Hiển thị các bài đăng có nhãn dạy con. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn dạy con. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

4 cách giúp bé ham vận động

Đâu tiên, dọn dẹp nhà cửa là việc bé có thể tham gia hàng ngày. Những công việc hàng ngày thế này sẽ giúp bé năng động và khỏe mạnh hơn.Bạn nên hỏi ý kiến bé về cách bài trí đồ đạc trong phòng riêng. Nếu bé thích cất truyện tranh trong ngăn kéo, treo váy đỏ lên những chiếc móc màu hồng… bạn cứ để bé được tự do. Nếu bé thích chuyển chiếc ghế từ phòng riêng ra phòng khách mỗi lần xem tivi, bạn nên khuyến khích bé.




2. Cùng bé đi mua sắm

Bé thích hoạt động vừa thông minh, nhanh nhẹn lại khỏe mạnh, vui tươi.

Với những bé thừa cân, bạn càng nên khuyến khích bé chạy nhảy, vui chơi.Với nhóm bé ít phải đi bộ thì việc mua sắm nhanh chóng trở thành cực hình. Bé sẽ nhanh than mệt mỏi và không muốn tiếp tục cuộc hành trình cùng bạn nữa.

Cách tốt nhất là cuối tuần, bạn gợi ý để bé cùng dạo chơi trong siêu thị. Hạn chế cho bé ngồi trên xe đẩy hàng trong siêu thị. Điều này sẽ khiến bé lười và ngại vận động hơn. Với những bé hay mệt, bạn nên giới hạn thời gian đi bộ cho bé.

3. Thách thức bé tham gia những cuộc chơi

Nếu bạn muốn tạo một trò chơi vận động hấp dẫn cùng bé, bạn nên học cách thách thức bé. Câu nói: “Hai mẹ con mình cùng chạy nhé” không đủ sức hấp dẫn bằng lời động viên: “Mẹ và con cùng thi chạy. Ai thắng sẽ được giải thưởng”.

4. Vui chơi vào buổi chiều

Những cuộc đi bộ dài hơn trước giờ cơm tối cũng giúp bé khỏe mạnh. Vừa đi, bạn vừa cùng bé học đếm số; chẳng hạn, hai mẹ con đếm được bao nhiêu gốc cây, cột đèn đường, con mèo, thùng rác…

Hãy bắt đầu bằng những câu chuyện thú vị để lôi kéo bé, bé sẽ vui vẻ đi bộ cùng bạn trong vòng 1km hoặc dài hơn một chút. Cách này vừa giúp mẹ con thân mật và khỏe mạnh cùng nhau.


Theo Women

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Những sai lầm khi dạy con

Mỗi bậc phụ huynh có kinh nghiệm và cách dạy con riêng. Nhưng vài điểm sau bạn cần tránh trong giáo dục con trẻ.

Con mình luôn đúng

Cuối tuần, Tâm cho hai đứa nhỏ về nhà ông bà ngoại. Đang dở câu chuyện, Tâm nghe tiếng con khóc.

Chạy ra ngoài sân, thấy thằng lớn đang chành chọe với trẻ hàng xóm, Tâm vội đẩy đứa trẻ hàng xóm ra, ôm lấy con dỗ dành:

“Khổ thân con, thôi nín đi để mẹ mắng anh ấy. Lớn rồi mà còn bắt nạt em”. Quát đứa trẻ hàng xóm xong Tâm mới tẽn tò khi biết con mình tranh đồ chơi của mấy anh lớn.

Bất kể con đúng hay sai, Tâm luôn bênh vực. Hễ ai “kể tội” con mình, Tâm lại ra sức biện minh. Chính vì thế mà con của Tâm luôn tỏ ra hách dịch, ích kỉ và thường bị bạn bè hàng xóm “hít le”.

Nói xấu con

Đứa con trai đã lớn, nhưng trong mắt Nga nó vẫn như trẻ lên ba. Sinh nhật con, bạn bè đến nhà liên hoan, thằng bé xấu hổ đỏ mặt khi Nga hồn nhiên khoe với bạn con:

“Thằng Thảo nhà bác nó không như các cháu. Lớn rồi mà hễ ai to tiếng một cái là chảy nước mắt, y như con gái ấy!”.

Nhóm bạn được phen chọc quê Thảo, còn Thảo từ đó rất ngại rủ bạn về nhà chơi. Cậu cũng không muốn chia sẻ với bố mẹ về những tâm tư tình cảm của mình nữa vì e có ngày mẹ lại “vui miệng” như thế.

So sánh con với trẻ khác

“Sao mày học dốt thế con, cứ nhìn bọn trẻ hàng xóm mà học tập. Con với chả cái, lúc nào đi họp tao cũng xấu hổ vì mày” - Hưng vừa cầm quyển sổ liên lạc vừa chửi con.

Cách dạy con của Hưng là luôn lấy con nhà khác ra so sánh rồi bắt con mình học theo. Hưng quan niệm rằng: “Con người ta làm được, thì con mình cũng phải làm được”.

Dù con không có chút năng khiếu nghệ thuật, Hưng vẫn ép nó đi học vẽ chỉ vì đứa bé hàng xóm đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh thành phố.

Dùng lại đồ của anh chị

Đầu năm học, khi đứa bạn khoe được bố mẹ mua cho xe đạp mới, Đức Anh (học sinh lớp 4) lại buồn rầu: “Em phải đi xe cũ của anh. Từ nhỏ cái gì bố mẹ cũng bắt em dùng đồ anh thải ra. Mẹ bảo em còn nhỏ, dùng tạm của anh, khi nào lớn mẹ sẽ sắm cho cái mới”.

Chị Oanh, mẹ Đức Anh cho rằng: “Bọn trẻ đang tuổi lớn, mới mua cho nó bộ quần áo tháng trước, tháng sau kêu cộc. Tôi cũng chóng mặt chuyện ăn mặc. Đành phải để thằng bé mặc lại đồ của thằng lớn để tiết kiệm. Mấy đứa con bây giờ khác bố mẹ ngày xưa, quần áo còn mới nhưng mặc lại thì cấm có chịu”. Đức Anh luôn phải chấp nhận dùng lại đồ của anh chị lớn mà không dám nói gì.

Không công bằng

Nhà có hai chị em nhưng Bảo luôn nghĩ “bố mẹ thương chị hơn mình”. Chị gái của Bảo ngoan ngoãn và học giỏi hơn. Hôm trước, chị đi chơi về muộn chỉ bị nhắc nhở. Còn hôm nay, Bảo đi về muộn đã bị bố đánh đòn.

Hai chị em mải chơi, vô tình làm vỡ cốc thủy tinh trên bàn. Chưa lên đến nơi, mẹ đã quát inh ỏi: “Lại thằng Bảo nghịch ngợm rồi. Con cái gì mà hư quá”. Bảo khóc lóc với bà ngoại: “Hễ có chuyện gì xảy ra trong nhà, thì cháu luôn bị bố mẹ mắng đầu tiên”.

Hiểu và dạy trẻ luôn là điều khiến các bậc cha mẹ phải đau đầu. Dạy con thế nào cho tốt, phụ huynh cần có kĩ năng và kiến thức. Đừng vì bản năng hay lý thuyết “ngày xưa…” mà áp đặt. Mỗi đứa trẻ ở một thời đại cần có cách dạy khác nhau. Hãy để trẻ tự học hỏi để phát triển toàn diện.

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Mẹ sành điệu, con vào đời sớm

Dãy "quý tộc" khu Hoàng Cầu không ai không biết đến mẹ con chị L. Dù chỉ làm thủ thư nhưng nhờ có chồng giàu nên mức độ chi tiêu vào nhan sắc của chị chẳng thua kém mấy em "chân dài" là mấy.

4 giờ chiều, khi những bà mẹ khác từ công sở về tất bật lo bữa cơm cho gia đình thì chị nhởn nhơ đi Spa, mọi việc nhà đã có oshin lo hết.


Tối tối, nếu chồng đi công tác dài ngày, chị đến vũ trường giải khuây. Để tránh điều tiếng, chị không quên rủ cô con gái 16 tuổi đi cùng.

Chẳng biết có phải đi cùng mẹ sành điệu sợ mình “nhà quê” hay không mà D., con gái chị, cũng tập tành ăn mặc trang điểm cho giống mẹ. Áo dây, quần ngắn cũn cỡn, mắt môi không khi nào quên tô vẽ. Mẫu điện thoại, nước hoa nào mới ra, mẹ sắm một chiếc thì y như rằng D. cũng phải có cái thứ hai cho đỡ ghen tị.

Rồi cũng chẳng cần phải đợi mẹ rủ đi vũ trường như xưa, buổi tối sau khi ăn cơm ở nhà, D. phóng luôn Piagio của mẹ đi hát hò, sinh nhật.

Thay vì định hướng cho con gái, chị L. lại không giấu nổi tự hào khi có ai đó đùa “trông hai mẹ con hệt hai chị em”, vì mẹ ngày càng trẻ ra còn con gái mỗi lúc một già dặn. Thấy hàng xóm xì xào chuyện con gái có người yêu đưa đi đón về, chị chỉ cười, còn nói vui “con bé ít tuổi thế mà đã sớm đắt chồng”.

Chỉ đến khi “được” công an mời lên phường vì D. bị bắt trong một ổ lắc, chị mới ân hận đã vô tình đẩy con vào đường ăn chơi quá sớm.

Đỡ đạn cho bố

K. - quý tử độc đinh của nhà anh M., chị H. lại khác. Sau hai “thị mẹt”, cố mãi được K., cả gia đình mừng như bắt được vàng.

Biết lợi thế của mình, ngay từ nhỏ K. đã tỏ rõ sự khác biệt với các bà chị. Cậu chỉ thích đồ chơi bạo lực với xe tăng, dao súng… Cái gì không như ý là cậu khóc, giận dỗi bỏ cơm, và y như rằng, hôm sau đồ chơi đắt tiền hay truyện tranh ghê rợn mấy cũng có trong phòng cậu.

Lớn hơn chút nữa, thấy bạn bè của bố đến nhà uống rượu, hút thuốc, K. cũng muốn được thử. Thay vì khuyên can con, bố K. khích lệ: “Cái thằng, sớm có bản lĩnh, “đỡ đạn” được cho bố”.

Được ủng hộ, K. càng hăng máu. 14 tuổi mà rượu tây, tàu, cho đến cuốc lủi cậu đều kinh qua, đọc vanh vách cả tên nhãn, giá cả, nguồn gốc…

Từ đỡ đạn cho bố, K. cũng muốn làm anh hùng đỡ tiền cho bạn bè. Bố tiếp khách ở nhà hàng, khách sạn nào thì rồi cậu cũng lôi bạn bè đến đánh chén ở đó để chứng tỏ đẳng cấp “con ông cốp”.


“Con ông cốp” đến cái tuổi tò mò nghe nhiều chuyện của bố và chiến hữu còn biết kiếm cả phim X về xem, xem rồi “thử” luôn cho biết tường biết tận.

Bố mẹ quý tử vẫn đinh ninh cậu là đứa con út bé bỏng ngày nào, đâu biết đằng sau vẻ bề ngoài trẻ con ấy là một tâm hồn lớn không đợi tuổi khi rượu chè, phim ảnh, gái gú K. đều đã trải qua.

Có tiền, có của, chăm sóc vật chất đầy đủ cho con rất nên làm, nhưng hơn hết bạn phải quan tâm đến đời sống tinh thần của con. Đó mới chính là điều các bậc phụ huynh cần lưu ý, để một ngày nào đó không phải giật mình thảng thốt trước những thay đổi nhanh chóng của “đứa trẻ” nhà mình.

Lối sống buông thả của teen

Nếu như Diamond là nơi tụ tập của thế giới teen vào cuối tuần chỉ vì quần áo, kiểu tóc và giày dép một cách lập dị thì Parkson là nơi nặng đô hơn và có phần “mát mẻ” hơn”. “Phải chăng 9X ngày nay thích thể hiện đẳng cấp của mình bằng cách khoe” và đặt câu hỏi “các bậc phụ huynh nghĩ gì về con mình?”.

Từ “sàn diễn” đến dạt đường 

Nếu như Diamond là nơi tụ tập của thế giới teen vào cuối tuần chỉ vì quần áo, kiểu tóc và giày dép một cách lập dị thì Parkson là nơi nặng đô hơn và có phần “mát mẻ” hơn”. “Phải chăng 9X ngày nay thích thể hiện đẳng cấp của mình bằng cách khoe” và đặt câu hỏi “các bậc phụ huynh nghĩ gì về con mình?”.
Nhóm có bốn cô cậu cùng dân 9x đã chờ sẵn tôi cạnh lối vào của khu chơi game Diamond vào một ngày cuối tuần, theo lời “mời gọi” của cô bé Thanh Trúc “cuối tuần lên Diamond, Parkson anh tha hồ ngắm. Teen ở đây vừa xinh lại ăn mặc thời trang không kém các chương trình trên kênh truyền hình Fashion”. Khuôn mặt đầy son phấn, Trúc giới thiệu tôi với đám bạn đứng cạnh với quần áo hội đủ “bảy sắc cầu vồng”.

Hai cô gái được trau chuốt một cách tỉ mỉ từ khuôn mặt đến trang phục sao cho hợp thời nhất, còn hai chàng trai lại “nữ hóa kịch trần”. Những nam sinh ăn mặc theo xu hướng này trở nên “điệu đà, duyên dáng và xinh gái hơn”. Càng quái càng được chú ý nên nhiều em mặc sức “sáng tạo”.
Đeo bông tai trở thành chuyện bình thường của nam, nhưng “sáng tạo” đến độ dùng bốn cây bút chì để xỏ vào hai tai đã trở nên quá sức tưởng tượng. Một nhóm nữ sinh khác ngồi nói chuyện rôm rả trên ghế cạnh quầy nước lại diện những chiếc quần đến độ không thể ngắn hơn, khoe cả nội y của một thương hiệu nổi tiếng. “Tụi nó khoe hàng đó anh” - Trúc bỏ nhỏ.

Ngồi sau xe tôi, cô bé tên Thanh đang học lớp 12 Trường THPT A (Hà Nội) ngoài chiếc áo ấm mua giá hơn 1 triệu đồng còn khoác thêm chiếc khăn mới được bạn trai tặng. Với sự “bảo lãnh” của Thanh, tôi được nhập hội rồi chạy lòng vòng quanh hồ Gươm trong cái lạnh căm căm của mùa đông Hà Nội. Chiếc xe còn lại trong hội là của đôi tình nhân đang tình tứ ngay giữa phố. Hội này có một sở thích lạ kỳ là tối đến lại tụ họp và xách xe chạy hết đường này đến phố kia để hóng mát. 

Tuy thời gian thi học kỳ 1 đã cận kề nhưng tối nào nhóm cũng gặp nhau với lý do học nhóm để bố mẹ cho ra khỏi nhà. “Trước khi đi tụi em cũng phải giả vờ mang theo nhiều sách vở để bố mẹ khỏi nghi ngờ”, Thanh vừa nói vừa mở cốp xe chứa một đống sách vở. Muốn tôi thấy được cách ăn mặc của giới teen Hà thành, Thanh quyết định tách nhóm để dẫn tôi đến tòa nhà Vincom. 

Đây là trung tâm thương mại lớn và cũng là điểm tụ tập của giới trẻ thủ đô, đặc biệt là dân 9X. Đường đi vào khu chơi game chật cứng vì là ngày cuối tuần. Không ăn mặc hở hang như một số teen ở TP.HCM vì lạnh, nên ở đây lên ngôi với vẻ đẹp “kín cổng cao tường” để đón cái rét đang về. Teen đến đây hầu hết học cấp II, III. Ngày thi gần kề nhưng lượng người vẫn đông nườm nượp. “Học về là em trốn lên đây chơi vì ở nhà cứ gặp mặt là ba mẹ bắt học và học, không cho giải trí khiến em phát chán”, cậu bé có nick kin (theo tên gọi bạn bè đặt) cho tôi biết.

Tiếc nuối muộn màng

Đồng ý gặp tôi trong một quán cà phê trên đường Ba Tháng Hai (TP.HCM), cô nữ sinh Quỳnh Anh (Trường THPT KN) ngậm ngùi kể về sự việc đáng tiếc xảy ra với mình bởi những ngày tháng sống buông thả sau giờ tan trường. Xinh đẹp và có dáng như người mẫu, Quỳnh Anh trở thành tâm điểm chú ý của những chàng trai trong trường và luôn được săn đón sau giờ tan học. 

Năm ngoái, khi đang học lớp 11, Quỳnh Anh được một chàng lớn hơn năm tuổi tán tỉnh và nhanh chóng bị “cưa đổ” do những món quà đắt tiền. Lúc đầu em chỉ dám gặp người yêu mỗi tuần một lần vì gia đình quản lý chặt, nhưng sau đó không cưỡng lại lời đường mật của người yêu nên chiều tan trường cũng là lúc bắt đầu những chuyến đi chơi đến khuya.

Trong khi bạn bè chuẩn bị thi thì em phải vào bệnh viện để “giải quyết” cái thai vì người yêu dứt khoát “em phải phá thai, không thì cứ giữ và tự nuôi lấy” và may mắn vượt qua kỳ thi đó với số điểm suýt rớt. “Không chỉ riêng em, đám con gái thường rất nghe lời người yêu và chỉ cần rủ là đi. Lúc đó em cũng vì choáng với những món quà đắt tiền mà anh ấy tặng nên không giữ được mình. Sau giờ học là em tìm cách trốn thoát khỏi sự quản lý của gia đình nhưng không lường trước hậu quả” - Quỳnh Anh tâm sự. 

Không riêng Quỳnh Anh, trong thời gian lang thang trước các cổng trường để thực hiện bài viết này, tôi đã không ít lần đi theo những đội nhóm học sinh khi tan trường. Và thật bất ngờ điểm đến được chọn là những quán cà phê đèn mờ, nhà nghỉ thay vì những điểm học thêm như lời hứa hẹn với ba mẹ. 

Ngày thi sắp đến, những “lò luyện” tư nhân sáng đèn đủ bảy ngày với lố nhố gương mặt học trò cặm cụi ghi chép. Nhưng nhiều vũ trường, quán bar tuổi teen cũng lên đèn để đón những cậu ấm cô chiêu, những chiếc áo trắng trốn học lên sàn nhảy viện cớ xả hơi trước ngày thi.

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Bí quyết tìm gia sư cho con

Bạn luôn mong con nhà mình giỏi giang nhưng cháu dường như rất vất vả với chuyện học ở trường. Bạn nghĩ có lẽ nên tìm cho con một người gia sư tốt, những lời khuyên sau của chuyên gia sẽ hữu ích với bạn.

1. Xác định rõ nhu cầu

Vì sao bạn nghĩ rằng con mình cần học gia sư? Cháu có khó khăn trong việc học môn nào? Cháu vô cùng vất vả khi làm bài tập về nhà? Một kỳ thi cực kỳ quan trọng đang tới gần? Mối quan hệ giữa bạn và con có tốt không? Con bạn không có vấn đề gì về phát triển trí tuệ chứ?

Hãy rà soát lại và suy nghĩ thật kỹ xem liệu con có cần một sự giúp đỡ đặc biệt nào mà thầy cô ở trường không thể đáp ứng. Theo bạn, con mình không theo kịp bạn bè trong lớp có phải vì cháu ốm, hay vì mới chuyển trường?... Hãy nhìn nhận rõ mục tiêu để tìm cho con người gia sư phù hợp nhất.

2. Trao đổi với giáo viên của con

Mục đích cuối cùng của bạn là giúp con học hành tiến bộ, bởi thế hãy liên lạc với thầy cô của con trên lớp để hỏi thăm những thông tin cần thiết như: Theo thầy/cô, cháu có cần học gia sư không? Cháu đặc biệt yếu kém và cần được kèm cặp riêng môn nào? Có cần tìm một gia sư có kinh nghiệm giảng dạy không?

Nếu được, hãy nhờ thầy cô giới thiệu gia sư giúp, hỏi họ về lịch thi, kiểm tra để gia sư của con bạn có kế hoạch cụ thể cho việc ôn luyện, bồi dưỡng kiến thức.

3. Phẩm chất gia sư

Nhìn chung, người gia sư tốt nhất là người phù hợp với cách học của con bạn. Có thể xem xét đến 3 yếu tố sau:

- Lịch học: Lịch học nào tốt nhất cho con? Tuần 1 hay 2 buổi? Mỗi buổi kéo dài bao lâu? Con bạn sẽ học “một thầy một trò” hay học nhóm? Con sẽ làm bài tập về nhà lúc nào, trong bao lâu mà không bị quá tải?

- Tính cách: Con bạn sẽ dễ tiếp thu, chịu khó lĩnh hội trước một người như thế nào? Gia sư cần là người có thể hợp với con của bạn.

- Phong cách học: Con bạn dễ tiếp thu bài vở qua cách học nào: Nghe giảng “chay”? Học với hình ảnh minh họa? Học thông qua các hoạt động vui chơi? (Nếu bạn không nắm rõ, hãy hỏi thầy/cô giáo của con).

Nếu việc học với con quả thực rất vất vả thì cách dạy truyền thống sẽ không mấy tác dụng. Khi ấy, bạn cần một gia sư sáng tạo hơn, người biết cách giúp con lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả nhất.

4. Lên kế hoạch học tập

Khi đã tìm được gia sư cho con, hãy ngồi lại cùng bàn kế hoạch giúp con tiến bộ. Ví dụ, có thể hỏi người gia sư xem anh/cô ấy dự định tiến hành những bước cụ thể nào trong kế hoạch giúp con của bạn? Mức độ tiến bộ của con sẽ được đánh giá bằng cách nào? Các buổi học sẽ đề cập đến kiến thức, các bài tập, bài kiểm tra trên lớp chứ?

Hãy rõ ràng ngay từ đầu về vấn đề học phí cũng như nguyện vọng của gia sư khi hợp tác cùng gia đình bạn. Sau cùng, ít nhất tuần 1 lần, hãy để ý xem việc học của con và gia sư đang tiến triển đến đâu.

5. Ưu tiên

Con bạn cần hiểu rằng học gia sư cũng rất quan trọng, bởi thế cần có sự ưu tiên. Hãy xếp lịch học cho con vào khoảng thời gian con có thể tập trung tốt nhất.

6. Hãy thực tế

Gia sư không phải một ảo thuật gia tài thánh, quá trình học của con bạn cần thời gian mới thấy rõ sự tiến bộ. Bởi thế, hãy tỉnh táo trước những kỳ vọng, đừng quên cổ vũ con: “Mẹ biết con học vất vả, nhưng đây là kết quả của con tuần trước, hãy xem, tuần này con có tiến bộ rồi”…


Theo Ivillage

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Hầu hết kinh nghiệm dạy con của chúng ta là sai lầm

Cậu con 7 tuổi đưa cho bạn xem một bức vẽ mới về khủng long - giống như hàng tá tranh mà cậu đã vẽ. Bạn sẽ chỉ cho bé thấy cần phải tô màu đường viền cẩn thận hơn, hay nói với bé rằng đó là bức vẽ khủng long bạn thích nhất tới nay, và rằng bé thật giỏi?
Vài tuần sau đó, cô con gái 14 tuổi của bạn từ trường trở về nhà trong nước mắt, và thú nhận rằng cô bé bị một vài bạn gái bắt nạt. Chúng réo tên, nói kháy và ra dấu lờ đi khi cô bé nói chuyện.

Bạn sẽ trao đổi với con rằng con cần phân loại các bạn để chơi? Hay ôm con vào lòng thật chặt và hứa rằng chuyện đó không xảy ra?

Nếu trong cả hai tình huống trên bạn đều lựa chọn giải pháp thứ hai, thì bạn là mẫu cha mẹ hiện đại điển hình: yêu con, bảo vệ con và tham gia sâu vào cuộc sống của đứa trẻ. Và theo một nghiên cứu mới nhất, bạn cũng đang làm tất cả những điều đó một cách sai lầm - dù là vì những lý do chính đáng nhất.

Trên DailyMail, các tác giả nghiên cứu này lập luận: Nếu các bậc cha mẹ liên tục nói với con rằng chúng "giỏi giang, thông minh", chúng sẽ trở nên lo lắng với những ý nghĩ thất bại.

"Cú sốc dưỡng dục" là một cuốn sách đột phá mới, châm ngòi cho cuộc tranh cãi dữ dội tại Mỹ bằng cách phủ nhận rất nhiều kinh nghiệm cơ bản nuôi dạy con truyền thống.

Trọng tâm của cuốn sách là một trong những câu hỏi cơ bản nhất của thời đại chúng ta: Tại sao, sau hàng thập kỷ được chăm sóc bởi nền giáo dục và các bậc cha mẹ tiến hộ, xã hội lại nảy sinh rất nhiều vấn đề với trẻ em và thanh thiếu niên.

Dựa trên một khảo sát quy mô đối với các nghiên cứu khoa học gần đây nhất, các tác giả - Po Bronson và Ashley Merryman - khẳng định hầu hết những điều chúng ta nghĩ để trở thành cha mẹ tốt thực ra lại sai lầm.

Họ lập luận rằng nhiều chiến lược nuôi dạy con của chúng ta đang đem lại kết quả ngược với mong muốn, bởi chúng ta không thực sự hiểu về cách mà trẻ con suy nghĩ và phát triển.

Mặc dù không khuyến khích các bậc cha mẹ mỉa mai hay ép buộc con, song hai nhà nghiên cứu cho rằng những kiểu cha mẹ quá ít chỉ trích hay kỷ luật con thì về lâu dài sẽ làm hư đứa trẻ.

Một trong những thất bại lớn nhất của kiểu cha mẹ hiện đại - theo các tác giả - là cố truyền cho trẻ lòng tự tôn bằng mọi giá. Chúng ta đang nuôi các con lớn lên một cách cẩu thả. Một bức vẽ đơn giản của trẻ cũng được xem "tuyệt vời", trẻ làm được vài bài tập về nhà cũng sẽ nhận được lời khen "con thật thông minh".

Bằng cách ấy, chúng ta tạo ra "tâm lý ngôi sao", khi mà trẻ con được nhận phần thưởng cho hành vi tốt. Trẻ cũng được cha mẹ bao bọc để tránh xa cảm giác thất bại.

Lý thuyết nuôi con lâu nay cho rằng việc xây dựng lòng tự tin và tự tôn như vậy sẽ góp phần mang lại hạnh phúc, cuộc sống thành công hơn và nhiều mối quan hệ hơn trong cuộc đời đứa trẻ về sau.

Nhưng nghiên cứu mới của tiến sĩ Carol Dweck tại Đại học Colombia, người đã tìm hiểu các nhóm trẻ trong hơn 10 năm qua, chỉ ra rằng điều ngược lại mới đúng. Nghiên cứu cho thấy chúng ta đang tạo ra một thế hệ những đứa trẻ hỗn xược và những tên nghiện xì ke được tuyên dương, những người không thể thích nghi với các khó khăn và thất bại thường tình trong cuộc sống thường ngày.

Chẳng hạn, khi thường xuyên khẳng định con thông minh, cha mẹ nghĩ rằng mình đang ủng hộ và động viên đứa trẻ, trong khi thực tế họ đang khoác cho đứa trẻ kỳ vọng quá lớn.

"Thông minh" trở thành một danh hiệu đứa trẻ phải bảo vệ nếu muốn làm cha mẹ hài lòng. Nó trở nên lo lắng với suy nghĩ về sự thất bại và sẽ chỉ nỗ lực làm những việc "dễ dàng" - những thứ mà chúng biết có thể thành công, chứ không thất bại, cốt để được cha mẹ khen ngợi.

Nhưng nếu chúng ta ca ngợi nỗ lực của con, nói với chúng sau một bài kiểm tra "Con chắc đã phải rất cố gắng trong bài thi này", trẻ sẽ được ca ngợi về điều mà chúng thực làm. Và điều đó sẽ thúc đẩy trẻ cố gắng làm tốt hơn nữa.

"Để việc khích lệ hiệu quả, lời ca ngợi phải cụ thể và xác thực, nghĩa là trẻ phải thực sự đạt được điều gì đó", nhóm nghiên cứu cho biết.

Khi một đứa trẻ làm hỏng việc gì đó, hoặc có sự xuống dốc trong học tập, chúng ta thường an ủi "không sao đâu", để trẻ biết rằng cha mẹ yêu chúng dù cho chúng có thế nào đi nữa. Nhưng đó không phải là cách mà lũ trẻ hiểu. Trẻ sẽ hiểu rằng thất bại đó có vấn đề, bởi cha mẹ thường tỏ ra hạnh phúc và phấn khích khi trẻ làm tốt.

Và bằng việc giả vờ như không có gì xảy ra, chúng ta sẽ không cho trẻ cái mà trẻ thực cần - những công cụ giúp trẻ kiểm soát nỗi thất vọng và làm tốt hơn trong lần sau.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy lòng tự tôn cao có bất cứ ảnh hưởng nào đến việc cải thiện kết quả học tập, hoặc giảm thiểu những hành vi xấu.

Thực tế, những đứa trẻ được bao bọc quá mức thường không hài lòng với người khác, và là những kẻ tồi trong nhóm chơi. Mục tiêu của chúng sẽ là duy trì hình ảnh đẹp của mình, và chúng sẽ làm bất cứ việc gì có thể - kể cả chỉ trích và xua đuổi người khác - nhằm biến mình trông tốt đẹp hơn.

Những giải thích trên không có nghĩa là cha mẹ cả đời không bao giờ nên tán dương trẻ. Nhưng để có hiệu quả, lời ca ngợi đó phải cụ thể và sát thực. Và sự ca ngợi cũng phải cân bằng với việc phê bình có tính xây dựng một cách cẩn thận.

Nghiên cứu cũng cho thấy những teen có xung đột với cha mẹ ở mức độ vừa phải thì nói chung có quan hệ tốt hơn với cha mẹ, nói dối ít hơn, và tự điều chỉnh mình tốt hơn.

Nhiều phát hiện trong cuốn "Cú sốc dưỡng dục" không phải là thứ mà cha mẹ hy vọng hoặc muốn nghe, nhưng chúng ta phải nghe. Các tác giả - những người thừa nhận họ cũng làm cha mẹ và đã thực hiện tất cả những sai lầm này - tin rằng chúng ta, một cách đơn giản, đã trở nên xa lạ với các con mình.

Chúng ta cần nằm trở lại quyền uy cha mẹ, ngừng việc "làm bạn" với con, và xem xét lại những điều mà trước đây chúng ta cho rằng tốt với chúng.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Sự tự tin giáo dục con cái

Sự tự tin quyết định thành công trong giáo dục con cái

Những bậc cha mẹ đã hết sức ngạc nhiên khi biết rằng để giáo dục con thành công không phải là do phương pháp kỷ luật mà sự tự tin của họ mới chính là điều tiên quyết. Sẽ không có một phương pháp kỷ luật nào đạt hiệu quả nếu như ở cha mẹ thiếu sự tự tin.

Mẹ của bé Bobby hỏi: "Tôi nên làm gì không chịu ăn những món tôi đã nấu?". Còn bố của Alicia thì lại băn khoăn hỏi: "Tôi nên giải quyết thế nào khi con gái cãi lại tôi?".

Giống như mẹ của Bobby hay bố của Alicia, tất cả những bậc phụ huynh đều tin rằng phương pháp là chìa khoá để rèn con một cách hiệu quả. Họ cho rằng cũng giống như việc chỉ có một loại thuốc chống lại bệnh cảm cúm, còn một loại khác lại được dùng để điều trị bệnh phát ban... Mỗi tình huống khác nhau sẽ có một biện pháp cư xử thích hợp.

"Mẹ nói phải như vậy" - Câu nói mang tính quyết định

Thật không đúng khi rất nhiều người cho rằng câu nói đó quá hà khắc thậm chí có thể làm hỏng mọi thứ. Nhưng những phụ huynh tự tin nói ra mệnh lệnh này không bao giờ ngăn con mình đưa ra ý kiến hay thể hiện sự không đồng ý với quyết định nào đó của bố mẹ. Họ mong muốn có thể nói chuyện với con (chứ không phải là tranh luận) về những nguyên tắc họ đặt ra cũng như những điều mong muốn. Tuy nhiên, khi tất cả đã được nói và thực hiện thì còn một điều rõ ràng nữa là phụ huynh phải là những người đưa ra quyết định cuối cùng và con cái sẽ phải làm theo lời bố mẹ.

Khi bố mẹ không đưa ra được những quy tắc này sẽ gặp phải vấn đề trong phương pháp dạy con. Nguyên nhân vì không có cách giáo dục nào có thể thực hiện được khi bố mẹ thiếu sự tự tin. Trong trường hợp này, một cách cư xử mới tại thời điểm đó khiến đứa trẻ cư xử không đúng mực phải e sợ. Tuy nhiên, sớm muộn gì chúng cũng sẽ nhận ra rằng, biện pháp thì thay đổi nhưng bố mẹ thì vẫn thế. Như vậy, rõ ràng phương pháp này không hề có tác dụng. Khi bạn hành động tự tin bạn sẽ luôn thực hiện những nguyên tắc khác nhau tuỳ từng trường hợp. Bạn có thể không cần nói nhiều, thậm chí chỉ cần một cái nhìn cũng đủ để giải quyết vấn đề.

Những bậc phụ huynh tự tin thể hiện ở những đặc điểm sau: 

Có nguyên tắc rõ ràng


Họ không đánh đồng khi mọi việc xảy ra. Họ không nịnh, vỗ về hay doạ con. Một cách đơn giản, họ thẳng thắn nói với con điều gì có thể, không thể và phải làm.

Biết được điều gì sẽ xảy ra

Họ can thiệp trước khi để mọi việc tiến xa. Ví dụ, mẹ của một cô bé 4 tuổi biết bé rất có thể trút cơn tức giận về việc gì đó tại cửa hàng hai mẹ con đang mua sắm. Cô đã quyết định trước một bước bằng cách đưa con ra khỏi xe và đứng đợi cùng con cho đến khi cơn tức giận qua đi. Làm vậy, mỗi khi cô bé tức giận, nó lại nhìn thấy mẹ không hề mất bình tĩnh bởi vì mẹ có thể kiểm soát tình hình. Cách tốt nhất đối với cô bé trong tình huống trên là kiềm chế sự tức giận.

Lập trường kiên định

Bố mẹ của một cậu bé nói với nó rằng nếu như không chuẩn bị sẵn sàng trước khi đến giờ đi học nó sẽ không được phép ra ngoài chơi hay xem TV sau khi đi học về và phải đi ngủ sớm hơn thường lệ 1 tiếng. Trong tuần đầu tiên, nó chỉ đi hoàn thành mọi việc đúng giờ có một buổi. Bố mẹ bé vẫn tiếp tục kiên trì áp dụng biện pháp đó. Cuối cùng, phải mất đến 2 tuần cậu bé mới ý thức được việc phải làm. Nhưng từ đó trở đi, nó luôn ở tư thế sẵn sàng lên đường khi đến giờ đi học.

Dạy bé cách chế ngự cảm xúc

Khi chán nản, trẻ cũng thường dễ cáu giận vô cớ như người lớn. Để giúp trẻ biết cách chế ngự cảm xúc một cách lành mạnh, dưới đây là khuyến cáo của Quỹ Nemours: 


- Giúp trẻ bày tỏ cảm xúc và tại sao lại có cảm xúc đó. Hãy trò chuyện với con, thay vì tranh luận. Luôn khuyến khích con bình tĩnh kể lại những điều đã làm bé bực bội.

- Khuyến khích bé đi bộ loanh quanh mỗi khi bé cảm thấy bực bội và dành cho bé 1 không gian hay thời gian nhất định để bé đủ bình tĩnh trở lại.

- Hãy gợi ý cho trẻ một vài cách để giải tỏa nỗi bực tức – ví như viết hay vẽ ra những điều bé đang cảm thấy.

- Hướng trẻ tới một việc làm, sự vật khác để bé nhanh quên nỗi bực bội như rủ bé ra ngoài, nhảy nhót trong phòng ngủ….

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Dạy trẻ tiêu tiền không bao giờ là sớm

Từ tuổi nào mới nên cho con tiếp xúc với tiền bạc? Biết về tiền quá sớm có làm trẻ hư?... Đó là băn khoăn của rất nhiều bà mẹ khi trên thực tế nhiều em bé đã bị "lệch chuẩn" do đồng tiền.

Chị Hương (29 tuổi, Mai Động), dứt khoát: "Con tôi sẽ chỉ biết đến tiền bạc khi vào cấp 2. Trẻ con mà dính đến tiền là hỏng ngay, kinh nghiệm xương máu của bà chị đấy".

Cu Khanh, con của chị gái Hương, học lớp 5. Mỗi ngày Khanh được mẹ cho 100 nghìn đồng để ăn sáng và tiêu vặt. Cậu bé dồn tiền vào chơi game điện tử. Hết tiền, Khanh nói dối là cần mua thêm sách vở, dụng cụ học tập để xin thêm. Có khi cùng một khoản nhưng cậu xin được đến 4 lần sau khi "gặp riêng" ông, bà, bố, mẹ. Có lần, bà nội Khanh còn bắt gặp cháu đích tôn lén rút tiền trong túi bố.

Thấy "tấm gương" đó, chị Hương quyết định giữ sự trong sáng cho con bằng việc cách ly con hoàn toàn với tiền. Cậu bé học lớp 3 không được tự ý mua một thứ gì, tiền mừng tuổi mẹ cũng giữ hộ. Muốn mua gì, dù là cục tẩy hay cây kem, cậu bé đều phải nói với mẹ và mẹ sẽ mua cho.

Không chỉ Hương, nhiều bà mẹ cũng lo lắng về ảnh hưởng xấu của tiền bạc với con cái. Họ rất băn khoăn về việc lúc nào thì nên cho trẻ biết về đồng tiền và sử dụng nó. Theo thạc sĩ Trần Văn Tính, giảng viên tâm lý Đại học Quốc gia Hà Nội, câu trả lời là: Càng sớm càng tốt, ngay khi nhận thấy trẻ có thể hiểu được. Nếu hoàn toàn không biết gì về tiền bạc, trẻ lớn lên sẽ không biết tính toán và trở nên ngô nghê, bị động.

Thạc sĩ Tính kể: Có lần một nam sinh viên có quan hệ khá thân với gia đình ông gọi điện, bảo mẹ đi vắng, đưa 100 nghìn đồng bảo tự mua đồ ăn sáng; và cậu nhờ chỉ giúp là với số tiền đó thì mua cái gì, ở đâu. Hóa ra từ bé đến nay, ngoài việc đóng tiền học và sắm sách vở, cậu chưa phải tự mua bất cứ cái gì cho sinh hoạt cá nhân nên hoàn toàn lúng túng khi phải tự mua qùa sáng.

Việc sử dụng tiền giúp đứa trẻ phát triển trí thông minh, khả năng tính toán, quản lý và tổ chức cuộc sống. Ngoài ra, qua đồng tiền, bố mẹ cũng có cơ hội dạy con biết giá trị của sức lao động và quý trọng lao động. Bạn nên nói cho trẻ hiểu, để có được tiền cho con mua đồ chơi, sách vở..., bố mẹ đã phải làm việc vất vả như thế nào, từ đó trẻ sẽ biết quý đồng tiền và không tiêu pha hoang phí.

Câu chuyện của người bố sau đây là một gợi ý: Con gái xin 10.000 đồng để mua hộp kem. Hai bố con ra đường, nhìn thấy một chị lao công cặm cụi quét rác dưới trời mưa. Bố bảo: "Con biết không, cô ấy làm vất vả như vậy cả buổi tối mà cũng chỉ được 10.000 thôi đấy". "Làm cả buổi tối mà chỉ mua được một hộp kem thôi hả bố?" - con gái tần ngần. Và từ đó bé rất cân nhắc khi xin tiền, và băn khoăn thương bố khi thấy bố làm việc khuya.

Con bạn sẽ không thể hiểu được giá trị của đồng tiền nếu bố mẹ cứ cho ngay mỗi khi được yêu cầu. Thạc sĩ Trần Văn Tính kể: Có lần ông đi picnic cùng một nhóm học sinh. Có vài em vào cửa hàng, nhặt ào ào đủ loại thức ăn rồi thanh toán số tiền lớn mà không cần hỏi giá. Nhưng trong buổi đi chơi, các em cũng chỉ ăn vài miếng rồi sau đó vứt hết cho nhẹ ba lô.

Khi được hỏi, mấy học trò này chỉ nói đơn giản: "Có đáng gì đâu ạ? Cứ mua nhiều cho nó thoải mái, ăn hết bao nhiêu thì ăn". Những cháu bé này không hề có ý niệm gì về giá trị của đồng tiền nên sẽ không biết quý trọng công sức của bố mẹ, vì vậy chưa chắc đã biết ơn khi nhận số tiền lớn so với những trẻ khác chỉ được cho 10.000 đồng nhưng biết tiền ấy do đâu mà có.

Vì vậy, bạn đừng bao giờ cho tiền ngay khi con xin. Nên yêu cầu trẻ nói rõ sẽ dùng số tiền đó để mua gì, thứ đó cần thiết như thế nào, nếu chính đáng mới đồng ý (nếu không thì phải giải thích cho con hiểu). Chẳng hạn, nếu trẻ bảo muốn mua một con búp bê, bạn hãy hỏi con tại sao muốn có nó trong khi bé đã có những búp bê khác, thứ đồ chơi mới ấy hấp dẫn ở chỗ nào, và có thể yêu cầu bé tỏ ra xứng đáng với món quà (như trong vòng 1 tuần tới luôn tự giác dậy đúng giờ để đến lớp).

Với cách trên, con bạn sẽ rèn luyện được khả năng diễn đạt ý kiến, khả năng thuyết phục, và không nhiễm phải tư tưởng đòi gì được nấy như nhiều "con cưng" hiện nay.

Sau khi cho, bạn nên giám sát để biết trẻ có dùng tiền đúng mục đích nó nói hay không, vì không ít trẻ nêu lý do rất chính đáng nhưng thực tế ngược lại. Trường hợp của Minh (15 tuổi, Kim Giang, Hà Nội) là một ví dụ. Cậu bé xin bố 300.000 đồng để mua quà tặng gia sư - người mà cả gia đình đều quý mến. Bố cậu cho ngay, và sau đó phấn khởi biết rằng thầy giáo được tặng chiếc cà vạt rất đẹp. Một thời gian sau, tình cờ ông biết được rằng vào dịp đó, Minh cũng xin tiền của mẹ, ông nội, bà nội... với một lý do trên. Số tiền dôi ra, cậu cùng mấy người bạn thử mùi karaoke "tươi mát".

Vậy phải chăng thay vì cho tiền, bố mẹ nên đi cùng con đi mua những thứ trẻ yêu cầu? Theo các chuyên gia, điều này không cần thiết, nhất là với trẻ lớn, vì sẽ gây nên tính thụ động, kém tính toán và phản ứng tiêu cực ở trẻ khi thấy mình không được tin tưởng. Nếu thực sự quan tâm, bạn sẽ có những cách tế nhị để biết con mình sử dụng đồng tiền có đúng mục đích hay không.


VnE

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Trẻ có thể tự tử vì người lớn không quan tâm

Con sẽ chết vì quá chán nản và thất vọng với cuộc sống, 14 tuổi với con là quá đủ...', cầm bức thư của con gái trên tay, chị Lan nhà ở quận 3, TP HCM, không ngờ nguyên nhân khiến cô bé muốn chết chỉ vì chị mượn tiền của con mà không trả.

Trước các chuyên gia tâm lý thuộc, bé Xuân con chị Lan kể, do không có cha nên mọi tình cảm em dành hết cho mẹ. Nhưng từ 2 năm nay, Xuân mất hết thần tượng từ mẹ vì mẹ mượn 2 triệu đồng tiền bỏ ống heo của Xuân mà không thấy trả lại.

"Con đã vài lần nhắc nhưng mẹ cứ ừ hữ cho qua mà không quan tâm. Con không muốn nhìn mặt mẹ, không thèm nói chuyện với mẹ nữa vì mẹ là người lớn nhưng lại không giữ lời. Vì quá chán nản nên con quyết định mua thuốc uống cho xong", Xuân nói.

Theo chị Lan, mẹ của Xuân, trước khi xảy ra sự việc, Xuân hay ngồi thừ người, về nhà là chui vào phòng một mình mà không thèm nói chuyện. Chị thừa nhận trước đó vì quá lu bu công việc bên cũng không có thời gian trò chuyện với con.

Tuấn, học sinh lớp 7 của một trường ở quận 8, vốn luôn dẫn đầu lớp trong kết quả học tập, nhưng đến năm lớp 9, khi về nhà, Tuấn như một cái bóng, im lặng, không nói chuyện với ai. Sự việc kéo dài hơn 3 tháng thì Tuấn quyết định uống thuốc tự tử. May mắn là gia đình đã kịp đưa em đến bệnh viện cấp cứu.

Sau bình phục, Tuấn được chuyển đến gặp các bác sĩ tâm lý, tại đây, Tuấn cho biết, em không muốn giao tiếp và quyết định tự tử vì cha mẹ buộc khi học xong lớp 12 phải ở nhà buôn bán. Trong khi em muốn được học đại học. Em đã thuyết phục vài lần nhưng cha mẹ không quan tâm.

Cuối năm 2007, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cấp cứu cùng lúc 2 bệnh nhi Thanh, Dung, nhập viện trong trạng thái hôn mê do uống thuốc để kết liễu cuộc đời.

Qua tiếp xúc, mỗi em đều có một tâm sự. Em Thanh mới học lớp 8 nhưng thời gian để giải trí hầu như không có, em phải học ở trường, rồi học thêm nhiều môn, dẫn đến trạng thái quá tải, em bị nhức đầu thường xuyên và cảm giác bị áp lực phải học đạt điểm cao nên quyết định uống thuốc. Còn Dung, ba mẹ ly dị, phải ở với bà nội, em buồn vì không có ba mẹ đưa đón đi học như các bạn cùng trang lứa, thiếu thốn tình thương yêu của ba mẹ nên quyết định uống paracetamol để chết.

Người nhà của các em đều cho rằng, họ không ngờ các em lại hành động như vậy. "Chỉ thấy trước khi tự tử, các em có một thời gian dài không muốn tiếp xúc với mọi người trong gia đình", một phụ huynh cho biết.

Theo bác sĩ chuyên khoa tâm lý của các bệnh viện nhi tại TP HCM, những trường hợp trên, trước khi tự tử, đều bị trầm cảm - một chứng rối loạn tâm thần có biểu hiện rất đa dạng và cũng là nguyên nhân gây cô độc chán nản cho trẻ.

Trầm cảm ở trẻ có thể xuất hiện không vì nguyên nhân trực tiếp mà do những dồn nén từ tuổi ấu thơ bùng phát vô ý thức thành bệnh, cũng có thể xuất phát từ những đau đớn, khó chịu do sự phát triển quá nhanh của cơ thể ở giai đoạn dậy thì.

Hầu hết các ca nhập viện đều đã trở thành mạn tính nên việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn. Tuy nhiên khi đã được chẩn đoán và điều trị sớm, hơn 80% trẻ trầm cảm đã hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường.

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em buồn tủi, chán nản và muốn chết là vì phụ huynh mải mê công việc không quan tâm đến trẻ; hoặc không chịu tìm hiểu những gì trẻ đang nghĩ đang thích mà chỉ biết áp đặt khiến trẻ bị gò bó tù túng, chán nản và bất hợp tác.

"Để ngăn trẻ trầm cảm, phụ huynh cần quan tâm đến những biểu hiện tinh tế nhất của trẻ. Càng phát hiện sớm những biểu hiện bất thường càng giúp trẻ thoát khỏi bế tắc. Điều trị trầm cảm bằng cách an ủi, động viên, trò chuyện thường tỏ ra có hiệu quả ", ông Sơn nói.

Theo Tiến sĩ Sơn, nếu trẻ có các triệu chứng sau đây và kéo dài hơn 2 tuần thì phụ huynh nên mang trẻ đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được chẩn đoán:

- Buồn, xuống tinh thần vô cớ; thiếu năng lượng, uể oải, không muốn làm bất cứ điều gì, không có hứng thú với nhiều thứ thậm chí cả khi được khen thưởng, cho đi chơi...; cảm thấy chán chường, bất an, dễ nổi cáu; không có khả năng tập trung.

- Tăng hoặc giảm cân một cách bất bình thường, ăn quá nhiều hay quá ít; thay đổi rất rõ trong giấc ngủ như cảm thấy khó ngủ và mệt mỏi khi thức giấc; có biểu hiện cảm thấy tội lỗi và vô dụng; cơ thể mệt mỏi, cơ bắp đau nhức.

- Chẳng quan tâm đến những gì sẽ xảy ra trong tương lai; thường xuyên nghĩ đến cái chết hoặc muốn tự tử.

VnE
DBS M05479
Quang Cao