất hiện” khắc trên mộ của Newton tại điện Westminster đã thể hiện sự kính nể của nhân loại đối với ông.

Bài viết này xin giới thiệu 10 thành tựu tiêu biểu trong cuộc đời ông.

10. Pháo quỹ đạo của Newton

Là một nhà vật lý, ông có niềm đam mê khám phá về cơ chế, tính chất hoạt động của trường lực trên trái đất. Trong việc lập ra thuyết vạn vật hấp dẫn, Newton đã hình dung một ngọn núi khổng lồ nơi ông đặt pháo quỹ đạo khổng lồ của mình. Tất nhiên là nhà khoa học không định gây chiến với ai đó ngoài vũ trụ cả. Thí nghiệm được sử dụng để đưa ra giả thuyết rằng vạn vật đều phụ thuộc vào lực hấp dẫn và nó là động lực quan trọng cho chuyển động của các hành tinh .






Nếu không có lực hấp dẫn hoặc sức cản không khí, quả pháo sẽ bay theo một đường thẳng từ trái đất. Nếu lực hấp dẫn tác động lên quá pháo, nó sẽ bay theo đường tùy thuộc vào vận tốc ban đầu của nó .

- Tốc độ thấp , nó chỉ đơn giản là sẽ rơi trở lại trên Trái đất. Nếu tốc độ là tốc độ quỹ đạo, nó sẽ đi lòng vòng xung quanh Trái đất theo một quỹ đạo tròn cố định giống như mặt trăng.

- Tốc độ cao hơn so với vận tốc quỹ đạo , nhưng không đủ lớn để rời khỏi trái đất hoàn toàn (thấp hơn vận tốc thoát ) nó sẽ tiếp tục xoay quanh Trái đất dọc theo một quỹ đạo hình elip.

- Tốc độ rất cao, nó thực sự sẽ rời khỏi quỹ đạo và bay ra ngoài vũ trụ.

Xuất bản lần đầu vào năm 1687 , phép vạn vật hấp dẫn của Newton đưa ra giả thuyết rằng tất cả các hạt tác dụng một lực hấp dẫn và lực hấp dẫn đã bị ảnh hưởng bởi cả khối lượng và khoảng cách phổ lệnh cho chuyển động của tất cả mọi thứ trong quỹ đạo. Einstein sau này đã cập nhật thêm một số các chi tiết của quan điểm này nhưng nhà vật lý thế kỉ 16 đã đặt nền móng vững chắc ban đầu.

9. Cửa cho mèo

Bộ óc vĩ đại của ông đã phát minh, lập ra nhiều thành tựu to lớn cho thế giới nhưng cũng chính bộ óc đấy lại có một phát minh nho nhỏ rất thú vị. Tuy không mang tầm vĩ mô như các thành tựu khác nhưng phát minh này cũng chiếm một phần quan trọng cho cuộc sống của chúng ta. Đó chính là cửa phụ cho thú cưng.

Một điều về Newton là ông không kết hôn và cũng không có nhiều mối quan hệ thân thiết cho lắm. Nhưng ông lại gắn bó nhiều với vật nuôi của mình là chó và mèo. Theo các sử gia thì ông là một người rất thương yêu động vật.





Có câu chuyện rằng khi ông đang làm thí nghiệm ở đại học Cambridge thì công việc bị gián đoạn liên tục bởi con mèo của ông cứ làm ồn và cào vào cửa văn phòng. Ông đã cho gọi một thợ mộc đến và làm 2 lỗ trên cửa của mình, một lỗ nhỏ cho mèo con và lỗ to cho mèo mẹ. Tất nhiên là lỗ bé chẳng có tác dụng khi cả 2 chú mèo đều đi qua đường lỗ to hơn. Cũng không có xác nhận chính xác rằng câu chuyện này có phải là thật không nhưng không thể phủ nhận được rằng cửa nhỏ vẫn đang tồn tại đến ngày nay và Newton là tác giả của phát minh thú vị này.

8. Đặt ra ba định luật chuyển động





Có thể vẫn tồn tại sự hoài nghi trong câu chuyện về vật nuôi và chiếc cửa của Newton nhưng thành tựu về lĩnh vực vật lý của ông thì quá rõ ràng và không ai có thể nghi ngờ. Ông đã tập hợp được ba định luật chuyển động, đặt nền tảng cho cơ học cổ điển. Ba định luật của Newton về chuyển động được phát biểu năm 1687 :

- Định luật 1 : Nếu một vật không chịu tác dụng của lực nào hoặc chịu tác dụng của các lực có hợp lực bằng không thì nó giữ nguyên trạng thái đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều..

- Định luật 2 : Gia tốc của một vật cùng hướng với lực tác dụng lên vật. Độ lớn của gia tốc tỉ lệ thuận với độ lớn của lực và tỉ lệ nghịch với khối lượng của vật.

- Định luật 3 : Trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực, thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều.

Nhìn thì có vẻ như rất đơn giản, nhưng các học giả từ thời cổ đã đã vật lộn với các khái niệm cơ bản của chuyển động trong nhiều thế kỷ. Triết gia Hy Lạp Aristotle nghĩ rằng khói di chuyển lên vì khói chủ yếu là không khí. Triết gia Pháp René Descartes đã tìm ra định luật chuyển động tương tự như các phần của định luật Newton thứ nhất và thứ ba, nhưng ông cho rằng chúng bắt nguồn từ năng lượng của Chúa.

Trải qua mấy thế kỷ, mặc dù ba định luật của Newton được phát biểu theo nhiều hình thức khác nhau nhưng bản chất không có gì thay đổi.

7. Giả kim thuật




Sự ham hiểu biết của Newton là vô hạn, ông còn dấn thân vào công việc tìm kiếm và chế tạo đá giả kim huyền thoại. Có nhiều sách, tài liệu, văn bản có những mô tả về lĩnh vực này. Nhưng đại khái bản chất là con người tạo ra được một hòn đá hoặc loại dung dịch có khả năng biến chì thành vàng, chữa bệnh … Nếu ai yêu thích seri truyện Harry Potter thì nó chính là viên đá phù thủy.

Tại sao một biểu tượng lớn của khoa học như Newton lại yêu thích giả kim thuật (đến bây giờ vẫn được coi là không thể có) ? Vấn đề chính là ở thời đại ông sống chính là vào thời đại cách mạng khoa học. Thuật giả kim bắt đầu được nghiên cứu theo các phương pháp phân tích hóa học, khoa học. Nó ở trong mắt nhà khoa học trở nên thực tế và là sự mong mỏi khám phá của ông chứ không phải tính huyền thoại như trước nữa.

Ông đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu này nhưng có lẽ đã không có nhiều kết quả khả quan. Cuối cùng thì ông cũng chỉ sản xuất ra được một loại hợp kim đồng tím, được coi là minh họa cho thuật giả kim.

6. Vi phân, tích phân

Những người không ưa gì vi phân tích phân trong toán học phổ thông có thể cũng sẽ không ưa thích Newton cho lắm khi biết ông là cha đẻ của chúng.




Giống như nhiều nhà khoa học của thời đại mình, Newton thấy rằng đại số và hình học đơn giản không đủ cho nhu cầu nghiên cứu khoa học của mình. Ví dụ như các nhà toán học có thể tính toán tốc độ của một con tàu nhưng họ không thể tìm ra được tốc dộ mà con tàu đang tăng tốc. Họ có thể đo được góc bắn pháo nổ trên thuyền nhưng không tính toán được ở đạn pháo sẽ bay bao xa ở góc đó. Tất cả những điều tày đòi hỏi phải có một phương tiện toán học khác để tính toán những vấn đề liên quan đến sự thay đổi biến.

Sự thúc đẩy cuối cùng mà Newton cần có là đợi bùng phát dịch hạch ở Anh mùa xuân năm 1665. Phải nghỉ một thời gian đợi dịch bệnh qua đi, ông đã có hơn 1 năm để tự do nghiên cứu và xây dựng một loại hình toán học mới. Đó chính là vi phân.

Ngày nay, chúng ta đã quá quen thuộc với môn toán nay, đó là một công cụ quan trọng với các nhà vật lý, kinh tế và các nhà khoa học xác suất. Trong những năm 1960, thậm chí nó còn giúp một kỹ sư vẽ được biểu đồ một chuyến đi từ trái đất đến mặt trăng.

Tuy nhiên trong thời gian đó nhà khoa học người Đức Gottfried Leibniz cũng có những nghiên cứu phát triển độc lập phương pháp này trong thời gian đó. Và fan hâm mộ của hai nhà khoa học đã tranh cãi khá nhiều xem thực sự ai mới là cha đẻ của vi phân. Tuy nhiên hai khổ chủ không bao giờ tranh cãi về vấn đề này và họ đều rất tôn trọng những thành tựu của nhau.

Top 10 phát minh vĩ đại của Newton - Phần 1

5. Cầu vồng

Đương nhiên là Newton không sáng tạo ra cầu vồng nhưng ông đã đem sự lý giải này đến với chúng ta. Năm 1704, ông đã viết một cuốn sách vể khúc xạ ánh sáng và đã thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về màu sắc và ánh sáng.






Các nhà khoa học thời đó biết rằng cầu vồng được tạo ra bởi sự khúc xạ, phản xạ ánh sáng trong giọt mưa nhưng họ không lý giải được sao cầu vồng có nhiều màu sắc. Khi Newton bắt đầu nghiên cứu đầu tiên của ông ở Cambridge, lý thuyết phổ biến là nước đã nhuộm tia nắng mặt trời thành nhiều màu khác nhau bằng cách nào đó.

Nếu bây giờ nghe lý giải như thế thì chúng ta sẽ thấy có vẻ nực cười nhưng thực sự là hồi đó người ta chưa tìm ra được bất cứ lý giải logic nào. Newton đã sử dụng một bóng đèn vào một lăng kính, chạy ánh sáng trắng qua lăng kính để tách nó thành một cầu vồng nhiều màu sắc. Thủ thuật thí nghiệm ánh sáng qua lăng kính không có gì mới nhưmg các nhà khoa học đã giả định lăng kính màu ánh sáng. Bằng cách phản chiếu các tia sáng rải rác qua lăng kính khác, Newton đã lật lại vấn đề khi cho ra ánh sáng trắng, chứng minh rằng màu sắc là một đặc tính của ánh sáng.

4. Cải tiến kính thiên văn







Newton sinh ra ở cái thời mà kính thiên văn còn chưa được hoàn thiện hoàn toàn. Thông qua các thí nghiệm với màu sắc, Newton biết các ống kính khúc xạ các màu sắc khác nhau ở các góc độ khác nhau, tạo ra một hình ảnh mờ cho người xem.

Ông đã có một sự cải tiến, đề xuất sử dụng ánh sáng tương phản từ gương chứ không phải khúc xạ từ ống kính. Một tấm gương lớn sẽ chụp hình ảnh và một tấm gương nhỏ sẽ phản xạ đến mặt người nhìn. Phương pháp này không chỉ tạo ra một hình ảnh rõ ràng hơn mà còn giúp thu nhỏ kích cỡ kính thiên văn đi nhiều.

Một nhà toán học người Scotland đã đề xuất ý tưởng về kính thiên văn phản xạ đầu tiên nhưng Newton lại là người thực sự đã tạo ra được nó. Ông cho ra mắt mẫu thử nghiệm đầu tiên vào năm 1670 tại Hội Hoàng Gia. Kính thiên văn chỉ dài khoảng 15cm và có độ phóng đại khoảng 40 lần. Ngày nay, các nhà thiên văn học đều sử dụng loại kính thiên văn dựa trên mẫu ban đầu cơ bản của Newton.

3. Khắc phục hao hụt từ tiền xu







Khi được bổ nhiệm vào vai trò lãnh đạo xưởng đúc tiền Hoàng Gia – nơi sản xuất tiền xu của nước Anh. Ông đã dành 30 năm cuối đời để điều hành nơi này và đã cải tiến vài thứ để ngăn chặn nạn tiền giả. Cơ bản có thể nhìn nhận ông như một Batman ở thế kỉ 17.

Cuối những năm 1600, hệ thống tài chính nước anh lâm vào khủng hoảng toàn diện. Các đồng xu thì làm bằng bạc. Khi đúc các đồng xu, một vài đồng từ mỗi mẻ được đặt vào một hộp nhỏ (gọi là pyx) và sau đó cân để xem chúng bị lệch với chuẩn yêu cầu là bao nhiêu. Nếu đồng xu cân nặng hơn giá trị in trên mặt nó, những kẻ đầu cơ sẽ mua chúng, nấu chảy rồi bán lại cho chính xưởng đúc để kiếm lời, một quy trình gọi là culling.

Newton đã áp dụng “định luật làm lạnh” để làm chậm sự làm lạnh của đồng xu và giảm biến thể. Ông tính toán rằng cải tiến của Newton đã tiết kiệm được 41.510 bảng Anh thời đó, tương đương 3 triệu bảng ngày nay. Bốn lãnh đạo của xưởng sau Newton cũng áp dụng những kỹ thuật của ông và một lần nữa tiết kiệm gấp đôi số tiền. Nghĩa là Newton đã giúp tiết kiệm cho nước Anh khoảng 10 triệu bảng với giá trị đồng tiền hiện nay.

2. Sự mất nhiệt

Tìm hiểu của Newton về việc sự mất nhiệt đã giải quyết một vấn đề huyền bí với khoa học và những bộ não thông tuệ thời đó.

Newton đã rất quan tâm đến khía cạnh vật lý lạnh đi của chất. Cuối những năm 1700, ông đã tiến hành các thí nghiệm liên quan đến quả bóng sắt nóng. Ông thấy rằng khi sự khác biệt về nhiệt độ giữa bóng và không khí xung quanh là ít hơn 50 độ F, tốc độ mất nhiệt tỷ lệ thuận với sự khác biệt nhiệt độ.

Như vậy, định luật của Newton về trạng thái làm mát mà tốc độ mất nhiệt của cơ thể là tỷ lệ thuận với sự khác biệt về nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường xung quanh của nó. Nhà hóa học người Pháp Pierre Dulong và nhà vât lý Alexis Petit sau đó đã hoàn thiện nó năm 1817, nhưng nền tảng cơ bản công việc là từ Newton.

1. Dự đoán ngày tận thế




Con người luôn lo lắng về ngày tận thế của thế giới. Nhưng với Newton thì ông không chấp nhận nỗi sợ hãi đơn giản qua các câu chuyện hay huyền thoại. Ông là một người thực tế và đã tiến hành kiểm định, đưa ra những quan điểm riêng của mình dựa trên việc nghiên cứu Kinh thánh.

Để phục vụ nghiên cứu, Newton đã học tiếng Do Thái, và tập trung nghiên cứu triết học Do Thái bí truyền, những điều thần bí của Kabbala và Talmud. Tính toán của ông về ngày tận thế là dựa trên thông tin thu thập từ Sách của Daniel, trong đó dự báo ngày tận thế xảy ra 1.260 năm sau đó. Newton tính thời điểm tận thế bắt đầu từ thời kỳ của hoàng đế La Mã Charlemagne năm 800, nghĩa là ngày tận thế sẽ rơi vào năm 2060. Ông cho rằng có thể thời điểm sau đấy, nhưng không thể sớm hơn.

Nếu bạn tin tưởng Newton thì hãy yên tâm rằng năm 2012 chúng ta vẫn sẽ bình yên.

Tham khảo: howstuffworks

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Việt Nam sắp đón mưa sao băng


Mưa sao băng Leonids, một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý của năm, sẽ được nhìn thấy tại Việt Nam cuối tuần này.



Theo dự báo của Tổ chức Sao băng Quốc tế (IMO), mưa sao băng Leonids năm nay tuy số lượng sao băng theo giờ không tăng, nhưng điểm khác thường là trận mưa này có thể đạt cực điểm tới hai lần vào khoảng 4 giờ chủ nhật và 13 giờ thứ tư tuần sau theo giờ Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư Tp. HCM, thời gian thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng trên ở Việt Nam là từ nửa đêm thứ bảy tới rạng sáng chủ nhật sắp tới. Đó là khi chòm Leo (sư tử), nơi xuất phát của các sao băng, xuất hiện ở chân trời phía đông. "Hãy để tầm mắt bao quát cả vùng trời phía đông lên đến đỉnh đầu người xem bắt gặp các sao băng nhiều nhất", Tuấn Duy nói.

Khi Leonids đạt đỉnh điểm, ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng, số sao băng có thể lên đến hơn 20 vệt/giờ. "Trong những năm gần đây Leonids suy yếu dần, nhưng trận mưa sao băng lần này sẽ xuất hiện với nhiều sao băng sáng", Tuấn Duy cho biết.

Năm ngoái, ánh trăng sáng gần chòm sao Leo đã phá hỏng trận mưa sao Leonids. Song năm nay, mặt trăng gần như không gây ảnh hưởng tới người quan sát.

Mưa sao băng Leonid xuất hiện vào tháng 11 hàng năm khi trái đất đi qua vùng bụi của sao chổi 55P/Tempel-Tuttle. Trong quá khứ, Leonids từng được ví là bão sao băng khoảng thời gian những năm 1998 – 2002 khi nó đạt đến vài chục ngàn sao băng xuất hiện trong một giờ khi cực điểm.
DBS M05479
Quang Cao